NHỮNG VỊ THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

0
1610

NHỮNG VỊ THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
Trải qua lịch sử Giáo Hội

Hermut Moll

Trích Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11/2018)

Tác giả, – một linh mục người Đức thuộc giáo phận Köln, giáo sư sử học, từng làm cố vấn cho Bộ Phong thánh (từ năm 1993)-, trình bày khuôn mặt một vài tín hữu đã nên thánh trong đời sống hôn nhân, dọc theo các chặng lịch sử Giáo hội: 1/ Tân ước; 2/ Thời bách hại. 3/ Thời Trung đại. 4/ Thời cận đại. 5/ Thế kỷ XIX và XX. Sau cùng, tác giả trình bày các vụ án phong chân phước cho các đôi hôn nhân còn đang tiến hành. Nguyên tác tiếng Ý : Sposi beatificati e canonizzati. Dai primordi al presente. Nguồn:

http://www.kath.net/news/mobile/54769.

Các chú thích và Phụ thêm (Tử-đạo-thư) là của người dịch.

—————–

Ngày 3-7-2008, ĐTC Bênêđictô XVI đã mở đường cho một đôi hôn nhân được tôn phong chân phước. Trong buổi tiếp kiến dành cho Hồng y José Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã cho phép cơ quan này được công bố nghị định xác nhận phép lạ do lời chuyển cầu cho đôi hôn nhân người Pháp Louis (1823-1894) và Marie Zélie Martin (1831-1877). Theo các cơ quan truyền thông, phép lạ này liên quan đến việc chữa lành một em bé Pietro Schilirò ở Monza, một thành phố ở Bắc Ý, thuộc giáo phận Milano, đã thoát được cái chết, vào năm 2003.

Sinh tại Bordeaux, anh Louis Martin, làm nghề thợ sửa đồng hồ, đã kết hôn tại Alençon (miền Bắc nước Pháp) với chị Marie Zélie Guérin quê ở Saint-Denis-sur-Sarthon. Lúc ấy anh đã 35 tuổi và chị được 27 tuổi. Đôi vợ chồng này sinh được 9 người con: “Sự hòa thuận trong gia đình này thật tuyệt vời, giữa vợ chồng cũng như giữa cha mẹ với con cái”. Họ coi việc tham dự Thánh lễ hằng ngày như là một bổn phận. Khi kết hôn, anh Louis Martin nuôi dưỡng niềm hy vọng có thể thỏa thuận với vợ rằng hai người sẽ sống với nhau như anh em. Nhưng chị Marie Zélie lại cảm thấy muốn có nhiều con và dưỡng dục chúng theo tinh thần Kitô giáo. Chị là một thành viên của dòng Ba Phan-sinh. Hằng ngày gia đình đọc kinh trước tượng Đức Mẹ. Cha Stéphane-Joseph Piat, dòng Phan-sinh đã viết một cuốn sách kể lại đời sống thánh thiện của gia đình này, với tựa đề “Tiểu sử một gia đình. Một trường nên thánh ” (Histoire d’une famille. Une école de sainteté, Paris, 1946, 4ème éd.). Anh Louis nổi bật về tinh thần đức tin và đức ái, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Thỉnh thoảng anh đi hành hương với con cái, chẳng hạn như đến đền thờ Notre-Dame des Victoires ở Paris, cũng như Chartres hoặc Lourdes. Năm 1985, một cuốn sách được xuất bản về cuộc đời của anh, mô tả anh như “người cha tuyệt vời”. Tác giả cũng thuật lại khá chi tiết tiểu sử của bà vợ; bà rất sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, mang niềm an ủi đến các gia đình nghèo khổ.

Bốn người con đã qua đời lúc tuổi thơ, trong đó có hai con trai. Năm người sống sót đã dâng hiến cuộc đời trong nhà dòng : bốn người trong đan viện Cát-minh ở Lisieux, đó là : Marie-Louise (1860-1940), tên Dòng là soeur Marie du Sacré Cœur ; Marie-Pauline (1861-1951), trở thành soeur Agnès de Jésus ; Marie-Céline (1869-1959), trở thành Geneviève de la Sainte Face ; và Marie-Françoise-Thérèse (1873-1897) tức là thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu được phong thánh năm 1925, được đặt làm bổn mạng các nơi truyền giáo vào năm 1927, và tôn phong Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1997. Cô Marie-Léonie (1863-1941) vào dòng Thăm viếng ở Caen, và mang tên dòng là soeur Françoise-Thérèse.

Bà Marie Azélie Martin từ trần đời năm 1877, nhưng ông chồng vẫn sống cho đến ngày 29-7-1894. Giáo phận Bayeux và Lisieux đã mở hồ sơ xin phong chân phước cho hai vị. Cha Simeon della Santa Famiglia, dòng Cát-minh, được đặt làm thỉnh nguyện viên. Nghị định cứu xét các bút tích được Bộ Phong thánh ký vào ngày 1-7-1964, và nghị định về các nhân đức anh hùng được ban hành ngày 26-3-1994. Lễ phong chân phước đã diễn ra ngày 19-10 cùng năm ấy tại vương cung thánh đường Sainte-Thérèse[1].

