LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ – CHƯƠNG MƯỜI MỘT

0
1224

LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ

Phan Tấn Thành

———————

Chương Mười Một

CÁC TU HỘI ĐỜI

———————

Ở trong tiếng Việt, “đi tu” hàm ngụ ý tưởng “bỏ đời”. Vì thế từ ngữ “tu hội đời” có thể gợi lên trong đầu óc cảnh “bắt cá hai tay”: vừa muốn dứt đời đi tu lại vừa lưu luyến đời. Tuy nhiên, người ta cũng có thể hiểu về cảnh “tu giữa đời” mà tục ngữ đã gợi lên: “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Thực ra, trước khi đi vào vấn đề, chúng ta phải bàn đến chuyện dịch thuật. Từ “Tu hội đời” mới được lưu hành trong tiếng Việt kể từ công đồng Vaticanô II để dịch từ “Institutum saeculare” (trước đó vài nơi đã dịch là “viện triều”). Trong nguyên ngữ latinh, Institutum là một danh từ rất phổ quát, có thể áp dụng cho một học hiệu, một phòng thí nghiệm, một cơ quan nghiên cứu; Saeculare trong lịch sử tu trì thường được hiểu về những giáo sĩ hoặc hội đoàn không khấn dòng (đối lại với regulare, religiosum).

Nói cho đúng, từ ngữ Institutum saeculare không diễn tả đầy đủ thực chất của nó. Hình thức tu trì này muốn nói lên ý định của những người muốn tận hiến cho Chúa và hoạt động tông đồ cách âm thầm lặng lẽ, không có cơ sở quy mô. Lý tưởng của “Tu hội đời” chọn “đời” làm môi trường tu trì và hoạt động tông đồ. Vì lý do gì? Chúng ta sẽ tìm hiểu trong hai mục dưới đây: lịch sử và đặc trưng.

Mục 1. Lịch sử

Hình thức “tu hội đời” có gì mới so với những hình thức mà chúng ta đã bàn trong những chương trước? Thiết tưởng sự mới mẻ chỉ có trên bình diện pháp lý, chứ thực chất đã có từ xa xưa rồi.

Ôn lại lịch sử những thế kỷ đầu tiên, ta thấy có những tín hữu sống giữa cộng đoàn Hội thánh, nhưng họ không lập gia đình, dành trọn sức lực để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đó là các nhà khổ hạnh, giảng thuyết lưu động, trinh nữ. Đến khi nếp sống đan tu hình thành trên sa mạc, xem ra người tín hữu buộc phải lựa chọn: hoặc đi tu thì bỏ đời vào sa mạc; nếu ở ngoài đời thì đừng nói chuyện tu.

Tuy nhiên cũng có những tín hữu tiếp tục tận hiến cho Thiên Chúa qua những lời “khấn tư”. Vào thời Trung cổ, khi các dòng hành khất cất tu viện ở giữa thành phố chứ không phải trên núi đồi, thì các tín hữu có thể chia sẻ lý tưởng tu trì qua việc gia nhập “Dòng Ba” hoặc những hội đoàn đạo đức khác. Nên biết là các hội viên Dòng Ba gồm cả những người đã lập gia đình cũng như những người độc thân, sống riêng tư hoặc tụ họp thành cộng đoàn.

Vào thời cận đại, có những cộng đoàn tín hữu sống chung mà không có lời khấn “công”. Dần dần họ được nhìn nhận như là “tu đoàn” hoặc “hội dòng”. Như đã có lần lưu ý, sự phân biệt giữa Dòng tu, hội dòng, tu đoàn dựa trên những tiêu chuẩn do giáo luật đặt ra (khấn trọng, khấn đơn, không khấn), chứ nếu nhìn bên ngoài thì rất khó phân biệt nổi, bởi vì tất cả đều sống trong cộng đoàn, mặc tu phục, tách ly khỏi đời.

