NHỮNG PHỤ NỮ ĐƯỢC XẾP CHUNG VỚI CÁC GIÁO PHỤ

0
910

Maria Burger

Trích Thời sự Thần học, Số 89 (tháng 8 – 2020)

Ngày nay, các học giả giới hạn thời kỳ các giáo phụ vào tám thế kỷ đầu của lịch sử Giáo hội, kết thúc bên Tây phương với thánh Grêgôriô Cả (+604) hoặc thánh Isiđôrô Sevilla (+636), và bên Đông phương với thánh Gioan Đamascô (+749). Tuy nhiên, vào hồi thế kỷ XIX, khi thu thập các tác phẩm thần học cổ điển của Kitô giáo vào bộ Patrologia Latina, linh mục Jacques Paul Migne (1800-1875) có một quan niệm rộng rãi hơn về thời các giáo phụ, kéo dài từ ông Tertullianô cho đến Giáo hoàng Innocentê III (nghĩa là hơn kém bắt đầu từ thế kỷ II cho đến năm 1216), trong đó bao hàm hai phụ nữ thuộc thế kỷ XII, đương thời với thánh Bênađô, đó là: Ildegarda di Bingen (1098-1179), Elizabeth Schönau (1129-1164/5); cả hai đều thuộc dòng Biển Đức. Chúng ta sẽ tìm hiểu hai tác giả này, cùng với thánh nữ Gertrude Cả (1256-1301). Việc nghiên cứu cuộc đời của các vị sẽ giúp đánh tan vài thiên kiến, cho rằng phụ nữ thời xưa dốt nát, thất học. Ba tác giả này, ngoài những cảm nghiệm tâm linh thiên phú, còn thông thạo thiên văn, y khoa nữa.

Nguồn: Maria Burger, Teologia, visione e profezia. Ildegarda di Bingen e altre donne teologhe, “Il mondo delle scuole monastiche: XII Secolo”, vol.III della Collana «Figure del pensiero Medievale» diretta da I. Biffi e C. Marabelli, edito da Città Nuova e Jaca Book, 2010. Bài này chỉ tóm lại ba trong số sáu vị được trình bày. http://www.laityfamilylife.va/content/dam/laityfamilylife/Documenti/donna/teologia/italiano/teologia-visione-profezia-1.pdf

——————

I. Hildegard Bingen (1098-1179)

Hildegard được xếp đầu danh sách không chỉ vì lý do niên tuế, nhưng còn vì nhiều lý do khác: bà là một người đã viết nhiều sách thuộc các lãnh vực khác nhau và bà cũng tham gia vào sinh hoạt của Giáo hội đương thời.

A. Tiểu sử

Sinh tại Bermersheim bên Đức năm 1098 trong một gia đình thượng lưu, Hildegard khi lên 8 tuổi đã được giao cho Jutta di Sponheim, giám sư tập sinh của đan viện Disibodenberg, để lo việc giáo dục. Cùng với các thiếu nữ khác, Hildegard được dẫn nhập vào luật thánh Biển đức và học việc thực hành bình ca. Kế đó cô theo các lớp Kinh Thánh với thầy Volmaro cũng thuộc đan viện Disibodenberg, nhờ vậy, cô đã có kiến thức sâu rộng về Kinh thánh và các giáo phụ. Vào khoảng năm 1115 Hildegard quyết định gia nhập đan viện và tuyên khấn trọn đời. Năm 1136, khi Jutta Sponheim qua đời, Hildegard được bầu giữ chức đan viện mẫu. Trong cương vị này, chị không chỉ lo các công việc thường nhật của đan viện, nhưng còn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trong Giáo hội và xã hội, cũng như nhiều nhà chuyên môn để lo việc xây cất đan viện.

Năm 1141 cuộc đời của chị bắt đầu thay đổi vì nhận được một lệnh từ Trời phải thi hành nhiệm vụ ngôn sứ. Chị đã kể lại chi tiết những thị kiến đã nhận được khi còn nhỏ tuổi: “Vào năm ba tuổi, tôi đã nhận được một tia sáng cực mạnh khiến tôi phải hốt hoảng, nhưng vì còn quá bé nhỏ, cho nên tôi không dám tiết lộ cho ai hết”. Các thị kiến vẫn còn tiếp diễn, khiến cho chị hoang mang, nhất là khi hỏi các bạn đồng lứa tuổi thì họ không hề nhận được cảm nghiệm nào tương tự. Chị viết tiếp: “Và cho đến năm lên 15 tuổi, tôi nhận được nhiều thị kiến, và tôi đã kể lại cho nhiều người. Họ nghe và ngạc nhiên, muốn biết nguồn gốc các thị kiến ấy từ đâu. Chính tôi cũng ngạc nhiên nữa, bởi vì tôi không học biết từ bất cứ một người nào hết. Vì lý do ấy, tôi phải giữ riêng trong mình”.

