SỰ TIẾN TRIỂN CỦA THẦN HỌC THÁNH GIÁ TRONG TÂN ƯỚC

0
899

Michel Gourgues o.p.

Thời sự Thần học, số 90 (tháng 11/2020)

Nguồn: Croce, trong G. Ravasi, R. Penna, G. Perego (ed.), Dizionario dei Temi Teologici della Bibbia. Cinisello Balsamo, Edizioni San Paolo, 2010, pp. 254-262. Nguyên văn tiếng Pháp có thể đọc trên: http://www.mystereetvie.com/GourguesCrucifix.html

Tóm lược

Việc đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá là một biến cố xảy ra vào ngày 7 tháng 4 năm 30: Người chịu treo lên thập giá vào lúc 9 giờ sáng, chết vào khoảng 3 giờ chiều, vào hôm trước ngày sa-bát năm ấy trùng với lễ Vượt qua của người Do-thái. Tiếp đó, các môn đệ của Người và các Kitô hữu sẽ sống lại một hành trình qua ba chặng:

1/ Trong chặng thứ nhất, người ta nói đến cái chết của Đức Giêsu nhưng chỉ đả động đến thập giá cách kín đáo. Đó là điều có thể quan sát được trong những bản tuyên xưng đức tin tiên khởi chỉ nói đến cái chết và sự phục sinh, như trong công thức được thánh Phaolô trưng dẫn trong 1 Tx 4,14 (“Chúng tôi tin rằng Đức Giêsu đã chết và phục sinh”) hoặc trong những thánh thi cổ điển trình bày cái chết của Đức Giêsu như là sự vâng phục tuyệt đối (x. Pl 2,6-11). Khi phác họa cấu trúc của các bài giảng sơ khởi (kerygma), như có thể thấy trong sách Tông đồ công vụ, thì khó mà tránh né câu chuyện bị đóng đinh vào thập giá bởi vì là một sự kiện mà mọi người đều biết, nhưng người ta lập tức nhấn mạnh đến sự phục sinh, mang thái độ tự vệ.

2/ Sang chặng thứ hai, việc đào sâu ý nghĩa cây thập giá đưa đến việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã muốn tình trạng yếu đuối như vậy, như ta có thể đọc thấy nơi thánh Phaolô, ngõ hầu hủy diệt tham vọng của con người muốn đạt tới minh tuệ, và nhấn mạnh đến cách thức Thiên Chúa can thiệp vào chính sự yếu ớt của chúng ta và đến quyền năng của Người khi làm cho Đức Giêsu sống lại. Hoặc người ta nhận ra khía cạnh đau khổ của thập giá để mời gọi tín hữu hãy noi theo mẫu gương nhẫn nhục (x. Hr 12, 2). Đồng thời, việc đọc lại biến cố này nhờ sự trợ giúp của Kinh thánh, cách riêng là bài ca của Người Tôi Trung trong Isaia (52,13-53,12), đã đưa đến ý tưởng về giá trị cứu độ của cái chết này (x. 1 Pr 2,22-25: “Người đã mang chính trong thân thể của mình trên cây gỗ những tội lỗi của chúng ta ngõ hầu chúng ta một khi đã chết cho tội lỗi thì được sống cho sự công chính”). Hơn nữa, bởi vì cái chết này là sự đổ máu, người ta so sánh nó với những hy tế đền tội như trong lễ Yôm Kippur.

3/ Đến chặng thứ ba, ta thấy xuất hiện trong các sách Tin mừng những trình thuật về cuộc thương khó. Lúc đầu, chúng còn phản ánh sự dè dặt của các Kitô hữu về thập giá, tuy rằng điều này chỉ xuất hiện vào lúc ông Philatô kết án Đức Giêsu. Kế đó, người ta nhấn mạnh đến sự vô tội của Người, cách riêng qua những lời tuyên bố của ông Philatô. Dù sao, đặc trưng của chặng này là sự phát triển các trưng dẫn Thánh kinh, để cho thấy ý nghĩa của từng sự kiện của cuộc khổ nạn. Hơn thế nữa, người ta hướng đến các Kitô hữu để nói cho họ biết: “Nếu ai muốn xả thân phục vụ Tin mừng, thì cũng cần vác thập giá của mình, nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những sự từ bỏ hoặc bóc lột do việc đi theo Đức Kitô.”

Nội dung

I. Dẫn nhập

II. Những chứng tích cổ nhất

1. Tuyên xưng đức tin

2. Thánh thi

3. Kerygma

4. Im lặng, dè đặt hoặc phản ứng tự vệ

III. Việc đóng đinh vào thập giá: bối cảnh văn hóa

1. Thực hành

a. Cổ thời

b. Ở Palestina

2. Quan điểm

a. “Điên rồ đối với dân ngoại”

b. “Vấp phạm đối với dân Do-thái”

IV. Thời kỳ chín muồi: hai chiều hướng đào sâu

1. Chiều hướng hiện sinh

a. Chóp đỉnh của một cuộc đời (Ph 2,8).

b. Biểu hiệu của yếu đuối (2 Co 13,4).

c. Biểu hiệu của nhẫn nhục (Hr 12,2).

d. Sự yếu đuối của Đức Kitô và sự yếu đuối của Thiên Chúa (1 Co 1-2).

2. Chiều hướng cứu độ

a. “Đúng như lời Thánh Kinh” (1 Pr 2,22-25; Gl 3,13).

b. Máu của thập giá (Cl; Ep).