Những hình thức tu trì vừa nói đã được kê khai trong bộ giáo luật ban hành vào năm 1917. Phải chờ đến 30 năm sau, giáo luật mới nhìn nhận một hình thức tu trì mới, qua tông hiến Provida Mater do đức Piô XII ký ngày 2/2/1947. Như vậy, từ nay những người tu ở đời (sống ở ngoài nhà dòng) cũng được coi thuộc về hàng ngũ tu trì. Cũng có thể nói ngược lại: có những người sống đời tu trì nhưng không mang một dấu hiệu nào khác thường bên ngoài; họ sống ở tư gia, chứ không sống thành cộng đoàn; họ không mang tu phục.

Tại sao phải chế tạo ra hình thức tu trì như vậy? Nên biết là không phải một văn kiện pháp lý tạo ra một hình thức mới, nhưng hình thức đã xuất hiện từ trước và kế đó được hợp thức hoá mà thôi. Một câu hỏi đương nhiên được đặt lên: các tu hội xuất hiện từ bao giờ? Nhiều giả thuyết lịch sử đã được đưa ra[1].

– Có người móc nối nó với hiệp hội các thiếu nữ tận hiến do thánh Angela Merici (1474-1540) thành lập năm 1535 tại Brescia (hội thánh nữ Orsola: Compagnia di sant=Orsola), gồm những phần tử khấn giữ trinh khiết, nhưng vẫn sống tại gia đình.

– Có người móc nối nguồn gốc tu hội đời với hai tổ chức do cha Pierre-Joseph Picot de Clorivière dòng Tên (1735-1820) lập ra vào thời cách mạng Pháp, khi tất cả các Dòng tu đều bị giải thể. Cha lập ra tại Angers (năm 1790) hai hiệp hội: một hội mang danh “Hội các linh mục Thánh tâm Chúa Giêsu” (Société des Prêtres du Coeur de Jésus) và một hội nữ dưới danh hiệu “Hội con cái Trái tim Đức Mẹ” (Société des Filles du Coeur de Marie): các thành viên được mời gọi hãy làm chứng tá Kitô hữu như là người tận hiến ở giữa môi trường sinh sống; họ không bó buộc phải sống chung và cũng không mang tu phục.

– Có người muốn cho các tu hội đời mang một nguồn gốc gần và cụ thể hơn nữa, qua hai tổ chức ra đời vào đầu thế kỷ XX, bởi vì biểu lộ rõ rệt hơn căn tính của nó.

 1/ Trước hết là “Hội thánh nữ Têrêsa” (Institución Teresiana) do cha Pedro Poveda Castroverde (chết vì đạo năm 1936) thành lập năm 1911 tại Oviedo (Tây ban nha) với sự hợp tác của chị Josefa Segovia Moron (+1957): các phần tử tận hiến dấn thân vào môi trường giáo dục, cách riêng tại các trường công lập. Nên biết là các tu sĩ chỉ được phép điều khiển và dạy tại các trường tư lập, nhưng không được phép hiện diện ở trường công lập. Như vậy là các học sinh trường công (chiếm đa số) không được hấp thụ giáo dục công giáo. Tổ chức được Toà thánh phê chuẩn như một hội đạo đức năm 1924, và như tu hội đời vào năm 1951. Tuy nhiên từ năm 1990, họ lại xin lấy lại quy chế của một hiệp hội giáo dân.

– Các “Thừa sai Chúa Giêsu Vua” (Missionarie della Regalità di Cristo) do cha Agostino Gemelli OFM (1878-1959) lập năm 1919, lúc đầu như là một nhóm Dòng Ba Phan-sinh, rồi như một hội đạo đức (1931), và trở thành một tu hội đời năm 1948. Cha Gemelli cũng lập ra từ năm 1928 một tu hội đời ngành nam mang cùng danh hiệu (Missionari della Regalità di Cristo). Cha Gemelli đã xúc tiến việc thừa nhận Tu hội đời nhờ nhiều khảo luận đệ lên Toà thánh.

– Tổ chức Opus Dei của cha José Maria Escrivá de Balaguer là tu hội đời đầu tiên được Tòa thánh nhìn nhận (24/2/1947) ngay sau khi ban hành tông hiến Provida Mater, tuy nhiên từ năm 1982 họ được xếp vào các “hạt giám chức tòng nhân” (Praelatura personalis) trực thuộc bộ Giám mục.