Tình hình thay đổi khi Hildegard đã trưởng thành. Năm 42 tuổi, bà được lệnh phải truyền đạt điều đã thấy. Ở nhập đề tác phẩm chính của mình Sci vias (Hãy biết những con đường), bà đã kể lại ơn gọi của mình, tương tự như các ngôn sứ trong Kinh thánh: “Vào năm 42 tuổi đời, kinh sợ hãi hùng, khi tôi đang chìm đắm trong một thị kiến, thì tôi thấy một tia sáng rực rỡ, từ đó phát ra một tiếng nói với tội: Hỡi thụ tạo, là tro bởi tro, rác bở rác, hãy viết điều ngươi thấy và nghe”.

Mặc dầu có mệnh lệnh và lời bảo đảm ơn phù trợ của Thiên Chúa, bà vẫn dùng dằng, không chịu thi hành, “cho đến lúc tôi bị Chúa đập và lâm bệnh. Thế là tôi bắt đầu viết, … Và khi làm như vậy, tôi khám phá sự sâu sắc của những câu chuyện trong đó. Tôi đã lấy sức lại, và hoàn tất công việc này cách chậm rãi trong vòng 10 năm”.

Người đầu tiên mà Hildegard đến tham khảo ý kiến là thánh Bernarđô Claivaux. Trong bức thư đầu tiên gửi cho ngài, bà cho biết nỗi vất vả khi viết ra các cảm nghiệm của mình: “Con rất xao xuyến trước những thị kiến được tỏ lộ cho con. Con không bao giờ nhìn nó bằng cặp mắt xác thịt bên ngoài. Con đã chiêm ngắm những việc kỳ diệu này từ khi còn nhỏ và lưỡi con sẽ không có khả năng diễn đạt nếu Thánh Linh không giải thích chúng ngõ hầu con có thể tin được”.

Qua trung gian của thánh Bernarđô, bà nhận được sự yểm trợ của Giáo hoàng Eugeniô III, nhờ vậy bà có thể tiếp tục viết ba pho sách về những thị kiến. Thầy Volmaro, (trước đây đã dạy bà), nữ tu Riccarda di Stade (một chị em cùng dòng) và từ năm 1177 Guilberto di Gembloux, phụ giúp bà với tư cách là thư ký.

Trong thời gian đứng đầu đan viện, bà còn gặp nhiều khó khăn khác. Do lệnh từ Trời cao, bà quyết định xây cất một đan viện mới trên núi Rupertsberg gần Bingen, tách rời khỏi Disibodenberg, bất chấp sự phản đối của các đan sĩ và một số chị em. Năm 1150, cùng với 18 nữ tu, bà chuyển sang đan viện mới. Đến năm 1165, bà lại cất một đan viện nữa tại Eibingen, nhờ sự yểm trợ tài chính của nhiều gia đình quý tộc và của tổng giám mục Mainz.

Nhờ tiếng tăm và uy tín, bà được mời đi giảng ở nhiều nơi. Bà cũng nhận được nhiều thư tín để xin tư vấn hoặc giải quyết khó khăn. Qua các văn phẩm và thư tín, người ta biết là bà đã can thiệp vào nhiều công việc thời sự, thậm chí không ngại tố giác những nguy hiểm đang đe dọa Giáo hội, chẳng hạn như lạc thuyết Cathari đang hoành hành. Bà không ngần ngại đứng về phía Giáo hoàng Alêxander III chống lại hoàng đế Federicô I Barbarossa trong cuộc phân ly năm 1159. Vào những năm tháng cuối đời bà cũng tỏ ra cương nghị khi phải lên tiếng chống lại điều bất công. Bà cho phép một nhà quý tộc mắc vạ tuyệt thông được chôn trong nghĩa trang của đan viện. Điều này đã đưa tới án phạt cấm chế dành cho tất cả đan viện. Bà xác tín rằng ông ta đã được hòa giải với Giáo hội trước khi qua đời; vì thế bà phản đối việc đào mả và chuyển thi hài ra chỗ khác. Bà đã phải đương đầu với Giám mục một thời gian, cho đến khi đức giám mục rút lại án tuyệt thông dành cho người quá cố. Một thời gian sau đó, bà qua đời, ngày 17 tháng 9 năm 1179. hưởng thọ 81 tuổi và được người địa phương tôn kính như thánh nhân. Ngày 10/5/2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mở rộng việc tôn kính ra toàn thể Hội thánh và ngày 7/10/2012 đã trao tước hiệu tiến sĩ Hội thánh.

B. Tác phẩm

Tác phẩm chính của Hildegard là ba bộ sách thuật lại các thị kiến đã nhận được

       1/ Liber Scivias (scito vias Domini : hãy nhận biết con đường của Chúa), viết năm 1141-1151, phân làm ba quyển, tương ứng công cuộc tạo dựng, cứu chuộc, thiết lập vương quốc Thiên Chúa. Có thể coi đây như là tổng luận thần học đầu tiên trong lịch sử mà tác giả là một phụ nữ. Chị đã bình giải các mầu nhiệm đức tin: Chúa Ba ngôi, Sự nhập thể và cứu chuộc, Thánh thể, Hội thánh, Mẹ Maria, cánh chung.