V. Các trình thuật về cuộc thương khó

1. Phản ánh hành trình của các cộng đoàn

2. Nơi kiểm chứng

a. Kín đáo

b. Thái độ tự vệ

c. Đào sâu mầu nhiệm

VI. Thập giá của Đức Kitô và thập giá của các Kitô hữu

VII. Kết luận

———

I. Dẫn nhập

Ngày 7 tháng 4 năm 30: đây là nhật kỳ hợp lý nhất mà các sử gia ấn định cho cuộc đóng đinh Đức Giêsu, dựa theo các nguồn Kitô giáo. Đức Giêsu chịu treo lên thập giá lúc 9 giờ sáng (dựa theo Mc 15,25), hoặc hơn kém vào giữa trưa (dựa theo Ga 19,14), Người chết vào khoảng 3 giờ chiều (Mc 15,34), sát ngày sa-bát (Mc 15,42) năm ấy trùng với lễ Vượt qua của người Do-thái (Ga 19,14). Ngoài các trình thuật của Tin mừng, biến cố này cũng được ghi lại vào khoảng năm 75 bởi ông Flavius Josephus (Antiquitates Iudaicae, XVIII, 63-64) và khoảng năm 115 bởi ông Tacitus (Annales, XV,44), cả hai đều móc nối với một bản án của ông Pontius Pilatus (26-36). Đối lại với khởi điểm ấy là tận điểm khoảng chừng ba thế hệ sau đó, tượng trưng bởi thần học của Tin mừng thứ bốn. Thập giá không còn bị coi như sự vấp phạm như lúc khởi điểm nữa, nhưng như là thời điểm đầu tiên của Giờ Đức Giêsu, và, cùng với sự phục sinh, là thành phần toàn vẹn của cuộc suy tôn (3,14; 8,28; 12,32-33) và vinh danh (12,23.34). Giữa hai mốc điểm ấy, các dữ kiện Tân ước cho phép phân biệt ba giai đoạn mà người tín hữu đã trải qua khi đào sâu mầu nhiệm thập giá: a/ các công thức trước thánh Phaolô (giữa năm 30 và 50); b/ các thư của thánh Tông đồ (giữa năm 50 và 70); c/ sau cùng, các sách Tin mừng, cách riêng các trình thuật về cuộc Thương khó (giữa năm 70 và 100).

II. Những chứng tích cổ nhất

Về những chứng tích trong vòng 20 năm kể từ khi Đức Giêsu chịu chết cho đến lá thư thứ nhất của thánh Phaolô (1 Tx), chúng ta chỉ có vài mảnh vụn. Đôi khi chỉ có một vài lời, khi thì một vài dòng, rải rác đây đó trong Tân ước, cách riêng là trong các thư.

1. Công thức tuyên xưng đức tin

Những công thức thuộc loại thứ nhất, các bản tuyên xưng đức tin, đôi khi được giới thiệu như là các trưng dẫn. Điển hình cho loại này là 1 Tx 4,14: “Chúng tôi tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã chỗi dậy”. Sự chết và sự phục sinh: các công thức có thể thay đổi, nhưng cốt lõi vẫn như nhau: “Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết” (x. Rm 4,24; 10,9); “Người đã chết và đã trở về cuộc sống” (Rm 14,9). Việc tuyên xưng đôi khi được khai triển thêm với việc diễn tả hiệu lực cứu độ, như chúng ta thấy trong kinh tin kính cổ điển mà thánh Phaolô trưng dẫn ở 1 Cr 15,3-5: “Đức Kitô đã chết vì tội của chúng ta đúng như Kinh thánh (…), đã chỗi dậy ngày thứ ba đúng như Kinh thánh”. Một cách tương tự nơi Rm 4,25, mà ta thấy lờ mờ ngôn ngữ của bài ca Người Tôi Trung trong Is 52,13-53,12: “bị trao nộp vì tội của chúng ta và chỗi dậy để chúng ta được nên công chính”, hoặc cách đơn giản như trong 2 Cr 5,15: “… kẻ đã chết và chỗi dậy vì họ”. Các công thức cổ điển tuyên xưng đức tin đều nói đến cái chết của Đức Giêsu nhưng không đề cập đến cách thức cụ thể. “Chết vì chúng ta”, “chết vì tội của chúng ta”, “được trao nộp vì lỗi của chúng ta”, nhưng không hề nói “chịu đóng đinh vào thập giá” hoặc “chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta”.

2. Các thánh thi

Bên cạnh các công thức tuyên xưng đức tin, các văn phẩm đầu tiên của Kitô giáo còn vang lên các thánh thi, với âm điệu thi ca. Các thánh thi này không còn được truyền lại y như nguyên bản nữa, và khó có thể phân biệt giữa lưu truyền và biên soạn. Chẳng hạn như trong thánh thi được thánh Phaolô trích lại trong Pl 2,6-11, cử hành mầu nhiệm Đức Kitô theo mô hình hạ thấp (câu 6-8) và nâng cao (câu 9-11), thập giá được xen vào ngay ở bản lề của hai chuyển động (câu 8b). Nhưng có những dấu chỉ cho thấy thánh Phaolô đã thêm vào. Hai đoạn của phần thứ nhất cho thấy sự cân xứng về tư tưởng và từ ngữ:

6a Người vốn là hình thái
Thiên Chúa
7c trở nên giống như
con người
6b không coi như cái mồi được
ngang hàng với Thiên Chúa
7d và đã có hình dáng
như một con người
7a nhưng Người đã làm cho mình trống rỗng 8a Người hạ mình
7b mặc lấy hình thức nô lệ 8b trở nên vâng phục cho đến chết
(và cái chết của thập giá)

