THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 94 (THÁNG 11/2021)

0
1662

CHỦ ĐỀ : TỰ DO VÀ GIẢI PHÓNG

LỜI GIỚI THIỆU

Số báo này được phát hành nhân kỷ niệm 50 năm xuất bản quyển sách Thần học giải phóng (Hacia una teología de la Liberación. Perspectivas, Lima, 1971) của Gustavo Gutierrez, linh mục giáo phận Lima (Peru) và gia nhập Dòng Đa Minh từ năm 2000. Đây là cơ hội tốt để nghiên cứu vấn đề “Tự do và Giải phóng”, một khao khát của con người thời nay đồng thời cũng là một đề tài then chốt để giải thích sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại.

I . Từ ngữ

Trong tiếng Việt hai từ ngữ “Tự do” và “Giải phóng” xem ra chẳng có họ hàng gì với nhau. Tiếng Anh cũng vậy (Freedom – Liberation)[1]; nhưng sang tiếng Pháp thì hai từ ngữ xích lại gần nhau hơn (Liberté – Libération) và nhất là trong tiếng Latinh thì cả ba từ đều thuộc về một gia đình (liber: tính từ; libertas: danh từ; liberare: động từ; liberatio: danh từ, kết quả của liberare).

Tại sao trong tiếng Latinh và tiếng Pháp, hai từ ngữ gần nhau, mà trong tiếng Việt lại xa nhau vậy? Thiết tưởng không có gì khó để tìm câu trả lời: bởi vì danh từ “tự do” mới được du nhập vào tiếng Trung hoa vào đầu thế kỷ XX1 để chuyển dịch danh từ liberté (tiếng Pháp), và vì thế chúng ta không gặp thấy nó trong văn chương Việt Nam. Văn hoá cổ truyền Á đông dùng những từ khác để diễn tả quan niệm “liberté”, chẳng hạn như: giải phóng, giải thoát, thoát ly, phóng thích. Trong trận chiến tranh Việt Nam, một lực lượng chính trị quân sự mang danh là “Mặt trận giải phóng” được dịch sang tiếng Pháp là “Front de la libération”.

Thử hỏi: “tự do” và “giải phóng” có khác nhau không? Dưới khía cạnh từ ngữ, phải nhận là có sự khác biệt.

1/ “Tự do” là một từ ngữ Hán việt. “Tự” có nghĩa là chính mình (tự ý, tự quyết); “do” có nghĩa là nguồn gốc, căn nguyên bởi đâu mà ra (lý do, nguyên do). Như vậy, “tự do” có nghĩa là cái gì xuất phát từ mình: cái gì do tôi làm ra, căn do bởi mình[2] (chứ không bởi ai khác), nó mang tính cách tích cực.

2/ “Giải phóng” (giải thoát, thoát ly) gợi lên một ý tưởng tiêu cực, đó là đưa ra khỏi tình trạng ràng buộc, giam cầm, cởi mở để thoát ra (giải: mở ra, bỏ đi; phóng: mở ra, buông ra, buông thả).

Việc phân tích từ ngữ đã đưa tới hai khía cạnh trong khái niệm về tự do: tiêu cực và tích cực.

– Khía cạnh tiêu cực: tôi không bị gò bó, ràng buộc, cưỡng bách bởi một lực lượng bên ngoài.

– Khía cạnh tích cực: tôi tự ý chọn lựa, quyết định hành động.

Từ đó có sự phân biệt trong ngôn ngữ châu Âu giữa free from và free for, (đôi khi được diễn tả thành negative và positive freedom); thậm chí có người phân biệt đến ba khía cạnh:

– Freedom from được coi như khía cạnh tâm lý: không bị cưỡng bách, không bị áp lực.

– Freedom of được coi như khía cạnh chính trị xã hội: tự do được làm cái gì đó (thí dụ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do đi lại, v.v.).

 Freedom for được coi như khía cạnh luân lý: tự do là một khung cảnh để tôi thực hiện một giá trị (tự do để tin, tự do để phục vụ, v.v.).