Trong bối cảnh cuộc phong chân phước cho hai vợ chồng ông bà Louis và Marie Zélie Martin, một lần nữa, câu hỏi lại được đặt lên : tại sao quá ít đôi hôn nhân được phong thánh ? Phải chăng không có đôi vợ chồng nào đáng nêu gương và có thể đặt lên bàn thờ hay sao? Không thể tìm ra được hai người không hề dập tắt tình yêu, hai người không hề vi phạm lời hứa trung tín, hai người không chạy theo các trào lưu “cưới thử” hoặc “cưới nhau có thời hạn” hay sao ? Có chứ, nhưng những đôi vợ chồng ấy sống âm thầm với con cái. Họ không muốn xuất hiện trên các trang quảng cáo xã hội. Phàm ai cố gắng sống tình yêu vị tha, sống vô vị lợi cho người khác, ắt là sẽ không luống công. Kể cả ngày hôm nay, vẫn còn những người ấy, như câu nói của thánh Augustinô : “Tại sao ông nọ bà kia làm được, mà tôi không làm được ?”. Năm 1976, nhà thần học Tin lành Walter Nigg người Thụy sĩ, ước mong rằng sẽ thấy trong danh sách các vị thánh những người nam nữ nổi bật vì tính khác thường trong cuộc hôn nhân bình thường[2].

Trong tông huấn Familiaris consortio Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã nhận xét rằng : “Vào thời cận đại, cũng như và có lẽ còn hơn các định chế xã hội khác, gia đình đã trải qua nhiều sự thay đổi rộng lớn, sâu xa và nhanh chóng của xã hội và văn hóa. Nhiều gia đình đã sống tình thế này trong niềm trung thành với các giá trị cấu thành nền tảng của định chế gia đình. Một số gia đình khác bị choáng váng trước những nhiệm vụ của mình, thậm chí nghi ngờ hoặc không đếm xỉa ý nghĩa tối hậu và chân lý về đời sống hôn nhân và gia đình” (số 1).

Như cha Anthony Ward đã lưu ý vào hồi năm 2009, Tử-đạo-thư đã gồm chứa nhiều đôi hôn nhân thánh thiện và kể cả các gia đình thánh thiện[3]. ĐTC Bênêđictô XVI đã đề cập đến vấn đề này trong bài huấn giáo trước kinh Truyền tin ngày 30-8-2009 tại Castel Gandolfo. Nhân lễ thánh nữ Monica, thân mẫu của giám mục Augustinô, ngài nói : “Lịch sử của Kitô giáo đã được chiếu sáng bởi vô vàn những tấm gương của các bậc cha mẹ thánh thiện và những gia đình Kitô hữu đã đồng hành với các linh mục và mục tử trong Hội thánh. Ta hãy nghĩ đến các thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzô, cả hai vị đều thuộc các gia đình có nhiều thánh nhân. Gần chúng ta hơn, có đôi vợ chồng Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini, sống vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, được ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước vào tháng 10 năm 2001 trùng vào dịp kỷ niệm 20 năm tông huấn Familiaris consortio ”.

Trước tiên, chúng ta hãy lướt mắt qua lịch sử Kitô giáo, đã từng chứng kiến nhiều đôi vợ chồng thánh thiện trải qua các thời đại. Từ “đám mây các nhân chứng” (Hr 12,1), chúng ta chỉ trích ra những đôi vợ chồng tiêu biểu cho thời đại, và vẫn còn tầm quan trọng vào thời chúng ta. Thực ra, không phải số lượng làm nên vẻ phong phú của các ngài, nhưng chính là thực tại sinh sống, cho dù con số được đặt lên bàn thờ tùy thuộc vào nhiều lý do khác nhau.

I. Tân ước

Trong các bản văn Tân ước, chúng ta gặp thấy vài nhân vật gắn liền với gia phả của Chúa Giêsu : Đức Maria Nazaret, thân mẫu Chúa Giêsu, và thánh Giuse, nghĩa phụ của Người, họp thành Thánh Gia. Phụng vụ mừng lễ Thánh Gia vài ngày sau lễ Chúa Giáng sinh. Cũng thuộc về dòng dõi thánh hiện này là song thân của Thánh Mẫu, tức là hai thánh Gioakim và Anna, được kính chung vào ngày 26 tháng 7. Gắn liền với sứ vụ của Chúa Cứu Thế là thánh Gioan Tẩy giả, mà song thân thánh thiện là ông bà Dacaria và Elisabeth, được thánh Luca kể lại trong sách Tin mừng (x. Lc 1,5-80).

Ngoài ra, chúng ta còn gặp những đôi vợ chồng gương mẫu, nhất là trong các thư của thánh Phaolô : ông Aquila, một người Do thái đã rời Rôma, và bà Priscilla (Prisca) đã đón tiếp vị Tông đồ dân ngoại khi người đến trú ngụ tại thành phố Côrintô, ở Maceđônia (Cv 18,2-3). Hai ông bà đi theo thánh Phaolô sang Ephêsô (Cv 18,18-19.) và chỉ dẫn ông Apollo (Cv 18,26). Theo lá thư gửi các tín hữu Rôma, hai ông bà đã về lại Rôma, và thánh Phaolô đã nêu danh để cám ơn sự phục vụ của họ, được kể vào số những “cộng sự viên” của mình (Rm 16,4; x. 2 Cr 1,8-11); hai ông bà đã dành căn nhà mình làm nơi gặp gỡ cho cộng đoàn (x. 1Cr 16,19; Rm 16,5). Trong buổi tiếp kiến chung ngày 7-2-2007, ĐTC Bênêđictô XVI ca ngợi hai ngài như sau : “Chúng ta hãy tôn kính ông bà Aquila và Priscilla như mẫu gương của đời sống hôn nhân và dấn thân tích cực phục vụ cộng đoàn Kitô hữu. Nơi các ngài, chúng ta gặp thấy khuôn mẫu của Giáo hội là gia đình của Thiên Chúa cho hết mọi thời”.

