MATER ECCLESIA – GIÁO HỘI LÀ MẸ

0
2166

MATER ECCLESIA – GIÁO HỘI LÀ MẸ

Trong các tác phẩm Giáo phụ và Công đồng Vaticanô II

Nt Lê Loan, Dòng NVHB

Trích Thời sự Thần học, Số 89 (8-2020).

I. Mater Ecclesia trong văn chương thời các Giáo phụ

1/ T. Irênê. 2/ Tertulianô. 3/ T. Cyprianô. 4/ T. Ambrôsiô. 5/ Thánh Augustinô.

II. Mater Ecclesia trong các văn kiện Công đồng Vaticanô II

1/ Sacrosanctum Concilium (7 lần). 2/ Lumen gentium (6 lần). 3/ Dei Verbum (3 lần). 4/ Gaudium et spes (1 Lần). 5/ Gravissimum educationis (2 lần)

III. Vài nhận định

—————-

Mater ecclesia – Giáo hội là Mẹ, theo ĐTC Phanxicô, là “hình ảnh đẹp nhất của Giáo hội.”[1] Trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu và khách hành hương vào sáng thứ Tư ngày 18.9.2013, ĐTC Phanxicô đã nói: “Hôm nay tôi trở lại với hình ảnh Giáo hội là Mẹ. Tôi rất thích hình ảnh Giáo hội với tư cách là Mẹ… Tôi muốn quay lại, bởi vì tôi cảm thấy rằng hình ảnh này không chỉ nói cho chúng ta biết Giáo hội như thế nào, mà còn cho chúng ta biết khuôn mặt mà Giáo hội – Mẹ của chúng ta – nên càng ngày càng đạt đến.”[2] Đức Thánh Cha đã sử dụng hình ảnh Mẹ Giáo hội khá thường xuyên và theo những cách “khác thường” để diễn tả về nữ tính của Giáo hội và để thu hút sự chú ý, chẳng hạn như: “Mẹ Giáo hội không phải là người giữ trẻ: (“Mother Church is not a babysitter”), Giáo hội là một người Mẹ chứ không phải là một Tổ Chức Phi Chính Phủ” (“Church is a Mother not an NGO”).[3] Trong một bài huấn dụ trình bày đề tài giáo lý “Giáo hội là Mẹ”, Đức Thánh Cha đã nói: Mẹ Giáo hội “là một trong các hình ảnh hay được các Giáo phụ dùng nhất trong các thế kỷ đầu.” Và ngài khẳng định rằng hình ảnh này “cũng rất hữu ích đối với chúng ta” hôm nay.”[4]

Trong bài viết này, chúng tôi muốn tìm hiểu đôi nét về ý nghĩa và cách sử dụng mater ecclesia, giới hạn trong văn chương thời các Giáo phụ vào những thế kỷ đầu và trong các tài liệu của Công đồng Vaticanô II. Bài viết có ba phần. Phần một khám phá ý nghĩa và cách sử dụng mater ecclesia trong văn chương thời các Giáo phụ, đặc biệt là của thánh Irênê (c.125–200 CE), Tertulianô (160–200 CE), thánh Cyprianô (200–258 CE), thánh Ambrosiô (339–397 CE) và thánh Augustinô (354–430 CE). Phần hai tìm hiểu về ý nghĩa và cách sử dụng mater ecclesia trong các tài liệu của Công đồng Vaticanô II. Phần cuối là một vài nhận định thay cho lời kết.

I. MATER ECCLESIA TRONG VĂN CHƯƠNG THỜI CÁC GIÁO PHỤ

Cụm từ Mater ecclesia (“Giáo hội là Mẹ” hay còn được gọi là “Mẹ Giáo hội”) là một trong những cách phổ biến và độc đáo để diễn đạt bản chất và chức năng của Giáo hội. Không giống như các phép ẩn dụ khác liên quan đến Giáo hội, như “Thân Thể Chúa Kitô” hay “Dân Thiên Chúa” có nền tảng Thánh Kinh, mater ecclesia không có nền tảng Thánh Kinh cách cụ thể hay trực tiếp. Mặc dù có nhiều hình ảnh khác nhau về người mẹ trong Kinh Thánh, nhưng không có hình ảnh nào được liên kết rõ ràng với chính cộng đồng Kitô giáo. Cụm từ mater ecclesia không xuất hiện trong văn chương của các Giáo phụ cho đến đầu thế kỷ thứ ba. Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ hai, các Giáo phụ đã bắt đầu ghép hình ảnh người mẹ với Giáo hội. Sự xuất hiện của hình ảnh người mẹ, trong khi gián tiếp kết nối với các tiền lệ trong Kinh Thánh, dường như là tự phát. Một khi thiên chức làm mẹ được gán cho Giáo hội, nó nhanh chóng trở thành một phép ẩn dụ về Giáo hội, và từ sự liên kết này, danh hiệu mater ecclesia đã được phát triển và trở thành một hình ảnh đặc trưng của Giáo hội.

1. Hình ảnh Giáo hội như là người Mẹ trong các tác phẩm của thánh Irênê

Bằng chứng rõ ràng đầu tiên về hình ảnh người mẹ áp dụng cho cộng đồng Kitô hữu được tìm thấy trong văn chương thời các Giáo phụ vào cuối thế kỷ thứ hai; trong bức thư được gửi từ Giáo đoàn Vienne và Lyon đến các Giáo đoàn ở tỉnh Asia và Phrygia (The Letter of the Churches from Vienne and Lyons to the Churches of Asia and Phrygia [EpVL] c.177 CE). Giả thiết cho rằng, rất có thể Irênê là tác giả của bức thư này, vì ngài là lãnh đạo của các Giáo đoàn Vienne và Lyon.[5] Hình ảnh này cũng được tìm thấy trong các tác phẩm của Irênê: Against Heresies: Refutation and Overthrow of Knowledge falsely-so-called (Adversus Haereses [AH], c.180 CE) và Proof or Demonstrationof the Apostolic Preaching (Epideixis [Epid], c.178 CE). Trong những tác phẩm này, cụm từ mater ecclesia không được sử dụng cách rõ ràng mà chỉ được diễn tả bằng một khái niệm về hoặc liên quan đến người mẹ, hoặc một thuật ngữ tương ứng. Chẳng hạn như: “những đứa trẻ” (“filiis” trong Epid 94), “bầu sữa mẹ” (“mamillis Matris” trong AH 3.24.1), vai trò giáo dục (“et in ejus sinu educari” trong AH 5.20.2), và đôi khi chữ “mẹ” cũng được dùng (“μήτηρ” trong HE 5.1.55 hay “μητρικὰ” trong  HE 5.2.6-7).

Các nhà nghiên cứu, chẳng hạn như Cristina Nava Lledo Gomez, nhận định rằng, khi thánh Irênê áp dụng hình ảnh “người mẹ” cho Giáo hội, thì hình ảnh đó đã được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng Kitô hữu tại Lyon và Vienne rồi.[6] Irênê đã phát triển hình ảnh quen thuộc này để giới thiệu Giáo hội như là người chuyển cầu (người tìm kiếm sự cứu rỗi cho con cái mình), như hiền thê và trinh nữ (người bạn đời cộng tác đắc lực của Thiên Chúa, đại diện cho sự cứu chuộc và hiệp thông của Giáo hội), và như là người mẹ nuôi dưỡng con bằng chính bầu sữa của mình (nguồn sự thật của orthodox trái ngược với sự thật của phái ngộ đạo). Nói cách khác, Irênê không tạo ra một hình ảnh mới về Giáo hội như là một người mẹ, mà lấy từ truyền thống và từ Thánh Kinh. Những hình ảnh về người mẹ của Irênê không bị xáo trộn, mỗi hình ảnh trình bày một khía cạnh cụ thể của Giáo hội. Trong đó, hình ảnh người mẹ cho con bú mớm được nêu bật. Các tiêu chuẩn về Giáo hội như là một người mẹ do Irênê trình bày đặt nền tảng nơi cung lòng và bầu sữa của người mẹ; những điều này, về cơ bản, là những đặc điểm xác định phẩm tính của người mẹ – để sinh ra những đứa con và nuôi dưỡng chúng.

Hình ảnh người mẹ của Irênê không chỉ đơn thuần là một hình ảnh đẹp được gán cho Giáo hội. Nhưng đó là một phép ẩn dụ đa dạng và phong phú, từ đó các ý tưởng hoặc hình ảnh khác được phát triển. Chẳng hạn, nếu Giáo hội là một người mẹ, thì ý nghĩa mở rộng của phép ẩn dụ này chính là hình ảnh một người mẹ đang cho một đứa trẻ sơ sinh bú mớm. Điều này có thể được sử dụng, tượng trưng cho sự chân chính của Giáo hội, một Giáo hội nuôi dưỡng và mang lại ơn cứu rỗi thực sự cho con cái mình nhờ sự dạy dỗ chính thống của mình, ngược lại với những dị giáo của các nhóm ly giáo. Một cách thú vị là, trong khi hình ảnh này có thể biểu trưng cho sự nuôi dưỡng, đồng thời nó có thể là một biểu trưng cho sự phê bình gay gắt dành cho những kẻ đã khiến người khác lạc lối với những giáo lý sai lầm của họ.

Đối với Irênê, chính Chúa Kitô mới là sự thật, và sự thật này chỉ được truyền qua dòng sữa của Giáo hội với tư cách là một người mẹ. Irênê cho thấy như một người mẹ, Giáo hội là nơi bảo đảm của sự thật chính thống bởi vì “ở đâu có Hội thánh, ở đó có Thánh Thần” (ubi enim Ecclesia, ibi et Spiritus Dei, AH 3.24.1). Chỉ nơi Giáo hội Công Giáo (AH 3.4.1), với sự bảo đảm của việc giảng dạy đích thực qua việc kế vị các tông đồ (AH 4.8.1; 128 4: 9) mà người ta học được những điều, chẳng hạn như về nguồn gốc thực sự của thế giới (AH 2.2.1), về chính mình (AH 4.14.1-2), về Thiên Chúa và về Chúa Kitô. Do đó, Giáo hội Công giáo, (trái ngược với các phái ngộ giáo), là nơi duy nhất người ta tìm thấy ơn cứu rỗi.

Sự thật mà các Kitô hữu nhận được từ Giáo hội (truyền lại từ các tông đồ) được coi là sự nuôi dưỡng cần thiết cho sự cứu rỗi của họ. Irênê so sánh sự thật này với dòng sữa của người mẹ. Theo Irênê, Thiên Chúa giao phó đức tin sống động cho Giáo hội; Giáo hội là nơi bảo tồn, chuyển tải và nuôi dưỡng sự thật này. Chỉ những con cái của Giáo hội mới được tiếp cận dòng sữa của người mẹ. Nói cách khác, dòng sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng, được dành riêng cho những người con của mình. Những ai lìa bỏ mẹ mình, sẽ lìa bỏ sự thật, và hệ qủa là mất ơn cứu rỗi. Như thế, hình ảnh người mẹ ở đây là một biểu trưng cho sự chọn lọc và phân định ranh giới giữa những người “ở trong” và những người “ở ngoài” Giáo hội.