       2/ Liber vitae meritorum (Sách về công trạng ở đời), viết năm 1158-1163, trình bày về đời sống luân lý của con người, dưới hình thức đối chiếu 35 cặp nhân đức và nết xấu. Nhân đức quan trọng nhất là phân định (discretio), biết giữ mức trung dung, cách riêng là giữa chiêm niệm và hoạt động.

       3/ Liber divinorum operum (Sách về các công trình của Thiên Chúa), viết năm 1163-1173, về lịch sử cứu độ phổ quát, qua ba giai đoạn : tạo dựng (constitutio), sa ngã (destitutio), cứu chuộc (restitutio).

Chị còn sáng tác nhiều thánh thi, thánh ca (ordo virtutum), đó là chưa kể hơn 300 lá thư gửi cho nhiều người thuộc đủ thành phần xã hội.

Cũng nên biết là kiến thức của Hildegard không chỉ giới hạn vào lãnh vực thần học, chị là phụ nữ người Đức tiên khởi viết khảo luận về vật lý, y học, vũ trụ học (Physica, Causae et curae)[1].

C. Tư tưởng thần học

Tuy bề ngoài xem ra chị kể lại những thị kiến của mình, nhưng trên thực tế, những gì viết ra dựa trên Kinh thánh, được giải thích theo nghĩa biểu tượng. Những điều được viết ra cũng nhằm phục vụ Giáo hội. Chị đương đầu với nhóm Cathari, không chấp nhận vũ trụ vật chất là do Thiên Chúa tạo thành. Nhưng chị cũng không ngần ngại lên tiếng tố cáo các nhà lãnh đạo Giáo hội vì đã không sống trọn vẹn với chức vụ của mình. Việc suy gẫm Kinh thánh đã giúp cho chị trở thành người giảng thuyết và ngôn sứ.

Chìa khóa của tư tưởng thần học của chị là lịch sử cứu độ, được kết cấu qua ba giai đoạn: tạo dựng (constitutio), sa ngã (destitutio), cứu chuộc (restitutio). Đứng đầu công trình của Thiên Chúa là việc tạo dựng, với cao đỉnh là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa Ba ngôi. Con người được xem như trung tâm của toàn thể vũ trụ.

1. Con người trong vũ trụ

Con người được đưa vào vũ trụ như là một tuyệt phẩm của Thiên Chúa (opus operationis Dei), được ban cho lý trí và cần phải hoạt động theo lý trí. Địa vị của con người có thể được nhìn dưới ba khía cạnh:

– Con người là một thụ tạo của Thiên Chúa, (opus Dei) luôn ở dưới cái nhìn của Thiên Chúa.

– Con người không phải là một thế giới cô độc, nhưng như là người nam và người nữ sống tương quan với những người khác (opus alterum per alterum).

– Con người được đặt vào vũ trụ không do sự tự ý lựa chọn, nhưng đã có một sứ mạng phải hoàn tất (opus cum creatura).

Toàn thể hoạt động cứu độ, nếu xét về phía Thiên Chúa, thì được xem như công trình (operatio). Con người, vì được cấu thành bởi linh hồn và thể xác, cho nên được hội nhập vào cấu trúc của vũ trụ. Con người, xét như một tiểu vũ trụ, là hình ảnh nguyên thủy của đại vũ trụ.

Cũng như trong vũ trụ, các yếu tố, các luồng gió, các hành tinh đều được liên kết với nhau thế nào, thì cuộc sống của con người cũng bị chi phối bởi các yếu tố thể lý, các dung dịch, các bộ phận thân thể, và chúng ảnh hưởng đến điều kiện tâm lý. Có một sự cân đối song hành giữa các quan năng thể lý và tâm linh, do mối tương quan giữa thân thể và tâm hồn. Nếu tất cả các sức lực và các yếu tố vận hành đúng chỗ, thì cuộc sống sẽ phát triển như nhựa sống cho thân thể. Từ sự vận hành này, các chức năng của thân thể và của vũ trụ được liên kết với nhau.

2. Sự sa ngã

Con người được trao trách nhiệm trông coi vũ trụ. Tiếc rằng con người đã không tôn trọng trách nhiệm của mình: tội lỗi gây ra bệnh tật cho con người và thậm chí gây xáo trộn trong vũ trụ. Do tội lỗi, con người làm hại cho bản thân và đồng loại, cũng như các cơ cấu của vũ trụ. Giả như không có tội nguyên tổ, thì sẽ duy trì được sự hòa hợp trong thiên nhiên, “nghĩa là mùa xuân năm nay cũng giống như mùa xuân năm trước, mùa hạ năm nay cũng sẽ giống mùa hạ sang năm, vân vân”. Nhưng vì phạm tội, con người đã mất lòng kính sợ yêu mến Thiên Chúa, cho nên các yếu tố và mùa màng cũng bị mất trật tự. Trong sách Liber vitae meritorum (Sách về công trạng ở đời), Hildegard đã diễn tả sự than khóc của các yếu tố thiên nhiên như sau: “Chúng tôi không thể đi trọn con đường và đạt tới tiêu điểm mà Thiên Chúa ấn định. Thật vậy, do những hành vi xấu xa, con người đã đảo lộn mọi chu kỳ của chúng tôi. Chúng tôi mang mùi dịch bệnh và khao khát công lý”. Tuy nhìn nhận sự liên hệ giữa các yếu tô thiên nhiên với hành động của con người, nhưng Hildegard chống lại tục xem bói, tìm cách khám phá số mệnh tương lai bằng cách quan sát các tinh tú, bởi vì theo bà, các yếu tố thiên nhiên bộc lộ cách thức hành động của con người, nhưng chúng không cung cấp một nền tảng nào để tiên đoán tương lai. Ngôn sứ không phải là người loan báo điều gì mới mẻ và chấn động, nhưng là trình bày nội dung của Kinh thánh.