Ta có thể nhận thấy rằng khúc cuối cùng của câu 8 (“và cái chết của thập giá”) không có yếu tố đối xứng trong đoạn thứ nhất. Đối lại, việc nhấn mạnh đến nghịch lý của thập giá rất phù hợp với thần học của thánh Phaolô (1 Cr 1-2; 2 Cr 13,4; Gl 3,13; 5,11; 6,14), như vậy ông muốn nêu bật tính cách cực độ của sự vâng phục của Đức Giêsu. Trong thánh thi Cl 1,15-10, ca ngợi vị trí hàng đầu của Đức Kitô trong trật tự tạo dựng (câu 15-17) và cứu độ (câu 18-20), xem ra cũng có một nguồn gốc từ trước, chúng ta cũng gặp thấy thập giá được nói đến ở cuối (“Người đã giao hòa nhờ máu của thập giá”). Hình như kiểu nói này không thuộc về ngôn ngữ của thánh Phaolô, và được gặp thấy trong các thư viết trong ngục, cụ thể là Ep 2,13-16. Thập giá cũng không thấy xuất hiện trong các thánh thi khác (thí dụ 1 Tm 3,16; 2 Tm 2,8.11-12; Ep 1,3-14; 1 P 3,18-22) được coi như chứng tích của Kitô giáo nguyên thủy.

3. Kérygma

Nói chung, người ta nhìn nhận tiếng vang của bài giảng Kitô giáo tiên khởi trong các diễn từ của thánh Phêrô được ghi lại trong phần đầu của sách Tông đồ Công vụ (Cv 2,14-36; 3,12-26; 4,8-12; 5,29-32; 10,34-43) và trong diễn từ của thánh Phaolô ở Cv 13,16-41. Mặc dù được biên soạn do tác giả của sách Công vụ, nhưng các diễn từ này gần gũi với các bản tuyên xưng đức tin và thánh thi xét vì cốt lõi là việc công bố cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu:

Cv 2,22-24 2,36 3,13-15 4,10 5,30 10,38-40 13,28-30
Giêsu người Nazareth… Ông Giêsu Giêsu… Giêsu Kitô người Nazareth Giêsu Giêsu Nazareth… Người ấy…
Các ông đã làm cho chết bằng cách đóng đinh do bàn tay những kẻ vô đạo, Mà các ông đã đóng đinh vào thập giá Thủ lãnh của sự sống mà các ông đã làm cho chết Mà các ông đã đóng đinh vào thập giá Mà các ông đã làm cho chết bằng cách treo lên cây gỗ Mà họ đã làm cho chết bằng cách treo lên cây gỗ Họ đã xin Philatô làm cho chết
Thiên Chúa đã nâng Người dậy, giải thoát khỏi ràng buộc của sự chết Thiên Chúa đã đánh thức Người từ cõi chết Thiên Chúa đã đánh thức từ cõi chết Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã đánh thức Thiên Chúa đã đánh thức Người vào ngày thứ ba Thiên Chúa đã đánh thức Người từ cõi chết

 

Ở trung tâm của bài giảng là cái chết của Đức Giêsu, nhưng khác với các bản tuyên xưng đức tin và các thánh thi, lời công bố chủ yếu kèm theo việc đóng đinh vào thập giá (4 lần trong số 6 bài): 2 lần với động từ “đóng đinh vào thập giá” (staurôo), 2 lần với thuật ngữ “treo trên cây gỗ” và 1 lần động từ “đóng đinh” (prospègnymi). Việc xác định hình thức cái chết của Đức Giêsu đã có từ lúc đầu, hay là có thể gán cho Luca? Dù sao đí nữa, cách thức phát biểu nhắc đến một phản ứng nằm trong bài giảng tiên khởi của Kitô giáo. Người ta nhận rằng mỗi khi nói đến thập giá (dưới ba dạng thức vừa nói), thì luôn kèm theo sự phục sinh hay suy tôn Đức Giêsu. Sự can thiệp tiêu cực của các nhà cầm quyền Do-thái được đối chọi với sự can thiệp tích cực của Thiên Chúa để bênh vực Đức Giêsu. Người ta cảm thấy một thái độ tự vệ, quan tâm đến việc xác định rằng, nếu Đức Giêsu đã phải chịu chết trên thập giá, thì đó là do sự bất công của loài người chứ không phải là hình phạt của Thiên Chúa. Đặc biệt, ở Cv 5,30 và 10,39, người ta gặp thấy thuật ngữ “treo trên cây gỗ”, được nói đến trong Đnl 21,22-23 (bản dịch Hy-lạp). Đoạn văn này tuyên bố Thiên Chúa chúc dữ kẻ nào mắc phải tội tử hình, bị hành quyết, và thân thể bị treo lên công khai ở trên một cây, nhằm đánh dấu sự sỉ nhục và ngăm đe. Các bản văn của Qumrân (4 QpNahum; 11 QTemple) đã chứng tỏ rằng vào thời Đức Giêsu, người ta đã quen đồng hóa việc chịu đóng đinh vào thập giá với cảnh tượng treo trên cây mà đoạn văn Cựu ước nói tới. Vì thế, bài giảng tiên khởi dành cho dân Do-thái đã đụng phải vấn nạn là Đức Giêsu bị Thiên Chúa chúc dữ bởi vì chết trên thập giá. Chính thánh Phaolô, trong Gl 3,13, trong một bối cảnh tranh luận với những người theo đạo Do-thái, đã đụng tới vấn nạn này, mà sau này nó còn trở lại ở thế kỷ II, nơi thánh Giustinô (Tryph., 23) và Tertullianô (Adv. Jud., 10). Như thế sự nhấn mạnh của sách Tông đồ Công vụ xem ra là một phản ứng tự vệ chống lại những vấn nạn được nêu lên khi rao giảng cây thập giá: không, Đức Giêsu không bị Thiên Chúa nguyền rủa đâu; ngược lại, Thiên Chúa đã cho Người chỗi dậy từ cõi chết.