Có thể nói rằng, nơi Irênê, hình ảnh Giáo hội như là người mẹ nuôi dưỡng và bảo đảm sự cứu rỗi cho đàn con bằng chính dòng sữa của mình là một hình ảnh nổi trội bên cạnh những hình ảnh Giáo hội như cô dâu trinh tiết hay người chuyển cầu. Irênê đã trình bày một hình ảnh người mẹ tương phản với người mẹ của phái Valentinian ngộ đạo, nêu bật Giáo hội Công giáo là một người mẹ thực sự, người nuôi dưỡng sự thật cho những đứa con của Thiên Chúa (các thành viên của Giáo hội). Irênê xác định cộng đồng Kitô giáo hoạt động như một người mẹ, đặt nền móng cho việc sử dụng phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội sau này.

2. “Mater Ecclesia” trong các tác phẩm của Tertulianô

Trong khi Irênê là người đầu tiên liên kết khái niệm “mẹ” với cộng đồng Kitô giáo trong văn chương thời các Giáo phụ, thì chính Tertulianô, theo Bradley Peper, là người đầu tiên gọi Giáo hội là mater ecclesia.[7] Có thể nói rằng hình ảnh người mẹ được gán cho Giáo hội của Irênê là nguồn gợi hứng chính yếu cho Tertulianô phát triển hình ảnh Mẹ Giáo hội (mater ecclesia) của mình. Tertulianô gọi Giáo hội là người phối ngẫu (De Monog 5.6-7), là trinh nữ (De Pud. 1.8-9) và là thánh (Adv Marc 5.4.8) nhưng không kết nối những đặc điểm hoặc danh hiệu này với thiên chức làm mẹ của Giáo hội (ngoại trừ sự liên kết Tertulianô thực hiện giữa sự thánh thiện và tình mẫu tử trong Adv Marc 5.4.8).

Sự phát triển của Tertulianô về ẩn dụ Mẹ Giáo hội tạo ra một tầm nhìn mới về Giáo hội là gì và mối tương quan của Giáo hội với Thiên Chúa và với các thành viên của mình. Giống như hình ảnh Giáo hội như là một người mẹ của Irênê, Mẹ Giáo hội của Tertulianô cũng cho con bú mớm với mục đích cung cấp nguồn dưỡng nuôi tinh thần. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục hình ảnh truyền thống Giáo hội là mẹ trong vai trò sinh nở và nuôi con bằng sữa mẹ, Tertulianô có những nét khác với Irênê. Trái ngược với Irênê – sử dụng hình ảnh Giáo hội như là một người mẹ để chỉ các thành viên của Giáo hội, Tertulianô nhân cách hóa Giáo hội như một thực thể khác biệt với con cái của mình.

Tertulianô cũng phát triển phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội theo một cách mới khi “ghép đôi” Giáo hội là Mẹ với Thiên Chúa là Cha. Ở đây, Tertulianô phản ánh bối cảnh văn hóa của mình, trong đó người mẹ gia đình (materfamilias) được đặt bên cạnh người phối ngẫu của cô ấy, người cha gia đình (paterfamilias). Liên kết bí tích Rửa Tội với thiên chức làm mẹ của Giáo hội, Tertulianô giải thích rằng, phép Rửa Tội biểu thị việc tái sinh của một cá nhân vào cuộc sống vĩnh cửu. Khi một người gia nhập vào Giáo hội qua bí tích Rửa Tội, mối quan hệ của người đó đã thay đổi: qua việc trở nên con của Mẹ Giáo hội, người đó bây giờ có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Với hình ảnh gia đình này, Tertulianô gắn cho Giáo hội những giá trị của gia đình với sự thừa kế và thuộc về. Một cách thú vị ở đây là, Tertulianô từ chối (trên thực tế, gièm pha) matrona của La Mã (Roman matrona, De Cul. Fem. 1.2.2) nhưng duy trì vai trò materfamilias của La Mã (Roman materfamilia, De Bapt. 20.5, Ad Mart 1.1) cho Giáo hội.[8] Bằng cách gọi Giáo hội là mẹ, các Kitô hữu được qui tụ thành một gia đình và do đó được công nhận và có địa vị. Tertulianô là Giáo phụ đầu tiên tạo ra mối liên kết giữa thiên chức làm cha của Thiên Chúa và thiên chức làm mẹ của Giáo hội. Đây là một sự phát triển đáng kể trong phép ẩn dụ về thiên chức làm mẹ của Giáo hội và sẽ tạo cơ sở cho sự hiểu biết sau này của Cyprianô về Giáo hội và chức năng làm mẹ của Giáo hội.

Tertulianô luôn sử dụng thuật ngữ mater ecclesia trong các tác phẩm của mình để miêu tả và xác định các chức năng của Giáo hội. Việc sử dụng mater ecclesia của Tertulianô phản ánh một Giáo hội tập trung vào việc phân định giữa sự tinh khiết/sự thật và sự không tinh khiết/giả dối, bảo vệ lập trường của mình, chống lại các nhóm mà Tertulianô cho là khác biệt với Giáo hội trong giáo lý và kỷ luật. Tertulianô đã trình bày một Mẹ Giáo hội không khoan nhượng, có sự ngăn cách về mặt thể lý giữa những người thuộc về và không thuộc về Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội của Tertulianô thực sự linh thiêng và được chứng minh qua việc tuân thủ kỷ luật và giáo lý. Bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai phản đối điều này nhất thiết chống lại Thiên Chúa và ở ngoài Giáo hội.

Thiên chức làm mẹ thực sự, theo Tertulianô, chỉ dành riêng cho Giáo hội và một người chỉ có thể được nhận là con của Thiên Chúa nếu người ấy có mối tương quan đặc biệt với Mẹ Giáo hội. Những kẻ dị giáo không thể tuyên bố là có một người mẹ vì họ không hiệp nhất với Giáo hội. Hơn thế nữa, đối với Tertulianô, bí tích Rửa Tội cũng biểu thị sự tái sinh của một người vào sự nghiêm ngặt không khoan nhượng này và một lời cam kết tuân giữ nó. Thất bại trong việc tuân giữ các tiêu chuẩn của cộng đồng chắc chắn dẫn đến việc bị loại trừ ra khỏi cộng đồng; vì không ai có thể được coi là Kitô hữu trừ khi người ấy kiên trì đến cùng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Tertulianô liên kết bí tích Rửa Tội, mà ngài cho là để biểu thị việc tái sinh của một cá nhân vào một cuộc sống vĩnh cửu, với thiên chức làm mẹ của Giáo hội.

Tertulianô đã kết nối sự hiệp nhất của Giáo hội với quy phạm đức tin (regula fidei), thể hiện khuynh hướng này và khẳng định rằng những kẻ dị giáo và ly giáo không có mẹ (Giáo hội). Tuy vậy, Tertulianô không bao giờ liên kết trực tiếp việc sử dụng mater ecclesia của mình với một đoạn Kinh Thánh cụ thể.

Giống như Irênê, Tertulianô sử dụng thiên chức làm mẹ của Giáo hội để phân định ai là người “ở trong” và ai là người “ở ngoài” cộng đồng Kitô giáo đích thực. Cả Irênê và Tertulianô đều cho rằng Mẹ Giáo hội đã được tiền định trong công trình sáng tạo và đóng một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân loại. Cả hai Giáo phụ đều sử dụng phép ẩn dụ để chống lại các nhóm biến thể của Kitô giáo với những sai lạc về giáo lý. Phát triển phép ẩn dụ mater ecclesia để đáp ứng nhu cầu của chính Giáo hội địa phương của mình, Tertulianô không chỉ áp dụng tính độc quyền của Giáo hội đối với những kẻ dị giáo mà còn chống lại và kỷ luật những người không duy trì và tuân giữ các tiêu chuẩn của cộng đồng.

3. “Mater Ecclesia” trong các tác phẩm của thánh Cyprianô

Cyprianô tiếp tục phát triển truyền thống gọi Giáo hội là Mẹ. Trong thời gian làm giám mục, Cyprianô đã phải đương đầu với những cuộc bách hại của hoàng đế Decius (251 AD) và tiếp theo đó là cuộc tranh luận với phái Novatus, đe dọa chia rẽ Giáo hội về vấn đề tiếp nhận lại những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Việc Cyprianô sử dụng Mẹ Giáo hội (mater ecclesia) hay đơn giản chỉ là Mẹ (mater), đặc trưng bởi sự nhấn mạnh về việc phân định ranh giới giữa những người ở trong và ở ngoài Giáo hội, tiếp nối truyền thống của Tertulianô, nhưng dường như mạnh mẽ hơn khi Cyprianô phải đối phó với một cộng đồng bị đàn áp.

Cyprianô kêu gọi sự thống nhất của Giáo hội, dựa trên nền tảng rằng không thể có ơn cứu rỗi bên ngoài Giáo hội. Việc xác định Giáo hội là Mẹ của Cyprianô là một việc thiết yếu cho sự kêu gọi hiệp nhất này.

Tôi nài xin anh em […] hãy trở về với người Mẹ mà anh em đã từ bỏ và ra đi […] bởi vì sự nhất trí và hòa hợp của chúng ta không được phép bị phân chia, và bởi vì chúng tôi không thể từ bỏ Giáo hội và đi ra ngoài để đến với anh em, chúng tôi cầu xin và van nài anh em với những lời khuyên nhủ, hãy trở về với Giáo hội là Mẹ của anh em và với tình huynh đệ của chúng ta.[9]

Lời kêu gọi trở về với Giáo hội duy nhất là lời kêu gọi trở về với người Mẹ mà từ đó tình huynh đệ Kitô giáo có thể tồn tại. Lời kêu gọi này được Cyprianô củng cố thông qua sự liên kết giữa thiên chức làm Mẹ của Giáo hội và sự hiệp nhất của hàng giám mục.

Và sự hiệp nhất này, chúng ta phải giữ vững và khẳng định, đặc biệt là những người trong chúng ta là giám mục chủ trì trong Giáo hội, và chúng ta cũng có thể chứng minh hàng giám mục là một và không bị chia rẽ. … Giáo hội mở rộng dòng sông của mình, chảy tự do, nhưng đầu của Giáo hội là một, nguồn của Giáo hội là một; và Giáo hội là một người mẹ, dồi dào trong kết quả của sự sinh sôi, từ trong cung lòng của mẹ, chúng ta được sinh ra, nhờ dòng sữa của mẹ, chúng ta được nuôi dưỡng, bởi tinh thần của mẹ, chúng đựợc làm cho sống.[10]

Ở đây, sự hiệp nhất của Giáo hội được ràng buộc với sự hiệp nhất của hàng giám mục. Chừng nào hàng giám mục còn là một, thì Giáo hội là một. Chừng nào còn có một Giáo hội, thì còn có một Mẹ Giáo hội mà từ nơi đó các tín hữu có thể được kết hợp với tư cách là con cái của Thiên Chúa: “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha nếu bạn không có Giáo hội là Mẹ” (“Habere iam non potest Deum patrem qui ecclesiam non habet matrem”).[11] Chính từ sự hiệp nhất của hàng giám mục (và thể chế của Giáo hội) mà Cyprianô đã mô tả về việc làm mẹ của Giáo hội bằng các thuật ngữ với những chức năng qua đó các tín hữu được sinh ra và nuôi dưỡng.