3. Cứu chuộc

Việc bổ khuyết và canh tân vũ trụ là công trình cứu chuộc của Chúa Kitô. Hildegard chủ trương thuyết tiền định tuyệt đối, nghĩa là việc Nhập thể đã nằm trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngay từ đầu. Con người đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa muốn trở thành con người. Trong cuốn sách Liber divinorum operum (Sách về các công trình của Thiên Chúa), bà đã để cho Thiên Chúa nói như sau: “Thế rồi Ta đã dự tính một thụ tạo bé nhỏ là con người, theo hình ảnh và giống với Ta, ngõ hầu nó luôn hành động hợp với Ta trong mọi sự, bởi vì nơi con người, Con của Ta sẽ mặc lấy tấm áo của xác phàm”. Một cách tương tự như vậy, trong cuốn sách Liber vitae meritorum (Sách về công trạng ở đời), Đức Kitô được trình bày như là con người vũ trụ, sẽ xét xử tất cả các nết xấu. Sau cuộc toàn thắng của Đức Kitô trên Satan, vạn vật được cứu chuộc. Khi mọi sự đã hoàn tất, con người sẽ chiếm giữ phẩm thứ mười của các thiên thần, đã bị bỏ trống từ khi Lucifer sa ngã.

Mô hình bộ ba, quy chiếu về Thiên Chúa Ba Ngôi, được Hildegard sử dụng trong toàn bộ tác phẩm của mình, ắt hẳn do ảnh hưởng của Đionisiô Areopagita (bộ ba essentia, virtus, operatio). Quyển thứ nhất, Scivias bàn về việc tạo dựng vũ trụ, công trình của Chúa Cha ngự trên ngai như là potentia; quyển thứ hai Liber vitae meritorum, bàn về công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô, con người của vũ trụ và thẩm phán cánh chung, được trình bày như là sapientia; quyển thứ ba Liber divinorum operum bàn về việc kiến tạo vương quốc Thiên Chúa trong Thánh Linh, Đấng mang hình thái của caritas.

 II. Elizabeth Schonau (1129-1164/1165)

Elizabeth Schönau là người đương thời với Hildegard, cũng là đan sĩ dòng Biển Đức, và cũng nhận được nhiều thị kiến, nhưng giữa hai người có nhiều điểm khác biệt.

A. Tiểu sử

Sinh khoảng năm 1129 trong một gia đình quý tộc, khi lên 11 tuổi (năm 1141/42), Elizabeth được gửi đến một đan viện Biển Đức tại Schönau vừa mới thành lập để học tập. Năm 1147, chị xin lãnh tu phục và trở thành đan sĩ. Chị sống những năm đầu tiên trong đan viện cách âm thầm, thường đau ốm và trầm cảm. Vào khoảng lễ Ngũ Tuần năm 1152, chị bị bệnh nặng và trải qua nhiều xao xuyến tưởng chừng như sắp chết, thì chị bắt đầu nhận được các thị kiến, kéo dài nhiều năm. Với dòng thời gian, các nhân vật được thấy trong thị kiến bắt đầu hiện ra, trò chuyện với chị và giải thích những điều chị đã thấy. Chị cũng đặt câu hỏi cho các ngài và trở thành đầu đề cho cuộc đối thoại. Vì lý do này, chị cảm thấy được thúc đẩy viết ra những điều mình đã thấy và đã nghe.

Một cơ may đã đến, khi Ecgbertô, một người anh của chị, được thuyết phục dâng mình cho Chúa. Anh đã từ bỏ thế gian, và gia nhập đan viện Schönau (là một đan viện kép, nghĩa là gồm một cộng đoàn nam và một cộng đoàn nữ). Từ đó, anh trở thành người cố vấn, thư ký và thậm chí biên soạn các tác phẩm kể lại các thị kiến. Nhiều lần, anh đã gợi lên những câu hỏi để chị xin các vị hiện ra giải đáp. Năm 1157, chị được bổ nhiệm làm magistra, giám sư tập sinh. Sau nhiều cơn bệnh, chị qua đời ngày 18/6/1164. Vì đời sống thánh thiện, tên của chị được ghi vào Tử-đạo-thư vào năm 1584, mặc dù không tiến hành thủ tục phong thánh. Lễ kính ngày 18 tháng 6.

