Hành hương và du lịch tôn giáo: thử tìm cách định nghĩa

0
2174

Maciej Ostrowski

Trích Thời sự Thần học, Số 74 (tháng 11/2016)

Đây là bài thuyết trình nhân dịp Hội nghị các thánh điện và hành hương châu Âu, tổ chức tại Monserrat (Tây ban nha) từ ngày 4-7/3/2002. Tác giả là một giáo sư thần học tại Cracovia tìm cách định nghĩa hai khái niệm: “hành hương” (cổ điển) và “du lịch tôn giáo” (mới xuất hiện vào cuối thế kỷ XX). Sau khi trình bày những ý kiến muốn phân biệt hai hình thức (dựa trên động lực), tác giả nhận thấy những tiêu chuẩn ấy không thuyết phục. Tốt hơn là nên vạch ra những tương đồng giữa đôi bên, và tìm cách hướng các cuộc du lịch tôn giáo thành cuộc hành hương. Bài thuyết trình không cung cấp nguồn các chỗ được trưng dẫn. Ban biên tập sẽ bổ túc với thư mục ở cuối.

Nguồn: http://www.mercaba.org/FICHAS/Evangelizacion/peregrinacion_o_turismo_religios.htm

Các cuộc hành hương có một lịch sử lâu đời, có trước lịch sử Giáo hội và có lẽ trước cả lịch sử dân Israel trong Cựu ước. Các cuộc hành hương không chỉ xuất hiện trong Kitô giáo: nhiều tôn giáo khác đã và vẫn còn thực hiện những cuộc hành hương.

Thuật ngữ du lịch tôn giáo mới được nặn ra từ mấy chục năm nay, có lẽ cùng ra đời với thuật ngữ “du lịch”. Tuy nhiên, thử hỏi: phải chăng thời xưa không có thứ du lịch nào giống như cái mà ngày nay ta gọi là “du lịch tôn giáo”? Điều chắc chắn là trước đây nó chưa xuất hiện như một hiện tượng đại chúng. Thế nhưng, trong quá khứ, phải chăng những người đi hành hương đã không nuôi dưỡng ý định muốn hiểu biết thêm thế giới, muốn thỏa mãn tính tò mò, đôi khi còn hơn là đi tới nơi thánh sao?

Chúng tôi sẽ cố gắng xác định ý nghĩa của các từ ngữ, mặc dù biết rằng đây chỉ là sơ thảo mà thôi. Hành hương được định nghĩa như là “một cuộc hành trình đi đến một nơi được coi là thánh bởi vì Thiên Chúa đã hành động tại đó”. Cuộc hành trình này được thực hiện do động lực tôn giáo và nhằm thi hành những hành vi thống hối hoặc sùng đạo. Nó phát sinh từ ước muốn tiếp xúc với Thánh Thiêng. Du lịch tôn giáo là một hành trình du lịch trong đó yếu tố tôn giáo là một trong những mục tiêu chính. Những động lực cổ truyền của du lịch là: ước muốn di chuyển, nghỉ ngơi,  tò mò muốn biết thêm phong cảnh mới, những con người mới và gia sản văn hóa. Ngày nay, hành trình du lịch còn thêm nhiều yếu tố khác nữa.

Thuật ngữ “du lịch tôn giáo” được bắt đầu du nhập vào văn chương không những ngoài đời mà cả trong các văn kiện của Giáo hội nữa. Văn kiện Kim chỉ nam cho mục vụ du lịch do Tòa thánh ban hành năm 2001, trong bản gốc đã sử dụng thuật ngữ turismus religiosus : đây là một từ mới chế tạo trong tiếng latinh, kèm theo danh từ cổ điển peregrinatio ở trong ngoặc. Đọc kỹ văn kiện, ta không thấy chỗ nào định nghĩa chính xác hai khái niệm vừa kể.

Các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II nhiều lần nói rằng hành hương là một hình thức du lịch. Tuy nhiên, cũng giống như văn kiện vừa nhắc trên đây, các ngài không cung cấp cơ sở nào để định nghĩa hai ý niệm ấy.