Giống như Mẹ Giáo hội của Tertulianô, Mẹ Giáo hội của Cyprianô cũng sinh ra các Kitô hữu mới thông qua bí tích Rửa Tội:

Các Kitô hữu được sinh ra nơi bí tích Rửa Tội; và việc sinh ra và thánh hóa của phép Rửa Tội là nhờ bởi hiền thê của Chúa Kitô (người phối ngẫu của Chúa Kitô). Chỉ có Mẹ Giáo hội mới có khả năng cưu mang trong tinh thần và sinh ra những đứa con cho Thiên Chúa … Nếu bạn có Thiên Chúa là Cha của bạn, thì trước tiên bạn phải có Giáo hội là Mẹ của bạn (Vt habere quis possit deum patrem, habeat ante ecclesiam matrem).[12]

Ở đây, Cyprianô giữ lại cặp đôi Giáo hội là Mẹ và Thiên Chúa là Cha của Tertulianô. Tuy nhiên, cùng với Thiên Chúa là Cha, với tư cách là tổ tiên của con cháu của Mẹ Giáo hội, Cyprianô giờ đây vượt xa Tertulianô trong việc thêm Chúa Kitô làm chú rể của Giáo hội. Sự pha trộn các ẩn dụ như vậy sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong ngôn ngữ được sử dụng liên quan đến Mẹ Giáo hội. Mẹ Giáo hội giờ đây vừa là hiền thê của Chúa Kitô vừa là người phối ngẫu của Chúa Cha. Cyprianô mô phỏng Giáo hội như một người phối ngẫu của Thiên Chúa Cha nhưng cũng là một người phối ngẫu độc quyền của Chúa Kitô, để nhấn mạnh sâu sắc rằng chỉ có Giáo hội, thừa nhận Chúa Cha và Chúa Con, cùng với Chúa Thánh Thần, mới có thể tuyên bố quyền trao ban phép Thánh Tẩy thật cho các thành viên của mình.

Cyprianô thường đề cập đến hình ảnh các bà mẹ trong lịch sử Thánh Kinh (Sara, Rakel, Anna và mẹ của sách 2 Maccabê) như những khuôn mặt kiểu mẫu cho Giáo hội. Trong khi giới thiệu những hình ảnh phức tạp hơn về Mẹ Giáo hội: Giáo hội là mẹ-hiền thê-người chị (Ep 69.2.1), là mẹ-con gái (De Unit 4), là mẹ-trinh nữ (De Hab 3), thì phần lớn, Mẹ Giáo hội của Cyprianô tập trung vào một hình ảnh bà mẹ tương đương với matrona La Mã cổ đại. Giống như Mẹ Giáo hội của Tertulianô, Mẹ Giáo hội của Cyprianô cũng sinh ra những đứa con. Mẹ Giáo hội của Cyprianô là một người mẹ của trẻ sơ sinh (De Unit 5), tập hợp những đứa con của mình trong cung lòng của mình (matris sinum) (Eps.16.4.2, 45.1.2, 59.13.2, De Lap 2, De Unit 23), giống như người mẹ đang ngồi với hai đứa con của mình trên đài tưởng niệm Ara Pacis Augustae nổi tiếng.[13]

Lời kêu gọi hiệp nhất và phục hồi trật tự nơi cộng đồng Kitô hữu của Cyprianô, không ngừng yêu cầu các tín hữu ở lại hoặc trở về với Mẹ Giáo hội, vọng lại sự mong muốn chung của đế quốc La Mã trong thế kỷ thứ ba về sự thống nhất và trật tự trong một kỷ nguyên khủng hoảng, được thể hiện nơi những người mẹ lý tưởng được miêu tả trên đài tưởng niệm Ara Pacis, đặc biệt là người mẹ ngồi với hai trẻ sơ sinh. Tầm quan trọng của những người mẹ của tượng đài Ara Pacis không hệ tại sự ảnh hưởng chính trị nhưng là chức năng nuôi dưỡng của họ, góp phần vào lý tưởng xây dựng hòa bình của Augustan thông qua sự chung thủy và hôn nhân của họ. Bằng cách trình bày Mẹ Giáo hội tương tự như người mẹ lý tưởng và trung thành này, lời kêu gọi hiệp nhất của Cyprianô dưới bóng Mẹ Giáo hội vọng lại ước muốn của đế quốc La Mã về sự hiệp nhất dưới bóng của mẹ Ara Pacis.

Có thể nói rằng Mẹ Giáo hội của Cyprianô không chỉ là hình ảnh chung chung của một người mẹ sinh ra và nuôi dưỡng những đứa con, nhưng là một hình ảnh cụ thể biểu trưng cho những giá trị văn hóa, được hình thành từ người mẹ La Mã cổ đại được lý tưởng hóa và mối quan hệ của bà với con cái của mình. Đặc biệt, Mẹ Giáo hội này sở hữu nỗi đau đặc trưng của người mẹ La Mã (“lacrimas matris ecclesiae,” Ep.10.4.4). Cyprianô đã mô tả việc từ bỏ Giáo hội như là một hành động ác độc của đứa con đối với mẹ của nó (Ep.44.3.2). Giống như matrona của đế quốc Rôma, Giáo hội có vai trò can thiệp, thể hiện sự tận tụy của người mẹ (Ep.15.2.2) nhưng cũng thể hiện nỗi tham vọng của mình, khi bà tùy thuộc vào con cái để tăng địa vị cho chính mình (De Hab 3).

Giống như Irênê và Tertulianô, Cyprianô cũng sử dụng phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội như là công cụ cho sự phân giới giữa người thuộc về và không thuộc về Giáo hội. Theo Cyprianô, ai muốn rỗi linh hồn phải ở trong Giáo hội. Cyprianô coi các vụ ly giáo và lạc thuyết gây tai hại cho Giáo hội hơn cả các cuộc bách hại. Ngài mô tả những nhóm ly khai hay lạc giáo, tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, như là “alienus est, profanus est, hostis est” (“người lạ mặt, người ngoại đạo, kẻ thù”).

Nhìn chung, những cách sử dụng ẩn dụ Giáo hội như là người mẹ của Cyprianô đều hướng đến một mục đích chủ yếu là làm nổi bật vị trí của đức tin, chân lý và ơn cứu rỗi. Cyprianô đã có một khái niệm tương tự như Tertulianô khi trình bày mater ecclesia như là một sự suy tư về việc tuân thủ kỷ luật của cộng đồng địa phương. Khi đồng hóa Giáo hội với hàng giám mục để ngăn cản những nỗ lực phát triển phe phái trong Giáo hội của mình, Cyprianô bắt đầu nhân cách hóa mater ecclesia như một thực thể khác với cộng đồng địa phương. Cyprianô đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng văn hóa về người Mẹ để đưa ra một lời biện hộ cho sự hiệp nhất Kitô giáo trong bối cảnh bị đàn áp và dị giáo. Mẹ Giáo hội là trung gian duy nhất của chân lý, đức tin và sự cứu rỗi của Kitô giáo; ai muốn rỗi linh hồn phải ở trong Mẹ Giáo hội: “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha của bạn trừ khi bạn có Giáo hội là Mẹ của mình.”

4. “Mater Ecclesia” trong các tác phẩm của thánh Ambrosiô

Hình ảnh Giáo hội với tư cách là Mẹ đã được các Giáo phụ đầu tiên sử dụng như một cách áp dụng phép tu từ để diễn tả về sự “ở trong” và “ở ngoài” Giáo hội khi đương đầu với các nhóm ly giáo và dị giáo. Trong khi đối với Irênê, Tertulianô và Cyprianô, hình ảnh Mẹ Giáo hội là phép ẩn dụ chiếm ưu thế, thì đối với Ambrosiô, nó đứng sau hình ảnh của người phối ngẫu/hiền thê và trinh nữ. Sự phát triển cách sử dụng phép tu từ này cho thấy một sự thay đổi trong những bối cảnh và mối quan tâm của các nhà thần học này: từ việc chỉ tập trung vào việc phân định bản sắc Kitô giáo bằng sự cương quyết của người Mẹ chân chính (Giáo hội chính thống sinh ra và nuôi dưỡng những đứa con của mình) đến sự phòng thủ biện hộ của một Giáo hội tinh tuyền (sinh hoa trái nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần và nhờ đó thoát khỏi dị giáo) và Hiền Thê của Chúa Kitô (duy chỉ qua Giáo hội, con người mới tìm được ơn cứu rỗi).

Khi sử dụng phép ẩn dụ mater ecclesia, Ambrosiô không đặt việc làm mẹ như là trọng tâm để mô tả về Giáo hội nhưng là sự trinh tiết. Ambrosiô đặc biệt quan tâm đến việc thể hiện sự trinh trắng của Mẹ Giáo hội.

Giáo hội nguyên tuyền trong sự kết hợp, phong nhiêu trong sinh hạ, là trinh nữ trong sự trinh khiết, là người mẹ của con cái mình. Giáo hội sinh hạ chúng ta mà vẫn trinh nguyên, vì đã thụ thai không do người nam, nhưng bởi Thánh Thần. Giáo hội trinh khiết sinh hạ chúng ta không phải trong đau đớn của chi thể mình nhưng là trong niềm vui của các thiên thần. Giáo hội trinh khiết nuôi dưỡng chúng ta không bằng sữa xác thịt nhưng bằng sữa (giáo huấn), thứ sữa đã dưỡng nuôi tuổi thơ bé bỏng của Dân (Thiên Chúa) mà thánh Tông Ðồ đã nói đến (1Cr 3,2). Có người mẹ nào có đàn con đông đúc hơn Mẹ Giáo hội, người mẹ trinh khiết nơi các Bí Tích, là mẹ nơi con dân của mình, và Thánh Kinh cũng đã chứng thực sự phong nhiêu khi nói: “Ðông đảo thay con của người cô quạnh, gấp mấy đàn con của người đã kết hôn” (Is 54,1). Người nữ không có chồng (trần gian) nhưng có vị hôn phu (Thiên Quốc) đó, thuộc về chúng ta, và đó chính là Giáo hội cho mọi dân tộc và là linh hồn cho mỗi người, nàng kết hợp với vị Hôn Phu vĩnh cửu, thật phong nhiêu trên bình diện tâm linh, mà vẫn trinh khiết vẹn tuyền, vô phương trách cứ.[14]

Sự nhấn mạnh của Ambrosiô về sự trinh tiết của Giáo hội một phần đến từ quan điểm cá nhân của ngài về ý nghĩa của sự trinh tiết, như được phản ánh trong sự tôn trọng của người La Mã đối với Trinh Nữ Vestal (Vestal Virginity),[15] và một phần đến từ xu hướng văn hóa chung đối với chủ nghĩa khổ hạnh. Tuy vậy, có một điều thú vị là, mặc dù Ambrosiô rất chú trọng đến sự trinh trắng của Giáo hội, nhưng hình ảnh Giáo hội như là người phối ngẫu hoặc cô dâu lại chiếm phần đa trong số các hình ảnh về Giáo hội của ngài. Ambrosiô cũng áp dụng những hình ảnh người nữ khác, chẳng hạn như con gái, chị gái và góa phụ cho Giáo hội nhưng không liên kết những hình ảnh này với thiên chức làm mẹ của Giáo hội.