B. Tác phẩm

Chị Elizabeth kể lại các thị kiến của mình trong ba quyển sách Libri visionum (sách các thị kiến).

       1/ Quyển thứ nhất, Liber de temptacionibus inimici (Sách nói về những cám dỗ của thù địch), là một thứ nhật ký ghi lại những cảm nghiệm đầu tiên về các thị kiến diễn ra vào những năm 1152‑55.

       2/ Quyển thứ hai, Liber viarum Dei (Sách nói về những con đường của Thiên Chúa) có nhiều nét tương đồng với quyền Scivias của Hildegard. Tác giả xác tín rằng mình được Chúa dùng như khí cụ để dẫn dắt các tu sĩ và giáo dân trên đường cứu rỗi.

       3/ Quyển thứ ba kể lại những thị kiến về Đức Mẹ hồn xác lên trời (De resurrectione B.V. Mariae) và về thánh nữ Ursula và các thánh tử đạo (Liber revelationum de sacro exercito virginum Coloniensium).

Trên thực tế, các quyển sách này được chép và dịch sang tiếng latinh do bào huynh Egbertô. Không thiếu nhà phê bình đặt vấn nạn về sự trung thực của Egbertô. Dù sao, chính ông đã gợi ý cho Elizabeth tìm cách giải đáp cho những cuộc tranh luận thần học đương thời (chẳng hạn về số phận của ông Origène, hoặc về bà thánh Ursula). Những tác phẩm của Elizabeth quen được trưng dẫn khi bàn về đạo lý Đức Maria hồn xác lên trời.

Ngoài ra Elizabeth còn để lại 22 thư tín, trong đó có nhiều thư gửi cho Hildegard và tự coi như học trò của bà này. Tuy cả hai đã thuật lại cảm nghiệm từ thị kiến, nhưng mỗi bên có những sắc thái khác nhau. Elizabeth nhận được thị kiến lúc xuất thần và vào lúc tham gia phụng vụ giữa sự chứng kiến của nhiều người. Hildegard lãnh nhận thị kiến trong lúc tỉnh táo, làm chủ ý thức của mình. Tuy nhiên, giọng văn của Hildegard nặng về suy tư, vì thế không được phổ biến như những tác phẩm của Elizabeth. Jacques Paul Migne đã dành một pho trong bộ Patrologia latina cho chị (số 195), kề với bào huynh là viện phụ Engelberg,

C. Tư tưởng

Như vừa nói, ngày nay các nhà phê bình đặt vấn đề liên quan đến “tác quyền” của những sách mang tên Elizabeth: chúng được sáng tác do chị hay là do bào huynh?

Có lẽ quyền đầu tiên kể lại những thị kiến lúc còn thơ ấu là do chị viết ra, trước khi có sự can thiệp của người anh; còn những cuốn về sau thì không chỉ được ông “hiệu đính” mà còn ghi lại những trả lời cho các thắc mắc do ông nêu lên. Chẳng hạn như câu hỏi liên quan đến số phận ông Origène. Ông này đã bị giáo hội kết án là lạc giáo; như vậy số phận của ông sẽ như thế nào? Trong thị kiến, thánh Gioan tông đồ nói cho chị Elizabeth biết rằng Thiên Chúa không ra án phạt nào cho ông Origene mà không có sự thuận nhận của Mẹ Maria. Ông ta không có điều gì sai lầm mà chỉ vì nhiệt tình đấy thôi. Dù sao, số phận đời đời của ông là điều Chúa sẽ tỏ lộ vào ngày chung thẩm chứ không tỏ lộ bây giờ[2]. Dù sao cũng nên biết là không phải lúc nào thiên thần cũng làm thoả mãn tính hiếu kỳ, bởi vì có lúc không trả lời, tuy rằng câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Ngược lại, có khi một thị kiến mà chị nhận được xem ra trái ngược với đạo lý cổ truyền. Chẳng hạn như vào một đêm vọng lễ Giáng sinh, chị nhận được thị kiến về một người nữ trẻ đẹp, tóc dài, đầu đội triều thiên vàng, đứng giữa mặt trời. Ánh sáng mà người ấy mang lại đã ngập tràn trái đất. Thế rồi một đám mây kéo đến, dừng lại trước mặt trời, khiến cho trái đất trở nên u tối. Sau đó, đám mây lùi ra, rồi lại kéo đến. Hai cảnh sáng tối cứ thay nhau tiếp diễn nhiều lần. Mỗi lần trái đất ra đen tối, thì người đàn bà oà lên khóc. Elizabeth xin thiên sứ giải thích hiện tượng này. Thiên sứ bảo: người phụ nữ là nhân tính của Chúa Giêsu. Mặt trời là thiên tính của Chúa. Đám mây là tội lỗi làm cho ánh sáng phải lu mờ và bất công thống trị địa cầu. Trong tình huống ấy, Thiên Chúa buồn rầu, hối tiếc vì đã dựng nên con người dày đạp ân sủng, tuy vậy, do lòng từ bi hải hà, Thiên Chúa lại để cho ánh sáng soi chiếu địa cầu. Thiên sứ giải thích thêm vài chi tiết của thị kiến như sau: triều thiên vàng ở trên đầu phụ nữa là vinh quang thiên đình, mà nhờ công trạng của Đức Kitô sẽ được ban cho tất cả những ai tin vào Ngài. Nhưng mà tại sao nhân tính Chúa Kitô lại xuất hiện dưới hình một phụ nữ? Phải chăng đó là một thị kiến sai lầm? Chị Elizabeth nêu thắc mắc như vậy với thánh Gioan tông đồ. Câu trả lời thật là đáng ngạc nhiên: Chúa muốn cho thị kiến xảy ra như vậy đó, ngõ hầu cũng có thể áp dụng cho Thân mẫu của ngài[3]. Vì thế các chi tiết trong thị kiến này có thể hiểu về Mẹ Maria nữa.