II. Thời bách hại

Thời kỳ khai nguyên của đức tin Kitô giáo vẫn còn chiếu sáng nhờ các chứng nhân vĩ đại, đứng đầu là các vị tử đạo, đã đổ máu ra vì Chúa Cứu thế. Trong hàng các vị tử đạo, không chỉ có những trinh nữ, phó tế, linh mục và giám mục, mà còn những đôi vợ chồng nữa.

Theo tục truyền, hai ông bà Esperô và Zoê, cùng với hai con trai là Ciriacô và Teođulô đã chịu chết vì đạo ở Panphilia (Tiểu Á) dưới thời hoàng đế Adrianô. Họ đã bị tra tấn dã man vì đức tin, theo như bản văn của Tử-đạo-thư nhân dịp kính nhớ các ngài vào ngày 2 tháng 5.

Các thánh Victor và Corona, chịu tử đạo ở Syria khoảng năm 176, được phụng vụ tưởng nhớ vào ngày 14 tháng 5. Phụng vụ cũng tưởng nhớ hai thánh Mariô và Marta vào ngày 19 tháng giêng. Ngoài ra, còn có một đôi vợ chồng tử đạo tên là Bonifaxiô và Têcla, đã hy sinh mạng sống khoảng năm 250 trong một cuộc bách hại, được Giáo hội kính nhớ vào ngày 30 tháng 8. Giáo hội cũng tưởng nhớ hai đôi vợ chồng là các thánh Flavianô và Đaphrôsa vào các ngày 22 tháng 12 và ngày 4 tháng 1, là những người đã làm chứng cho Chúa Kitô trong thế kỷ IV. Hai ông bà Crisantô và Đaria đã chịu tử đạo năm 253, và nhờ đan viện dòng Biển-đức tại Prüm (Eifel), hài cốt của các ngài đã được đưa đến Bad Münstereifel vào thế kỷ VII, nơi các ngài được mừng kính vào ngày 25 tháng 10 như bổn mạng của thành phố. Ngoài ra, Tử-đạo-thư vào ngày 23 tháng giêng nhắc đến các thánh Severianô và Aquila, chịu thiêu sinh ở Cesarea (Mauritania, Bắc Phi) hồi thế kỷ III. Và chúng ta đừng quên hai thánh Giulianô và Basilissa thuộc thế kỷ IV, được Tử-đạo-thư ghi nhớ vào ngày 6 tháng giêng.

Thời kỳ sau khi hoàng đế Constantinô tuyên bố cho Kitô giáo được tự do hành đạo cũng còn ghi nhận nhiều đôi vợ chồng thánh thiện. Ở đây chỉ cần nhắc đến thánh Basiliô Cựu (sinh khoảng năm 270 ở Cappađôxia – + trước năm 349) và vợ là thánh Emmelia (+ k. năm 372), đã sinh được mười người con. Tử-đạo-thư ghi nhớ ngày 30 tháng 5. Ngoài ra cũng nên nhắc đến thánh Grêgôriô Cựu ở Nazianzô (+ khoảng năm 389) và vợ là thánh Nonna (+ 374), người đã giúp cho người chồng tương lai của mình trở lại đạo vào năm 325. Họ có ba người con. Tử-đạo-thư ghi nhớ thánh Grêgôriô vào ngày 2 tháng giêng (và ngày tạ thế vào ngày 25 cùng 1), còn thánh nữ thì vào ngày 5 tháng 8. Ngoài ra phụng vụ nhớ đến đôi vợ chồng Anđronicô và Atanasia Antiokia ở Syria, lễ kính vào ngày 9 tháng 10. Theo tục truyền, họ sinh được hai người con, nhưng chúng đã chết lúc sơ sinh. Họ được đề cao về lòng thương xót người nghèo cũng như cuộc hành hương sang Thánh Địa. Các ngài kết liễu cuộc đời thánh thiện ở Ai-cập vào khoảng cuối thế kỷ IV. Ngày 25 tháng 9, Giáo hội tưởng nhớ hai ông bà Phaolô và Tatta, cùng với những con cái là Sabinianô, Maximô, Rufô và Eugeniô đã bị tra tấn đến chết vì đức tin tại Đamascô ở Syria. Ngày 31 tháng 12, Tử-đạo-thư nhắc nhớ đôi vợ chồng thánh thiện là bà Malania Trẻ và ông Pinianô: hai người rời Rôma sang Giêrusalem, và ông gia nhập đời đan tu còn bà dâng mình cho Chúa trong hàng ngũ những người thánh hiến, cho đến khi cả hai từ trần năm 439.

