Bốn đặc tính của Giáo hội

0
3533

Phan Tấn Thành

Dẫn nhập

Trong các tín biểu, lời tuyên xưng về Giáo hội (Ecclesia) thường được kèm theo vài tính từ, với con số thay đổi. Tín biểu Epistula Apostolorum (khoảng năm 170) chỉ gồm năm mệnh đề, và mệnh đề thứ bốn là: “et in sanctam Ecclesiam” (Denz-Sch 1). “Thánh thiện” là đặc điểm cổ nhất, nói lên sự thuộc về Thiên Chúa. Trong “Tín biểu các thánh tông đồ”, ngoài “sancta” khi thêm “catholica” (sanctam Ecclesiam catholicam); bên Đông phương, tín biểu của Cyrillô Giêrusalem (khoảng năm 348) viết «una santa Chiesa catholica» (Denz-Sch 41) và của Epiphaniô năm 374 “una sola sancta Ecclesia catholica et apostolica” (Denz-Sch 42), đưa đến công thức của công đồng Constantinopolis năm 381 « unam sanctam catholicam et apostolicam Ecclesiam».

Trong lịch sử thần học, đã có những quan niệm khác nhau về bản chất của bốn đặc tính này cũng như công dụng của chúng.

1/ Xét về bản chất, có khi chúng được gọi là các “dấu chỉ” (notae), bởi vì chúng biểu lộ cho mọi người thấy rõ đâu là Hội thánh đích thực của Chúa Kitô; có khi được gọi là “chiều kích” (dimensiones), “đặc điểm” (proprietates), “thuộc tính” (attributa). Thánh Tôma Aquinô gọi là các “conditiones”, hiểu như là các chiều kích xây dựng (condere) căn tính Giáo hội.

2/ Xét về “công dụng”, trong quá khứ, các đặc tính đã được sử dụng với mục đích hộ giáo (apologetica): không phải trước mặt thế gian (để chứng tỏ cho thấy đâu “đạo thật) cho bằng trong nội bộ Kitô giáo, bị phân chia thành nhiều tông phái (để chứng tỏ rằng đâu là Hội thánh đích thực của Chúa Kitô). Thánh Irênê nhấn mạnh đến đặc tính tông truyền để chống lại nhóm ngộ giáo. Optato Milevi cũng trưng ra các đặc điểm để chống lại nhóm Đonatô. Vào thời cận đại, khoa hộ giáo trưng ra bốn đặc điểm này để chứng tỏ Giáo hội “thật” của Chúa Kitô, để chống lại phe Cải cách (họ không có yếu tố “công giáo” và “tông truyền”). Cũng trong chiều hướng ấy, vào thời Cải Cách Tin Lành, người ta còn thêm một đặc tính thứ năm: “Sancta catholica apostolica Romana ecclesia” (Công đồng Vaticanô I, Hiến chế Dei Filius: Denz.Sch. 3001)

3/ Ngày nay, người ta muốn xem chúng như là đặc tính cốt yếu để hiểu biết “mầu nhiệm” Giáo hội: chúng là một hồng ân mà Chúa Kitô và Thánh Linh đã ban cho Giáo hội để cho thấy bản tính và sứ mạng của mình. Ân huệ này đòi hỏi sự dấn thân để thể hiện, đồng thời cũng trở thành đối tượng của lời khẩn xin và hy vọng. Ngoài ra, cần nêu bật là bốn đặc tính này liên lạc chặt chẽ với nhau, nâng đỡ và soi sáng lẫn cho nhau, như Sách GLCG đã nhắc nhở: “Bốn đặc tính này nối kết với nhau một cách không thể tách biệt, và nêu rõ những nét căn bản của Hội Thánh và của sứ vụ của Hội Thánh. Hội Thánh không tự mình có các thuộc tính ấy; Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần, đã làm cho Hội Thánh được duy nhất, thánh thiện công giáo và tông truyền, và cũng chính Người kêu gọi Hội Thánh hãy thực hiện từng điều trong các đặc tính đó” (số 811).

I. UNA

Đặc tính này đã được nhắc đến trong Tân ước và các tác phẩm giáo phụ đầu tiên (chẳng hạn De unitate Ecclesiae của thánh Cypriano). Una có thể dịch sang tiếng Việt là: một, duy nhất, độc nhất, thống nhất. Tự nó, una bao hàm hai ý tưởng: 1) Thiên Chúa chỉ thành lập một Giáo hội duy nhất (độc nhất vô nhị) ; 2) Giáo hội hợp nhất. Hai ý tưởng này được Lumen gentium phát biểu ở số 13: “Đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa, một và duy nhất, phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng từ khởi nguyên đã thiết lập bản tính duy nhất của con người, và quyết định cuối cùng sẽ qui tụ về một mối tất cả con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi”.