Liên quan đến Đức Maria, chị Elizabeth đã nổi tiếng về thị kiến Mông triệu thăng thiên, vào thời buổi mà điều này còn trong vòng tranh luận chứ chưa thành tín điều. Do các bề trên thúc đẩy, chị xin Đức Mẹ cho biết Ngài về trời chỉ trong tinh thần hay là cả về thân xác nữa[4]. Câu hỏi được nêu lên nhiều lần và cuối cùng chị đã thấy Đức Mẹ ra khỏi mồ và được một đoàn thiên sứ đưa lên trời và chính Đức Kitô ra đón tiếp. Thiên sứ giải thích là việc thân xác Đức Maria lên trời diễn ra 40 ngày sau khi từ trần. Nên biết là sau thị kiến này, đan viện Schönau đã có lễ trọng mừng lễ Mông triệu.

Dĩ nhiên, không phải tất cả các thị kiến của chị đều được chấp nhận, đặc biệt khi nói lên những sa sút trong Giáo hội đương thời. Chị đã gặp một tình huống khó xử, khi mà vào năm 1159, Giáo hội có hai Giáo hoàng: Victor IV và Alexandro III. Elizabeth ủng hộ Giáo hoàng Victor còn Hildegard bênh vực hộ Giáo hoàng Alexandro. Các nhà phê bình cho rằng Elizabeth đã sai lầm do áp lực của bào huynh, là một người thân cận của hoàng đế Federico. Thật ra điều này cũng đã từng xảy ra cho các ngôn sứ trong Cựu ước khi họ phải tuyên sấm về những biến cố thời cuộc: Các thị kiến không được rõ ràng và dưới hình thức biểu tượng khiến cho việc giải thích trở nên phức tạp.

Khi đối chiếu giữa Elizabeth Schönau và Hildegard Bingen, ta thấy có nhiều điểm khác biệt. Tuy cả hai đều viết lại những «thị kiến » của mình, nhưng Hildegard viết lại trong tình trạng tỉnh táo, còn Elizabeth thì kể lại các thị kiến nhận được lúc xuất thần, hoặc lúc cầu nguyện riêng hay khi tham dự phụng vụ. Mặt khác, như đã nói trên đây, bản văn được truyền lại cho chúng ta bằng tiếng Latinh là do bào huynh chuyển dịch, và nhiều câu hỏi là do vị này gợi lên. Trong tác phẩm của Hildegard, chúng ta nhận ra một chủ đề xuyên suốt là lịch sử cứu độ trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa; trong các tác phẩm của Elizabeth, ta khó nhận thấy một đề tài then chốt. Dù vậy, có lẽ một điểm gặp gỡ giữa hai tác giả này là tấm lòng ngôn sứ muốn chuyển thông cho người thời đại ý muốn của Thiên Chúa, qua việc kêu gọi sống phù hợp với ơn gọi của mình trong Giáo hội. Điều này được nhận thấy cách riêng qua các lá thư mà các ngài gửi cho nhiều thành phần khác nhau trong Giáo hội và xã hội đương thời: họ tìm đến với các ngài để tham vấn về những vấn đề quan trọng, nhưng có khi chính các ngài đã tự ý cầm bút để bày tỏ ý kiến của mình như một ngôn sứ.

III. Gertrud Hefta

Hai vị thánh trên đây là nữ đan sĩ dòng Biển Đức thuộc thế kỷ XII.Với thánh Gertrud, chúng ta bước sang thế kỷ XIII, đến với một đan viện dòng Xitô ở Helfta vùng Saxonia (bên Đức), được thành lập năm 1258, dưới sự điều khiển của chị Gertrud Hackerborn, nổi tiếng về phụng vụ, kỷ luật cũng như học vấn.

Trong số những tác giả thuộc nữ đan viện Helfta có hai nhân vật cùng mang tên là Mechthild (Matilde), đó là: Mechthild Hackerborn (k.1241-1299) là em gái của bề trên Gertrud Hackerborn và Mechthild Magdeburg (k.1207-1282/94).

