Những góc nhìn về “Niềm hy vọng Kitô giáo”

0
2906

Những góc nhìn về “Niềm hy vọng Kitô giáo”
qua “Thần học hy vọng” của Moltmann
và thông điệp Spes salvi của Đức Biển Đức XVI

Phê Ny Ngân Giang O.P.

—————–

I. Thần học hy vọng của Jurgen Moltmann

1. Bối cảnh.

a) Đâu là logos của cánh chung học Kitô giáo.

b) Cánh chung học của lời hứa và cánh chung học siêu nghiệm

2. Những ý tưởng chủ đạo.

a) Cánh chung học với mạc khải, lời hứa và lịch sử.

b) Sự phục sinh và tương lai của Đức Kitô

II. Những ý tưởng chủ đạo trong Spes salvi

1. Hy vọng – Một nhân đức hướng Chúa làm biến đổi con người.

2. Niềm hy vọng được xây dựng trên đức tin cho ta được tiền dự vào sự sống vĩnh cửu.

3. Điều chưa thể biết về đời sống vĩnh cửu.

4. Những tiến bộ của nhân loại và niềm hy vọng Kitô giáo.

5. Hy vọng Kitô giáo đỡ nâng cuộc sống.

6. Để sống một niềm hy vọng như thế.

7. Hy vọng trong sự công chính của Thiên Chúa.

III. Một vài điểm tương đồng và khác biệt giữa hai luồng tư tưởng

1. Những điểm tương đồng. a) Điểm nhấn trong chủ đề cánh chung học. b) Nền tảng Kitô học trong viễn cảnh cánh chung. c) Đời sống Kitô hữu và cuộc chiến đấu trong niềm hy vọng cánh chung.

2. Những khác biệt. a) Việc sử dụng thuật ngữ Hylạp. b) Hy vọng như là một nhân đức và hy vọng cánh chung

Kết luận

—————–

Những suy tư về niềm hy vọng dường như là vô tận. Truyền thống Kitô giáo, một cách nào đó, cũng có thể nói, là một truyền thống cưu mang niềm hy vọng trên đường hành hương. Thế nên, người ta muốn nhìn rõ hơn hình thù và vóc dáng của niềm hy vọng mang lại sự sống ấy.

“Thần học Hy vọng” của Moltmann, ra đời trong những năm 1965, không nằm ngoài mục đích phác hoạ một cách rõ ràng chân dung niềm hy vọng này trong truyền thống Kitô giáo. Tác giả đã tìm thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại, cũng là dòng lịch sử cứu độ, cho phép xâu kết những biến cố vừa là lịch sử vừa vượt trên lịch sử, đó là niềm hy vọng cánh chung được đặt nền tảng trên biến cố phục sinh của Đức Kitô. Niềm hy vọng ấy mở ra một tương lai đã được thấy trước nơi biến cố phục sinh, một biến cố vừa là lịch sử, vừa thoát khỏi lịch sử. Tương lai cánh chung, vì thế, theo Moltmann, vừa là điều đã thấy nơi Đức Kitô, vừa còn được “treo” đó nơi tương lai của Đức Kitô. Chính vì thế, hy vọng Kitô giáo cũng là niềm hy vọng hướng về tương lai của chính Đức Kitô.

Một chân dung khác của niềm hy vọng Kitô giáo cũng được phác hoạ cho chúng ta qua Spes salvi của Đức Biển Đức XVI (năm 2007). Thông điệp này có thể nói, vừa là bức tranh phong phú về những thách đố của thời hiện đại đối với việc sống niềm hy vọng Kitô giáo, vừa là những suy tư truyền thống về một đòi buộc của đức tin để sống niềm hy vọng này. Vì thế, ở đây, chúng ta sẽ bắt gặp thấy những chỉ dẫn vừa có tính mục vụ, vừa có tính “chuẩn mực” trong suy tư, xét trong sự tiến triển của toàn thể nền thần học Kitô giáo.

Phần cuối của bài viết sẽ là một chút so sánh giữa hai lối nhìn về cùng một niềm hy vọng được mỗi tín hữu cưu mang. Hẳn nhiên, sẽ có những điểm nhấn khác nhau bên cạnh những điểm gặp nhau giữa hai luồng tư tưởng này. Chúng ta cùng đón nhận và đóng góp thêm cho bức chân dung về chính niềm hy vọng của mỗi Kitô hữu.

I. Thần học hy vọng của Jürgen Moltmann

Moltmann mở đầu những trang sách của ông bằng những suy niệm về niềm hy vọng. Theo đó, cái gọi là hy vọng Kitô giáo được đặt trong niềm tin về một thực tại cánh chung mà trung tâm điểm vẫn là biến cố Giêsu Kitô. Tác giả trình bày cùng lúc nhiều vấn đề: đâu là logos của cánh chung học Kitô giáo? Có thể nói về sự phục sinh của Đức Kitô như là một biến cố lịch sử? Một tương lai của Đức Giêsu Kitô? Hiểu thế nào về niềm hy vọng Kitô giáo dưới chân trời mong đợi triều đại Nước Thiên Chúa và trong việc được sai đi?

Người ta có cảm tưởng Moltmann đã xâu kết tất cả các đề tài của ông bằng một ý tưởng xuyên suốt: hy vọng Kitô giáo không gì khác hơn là niềm hy vọng cánh chung.[1] Thế nhưng, tại sao tác giả quan niệm rằng cánh chung học là chìa khóa để hiểu được hy vọng Kitô giáo ? Chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi này qua việc tìm hiểu cách tác giả đáp trả cho những thách đố về một khuynh hướng siêu nghiệm phát xuất từ Kant, đã được Bultmann và Barth vận dụng khi quan niệm về một chủ thể tính siêu nghiệm của Thiên Chúa và của con người.

Một khi đã định hình cho con đường tiến triển của niềm hy vọng Kitô giáo, Moltmann muốn làm rõ nét thế nào là một tương lai “đã” hoàn tất nhưng vẫn đang được xây dựng, tức là vẫn “chưa” đến, xoay quanh biến cố Giêsu Kitô. Chúng ta có thể nắm bắt những điều tác giả muốn nói qua những ý tưởng chủ đạo: 1. Cánh chung học với mạc khải, lời hứa và lịch sử. 2. Sự phục sinh và tương lai của Đức Kitô. 3. Cộng đoàn được sai đi: cách chung học Kitô giáo và thế giới hôm nay.

1. Bối cảnh

a. Đâu là logos của cánh chung học Kitô giáo?