Nếu phân tích sâu xa vấn đề thì có thể khám phá những tiêu chuẩn nền tảng tạo nên sự khác biệt giữa du lịch tôn giáo và hành hương. Tiêu chuẩn sâu xa nhất là những động lực thúc đẩy cuộc hành trình. Động lực của hành hương – điều này không chỉ riêng của Kitô giáo – tiên vàn mang tính tôn giáo: đi đến một địa điểm tôn giáo. Toàn thể chuyến hành hương là một hành vi thờ phượng, kết nối với cầu nguyện, thống hối và những hình thức đạo đức khác suốt chuyến đi và tại nơi thánh (locus sacer). Cuộc hành hương không loại trừ những động lực khác, tựa như làm bạn với các khách hành hương khác, thăm viếng những địa điểm thích thú, và kể cả trải  nghiệm cảnh mạo hiểm, thư giãn, giải trí. Theo ý kiến của A. Jackowski, động lực của du lịch tôn giáo là kiến thức tôn giáo, hoặc đơn thuần chỉ là kiến thức. Người ta đi đến một nơi thánh, nhưng đó không phải là tiêu điểm chót. Tuy dù có sốt sắng tham dự vài hành vi thờ phượng, nhưng khi thăm viếng một thánh điện hoặc một thánh đường, các khách du lịch dành ưu tiên cho sự viếng thăm những đối tượng thuộc về văn hóa tôn giáo. I. Baumer nói đến hai “chiều hướng ý nghĩa” của việc du hành, do những động lực khác nhau. Ý nghĩa chính yếu thúc đẩy hành hương là “ý nghĩa tôn giáo bao gồm cả những yếu tố khác”, và không loại trừ những ước mong khác nữa.

Tại Hội nghị thế giới lần thứ IV về Mục vụ du lịch diễn ra tại Roma năm 1990, người ta dùng một công thức hơi khác với điểm mà chúng ta đang bàn. Văn kiện cuối cùng sử dụng thuật ngữ “du lịch văn hóa với định hướng tôn giáo”, nghĩa là những hành trình được thúc đẩy bởi những động lực tôn giáo và văn hóa, “vừa dẫn đến một tương quan với Thiên Chúa, vừa dẫn đến kiến thức sâu đậm hơn về đời sống con người, cộng đồng lữ hành trên trần gian này”. Nếu du lịch được hiểu theo nghĩa ấy thì sẽ góp phần vào việc hiểu biết gia sản văn hóa phong phú do gia đình nhân loại đã tạo nên. Một phần cốt yếu của gia sản ấy là tôn giáo, nó dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa. Một khi đã thấm nhuần các giá trị văn hóa, thì người du lịch cũng gặp thấy con người đưa đến thực tại siêu nhiên.

Để định nghĩa du lịch theo nghĩa đang nói, vài tác giả dùng thuật ngữa “du lịch học hỏi tôn giáo”. J. Kosiewicz sử dụng những công thức sau đây để phân biệt giữa hành hương và du lịch tôn giáo: “Du lịch học hỏi tôn giáo với tính cách tôn giáo” – “du lịch học hỏi tôn giáo với tính cách phàm trần”. Chúng tôi không muốn phê bình những nguyên tắc do tác giả định nghĩa, nhưng chúng tôi thấy rằng chúng không thích hợp với đề tài muốn bàn ở đây. Một cuộc du lịch để nghiên cứu tôn giáo cũng có thể thực hiện bởi những người vô tín ngưỡng; đối với họ, sự hiểu biết về tôn giáo, sự viếng thăm các nơi thánh, các nghi thức, chỉ là những đề tài tìm hiểu mà thôi. Một loại du lịch như thế cũng có thể được thực hiện bởi những người có đạo nhưng vẫn giữ một thái độ lạnh lùng khi nghiên cứu. Thậm chí loại du lịch như thế cũng có thể được thực hiện bởi những tín đồ của một tôn giáo này đi thăm viếng những nơi thánh của tôn giáo khác; mặc dù họ vẫn tôn trọng tôn giáo ấy, nhưng họ vẫn giữ thái độ của một nhà quan sát.