III. Thời Trung đại

Đặc trưng của thời Trung đại là một lối nhìn khác về cách sống đời hôn nhân cũng như về sự thánh thiện. Hàng ngũ các đôi hôn nhân thánh thiện thường gặp thấy nơi các nhà lãnh đạo quốc gia hoặc các nhà chính trị. Ngày 26 tháng 1, Tử-đạo-thư thuật lại các vợ chồng thánh hồi thế kỷ VI như thế này : “Tại Giêrusalem, các thánh Sênofontê và Maria và các người con là Gioan và Arcađiô, sau khi khước từ chức vụ thượng nghị sĩ cùng khối tài sản to lớn, đã hăm hở gia nhập đời đan tu tại Thành thánh”. Ngoài ra, Giáo hội kính nhớ thánh Edwin, vua Northumbria (miền Trung nước Anh, chịu tử đạo năm 633), và người vợ kế là Etelburga Kent, qua đời năm 647. Thật là khó dựng lại cuộc đời của thánh nữ Valtruđê qua đời năm 688, là mẹ của bốn người con và vợ của thánh Vincentê Mađelgariô. Giáo phận Eichstätt tôn kính thánh Riccarđô và phu nhân là Wuna (hoặc Wunna), thân sinh của các vị thánh bổn mạng của giáo phận là Villibalđô, Vunibalđô và Valburga. Tử-đạo-thư ấn định ngày 7 tháng 2 để tưởng nhớ thánh Riccarđô. Ở Tây-ban-nha, nhiều người công giáo đã chịu tử đạo dưới thời đô hộ của chính quyền Islam. Năm 852 hai đôi vợ chồng Aureliô và Sabigotonê cùng với Felice và Liliosa đã làm chứng cho đức tin.

Mọi người đều biết đôi vợ chồng hoàng gia là Henri II và Cunegonda thuộc thế kỷ XI, được Tử-đạo-thư ghi nhớ vào ngày 13 tháng 7. Hai vị đã thiết kế và thành lập giáo phận Bamberg, và thi hài của cả hai đều được an táng trong nhà thờ chính tòa của giáo phận này. Năm 1083, Giáo hội cũng đã tôn phong vua Stêphanô nước Hungari (khoảng năm 969 – 1038), một nhân vật xuất sắc dưới nhiều phương diện, và đặt lễ kính phụng vụ vào ngày 16 tháng 8, được cử hành như là quốc lễ tại nước này. Phu nhân là thánh Gisella (985-1060) được tôn kính tại đan viện Niedernburg gần Passau, nơi lưu giữ thi hài ; lễ kính vào ngày 7 tháng 5.

Vào ngày 15 tháng 5, Tử-đạo-thư viết những lời ca tụng như sau : “Tại Madrid miền Castilla nước Tây-ban-nha, thánh Isiđôrô, nông dân, cùng với vợ là chân phúc Maria de la Cabeza đã vất vả với công việc đồng áng, kiên nhẫn thu hoạch những hoa trái trên trời nhiều hơn là hoa màu ruộng đất, đáng được coi như mẫu gương cho các người nông dân Kitô hữu”. Các ngài qua đời năm 1130. Vào ngày 7-8-1697, Giáo hội đã chuẩn nhận lòng tôn kính từ lâu đời dành cho các vị.

Các chi tiết về cuộc đời của thánh Elzêariô, quận công Sabran, từ trần năm 1323, và phu nhân Delfina (1284-1360) không được phong phú cho lắm. Renate Blumenfeld-Kosinski đã viết vắn tắt như sau: “Cả hai đều thuộc dòng dõi quý tộc miền Provence. Delfina mồ côi cha mẹ khi lên 7 tuổi, được trao cho các cô cậu chăm sóc và được gửi trọ ở một dòng nữ. Cách riêng, bà Sibille đã gây ảnh hưởng rất lớn khi đọc cho cô bé nghe cuộc đời của các đôi hôn nhân trinh khiết, nhấn mạnh rằng các trinh nữ thì sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn các phụ nữ có chồng. Delfina gắng thực hiện lý tưởng khắc khổ ấy giữa muôn vàn khó khăn”. Quận công Elzeario được ĐTC Urbano V phong thánh năm 1368. Cả hai vị được Tử-đạo-thư ghi nhớ ngày 27 tháng 9 như là những người đã “thực hành tất cả mọi nhân đức”.

Vào thời Trung đại, hai quan niệm “thánh thiện” và “làm mẹ” lắm khi gắn liền với nhau. Chỉ cần lấy một thí dụ: ngày 17 tháng 11, phụng vụ làm lễ kính thánh nữ Elisabeth Turingia (1207-1227). Bà kết hôn với quận công Luđôvicô IV (1200-1227) được mệnh danh là “ông thánh”, và sinh ba đứa con .

IV. Thời cận đại

Thời cận đại đã mang lại một số thay đổi trong quan niệm về hôn nhân và gia đình. Tuy vậy không thiếu những đôi vợ chồng vẫn duy trì được nền tảng vững chắc của đức tin, và còn truyền thụ cho đến nay. Thực vậy, ở đâu có hai người kết hợp với nhau chặt chẽ nên một thì nơi đó trở thành một thành trì kiên cố mà không lực lượng nào phá hủy được. Năm 1735, cha Jacob Schmid (1689-1740) đã viết một cuốn sách tặng các đôi vợ chồng Kitô hữu; quyển sách được tiêu thụ nhanh chóng đến nỗi được tái bản chỉ sau ba năm. Tác giả đề cao tình yêu của cha mẹ cũng như tình yêu của con cái, cùng với việc cổ võ sự giáo dục nghiêm túc.