Theo một bản thống kê được thiết lập nhân kỷ niệm 50 năm ban hành tông hiến Provida Mater, hiện có 187 tu hội thuộc luật latinh (và 4 tu hội bên Đông phương), với tổng số thành viên được phân phối như sau[2]:

– 4950 thành viên trong 17 Tu hội giáo sĩ (9 thuộc Toà thánh, 8 thuộc giáo phận).

– 579 nam thành viên trong 9 Tu hội giáo dân (2 thuộc Toà thánh, 7 thuộc giáo phận).

– 32309 nữ thành viên trong 147 Tu hội (49 thuộc Toà thánh, 98 thuộc giáo phận).

Mục tiêu hoạt động của các tu hội này không giới hạn vào một phạm vi nào hết. Họ chủ trương mang men của Tin Mừng vào hết mọi môi trường xã hội, cách riêng những nơi mà các giáo sĩ và tu sĩ không thể lui tới, chẳng hạn như chính trị, thương mại.

Mục 2. Đặc trưng

Căn tính của tu hội đời được xác định dần dần trong các văn kiện Toà thánh tiếp theo tông hiến Provida Mater (2/2/1947) của đức Piô XII, đó là:

– Tự sắc Primo feliciter cũng do đức Piô XII ban hành một năm sau đó (12/3/1948).

– Huấn thị Cum sanctissimus (19/3/1948) của Thánh Bộ Dòng Tu.

– Sắc lệnh Perfectae caritatis số11, của Công đồng Vatican II.

– Bộ giáo luật 1983, điều 710-730.

– Tông huấn Đời sống thánh hiến số 10:

Các tu hội đời có các thành viên muốn sống sự thánh hiến cho Thiên Chúa ở trong thế gian, bằng việc tuyên khấn các lời khuyên Tin mừng trong khung cảnh những cơ cấu trần thế. Như thế họ muốn trở nên men khôn ngoan và chứng tá về ân sủng giữa lòng nếp sống văn hoá, kinh tế và chính trị. Bằng một đường lối kết hợp đời sống trần thế với sự thánh hiến của riêng họ, họ muốn đưa vào trong xã hội những năng lực mới của Nước Chúa Kitô, khi tìm cách biến đổi gương mặt của thế giới từ nội tại nhờ sức mạnh của các mối phúc. Nhờ vậy, một đàng họ thuộc trọn về Thiên Chúa, hiến mình trọn vẹn để phục vụ Người, đàng khác hoạt động của họ trong hoàn cảnh sống giáo dân thông thường, dưới tác động của Thánh Thần, góp phần vào việc chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng vào các thực tại trần thế. Như thế, các tu hội đời, theo đặc tính riêng của mỗi tu hội, đảm bảo cho Giáo hội được hiện diện hữu hiệu trong xã hội.

Để làm nổi bật căn tính của Tu hội đời, thiết tưởng nên đối chiếu với các hình thức tu trì khác, nhằm tìm hiểu những điểm khác biệt và những đặc trưng.

I. Những điểm khác biệt

Các tu hội đời khác với các Dòng tu, Hội dòng, Tu đoàn ở chỗ:

– Không có tu phục. Trước công đồng Vaticanô II, người ta khó quan niệm một đoàn thể tu trì mà không mặc áo dòng!

– Không có đời sống chung. Bộ giáo luật 1983 phân biệt giữa “đời sống huynh đệ” (vita fraterna) và “đời sống cộng đoàn” (vita communis). Các thành viên tu hội đời duy trì một mối dây huynh đệ qua các buổi hội họp và các mối dây liên kết tinh thần, nhưng không buộc phải sống trong cộng đoàn (một nghĩa vụ ràng buộc những phần tử của các Dòng tu và tu đoàn). Các tu hội đời cũng không có một “công tác chung”, xét vì mỗi người sinh sống và làm việc với tính cách cá nhân, chứ không nhân danh tu hội.

– Không có lời khấn “công”: đây là điểm khác với các Dòng tu. Hiến pháp sẽ quy định hình thức cam kết theo tinh thần của mỗi tu hội.