Sau những phân tích vừa kể, thử hỏi: thuật ngữ “du lịch tôn giáo” có cơ sở khoa học không? Điều chắc chắn là nó không thiếu cơ sở. Tuy vậy, thiết tưởng nên nhìn nhận rằng thuật ngữ này không phải là kết quả của những suy luận khoa học chặt chẽ, mà chỉ là kết quả của nhận xét về một thực tại đang diễn ra. Thật hiếm khi gặp thấy một cuộc du lịch hội đủ những mục tiêu của kiến thức tôn giáo. Xem ra khía cạnh “kiến thức” lấn át khía cạnh “tôn giáo”. Dù sao, điều này cũng cho thấy rằng khi đi du lịch, ngoài việc nghỉ ngơi và hiểu biết, con người còn có những nhu cầu khác nữa từ cõi thâm sâu của tâm hồn. Nhận xét này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi đi sâu hơn vào vấn đề.

Những khó khăn trong việc định nghĩa các từ ngữ

Khi đối chiếu “hành hương” với “du lịch tôn giáo”, ta nhận thấy rằng trên thực tế thật là khó mà phân biệt hai khái niệm ấy. Có thể lấy một cơ sở khách quan để phân biệt, đó là những mục tiêu chính yếu của hành trình. Mục tiêu chính của người hành hương là việc gặp gỡ thực tại thánh thiêng. Vì thế, trong chương trình, cần phải xếp đặt các hành vi đạo đức, kinh nguyện, cử hành lễ nghi, vân vân. Như vậy yếu tố cốt yếu của cuộc hành hương là niềm tin của những người tham gia, tâm tình đạo đức của họ. Thế nhưng đây là một yếu tố chủ quan, không thể nào đo lường hết mọi khía cạnh được. Trong một cuộc hành hương rất đạo đức, đầy ắp những chương trình kinh nguyện, vẫn có thể có những người mang theo các động lực ngoài tôn giáo: hiểu biết, cảm xúc, kết thân với những người khác, vân vân. Ngược lại, trong một cuộc du lịch thông thường, trong đó có ghi thêm một địa điểm tôn giáo, có thể trở thành một trải nghiệm tôn giáo đối với nhiều người tham gia.

Ta có thể lật ngược vấn đề, và đặt lại câu hỏi như thế này: có cuộc hành hương nào là “thuần túy tôn giáo”, chỉ bao gồm các hành vi đạo đức mà thôi (kinh nguyện, cử hành) hay không? Nhìn từ phía tâm lý con người, cần phải xen kẽ những khoảnh khắc nghỉ ngơi giữa các việc đạo đức chứ! Người đi hành hương vẫn là một con người, mang nhiều động lực khác nhau. Tuy rằng mục tiêu chính của hành hương là đi viếng nơi thánh, nhưng con người đi hành hương cũng muốn thỏa mãn tính tò mò, muốn biết những chỗ mới, thư giãn, gặp gỡ bạn bè. Điều này có thể nhận thấy nơi những cuộc hành hương lâu ngày, đặc biệt là đi bộ. Những động lực đó không làm biến đổi mục tiêu là hành hương.

Các bậc sư phụ đời sống tâm linh đã dạy rằng không thể nào kéo dài lâu một buổi cầu nguyện sâu đậm. Cần phải ngắt quãng. Tình trạng quá căng thẳng có thể gây ra hiệu quả trái ngược với điều mong muốn. Con người cần giữ vệ sinh về thân thể, tâm lý và thiêng liêng. Vệ sinh thiêng liêng đòi hỏi giữ thăng bằng giữa những biến cố cao siêu và những biến cố tầm thường.

Kể cả những sự kiện “tầm thường” cũng có thể trở thành con đường mà ta phải sử dụng để đạt đến các giá trị cao siêu. Ngồi quây quần quanh bếp lửa và chung vui ca hát, điều đó không quan trọng để tạo nên một cộng đoàn huynh đệ trong Chúa Kitô đấy ư? Ca hát chẳng phải là cách biểu lộ của niềm vui Phúc âm đấy ư?