Đối với Ambrosiô, hình ảnh phức tạp của Giáo hội với tư cách là Mẹ-Trinh Nữ-Hiền Thê (Mother-Virgin-Bride) được sử dụng để giải quyết một cách hiệu quả những tranh cãi và các vấn đề về Giáo hội được đưa ra bởi phái Ariô và Jovinian, những thách thức trực tiếp đến quyền giám mục của Ambrosiô ở Milan. Mẹ Giáo hội không đơn giản chỉ là một người mẹ sinh ra những đứa con và dạy dỗ chúng, mà còn là trinh nữ và hiền thê để đối đáp trong các cuộc tranh luận/bút chiến với các bè rối và ly giáo. Đây là cơ sở mà Ambrosiô dựa vào để khuyến khích việc sống khổ hạnh trong Giáo hội và nhờ đó, ngài củng cố quyền lực của chính mình cũng như quyền lực của Giáo hội tại Milan. Sự trinh trắng, tình mẫu tử và tình trạng vợ chồng/hôn nhân của Giáo hội liên kết chặt chẽ với nhau giúp cho Ambrosiô củng cố các lập luận bảo vệ Giáo hội của mình; đối với người Milan, những giá trị cao nhất trong xã hội của họ là hôn nhân và gia đình, sự trinh tiết cũng nằm trong những giá trị này.

Đặc biệt, trong khi Irênê, Tertulianô và Cyprianô thường trình bày tình mẫu tử của Giáo hội theo tính cách cộng đồng, thì Ambrosiô tập trung vào cá nhân thành viên của Giáo hội như là nơi thể hiện tình mẫu tử này. Nơi mỗi thành viên của Giáo hội, Chúa Kitô có thể được thụ thai (bằng sự tiếp nhận Lời Thiên Chúa nơi tâm hồn trinh trắng của họ) và được sinh ra tùy theo sự đáp trả của cá nhân đó đối với “thánh ý Chúa Cha”. Ambrosiô là người đầu tiên áp dụng hình ảnh Giáo hội Mẹ-Trinh Nữ cho các cá nhân thành viên của Giáo hội, đặc biệt là các trinh nữ trong Giáo hội.

Hình ảnh Đức Maria, Mẹ Đồng Trinh của Thiên Chúa, được Ambrosiô sử dụng để hỗ trợ và củng cố hình ảnh Giáo hội vừa là trinh nữ vừa là mẹ. Chính Ambrosiô là người đầu tiên gọi Mẹ Maria là ecclesiatype ở Giáo hội La Tinh Tây phương. Những lời dạy của Ambrosiô khẳng định sự trọn đời đồng trinh (“virginitas in partu”) của Đức Maria không chỉ bảo vệ bản chất của Giáo hội và của Chúa Kitô mà còn là thẩm quyền riêng và sự chính thống của Ambrosiô với tư cách là giám mục. Có thể nói rằng với vai trò của Đức Maria theo quan niệm của Ambrosiô, thì Giáo hội là Mẹ không còn cần dựa vào một người mẹ trong thực tế, hay nơi các hình ảnh của matronamaterfamilias; hình ảnh không nhất thiết phản ánh hiện thực vì có những nhân vật được xây dựng đặc biệt nhắm đến các mục đích chính trị. Nói cách khác, mối quan tâm của Ambrosiô không còn là sự trình bày hình ảnh Mẹ Giáo hội đơn thuần như một “người Mẹ tốt hơn” (như trong trường hợp của Irênê), cũng không phải là sự liên kết cách đơn giản Giáo hội với tư cách là Mẹ với materfamilias trong văn hóa Roma (như đối với Tertulianô) hay với là matrona (trong trường hợp Cyprianô).

Ambrosiô đã sử dụng các phép ẩn dụ về người nữ để mở ra những hiểu biết sâu sắc hơn về Giáo hội. Đối với Ambrosiô, với bản chất nữ tính, Giáo hội là hiện thân của mọi người nữ và có thể đảm nhận những phẩm chất của người nữ phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Khi đan xen hình ảnh truyền thống của Giáo hội với tư cách là mẹ với những hình ảnh khác được rút ra từ ngụ ngôn trong Kinh Thánh, Ambrosiô tạo ra những quan điểm mới về Giáo hội, cho phép ngài giải quyết những thách thức trong bối cảnh của mình. Với việc sử dụng hình ảnh Đức Maria để diễn tả sự cùng tồn tại của việc làm mẹ và sự trinh tiết, cũng như việc sử dụng hình ảnh Trinh Nữ Vestal có thể mang lại sự phồn thịnh phong nhiêu trong trạng thái trinh nguyên, Mẹ Giáo hội của Ambrosiô được phát triển như một phép ẩn dụ sống động, liên quan đặc biệt trong bối cảnh của chính ngài đồng thời cũng tiếp tục tạo ra tiếng vang có ý nghĩa qua nhiều thế kỷ.

5. “Mater Ecclesia” trong các tác phẩm của thánh Augustinô

Mater Ecclesia là một phép ẩn dụ mà Augustinô (354-430) sử dụng một cách tự do, xuất hiện trong hơn tám mươi văn bản biện luận của ngài. Không chỉ đơn thuần lấy lại ý tưởng từ những vị tiền nhiệm của mình ở Bắc Phi, Augustinô điều chỉnh khái niệm Mẹ Giáo hội để thu hút khán giả của mình. Augustinô cũng thay đổi cách truyền thống mà Mẹ Giáo hội đã được sử dụng trong việc đối xử với các giáo phái – từ việc chỉ nói về mình đến việc nói cho mình. Augustinô ban đầu đã sử dụng Mẹ Giáo hội được nhân cách hóa này để kêu gọi các con (phái Đonatô) trở về với mình.

Augustinô sử dụng phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội để đáp trả lại những tranh cãi trong thời đại của ngài. Giống như Cyprianô, Augustinô cũng phải đối mặt với vấn đề về việc tiếp nhận lại những người ly giáo, dẫn đến một hàng giám mục bị chia rẽ (cuộc tranh cãi với Đonatô). Mặc dù đã bị chia rẽ, Augustinô vẫn tiếp tục khẳng định quyền làm mẹ của Giáo hội.

Hãy yêu mến Thiên Chúa của chúng ta, và hãy yêu mến Giáo hội của Ngài: Thiên Chúa là Cha, Giáo hội là Mẹ […] Cuộc hôn nhân này được gắn kết bằng mối ràng buộc của một tình yêu vĩ đại: không ai xúc phạm người này, và giành sự ưu ái của người kia […] Có hay ho gì cho bạn, nếu bạn thừa nhận Chúa, tôn vinh Chúa […] mà lại báng bổ Giáo hội của Ngài?[16]

Augustinô đã mở rộng tầm quan trọng của sự kết hiệp hôn nhân của Chúa Kitô với Giáo hội của Ngài qua chức năng làm mẹ của Giáo hội. Giáo hội, nhận được trọn vẹn từ Chúa Kitô, thi hành sứ mệnh của người mẹ hiền chăm sóc những người thuộc về Chúa Kitô.[17] Việc chăm sóc này được thực hiện thông qua thừa tác vụ bí tích của Giáo hội. Cùng với sự nuôi dưỡng các tín hữu bằng thừa tác vụ bí tích, Giáo hội thi hành vai trò làm mẹ qua việc dạy dỗ với tư cách là người thầy dạy những tín điều. Vì thế, đối với Augustinô, Giáo hội là một người mẹ mà các tín hữu không được phép rời xa.

Đôi khi Augustinô sử dụng hình ảnh Mẹ Giáo hội để “đòi lại ý nghĩa tinh tuyền của nó” từ những giáo phái ly giáo Manikê và Đonatô, những giáo phái đã bóp méo hình ảnh Mẹ Giáo hội để khẳng định cho sự chính thống của họ. Những lần khác, ngài đã sử dụng hình ảnh này để điều chỉnh lối sống trong Giáo hội, như chống lại phái Giovinianô, những người đã hạ thấp tầm quan trọng của tình trạng độc thân. Augustinô lần đầu tiên mang đến cho Mẹ Giáo hội tiếng nói của chính mình, chẳng hạn như một người mẹ trọng kỷ luật, ra lệnh cho những đứa con bướng bỉnh của mình, Đonatô, trở về nhà. Cuối cùng, chính việc giải quyết những tranh cãi này đã giúp Augustinô phát triển một cách rõ ràng về bản chất của Giáo hội, bao gồm cả việc mở rộng vị trí của Mẹ Giáo hội từ phạm trù thế tạm đến phạm trù cánh chung, cũng như sự thừa nhận tư cách thành viên của cả các vị thánh lẫn những tội nhân.

Augustinô cũng đề cập đến các ẩn dụ người nữ khác từ Kinh Thánh được sử dụng bởi các tác giả Giáo phụ trước đây, chẳng hạn như Cyprianô. Ngài tổng hợp những điều này trong bài hùng biện về Mẹ Giáo hội của mình, không nhất thiết để hình thành Giáo hội như một nhân vật siêu nữ duy nhất mà để trình bày các khía cạnh khác nhau về bản chất Giáo hội. Chẳng hạn như, trong bài diễn giải về Sách Diễm Ca, Augustinô đã nói về Giáo hội với tư cách là những đứa con gái đại diện cho những người tội lỗi (những người vẫn còn là thành viên của Giáo hội), trái ngược với “hiền thê yêu dấu” đại diện cho các tín hữu. Những lần khác, Mẹ Giáo hội họa lại hình ảnh Mẹ Giêrusalem từ trên cao của thư gửi Galát 4, hoặc các nhân vật nữ của Thánh Vịnh 45, hoặc là người chị, hiền thê, trinh nữ và nữ hoàng của Sách Diễm Ca. Là người phối ngẫu (univira) của Chúa Kitô, nuôi con bằng sữa của mình, cầu khẩn cho chúng và khóc thương chúng, Mẹ Giáo hội cũng được minh họa một cách rõ ràng qua hình ảnh materfamilias La Mã cổ đại. Trong việc thể hiện các đức tính trung thành, thánh thiện và chính trực (concordia, pietas và justitia) của La Mã, Mẹ Giáo hội cũng được biểu trưng qua hình ảnh matrona cao quý.

Đặc biệt, Augustinô đã nhìn nhận Mẹ Giáo hội như là một Eva mới thay thế Eva cũ, mong muốn con cái mình lớn lên về mặt tâm linh và khuyến khích người khác lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Mẹ Giáo hội cũng là một Trinh Nữ kêu gọi các thành viên của Giáo hội hoán cải và phụ thuộc vào Thiên Chúa. Mẹ Giáo hội hiểu rằng các thành viên của Giáo hội không nên cứ ở mãi trong tình trạng của những trẻ sơ sinh và Mẹ hy vọng một ngày nào đó, chính những đứa con tinh thần của Mẹ cũng sẽ trở thành những người mẹ tinh thần.