A. Nền tảng Kinh thánh

Tân ước nói đến đặc tính “hợp nhất” của Giáo hội dưới nhiều khía cạnh.

– Đức Giêsu đến để quy tụ những con cái của Thiên Chúa đang tản mác (Ga 11,52), đập vỡ bức tường ngăn cách, dẹp bỏ sự hằn thù (Ep 2,13-22), và hòa giải muôn vật trên trời dưới đất (Cl 1,19-20).

– Sự hợp nhất cũng là một ân huệ mà Đức Giêsu nài xin Chúa Cha ban cho các môn đệ và cũng bao hàm một yêu sách mà họ phải duy trì (Ga 17,20-23).

– Ý thức như thế, Giáo hội tiên khởi đã cố gắng diễn tả trước mặt thế giới sự hợp nhất: một cộng đoàn các tín hữu sống hòa hợp “một trái tim và một linh hồn” (Cv 4,32). Được điều khiển bởi Thánh Linh của lễ Ngũ tuần, Giáo hội lan tỏa khắp muôn dân và duy trì sự hợp nhất trong đa dạng. Do đó ta thấy rằng hai đặc tính una catholica gắn liền với nhau: sự hợp nhất không loại trừ sự kiện đa nguyên về ngôn ngữ, chủng tộc, điều kiện xã hội. Đối lại tính đa dạng cần phải tránh sự hỗn độn, phân hóa.

– Đoạn văn diễn tả sự hợp nhất của Giáo hội cách hùng hồn hơn cả là Ep 4,4-6: “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.  Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Tuy nhiên, Tân ước cũng ghi nhận nhiều xung khắc, chia rẽ, bè phái giữa lòng Giáo hội, chẳng hạn như tại Corinto: chia rẽ vì vây cánh (Kepha, Apollo, Phaolo), chia rẽ vì đặc sủng. Trong bối cảnh này, thánh Phaolo kêu gọi sự hợp nhất dựa theo hình ảnh của thân thể (Chúa Kitô là đầu, chúng ta là chi thể). Xem 1Cr 1,10; 12,13-28.

B. Nền tảng thần học

Sự hợp nhất của Giáo hội dựa trên nhiều nguyên nhân:

1)  Sự hợp nhất của Thiên Chúa Tam Vị. Thiên Chúa Tam Vị không chỉ là gương mẫu mà còn là nguyên nhân của sự hợp nhất (x. đoạn văn Ephêsô vừa trích dẫn) . Nói cách khác, sự hợp nhất là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không dựa trên khả năng của con người. Các nguyên tố của sự hợp nhất là: Lời Chúa, Mình Chúa và sự hiệp thông của Thánh Linh (tức là tình yêu: Rm 5,5).

2) Các mối dây liên kết. Sự hợp nhất được duy trì nhờ các nguyên nhân thần linh và vô hình, nhưng cũng được biểu lộ qua ba dấu hiệu hữu hình:

– Sự hợp nhất trong đức tin: tuyên xưng một đối tượng đức tin, tức là Tin mừng Đức Kitô (Gl 1,6).

– Sự hợp nhất trong phụng tự: cầu nguyện, bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh thể (1Cr 10,17), sacramentum unitatis.

– Sự hợp nhất được bảo đảm nhờ việc tổ chức những tác viên phục vụ Giáo hội (Ep 4,13-16).

3) Communio sanctorum. Như đã nói trong phần kết của chương trước, sự hợp nhất của Giáo hội vượt lên trên phạm vi hữu hình: một mối dây vô hình liên kết các thành phần lữ hành với các phần tử quá cố và các thánh trên trời. Nhờ lời cầu nguyện, chúng ta san sẻ cho nhau các công phúc và bù đắp những khiếm khuyết của nhau.

C. Những tổn thương của sự hợp nhất

Sự hợp nhất là một ân huệ của Thiên Chúa và nỗ lực của con người. Tiếc rằng sự hợp nhất nhiều lần bị tổn thương do tội lỗi của con người. Bất cứ tội nào cũng làm cho con người xa lìa Thiên Chúa và cộng đoàn, nhưng đặc biệt hai tội trái nghịch trực tiếp với sự hợp nhất là “ly giáo” (schisma) và “lạc giáo” (haeresis). Hiện tượng này đã xảy ra ngay từ thời Giáo hội nguyên thủy, như chúng ta đọc thấy trong Tông đồ công vụ và các thư của thánh Phaolô.