Vào thời buổi này, đáng lưu ý là các đôi vợ chồng Nhật bản đã hy sinh mạng sống vì Chúa Kitô trong thời kỳ bách hại vào thế kỷ XVII. Tôi chỉ muốn nêu bật vài vị nổi tiếng : Phêrô và Susanna Arakiyori Chobioye ; Gioan và Catarina Tanaka ; Gioan và Monica Nagai Naisen cùng với người con là Louis, chịu trảm quyết năm 1626 ở Nagasaki, cùng với Mattia Araki. Tất cả được phong chân phước năm 1854, và được Tử-đạo-thư nhắc nhớ vào ngày 12 tháng 7. Thầy giảng Simon Bokusai Kyota và phu nhân là Mađalena, đôi vợ chồng Tôma và Maria Gengoro, cùng với người con trai là Giacob, đã bị đóng đinh vào thập giá bằng hình thức đầu dốc ngược xuống đất vào năm 1620, theo lệnh của tướng quân Yetsundo; Tử-đạo-thư kính nhớ các ngài vào ngày 16 tháng 8. Ông Gaspar và bà Maria Vaz, dưới sự hướng dẫn của cha Phanxicô de Santa Maria, OFM cùng với 13 đồng bạn, đã bị trảm quyết năm 1627, được Tử-đạo-thư kính nhớ ngày 27 tháng 8. Cũng tại nơi đó, vào năm 1622, bà Lucia, vợ ông Louis Yakisci bị trảm quyết cùng với hai con là Anrê và Phanxicô, trước sự chứng kiến của người chồng và người cha. Kế đó, đến lượt ông Louis bị thiêu sinh. Tất cả được đặt lên bàn thờ vào năm 1867 và được kính nhớ vào ngày 2 tháng 10.

Lòng trung kiên của các vị tử đạo Triều Tiên cũng đáng khâm phục : bà Barbara Kwon-hui với chồng là Augustino Yi Kwang-hon ; bà Maria Yi Yon-hui, phu nhân của ông Đamiano Myong-hyog, chịu chết vì Chúa Kitô năm 1839, vẫn còn là chứng tá của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

V. Thế kỷ XIX và XX

Vào dịp Thượng-hội-đồng giám mục bàn về sứ mệnh hôn nhân và gia đình năm 1980, vị Tổng trưởng Bộ Phong thánh lúc ấy là Hồng y Pietro Palazzini ngỏ ý muốn đẩy mạnh  hồ sơ của các đôi vợ chồng. Muốn được vậy, cần có sự hỗ trợ của các thân hữu, các nhóm gia đình, các hội đoàn giáo dân. Do đó, Giáo triều Rôma cổ động những vụ phong thánh cho các đôi hôn nhân. Năm 1984, tại một phiên họp của công nghị giáo phận Rôma, ĐTC Gioan Phaolô II đã bày tỏ ý định muốn đưa một đôi hôn nhân lên bàn thờ trong triều đại của ngài. Kết quả của nỗ lực ấy là việc tôn phong chân phước cho đôi vợ chồng người Ý : ông Luigi (1880-1951) và bà Maria (1884-1965) Beltrame Quattrocchi, vào ngày 21 tháng 10 năm 2001, trước sự hiện diện của ba người con[4]. Ông Luigi, quê ở Catania (đảo Sicilia, miền nam nước Ý), đã trở thành Tổng Biện lý tại Rôma, và đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong nước dưới thời thủ tướng Alcide De Gasperi († 1954). Trong thời gian rảnh rỗi, ông đi dự các lớp thần học ban tối ở Đại học Grêgôriana. Bà vợ là Maria Corsini, nguyên quán ở Firenze (miền trung Italia), nhưng khi còn trẻ đã chuyển nhà về Rôma và lập gia đình năm 1905. Là một thành viên của phong trào Công giáo Tiến hành, bà dấn thân vào hoạt động giáo dục qua việc xuất bản nhiều sách về khoa sư phạm, cũng như tham gia vào việc huấn giáo cho phụ nữ tại các giáo xứ Rôma, cũng như giúp đỡ người nghèo. Sau khi chồng qua đời vào năm 1951, bà còn tham gia hăng say hơn nữa vào công cuộc canh tân đức tin và trợ giúp các gia đình, theo như đường lối mà ĐTC Piô XII vạch ra. Bà qua đời tại Rôma ngày 26 tháng 8 năm 1965. Thủ tục phong thánh được mở ra tại Rôma ngày 18-10-1994. Ngày 20-6-1997, Bộ Phong thánh đã công bố nghị định nhìn nhận các cuộc điều tra diễn ra hợp pháp, và ngày 19-6-1999, chấp nhận positio về các nhân đức.

Một cuốn sách do hai nhà văn Attilio Danese e Giulia Paola Di Nicola, mang tựa đề “ Một hào quang cho hai người ” (Un’aureola per due, ed. Mondocrea 2001) cung cấp rất nhiều dữ liệu về cuộc đời của đôi hôn nhân thánh thiện này. Hồng y José Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ước mong rằng việc phong chân phước cho đôi bạn này sẽ mở ra một chân trời mới về sự thánh thiện trong đời sống hôn nhân.