II. Những nét độc đáo

Các tu hội đời muốn kết hợp hai đặc tính “tận hiến” và “trần thế” (tức là “tu” và “đời”)

1/ “Tận hiến” qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, cách riêng là “khiết tịnh vì Nước Trời”. Đây là một điều khác với hàng ngũ giáo dân: các giáo dân sống ngoài đời, nhưng họ có thể sống độc thân hay lập gia đình tuỳ ý, còn những phần tử tu hội đời thì buộc giữ độc thân.

2/ “Trần thế”. Trong tiếng latinh, từ “saeculare” thường được dùng theo nghĩa đối chọi với “religiosum” với nhiều bối cảnh khác nhau. Khi nói đến hàng ngũ tận hiến, sự đối chọi giữa những người tuyên khấn theo một bản luật dòng (chẳng hạn như hàng giáo sĩ “triều”, đối lại với hàng giáo sĩ “dòng”). Có lúc bối cảnh rộng hơn, đó là hai lãnh vực “đời” với “đạo”: giữa lãnh vực thuộc về cuộc sống trần thế này đối lại với lãnh vực thuộc về cuộc sống vĩnh cửu. Sự phân biệt giữa “đạo” với “đời” hàm ngụ sự phân chia thẩm quyền giữa Quyền bính chính trị và Giáo hội. Đây cũng là sự phân biệt phạm vi dấn thân của các giáo dân và giáo sĩ: giáo dân lo việc đời, còn giáo sĩ lo việc đạo.

Riêng đối với hàng ngũ tu trì, xưa nay người ta quan niệm rằng khi tu là “bỏ đời” hoặc “xa lánh trần thế”. Điều này không chỉ hàm ngụ ý tưởng là các tu sĩ khước từ kết hôn, khước từ danh vọng phú quý, mà còn bao hàm một lối sống xa cách “trần thế” qua vài dấu hiệu hữu hình: họ sống trong tu viện, có nội vi cách biệt khỏi thế gian, họ măc một thứ y phục khác biệt với người đời.

Trái lại, các tu hội đời chủ trương sống đời tận hiến “ở giữa đời”, len lỏi vào hết các môi trường, mọi nghề nghiệp, để tiêm vào đời men của Tin mừng. Sự phối hợp “tận hiến” và “đời” tạo ra một nét hoạt động tông đồ đặc thù của các tu hội đời. Bản chất của các tu hội đời là làm tông đồ. Vì thế không thể nào quan niệm được một tu hội đời “thuần túy chiêm niêm”. Tuy nhiên, các tu hội đời không làm “việc tông đồ” bằng những “công tác” của Tu hội (hoặc Giáo hội): họ làm tông đồ qua sự chứng tá bản thân, và có thể len lỏi vào tất cả mọi công việc (khác với các tu sĩ, bị giáo luật ngăn cấm không được thi hành một số chức vụ hay nghề nghiệp, chiếu theo điều 672). Nói khác đi, đây là một thứ chứng tá qua sự hiện diện thầm lặng, hơn là qua các hoạt động.

Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng từ ngữ “đời”, “trần thế” (thế gian, thế tục) mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong Kinh thánh và lịch sử thần học, như đã được giải thích trong tập III chương Năm (ACon người trong thế giới”, trang 102-106).

 KẾT LUẬN PHẦN THỨ NHẤT

Chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của các hình thức tu trì từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo cho đến thế kỷ XX. Như đã nói ngay từ đầu, những từ ngữ ở trong tiếng Việt tựa như “tu trì, tu hành” không tương ứng với những từ ngữ trong nguyên bản latinh, vừa nhiều lại vừa đa dạng. Thực vậy, những từ ngư được sử dụng để gọi hàng ngũ tu trì khá phong phú: ascetae, virgines, monacus, canonicus, regularis, religiosus. Ngoài ra, các hình thức tu trì lại còn đa dạng nữa. Ở đây chúng tôi không hiểu sự đa dạng theo nghĩa là có nhiều hội dòng, với tên gọi và màu áo khác nhau, cho bằng sự khác biệt trong quan niệm về ý nghĩa đời tu trì.