4. Im lặng, dè dặt và phản ứng tự vệ

Như vậy, việc công bố tiên khởi của đức tin Kitô giáo đã tránh chú ý đến thập giá. Kể cả sau khi đã khám phá ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu, các môn đệ cũng không tỏ ra hào hứng khi nói đến cách thức mà Người chịu chết. Thái độ này không phải vì hổ thẹn, nhưng vì lý do mục vụ. Ta có thể hiểu điều này khi xét đến tâm thức mà hình phạt thập giá đã gây ra hồi thế kỷ thứ nhất.

III. Hình phạt thập giá: bối cảnh văn hóa

1. Thực hành

Một trong các chứng tích văn chương đầu tiên về việc thi hành khổ hình thập giá xuất hiện vào thế kỷ V trước CN nơi sử gia Hérodote (Hist. VII,194). Ông ta gán nguồn gốc hình phạt này cho vua Đariô nước Ba-tư. Khổ hình này sẽ được thi hành cho đến khi bị hoàng đế Constantinô bãi bỏ vào thế kỷ IV sau CN.

a. Cổ thời

Ông Platon đã biết đến khổ hình này, mà ông coi là hình phạt tồi tệ nhất (Gorgias, 473c). Theo chứng tích của Curtius Rufus (Hist. Alex. IV,4,17), khổ hình này đã được thi hành từ thời Alexandre Đại Đế tại một vài miền, trong đó có nước Hy-lạp (Diodore Sic., XIX,67,2; XX,103,6). Nhiều cuộc hành quyết thập giá hoặc cá nhân (Diodore Sic., XXV,5,2; 10,2) hoặc tập thể (Id., XXVI,23,1; Polybe, I, 24,6; 86,4-5; Tite-Live, XXVIII,37,2) đã được thuật lại, cách riêng tại Carthage, từ đó nó được người Rôma du nhập vào thời Cộng hòa và kéo dài suốt thời Đế chế (kể từ năm 27 trước CN).

b. Ở Palestina

Theo Flavius Josephus, xứ Palestina là nơi diễn ra nhiều cuộc đóng đinh vào thập giá kể từ thời vua Antiochus Épiphane (175-164 trước CN) cho đến khi thành Giêrusalem bị tàn phá năm 70 sau CN, khi mà số các nạn nhân đông đến nỗi “thiếu chỗ cho các thập giá, và thiếu thập giá cho các thân thể” (Bell. II,451). Phần lớn các bản án được quyết định do các nhà cầm quyền nước ngoài, hoặc do chính vua Antiochus (Ant. XII,256), hoặc do đại diện của chính quyền Rôma tại địa phương, các công sứ ở Syria (Bell. II,75; Ant. XX,130), các tổng trấn xứ Giuđêa (Ant. XX,102; Bell. II,253.308), hoặc chỉ huy trưởng quân đội Rôma (Bell. II,321.449-451). Tuy nhiên tác giả của một cuộc hành quyết đẫm máu nhất lại là một thủ lãnh người Do-thái, Alexandre Jannée (khoảng năm 88 trước CN), “bị thúc đẩy làm một tội ác tày trời, ông đã ra lệnh hành hình thập giá 800 tù nhân (Do-thái) ngay giữa thành phố”. (Bell. I,97; Ant. XIII,380). Dù vậy, Josephus không ghi lại một cuộc hành hình thập tự nào mang tính tập thể trong tiền bán thế kỷ thứ nhất, mà chỉ có những vụ đóng đinh các cá nhân, trong đó có Đức Giêsu dưới thời Ponxiô Pilatô.

2. Quan điểm

a. “Điên rồ đối với dân ngoại”

Vào thời Rôma, hình phạt thập giá bị xem là “hình phạt dành cho các nô lệ” (servile supplicium), mà các tác giả, ngoại trừ ông Seneca (Ad Lucil. 101,10-14), cảm thấy ghê tởm và không muốn nhắc đến. Quan điểm của công luận được phát biểu qua ông Cicero: thập giá là “hình khổ tra tấn tàn bạo nhất và kinh tởm nhất”, “hình phạt cùng cực và ô nhục nhất dành cho các nô lệ” (Act. Sec. in Verr. V,163.169). Trong bối cảnh này, người ta hiểu được vì sao việc rao giảng một Vị Mêsia chịu chết trên thập giá là một sự “điên rồ” (1 Cr 1,23). Điều này được phản ánh qua một bức họa vẽ trên tường ở núi Palatino (Rôma) cho thấy người Kitô hữu thờ lạy một kẻ mang đầu con lừa chịu đóng đinh trên thập giá.

b. “Vấp phạm đối với dân Do-thái”

“Kẻ chết khốn nạn nhất”: ông Flavius Josephus (Bell. VII,202) cũng đưa ra một nhận định giống như các tác giả ngoại đạo, và ông cũng không quên tố giác “sự tàn ác động trời của quân Rôma” (Bell. II,308). Ông giải thích lý do vì sao người Do-thái hạ xác người tử tội trước khi mặt trời lặn (Bell. IV,317) cho thấy tính cách kinh tởm của cách thức hành quyết này. Đối với đạo Do-thái, người ta còn thêm một lý do thần học dựa theo Kinh thánh. Như đã nói trên đây, sự nguyền rủa của Thiên Chúa nói ở đoạn văn Đnl 21,23 được áp dụng cho người chịu chết trên thập giá. Vào lúc đầu, việc rao giảng Đức Kitô cho người Do-thái đã gặp phải một sự bế tắc trầm trọng.

IV. Thời kỳ chín muồi: hai chiều hướng đào sâu

Các thư của Tân ước cho thấy sự đào sâu mầu nhiệm thập giá theo hai chiều hướng: một đàng, trong tương quan với chính Đức Giêsu và cuộc đời của Người; đàng khác, trong tương quan với nhân loại và với các tín hữu.