Cánh chung học với Moltmann không phải là một phương diện của Kitô giáo nhưng nó bao trùm mọi góc độ, hay có thể nói, nó “ở giữa lòng” đức tin Kitô giáo. Hơn thế, khi nói về nó, người ta sẽ không nói về một kết thúc, nhưng đúng hơn là về một sự khởi đầu. Thế nhưng, làm sao người ta có thể nói về một tương lai vẫn chưa đến và về những biến cố sẽ đến, điều mà người ta vẫn chưa hề dự phần vào đó bao giờ? Thế nên, sẽ là sai lầm khi gọi là “eschato-logie”. Bởi lẽ, thuật ngữ “logos” của Hylạp được sử dụng để chỉ về một thực tại đã có đấy rồi, một sự thật, một “doctrine” được hiểu như một sự hiểu biết được rút ra từ những trải nghiệm vốn vẫn thường xảy đến cho tất cả mọi người. Trong ý nghĩa đó, logos chẳng nói được điều gì về tương lai, trừ khi, đó là một thứ tương lai cứ trôi mãi không có điểm dừng hay đó là một sự quay lại thường xuyên với hiện tại, một dạng “luân hồi” nào đó. Hiểu như thế, tương lai mà chúng ta mong đợi sẽ là một tương lai hoàn toàn mới mẻ, một sự mới mẻ không có chút gì được tìm thấy trong cái gọi là logos ấy.[2]

Tuy nhiên, phải chăng khi nói về một tương lai trong viễn cảnh hoàn toàn mới mẻ ấy, hy vọng Kitô giáo có nguy cơ trở thành niềm hy vọng không tưởng? Sẽ là thực tế đó khi người ta tìm cách xây dựng một niềm hy vọng không cần đến lịch sử, nghĩa là mong chờ một tương lai không có chút gì là lịch sử tính. Đối với cánh chung học Kitô giáo, chúng ta tìm thấy một tương lai khác. Đó không phải là một thứ tương lai chung chung, nhưng là một tương lai khởi đi từ một thực tại lịch sử xác định. Nói khác đi, cánh chung học Kitô giáo bàn về Đức Kitô và tương lai của Người, tức là, bàn về thực tại phục sinh của Đức Kitô và loan báo tương lai của Đấng Phục Sinh. Chính việc xây dựng những khẳng định liên quan đến tương lai, trên nền tảng con người và lịch sử của Đức Giêsu Kitô, là yếu tố phân biệt tinh thần cánh chung học với mọi suy tư không tưởng khác.[3]

Dẫu vậy, kinh nghiệm đức tin về một niềm hy vọng trong viễn cảnh cánh chung Kitô giáo không phải là không có thách đố. Hiện tại và tương lai, kinh nghiệm và hy vọng tất cả đan xen lẫn nhau trong cái gọi là cánh chung ấy. Bởi lẽ, một mặt, không phải kinh nghiệm hiện tại sẽ giải đáp cho câu hỏi về tương lai vốn sẽ mang đến một sự mới mẻ hoàn toàn, nhưng mặt khác, niềm hy vọng (tương lai) lại tìm thấy lý do của nó trong chính kinh nghiệm được mang lại. Đó chính là sự mâu thuẫn của Phục sinh đối với Thập giá. Hy vọng Kitô giáo là hy vọng của sự phục sinh nhưng đồng thời niềm hy vọng ấy cũng đặt mỗi Kitô hữu trong thực tại của thập giá.

b. Cánh chung học của lời hứa và cánh chung học siêu nghiệm

Nếu không thể dùng logos của tư tưởng Hylạp để nói về niềm hy vọng Kitô giáo thì niềm hy vọng ấy có thể được nắm bắt như thế nào? Nói cách cụ thể hơn: phải chăng tương lai đã được bày tỏ cho chúng ta thấy rõ? Phải chăng thật là vô nghĩa và không tưởng để nói về một tương lai chúng ta chưa biết? Moltmann muốn móc nối ở đây viễn cảnh của một cánh chung học trong tương quan với mạc khải.

Dường như sẽ là hợp lý hơn để nói về tương lai bằng thứ ngôn ngữ của logos, tức là về một cái gì cụ thể, thật, tương ứng với dữ kiện của hiện tại vốn cho phép nối kết với điều ấy. Bằng ngược lại, phạm trù siêu nghiệm của Kant sẽ lấp chỗ cho đòi hỏi ấy. Thế mà, trong ngôn ngữ của niềm hy vọng Kitô giáo, lời hứa của một Thiên Chúa trong lịch sử Israël lại làm nên chính niềm hy vọng này. Rõ ràng, có sự đối lập mạnh mẽ giữa một Thiên Chúa của lời hứa trong một tôn giáo mạc khải với sự hình dung về một thế giới thần linh vĩnh cửu và vinh quang trong các tôn giáo “thần hiện” (épiphanie). Thiên Chúa mà Israël kinh nghiệm không phải là các thần linh mang lấy sự hiện thân vĩnh cửu nhưng là một Thiên Chúa của lời hứa được cưu mang trong lịch sử. Và hẳn nhiên, trong ý nghĩa đó, lịch sử cũng trở thành một thứ lịch sử không phải được nắm bắt trong cái hiểu của logos Hylạp nhưng là trong sự hiểu biết về niềm hy vọng.[4]

Có thể nói, Moltmann bận tâm để tìm ra câu trả lời rốt ráo cho cái gọi là “tự mạc khải của Thiên Chúa” (révélation-de-soi de Dieu) nơi Barth và “sự tỏ lộ của bản ngã đích thật” của con người (dévoilement de l’être-soi authentique) nơi Bultmann. Vấn đề nằm trong khung cảnh của một thứ cánh chung học siêu nghiệm, theo đó, qua một sự phản tỉnh (réflexion), người ta có thể trả lời cho vấn đề về tương lai và mục đích của mạc khải. Nếu như Thiên Chúa không mạc khải điều gì khác hơn là chính Người (soi-même), thì tương lai và mục đích của mạc khải hội tụ nơi chính Người. Cũng thế, nếu có sự mạc khải nào đó nhắm đến việc để con người biết lấy chính mình (l’homme-en-soi), thì theo đó, con người sẽ đạt đến mục đích không gì khác hơn là nhận biết chính tình trạng nguyên thuỷ, chính sự chân chính đích thật của nó, và vì thế cũng là chính nó. Trong cả hai trường hợp, một mạc khải như thế không cho thấy một sự khám phá về tương lai được trao ban trong lời hứa, nó cũng không là một tương lai vượt hơn chính nó. Nói khác đi, một mạc khải như thế chỉ cho thấy Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Cửu đến với con người hoặc là việc con người tìm thấy chính bản thân mình. Một mạc khải qua sự phản tỉnh về “bản ngã” siêu nghiệm đã biến cánh chung thành cánh chung học siêu nghiệm, mạc khải trở thành sự tỏ lộ điều huyền nhiệm về chủ thể tính của Thiên Chúa hoặc của con người.[5]