Đối với Augustinô, Đức Maria là một kiểu mẫu cho Mẹ Giáo hội nhưng đây không phải là một sự hoán chuyển dễ dàng. Hình ảnh Thân thể Chúa Kitô và Mẹ Giáo hội đôi khi dẫn đến xung đột trong hình ảnh Giáo hội liên quan đến Đức Maria: nếu Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô và Đức Maria là mẹ Chúa Kitô, thì Đức Maria là mẹ của Giáo hội, do đó Đức Maria được đặt lên trên Giáo hội; nếu Giáo hội là Hiền Thê của Chúa Kitô và Đức Maria là hình ảnh của Giáo hội, thì Đức Maria là hiền thê của chính con trai mình. Augustinô không chấp nhận những lập luận này, đưa ra những hạn chế của việc sử dụng hình ảnh Giáo hội liên quan đến Đức Maria. Augustinô tìm cách làm rõ ý tưởng của Ambrosiô về Đức Maria như là khuôn mẫu cho Giáo hội. Đức Maria có thể là khuôn mẫu cho tình mẫu tử và sự trinh trắng của Giáo hội nhưng không phải trong vai trò người phối ngẫu của Giáo hội. Đối với Augustinô, chính cung lòng của Đức Maria được kết hợp với Lời của Thiên Chúa. Chính Đức Maria là môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, con của Mẹ và là thành viên của thân thể nhiệm mầu của Ngài. Trong một cách tương tự như Ambrosiô, Augustinô cũng gọi Đức Maria là ecclesiatype.

Đặc biệt là Augustinô đã sử dụng phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội theo kinh nghiệm cá nhân của ngài. Trong khi đặt Mẹ Giáo hội của mình ngang hàng với Mẹ Giêrusalem trong Kinh Thánh, thì khuôn mẫu làm mẹ mà Augustinô đưa ra, được dựa trên chính người mẹ huyết nhục của mình, Monica. Khi trình bày Mẹ Giáo hội khơi lên cảm giác tội lỗi và sau đó là áp dụng kỷ luật đối với phái Đonatô, Augustinô họa lại trải nghiệm cảm giác tội lỗi của bản thân và kỷ luật mà Monica đã ảnh hưởng đến ngài, nhờ đó mà ngài đã trở lại Giáo hội Công Giáo. Khi nói rằng Giáo hội đang hành xử như một người mẹ đối với các thành viên của mình, ngay cả trong việc cưỡng chế phái Đonatô, Augustinô đang rút ra từ kinh nghiệm cá nhân. Hơn nữa, việc Augustinô sử dụng phép nhân cách hóa cho Giáo hội, phản ánh chính mẹ của ngài, giúp miêu tả Giáo hội thực sự là mẹ trong những cách khác nhau khi Giáo hội đối xử với các nhóm người khác nhau (chẳng hạn như đang tuyệt vọng, và khuyên răn phái Đonatô…). Một cách thú vị là, khi nói về Mẹ Giáo hội cho con bú mớm và sự thật về dòng sữa của Mẹ so với dị giáo Manikê, Augustinô đã nói như một người đã từng trải qua việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Augustinô đã sử dụng phép ẩn dụ mater ecclesia trong hầu hết các tác phẩm của ngài; trong thực tế, Augustinô đã sử dụng hình ảnh mater ecclesia nhiều nhất so với bất kỳ tác giả nào cho đến nay. Mater ecclesia của Augustinô rất đa dạng và phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của thời đại; vì thế, nó phát triển không theo một hệ thống xuyên suốt. Một mặt, Augustinô trình bày tình mẫu tử của Giáo hội một cách dịu dàng qua việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con cái của mình, đặc biệt là trong bối cảnh thông ban các bí tích và giảng dạy. Mặt khác, ngài cũng hình dung Giáo hội là một người mẹ nghiêm khắc khi kỷ luật những đứa con hư hỏng. Bất kể trong bối cảnh hay cuộc bút chiến nào mà ngài phải đối mặt, hầu như Augustinô đều sử dụng phép ẩn dụ mater ecclesia, cho thấy tầm quan trọng của nó trong sự hiểu biết về Giáo hội của ngài.

Như đã trình bày trong phần nhập đề, bài viết này chỉ giới hạn sự tìm hiểu mater ecclesia trong văn chương thời các Giáo phụ vào những thế kỷ đầu và trong các tài liệu của Công Đồng VaticanôII. Trong phần kế tiếp chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa và cách sử dụng mater ecclesia trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II.

 II. MATER ECCLESIA TRONG CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Trong tông sắc khai mạc Công đồng Vaticanô II, Gaudet Mater Ecclesia (11.10.1962), phép ẩn dụ mater ecclesia trở nên một hình ảnh trọng tâm: “Mẹ Giáo hội hớn hở vui mừng, vì nhờ hồng ân của Thiên Chúa Quan Phòng, ngày mà chúng ta hằng mong mỏi cuối cùng đã bắt đầu xuất hiện … khi Công Đồng Hoàn vũ Vaticanô II được long trọng khai mạc ở đây, bên cạnh lăng mộ của Thánh Phêrô.”[18] Trong tông sắc, ĐTC Gioan XXIII giới thiệu Mẹ Giáo hội không chỉ là người nắm giữ và là giảng dạy sự thật cho con cái mình, nhưng còn là một người mong muốn bước ra, tiếp cận và giảng dạy những người đang ở ngoài Giáo hội nữa; thể hiện vai trò của Giáo hội Công Giáo trên thế giới và nghĩa vụ của nó đối với các cộng đồng Kitô giáo khác:

Giáo hội Công Giáo, giương cao ngọn đuốc chân lý tôn giáo bằng Công Đồng Hoàn vũ này, mong muốn thể hiện mình là người mẹ yêu thương của mọi người, hiền lành, kiên nhẫn, đầy lòng thương xót và nhân hậu đối với những anh em đã lìa xa mình.[19]

Mẹ Giáo hội này thừa nhận đức tin ngoài Giáo hội, tương phản với lời tuyên bố của Tertulianô và Cyprianô “extra ecclesiam nulla salus” (“ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”). Nhưng Mẹ Giáo hội phải phụ thuộc vào các con cái để diễn tả về sự hiện diện của Mẹ cho thế giới, sửa chữa lỗi lầm và thúc đẩy sự hiệp nhất và hòa bình. Có thể thấy công việc hướng tới sự thống nhất này là một nghĩa vụ tích cực.

Việc sử dụng mater ecclesia của Đức Gioan XXIII trong ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II hòa nhịp với thông điệp Mater et Magistra (15.5.1961) của ngài. Trong thông điệp Mater et Magistra, Đức Thánh Cha đã quảng bá một hình ảnh về Giáo hội Công Giáo như một người mẹ với hai sứ vụ: “trước là sinh sản, sau là giáo dục và hướng dẫn đoàn con, với một lòng mẫu tử ân cần, bảo vệ mạng sống từng người và mạng sống các dân tộc.” Người mẹ này vừa là mẹ và vừa là thầy dạy của “tất cả các quốc gia”, “tận tâm tôn trọng và bảo vệ phẩm giá đặc biệt của con người.”[20] Không chỉ nắm giữ sự thật mà còn mong muốn được làm mẹ và ôm lấy tất cả mọi người, mọi dân tộc, người mẹ này bày tỏ niềm hy vọng rằng mọi người có thể tìm thấy sự trọn vẹn và sự cứu rỗi nơi mình.

Trong Sắc Chỉ loan báo chính thức triệu họp Công Đồng chung VaticanôII, Humanae Salutis (25.12.1961), Mẹ Giáo hội của Mater et Magistra lại được nhắc đến và tái khẳng định. Humanae Salutis đặc biệt cho thấy một Mẹ Giáo hội quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của con người trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trong ba tài liệu này, Mater et Magistra, Humanae SalutisGaudet Mater Ecclesia, Mẹ Giáo hội là người nắm giữ và thầy dạy sự thật, mong muốn được tiếp cận và giảng dạy không chỉ các con cái của mình, nhưng tất cả những ai còn ở ngoài Giáo hội nữa.

Mặc dù vai trò làm mẹ của Giáo hội được làm nổi bật trong lễ khai mạc Công đồng Vaticanô II, nó đã bị lu mờ đáng kể trong các văn kiện của Giáo hội. Trong phần này chúng tôi sẽ lược qua những lần “Mẹ Giáo hội” được sử dụng trong các bản văn của Công đồng Vaticanô II.[21]

1. “Mater Ecclesia” trong Sacrosanctum Concilium

Trong Hiến chế về Phụng Vụ thánh, Sacrosanctum Concilium (4.12.1963), mater ecclesia xuất hiện 7 lần, hầu hết với những nhiệm vụ có tính pháp lý liên quan đến mục vụ trong phụng vụ.

1. “Luôn trung thành vâng phục truyền thống, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng: Giáo Hội Mẹ thánh coi tất cả những Nghi chế đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau” (SC 4).

2. “Mẹ thánh Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và tích cực.” (SC 14)

3. “Để đoàn dân Kitô giáo đón nhận được ân sủng dồi dào trong Phụng vụ thánh cách chắc chắn hơn, Mẹ thánh Giáo Hội muốn dành nhiều nỗ lực cho việc canh tân toàn diện trong lãnh vực Phụng vụ.” (SC 21)

4. “Ngoài ra, Mẹ thánh Giáo Hội còn thiết lập những á bí tích.” (SC 60)

5. “Bởi thế, tất cả những người thực thi phận vụ đó, vừa chu toàn trách vụ của Giáo Hội, vừa thông phần vinh dự tối cao của Hiền Thê Chúa Kitô, vì lúc đó họ nhân danh Giáo Hội là Mẹ để đảm nhận việc ca khen Thiên Chúa trước ngai toà Ngài.” (SC 85)

6. “Mẹ thánh Giáo Hội luôn ý thức về bổn phận phải thực hành việc tưởng niệm công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm.” (SC 102)

7. Mẹ thánh Giáo Hội vẫn mến chuộng và luôn nghĩ đến vai trò cao quý của mỹ thuật cũng như việc đào tạo các nghệ nhân, chủ yếu để những vật dụng trong phụng tự thánh được thực sự xứng đáng, thanh nhã và cao đẹp, đồng thời biểu thị và tượng trưng cho những thực tại cao siêu.” (SC 122)

Nhìn chung, Mẹ Giáo hội của Sacrosanctum Concilium được sử dụng cho mục đích pháp lý hoặc để tuyên bố những pháp lý liên quan đến mục vụ. Sacrosanctum Concilium chỉ ra rằng sự hiện diện của Mẹ Giáo hội trong lãnh vực mục vụ đặc biệt cần thiết để cung cấp cho con cái những hướng dẫn trong những vấn đề liên quan đến việc canh tân trong phụng vụ. Tuy vậy, trong một đôi chỗ, chẳng hạn như trong điều 102, sự sử dụng cụm từ Mẹ Giáo hội dường như như không cần thiết.