1. Chiều hướng hiện sinh

a. Chóp đỉnh của một cuộc đời (Pl 2,8)

Chúng ta đã thấy rằng việc nhắc đến thập giá trong thánh thi Pl 2,6-11 xem ra là do thánh Phaolô thêm vào, với ý nghĩa rất phong phú. Một đàng, thập giá được liên kết với tất cả cuộc đời lịch sử của Đức Giêsu: “Vâng phục cho đến nỗi (mechri) chết trên thập giá”. Cái chết trên thập giá biểu lộ ra bên ngoài một tâm tình bên trong, nó là chóp đỉnh và biểu hiện tận cùng của cả một cuộc đời đánh dấu bằng “vâng phục”, nghĩa là trong suốt và hiệp thông với ý muốn của Thiên Chúa. Thập giá gắn liền với vế trước (cuộc đời lịch sử) nhưng cũng gắn liền với vế sau nữa: “chính vì thế (dio kai) Thiên Chúa đã siêu tôn Người…”. Đáp lại tiếng “vâng” của Đức Giêsu với Thiên Chúa là tiếng “vâng” của Thiên Chúa với Đức Giêsu. Trong Pl 2,6-8, thập giá là biểu hiện của sự hiệp thông và trung thành với Thiên Chúa cũng như là nơi hiệp thông với thân phận của nhân loại: “Trở nên hình dáng giống như con người, Người hạ mình .. cho đến chết trên thập giá”.

b. Biểu hiệu của sự yếu đuối (2 Cr 13,4)

Người Côrintô trách thánh Phaolô là yếu. Họ nói: “Viết thư thì cương nghị và nghiêm khắc. Nhưng đến khi có mặt thì ông ta yếu nhược và lời nói chẳng ra làm sao.” (2 Cr 10,10). Vì đụng đến chuyện yếu ớt, thánh Phaolô trả lời, ta không thể gợi lại tiền lệ của Đức Giêsu hay sao: “Người chịu chết trên thập giá vì yếu đuối, nhưng Người sống do quyền năng của Thiên Chúa” (13,4a)? Áp dụng cho Đức Kitô, sự yếu đuối không thể hiểu theo nghĩa là không có khả năng làm chủ tình hình, như người ta trách móc thánh Phaolô, cũng không theo nghĩa là tổn thương về luân lý hay điều gì khác (12,9). Đúng hơn, trong bối cảnh của việc khước từ  khống chế bằng quyền lực: thay vì dương oai như vậy, Đức Kitô đã trao nộp mình vào tay con người, đến độ phải chịu chết trên thập giá. Đáp lại thái độ “yếu đuối” ấy, Thiên Chúa đã can thiệp bằng quyền năng khi cho Người chỗi dậy. Cũng giống như trong Pl 2,6, sự can thiệp của Thiên Chúa để bênh vực Đức Giêsu đáp ứng một phẩm tính của cuộc sống: bên kia là vâng phục và sẵn sàng thuận theo Thiên Chúa, còn ở đây, là thái độ khiêm hạ và khó nghèo đối với tha nhân.

c. Biểu hiệu của sự nhẫn nhục (Hr 12,2)

Chương 12 của thư gửi Híp-ri mở đầu bằng một lời khuyên nhủ các tín hữu, bao gồm trong mỗi câu động từ hypomenô (12,2.3) hoặc danh từ hypomonè (12,1). Trong bối cảnh, ý tưởng là chịu đựng, chống cự hoặc kiên trì, gắn liền với hình ảnh của việc tập luyện thể thao, một thứ chạy nhảy rào trong đó cần phải vượt lên các khó khăn (câu 1), đạt đến đích chứ không bỏ cuộc (câu 3). Hai lần (12,1-4), vật chướng ngại được đồng hóa với những tội lỗi đang bao vây các tín hữu (12,1.4). Trước họ, chính Đức Kitô, như một thủ quân, đã trải qua một cuộc thử thách tương tự, không phải là Người đã bị tấn công bởi tội lỗi, như nơi các tín hữu, nhưng đúng ra Người là nạn nhân, khi phải chịu các người tội lỗi chống đối dẫn đến thập giá. Như thế cái chết của Đức Giêsu được nhắc đến dưới hình thức cụ thể là thập giá, và thập giá được ví với một kinh nghiệm vất vả mang tính bất hạnh. Đối diện với nó, Đức Giêsu  không thối lui, nhưng Người đã “chạy cho đến tận cùng”.

d. Sự yếu đuối của Đức Kitô và sự yếu đuối của Thiên Chúa (1 Cr 1-2)

Thập giá của Đức Kitô cấu thành tâm điểm của lời giảng Kitô giáo: “Chúng tôi loan báo một vị Kitô chịu đóng đinh vào thập giá, vấp phạm đối với dân Do-thái và điên rồ đối với dân ngoại” (1 Cr 1,23). Xa hơn chút nữa, thánh Phaolô nói đến việc rao giảng của mình như sau: “Ở giữa anh em, tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô và Người chịu chết trên thập giá” (1 Cr 2,2). Những lời tuyên bố về vị trí trung tâm của thập giá đã được gợi lên trước, ở 1,13 và 1,17 khi thánh Phaolô phản ứng lại thái độ khoe khoang của người Côrintô về sự khôn ngoan. Chẳng có gì khôn ngoan và quyền thế trên đời này ngoài thập giá Đức Kitô. Qua thập giá, Thiên Chúa đã bày tỏ rằng quyền năng của Người có thể hoạt động qua những phương tiện yếu ớt. Như vậy, đang khi 2 Cr nhìn thấy nơi thập giá biểu lộ sự yếu đuối của Đức Kitô, thì 1 Cr nhận thấy nơi đó “sự yếu đuối của Thiên Chúa tỏ ra mạnh mẽ hơn loài người” (1,25). Nơi Đức Kitô chết trên thập giá, là sự điên rồ trước mắt thế gian, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ lộ (1,21.23).