VI. Hướng về tương lai

Trong những thập niên gần đây, nhiều vụ án phong thánh cho các đôi hôn nhân đã được tiếp tục hoặc khởi đầu. Bên Thụy sĩ, đức cha Anton Hänggi (1917 – 1994), cố giám mục Bale, đã lên tiếng thay cho nhiều tín hữu trong lời cầu nguyện như sau : “Lạy Thiên Chúa Ba ngôi, xin ban cho chúng con, bên cạnh thánh nam Nicola de Flue (1417-1487)[5], cũng được một người vợ thánh Dorotea, nhờ thế trong tương lai chúng con sẽ có những đôi hôn nhân thánh thiện”. Hồi tháng 6 năm 1985, nhân chuyến tông du sang Thụy sĩ, ĐTC Gioan Phaolô II đã lặp lại lời nguyện ấy. Trong bài giảng Thánh lễ ngày 14 tháng 6 năm 1984 tại Fluel, ngài đã ca ngợi bà Đôrotêa Wyss, mẹ của mười đứa con, với những lời sau đây : “Trong một quyết định tê tái, bà đã để chồng mình được tự do. Bà có lý để được xem như chứng nhân cho cuộc đời anh hùng của thầy Nicola”. Trên ngôi mộ của thánh Nicola de Flüe tại Sachseln, ĐTC đã đọc lời nguyện như sau : “Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con hiểu được rằng, giống như thầy Nicola và bà thánh Đôrotêa, cuộc hòa giải chân chính và hòa bình lâu dài chỉ có thể có được trong Chúa ”.

Bên nước Áo, người ta cũng thấy những dấu hiệu tôn kính dành cho đôi hôn nhân hoàng gia. Sau khi hoàng đế Carlo I (1887-1922) được tôn phong chân phước ngày 3-10-2004, giáo phận Le Mans cũng được phép tiến hành vụ án phong chân phước cho hoàng hậu Zita di Borbone-Parma (1892-1989), thân mẫn của 8 người con. Bà qua đời ngày 14-3-1989 tại đan viện thánh Gioan ở Thụy sĩ, nơi bà sống ẩn dật từ năm 1962.

Ngày 11-2-1998, tổng giáo phận Pamplona (Tây-ban-nha) mở vụ án phong chân phước cho giáo sư bác sĩ Eduardo Ortiz de Landázuri và phu nhân là Laura Busca Otaegui. Sinh ngày 31-10-1910 tại Segovia, bác sĩ cử hành hôn lễ ngày 17-6-1941 và sinh được 7 người con.

Ở giáo phận Catania (Sicilia, nam Italia), năm 2001, thủ tục phong chân phước được chính thức khai mở cho ông Marcello (1934-1986) và bà Anna Maria Inguscio (1938-1996). Sau khi kết hôn vào năm 1968, họ sinh được hai người con gái là Marietta và Lucia. Họ dấn thân vào phong trào “ Sứ vụ Giáo hội-Trần thế ” để chăm lo việc mục vụ các linh hồn, và đồng thời, sống các lời khuyên Phúc âm. Tấm gương của họ đã được ca ngợi trên nhật báo “L’Osservatore Romano” của Tòa Thánh.

Tại miền bắc Italia, giáo phận Modena-Nonantola, đã mở vụ án phong chân phước vào năm 2004 cho ông Sergio Bernardini (1882-1966) và bà Domenica Bedonni (1889-1971). Hai ông bà đã sinh ra 10 người con, trong số đó hai người con trai vào dòng Phan-sinh Cappuxino, bốn người con gái đi tu trong dòng Paoline, và hai người lập gia đình.

Đức Tổng giám mục Madrid, Antonio Maria Rouco Varela, đã khai mở tiến trình phong chân phước cho ông Tomás Alvira và bà Paquita Dominguez : hai ông bà đã sống đời gương mẫu trong hôn nhân, nghề nghiệp và xã hội. Ông chồng sinh tại Zaragoza năm 1906 và qua đời ở Madrid năm 1992 ; bà vợ sinh ở Huesca năm 1912, qua đời tại thủ đô Tây-ban-nha năm 1994.

Vào thời đại hôm nay, khi hôn nhân và gia đình phải hứng chịu nhiều áp lực thù nghịch, chúng ta cần có những tấm gương thuyết phục. Tinh thần đại kết của những vụ hôn nhân giữa những người thuộc các giáo hội khác nhau cũng cần được nâng đỡ, tuy vẫn không giấu giếm những khó khăn trong lãnh vực này. Trong diễn từ đọc tại buổi gặp gỡ đại kết ở Varsavia, ĐTC Bênêđictô XVI đã ca ngợi những đôi hôn nhân giữa những người thuộc các giáo hội khác nhau như là “một phòng thí nghiệm của sự hợp nhất” nhưng đồng thời cũng yêu cầu phải đề ra một kế hoạch mục vụ cho những đôi hôn nhân ấy[6].