Người nổi tiếng hơn cả trong số các nữ văn sĩ Hefta là thánh Gertrud (1256-1301/2), được mệnh danh là “Gertrud Cả” để phân biệt với Gertrud Hackerborn, vị sáng lập và bề trên đan viện suốt 40 năm (từ 1251 đến 1292). Nên biết là cho đến thế kỷ XIX, các học giả thường lẫn lộn hai nhân vật cùng mang tên Gertrud (hoặc Giêtruđê, cũng như hai nhân vật cùng mang tên Mechthild, hoặc Matilđê).

A. Tiểu sử

Sinh ngày 16/1/1256, từ khi lên 5 tuổi, cô bé được gửi cho các nữ đan sĩ Helfta để dạy dỗ, và đã có cơ hội thụ huấn với những đan sĩ nổi tiếng: viện mẫu Gertrud Hackerborn và Mechthild Magdeburg vừa nói trên đây. Chị tỏ ra rất thông minh và sành văn chương cổ điển cũng như văn chương các giáo phụ, nhờ theo học các ngành nhân văn đương thời (Trivium và Quadrivium). Sau khi được chính thức khấn dòng, chị vẫn chuyên cần học hỏi văn chương và âm nhạc cho đến nỗi lơ là đời sống tinh thần. Ngày 27/1/1281, chị được Chúa Giêsu hiện ra và làm biến đổi cuộc đời: Chị nhận được dấu thánh nơi trái tim và những ân huệ khác. Sau đó, chị chú ý hơn đến đời sống nội tâm và nghiền ngẫm Kinh thánh. Từ năm 1288, chị mắc một cơn bệnh nặng, từ đó sức khỏe yếu dần cho đến lúc qua đời ngày 17/10/1301 (hay 1302), vào khoảng 45 tuổi.

Sau khi qua đời ít lâu, đan viện Helfta bị tàn phá bởi đội quân của quận công Alberto Brunswich năm 1342. Cộng đoàn phải di chuyển về Eiselben năm 1346, tên tuổi cũng như các tác phẩm của Gertrud bị chìm vào quên lãng. Mãi đến khi thế kỷ XVI, người ta mới khám phá các tác phẩm của chị và nhờ ngành ấn loát vừa mới ra đời, người ta xuất bản bằng tiếng Đức (năm 1502), rồi đến tiếng Latinh (năm 1536). Tên tuổi của chị được biết đến khắp Âu châu và sang đến Mỹ châu Latinh nữa và từ thế kỷ XVII, chị được tặng biệt hiệu là “Cả” (Magna). Việc tôn kính chị được Tòa thánh ban phép tại vài đan viện Biển Đức, dần dần ra toàn dòng Biển Đức năm 1674. Chị được phong thánh ngày 22/1/1678, và được kính trong lịch phụng vụ phổ quát từ năm 1739 vào ngày 16 tháng 11.

B. Tác phẩm

 Hai tác phẩm chính của thánh Gertrud là: Legatus divinae pietatis (Sứ giả của lòng thương xót Chúa) và Exercitia spiritualia (linh thao).

1/ Năm 1289 chị được lệnh viết lại tiểu sử cuộc đời. Chị bắt đầu viết “Hồi ký về sự êm dịu của Thiên Chúa” (Memoriale abundantiae divinae suavitatis), theo thể văn Confessiones của thánh Augustinô. Vào cuối đời, các chị em thu thập hồi ký cũng như các thị kiến khác và xuất bản thành cuốn “Sứ giả của lòng thương xót Chúa”, chia thành 5 quyển. Quyển I kể lại cuộc đời và các nhân đức của Gertrud. Quyển II là hồi ký do chính chị viết. Quyển III kể lại những mặc khải chị nhận được về Thánh Thể, Thánh Tâm và lòng tôn kính cuộc Thương khó của Chúa. Quyển IV kể lại những mặc khải nhận được vào dịp các lễ phụng vụ. Quyển V thuật lại những mặc khải về số phận của một vài người sau khi đã qua đời. Trước khi xuất bản, cuốn sách đã được xem xét và phê duyệt bởi các nhà thần học dòng Đa-minh và dòng Phan-sinh.

2/ Quyển sách “Linh thao” là một tuyển tập các bài suy niệm và cầu nguyện, được xếp lại theo bảy cuộc thao luyện của linh hồn từ khi lãnh bí tích rửa tội cho đến khi qua đời, được ví như cuộc tìm kiếm của hôn thê để gặp Chúa Kitô là lang quân. Dựa theo các bản văn phụng vụ, tác giả nhớ lại ơn được lãnh bí tích rửa tội (1), kỷ niệm mặc áo và khấn dòng (2-4) ; tác giả ca tụng lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa (5-6) và nài xin ơn tha thứ hầu chuẩn bị chết lành (7).

Người ta cũng gán cho thánh Gertrud vai trò chính trong việc soạn thảo cuốn sách về ơn thánh đặc biệt (Liber specialis gratiae), thuật lại cảm nghiệm tâm linh của thánh Mechthild Hackerborne, mà chị quen biết từ năm 1270[5].