Đang khi đó, để hiểu về một cánh chung học của lời hứa, điều cần thiết là nhận ra trong lời hứa ấy một tương lai đang đến. Tương lai ấy không như một dữ kiện cho sẵn, đã thành toàn, một thứ vĩnh cửu nào đó phi thời gian. Mạc khải không phải là việc chuyển trao một dữ kiện hay việc bày tỏ một thứ chủ thể tính tự thân như một sự hiện hữu vĩnh cửu không cần đến tương lai. Trái lại, mạc khải của Thiên Chúa bao hàm trong đó một chiều kích của tương lai vì nó được thực hiện trong lời hứa. Biến cố Phục sinh của Đức Kitô không chuyển trao một dữ kiện có tính vĩnh cửu phi thời gian nhưng đó là biến cố của thời gian, biến cố thuộc lịch sử nhưng đã vượt trên mọi kinh nghiệm lịch sử. Qua biến cố ấy, lịch sử không bị xoá bỏ nhưng nó tiếp tục được hình thành vì nó vẫn còn một tương lai đang treo phía trước, một tương lai mà ta có thể nói đó cũng là tương lai của Đức Kitô. Vậy nên, nếu nhìn cánh chung học trong chiều kích của “bản ngã” (“soi”), dù xét như là việc tự mạc khải của chủ thể tính Thiên Chúa (trong cái nhìn của Barth), hay một thứ kinh nghiệm về chủ thể tính của con người (trong cái nhìn của Bultmann), người ta đã đánh mất cái gọi là tương lai của cánh chung học của lời hứa khi xếp qua một bên lịch sử tính của tất cả những gì có thể có cho nó một tương lai, một tương lai hoàn toàn mới mẻ trong sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.[6]

2. Những ý tưởng chủ đạo

a. Cánh chung học với mạc khải, lời hứa và lịch sử

Biến cố Phục sinh của Đức Kitô mang lấy trong đó chiều kích của mạc khải như là lời hứa được thực hiện trong dòng lịch sử, và vì thế, điều ấy cho phép nói về một tương lai đã được hứa trước và hiện vẫn đang được treo đó. Thật vậy, với sự Phục sinh, công trình của Đức Kitô vẫn chưa khép lại, vì nơi Người vẫn còn một tương lai.[7] Điều này có nghĩa là gì? Tương lai của nhân loại qua sự mạc khải của Thiên Chúa trong lời hứa hé mở điều nó sẽ là trong chính bản thân nó: trong niềm hy vọng, nó thành toàn được bản thân vì không còn bị đặt dưới sức mạnh của cái chết, nó tìm thấy sự sống nhưng còn được ẩn giấu trong tương lai của Đức Kitô, điều đã được hứa nhưng vẫn chưa tỏ hiện.

Dưới ánh sáng của một tương lai được trao ban qua lời hứa, hay nói khác đi, trong biến cố của lời hứa, thế giới này được nhìn thấy như là một lịch sử cũng có cho nó một tương lai của cánh chung “pas-encore”. Tuy nhiên, điều chúng ta nên nhớ, đó là không phải tìm cách chứng minh Thiên Chúa, qua biến cố Phục sinh của Đức Kitô như là biến cố của lời hứa, khởi đi từ thế giới hay lịch sử này, nhưng ngược lại, cần làm cho thế giới và lịch sử của nó mở ra với Thiên Chúa và với tương lai của chính nó. Như chúng ta sẽ thấy, khi nói về thế giới và lịch sử của nó cũng nằm trong chiều kích cánh chung, chúng ta sẽ phải trả lời cho câu hỏi thế nào là lịch sử được nắm bắt ở đây, và hơn hết, Phục sinh là một biến cố lịch sử chăng? Thật rõ ràng, nếu biến cố Phục sinh của Đức Kitô không tìm thấy cho nó một chiều kích của lịch sử thì quả là không tưởng để nói về một cánh chung của niềm hy vọng, vì lẽ, người ta sẽ không thể nói về tương lai nếu không thấy một khởi đầu trong quá khứ.

Thế nên, vấn đề về lịch sử tính nơi sự phục sinh của Đức Kitô cũng là vấn đề của niềm hy vọng. Làm sao có thể minh chứng cho lời rao giảng về sự phục sinh? Đâu là nền tảng của kerygma? Lời rao giảng của các tông đồ vừa là “tôi chắc chắc rằng” và cũng là “rõ ràng rằng”. Một sự khẳng định vừa là xác tín chủ quan cũng vừa nêu lên một sự kiện khách quan. Thế nên, nó không phải là việc “đức tin tự hiểu lấy chính nó” (la comprehension-de-soi de la foi) để từ đó đưa đến một hiểu biết mới. Do vậy, cần phải hiểu ý nghĩa của lời khẳng định. Nó cũng là vấn đề của việc tìm kiếm một câu trả lời từ thực tế của biến cố phục sinh.

Tìm kiếm câu trả lời từ thực tế cũng có nghĩa là xác định lịch sử tính của biến cố này. Vấn đề nảy sinh ở đây đó là phạm trù lịch sử hiện đại không thể dung nạp cách hiểu về một biến cố phi lịch sử tính. Thế nào là phạm trù lịch sử hiện đại? Câu trả lời nằm trong phương pháp tiến hành cách thế nghiên cứu một biến cố lịch sử theo nhãn quan hiện đại. Theo đó, đặc tính “qui nhân học” (anthropocentrique) đòi hỏi câu trả lời về niên đại, về một sự tương tự nào đó mà lịch sử đã từng kinh nghiệm thấy. Điều này cũng có nghĩa rằng, người ta phải có kinh nghiệm về lịch sử để hiểu lịch sử.

Biến cố phục sinh đã không nằm trong số những kinh nghiệm ấy, nó vượt trên lịch sử. Vậy phải chăng với lời giải thích “siêu lịch sử”, biến cố này có thể có được một cái nhìn coi như là lịch sử? Thần học về sự phục sinh hẳn nhiên không thể đứng ngoài lịch sử dù phải hiểu rằng biến cố này thuộc về mạc khải. Như thế, hiểu lịch sử, một mặt là hiểu những cái tương tự, giống nhau trong sự so sánh, đối chiếu các biến cố lịch sử, các biểu hiện của cuộc sống, mặt khác, nó cũng cho phép thấy được những gì nằm ngoài sự so sánh đối chiếu ấy, tức là những gì hoàn toàn mới, không giống hay tương tự với một cái nào khác đã từng xảy ra. Sự phục sinh của Đức Kitô là biến cố mới mẻ ấy, một sự mới mẻ có tính cánh chung và được mong đợi.

Điều này có nghĩa là sự phục sinh của Đức Kitô không cho thấy một khả thể trong thế giới và trong lịch sử này, nhưng biến cố ấy, thật sự tỏ lộ một khả năng mới cho thế giới, cho sự tồn tại của lịch sử. Nói khác đi, biến cố phục sinh không phải là một tiến trình có thể có được trong lịch sử nhân loại nhưng là một tiến trình thuộc về cánh chung của lịch sử thế giới.