Trong lịch sử Giáo hội đã xảy ra bốn cuộc phân ly lớn[1] :

1) Sau Công đồng Ephêsô năm 431 : các giáo hội « bên Đông » (The Church of the East) hay Assyria, hay Nestôriô.

2) Sau Công đồng Calxêđônia năm 451 : các giáo hội « nhất tính » (Monophysist).

3) Cuộc phân ly giữa Giáo hội Rôma và Constantinopolis năm 1054 : các giáo hội « chính thống » (Orthodox).

4) Cuộc phân ly giữa Giáo hôi Công giáo và các Giáo hội Cải cách năm 1517 (Martin Luther).

Tuy nhiên, dù nguyên nhân cuộc phân ly thế nào đi nữa (tín lý hay chính trị), Công đồng Vaticanô II tuyên bố rằng những người ngày nay sinh ra và được lớn lên trong các Giáo hội này không thể bị ghép tội ly khai (Sắc lệnh Unitatis redintegratio số 3).

D. Xây dựng sự hợp nhất

Phong trào đại kết cố gắng hàn gắn sự chia rẽ giữa các giáo hội[2]. Ngoài ra, mọi nỗ lực xây dựng tình đoàn kết hợp nhất trong xã hội cũng gián tiếp góp phần vào việc cổ võ sự hợp nhất của Giáo hội. Sau cùng, kể cả công việc loan báo Tin mừng cũng là xây dựng sự hợp nhất của Giáo hội, khi biết rằng Thiên Chúa có kế hoạch muốn quy tụ mọi dân tộc thành một gia đình. Công tác loan báo Tin mừng cần tôn trọng sự hợp nhất trong đức tin với tính đa dạng của các nền văn hóa các dân tộc (x. Lumen gentium số 13).

II. CATHOLICA

Trong tín biểu công đồng Constantinopolis, liền sau đặc tính “una” là “sancta”: hai đặc tính được gặp thấy trong những tín biểu cổ điển nhất. Tuy nhiên, xét về mạch lạc tư tưởng, chúng ta gắn kết catholica với una, bởi vì như vừa nói, việc duy trì sự hợp nhất chẳng những không loại trừ sự đa nguyên mà còn thúc đẩy Giáo hội đến với muôn dân để đưa họ vào gia đình của Thiên Chúa.

Trước khi vào đề, cần phải giải thích từ ngữ. Trong tiếng Việt, từ “công giáo” không diễn tả được ý nghĩa của catholica[3]. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, kath’olou có nghĩa là nhắm đến toàn thể, và có thể giải thích theo hai nghĩa: lượng và phẩm. 1/ Nghĩa thứ nhất (cũng gọi là địa lý), catholica muốn nói đến “bao trùm toàn thể địa cầu”, không bị giới hạn bởi chủng tộc, quốc gia hay điều kiện xã hội. 2/ Nghĩa thứ hai muốn nói đến tính đa dạng trong Giáo hội nhờ sự kết nạp những sự phong phú của các cá nhân và các dân tộc khi họ tin nhận Tin mừng.

A. Lịch sử

Đặc điểm này không có trong Tân ước. Tính từ katholikos xuất hiện lần đầu tiên trong thư của thánh Inhaxiô Antio­chia gửi các tín hữu Smyrna: “ubi fuerit Christus Iesus, ibi catholica Ecclesia” (đâu có Chúa Giêsu Kitô thì đấy có ecclesia catholica), nhưng tác giả không giải thích ý nghĩa. Trong ký sự về cuộc tử đạo của thánh Policarpo, chúng ta thấy tính từ catholica được áp dụng cho Giáo hội phổ quát cũng như địa phương. Thánh nhân được giới thiệu như là “giám mục Ecclesia catholica của Smyrna”.

B. Ý nghĩa

Sách GLCG (số 830) giải thích từ catholica theo hai nghĩa: toàn thể và phổ quát.

1/ “Toàn thể” bởi vì đã lãnh nhận từ Chúa Kitô tất cả những phương tiện dồi dào để được cứu độ. Câu nói của thánh Inhaxio được giải thích theo hướng ấy: ở đâu có Đức Kitô thì ở đấy có Ecclesia catholica. Hiểu theo nghĩa này, Giáo hội đã là catholica ngay từ lễ Ngũ tuần.