1/ Sự đa dạng về ý nghĩa tu trì

– Vào lúc đầu, có những người muốn bắt chước các môn đệ từ bỏ gia đình sự nghiệp để dấn thân đi rao giảng Tin Mừng.

– Kế đó có người nghĩ rằng muốn theo Chúa cho trót thì phải dám chết cho Chúa như các thánh tử đạo. Nhưng nếu thời bắt đạo đã qua rồi thì phải tạo ra một hình thức tử đạo không đổ máu qua những khổ hình thiếu thốn mà mình tự gây ra để bắt chước Đấng đã chịu chết trên thập giá vì yêu thương ta.

– Có người đã tiếp thu quan điểm của giới tu hành nơi các tôn giáo khác, quan niệm rằng đi tu là đi tìm Đấng Tuyệt đối, dồn hết tâm lực vào việc truy tầm chân lý.

– Có người cho rằng những lý tưởng vừa kể có vẻ mơ hồ; vì thế họ chủ trương rằng đi tu có nghĩa là sống trọn vẹn ơn gọi của Kitô hữu, biểu lộ qua đức ái có sức quy tụ các tín hữu thành một cộng đoàn, cùng cầu nguyện, cùng làm việc, cùng chia sẻ tài sản.

– Có người lại nghĩ rằng đi theo đức Kitô có nghĩa là tiếp tục những hoạt động của Người lúc còn ở trần thế, đó là đi loan báo Tin mừng, an ủi những người sầu khổ, chữa lành những kẻ ốm đau bệnh tật, săn sóc những người nghèo khó bị bỏ rơi.

2/ Sự đa dạng về lối sống

Chắc hẳn là còn rất nhiều quan niệm khác nữa. Nhưng thiết tưởng chừng đó đã đủ để chứng tỏ rằng có nhiều quan niệm về đời tu. Đến khi diễn tả ra lối sống, chúng ta cũng thấty có nhiều lối sống khá khác biệt:

– Trong những thế kỷ đầu tiên, những người ôm ấp lý tưởng tận hiến vẫn tiếp tục cuộc sống giống như các Kitô hữu khác.

– Từ thế kỷ IV, với phong trào đan tu, ta thấy phần lớn các tu sĩ sống cách biệt với người đời: “đi tu” có nghĩa là “bỏ đời”. Sự từ bỏ này được diễn tả không những qua sự từ khước gia đình tài sản, mà cả lối ăn mặc, và kể cả nơi ở. Các đan viện được cất trên núi cao hoặc nơi hiu quạnh, xa cánh chốn phồn hoa đô hội.

– Dần dần, sang thời Trung cổ, ta thấy các tu sĩ không chạy trốn người đời, ngược lại họ tìm cách tiếp xúc với nhân dân, nhằm phục vụ xã hội. Càng tới gần thời cận đại, ta thấy nổi bật khuynh hướng “hoạt động” hơn là “chiêm niệm”.

– Sau cùng, với các tu hội đời, hoà đồng với nhịp sống của người đời, ta lại thấy một hình thức trái ngược với nếp sống của các đan sĩ.

Như vậy, ta phải kết luận như thế nào? Tại sao có nhiều quan niệm khác biệt về tu trì? Đâu là nguyên nhân phát sinh các hình thức tu trì khác nhau? Sự khác biệt chỉ liên quan đến những yếu tố phụ thuộc hoặc chi phối đến cả những yếu tố cốt yếu? Đâu là những yếu tố cốt yếu của đời tu trì?

Dựa theo những dữ kiện lịch sử và những văn kiện gần đây của Giáo hội, chúng ta có thể trả lời như thế này: cần chấp nhận sự khác biệt giữa các hình thức tu trì, nhưng giữa sự khác biệt đó chúng ta vẫn có tìm thấy một vài yếu tố cốt yếu. Đó là điều mà chúng ta sẽ nhận thấy trong phần sắp tới khi học hỏi các văn kiện của Giáo hội.

Ở đây để kết luận chung cho những chương bàn về lịch sử tiến triển của các hình thức đời tu trì, chúng tôi xin mạn phép đưa ra những nhận xét sau đây:

1/ Dưới cặp mắt của đức tin, chúng ta phải nhìn nhận có sự can thiệp của Thánh Linh trong việc gợi lên những hình thức tu trì, trải qua dòng lịch sử.