Chúng ta có thể tiếp tục suy nghĩ để vạch ra sự khác biệt giữa một cuộc du lịch tôn giáo với một cuộc thăm viếng một nhà thờ thông thường. Một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng điều này tùy thuộc rất nhiều vào thái độ khi người ta bước vào một nơi thánh. Trong một cuộc du lịch tôn giáo, người ta giả thiết rằng những người tham gia là tín hữu muốn quan sát tất cả những gì có liên quan đến niềm tin, kể cả những giây phút cầu nguyện, suy gẫm, cử hành. Điều quan trọng không chỉ là làm dấu thánh giá khi bước vào nhà thờ, quỳ gối và đọc kinh. Cuộc thăm viếng cốt ở chỗ  người du khách (hoặc người tín hữu) muốn xem cái gì mới lạ thích thú trong nhà thờ, hoặc chỉ là một thoáng trong cuộc đi dạo thăm viếng thành phố. Chính vì nghĩ đến những hạng người như vậy cho nên cần phải dán thông cáo ở cửa nhà thờ, chẳng hạn như: đừng hút thuốc lá, đừng ăn kem, đừng dắt chó vào nhà thờ, vv.

Một cuộc du hành cũng có thể trở thành một cuộc hành hương, với điều kiện là cần biết chuẩn bị và tổ chức: điều này tùy thuộc vào người hướng dẫn đoàn du lịch, hay giáo viên hướng dẫn các học sinh, hoặc vị quản đốc nhà thờ, biết cách trình bày những giá trị của nơi thánh, và nhất là qua cung cách tỏ ra đối với nơi thánh.

Tôi xin phép kể lại một kinh nghiệm bản thân. Tôi nhận thấy rằng có nhiều người bắt đầu với một cuộc du lịch “đời”. Với thời gian, họ bắt đầu nhận biết những giá trị sâu xa hơn, nhờ những suy nghĩ cá nhân nhưng cũng nhờ những người hướng dẫn đoàn du lịch. Những hướng dẫn viên có khả năng chuyển tải tầm quan trọng của những nơi viếng thăm dưới khía cạnh đức tin và tôn giáo. Một linh mục hướng dẫn đoàn du lịch thỉnh thoảng đề nghị phái đoàn đọc kinh khi đến nhà thờ. Có những người sẽ không đặt chân đến nhà thờ nếu họ không đi theo một đoàn du lịch; thế rồi sự viếng thăm này lại biến thành một hành vi tôn giáo. Sự biến đổi này đòi hỏi một tiến trình giáo dục lâu dài.

Những tranh cãi chung quanh từ ngữ “du lịch tôn giáo”, và thử tìm một lối giải quyết

Nhiều người tỏ ra bất bình khi nghe thuật ngữ “du lịch tôn giáo”. Dưới khía cạnh tôn giáo, đây là một thuật ngữ mới ra đời và mang tính hàm hồ. Phải chăng đây là hiệu quả của tiến trình thế-tục-hóa đang bành trướng, xóa bỏ mọi dấu vết linh thiêng ra khỏi đời sống con người? Phải chăng đây là dấu hiệu của sự suy thoái về đạo nghĩa? Hành hương là một hành vi tôn giáo. Nếu ghép tính từ tôn giáo vào danh từ du lịch, phải chăng ta để cho du lịch chi phối tôn giáo, và đặt nó ngang hàng với các loại du lịch khác : du lịch văn hóa, du lịch thể thao, và thậm chí du lịch tính dục ?

Dĩ nhiên, một nhà xã hội học có quyền sử dụng thuật ngữ “du lịch tôn giáo”, nhằm phân tích các động lực khác nhau để phân biệt với các loại du lịch khác. Họ dựa trên những tiêu chuẩn nhân văn theo chuyên ngành của mình, chứ không quan tâm đến các tiêu chuẩn siêu nhiên. Câu hỏi được đặt ra như thế này: các nhà xã hội học đặt ra từ ngữ phù hợp với phương pháp của họ; các nhà thần học và mục vụ có nên sử dụng thuật ngữ ấy hay không, hay là chỉ nên sử dụng từ ngữ cổ truyền là “hành hương”?

Chúng ta đã cân nhắc những lập luận bênh vực và chống đối. Thiết tưởng không có lý do gì buộc chúng ta khước từ sử dụng một thuật ngữ mới để diễn ta một hình thức du lịch mới, nằm ở giữa linh thiêng và phàm tục. Điều quan trọng là hiểu rõ ý nghĩa của các từ ngữ, và nhất là các thái độ đàng sau các từ ngữ. Điều này tùy thuộc phần lớn vào những hướng dẫn viên, những người thiết lập chương trình du lịch hoặc hành hương.