C. Tư tưởng thần học

Các tác phẩm của thánh Gertrud cho thấy chị đã làm quen với Kinh thánh và các giáo phụ (nổi bật nhất là Augustinô, Grêgorio Cả), cũng như những tác giả đương thời (Bernađô, Hugues de Saint Victor). Chị cũng quen thân với các tu sĩ Dòng Đaminh và Dòng Phan-sinh, mà chị có dịp trao đổi tư tưởng cũng như nhờ kiểm duyệt các sách viết của mình.

Đặc trưng của Gertrud là luôn luôn dựa theo các bản văn Kinh thánh và phụng vụ để áp dụng vào đời sống tâm linh. Hành trình tâm linh luôn dựa trên các nhân đức tin-cậy-mến và xoay quanh các mầu nhiệm của Chúa Cứu thế: Nhập thể, thương khó, cứu chuộc, Thánh thể. Chị Gertrud được coi như tiên phong cho lòng tôn kính Trái tim Chúa Giêsu, và sẽ được các thế hệ kế tiếp khai triển. Từ vết thương nơi cạnh sườn, chị nhận thấy một cánh cửa sổ mở ra để vào trái tim của Chúa Giêsu, nơi hẹn hò của các linh hồn được tình yêu Người thu hút. Mẹ Maria cũng hiện diện trong cuộc kết hiệp giữa linh hồn với Chúa Giêsu : Người là Mẹ của Đức Giêsu và đã trao ban Chúa cho nhân loại, từ đó Người cũng là mẹ của tất cả chúng ta.

Đối với đời sống tu đức, có thể nói là chủ đề chính của các tác phẩm là đức vâng lời, mà thành quả là đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường được đào sâu khi chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập thể. Cũng như Thiên Chúa đã tự hạ để đến gần với con người thì con người cũng cần đi theo con đường ấy để đạt tới đức ái là mục tiêu của hành trình tâm linh. Về phương diện này, thánh Gertrud đã thấm nhuần tinh thần của luật Biển Đức, khi đặt đức khiêm nhường và vâng lời như là bậc thứ nhất của thang nên thánh.

Nên biết là từ năm 2011, Tổng hội Dòng Xitô ngặt phép (Trappist) cùng với Dòng Xitô và Dòng Biển Đức đã thiết lập ủy ban vận động xin trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh cho thánh Gertrud[6].

————————

Thư mục

1) Nói chung

Kurt Ruh, Geschichte der abendlandischen Mystik, Bd. II: Frauenmystik und Franziskanische Mystik, C.H. Beck, München, 1993.

Francis Beer, Women and Mystical Experience in the Middle Ages, The Boyolell Press, Rochester, NY, 1992.

2) Hildegard

Hildegard of Bingen. Book of Divine Works, with Letters and Songs. Edited by Matthew Fox. Translated by Robert Cunningham. Bear and Company, Santa Fe, 1987.

Scivias. Translated by Mother Columba Hart and Jane Bishop. Paulist Press, Mahwah, NJ, 1990.

– The Letters of Hildegard of Bingen, 2 vol. Translated by Joseph L. Baird and Radd K. Ehrman. Oxford University Press, Oxford, 1994-1998.

3) Elizabeth

Anne L. Clark, Elisabeth of Schönau: A Twelfth-Century Visionary. University of Pennsylvania Press, Philadelphia, 1992.

Anne L. Clark, trans. Elisabeth of Schönau: The Complete Works. Paulist Press, Mahwah, NJ, 2000.

4) Gertrude

Gertrud the Great of Helfta, Spiritual Exercises, Translated, with an Introduction, by Gertrud Jaron Lewis and Jack Lewis. (Cistercian Fathers series no. 49), Cistercian Publications, Kalamazoo, MI, 1989.

Gertrud the Great of Helfta, The Herald of God’s Loving-Kindness, books 1 and 2, translated, with an Introduction, by Alexandra Barratt. (Cistercian Fathers series no. 35), Cistercian Publications, Kalamazoo, MI, 1991.

Gertrud the Great of Helfta, The Herald of God’s Loving-Kindness, book 3, translated, with an Introduction, by Alexandra Barratt. (Cistercian Fathers series no. 63), Cistercian Publications, Kalamazoo, MI, 1999.

Gertrude d’Helfta, Oeuvres spirituelles, “Sources Chretiennes”, vol. I-IV, Editions du Cerf, Paris, 1967-68.

 ————————–

[1] Nên biết là các tác phẩm của Hildegard được J.P. Migne đưa vào bộ Patrologia latina (vol. 197: Hildegardis abbatissa).

[2] Visio III, 5.

[3] Visio III, 4

[4] Visio II, 31.

[5] Chú thích của ban biên tập. Về tác giả này xin xem bài viết kế tiếp trong số này.

[6] https://www.postulazionecistercense.com/commissione-per-il-conferimento-del-titolo-di-dottore-della-chiesa-a-santa-gertrude-di-helfta/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here