Tóm lại, sự phục sinh của Đức Kitô là “có một không hai” trong lịch sử nhưng biến cố ấy lại được xem như “biến cố cấu thành lịch sử” vì qua đó toàn bộ lịch sử được làm sáng tỏ và được biến đổi. Vì thế, mỗi khi loan báo và tưởng nhớ trong hy vọng biến cố này là loan báo và tưởng nhớ một biến cố lịch sử được dẫn dắt trong hy vọng và đi vào tương lai của toàn bộ lịch sử vũ hoàn. Sự phục sinh của Đức Kitô vượt trên mọi phạm trù lịch sử nhưng vì sự phục sinh ấy chỉ ra con đường cho biến cố sẽ đến nên nó cấu thành nên một lịch sử  mà chúng ta sống. Tắt một lời, biến cố ấy có tính lịch sử vì nó chỉ ra một tương lai cánh chung cho nhân loại và thế giới.[8]

b. Sự phục sinh và tương lai của Đức Kitô

Bằng cách nào chúng ta có thể loan báo về Thập giá và Phục sinh, nghĩa là về lịch sử và cánh chung? Chúng ta bắt gặp ngay đây một nan đề: sự liên tục giữa cái hoàn toàn bị đứt quãng. Căn tính của Đức Giêsu chỉ có thể được hiểu trong cái nhìn về một căn tính xuyên qua chứ không phải ở ngoài Thập giá và Phục sinh. Nghĩa là Đấng được Thiên Chúa cho trỗi dậy giữa những kẻ chết cũng chính là Đấng đã bị đóng đinh, Đấng đã thật sự chết và cũng thật sự phục sinh. Kinh thánh đã làm chứng về điều này khi thuật lại những lần hiện ra của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, điều phải thấy và phải loan báo còn vượt hơn thế nữa. Thật vậy, như thánh Phaolô tông đồ đã nói trong 1 Cr 15,28, thì thật là hợp lý để nói về tương lai của Đức Kitô không chỉ như là Đấng có được mọi vinh quang và danh dự vượt trên vũ hoàn nhưng còn là Đấng sẽ đặt mọi vinh quang và danh dự ấy dưới chân Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã làm cho mọi sự phải quy phục Đức Kitô, hầu trong mọi sự vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Như thế, chúng ta nhận ra Đấng đã Phục sinh không như Đấng đã đi vào trong vĩnh cửu, trong vinh quang thiên quốc, nhưng đúng hơn, trong ánh bình minh của vinh quang Thiên Chúa, Người xuất hiện như Đấng đã được và sẽ đến. Tất cả những gì đã diễn ra nơi Người đều như một khởi đầu và như là lời hứa đảm bảo cho triều đại Thiên Chúa ngự đến trên tất cả mọi sự, như chiến thắng của sự sống thần linh đối với cái chết.

Như thế, nhìn về tương lai của Đấng Phục sinh, Moltmann nhìn thấy trong đó tương lai của công lý, của sự sống và của triều đại Thiên Chúa. Tác giả còn quyết liệt hơn nữa khi cho thấy sự khác biệt tuyệt đối giữa cuộc sáng tạo mới qua biến cố phục sinh và những gì đang diễn ra trong dòng lịch sử. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể hiểu về một thọ tạo mới, một thọ tạo được mong đợi và hy vọng chỉ trong sự hợp nhất biện chứng của thập giá và phục sinh, tức là của tất cả những gì thuộc về lịch sử và của những gì hoàn toàn là khác biệt được biết đến trong lịch sử. Như thế, chờ đợi cuộc ngự đến “parousia” của Đức Kitô trong vinh quang – và ở đây không phải là sự trở lại của Đấng đã đến và đã đi, vì chiều kích hy vọng của lịch sử vẫn còn đang tiếp diễn – tức là chờ đợi một tương lai, tương lai của toàn thể nhân loại và vũ trụ, một tương lai hoàn toàn mới mẻ mà chính Người sẽ mang đến trong việc hoàn tất những gì đã diễn ra nhưng vẫn còn chờ đợi một sự kết thúc.[9]

c. Cộng đoàn được sai đi: cánh chung học Kitô giáo và thế giới hôm nay

Một cộng đoàn Kitô hữu là một cộng đoàn được sai đi, một cộng đoàn nhận lãnh một missio từ Đức Kitô là Đấng cũng được Cha sai đi. Cộng đoàn này nhận lãnh sứ mạng đi vào thế giới và ra công làm việc, hướng đến một sự biến đổi sẽ đến. Chính vì việc sai đi này (thực hành) mà niềm hy vọng (lý thuyết) không bỏ mất hiện tại nhưng là công việc của hiện tại. Thế nên, có thể nói, sai đi cũng là một trong những đặc tính của cánh chung học nền tảng.

Tuy nhiên, phải hiểu thế nào về ý tưởng một “Hội thánh vì/cho thế giới” hàm chứa trong ý nghĩa được sai đi? Các Kitô hữu không đi vào thế giới để phục vụ nhân loại hầu thế giới này cứ giữ mãi bộ mặt vốn có của nó, nhưng là để cho nó thay đổi và trở nên điều đã được hứa cho nó. Vì vậy, “Hội thánh vì/cho thế giới” không gì khác hơn là một “Hội thánh vì/cho triều đại Nước Thiên Chúa”. Nói khác đi, sứ vụ mà Kitô hữu nhận lãnh khi đi vào thế giới không gì khác hơn là đưa nó đi vào chân trời của sự mong chờ của niềm hy vọng.

Một cách thực tế, niềm hy vọng cánh chung Kitô giáo sẽ không dừng lại với sự chờ đợi nhưng được nhào nặn trong tất cả mọi phương diện của lịch sử xã hội nhân loại, nơi đó, đức tin và niềm hy vọng chạm đến những thực tại của cuộc sống. Chúng ta muốn nói ở đây kinh nghiệm về một xã hội bị xé toạc: một bên là thế giới của kỹ nghệ và đồ vật hoá, bên kia là thế giới của cá biệt tính hay chủ thể tính. Thật thế, việc tìm kiếm một Đấng Tuyệt Đối chỉ còn được nhìn trong khía cạnh chủ thể tính. Kitô giáo cũng chỉ là một hình thức thờ phượng tư riêng giữa bao hình thức khác, thậm chí, bị coi như là hình thức của một thứ thờ phượng một thể chế nào đó. Theo đó, luân lý cũng bị giản lược thành yêu sách mang tính đạo đức thuộc về cá nhân và vì thế, nó không thể có chỗ trong những suy tư về pháp luật, trật tự xã hội và một nền chính trị công bình.

Trong công trường thế giới ngổn ngang với bao thay đổi, cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi lên đường trong một cuộc xuất hành mới. Nơi đây, họ được uỷ thác cho sứ vụ trong vai trò xếp đặt lại những cái gọi là chủ thể tính hay tương quan liên vị giữa các chủ thể tính hay có thể là tìm kiếm một thể chế nào đó. Tất cả được nhìn trong viễn cảnh của sự mong chờ triều đại Thiên Chúa ngự đến. Điều đó cũng có nghĩa là, dưới nhãn quan của một niềm hy vọng mang tính sáng tạo, họ ra công cho sự biến đổi của thế giới đến hết mức có thể được.[10]

II. Những ý tưởng chủ đạo trong Spes salvi[11]

1. Hy vọng – Một nhân đức hướng Chúa làm biến đổi con người

Ý tưởng trong Rm 8,24 cũng là tiêu đề của thông điệp này: chúng ta được cứu rỗi trong niềm hy vọng. Thật ra, trong tư tưởng của thánh Phaolô, cả ba nhân đức đều là các chiều kích thiết yêu trong đời sống Kitô hữu. Bởi thế, cả ba nhân đức hỗ tương cho nhau, và khi nói đến một nhân đức, cũng là nói đến hai nhân đức còn lại. Nhưng, khi nói về đức hy vọng thì phải hiểu thế nào về hy vọng này? Người ta không thể chỉ nói về một “espoir” nhưng phải nói về một “espérance”. Chính trong “espérence” vào một Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, chứ không phải bất kỳ thần nào khác, mà một niềm hy vọng như thế được đảm bảo (số 6).