Trong cuốn sách “Hôn nhân hạnh phúc” (A Happy Marriage, 2009), nhà văn Rafael Yglesias nêu bật tầm quan trọng của lòng chung thủy. Đôi vợ chồng cần bảo vệ tình yêu chống lại chính mình và chống lại những cơn cám dỗ của thói quen máy móc và của sự phản bội, và cần biết nuôi dưỡng bí quyết hạnh phúc, một điều mà ít người để ý. Công đồng Vaticano II đã nhấn mạnh : “Tất cả mọi tín hữu được mời gọi và có nghĩa vụ đạt đến sự thánh thiện và trọn lành trong bậc sống của mình ” (Lumen gentium, số 42). Các thánh thật là những vị thầy của Giáo hội : các đôi hôn nhân đã dạy cho chúng ta bài học rằng, nhờ bí tích hôn nhân, họ đã trao hiến cho nhau mãi mãi, không chút dè giữ. Họ đã chứng tỏ nhân đức anh hùng khi duy trì sự hợp nhất khi vui cũng như lúc buồn, khi mạnh khỏe cũng như lúc yếu đau. Tính cách anh hùng đã biểu lộ ngay từ khi quyết định cách quyết liệt, không bao giờ rút lại nữa[7].

————————-

Phụ thêm : Tử-đạo-thư

Tử-đạo-thư trong tiếng Việt được dịch sát từ danh từ Martyrologium trong tiếng Latinh (được chuyển dịch sang tiếng Anh là martyrology, tiếng Pháp là martyrologe). Nếu xét theo tầm nguyên, thì martyrologium chỉ có nghĩa là “lời bàn” hoặc “danh mục” về các vị tử đạo. Tuy nhiên với sự tiến triển qua dòng thời gian, nó đã trở thành một “sách phụng vụ” ghi nhớ tất cả các vị thánh – tử đạo cũng như không tử đạo – được xếp theo việc kính nhớ nhân “ngày sinh về trời”. Chúng ta hãy ôn lại vắn tắt nguồn gốc hình thành và sự tiến triển của quyển sách này.

A. Nguồn gốc

Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu quen tụ họp  bên cạnh mồ của các vị tử đạo vào dịp giáp năm ngày bị sát hại (được coi như là “ngày sinh về trời”: dies natalis) để cử hành Thánh lễ. Vào dịp này, đức giám mục sở tại thường có một bài giảng ca ngợi vị tử đạo. Người ta cũng đọc lại biên bản của vụ án (Acta martyrum) hoặc tường thuật cuộc “thụ nạn” (passiones) của vị ấy; nếu có, các tín hữu cũng thêm phần tường thuật các phép lạ xảy ra từ khi vị thánh bị sát hại.

Việc tôn kính các thánh dần dần vượt ra ngoài biên cương của giáo hội địa phương, thường là do các phép lạ xảy ra quanh các di tích của các ngài. Điều này thu hút các người hành hương cũng như việc phân phát các thánh tích. Thật là dễ hiểu nếu các giáo hội khác cũng thu thập hạnh tích của các thánh tử đạo. Đó là nguồn gốc của các Tử-đạo-thư (martyrologium), nhờ sự trao đổi rộng rãi giữa các giáo hội địa phương. Kế đó, nội dung các sách này được mở rộng, bao gồm cả các giám mục, linh mục, đan sĩ, trinh nữ, giáo dân, nói chung là những người “tuyên xưng đức tin” (confessores fidei) được mừng kính vào “ngày sinh về trời” (dies natalis). Lối hành văn không thống nhất; có khi chỉ nhắc đến tên tuổi và nơi qua đời, có khi thêm đôi hàng tiểu sử.

B. Martyrologium Romanum

Những cuốn Tử-đạo-thư mang tầm mức “siêu giáo phận” đã xuất hiện từ thời các giáo phụ, trong số đó nổi tiếng hơn cả là Martyrologium Hieronymianum được gán cho thánh Hiêronimô, tổng hợp các nguồn khác nhau của Rôma, Phi châu và Syria. Bên Đông phương, tác phẩm tương tự mang tên là Menologion.

Thời Trung cổ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều Tử-đạo-thư. Tòa Thánh cũng mong có một Tử đạo thư mang tính phổ quát cho toàn thể Giáo hội. Ý định này được thực hiện với việc xuất bản quyển Martyrologium Romanum lần đầu tiên vào năm 1583 dưới thời ĐTC Grêgôriô XIII trong kế hoạch cải tổ phụng vụ dựa theo chỉ thị của công đồng Trentô. Kể từ đó, tác phẩm được bổ sung và tái bản nhiều lần, đặc biệt vào năm 1630 (ĐTC Urbanô VIII), 1748 (ĐTC Bênêđictô XIV). Ấn bản này trở thành tiêu chuẩn, và căn bản vẫn được duy trì trong những lần bổ sung trong thế kỷ XX (ĐTC Piô X năm 1913, Bênêđictô XV năm 1924, Piô XI năm 1928, Piô XII năm 1948 và 1956). Công đồng Vaticanô II ước mong duyệt lại Tử-đạo-thư, dựa trên những cơ sở lịch sử (Hiến chế về phụng vụ số 63). Ý nguyện này mãi đến năm 2001 mới được hoàn tất, và được tái bản vào năm 2005 (được bổ sung với danh sách các vị thánh mới được tôn phong dưới thời Đức Gioan Phaolô II)[8]. Nội dung bao gồm khoảng 7.000 vị thánh và chân phước (chính xác là 6.538 vị) đã được Giáo hội nhìn nhận và tôn kính.