II. Những lãnh vực của tự do

Tự do trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều môn học, và vì thế nó mang nhiều tên:

1. Tự do tâm lý

Tự do là chọn lựa, không bị áp lực (làm hay không làm? Làm cái này hay làm cái kia?). Các áp lực không chỉ do bên ngoài (ngoại tại: vũ lực), mà có thể từ bên trong (sợ hãi, mù quáng).

Chính vì những “áp lực nội tại” mà nói được rằng ta có tự do nhiều hay ít; tự do khỏi nô lệ của đam mê, dục vọng. Tự do là một tiến trình tăng trưởng.

2. Tự do luân lý (đạo đức)

Tự do luân lý giả thiết tự do tâm lý. Vấn đề được đặt ra là: tôi chịu trách nhiệm như thế nào về các hành vi của tôi?

Đâu là tiêu chuẩn đánh giá điều phải điều trái? Tôi tự định đoạt lấy tiêu chuẩn ấy, hay là tôi phải tuân theo tiêu chuẩn do Thiên Chúa đặt ra? Nói rằng tôi hành động theo lương tâm đã đủ chưa?

– Từ đó đặt ra vấn đề tương quan giữa “tự do và chân lý” (hoặc lương tâm và chân lý).

3. Tự do xã hội

Vấn đề hành sử các “quyền lợi” (và nghĩa vụ): đến mức độ nào, xã hội có thể đặt ra những giới hạn cho các hành động của tôi? (hoặc: đâu là những giới hạn của sự tự do của tôi khi sống trong xã hội?)

4. Tự do chính trị và kinh tế

Đến mức độ nào, Nhà nước có quyền can thiệp vào các hoạt động của tư nhân trong lãnh vực chính trị và kinh tế? Riêng trong lãnh vực kinh tế, câu hỏi này đã dẫn tới hai chủ nghĩa đối lập nhau: tự do (tư bản) và xã hội (cộng sản).

5. Tự do thần học

Xét trong tương quan với Thiên Chúa. Đừng kể việc tuân theo luật Chúa (thuộc lãnh vực luân lý vừa nói trên đây), thần học còn phải giải quyết những vấn đề hóc búa khác:

– Làm sao dung hòa giữa chương trình hằng cửu của Thiên Chúa với quyết định lịch sử của con người (vấn đề tiền định, quan phòng)?

– Hiểu thế nào là tự do khỏi lề luật, tội lỗi, sự chết mà Đức Kitô đã đem lại cho chúng ta, được thánh Phaolô đề cao trong thư gửi tín hữu Galát?

III. Nội dung số báo này

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một số báo, dĩ nhiên là chúng tôi chỉ có thể bàn đến một vài đề tài, tạm xếp vào ba mục:

A. Thần học giải phóng

1. Trước hết, linh mục Carlo Molari giới thiệu: Thần học giải phóng, lịch sử và phát triển. Cần lưu ý hai điều: một, có nhiều quan điểm về thần học giải phóng; hai, nó không chỉ giới hạn vào khu vực châu Mỹ Latinh. Bài này để ý cách riêng đến quan niệm thần học giải phóng của cha Gustavo Gutierrez. Sau một thời gian dài bị hiểu lầm, cha đã nhận được sử ủng hộ của Đức thánh cha Phanxicô.

B. Một vài vấn đề của tự do trong lịch sử thần học

2. Tự do trong lịch sử thần học

Bài viết của Ignacio Carrasco De Paula: Tự do, những khía cạnh thần học, đưa chúng ta rảo qua một vòng những vấn đề mà tự do đã đặt ra trong lịch sử thần học: Kinh Thánh, truyền thống, huấn quyền, cách riêng trong lãnh vực thần học tín lý và luân lý.

3. Tự do trong Kinh Thánh

Khi bàn về Khái niệm tự do trong Kinh Thánh, Jürgen Blunck phân tích sự tiến triển của quan niệm tự do trong văn hóa Hy-lạp, rồi đến Cựu Ước và Tân Ước: Tự do có nghĩa là gì? Con người được giải thoát khỏi cái gì? Làm thế nào đạt được tự do? Tự do để làm gì? Tự do có liên quan đến lãnh vực chính trị không?