Đi xa hơn, thông điệp cho thấy, một khi đón nhận niềm hy vọng này vào trong tất cả những gì đang diễn ra nơi cuộc sống nhân loại, chúng ta hẳn sẽ được biến đổi, bởi một cuộc sống với Thiên Chúa thì không thể là một với việc từ chối Người. Vậy điều gì được coi như là dấu hiệu của sự biến đổi này? Nhân loại sẽ như những chi thể của một Hội thánh duy nhất là thân thể Đức Kitô. Nơi đó, họ trở nên anh chị em bạn hữu với nhau. Nơi đó, trong niềm hy vọng, chúng ta được thấy trước điều chúng ta mong đợi (số 2-4).[12]

2. Niềm hy vọng được xây dựng trên đức tin cho ta được tiền dự vào sự sống vĩnh cửu

Hr 11,1 đã định nghĩa: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Ở đây, Đức Biển Đức XVI thay vì dừng lại ở từ “bằng chứng” (elenchos), người lại muốn chú giải từ “bảo đảm” (hypostase) như là một trong những từ khoá quan trọng, bằng cách tham chiếu đến những giải thích của thánh Thomas về hạn từ này. Hypostase trong tiếng Hylạp tương đương với substantia trong tiếng Latinh cho thấy có một khởi đầu được nói đến ở đây, tức là, qua đức tin, một sự tiền dự vào cuộc sống vĩnh cửu đã được thực hiện trong chúng ta.

Thế nên có thể nói, nền tảng của niềm hy vọng chính là đức tin. Đức tin như thế đã mang lại cho chúng ta ngay bây giờ một phần của thực tại mà chúng ta đang mong đợi (số 7). Thế nên, chúng ta đừng quên và cũng vui lòng chấp nhận bị tước bỏ khỏi những hyparchonta, những thứ được kể như là “substance” của thế giới này, những gì được xem như đảm bảo cho nền tảng của cuộc sống tại thế này. Vì lẽ, chúng ta đã tìm thấy cho mình một “substance” tốt hơn, một thứ vĩnh cửu trường tồn so với những gì chóng qua mau hết. Bởi vậy, có thể nói, đức tin đã mang lại cho cuộc sống một nền tảng mới mẻ, hầu trên đó con người xây dựng tương lai của mình không theo cách thế mà thế giới này coi là bảo đảm đang khi nó chỉ là thứ yếu (số 8).[13]

3. Điều chưa thể biết về đời sống vĩnh cửu

Chúng ta có thể nói gì về đời sống mai hậu? Hẳn vì chúng ta không nói về một cuộc sống cứ kéo dài mãi, không có kết thúc, tựa như một sự tiếp nối không có điểm dừng của hiện tại, nhưng về một đời sống sẽ đến trong niềm vui của sự hiệp thông vào đời sống thần linh của Thiên Chúa. Nhưng dẫu cho thế, nó sẽ là như thế nào, vẫn còn là điều được ẩn giấu đối chúng ta (số 12), vẫn còn là điều chưa biết (số 13) vẫn được giữ lại trong niềm hy vọng về một thực tại mới mẻ.[14]

4. Những tiến bộ của nhân loại và niềm hy vọng Ktô giáo

Hy vọng Kitô giáo không phải là một thứ chủ nghĩa cá nhân. Ngược lại, ơn cứu độ là thực tại của một cộng đoàn được xem như đã thoát khỏi sự giam hãm của “cái tôi” (số 14-15). Thế nên, chúng ta được mời gọi, trong trách nhiệm của mỗi người, một sự dấn thân xây dựng thế giới ngày càng công bằng hơn. Đó cũng là tìm cách trả lời cho một thế giới hiện đại bị nhào nặn bởi não trạng của tiến bộ và kỹ thuật nên chỉ còn thấy có mỗi một khả năng để xây dựng thế giới bằng cánh thống trị công trình sáng tạo qua sự hiểu biết của mình và không còn cần đến một đức tin vào Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Nói khác đi, người ta không thấy đức tin có vai trò nào trong việc có cho mình một thiên đàng hạ giới. Đơn giản là con người có được nó bằng sức mạnh của tiến bộ. Đức tin giờ đây được xếp vào một thực tại khác, một thế giới khác (số 16-17).

Cùng với cuộc cách mạng Pháp và ánh sáng của nền triết học hiện đại, con người càng tự tin hơn nữa trong việc tự xây dựng cho mình một thế giới hoàn hảo, một cộng đoàn nhân loại hoàn hảo (số1-19). Tuy thế, một thế giới công nghiệp hoá đã thật sự sinh ra nhiều vần đề. Sự căng thẳng giữa các cấu trúc xã hội mà một bên là vô sản còn bên kia là tư bản đã thật sự mở màn cho cuộc cách mạng vô sản. Và có thể nói, cũng từ đây, người ta nhận thấy, những tiến bộ không chỉ đơn thuần đến qua sự hiểu biết nhưng còn qua con đường chính trị (số 20). Nhưng cũng vì thế, người ta càng thấy rõ hơn những sai lầm trong một mong muốn chính trị hầu đạt đến một thế giới như ý muốn.

Thật thế, Marx đã sai lầm khi nghĩ rằng một thay đổi trong cấu trúc của nền kinh tế sẽ cho phép đạt tới một thế giới mới nhưng lại quên rằng, con người không đơn thuần là sản phẩm của các điều kiện về kinh tế và cũng không đơn thuần là chỉ được chữa lành bên ngoài. Như thế, một sự hàm hồ trong ý nghĩa của sự tiến bộ đã trở nên hiển nhiên, và nó còn hiển nhiên hơn nữa với sự phát triển của vũ khí nguyên tử: một sự huỷ diệt hàng loạt đồng nghĩa với tiến bộ chăng (số 21-22)?