C. Cách sử dụng

1. Trước Công đồng Vaticanô II, Tử-đạo-thư là cuốn sách phụng vụ được sử dụng tại các cộng đoàn đan sĩ và tu sĩ: mỗi ngày vào giờ Kinh Giờ Nhất (Hora Prima: 6 giờ sáng), đọc đoạn văn liên quan đến lễ kính các thánh của ngày hôm sau. Công đồng Vaticanô II đã bãi bỏ Kinh Giờ Nhất, cho nên việc đọc Tử-đạo-thư cũng chịu chung số phận. Sách Tử-đạo-thư năm 2001 không mang tính cách bắt buộc, và đề nghị có thể đọc vào những buổi cử hành khác nhau trong ngày.

– Giờ Kinh Sáng: sau lời nguyện, trước khi ban phép lành kết thúc (nên biết là đọc vị thánh sẽ được kính ngày hôm sau).

– Giờ Kinh Trưa. Tương tự như vậy, sau lời nguyện, trước khi kết thúc.

– Ngoài Giờ Kinh Phụng vụ. Đọc “lời rao”, tiếp theo là đoạn Sách thánh, và kết thúc với lời nguyện.

2. Mỗi ngày có bài “rao” các vị thánh được kính, kèm theo đôi lời nhắc nhớ tiểu sử. Thí dụ ngày 24 tháng 11:

Kính nhớ thánh Anrê Dũng Lạc linh mục và các bạn tử đạo. Trong một ngày lễ duy nhất, chúng ta tôn kính 117 vị tử đạo thuộc nhiều vùng khắp nước Việt Nam, trong đó có 8 giám mục, rất nhiều linh mục, và một số đông giáo dân nam nữ, thuộc nhiều lứa tuổi. Họ đã cam chịu lưu đày, tù ngục, tra tấn và chịu chết chứ không chịu xúc phạm đến thập giá và từ bỏ đức tin Kitô giáo.

Ở chú thích cuối trang, danh tính 117 vị tử đạo được kính nhớ. Nên lưu ý là ngày 24 tháng 11 ghi nhớ tất cả là 13 danh sách, trong đó số 11 nhắc đến: “Tại Đồng Hới, Việt Nam, các thánh tử đạo Pierre Dumoulin-Borie, giám mục thuộc MEP, hai linh mục Phêrô Võ Đăng Khoa và Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm, một người bị xử trảm, một người bị xử giảo, theo lệnh vua Minh Mạng. Như vậy, có những người được nhắc đến hai lần (như phần lớn các thánh tử đạo Việt Nam): một lần vào ngày lễ kính phụng vụ (24 tháng11) và một lần vào “ngày sinh về trời”. Ở cuối sách, có mục lục danh tính. Đối với các thánh Việt Nam, có người được xếp theo tên thánh (thí dụ: Anrê Phú Yên 22-7-1644; Anrê Nguyễn Kim Thông 15-7-1855; Anrê Trần Văn Trông 28-11-1835; Anrê Tường 16-6-1862, theo vần A) ; có người được xếp theo họ người Việt (thí dụ Tạ Đức Thịnh 8-11-1840; Trần Văn Thiện Tôma 21-9-1838; Trần Văn Trông Anrê 28-11-1835; Trần Văn Trung Phanxicô 6-10-1858; Trương Văn Đường Phêrô 18-12-1830; Trương Văn Đường Phêrô 21-12-1839; vần T) ; tuy nhiên cũng ở vần T ta đọc thấy những vị được xếp theo tên riêng là Tuân Giuse 7-1-1862; Tuấn Giuse 30-4-1861;Túc Giuse 1-6-1862; Tước Đaminh 2-4-1839; Tường Anrê 16-6-1862; Tường Vinh-sơn 16-1862), và tên thánh (Tôma Đinh Viết Dụ 28-11-1839; Tôma Nguyễn Văn Đệ 19-12-1838.

——————————-

[1] Nên biết là hai ông bà đã được phong hiển thánh vào ngày 18 tháng 10 năm 2015, trong khung cảnh Thượng hội đồng giám mục bàn về gia đình.

[2] Walter Nigg (1903-1988), Heilige im Alltag, Olten 1976.

[3] Về Tử đạo thư (Martyrologium Romanum) xem Phụ lục cuối bài.

[4] Hai ông bà đã sinh ra bốn người con: trưởng nam là Filippo trở thành linh mục; người thứ hai là Stefania, trở thành nữ tu dòng Biển-đức với tên dòng là Ceia (qua đời năm 1993); người con trai thứ ba là Cesare, vào tu trong dòng Trappista. Người con gái út tên là Enrichetta, ở lại với cha mẹ.

[5] Nicola sinh năm 1417 tại Flue. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ trong chính quyền. Năm 1445 ông kết hôn với bà Dorotea Wyss, và sinh được mười người con (5 trai 5 gái), trong đó một người làm linh mục. Ông cảm thấy ơn gọi muốn rút vào nơi cô tịch sống đời ẩn tu. Bà vợ đã ngăn cản, và mãi đến khi ông được 50 tuổi, bà mới để cho ông theo đuổi ơn gọi. Ông qua đời ngày 21-3-1487, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được phong chân phước năm 1669 và được Đức Thánh cha Pio XII phong thánh năm 1947, và đặt làm bổn mạng nước Thụy sĩ.

[6] Diễn từ ngày 26-5-2006 tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi thuộc giáo hội Luther ở Varsavia.

[7] ĐTC Phanxicô đã dành chương cuối cùng của tông huấn Amoris Laetitia (các số 313-325) đề bàn về linh đạo hôn nhân và gia đình.

[8] ĐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong 1338 chân phước và 482 hiển thánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here