2/ Dưới khía cạnh nhân văn, chúng ta thấy rằng có nhiều yếu tố góp phần vào việc tạo ra các hình thức tu trì. Ngoài ảnh hưởng của những nhân vật quan trọng đã để lại dấu ấn cho một thời đại, ta có thể vạch ra nhiều yếu tố khác:

– Yếu tố văn hoá là một điều không thể phủ nhận. Cách tổ chức, các cơ chế tu trì mang nhiều ảnh hưởng của thời thế, chẳng hạn như cơ cấu đại-gia-đình (paterfamilias) của xã hội Rôma cổ truyền phản ánh trong tổ chức đan viện Biển-đức; cơ cấu bầu cử thời công xã (commune) phản ánh trong hiến pháp của dòng Đaminh; cơ cấu tập quyền của chế độ quân chủ cận đại (absolutisme) phản ánh nơi bản luật của thánh Inhaxiô.

– Tuy nhiên, mối tương quan giữa đời sống tu trì với văn hoá đương thời cần phải được nhìn từ hai phía. Một đàng, đời tu trì chịu ảnh hưởng của văn hoá, và cũng muốn thích nghi với những đòi hỏi của thời đại. Nhưng đàng khác, đời tu trì lại muốn phản ứng lại với văn hoá thời đại, đi ngược với những “trào lưu của thế gian”, chẳng hạn chịu đựng gian khổ trên sa mạc thay vì hưởng thụ những tiện nghi của thành phố (thế kỷ IV), chấp nhận cảnh bấp bênh của nếp sống hành khất vào lúc kinh tế thị trường đang phát triển (thế kỷ XII), hướng đến phục vụ thành phần sống bên lề xã hội vào thời thịnh hành của quyền lực nhà nước và giới tư sản (thế kỷ XIX-XX).

– Chúng ta cũng có thể áp dụng điều vừa nói vào mối tương quan giữa đời tu trì với Giáo hội. Xem ra đời tu trì là một dấu chỉ phản chứng, nhắc nhở Giáo hội về những yêu sách của Tin mừng (tinh thần bát phúc), chống lại nguy cơ muốn đồng hoá với những thể chế của thế tục (quyền hành, danh lợi). Tuy nhiên, các phần tử đời tu trì cũng là những con người bằng xương thịt, và do đó sau những phút hăng say thuở ban đầu thì cũng khó tránh rơi vào tình trạng nguội lạnh sa sút. Từ đó chính đời tu cũng cần được cải tổ liên tục: những hình thức đa dạng của đời tu trì nằm trong chiều hướng canh tân và cải tổ, trong đó Giáo hội góp phần không nhỏ. Nói cách khác: đời tu giúp công cuộc cải tổ Giáo hội, và Giáo hội cũng giúp công cuộc cải tổ đời tu.

3/ Từ cái nhìn về quá khứ, khi quay sang hiện tại và tương lai, chúng ta có thể dự đoán rằng sẽ còn xuất hiện nhiều hình thức tu trì nữa. Điều này được khẳng định trong bộ giáo luật số 605 và tông huấn Đời sống thánh hiến số 12 và 62. Cho đến nay, các hình thức cũ tiếp tục tồn tại cùng với các hình thức mới; nhưng đức Gioan Phaolô II còn dám nói mạnh hơn nữa rằng: có thể rằng tất cả các hình thức cũ mới hiện nay đều biến mất, nhưng chúng ta tin rằng bản chất của đời sống thánh hiến sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì nó nằm trong bản tính của Giáo hội, một Giáo hội được gọi nên thánh qua việc đi theo sát Chúa Kitô và hoạ lại nếp sống của Người khi còn tại thế (xem thêm số 63c).

—————————————————–

[1] R. Lemoine, Le droit des religieux du concile de Trente aux Instituts séculiers, Desclée de Brouwer, Bruges 1955.

[2] Martine Carrez-Maratray, Dati statistici ultimi sugli Istituti di vita consacrata secolari, in: Commentarium pro Religiosis 78 (1997) 297-324.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here