2/ “Phổ quát” bởi vì được sai đến muôn dân. Dưới khía cạnh này chúng ta có thể nhìn dưới hai chuyển động, dựa theo số 13 của Lumen gentium vừa trích dẫn trên đây: một đàng, Dân Thiên Chúa mở rộng đến tất cả mọi dân tộc; đàng khác, tất cả mọi sắc thái văn hóa của các dân tộc đều được hội nhập vào Giáo hội.

C. Những hệ luận

Đặc tính catholica bao hàm nhiều yêu sách:

– Nghĩa vụ truyền giáo: Giáo hội có bổn phận phải mang Tin mừng đến tất cả các dân tộc.

– Nghĩa vụ của các Giáo hội địa phương: cần biết thâu thái những tinh hoa của dân tộc địa phương (được gọi là “hội nhập văn hóa”), nhưng đồng thời cũng cần phân định những yếu tố nào trái nghịch với Tin mừng. Một nghĩa vụ nữa của Giáo hội địa phương là cần biết trao đổi với các Giáo hội khác và với Giáo hội phổ quát. Đặc tính catholica không cho phép sống cô lập trong địa phương của mình.

– Nghĩa vụ của những ai có trách nhiệm điều khiển phổ quát: dung hòa tính hợp nhất đức tin với tính đa dạng của các văn hóa dân tộc, bao gồm phụng vụ, kỷ luật, thần học. Sự hợp nhất (unitas) không đồng nghĩa với rập khuôn (uniformitas). Nguyên tắc này được công đồng Vaticanô II phát biểu trong nhiều văn kiện chẳng hạn như Hiến chế về phụng vụ số 37[4], hoặc trong sắc lệnh về truyền giáo (AG 37). Sắc lệnh về đại kết chấp nhận sự đa dạng kể cả trong cách phát biểu thần học (UR 17).

D. Những trở ngại

Lý thuyết thì đẹp, nhưng sự dung hòa giữa hợp nhất và đa dạng gặp khá nhiều khó khăn trong thực hành. Lịch sử các cuộc phân ly giữa các giáo hội Đông phương và Tây phương đã cho thấy điều đó. Một cách tương tự như vậy, bên Giáo hội Công giáo Tây phương, sự thăng bằng giữa trung ương tập quyền và tự trị địa phương là một điều nan giải. Nó không chỉ liên can đến thần học, phụng vụ, mà còn về quyền bính nữa.

III. SANCTA

Đặc tính này xuất hiện ngay từ những tín biểu cổ điển nhất, nhưng đã được giải thích theo nhiều chiều hướng khác nhau. Mặt khác, đây là một đặc tính cao quý nhất nhưng lại khó nhận thấy hơn cả, do điều kiện tội lỗi của các phần tử. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu: 1/ Ý nghĩa. 2/ Nền tảng Kinh thánh. 3/ Suy tư. 4/ Tội lỗi trong Hội thánh. 5/ Ơn gọi phổ quát nên thánh.

A. Ý nghĩa

Sự thánh thiện của Giáo hội có thể nhìn dưới hai khía cạnh:

1) Sự thánh thiện “bản thể” (hoặc “khách thể”), phát sinh từ sự tiếp xúc với sự thánh thiện thần linh: Thánh kinh, bí tích thánh. Nói đến sự thánh thiện của Giáo hội tiên vàn là một việc tuyên xưng đức tin vào ơn cứu độ của Chúa Kitô. Thật vậy, như thánh Phaolo đã viết, chính Chúa Kitô không ngừng thanh luyện Giáo hội, hiền thê của Người, để nàng được nên thánh thiện tinh tuyền, không bị nhơ nhớp nhăn nheo (Ep 5,27).

2) Sự thánh thiện “chủ thể”: diễn tả ra đời sống luân lý và thực hành nhân đức, đôi khi đến mức độ anh hùng.

B. Nền tảng Kinh thánh

Trong Cựu ước, danh xưng “Thánh” tiên vàn được áp dụng cho Thiên Chúa, nhằm nói lên tính cách siêu việt, toàn thiện của ngài. Ngài là Thánh bởi vì là Thiên Chúa, Đấng đáng được chúc tụng thán phục. Tuy vậy, ngài đã hạ cố xuống thiết lập giao ước với dân Israel, biến đổi họ thành một “một vương quốc các tư tế và một dân thánh” (Xh 19,6), được chia sẻ sự thánh thiện. Như vậy, đây là một sự thánh thiện nhờ được thuộc về Thiên Chúa, và trở thành nền tảng cho lời mời gọi sống thánh thiện: “Hãy nên thánh vì Ta là  Đấng Thánh” (Lv 11,45).

