Chúa Nhật XXI – Năm B – Thường Niên

0
443

LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IGs 24,1-2, 15-17  
1 Ông Giô-suê quy tụ ở Si-khem mọi chi tộc Ít-ra-en và triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa. 2 Ông Giô-suê nói với toàn dân: “ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Te-rác là cha của Áp-ra-ham và của Na-kho, đã phụng thờ các thần khác. 15 Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA.” 16 Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần khác! 17 Vì chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.

2/ Bài đọc IIEp 5,21-32  
21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. 22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. 24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; 26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, 27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. 28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. 29 Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, 30 vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. 31 Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. 32 Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Ki-tô và Hội Thánh.

3/ Phúc ÂmGa 6,60-69
60 Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”61 Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 63 Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. 64 Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. 65 Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” 66 Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.

67 Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”

68 Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. 69 Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết làm các quyết định khôn ngoan trong cuộc đời.

             Con người phải thường xuyên làm rất nhiều quyết định trong cuộc đời: có những quyết định không quan trọng cho lắm như ăn gì, uống gì, mặc gì; nhưng cũng có những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cả cuộc đời như chọn nghề nghiệp, chọn người để kết hôn, chọn tôn giáo để tin. Khi con người làm quyết định, con người phải chịu trách nhiệm và lãnh nhận mọi hậu quả sẽ xảy ra; vì thế, con người phải biết quyết định cách khôn ngoan. Để biết quyết định cách khôn ngoan, con người cần học hỏi và suy xét để biết trước những hậu quả có thể xảy ra.

            Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người phải quyết định cách khôn ngoan. Trong Bài Đọc I, Thủ Lãnh Joshua triệu tập đại hội tại Shechem, để buộc con cái Israel phải biết quyết định dứt khoát: thờ phượng một Thiên Chúa hay thờ phượng các thần ngoại bang. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa ra hình ảnh lý tưởng của sự kết hiệp giữa Đức Kitô và Hội Thánh để làm gương cho vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời. Để có thể trung thành suốt đời, vợ cần phải vâng lời chồng, và chồng cần phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể của mình. Trong Phúc Âm, sau khi đã làm hai phép lạ cả thể, dạy dỗ và mặc khải cho dân chúng về mầu nhiệm Thánh Thể, có hai phản ứng trái ngược nhau xảy ra: Một số các môn đệ chọn bỏ Chúa Giêsu vì không thể chấp nhận “ăn thịt và uống máu” Ngài để được sống. Nhưng Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai chọn ở lại và tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi chọn phụng thờ Đức Chúa.

1.1/ Anh em có quyền lựa chọn thần nào thích để thờ: Sau khi đã dẹp tan các dân bản xứ và định cư con cái Israel trong Đất Hứa, ông Joshua biết mình đã hoàn tất nhiệm vụ Chúa trao và sẵn sàng về  yên nghỉ với cha ông; nên ông truyền quy tụ ở Shechem mọi chi tộc Israel, tất cả các kỳ mục của Israel, các thủ lãnh, thẩm phán và ký lục. Họ đứng trước nhan Thiên Chúa.

            Rồi ông Joshua nói với toàn dân: “Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: “Thuở xưa, khi còn ở bên kia Sông Cả, cha ông các ngươi, cho đến Terah là cha của Abraham và của Nahor, đã phụng thờ các thần khác. Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Amorites mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa.”

1.2/ Chúng tôi chọn thờ Đức Chúa: Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.”

2/ Bài đọc II: Trung thành trong ơn gọi gia đình.

            Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, cả hai vợ chồng đều phải quyết định làm những gì cần thiết; một người quyết định không đủ để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thánh Phaolô dùng một mối liên hệ bao quát và thâm sâu hơn để diễn tả mối liên hệ vợ chồng.

2.1/ Bổn phận của người vợ: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.” Mục đích của sự vâng lời là cho sự hiệp nhất trong gia đình và Giáo Hội. Nếu thân xác con người không thể có hai đầu, gia đình và Giáo Hội cũng không thể có hai nhà lãnh đạo hay hai Chúa.

2.2/ Bổn phận của người chồng: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.” Ba điều Đức Kitô làm để tỏ tình yêu thương với Hội Thánh:

            (1) Hiến mình vì Hội Thánh: Không có tình yêu nào thâm sâu và cao quí cho bằng tình của người sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người yêu. Đức Kitô hiến mình chuộc tội để Hội Thánh khỏi phải chết và được sống.

            (2) Thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống: Vì muốn có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền; Đức Kitô đã dùng nước để rửa Hội Thánh sạch mọi tội, dùng Lời để chỉ dẫn điều hay lẽ phải, và dùng ơn thánh qua các Bí-tích để thánh hóa mọi phần tử của Hội Thánh.

            (3) Nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh: như chăm sóc thân thể của chính mình: Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.

3/ Phúc Âm: Lời dạy của Đức Kitô về Thánh Thể dẫn tới hai quyết định trái ngược nhau.

3.1/ Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa: Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”

            Tại sao các môn đệ không tin, rút lui, và không còn đi theo Chúa nữa?

            (1) Họ không nhận ra Chúa Giêsu là ai: Nếu họ nhận ra, họ đã không bỏ đi. Họ không nghĩ Chúa Giêsu là giải pháp độc nhất cho cuộc đời của họ. Chúa Giêsu nhận ra đây là sứ vụ quan trọng nhất trong sứ vụ của Ngài, nên Ngài làm mọi sự có thể để khơi dậy niềm tin nơi con người.