Thiết tưởng câu trả lời cho song luận được nêu ra tùy thuộc vào việc hiểu biết ý nghĩa thần học sâu xa của sự nghỉ ngơi. Du lịch là một hình thức nghỉ ngơi một cách tích cực. Chúng tôi muốn dừng lại suy tư về một câu nói của ĐTC Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Nowy Targ (Ba Lan) ngày 8/6/1979. Ngài ca ngợi cảnh đẹp của Podhale, nơi mà nhiều người từ khắp nước đến để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng, qua những cuộc khám phá, thám hiểm trên núi. Đến đây, ngài trích dẫn thi hào C.K. Norwid: “Nghỉ ngơi có nghĩa là tái tạo”: tạo dựng về thân thể cũng như về tinh thần. Ngài nhắc đến câu nói của thánh Phaolô: nghỉ ngơi là xây dựng con người mới, theo nghĩa của Kinh thánh.

Từ ngữ “nghỉ ngơi” theo nghĩa của Kitô giáo bao hàm nhiều khía cạnh. Nó có nghĩa là  phục hồi sức lực, nhờ nghỉ dưỡng hoặc thao luyện, tùy theo nhu cầu của mỗi người (người lao công cần nghỉ dưỡng sức, còn nhà trí thức ngồi suốt ngày trong bàn giấy thì cần vận động). Nó có nghĩa là nghỉ ngơi về tâm lý, nhờ yên tĩnh, thinh lặng, chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc của các tác phẩm nghệ thuật. Nó cũng bao hàm việc trau dồi tinh thần nhờ văn hóa vật thể hoặc phi vật thể. Sâu xa hơn nữa, sự nghỉ ngơi còn bao hàm sự gặp gỡ với người khác để gây mối tình hiệp thông với họ.  Như vậy, nghỉ ngơi theo ý nghĩa sâu xa nhất là nghỉ ngơi tinh thần, tiếp xúc với Linh thiêng, với Thiên Chúa. Đây là thời gian suy nghĩ về ý nghĩa đích thực của cuộc đời, và từ đó định hướng cho mọi hoạt động của mình. Chính sự gặp gỡ Thiên Chúa là sự nghỉ ngơi cuối cùng của con người. Lúc đó con người đạt tới sự nghỉ ngơi đích thực, cuộc “tạo dựng mới”, cuộc tái tạo con người mới, con người trọn vẹn gồm cả thân xác và linh hồn.

Dưới viễn tượng này, cuộc du lịch tôn giáo có một giá trị rất lớn. Đó là cơ hội để con người được nghỉ ngơi dưới tất cả mọi phương diện. Chúng ta dám nói là nó giúp cho con người khỏi rơi vào những tục lệ du lịch đơn điệu. Đó là một đề nghị đòi hỏi ít cố gắng hơn là một cuộc hành hương. Thế nhưng, có buộc tất cả những cuộc nghỉ ngơi phải trở thành cuộc hành hương không? Dù sao, thiết tưởng những người đi nghỉ ngơi nên cố gắng để khỏi trở thành nạn nhân của nghỉ ngơi, khi mà chỉ chú trọng đến thể xác, chỉ thích đi tìm những thú vui hấp dẫn đến nỗi bỏ qua cả các quy luật luân lý.

Những cơ hội loan báo Tin mừng liên quan đến du lịch tôn giáo

Như chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại, các mục tiêu chính của cuộc du lịch tôn giáo không phải là những hành vi phụng tự. Tuy nhiên, chương trình cũng bao gồm những khoảnh khắc cầu nguyện và tham dự các cuộc cử hành phụng vụ. Cuộc viếng thăm  các địa điểm liên quan đến tôn giáo đương nhiên nhấn mạnh đến chiều kích linh thiêng. Du khách nhận ra một sự khác biệt với các đối tượng khác. Họ không chỉ dừng lại ở các khía cạnh tổng quát về văn hóa và kiến trúc, nhưng còn muốn tìm hiểu những lý do và mục tiêu của việc xây cất địa điểm ấy.