Đối với Kitô giáo, tiên vàn sự thánh thiện là một hồng ân được thông dự vào mầu nhiệm bản thân Đức Kitô là “đấng Thánh và con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Sự tiếp xúc với Người đem lại sự thanh luyện và chữa lành giống như người phụ nữ bị xuất huyết. Mục đích của bí tích là tạo ra cuộc gặp gỡ với Đức Kitô: chính nhờ cuộc tiếp xúc riêng tư với Người mà con người được thánh hóa (Rm 6,3-11). Vì thế thánh Phaolô nới rộng sự thánh thiện cho tất cả những ai ở trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã thánh hóa nhân loại (x.1Cr 1,30). Thánh tông đồ áp dụng danh hiệu “thánh” cho các Kitô hữu tại Rôma (Rm 1,7), Corintô (1Cr 1,2), và cho tất cả những người được rửa tội (Rm 8,27; 1Cr 6,1-3; Ep 1,15). Hồng ân thánh thiện trở nên trách nhiệm, đòi buộc họ phải thể hiện ơn ấy, bằng cách sống kết hợp với Đức Kitô, chống tại tội lỗi và sự gian tà (Rm 6, 12-13), phát sinh những hoa trái Thánh Linh (Gl 5,16-23), đứng đầu là bác ái.

C. Suy tư

“Thánh thiện” là một đặc tính gặp thấy nơi nhiều tôn giáo. Ở Á Đông người ta tôn kính nhiều bậc “thánh nhân” (thánh hiền). Sự thánh thiện là kết quả của sự tu luyện của con người.

Đối với Kitô giáo, sự thánh thiện cần được phân tích dưới hai phương diện: nguồn gốc và bản tính.

1) Xét về nguồn gốc, cần phải nhấn mạnh rằng duy chỉ Thiên Chúa mới là Đấng Thánh (Xh 19,6; Kh 15,4). Giáo hội được tuyên xưng là thánh thiện nhờ được thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa Tam Vị: Chúa Cha đã triệu tập Giáo hội, Đức Kitô đã yêu thương Giáo hội và đã hiến thân mình để làm cho Giáo hội nên thánh (Ep 5,25-27), Thánh Linh đã xức dầu thánh hiến họ, biến đổi họ nên đền thánh của Thiên Chúa (1Cr 3,16-17; x. Ep 2,22).  Thần khí, là Đấng Thánh, chính là nguyên ủy của công cuộc thánh hóa Giáo hội. Vì lý do ấy mà các tín biểu gắn liền Giáo hội “thánh” trong phần bàn về Thánh Linh: chính ngài là chủ động tạo ra Hội thánh như là communio sanctorum.

2) Xét về bản chất, thần học phân biệt giữa sự thánh thiện khách thể (obiectiva, hoặc “theo bản thể” ontologica), liên quan đến các yếu tố thánh hóa (Lời Chúa, các bí tích, đức mến), và sự thánh thiện chủ thể, liên quan đến các phần tử được gọi nên thánh. Khía cạnh khách thể không bao giờ thiếu, bất chấp sự khiếm khuyết của các phần tử. Đó là lý do mà Lumen gentium dám khẳng định rằng: “Chúng ta tin rằng Giáo hội là thánh thiện không hề sai sót: Ecclesia indefectibiliter sancta creditur” (số 39). Công đồng không tuyên bố rằng Giáo hội không thể nào bị sai lầm, bị mắc giới hạn, không có tội lỗi, nhưng muốn nói lên rằng Giáo hội được gắn kết với Thiên Chúa dựa trên lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy sẽ ở với các con cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ơn Chúa bảo đảm cho Giáo hội luôn giữ được bản tính của mình là chuyển thông sự thánh thiện cho nhân loại. Tuy nhiên, cũng như đối với các đặc tính khác, Giáo hội thú nhận sự mỏng dòn của các phần tử, những con người thường sa ngã phạm tội. Điều này nhắc nhở sự cần thiết phải canh tân hoán cải liên tục, cũng như khiêm tốn nhìn nhận điều kiện lữ hành của mình. Duy các phúc nhân trên trời mới chắc chắn không phạm tội.

