Chúa Nhật V – Năm C – Mùa Chay

0
773

 Lm. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 43,16-21

16 Đây là lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng, 17 Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.

18 Người phán như sau: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. 19 Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. 20 Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.

21 Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta. Ít-ra-en bội nghĩa vong ân.

2/ Bài đọc IIPl 3,8-14

8 Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô

9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.

10 Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,

11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.

12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt.

13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.

14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.

3/ Phúc ÂmGa 8,1-11

1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.

3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.

Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.

9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.

10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”
11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

———————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn mời gọi con người hướng về tương lai.

Nhìn lại lịch sử ơn cứu độ, chúng ta thấy luôn có sự đối nghịch giữa Thiên Chúa và con người. Trong khi Thiên Chúa muốn con người tuân giữ Lời Người để được hạnh phúc, con người lại bất tuân phạm tội để rồi phải chịu đau khổ và chịu chết. Trong khi Thiên Chúa luôn tìm mọi cơ hội để đưa con người trở về, con người lại tìm cách đóng mọi cửa để anh chị em mình bị giam giữ trong tội. Trong khi Thiên Chúa luôn hàn gắn, chữa lành, và khơi niềm hy vọng được sống; con người lại tìm cách gây chia rẽ, hủy hoại, và gieo đau thương chết chóc.

Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên tình thương vô bờ của Thiên Chúa dành cho con người qua các việc Người làm. Trong Bài Đọc I, tuy con người xứng đáng với mọi hình phạt trong nơi lưu đày, Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi con người hướng về tương lai; Ngài sẽ cho họ có cơ hội trở về quê hương như đã từng đưa cha ông họ vượt Biển Đỏ để ra khỏi đất nô lệ Ai-cập. Trong Bài Đọc II, tuy con người phải chết vì đã không giữ Lề Luật của Thiên Chúa, Ngài đã cho Đức Kitô, Người Con của Ngài xuống trần để đền tội thay cho con người. Nhờ sự hy sinh của Ngài, các tín hữu được trở nên công chính và hy vọng sẽ được hưởng phần thưởng là cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, một số kinh sư và biệt phái đưa một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến với Chúa Giêsu để bị ném đá. Mục đích của họ là để thử xem Chúa Giêsu sẽ hành xử thế nào: theo Luật Moses để ném đá người phụ nữ hay bảo vệ Luật yêu thương của Ngài?

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước.”

1.1/ Biến cố Xuất Hành ra khỏi Ai-cập chứng minh uy quyền của Thiên Chúa: Người Do-thái luôn hướng về Biến-cố lịch sử quan trọng này như một bằng chứng của tình yêu và uy quyền của Thiên Chúa. Mỗi năm khi mừng Lễ Vượt Qua, người cha trong gia đình phải cắt nghĩa tường tận cho con cháu hiểu biến cố này. Mục đích là để nhắn nhủ con cháu đừng bao giờ lãng quên tình thương Thiên Chúa để chạy theo và thờ phượng các thần ngoại.

1.2/ Thiên Chúa sắp chuẩn bị cho dân cuộc xuất hành mới: Mỗi khi người Do-thái bị đô hộ bởi thế lực của ngoại bang hay làm nô lệ tại nơi lưu đày, họ luôn nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho tổ tiên họ trong biến cố Xuất Hành và xin Thiên Chúa giải thoát họ khỏi thế lực nước ngoài. Bối cảnh chương 43 của Sách Isaiah hôm nay là hai cuộc lưu đày của người Do-thái tại Assyria và Babylon; Thiên Chúa gởi tiên-tri Isaiah tới trong nơi lưu đày để tăng niềm hy vọng cho dân: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.” Có hai mức độ hoàn thành của lời sấm:

(1) Thiên Chúa sẽ mở một con đường giữa sa mạc cho dân trở về xây dựng lại quê hương và Đền Thờ. Tiên-tri trấn an dân: Họ không cần phải tiếc nuối huy hoàng của biến cố Xuất Hành, vì Thiên Chúa sắp làm những việc lớn lao hơn. Ngài sẽ phóng thích dân chúng, cho họ về xây dựng lại quê hương và Đền Thờ, qua chiếu chỉ của Cyrus và Darius, hai vua của Dân Ngoại Ba-tư.

(2) Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô: Ngài sẽ gởi Đấng Thiên Sai tới để giải thoát họ khỏi làm nô lệ cho tội lỗi. Không chỉ người Do-thái mà tất cả Dân Ngoại sẽ nhận ra và thờ lạy Thiên Chúa.

2/ Bài đọc II: Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.

2.1/ Thẩm định quá khứ: Bối cảnh của trình thuật hôm nay là hoàn cảnh của Phaolô đang bị giam giữ trong tù (có thể tại Ephesus). Ngài có thời giờ nhìn lại quá khứ, cuộc trở lại trên đường đi Damascus, và hành trình rao giảng Tin Mừng. Ngài xác tín hai điều quan trọng trong Thư gởi các tín hữu Philip:

(1) Có Đức Kitô là có tất cả: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”

(2) Lề Luật không làm cho con người nên công chính; nhưng là niềm tin vào Đức Kitô: “Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Moses đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin.”

2.2/ Biết dùng thời gian hiện tại để học biết về Đức Kitô: Ngài khuyên các tín hữu: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.”

+ Sự phục sinh: Thiên Chúa đã dùng uy quyền làm cho Đức Kitô sống lại vinh hiển từ cõi chết. Đức Kitô là bảo đảm cho sự sống lại mai sau của các tín hữu.