2. Chiều hướng cứu độ

Bên cạnh những đoạn văn diễn tả ý nghĩa của thập giá đối với chính Đức Giêsu, những đoạn văn khác nói đến ý nghĩa đối với các tín hữn. không chỉ “Đức Kitô chịu chết trên thập giá” mà thôi nhưng là “Đức Kitô chịu chết trên thập giá vì anh em”.

a. “Như lời Kinh thánh” (1 Pr 2,22-25; Gl 3,13)

1 Pr 2,22-25 giới thiệu mẫu gương Đức Kitô để khích lệ các nô lệ Kitô hữu. Tương ứng với lời khuyên ở 2,20 hãy làm điều tốt và kiên nhẫn chịu đựng là 2,22-23 gợi lên hình ảnh Đức Kitô đã không làm điều dữ, và khi phải chịu đau khổ, đã không đe dọa. Một cách tương tự như vậy, tương ứng với lời công bố ở 2,21, “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em” là 2,24 nói rõ hơn ý nghĩa: “nơi thân xác mình trên cây gỗ, Người đã vác lấy các tội lỗi của chúng ta ngõ hầu, một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống theo lẽ công chính”. Đoạn văn 1 Pr 2,22-25 xem ra phản ánh hành trình của các cộng đoàn. Trước hết, người ta nhận ra sự quy chiếu về bài ca thứ bốn của người tôi trung ở Isaia (52,13-53,12). Bản văn này đã giữ vai trò then chốt trong việc giải thích cái chết của Đức Giêsu; thực vậy, Tân ước quy chiếu vào đó không kém 10 lần. Dưới ánh sáng của sự phục sinh, người ta hiểu rằng cái chết của Đức Giêsu, thoạt tiên xem ra phi lý và gây vấp phạm (Lc 24,19-20), nhưng nó có một ý nghĩa trong chương trình của Thiên Chúa. Để phân định điều này, dĩ nhiên là phải quay về với Kinh thánh (Lc 24,25-27) và, khởi đi từ Isaia, người ta đi đến chỗ công bố: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như Kinh thánh”. Nhưng làm thế nào giải thích niềm thâm tín ấy? 1 Pr cho thấy một đường lối giải thích, hẳn nhiên là phản ánh sự suy niệm của các cộng đoàn. Khi công bố rằng “Người đã mang trên mình các tội lỗi của chúng ta lên trên cây gỗ” xem ra 1 Pr 2,24 nhắc đến Đnl 21,23. Đối với bản văn này, việc treo lên cây gỗ là một cách xử sự dành cho các “người tội lỗi”: “Nếu thấy ai trong anh em đã phạm một tội đáng phải chết, mà anh em đã treo hắn lên cây gỗ…” (LXX). Như thế, khi chết trên thập giá, Đức Giêsu đã trải qua cái chết của một người tội lỗi. Tuy nhiên, như 1 Pr 2,22, Đức Kitô “đã không phạm tội”. Do đó, nếu Người đã chết như một người tội lỗi, mà không phạm tội, ắt là Người đã vác lấy trên mình những tội lỗi của chúng ta (2,24a). Một lối lập luận tương tự được thấy ở Gl 3,13 trưng dẫn rõ ràng Đnl 21,23. Cũng dựa theo đoạn văn ấy, thánh Phaolô, liên quan đến sự chúc dữ, lập luận giống như 1 Pr liên quan đến tội lỗi. Theo thánh Phaolô, Lề luật coi kẻ nào “bị treo trên cây gỗ” là kẻ bị chúc dữ. Khi chịu “chết treo”, nghĩa là chịu đóng đinh vào thập giá, Đức Kitô đã chấp nhận sự chúc dữ của Lề luật để cho chúng ta được giải thoát. Như vậy, khi lấy lại một dữ kiện cổ điển gắn liền với cuộc tranh luận của người Do-thái, thánh Phaolô đã lật ngược lại: từ vấn nạn liên quan đến cái chết trên thập giá, nó trở thành nền tảng mang lại ơn cứu độ.

b. Máu thập giá (Cl; Ep).

Khi bị đóng đinh, Đức Giêsu đã trải nghiệm một cái chết đẫm máu. Ở chỗ khác, Tân ước nói đến máu đó mang lại ơn thứ tha tội lỗi. Sự kết nối hai dữ kiện với nhau đưa đến chỗ nghĩ đến cái chết của Đức Giêsu có liên quan với thể chế hy tế của Cựu ước. Sự móc nối này đặc biệt giúp cho các cộng đoàn gốc Do-thái vốn thâm tín rằng “nếu không có đổ máu thì không có sự tha thứ” (Hr 9,22), để họ hiểu rằng “Đức Giêsu đã chết ngoài cửa thánh để thánh hóa dân tộc bằng máu của mình” (Hr 13,12). Như thế, chẳng hạn như trong thư gửi Rôma, cái chết của Đức Giêsu giống với hy lễ Yôm Kippur (3,25), cũng như hy lễ đền tội (8,3). Nhưng chỉ trong thư gửi Cl 1,20 và Ep 2,13.16 mà máu được liên kết với thập giá. Tuy nhiên, trong hai đoạn văn vừa rồi, hậu quả của cái chết của Đức Kitô được diễn tả, không phải theo chiều hướng của cứu chuộc và xá tội, nhưng theo chiều hướng tính cực hơn (hòa giải với Thiên Chúa, xích lại giữa người Do-thái và dân ngoại).