4. Chủ nghĩa tự do trong các văn kiện Giáo hội

Trong tiếng Anh, bên cạnh các từ free và freedom, chúng ta còn gặp liberty, và đặc biệt là liberalism chung với nhiều ngôn ngữ Âu châu khác. Trong tư tưởng hiện đại, “chủ nghĩa tự do” có thể hiểu theo nhiều nghĩa: tôn giáo, chính trị, kinh tế. Không lạ gì mà thái độ của Giáo hội đối với chủ nghĩa tự do đã thay đổi không những theo dòng thời gian mà còn tùy theo lãnh vực. Dựa theo sự phân chia của chính các học giả Chủ nghĩa tự do, linh mục Etienne Perrot, S.J. phân tích các văn kiện xã hội của Giáo hội dưới ba chiều kích: 1/ tự do chính trị; 2/ tự do văn hóa; 3/ tự do kinh tế.

5. Thần học tự do

Thoạt tiên, hai thuật ngữ “Thần học tự do” (Liberal theology) và “Thần học giải phóng” (Liberation theology) xem ra đồng nghĩa. Nhưng đó là một sự lẫn lộn đáng tiếc. Thần học tự do ám chỉ một phong trào thần học bên Tin Lành hồi thế kỷ XIX, muốn “hiện đại hóa” thần học Kitô giáo bằng việc chấp nhận những tiền đề của triết học Khai sáng, và đã gặp nhiều chống đối ngay từ phía thần học Tin lành trong thế kỷ XX, bởi vì nó đã làm mất căn tính siêu nhiên của mặc khải.

6. Tự do theo Jurgen Habermas

Linh mục Nguyễn Đoàn Tân, O.F.M. giới thiệu “Tự do qua nhãn quan triết học xã hội phê phán của Jurgen Hebermas” thuộc trường phái Frankfurt với hậu cảnh triết học của thời Khai sáng, nhưng áp dụng vào hoàn cảnh thời nay.

C. Linh đạo tự do

Làm thế nào người Kitô hữu sống ơn gọi tự do của mình?

7. Linh đạo tự do và giải phóng

Dưới chủ đề Tự do của người tín hữu, giáo sư Giorgio Campanini tìm hiểu ý nghĩa của tự do trong Kinh Thánh, nhưng không dừng lại ở chiều kích cá nhân nội tâm mà còn mở rộng đến ảnh hưởng của nó tới thái độ đối với nhà cầm quyền trong Giáo hội và xã hội. Tác giả cho thấy hai ý tưởng “tự do” và “giải phóng” gắn liền với nhau, kể cả trước khi Thần học giải phóng ra đời.

8. Tự do và trách nhiệm

Sau cùng, giáo sư Jutta Burggraf, trong bài viết “Tự do: quà tặng và nhiệm vụ” đào sâu ý niệm tự do của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Con người thực sự được coi là tự do khi cố gắng thể hiện kế hoạch mà Thiên Chúa đã muốn dành riêng cho mỗi người, không ai giống ai.

Những bài viết khác của Thời sự thần học về Tự do tín ngưỡng

Julio L. Martinez, S.J., Từ tự do tín ngưỡng đến Thần học tự do, số 68 (tháng 5/2015), tr. 119-159.

Phan Tấn Thành, O.P., Vấn đề tự do tín ngưỡng theo dòng lịch sử, số 87 (tháng 2/2020), tr. 185-218.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

[1] Thực ra như sẽ thấy, trong tiếng Anh ngoài từ freedom, còn có từ liberty; từ này có họ hàng với liberal, liberalism.

[2] Bên Tây phương, thánh Tôma Aquino cũng định nghĩa tự do như là “nguyên nhân tự mình” (causa sui). Xc Mª Juliana Peiró Pérez -Mª Idoya Zorroza, La noción de libertad como causa sui en Tomás de Aquino in: CAURIENSIA, Vol. IX (2014) 435-449, ISSN: 1886-4945.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here