2. “Mater Ecclesia” trong Lumen Gentium

Cụm từ mater ecclesia được dùng sáu lần trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, Lumen Gentium (21.11.1964):

1. “Giáo hội còn được gọi là … ‘Mẹ chúng ta’.” (LG 6)

2. “Những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, có ý định rõ ràng xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hiệp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương sẽ săn sóc họ như những người con của mình.” (LG 14)

3. “Mẹ thánh Giáo Hội không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, đồng thời khích lệ con cái mình thanh luyện và canh tân, để hình ảnh của Đức Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội.” (LG 15)

4. “Về phần các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, khi theo con đường riêng của mình, nhờ ơn Chúa, phải suốt đời nâng đỡ nhau trong một tình yêu chung thủy, và giúp cho những người con mà họ đã yêu thương đón nhận từ Thiên Chúa, được thấm nhuần giáo lý Kitô giáo và các nhân đức của Tin Mừng. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về một tình yêu bền vững và quảng đại, xây dựng tình bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào sự phong nhiêu của Mẹ Giáo Hội, nên như dấu chỉ đồng thời thông phần vào tình yêu của Đức Kitô, Đấng yêu thương và hiến mình vì Hiền Thê của Người.” (LG 41)

5. “Mẹ Giáo Hội vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều người nam cũng như nữ muốn theo sát và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Đấng Cứu Thế.” (LG 42)

6. “Giáo Hội là mẹ vì đã lãnh nhận Lời Chúa trong đức tin: thật vậy, nhờ việc rao giảng và nhờ bí tích Thánh tẩy, Giáo Hội sinh hạ con cái, những người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Thiên Chúa sinh ra cho đời sống mới và bất diệt.” (LG 64)

Hình ảnh người mẹ xuất hiện ít nhất 52 lần trong Lumen Gentium, nhưng 46 trong số những lần này nói đến vai trò làm Mẹ của Đức Maria, trong khi chỉ có 6 lần đề cập đến Mẹ Giáo hội. Sự xuất hiện đầu tiên của Mẹ Giáo hội ở Lumen Gentium chỉ đơn giản giới thiệu “Giáo hội còn được gọi là … ‘Mẹ chúng ta’” (LG 6). Những lần khác liên quan đến những người dự tòng (14–15) và liên quan đến sự thánh thiện (6, 41–42), diễn tả vai trò của Giáo hội là mẹ chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên. Nói chung, việc sử dụng phép ẩn dụ người mẹ trong Lumen Gentium được đặc biệt dành cho thiên chức làm mẹ của Đức Maria.

3. “Mater Ecclesia” trong Dei Verbum

Trong Hiến chế tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, Dei Verbum (18.5.1965), cụm từ Mẹ Giáo hội xuất hiện chỉ có ba lần.

1. “Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, nhờ đức tin tông truyền, xác nhận rằng toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn đều là Sách Thánh và được ghi vào bản thư quy Thánh Kinh, vì được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (DV 11).

2. “Mẹ thánh Giáo Hội đã và vẫn không ngừng quả quyết rằng bốn sách Tin Mừng …, mà Giáo Hội không ngần ngại khẳng định tính lịch sử, trung thành lưu truyền những gì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thật sự đã làm và đã giảng dạy vì phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Người được đưa về trời” (DV 19).

3. “Vì Lời Thiên Chúa phải luôn tiện dụng cho mọi thời đại nên Giáo Hội như một người mẹ, ân cần lo liệu sao cho có các bản dịch thích hợp và đúng nghĩa sang các thứ tiếng, nhất là dịch từ nguyên bản các Sách Thánh” (DV 22).

Từ những trích dẫn trên, chúng ta có thể thấy rằng trong những lần xuất hiện này, Mẹ Giáo hội thể hiện mình trong hình ảnh người thi hành pháp lý. Lần thứ ba xuất hiện, muốn nói lên tâm thức của người mẹ để trấn an con cái trong các việc canh tân được thực hiện, tuy nhiên dường như việc sử dụng cụm từ có vẻ gượng ép.

4. “Mater Ecclesia” trong Gaudium et Spes

Trong Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes (7.12.1965), Giáo hội thi hành việc mục vụ, mở ra với thế giới, như được báo trước trong Humanae Salutis. Mẹ Giáo hội của Gaudium et Spes, chỉ xuất hiện duy nhất một lần: “Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo Hội không ngừng ‘khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để dấu chỉ của Chúa Kitô tỏa sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội’.” (GS 43)

Giáo hội của Gaudium et Spes là một Giáo hội muốn mở ra với thế giới, quan tâm đến và chia sẻ các vấn đề của thế giới:

Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ. Thật vậy, đây là cộng đồng gồm những con người được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận Tin Mừng cứu rỗi được trao ban cho mọi người. Vì thế, công đồng này thực sự cảm nghiệm được mối dây liên kết mật thiết với con người và lịch sử nhân loại. (GS 1)

Nếu Giáo hội của Gaudium et Spes luôn đóng vai trò là người mẹ, thì Mẹ Giáo hội của Gaudium et Spes là một người tự coi mình là người mở ra với thế giới, quan tâm đến các vấn đề của thế giới, tiếp cận thế giới như một người mẹ đối với đứa con cần được dạy dỗ. Tuy vậy, lần duy nhất “Mẹ Giáo hội” được sử dụng trong Gaudium et Spes, thì dường như vai trò của người mẹ này hầu như chỉ liên quan đến con cái trong nhà, để cổ xúy, khuyên răn và dạy dỗ chúng.

5. “Mater Ecclesia” trong Gravissimum Educationis

Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Gravissimum Educationis (28.10.1965) đề cập đến vai trò của Mẹ Giáo hội hai lần:

1. “Mẹ thánh Giáo Hội, vì muốn chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ nơi Đấng sáng lập, là loan truyền mầu nhiệm ơn cứu độ cho mọi người và tái lập mọi sự trong Chúa Kitô, nên đảm nhận trách nhiệm chăm lo cho đời sống toàn diện của con người, kể cả cuộc sống trần thế trong những điều liên quan đến ơn gọi siêu nhiên, và vì thế, cũng góp phần vào việc phát triển và mở rộng nền giáo dục.” (Lời mở đầu)

2. “Bởi thế, Giáo Hội như người mẹ kiên quyết thực hiện một nền giáo dục để giúp cho đời sống con cái mình được thấm đẫm tinh thần của Chúa Kitô, đồng thời cũng cộng tác với mọi dân tộc để cổ vũ cho việc hoàn thiện hoá con người toàn diện, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới mang tính nhân bản hơn.” (GE 3)

Mẹ Giáo hội của Gravissimum Educationis chủ yếu được mô phỏng như một người thầy dạy của con cái mình. Trong đoạn giới thiệu của Gravissimum Educationis, Mẹ Giáo hội xuất hiện, không chỉ quan tâm đến khía cạnh tinh thần mà cả toàn bộ cuộc sống của đứa con, bao gồm cả cuộc sống trần thế của nó. Ở điều 3, một lần nữa vai trò làm mẹ đặc biệt của Giáo hội được đề cao: với tư cách là một người mẹ, Giáo hội bị ràng buộc hoặc bắt buộc trao ban cho con cái mình một nền giáo dục toàn diện, để cuộc sống của chúng được thầm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, đồng thời trở nên những người hữu ích cho xã hội trần thế.

Nhìn chung trong các tài liệu của Công đồng Vaticanô II, phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội được sử dụng và mô phỏng rất giới hạn, chỉ như một biểu tượng của thẩm quyền, thầy dạy, người mang hoặc giữ sự thật, và được sử dụng như một công cụ tu từ để cung cấp một hướng mục vụ cho các tuyên bố pháp lý. Với tư cách là người có thẩm quyền, Mẹ Giáo hội tán thành việc cải cách đã được Công Đồng quyết định cách thận trọng. Là thầy dạy, Mẹ cung cấp sự thật cứu rỗi và đi đến với tất cả mọi người kể cả những người không phải là thành viên của Giáo hội để họ có thể được cứu nhờ chân lý Phúc Âm. Là người mang sự thật, Mẹ tìm cách truyền đạt sự thật này không chỉ cho các con cái của mình mà cả những người bên ngoài Giáo hội nữa. Là người mẹ với nhiệm vụ chăn dắt, Mẹ tìm cách truyền đạt, hướng dẫn, dạy dỗ, chăm sóc các con cái của mình. Việc sử dụng phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội trong các tuyên bố pháp lý dường như để làm dịu đi những chỉ thị nghiêm khắc của Giáo hội đối với các thành viên của mình.

III. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH THAY CHO LỜI KẾT

Mỗi Giáo phụ, từ Tertulianô đến Augustinô, đã phát triển phép ẩn dụ Mẹ Giáo hội tương ứng với bối cảnh của chính Giáo hội địa phương của mình. Có thể nói rằng, hình ảnh Mẹ Giáo hội không chỉ đơn giản là một quy ước mang tính thần học mà còn là một cảm thức về Giáo hội đã ăn sâu và liên tục được cảm nhận trong cuộc đời của các Kitô hữu. Như một phép ẩn dụ diễn tả Giáo hội, mater ecclesia phát triển một cách tự nhiên cùng với các khái niệm khác về Giáo hội. Trong thời gian đầu, mater ecclesia được liên kết với cộng đồng Kitô giáo địa phương và từ đó một tiêu chuẩn kỷ luật đã được thiết lập.

Tertulianô, người đã kết nối sự hiệp nhất của Giáo hội với quy phạm đức tin (regula fidei) và kỷ luật, thể hiện khuynh hướng này và khẳng định rằng những kẻ dị giáo và ly giáo không có mẹ (Giáo hội). Cyprianô đã có một khái niệm tương tự khi trình bày mater ecclesia như là một sự phản ánh của việc tuân thủ kỷ luật của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, khi Cyprianô đồng hóa Giáo hội với hội đồng giám mục để ngăn cản những nỗ lực phát triển phe phái trong Giáo hội của mình, ngài bắt đầu nhân cách hóa mater ecclesia như một thực thể khác với cộng đồng địa phương. Tương tự như vậy, Augustinô đã định hình lại danh tính của Giáo hội, đặc biệt là trong cuộc bút chiến của ngài với nhóm Đonatô, chuyển ranh giới của nó từ một hàng giám mục có thể nhận dạng tạm thời sang một cộng đồng của các vị thánh được nhận ra trong thời cánh chung. Bức chân dung mater ecclesia của Augustinô, do đó, được nhân cách hóa hơn và được kết nối với Giêrusalem trên trời.

Ambrosiô đặc biệt quan tâm đến việc thể hiện sự trinh tiết đi đôi với thiên chức làm mẹ của Mẹ Giáo hội. Trong khi đối với Tertulianô và Cyprianô, Giáo hội được gọi là trinh nữ hoặc mẹ hoặc cả hai, thì đối với Ambrosiô, lần đầu tiên Giáo hội Mẹ-Đồng Trinh được chuyển đến từng thành viên của Giáo hội, đặc biệt là các trinh nữ. Ambrosiô sử dụng hình ảnh Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, như một hình ảnh để diễn tả về cách Giáo hội có thể đồng thời vừa là trinh nữ thuần khiết và vừa là người mẹ phong nhiêu. Ambrosiô thường chú trọng đến những giai đoạn đầu làm mẹ của người nữ để diễn tả hình ảnh Mẹ Giáo hội của ngài, đặc biệt là các giai đoạn thụ thai, sinh nở và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Trong khi Ambrosiô sử dụng giai đoạn đầu làm mẹ (thụ thai và sinh nở) để tạo ra sự khác biệt giữa các thành viên của Giáo hội, Augustinô sử dụng nhiều vai trò nữ khác nhau để tạo ra nhiều sự phân biệt trong các loại thành viên: những người tín hữu chân chính là những người mẹ và nữ hộ sinh sống giữa những người con gái vô đạo đức của Giáo hội, giống như “hoa huệ sống giữa bụi gai” (Diễm Ca 2,2).