V. Các trình thuật cuộc Thương khó

Xét về cốt yếu, cả bốn trình thuật, từ khi Đức Giêsu bị bắt (Mc 14,43) cho đến lúc được mai táng (Mc 15,47), đều trình bày các yếu tố theo một thứ tự như nhau. Theo sự hướng dẫn của cuộc tiên báo của Đức Giêsu ở Mt 26,2, chúng ta có thể phân biệt trong tổng bộ này hai phần có liên quan đến chúng ta:

Mt Mc Lc Jn
1) Đức Giêsu chịu trao nộp 26,47-27,31 14,43-15,20 22,47-23,25 18,2-19,16a
2) Đức Giêsu chịu chết trên thập giá 27,32-61 15,21-47 23,26-56 19,16b-42

 

1. Phản ánh hành trình của các cộng đoàn

Các tác giả đã đưa ra nhiều ý kiến để giải thích sự tương đồng giữa các trình thuật. Nói chung người ta giải thích rằng từ sớm đã có một bản tường thuật nguyên khởi, có lẽ bắt đầu với việc Đức Giêsu bị bắt, và rồi sẽ được khai triển dần dần. Dù sao, chúng ta nhận thấy rằng những nét chính mà chúng ta đã nêu bật trong hành trình của các cộng đoàn đối với thập giá (im lặng và dè dặt, thái độ tự vệ, đào sâu tiệm tiến) đều được gặp thấy trong các trình thuật cuộc thương khó.

2. Những nơi kiểm chứng

a. Dè dặt

Đừng kể chú thích ở Mt 26,2, ngôn ngữ về thập giá (động từ stauroô và danh từ stauros) chỉ xuất hiện kể từ lúc tường thuật việc ông Philatô kết án, theo số lần như sau: 16 lần ở Ga, 11 lần ở Mc, 10 lần ở Mt, 5 lần ở Lc. Như vậy, Tin mừng thứ bốn, là nơi mang lại nhiều tư tưởng thần học cho thập giá hơn cả,  không tỏ ra dè dặt chút nào khi phải nhắc đến nó. Ngược lại, ở Luca, xem ra muốn tránh nó hết sức, giống như truyền thống trước đó. Nếu trừ đi ba lần kêu gào lúc xử án “Đóng đinh nó đi” (Lc 23,21.23), thì chỉ còn có hai lần: ở 23,26 (vác thập giá) và 23,33 (đóng đinh vào thập giá), nghĩa là sự tối thiểu không thể nào giảm được nữa, nếu thiếu thì không thể biết được Đức Giêsu phải chết bằng cách nào. Khi đối chiếu với các trình thuật khác, ta thấy Luca đã bỏ qua ở vài chỗ (chẳng hạn 23,29.35) có dụng ý. Đối với thập giá, “điều điên rồ với dân ngoại”, phải chăng ta có thể gán cho Luca hoặc cho trình thuật mà ông chịu ảnh hưởng, thái độ dè dặt khi nói tới nó, tương tự như thế hệ các Kitô hữu tiên khởi? Vì vài lý do nào, sự dè dặt lúc ban đầu vẫn cứ kéo dài sau đó?

b. Thái độ tự vệ

Khi đối chiếu các trình thuật, người ta đều thấy khuynh hướng nhấn mạnh rằng Đức Giêsu vô tội: 3 lần ở Mc, 5 lần ở Mt, 7 lần ở Lc và 7 lần ở Ga. Ở Luca chẳng hạn, quan Philato tuyên bố 4 lần (23,4.14.15.22a) sự vô tội và 3 lần (23,16.20.22b) muốn thả Đức Giêsu. Phải chăng việc nhấn mạnh như vậy là để ngăn chặn sự vấp phạm của thập giá bằng cách đánh tan hết mọi nghi ngờ rằng nếu Đức Giêsu đã bị nhà cầm quyền Rôma kết án thì ắt hẳn phải có nguyên do. Trái lại, Luca nhấn mạnh rằng, cả ông Philatô cũng như ông Hêrođê không khi nào xác tín về lỗi phạm của Đức Giêsu. Cũng như ông Phêrô khẳng định điều ấy trước mặt các nhà lãnh đạo Do-thái ở Cv 3,13: “Các ông đã trao nộp Người và đã chối bỏ trước mặt ông Philatô, dù quan đã quyết định tha Người”. Cuối cùng, người ta không xa với thái độ biện hộ của các kerygma tiên khởi, khi cho thấy rằng khổ hình thập giá là một sự đối xử bất công, mà các nhà lãnh đạo dân chúng phải chịu trách nhiệm: “Đức Giêsu mà các ông đã đóng đinh vào thập giá” (Cv 2,36; 4,10).

c. Đào sâu mầu nhiệm

Điều gây ấn tượng ở phần cuối của trình thuật cuộc thương khó (Mc 15,21-47), nhất là khi so sánh với phần trước (Mc 14,43-15,20), đó là việc trích dẫn dồi dào các đoạn Kinh thánh. Đang khi Mc có 4 hoặc 5 đoạn, thì Mt thêm 4 đoạn nữa, Lc thêm 3 và Ga còn thêm 2 đoạn. Kết quả là cuối cùng hầu như tất cả các diễn biến chung quanh cái chết của Đức Giêsu, từ khi chịu đóng đinh cho đến khi hạ xác, đều được đọc dưới ánh sáng của Thánh Kinh, dù là chia cắt chiếc áo, các lời nhạo báng của những người qua đường, bóng tối bao trùm địa cầu, tiếng kêu gào của Đức Giêsu, tấm màn đền thờ bị xé ra, lời thú nhận của viên đại đội trưởng, nhát lao đâm thâu. Như thế, việc suy niệm của người Kitô hữu, từ từ tìm cách nắm bắt và diễn tả ý nghĩa và tầm mức của cái chết của người bị đóng đinh trên thập giá, giống như các đoạn văn của các thư thánh Phaolô và những văn bản khác liên quan đến chủ đề này.