Tất cả những phân tích này cho thấy rằng tiến bộ và lý trí nhân loại thật sự cần đến sức mạnh cứu độ của đức tin hầu nó có thể biết biện phân giữa tốt và xấu. Nói khác đi, con người cần đến Thiên Chúa, bằng ngược lại, nơi nó sẽ không niềm hy vọng nào cả (số 23).[15]

5. Hy vọng Kitô giáo đỡ nâng cuộc sống

Làm sao chúng ta có thể quan niệm về một niềm hy vọng mang tính cá nhân? Đức Biển Đức cho thấy Kitô giáo khi đối diện với sự thành công của khoa học trong một cấu trúc tiến bộ của thế giới, nó cũng đã không nhận thấy cho đủ sứ vụ to lớn của mình bởi những gì đã giới hạn chân trời của niềm hy vọng nơi nó. Nó cũng đã chỉ mới dừng lại ở cá nhân và ơn cứu độ cá thể, đang khi con người không đơn thuần chỉ được cứu chuộc từ bên ngoài. Nói khác đi, các Kitô hữu cũng bị lây nhiễm bởi hệ tư tưởng của sự tiến bộ. Nói như thế không có nghĩa là kết án sự tiến bộ nhưng cần thấy rõ những giới hạn của nó. Đã hẳn tiến bộ sẽ mang lại cho nhân loại một thế giới của ngày mai, nhưng dầu thế, nó vẫn không là thế giới mà niềm hy vọng Kitô giáo mong muốn đạt đến, vì tự bản chất, thế giới ấy vẫn bất toàn. Thế nên phải nói rằng, không phải khoa học sẽ cứu chuộc con người nhưng con người sẽ được cứu chuộc bởi tình yêu. Và quả thật, điều ấy cũng nằm trong kinh nghiệm nhân loại: tình yêu mang lại ý nghĩa cho hiện hữu.

Tuy nhiên, trên bình diện nhân sinh, tình yêu luôn luôn mỏng giòn và tạm bợ. Bởi thế, “nhân loại cần một tình yêu vô điều kiện”. Một hy vọng như thế chỉ có thể được gặp thấy nới Đức Giêsu Kitô: “Đấng không chết, Người là chính Sự Sống và là Tình Yêu”. Trong niềm hy vọng ấy, không ai bị bỏ quên và đó không bao giờ là thứ hy vọng của chủ nghĩa cá nhân. Trái lại, đó là niềm hy vọng đưa chúng ta đến việc làm vui lòng người khác, vì trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng ấy cũng hàm chứa cho chúng ta tất cả những gì mang lại cho cách thế hiện hữu riêng của chúng ta trong sự hiện hữu “pour tous” của chính Đức Giêsu Kitô (số 25-31).[16]

6. Để sống một niềm hy vọng như thế

Chúng ta đang đi đến việc tìm cho niềm hy vọng này một “đất sống”, tức là đưa nó đi vào trong chính cuộc sống thực hành. Ở đây, Đức Giáo hoàng mời gọi thực thi niềm hy vọng ấy qua lời cầu nguyện. Chiều kích cộng đoàn của niềm hy vọng sẽ vươn dài trong lời cầu nguyện (số 32-33). Kế đến, người ta không thể nói về một niềm hy vọng không có hành động. Tất cả những gì được làm trong sự chính trực và ngay thẳng đều là đang hành động trong hy vọng (số 35). Bên cạnh đó, người ta cũng thấy niềm hy vọng được thực thi ngay trong những đau khổ. Đau khổ có thể làm cho ta lớn lên.

Dẫu vậy, đó vẫn không là câu trả lời sau cùng của Kitô giáo. Bởi trong cái chết đầy đau khổ của Đức Giêsu và trong sự phục sinh, Người đã mở ra một tương lai vốn trước đó không có tương lai. Nơi Người, chúng ta nhìn thấy « compassion » của Thiên Chúa với mỗi hữu thể nhân linh. Đó cũng là bài học dạy cho mỗi người trong sự sẻ chia đau khổ với đồng loại. Chúng ta không chịu khuất phục trong đau khổ nhưng hiện diện cùng đồng loại trong đau khổ của họ để làm hé lộ ánh sáng của tình yêu (số 36-38). Đi xa hơn chút nữa, chúng ta có thể nói đến việc chịu đau khổ vì chân lý. Một khả năng đón nhận đau khổ như thế tuỳ thuộc vào niềm hy vọng mà chúng ta có, và cũng chỉ trên niêm hy vọng ấy, chúng ta mới có thể đặt hết niềm tin tưởng (số 39).[17]

7. Hy vọng trong sự công chính của Thiên Chúa

Câu hỏi về sự dữ và những bất công trong thế giới vừa là câu hỏi không có lời giải đáp, vừa là một cản trở gần như không vượt qua được đối với một số người về sự hiện diện của một Thiên Chúa toàn năng. Và quả thực, cũng sẽ không có gì là công chính nếu không có sự phục sinh của Đấng Đã Chết. Tuy nhiên, điều chúng ta phải đối diện như là một hệ quả của việc chống lại một thế giới đau khổ và bất công là việc con người muốn có một sự công chính riêng của chính mình. Nói khác đi, thế giới của tiến bộ muốn cho thấy sẽ không có niềm hy vọng nào trong sự phán xét sau cùng vì con người là thẩm phán cho chính mình. Nhưng dẫu vậy, không ai đã có thể trả lời cho vấn đề về đau khổ, sữ dữ và sự bất công mà không nhìn thấy trong đó niềm hy vọng của sự phục sinh của những kẻ chết (số 42). Thế nên, chính Thiên Chúa sẽ nắm quyền xét xử và Người sẽ không bỏ qua trách nhiệm của chúng ta. Niềm tin trong sự phán xét này sẽ không là gì khác hơn là niềm hy vọng, bởi Thiên Chúa vừa là Đấng công chính vừa là Đấng giàu ân sủng (số 44).[18]

III. Một vài điểm tương đồng và khác biệt giữa hai luồng tư tưởng

1. Những điểm tương đồng

a. Điểm nhấn trong chủ đề cánh chung học

Cả hai tác giả, Moltmann cũng như Đức Biển Đức XVI, đều cho thấy chìa khoá để giải quyết những vần đề của hiện tại không gì khác hơn là có cái nhìn quy chiều về thực tại cánh chung. Trong Spes salvi, chúng ta bắt gặp thấy mối bận tâm trong việc đặt lại nền tảng cho những tiến bộ của nhân loại. Không phải với những tiến bộ của mình mà con người có thể hy vọng tạo ra một thế giới mới, và thực tế đã chứng mình điều đó, với những mâu thuẫn ngay trong những gì gọi là tiến bộ của nhân loại. Một sự tiến bộ sẽ được gọi là vững bền nếu nó được đặt nền tảng trên việc kiếm tìm một thực tại vĩnh cửu, một thực tại đã được hứa cho nhân loại và thực tại ấy đang đến.

Cũng thế, về phía Moltmann, tác giả này cho thấy tương lai của đời sống Kitô hữu không phải là một thực tại không tưởng. Nhưng tương lai ấy đã bắt đầu, đã hoàn tất trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, dẫu vậy, nó vẫn còn được treo đó, vì lịch sử vẫn đang được viết tiếp và tương lai ấy chưa hoàn toàn hoàn tất.[19]

b. Nền tảng Kitô học trong viễn cảnh cánh chung

Spes salvi cho thấy thực tại của vương quốc Thiên Chúa cũng chính là thực tại của vương quốc Đức Kitô. Nói khác đi, những gì loan báo về Đức Giêsu Kitô cũng chính là về vương quốc của Thiên Chúa. Theo đó, đời sống Kitô hữu được mời gọi quy hướng về một thực tại duy nhất là chính Đức Giêsu Kitô.