Những khám phá trên cho chúng ta thấy rằng hình ảnh mater ecclesia không phải là một hình ảnh tĩnh, nhưng mỗi Giáo phụ tiếp tục phát triển nó theo nhu cầu Giáo hội của mình, đồng thời cho thấy khả năng thích ứng của phép ẩn dụ và sự tiến hóa liên tục của nó trong Giáo hội học thời các Giáo phụ. Vì phép ẩn dụ mater ecclesia được sinh ra từ và được thể hiện thường xuyên nhất trong bối cảnh Giáo hội bị khủng hoảng, có thể nói rằng hình ảnh mater ecclesia sở hữu một ý nghĩa liên kết độc quyền, chủ yếu được sử dụng để xác định ranh giới của những người “thuộc về” và “không thuộc về” Giáo hội. Điều này được minh họa rõ nhất trong câu nói của Cyprianô, “Bạn không thể có Thiên Chúa là Cha nếu bạn không có Giáo hội là Mẹ.” Bất kể điều gì hay ai được xác định như là chất/sự cấu thành của Giáo hội thực sự, thì mater ecclesia vẫn là một trong những các biểu tượng chính để mô tả điều này; mater ecclesia đã được liên kết với các tiêu chuẩn của quy phạm đức tin (regula fidei), các quyết định tập thể của hội đồng giám mục, và các nghị định của các công đồng đại kết.

Mater ecclesia là một biểu tượng cho thành viên của nhóm và đại diện cho một ranh giới rõ ràng, tách biệt những người được cứu (the saved) khỏi những người bị luận phạt (the damned). Do đó, ý nghĩa và chức năng của danh hiệu mater ecclesia, như được phát triển trong Giáo hội học, đặc biệt ở Bắc Phi, không phải là sự hòa giải và bao gồm, mà là sự tranh luận và loại trừ.

Từ truyền thống Giáo phụ, có thể nói rằng có hai chiều kích khác nhau, nhưng thường xuyên đan xen, có ý nghĩa liên quan đến thiên chức làm mẹ của Giáo hội.

1. Giáo hội được mô tả như một người Mẹ liên quan đến chiều kích thể chế của Giáo hội, Giáo hội được duy trì thông qua sự hiệp nhất của hàng giám mục. Để được cứu rỗi, các tín hữu phải ở trong và hiệp thông với Mẹ Giáo hội.

2. Thiên chức làm mẹ của Giáo hội gắn liền với chức năng làm mẹ đối với các tín hữu trong việc mang đến sự sống, nuôi dưỡng, dạy dỗ và chăm sóc họ qua việc rao giảng và cử hành các bí tích mà Thiên Chúa đã ban cho con cái của Người.

Việc sử dụng hình ảnh Mẹ Giáo hội như một cách để mô tả bản chất và chức năng của Giáo hội vẫn tiếp tục trong thời trung cổ và hiện đại, đặc biệt là trong Giáo hội Công Giáo. Cũng giống như trong thời kỳ các Giáo phụ, hình ảnh mater ecclesia được chứng minh là có thể thích nghi với những thay đổi khác nhau của Giáo hội đã phát triển. Thí dụ rõ nhất của điều này được thấy trong Giáo hội Công Giáo vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Khi giảm bớt việc chống lại sự thù địch của các nhà cầm quyền thế tục, Giáo hội đã tiến đến một Giáo hội tập trung hơn, trong đó việc củng cố bản sắc và thẩm quyền của Giáo hội chỉ gói gọn trong quyền của giáo hoàng. Hình ảnh Giáo hội Mẹ theo đó trở nên gắn liền với những huấn giáo của Giáo hội Công Giáo và thường được gọi là magistra mater ecclesia.[22] Chẳng hạn như tông hiến Providentissima Mater (1917) của Đức Beneđictô XV, đề cập đến việc làm mẹ của Giáo hội, tuy nhiên chỉ dựa trên thẩm quyền pháp lý được thực thi bởi các giáo hoàng và các công đồng.[23]

Trong khi nơi giáo huấn của các Giáo phụ đầu tiên, Mẹ Giáo hội đóng một vai trò quan trọng, thì trong các tài liệu của Vaticanô II, vị trí của Mẹ dường như khá lu mờ. Đối với việc hạn chế sử dụng mater ecclesia trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, có thể có ba lý do.[24] Thứ nhất, các nhà soạn thảo của Lumen Gentium, Hiến chế tín lý về Giáo hội, thích đề cao những hình ảnh Kinh Thánh để làm sáng tỏ mầu nhiệm Giáo hội hơn.[25] Những hình ảnh trong Kinh thánh, chẳng hạn như “Dân Thiên Chúa” được sử dụng nổi bật trong Lumen Gentium, trong khi Mẹ Giáo hội đóng một vai trò khá lu mờ/không đáng kể. Tương tự như thế, trong bài phát biểu khai mạc tại phiên họp thứ hai của Công Đồng (29.9.1963), Đức Phaolô VI đã tuyên bố:

Không thể nghi ngờ bất cứ điều gì về mong muốn, nhu cầu và nghĩa vụ của Giáo hội để đưa ra một định nghĩa thấu đáo hơn về chính mình. Chúng ta đều quen thuộc với những hình ảnh tuyệt vời mà Thánh Kinh mô tả về bản chất của Giáo hội: tòa nhà được Đức Kitô xây dựng, ngôi nhà của Thiên Chúa, đền thờ và nhà tạm của Thiên Chúa, dân Thiên Chúa, đàn chiên của Chúa, cây nho của Chúa, thành phố của Thiên Chúa, cột trụ của chân lý, và cuối cùng, là hiền thê của Chúa Kitô, Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô.[26]

Có lẽ bởi vì được phát sinh từ truyền thống của Giáo hội hơn là từ một tiền đề rõ ràng trong Kinh Thánh, nên hình ảnh Mẹ Giáo hội bị vắng mặt trong danh mục các hình ảnh về Giáo hội dựa trên Kinh Thánh này.

Thứ hai, khi đề cập đến hình ảnh về tình mẫu tử của Giáo hội, thì các tài liệu của Vaticanô II chủ yếu liên quan đến mối quan hệ của Đức Maria với Giáo hội. Lumen Gentium nhấn mạnh Đức Maria như là mẫu gương tuyệt vời cho Giáo hội và là mô hình cho tất cả các Kitô hữu noi theo.[27] Thực ra, mối liên hệ giữa Đức Maria và Giáo hội đã có từ thời Ambrosiô và Augustinô, thuộc tính làm mẹ của Đức Maria và Giáo hội được đặt song song. Tuy nhiên, cả Ambrosiô và Augustinô đều duy trì sự khác biệt giữa Mẹ Maria và Mẹ Giáo hội. Tuy nhiên, đến thời Trung cổ, nhiều nhà tư tưởng khác nhau, chẳng hạn như Berengaudus và Aelred Rievaulx, đã bắt đầu liên kết Đức Maria và Mẹ Giáo hội với nhau và tạo ra một khái niệm về Maria mater ecclesiae. Mặc dù các nhà soạn thảo của Lumen Gentium đã tránh sử dụng danh hiệu gây tranh cãi này, nhưng họ lại thích nói về Đức Maria như là “mẹ của mình”, và do đó đã đưa vai trò làm mẹ của Giáo hội tùy thuộc vào vai trò làm mẹ của Đức Maria một cách hiệu quả. Điều này, cùng với việc không có sự phân biệt rõ ràng giữa Mẹ Maria và Mẹ Giáo hội, có thể giải thích cho sự giảm dần của việc sử dụng hình ảnh Mẹ Giáo hội.

Thứ ba, có lẽ điều được cho là nhân tố có ảnh hưởng nhất đến việc sử dụng mater ecclesia, là Vaticanô II đã nâng cao những gì Avery Dulles mô tả như là một sự thay đổi “mô hình” (“paradigm shift”) trong Giáo hội Công Giáo.[28] Những nhà soạn thảo của Lumen Gentium không chỉ tránh quảng bá một Giáo hội duy nhất mà còn tránh mở rộng quan niệm về Giáo hội, đặc biệt là liên quan đến các giáo phái và tôn giáo khác.[29] Thay vì tái khẳng định định nghĩa của thánh Robertô Bellarmine về Giáo hội, vốn chiếm ưu thế trong Giáo hội Công Giáo trong hơn ba trăm năm, họ đã từ chối xác định Giáo hội chỉ dựa trên một Giáo hội thể chế hữu hình rõ ràng và ủng hộ một mô hình hiệp thông và đại kết.[30] Như John W. O’Malley kết luận:

Vaticanô II đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội như là nền tảng của đời sống Kitô hữu và là lối bước vào Giáo hội. Do đó, xác nhận một sự hiểu biết ít hạn chế hơn về tư cách thành viên trong Giáo hội Công Giáo, bởi vì Giáo hội ở một mức độ nào đó bao gồm tất cả những ai đã chịu phép Rửa Tội.[31]

Liên quan đến việc không sử dụng hình ảnh Mẹ Giáo hội gần đây, Henri de Lubac trong Motherhood of the Church đã viết, chúng ta “cần phải trở về với mẹ [Giáo hội] của chúng ta.”[32] Thật vậy, hình ảnh mater ecclesia, gần đây, hiếm khi xuất hiện trong các tác phẩm thần học về Giáo hội và các huấn quyền của Giáo hội. Avery Dulles, chẳng hạn, trong tác phẩm kinh điển về Giáo hội học, Models of the Church, không bao gồm Mẹ Giáo hội như là một trong những mô hình lịch sử của Giáo hội.[33] Tương tự như vậy, việc sử dụng Mẹ Giáo hội của Đức Gioan Phaolô II và Beneđictô XVI là không đáng kể khi so sánh với các huấn quyền của các vị tiền nhiệm của các ngài.

Như đã đề cập trong phần nhập đề, Đức Thánh Cha đương kim Phanxicô muốn trở về với hình ảnh Mẹ Giáo hội mà các Giáo phụ trong các thế kỷ đầu hay dùng nhất để nói về Giáo hội, và ngài mời gọi chúng ta cũng trở về, khám phá lại vẻ đẹp của thiên chức làm mẹ của Giáo hội. Ngài khẳng định, “Danh tính của Giáo hội là nữ,” “Giáo hội là một người Mẹ”. Chỉ có một Giáo hội mang nữ tính mới có thể “sinh hoa trái” theo ý định của Thiên Chúa. Khi nhấn mạnh Giáo hội là người nữ và mẹ hiền, Đức Phanxicô lưu ý là Giáo hội có khả năng làm vợ và sinh con. Những đặc tính này của Giáo hội đến từ Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, giúp cho chúng ta hiểu được chiều kích nữ tính của Giáo hội. Nếu danh tính nữ này bị mất, Giáo hội sẽ trở thành “một tổ chức từ thiện hoặc một đội bóng đá”. Đức Thánh Cha còn dí dỏm nói rằng: nếu “danh tính của Giáo hội là nam”, Giáo hội sẽ trở thành “một Giáo hội sống trong đơn độc”, “không thể sinh hoa trái”.[34]

Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh thêm rằng “nơi nào có tình mẫu tử, nơi đó có sự sống, có niềm vui, có hòa bình,”[35] và phẩm hạnh nổi trội nơi một người nữ là sự dịu dàng. “Giáo hội là một người mẹ bước đi trong sự dịu dàng.” Đức Thánh Cha đặc biệt lưu ý: “tất cả chúng ta đều chia sẻ chức làm Mẹ của Giáo hội.” Tất cả chúng ta được mời gọi “phải trở nên một người lịch lãm, dịu dàng, tươi cười, và đầy tràn tình yêu” giống như Mẹ Giáo hội.[36] “Tất cả chúng ta đều được mời gọi cộng tác vào việc sinh ra các kitô hữu mới trong đức tin, tất cả chúng ta đều được mời gọi là những người giáo dục trong đức tin.”[37]

Giáo hội là Mẹ của chúng ta. “Chúng ta sẽ không phải là Kitô hữu nếu chúng ta không thừa nhận nơi Giáo hội đặc điểm thiết yếu này.”[38] Trong chức năng làm mẹ, “Giáo hội có mẫu gương là Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương đẹp nhất và cao cả nhất. Đó là điều mà các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã đưa ra ánh sáng và Công đồng Vaticanô II đã trình bày cách tuyệt diệu (cf. LG, 63–64).”[39]

 ————————–

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cristina Nava Lledo Gomez, Mother Church as Metaphor in Key Early Patristic Writers and Vatican II, PhD Thesis in Theology. Sydney: Charles Sturt University, 2015.