Điều này có tầm quan trọng đối với việc loan báo Tin mừng. Chúng tôi muốn nói đến ảnh hưởng tôn giáo nơi những người mà đức tin yếu ớt hoặc đã xa lìa Giáo hội. Đối với những người này, thật là khó mà đề nghị với họ tham gia một cuộc hành hương nặng về việc đạo đức. Có lẽ họ sẽ thấy khủng khiếp. Trong trường hợp này xem ra đề nghị một chuyến du lịch, trong đó xen lẫn một vài hành vi tôn giáo, thì dễ chấp nhận hơn. Đó cũng là cơ hội để làm chứng tá, qua những cuộc đối thoại, bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ, để giúp cho những người yếu ớt về đức tin có dịp để dần dần xích lại gần với các giá trị siêu nhiên.

Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận những cơ hội may mắn do các cuộc hành hương mang lại. Đôi khi người tham dự cuộc hành hương cũng chẳng phải là người thực hành đức tin. Họ tham gia vì lý do khác, chẳng hạn như là do bạn bè thuyết phục, vì muốn cảm nghiệm điều gì khác thường, vân vân. Nhờ vậy mà dần dần tâm hồn họ cũng được mở ra để đón nhận Tin mừng.

Ngày nay, chúng ta thường hay nói đến sự cần thiết của việc loan báo Tin mừng. Du lịch tôn giáo cung cấp một cơ hội thuận tiện để loan báo Tin mừng : nó tạo ra một đường lối để giảng đạo, hướng đến con người hiện đại, đôi khi được đặt tên là homo turisticus. Ngôn ngữ mới mẻ của họ là “ngôn ngữ của lên đường”.

Điều này đưa chúng ta trở lại với các động lực của việc du lịch tôn giáo. Tiên vàn, cần nhấn mạnh đến sự liên hệ với đức tin, với gia sản văn hóa mà con người có thể biết thêm khi lên đường. Một khi đã lên đường, du khách sẽ đến thăm viếng nhiều nơi có liên hệ đến tôn giáo. Người du khách nhìn nhận rằng nơi ấy được cất lên vì lý do tôn giáo, hoặc nhằm vào việc thờ phượng; nhưng quan trọng hơn nữa họ nhận ra rằng nơi ấy mang tính thánh thiêng, chứ không chỉ là một di tích văn hóa hay lịch sử. Nói cách khác, người du khách cần ý thức rằng nơi này là một trung tâm của đời sống đạo đức, chứ không chỉ là một nơi nổi tiếng vì thắng cảnh thiên nhiên, vì kiến trúc đồ sộ, vì những tranh ảnh nghệ thuật. Người du khách không chỉ dừng lại như một quan sát viên bàng quang, nhưng còn muốn tham dự vào mầu nhiệm thánh thiêng vĩnh cửu. Nếu người du khách để cho mình được thấm nhuần bởi tinh thần ấy, thì họ sẽ tự nhiên cầu nguyện và thờ lạy. Thế là người du khách đã trở thành người hành hương, một người đi trên con đường đức tin.

Những kết luận và ước mong

a) Đối với những « người đời » (nhân viên các hãng du lịch, các hướng dẫn viên, các chủ quán trọ tại nơi hành hương, vv)

Đôi khi người ta đồng hóa cuộc hành hương với chuyến du lịch tôn giáo, coi như một sản phẩm du lịch. Không thể phủ nhận rằng việc tổ chức một cuộc hành hương có thể trở thành một nguồn thu nhập đối với dân cư địa phương, vì thế cần phải để ý đến chuyện tiếp thị  (marketing). Tuy nhiên, sau khi trình bày những góc cạnh khác nhau của việc hành hương, chúng ta có thể nhận thấy rằng nếu chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh vật chất mà bỏ qua khía cạnh tinh thần thì nó sẽ dẫn đến chỗ tiêu hủy không những là hành hương mà luôn cả du lịch nữa. Thật vậy, đừng quên rằng du lịch còn mang một ý nghĩa giáo dục tinh thần nữa. Một cách tương tự như vậy, nếu ta chỉ chú trọng đến khía cạnh vật chất thì cũng có nguy cơ hủy diệt cả văn hóa nữa, bởi vì văn hóa đâm rễ sâu trong tinh thần của con người.