Về phần Moltmann, tác giả này cho thấy Kitô học còn là trung tâm của toàn bộ thần học Kitô giáo. Đức Kitô chính là trung tâm của vương quốc Thiên Chúa, và việc mong chờ được mang lấy trong lời hứa về vương quốc ấy. Tất cả được gói ghém trong chân trời tương lai của cánh chung trên tất cả vũ hoàn.[20]

c. Đời sống Kitô hữu và cuộc chiến đấu trong niềm hy vọng cánh chung

Cả hai tác giả đều cho thấy đời sống Kitô hữu được đặt trong mối căng thẳng của sự mong chờ trời mới đất mới. Sở dĩ như thế vì chắc chắn, trong cái nhìn của đức tin, Kitô hữu biết rằng thế giới này sẽ qua đi và tương lai mở ra cho một thế giới mới sẽ đến. Cần có một sự “thai nghén” trong lo âu, bồn chồn, chờ đợi, vì chắc chắc rằng, sau đó, sẽ là sự hạ sinh của một hữu thể mới cho thế giới. Song song đó, sự căng thẳng ấy còn đến từ một lời sai đi vào thế giới với nhiệm vụ biến đổi nó trong viễn cảnh về một niềm hy vọng cánh chung mà Kitô hữu cưu mang. Về điểm này, Đức Biển Đức cho thấy, những chính sách xã hội và chính trị muốn được coi là hữu hiệu, không thể chỉ là những đường hướng xoa dịu hay “bên ngoài”, vì lẽ nhân loại chỉ có thể được cứu bởi một sự hoán cải “bên trong”. Đây cũng là điểm nhắm chống lại những thứ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật muốn tìm kiếm một sự cứu độ trong tầm tay và bằng sức mạnh của thế giới này.[21]

2. Những khác biệt

a. Việc sử dụng thuật ngữ Hylạp

Đối với Moltmann, như chúng ta đã thấy, thuật ngữ logos của Hylạp không tìm thấy chỗ đứng của nó trong viễn cảnh cánh chung. Tác giả đã không để cho thuật ngữ này làm mất đi ý nghĩa căn cốt nhất của niềm hy vọng như là lời hứa đã được chính Thiên Chúa mạc khải. Người ta sẽ không thể hiểu về mạc khải là gì nếu không hiểu nó trong cái nhìn của lời hứa. Người ta có nguy cơ lạc hướng khi nhìn về cánh chung khi không nhận ra lịch sử vẫn đang được viết tiếp, một thực tại cánh chung vẫn chưa kết thúc nhưng đang được treo đó. Tất cả những ý nghĩa đó hoàn toàn không có trong cái hiểu về một logos, về một thứ thực tại vĩnh cửu đã hiển lộ ra đấy, một thực tại ít nhiều người lại có thể hiểu nó như những gì có thể được kinh nghiệm phần nào.

Đang khi đó, Đức Biển Đức lại không ngần ngại khi dựa trên những thuật ngữ này. Một mặt, không thể chối cãi rằng Tân Ước được biên soạn trong bầu khí Hylạp hoá, và vì thế, cũng có thể nói, để hiểu Kinh thánh cần hiểu bối cảnh, văn hoá cùng tư tưởng Hylạp. Mặt khác, vì hiểu một tư tưởng cũng có nghĩa là hiểu sự tiến triển của nó từ tận cội nguồn, điều này đã được truyền thống triết học và thần học kinh viện áp dụng như là phương thế hiệu quả để hiểu về thực tại của tất cả những gì đã xảy ra. Thế nên, thật không có lý do gì hiển nhiên để từ chối điều này.[22]

b. Những cái nhìn về niềm hy vọng trong đức tin

Moltmann đã đặt cái nhìn của đức tin trong viễn cảnh về « tương lai » của Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng định và đã phục sinh. Đang khi đó, Đức Biển Đức, vẫn trong cái nhìn truyền thống, xem đức tin tiên vàn như ân ban nhưng không từ Thiên Chúa. Và khi tuyên xưng đức tin, mỗi Kitô hữu tự đặt chủ thể « tôi » của mình trong một Hội thánh và điều đó cho phép nó có được chiều kích vượt thời gian. Tương lai tự nó không đủ để mang lại một sức bật từ bên trong, đang khi đó yêu sách của một đời sống vĩnh cửu không tách rời việc đòi hỏi một nghĩa vụ luân lý.

Điều này cũng có nghĩa là nếu đức tin được nhìn trong sự sáp nhập chủ động vào trong cấu trúc của tương lai như Moltmann đã muốn thế, thì đức tin ấy có nguy cơ mất đi chiều kích nội tại, bởi vì nếu viễn tượng tương lai về một trời mới đất mới không còn, phải chăng người ta cũng chẳng còn có một đòi hỏi nội tâm hay một trách nhiệm cộng đồng nào hay sao ?[23] Để đáp lại, chúng ta cũng thấy, Moltmann cho rằng, định nghĩa « Đức tin là niềm hy vọng » ngay sau phần dẫn nhập của Spes salvi dường như cũng đánh mất đi cái gọi là niềm hy vọng Kitô giáo. Vì lẽ, với cách định nghĩa đó, ta có thể nói : niềm hy vọng đồng nghĩa với đức tin, và vì thế, những gì là đặc tính riêng biệt của đức hy vọng đều bị xoá đi.[24]

c. Hy vọng như là một nhân đức và hy vọng cánh chung

Moltmann đã trải rộng niềm hy vọng Kitô giáo về phía chân trời tương lai của Đức Kitô, và dường như điều này đã đưa đến một phê bình rằng ông đã quên mất chính hiện tại vĩnh cửu của Đức Kitô. Tuy thế, Moltmann vẫn cho rằng, phương diện tương lai của cánh chung luôn tìm thấy ở đó một điểm nhấn đối với phương diện hiện tại.