            (2) Họ không hiểu các mặc khải và những lời dạy dỗ khôn ngoan của Chúa Giêsu: Trước tiên, họ không hiểu về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Thứ đến, họ không hiểu về mục đích của cuộc đời và làm sao để đạt mục đích đó. Sau cùng, họ không hiểu tại sao phải ăn thịt và uống máu Chúa để có sự sống và đạt được cuộc sống đời đời.

            (3) Họ cậy dựa hoàn toàn vào lý luận của con người và không biết giới hạn của con người: Họ nghĩ họ chỉ tin những gì có thể hiểu được và từ chối không tin những gì vượt quá sự hiểu biết của họ. Chúa Giêsu nói rõ đức tin và mầu nhiệm Thánh Thể vượt quá sự hiểu biết của con người, họ chỉ có thể hiểu được với ơn thánh của Thiên Chúa (6:37, 44, 65).

            (4) Họ không biết, không hiểu, và hiểu sai Kinh Thánh: Chúa Giêsu sửa sai họ: “Không phải ông Moses đã cho họ ăn manna, mà là Thiên Chúa” (6:32); và đây là hình bóng của những gì Ngài đang nói với họ về Bí-tích Thánh Thể. Ngài làm hoàn hảo lời các ngôn sứ (Isa 54:13, Jer 31:33-34) khi ngồi giữa họ để dạy họ hiểu biết những gì về Thiên Chúa.

3.2/ Phêrô đại diện cho Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

            + Tin Mừng Gioan không tường thuật biến cố tuyên xưng đức tin của Phêrô tại Caersarea Philippi; nhưng thay thế bằng lời tuyên xưng đức tin của Phêrô hôm nay.

            + “Đấng Thánh của Thiên Chúa:” có thể so sánh với “Đấng Thiên Sai” hay “Đấng được xức dầu” trong Tin Mừng Nhất Lãm. Chỉ có 3 nhân vật được gọi là Đấng Thánh trong Tin Mừng Gioan: Chúa Cha (17:11), Chúa Giêsu (6:69), và Chúa Thánh Thần (1:33, 14:26, 20:33). Vì Ba Ngôi tự bản chất là thánh, nên họ có thể thánh hóa con người.

            Chúng ta hãy suy xét những lý do Phêrô có thể dùng để tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu:

            (1) Phêrô đã chứng kiến ít nhất hai phép lạ từ đầu chương 6: Bánh hóa nhiều để nuôi 5,000 người ăn và Chúa Giêsu làm cho sóng gió phải yên lặng. Mục đích của phép lạ là để khơi dậy niềm tin. Chứng kiến hai phép lạ to lớn này, Phêrô nhận ra Chúa Giêsu sở hữu quyền lực của Thiên Chúa.

            (2) Phêrô đã lắng nghe những lời mặc khải và dạy dỗ khôn ngoan của Chúa Giêsu; nhất là lời mặc khải về mục đích của cuộc đời (Jn 6:39-40). Con người sống trên đời này là cho một mục đích: để về hưởng hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa. Để đạt mục đích này, con người cần tin vào Đức Kitô.

            (3) Phêrô đã lắng nghe Chúa Giêsu giải nghĩa Kinh Thánh: Nhiều người cũng đọc Kinh Thánh, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu Kinh Thánh. Chúa Giêsu cắt nghĩa về manna và sự nối kết cần thiết với mầu nhiệm Thánh Thể; và về lời sấm “mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo” của tiên tri Isaiah và Jeremiah. Ngài vạch ra cho mọi người thấy Ngài đến để làm trọn những lời tiên tri này khi ngồi giữa để dạy dỗ họ về những mầu nhiệm của Thiên Chúa.

            (4) Phêrô đã lắng nghe những cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người Do-thái: Những cuộc đối thoại này cần thiết để nhận ra chân lý từ những sai lầm. Những sai lầm của người Do-thái được sửa chữa bằng những lý luận khôn ngoan và vững chắc của Đức Kitô.

            (5) Phêrô biết Thiên Chúa, biết mình, và biết giới hạn của con người: Phêrô thú nhận một sự thật: Chỉ có Thiên Chúa mới có những Lời mang lại sự sống đời đời. Con người không phát minh sự thật, nhưng học hỏi sự thật từ Thiên Chúa. Khi con người không hiểu sự thật, không có nghĩa là sự thật không có; nhưng vì khả năng hiểu biết con người quá hạn hẹp và yếu kém.

            (6) Phêrô biết tổng hợp tất cả những điều trên để đi đến kết luận là tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa.

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Chúng ta phải dành nhiều thời giờ để học hỏi thì mới biết quyết định cách khôn ngoan. Nếu không chịu học hỏi, chúng ta sẽ dễ dàng quyết định cách không chín chắn hoặc sai lầm.

            – Sai một ly đi một dặm. Quyết định sai lầm sẽ dẫn chúng ta đến thiệt hại to lớn, và ngăn cản chúng ta đạt được mục đích của cuộc đời.

            – Bí-tích Thánh Thể vô cùng quan trọng cho cuộc đời. Hiểu sai về Bí-tích này sẽ gây rất nhiều thiệt hại trong cuộc sống, và ngăn cản chúng ta không đạt được cuộc sống đời sau.

Nguồn: https://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2851:ch-nht-21-thng-nien-nm-b&catid=25&Itemid=27

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here