Những người tổ chức chuyến du lịch cần nhận biết các đặc tính của cuộc hành hương, để ghi vào tính cách tôn giáo và chương trình. Tôi muốn tách rời hai khái niệm “tính cách” và “chương trình” bởi vì chúng không đồng nghĩa. Ta có thể xếp một chương trình bao gồm việc tham dự các lễ nghi (Thánh lễ, canh thức, vv), nhưng chưa hẳn là chuyến đi mang tính cách tôn giáo. Tính cách tôn giáo đòi hỏi cái gì hơn nữa: phải làm sao cho toàn thể chuyến đi, từ đầu đến cuối, được hướng dẫn bởi các động lực tôn giáo; những chi tiết khác của chương trình phải nhắm tới mục tiêu đó. Cần phải tôn trọng những tâm tình và ước vọng của những khách hành hương, và phải tìm những hướng dẫn viên có khả năng. Thật không thể tưởng tượng nổi một cuộc hành hương được tổ chức hoặc điều khiển bởi những người vô tín ngưỡng! Tối thiểu phải là những người biết tôn trọng niềm tin của các khách hành hương.

b) Đối với các chức sắc tôn giáo

Ta không nên bám chặt vào các khái niệm cổ truyền. Mặc dù vẫn phải duy trì những truyền thống phong phú của cuộc hành hương, nhưng ta cần biết đón nhận những hình thức mới của cuộc  “lên đường” trong đó bao gồm động lực tôn giáo. Nói theo ngôn ngữ thần học cổ điển, ta cần biết “rửa tội” các hình thức sinh sống của thời đại. Một cách cụ thể, chúng ta phải tìm cách suy nghĩ về những cơ may cho Giáo hội để loan báo Tin mừng mà cuộc du lịch tôn giáo mang lại. Trên thực tế, điều này đòi hỏi chúng ta phải liên lỉ thanh lọc, đào sâu những động lực của cuộc hành trình Kitô giáo.

c) Đối với những người lên đường

Những người sắp sửa thực hiện một chuyến du hành cần phải xác định rõ động lực nào hướng dẫn toàn thể cảm nghiệm của mình. Cuộc hành hương, theo nghĩa chặt, đòi hỏi người hành hương phải tuân theo một lối sống nào đó, chẳng hạn như trung thành với những giờ kinh nguyện cũng như chấp nhận vài sự hạn chế hoặc thiếu thốn, chấp nhận một hệ trật của các cảm nghiệm (chẳng hạn dành ưu tiên cho các việc đạo đức thờ phượng, ở trên các việc khác). Khỏi nói ai cũng biết, ai có chủ ý đi hành hương thì cần chuẩn bị tinh thần nhiều hơn là khi chỉ có ý định đi du lịch, dù đó là du lịch tôn giáo.

———————————

Ban biên tập xin thêm thư tịch để giúp cho ai muốn đào sâu thêm vấn đề

ESTEVE SECALL, Rafael (2000). Turismo y religión. Aproximación a la historia del turismo religioso.  Málaga: Universidad de Málaga.

GRABURN, Nelson (1993). To pray, pay and play. Provence: Centre des Hautes Études Touristiques.

MAC CANNELL, Dean (2003). El turista, una nueva teoría de la clase ociosa. Barcelona: Melusina.

KERHUEL, G. (2008). «La pastorale du tourisme, un chemin de foi?» Rencontre annuelle des délégués diocésains. http:/ / www.eglise.catholique.fr/download/1-1480-0/la-pastorale-du- tourisme-chemin-de-foi.pdf

MAZZA, C. (2007). Turismo religioso. Un approccio storico-culturale. Bologna: Dehoniane.

NOLAN, M. – NOLAN, S. (1989). Christian Pilgrimage in Modern Western Europe; Chapel Hill: The University of North Carolina Press.

PARELLADA, Joseph Enric. (2009). «El turismo religioso. Sus perfiles». Jornadas de Delegados de Pastoral de Turismo, Ávila. http:// www.conferenciaepiscopal.es/ pastoral/turismo/ encuentro/2008/Tosep EnricParellada.pdf.

SESANA, G. (2006). Pellegrini e turisti. L’evoluzione del viaggio religioso, Milano: Hoepli.

TURNER, Victor – TURNER, Edith (1989). Image and Pilgrimage in Christian Culture. New York: Columbia University Press.

VUKONIC, Boris (1996). Tourism and Religion. Oxford: Pergamon.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here