Đang khi đó, trong cái nhìn của Đức Biển Đức, hy vọng như là nhân đức thì khác với niềm hy vọng hướng về cánh chung trong sự cẳng thẳng chờ đợi. Đây là điều cần phân biệt mà dường như trong cách hiểu của Moltmann nó lại không hoàn toàn như vậy. Không phải chỉ có tương lai với đặc tính căng thẳng của nó là tất cả những gì mà niềm hy vọng Kitô giáo mang lại. Nhưng cần biết rằng Giáo hội dựa trên nền tảng Kinh thánh không trao tặng cho nhân loại một thứ hy vọng ngắn ngủi nhưng là niềm hy vọng của một đời sống vĩnh cửu vừa hiển hiện trong hiện tại nhưng cũng vừa là trong tương lai đang đến.[25]

Kết luận

Nhìn chung, niềm hy vọng Kitô giáo không đứng một mình, nó không tự đủ chính mình, nếu không được cắm rễ trong niềm tin vào biến cố tử nạn và phục sinh. Nói khác đi, được xây dựng trên đức tin, niềm hy vọng tìm thấy cho nó một sức bật bên trong chứ không phải chỉ là một thứ hy vọng bâng quơ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng là thiếu xót nếu không nhìn thấy chiều kích vươn xa của niềm hy vọng này. Một cái nhìn về tương lai của Đức Kitô, theo kiểu nói của Moltmann, có thể cho ta thấy được điều gì sẽ lôi kéo niềm hy vọng ấy không ngừng vươn tới hầu đạt đến một tương lai hoàn toàn mới mẻ đang chờ đón phía trước.

Biến cố Đức Giêsu Kitô, vừa là biến cố của đức tin vừa là biến cố của niềm hy vọng. Thế nên, Đức Biển Đức XVI cũng thật có lý khi cho rằng nếu xem niềm hy vọng là điều gì ôm trọn biến cố tử nạn và phục sinh này thì dường như chúng ta chỉ mới dừng lại ở cái nhìn phiếm diện. Nhưng chỉ với cái nhìn của hy vọng trong đức tin, niềm hy vọng ấy mới tìm thấy cho nó trọn vẹn nội dung và một hướng đích. Nói khác đi, hy vọng Kitô giáo là hy vọng vào tương lai đang tới của Đức Kitô. Tương lai ấy đã được mở ra cho ta thấy trong biến cố phục sinh. Tương lai ấy sẽ vẫn còn tiếp tục được thành toàn vì nó vẫn còn đang được mong đợi, vẫn còn đang được chờ đó trong hy vọng cánh chung.

—————–

Tài liệu tham khảo

 I. Những bản văn chính

Benoît XVI. Sauvé dans l’espérance. Paris : Cerf, 2007.

Moltmann, Jürgen. “Théologie de l’espérance”. Traductions de l’allemand par Françoise et Jean-Pierre Thérenaz. Paris : Cerf-Mame, 1970.

_______________. “Théologie de l’espérance – II Débats” traduit de l’allemand par Sr G.-M. Charlier et J.-P Thérenaz. Paris : Cerf-Mame, 1973.

II. Tham khảo

Ballester, Martín Gelabert. Una recepción teológica de la Spe Salvi. Espacio Laical : 1/2012 (truy cập http://www.espaciolaical.org/contens/29/1015.pdf)

Denis, Francis. La tension eschatologique dans la vie spirituelle chrétienne dans l’encyclique Spe Salvi de Benoît XVIMémoire de Maîtrise en théologie. Québec, Canada : Université Laval, 2013.

Murphy, Joseph. Invitation à la joie – Essai sur la théologie de Joseph Ratzinger. Traduction de l’anglais par l’auteur. Perpignan : Edition Artège, 2010.

Nichols, Aidan. La Pensée de Benoît XVI. Introduction à la pensée de Joseph Ratzinger. Genève : Ad Solem, 2008.

Ratzinger, J. La mort et l’au-delà. Paris : Fayard, 1994.

—————–

[1] Jürgen Moltmann, “Théologie de l’espérance – II Débats” traduit de l’allemand par Sr G.-M. Charlier et J.-P Thérenaz (Paris : Cerf-Mame, 1973), 29-30.

[2] Jürgen Moltmann, “Théologie de l’espérance” traduction de l’allemand par Françoise et Jean-Pierre Thérenaz (Paris : Cerf-Mame, 1970), 12-15.

[3] Ibid.

[4] Ibid., 40-44.

[5] Ibid., 44-46: Cánh chung học siêu nghiệm của Kant đơn thuần từ chối việc có thể có được hiểu biết nào đó về những sự sau cùng, bởi đó là những đối tượng hoàn toàn nằm ngoài chân trời hiểu biết của chúng ta. Bằng ngược lại, lý trí thực tiễn lại cho thấy có thể mặc cho những hiểu biết ấy một ý nghĩa luân lý. Nghĩa là trong chân trời của đạo đức và luân lý, lý trí có thể tự tạo lấy cho nó trong một thứ trực giác thực hành, những nguyên tắc luân lý, những cái được xem là tương ứng với những sự sau cùng này. Hệ quả của cánh chung học siêu nghiệm là một khi loại bỏ mọi đặc tính cánh chung của niềm hy vọng, người ta hoàn toàn có thể lý trí hoá thực tại, trong mọi kinh nghiệm có thể có được, một thực tại hiển lộ với lý trí thuần tuý và được nó tri nhận. Nói khác đi, những sự sau cùng trong cái nhìn của Kant được trình bày trong điều kiện siêu nghiệm vĩnh cửu, tức là trong khả năng có thể có được những kinh nghiệm tự thân dưới cái nhìn thực tiễn.

[6] Ibid., 50-72.

[7] Karl Barth, Dogmatique, t. IV, 3, all. p. 377-378, 385 (trích lại cước chú).

[8] Phần này được Moltmann trình bày trong các chương I, II và IV. Ibid., 89, 102-104, 256.

[9] Ibid., 185-197, 211-217.

[10] Ibid., 327-341, 355-365.

[11] Bản văn thông điệp được sử dụng : Benoît XVI, Sauvé dans l’espérance (Paris : Cerf, 2007).

[12] Martín Gelabert Ballester, Una recepción teológica de la Spe Salvi, Espacio Laical : 1/2012 (truy cập http://www.espaciolaical.org/contens/29/1015.pdf)

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] Ibid.

[16] Ibid.

[17] Ibid.

[18] Ibid.

[19] Francis Denis, La tension eschatologique dans la vie spirituelle chrétienne dans l’encyclique Spe Salvi de Benoît XVIMémoire de Maîtrise en théologie (Québec, Canada : Université Laval, 2013), 130-31.

[20] Jürgen Moltmann, Théologie de l’espérance, op. cit., 240.

[21] Francis Denis, op. cit.

[22] J. Ratzinger, La mort et l’au-delà (Paris : Fayard, 1994), 33-34.

[23] Joseph Murphy, Invitation à la joie – Essai sur la théologie de Joseph Ratzinger, traduction de l’anglais par l’auteur (Perpignan : Edition Artège, 2010), 89-97.

[24] Jürgen Moltmann, Horizons of hope: a critique of ‘Spe salvi’, trad. de l’allemand par Sean Hayden, Gerald Liu Sean, Christian Century125, no 10, 20 Mai 2008. trad. de l’anglais libre : « “Faith is hope” is the first heading following the introduction and is the encyclical’s primary expression of confidence. What is meant, however, is actually the reverse. “Hope is synonymous with faith.” With this formulation, the distinctive character of Christian hope falls away. », 31(trích lại cước chú).

[25] Aidan Nichols, La Pensée de Benoît XVI. Introduction à la pensée de Joseph Ratzinger (Genève : Ad Solem, 2008), 205.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here