+ Thông phần đau khổ sẽ thông phần vinh quang: Đức Kitô đã phải trải qua Cuộc Thương Khó để đền tội cho con người. Nếu các tín hữu cùng chịu thông phần đau khổ với Đức Kitô, họ cũng sẽ thông phần vinh quang với Ngài.

2.3/ Hướng về tương lai: Con người hành động là cho một mục đích: Vinh quang phục sinh là niềm hy vọng thúc đẩy con người tiến tới. Thánh Phaolô tin chắc chắn nếu ngài cứ thẳng đường tiến tới, Ngài sẽ nhận được triều thiên vinh hiển là sự phục sinh mà chính Đức Kitô đang chờ đợi để trao cho Ngài. Hành động nhất tâm tiến tới sẽ giúp ngài không chia trí vào những chuyện khác, nhưng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để đạt đích mà Thiên Chúa đã tiền định cho con người qua Đức Kitô. Tuy vẫn còn nhiều gian nan dọc đường; nhưng nếu các tín hữu luôn để Đức Kitô làm chủ cuộc đời, Ngài sẽ giúp họ vượt qua tất cả.

3/ Phúc Âm: Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!

3.1/ Bẫy giăng để Chúa Giêsu phải rơi vào: Trình thuật cho chúng ta thấy các chi tiết của biến cố: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisees dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Moses truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

(1) Luật Moses: Gioan cho chúng ta thấy rõ đây là một bẫy giăng của các kinh sư và biệt phái: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Theo Luật Moses (Lev 20:10; Dnl 22:22-24), những người phạm tội ngoại tình đều bị ném đá cho đến chết.

(2) Luật yêu thương của Chúa Giêsu: Họ biết Chúa Giêsu dạy dân chúng về luật yêu thương và tha thứ; vì thế, họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy giáo lý Chúa Giêsu dạy là sai trái, vì đi ngược lại với Luật Moses.

Một người sẽ nhận ra ngay họ đang đặt Chúa Giêsu vào tình thế lưỡng nan: nếu Chúa Giêsu nói không được ném đá, hòn đá của họ sẽ ném trên Ngài vì dám xúi dân chống lại Luật Moses; nếu Chúa Giêsu cho phép ném đá, Luật tha thứ và yêu thương của Ngài sẽ trở nên vô hiệu, vì Ngài dạy một đàng làm một nẻo. Họ tin chắc Chúa Giêsu sẽ không có lối thoát. Chúng ta hãy xem cách xử thế khôn ngoan của Thiên Chúa.

3.2/ Luật yêu thương toàn thắng.

(1) Giây phút xét mình cần thiết: “Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.” Ngài viết gì, chúng ta không biết. Một điều chắc chắn Chúa Giêsu muốn mời gọi mọi người xét mình trước khi kết án người khác; và có thể Ngài soi thấu tâm hồn của từng người để đừng xét mình cách bất cẩn.

Khi xét mình, con người thấy mình cũng chẳng tốt đẹp hơn ai; điều này giúp con người dễ thông cảm và tha thứ cho người khác. Nếu mình chưa tốt đẹp, tại sao lại bắt tha nhân phải tốt đẹp? Họ cũng là người yếu đuối như mình thôi. Người không thường xuyên xét mình sẽ dễ dàng kết án tha nhân, vì họ tưởng là họ tốt lành, hoàn hảo.

(2) Đấng duy nhất có quyền kết án lại từ chối không kết án: Nghe lời thách thức của Chúa, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi; sau cùng, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị trả lời: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Giây phút đối diện với Chúa Giêsu chắc chắn sẽ khắc sâu một kỷ niệm khó quên trong tâm hồn người phụ nữ. Đây là Người duy nhất có uy quyền kết tội lại từ chối không kết tội chị; Ngài mở ngỏ ngưỡng cửa tương lai và mời chị bước vào. Ngài như thầm bảo chị: tuy tội chị phạm đến Thiên Chúa và tha nhân; nhưng người chịu thiệt hại nhất chính là chị. Hãy lợi dụng cơ hội tha thứ để sửa mình và làm cho cuộc đời của chị tốt đẹp hơn.

Chúa Giêsu đã chứng minh: Luật yêu thương tha thứ của Ngài chiến thắng khải hoàn trên Luật Moses, vì Luật yêu thương đưa về cho Thiên Chúa một người con tưởng chừng đã mất; trong khi nếu theo Luật Moses, chắc chắn sẽ để lại một xác chết. Thiên Chúa chẳng vui gì khi thấy một người con chết; nhưng Ngài nhảy mừng khi thấy một người con biết ăn năn trở lại và được sống.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa phải sửa dạy chúng ta bằng đau khổ; nhưng Ngài có uy quyền trên mọi quyền lực thế gian để phục hồi địa vị làm con, nếu chúng ta biết thành tâm trở về với Ngài.

– Hãy để Đức Kitô làm chủ hoàn toàn cuộc sống chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi gian khổ trong cuộc đời và sẽ ban cho chúng ta triều thiên vinh hiển là cuộc sống đời đời.

– Chúng ta hãy thường xuyên xét mình thay vì phí thời giờ xét đoán tha nhân. Người năng xét mình sẽ có cơ hội thăng tiến bản thân, dễ dàng tha thứ cho tha nhân, và được Thiên Chúa xét xử khoan hồng trong Ngày Chung Thẩm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here