VI. Thập giá của Đức Kitô và thập giá của các Kitô hữu

Trong tất cả các đoạn văn Tân ước nói đến thập giá (73 lần), thuật ngữ này luôn được áp dụng cho chính Đức Giêsu, chỉ trừ hai đoạn. Đoạn thứ nhất ở trong Tin mừng Nhất lãm trong cùng một bối cảnh, liền sau cuộc tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó: “Nếu ai muốn đi theo tôi, (…) hãy vác thập giá của mình” (Mc 8,34 song song). Đoạn thứ hai chung cho Mt và Lc, với một cách hành văn hơi khác đôi chút: “Phàm ai không vác thập giá của mình mà đi theo tôi thì không xứng đáng với tôi” (Mt 10,38; Lc 14,27). Trong cả hai đoạn văn này, cho dù áp dụng cho nhóm Mười Hai hay cho các môn đệ ở hết mọi thời theo nhãn giới của các trình thuật, thập giá ám chỉ những thử thách, đoạn tuyệt, khước từ, dứt bỏ như là kết quả của việc lựa chọn đức tin hay của việc đi theo Đức Kitô, của việc đón tiếp hay của việc phục vụ truyền bá Tin mừng.

VII. Kết luận

Việc tiếp cận các chặng khác nhau của Tân ước, từ những công thức trước thánh Phaolô cho đến các trình thuật của Phúc âm, liên quan đến chủ đề thập giá, cho thấy nhiều giai đọan của một hành trình trải dài suốt ba thế hệ các tín hữu. Đây là một nơi để kiểm nghiệm tuyệt vời về lời mà thánh Gioan đã thuật lại trong khung cảnh các bài diễn từ biệt ly, vào lúc Đức Giêsu sắp đương đầu với thập giá: “Thầy còn nhiều điều muốn nói với các con, nhưng lúc này các con chưa thể mang lấy. Chừng nào Thần khí chân lý đến, Người sẽ dẫn các con đến chân lý toàn vẹn.” (Ga 16,12-13). Động từ được dùng “mang lấy” (bastazô) cũng chính là động từ mà trình thuật của Gioan sẽ dùng để nói về cuộc thương khó của Đức Giêsu: “Khi chính mình mang lấy thập giá, Đức Giêsu đi ra…” (Ga 19,17). Đó cũng là động từ mà Lc 14,27 dùng khi nói đến thập giá của các môn đệ: “Phàm ai không mang lấy thập giá của mình và không đi theo tôi thì không thể làm môn đệ của tôi”. Kể từ sự vấp phạm ban đầu cho đến khi công bố vinh quang của kẻ chịu chết trên thập giá, cần trải qua một giai đoạn dài thì các môn đệ mới có khả năng “mang lấy” thập tự của Đức Giêsu và của mình.

———————

Thư mục

  • Aux origines de la croix, Le Monde de la Bible, no 97 (mars-avril 1996).
  • R.E. Brown, The Death of the Messiah. From Gethsemane to the Grave. A Commentary on the Passion Narratives in the Four Gospels, Doubleday, New York 1994.
  • P. Coda, M. Crociana (ed.), Il crocifisso e le religioni: Compassione di Dio e soferenza dell’uomo nelle religioni monoteiste, Città Nuova, Rôma 2002.
  • A. Dettwiler, J. Zumstein (ed.), Kreuzestheologie im Neuen Testament, Mohr Siebeck, Tübingen 2002.
  • M.J. Gorman, Cruciformity. Paul’s Narrative Sprituality of the Cross, Eerdmans, Grand Rapids MI – Cambridge UK 2001.
  • M. Gourgues, Le Crucifié. Du scandale à l’exaltation, Desclée, Paris 1989 (2e éd. 2010).
  • M. Gourgues, « La foi chrétienne primitive face à la croix. Le témoignage des formulaires pré-pauliniens », in Science et Esprit 41 (1989) 49-69.
  • E. Haulotte, Le concept de croix, Desclée, Paris 1991.
  • M. Hengel, « Mors turpissima crucis: Die Kreuzigung in der antiken Welt und die « Torheit » des Wortes vom Kreuz » in J. Friedrich, W. Pöhlmann, P. Stuhlmacher (ed.), Rechfertigung. Festschrift für Ernst Käsemann zum 70. Geburtstag, Mohr, Tübingen 1976, 125-184.
  • M. Hengel, The Cross of the Son of God, SCM Press, London 1989.
  • L. Morris, The Cross of Jesus, Eerdmans, Grand Rapids MI 1988.
  • L. Morris, The Cross in the New Testament, Eerdmans, Grand Rapids MI, Cambridge, UK 1999.
  • O’Collins, G., « Crucifixion », in Anchor Bible Dictionary, I, Doubleday, New York 1992, 1207-1210.
  • J. Schneider, art. Σταυρός, σταυρόω, ἀnaσταυρόω, in TheolDictNT, VII (1983), Eerdmans, Grand Rapids MI 1983, 572 584.
  • D.B. Smyth, The Trauma of the Cross. How the Followers of Jesus Came to Understand the Crucifixion, Paulist, New York – Mahwah NJ 1999.
  • J.F. Strange, « Crucifixion, Method of », in Interpreter’s Dict. Bible (Supplement), Abingdon, Nashville TN 1976, 199-200.
  • H.R. Weber, The Cross. Tradition and Interpretation, SPCK, London 1979.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here