2. Bradley M. Peper, The Development of Mater Ecclesia in North African Ecclesiology, PhD. diss. in Religion. Nashville: Vanderbilt University, 2011.

————————–

[1] Linh Tiến Khải, “Hãy yêu mến Giáo hội là Mẹ đã sinh chúng ta ra trong đức tin,” http://www.simonhoadalat.com/GIAOHOI/Nam2013/Thang09/09YeuGH.htm

[2] Pope Francis, “General Audience, St Peter’s Square, Wednesday 18 September, 2013” https://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2013/documents/papa-francesco_20130918_udienza-generale.html.

[3] Pope Francis, “The Church is not a babysitter”, http://www.vatican.va/content/francesco/en/cotidie/2013/documents/papa-francesco-cotidie_20130417_slumbering-church.html; VaticanôRadio, “Pope Francis: Church a Mother not a NGO”, http://en.radiovaticana.va/news/2014/06/17/pope_francis_church_a_mother_not_a_ngo/1101850.

[4] Linh Tiến Khải, “Hãy yêu mến Giáo hội là Mẹ đã sinh chúng ta ra trong đức tin.”

[5] Bradley M. Peper, The Development of Mater Ecclesia in North African Ecclesiology, (Nashville: Vanderbilt University, 2011), 33–34.

[6] Cristina Nava Lledo Gomez, Mother Church as Metaphor in Key Early Patristic Writers and Vatican II, (Sydney: Charles Sturt University, 2015), 67.

[7] Peper, “The Development of Mater Ecclesia in North African Ecclesiology,” 37.

[8] Theo Wiley Online Library, “A free‐born Roman woman who had contracted a iustum matrimonium was, according to Roman law, called a matrona. Under the Roman Republic, the term matrona was distinguished from materfamilias. According to Gellius (18.6.4), only a woman who had contracted a manus marriage was properly a materfamilias.” https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/9781444338386.wbeah22192

[9] Cyprian. Epistle, vol. 43, in E. Wallis, A. Roberts, and J. Donaldson (eds.), The Ante-Nicene Fathers, Volume

V (Grand Rapids: Eerdmans, 1986a), 321.

[10] Cyprian, “On the Unity of the Church”, in E. Wallis, A. Roberts, and J. Donaldson (eds.), The Ante-Nicene

Fathers, Volume V (Grand Rapids: Eerdmans, 1986b), 421–422.

[11] Cyprian, The Lapsed; The Unity of the Catholic Church (ACW), Johannes Quasten and Joseph Plumpe (eds.) (Westminster, Maryland/ London: The Newman Press/ Longmans, Green and Co, 1957), 25:48–49.

[12] Cyprian, Saint Cyprian: Letters (1-81), Roy J. Deferrari ed. (New York: The Catholic University of America Press, 1964), 74.

[13] Ara Pacis (tiếng Latinh) là đài tưởng niệm nền hòa bình của Augustus, được Thượng nghị viện La Mã cho xây dựng vào năm 13 trước công nguyên để thờ Nữ Thần Hòa Bình nhân dịp Hoàng Đế Augustus trở về sau các chiến dịch bình định ở Pháp và Tây Ban Nha.

[14] Sur les Vierges 1, 6, 31, PL 16, 197CD. Bản dịch của L. Bouyer, La Spiritualité du Nouveau Testament et des Pères (Paris 1960), 544–545.

[15] “Trước thế kỷ thứ IV, người La Mã theo tín ngưỡng thờ Trinh nữ Vesta [Vestal Virginity]. Theo sử học thì tục này bắt đầu từ thời đại của Hoàng đế Num Pompilius (753–673 TCN). Đối với tôn giáo thờ Nữ thần Vesta thì việc duy trì ngọn lửa trong lò đặt tại đền thờ là nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng nhất. Người ta tin rằng, ngọn lửa này đại diện cho vận mệnh cũng như sự hưng thịnh của quốc gia. Nếu nó bất chợt phụt tắt, đó là điềm báo cho thấy đại họa sắp giáng xuống. Vì thế, trong đền thờ Vesta luôn phải có người túc trực.

Trinh nữ Vestal chính là những người giữ trọng trách duy trì và bảo vệ ngọn lửa ấy. Họ cắt cử ra 6 người ăn ngủ luôn trong đền thờ, liên tục canh chừng, giữ ngọn lửa cháy đều suốt cả năm. Mỗi năm vào tháng 3, các trinh nữ lại được phép thắp lên một ngọn lửa mới. Kể từ lúc này cho đến tháng 3 năm sau, họ tuyệt đối không được để nó bị tắt.

Ở nhà nước La Mã cổ đại, tôn giáo gắn liền với chính trị. Các trinh nữ Vestal vì thế được đối đãi bằng sự tôn kính vô bờ. Không có bất cứ một ai, kể cả nhà vua, được phép xúc phạm đến một trinh nữ Vestal. Nếu có đàn ông nào dám lừa phỉnh, dụ dỗ các Vestal đánh mất sự trong trắng, họ sẽ phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp nhất: bị đánh đến chết bằng roi da.” Vũ Huế, “Chuyện về Vestal Virgin: Những trinh nữ ‘quyền lực’ nhất La Mã cổ đại, ai mơ tưởng đến cũng trả giá đắt,” https://soha.vn/chuyen-ve-vestal-virgin-nhung-trinh-nu-quyen-luc-nhat-la-ma-co-dai-ai-mo-tuong-den-cung-tra-gia-dat-20190308141457094.htm

[16] Augustine. Exposition of the Psalms, vol. 89.41, trans. and ed. by A.C. Coxe and P. Schaff (Grand Rapids: Eerdmans, 1983), 440–441.

[17] Augustine. Homilies on the Gospel of John, vol. 9.10, in Nicene and Post-Nicene Fathers of the Christian Church, Volume VII, trans. and ed. by J. Gibb, J. Innes, and P. Schaff (Grand Rapids: Eerdmans, 1986), 13.12–18.

[18] The Documents of Vatican II, ed. W. A. Abbott and trans. Joseph Gallagher (New York: Guild Press, 1966), 710.

[19] The Documents of Vatican II, 716. Ở đây, Đức Gioan XXIII đã trích dẫn Cyprianô, On the Unity 5.

[20] ĐGH Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, số 1.

[21] Những trích dẫn Công Đồng VaticanôII được dùng theo bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2012).

[22] Yves Congar, “The Ecclesia or Christian Community as a Whole Celebrates the Liturgy,” in At the Heart of Christian Worship: Liturgical Essays of Yves Congar, trans. and ed. by Paul Philibert (Collegeville, MN: Pueblo, 2010), 42.

[23] Các ví dụ đáng chú ý khác thể hiện sự giải thích của huấn quyền về mater ecclesia bao gồm Tông hiến Provida Mater Ecclesia của ĐGH Piô XII (2.2.1947) và các tuyên bố của ĐGH Piô IX trong phiên họp thứ hai của Công đồng Vaticanô I (6.1.1870). ĐGH Gioan Phaolô II cũng đã lặp lại sự giải thích như thế về mater ecclesia trong bài nói chuyện với các giám mục Đức trong chuyến viếng thăm ad limina của họ (20.11.1999). Trong đó, ngài nhắc nhở các giám mục rằng “Mater cũng là Magistra”, và định vị nguồn gốc của chức năng giảng dạy chỉ thuộc về tập đoàn giám mục và giáo hoàng.

[24] Bradley M. Peper, The Development of Mater Ecclesia, 227–230

[25] Gustave Weigel, “How is the Council Going?” America 109 (1963), 730–732.

[26] “The Task,” in Council Speeches of Vatican II, ed. Hans Kung, Yves Congar and Daniel O’Hanlon (Glen Rock, NJ: Paulist, 1964), 25.

[27] Lumen Gentium 52–69, esp. 60–65.

[28] Dulles, Models of the Church, 7–25.

[29] Joseph A. Komonchak, “The Significance of Vatican II for Ecclesiology,” in The Gift of the Church: A Textbook on Ecclesiology in Honor of Patrick Granfield, O. S. B., ed. Peter C. Phan (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2000), 69–92.

[30] Bellarmine định nghĩa Giáo hội là một cộng đồng của những người được hiệp nhất bởi sự tuyên xưng cùng một đức tin và tham gia vào sự hiệp thông của cùng các bí tích, dưới sự cai quản của các mục tử hợp pháp, và đặc biệt là của vị đại diện của Chúa Kitô trên trái đất, giáo hoàng Roma (De controversiis 2.3).

[31] John W. O‘Malley, What Happened at Vatican II (Cambridge, MA: Belknap Press, 2008), 295.

[32] Henri de Lubac, The Motherhood of the Church, trans. Sergia Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1982), 164. X. Donald Calloway, “Mater Ecclesia: An Ecclesiology for the 21st Century,” Homiletic and Pastoral Review (November, 2001), 1-6. http://www.ignatiusinsight.com/features2007/dcolloway_ matereccl_jun07.asp.

[33] Avery Dulles, Models of the Church, expanded ed. (New York: Doubleday, 2002).

[34] Junno Arocho Esteves, “Church is a Mother, not a Bachelor, Pope says on feast of Mary, Mother of the Church,” Catholic News Service, http://iobserve.org/2018/05/22/church-is-a-mother-not-a-bachelor-pope-says-on-feast-of-mary-mother-of-the-church/

[35] ĐGH Phanxicô, “Giáo hội là Người Mẹ,” J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ VaticanRadio Eng, http://phanxico.vn/2015/09/15/giao-hoi-la-nguoi-me/

[36] Esteves, “Church is a Mother, not a Bachelor.”

[37] Linh Tiến Khải, “Hãy yêu mến Giáo hội là Mẹ đã sinh chúng ta ra trong Đức Tin,” vi.radiovaticana.va (11.9.2013)

[38] Lubac, The Motherhood of the Church, 75.

[39] ĐGH Phanxicô, “Bài Giáo Lý về thiên chức làm mẹ của Giáo hội và của mỗi giáo dân trong Giáo hội,” số 1.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here