D. Tương quan giữa thánh thiện và tội lỗi

Mối tương quan này đã đặt ra nhiều câu hỏi nan giải, xét vì thánh thiện và tội lỗi đối nghịch nhau: nếu Giáo hội là thánh, những người tội lỗi còn là phần tử nữa hay không, hay là đáng bị khai trừ? Nếu chấp nhận những người tội lỗi thì Giáo hội đâu còn là thánh nữa? Nếu nhìn nhận sự hiện hữu của tội lỗi trong Giáo hội thì nó ảnh hưởng thế nào đến bản chất của Giáo hội? Chúng ta sẽ xét hai vấn đề: những người tội lỗi trong Giáo hội; Giáo hội của những người tội lỗi hay Giáo hội tội lỗi?

1) Những người tội lỗi trong Giáo hội. Trong lịch sử Giáo hội, vấn đề này đã gây ra nhiều chủ trương đối nghịch: một bên là ý kiến muốn loại trừ những người tội lỗi khỏi Giáo hội, và chỉ dành chỗ cho những người đạo đức thánh thiện (chẳng hạn các nhóm Novaxianô, Đonatô, Cathari, Hus, Jansenius); bên kia chấp nhận rằng những người tội lỗi vẫn còn là phần tử Giáo hội. Đa số các giáo phụ chủ trương ý kiến bao dung, dựa trên lập luận rằng chỉ duy Thiên Chúa mới thấu suốt tấm lòng con người, và  chúng ta nên để dành sự xét xử cho ngài (vào ngày cánh chung, như dụ ngôn cỏ lồng vực đã nói); hiện thời, Giáo hội chỉ biết khiêm tốn hợp lòng với con cái van xin: “Xin Cha tha nợ chúng con”. Đây cũng là chủ trương của Lumen gentium (số 8) khi tuyên bố rằng Giáo hội vừa thánh thiện vừa luôn luôn cần thanh luyện (sancta simul et semper purificanda), cho nên cần không ngừng thống hối và canh tân (x. Unitatis redintegratio, số 4 và 6)[5].

2) Giáo hội tội lỗi? Xét vì Giáo hội gồm bởi những người tội lỗi, có thể khẳng định rằng “Giáo hội tội lỗi”[6] (thay vì “Giáo hội thánh thiện”)? Hans Küng chấp nhận công thức này (Giáo hội thánh thiện và tội lỗi), Karl Rahner chỉ chấp nhận công thức “Giáo hội của những người tội lỗi” (sancta Ecclesia peccatorum). Huấn quyền không bao giờ sử dụng công thức “Giáo hội tội lỗi”, bởi vì Giáo hội là dụng cụ của Thánh Linh để chiến đấu chống lại tội lỗi mà lại trở thành tội lỗi thì đâu còn trung thành với sứ mạng của mình nữa? Giáo hội gồm bởi những người tội lỗi nhưng những người này không nằm trong bản chất của Giáo hội. Thánh Augustinô nói rằng những người tội lỗi thuộc về “thân xác” chứ không thuộc về “linh hồn” của Giáo hội; sự phân biệt này được Lumen gentium lấy lại ở số 14.

3) Chấp nhận rằng Giáo hội gồm bởi những người tội lỗi không có nghĩa là nhắm mắt buông xuôi (thân phận con người là thế đó!), nhưng đòi hỏi mỗi người phải cố gắng khử trừ tội lỗi, ngõ hầu làm sáng tỏ sự thánh thiện của Giáo hội. Trên thực tế, những khiếm khuyết của con cái Giáo hội đã làm ngăn cản không ít người gia nhập Kitô giáo.

E. Ơn gọi phổ quát nên thánh

Niềm tin vào sự thánh thiện khách thể cần đi kèm với việc trung thành thể hiện ơn gọi nên thánh (nghĩa là sự thánh thiện chủ thể) hàm ngụ trong bí tích thánh tẩy (x. Rm 6,3-11). “Ý Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4,3).

Hiến chế Lumen gentium đã dành chương V cho chủ đề ơn gọi phổ quát nên thánh, nghĩa là tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh, tùy theo nếp sống của mình. Việc nên thánh hệ tại sống đức mến trong mọi hoàn cảnh (x. Cl 3,14; Rm 13,10), tôn kính Chúa Cha trong thần khí và chân lý, kết hợp với Chúa Kitô hiền lành và khiêm nhường, phát sinh những hoa trái của Thánh Linh (Gl 5,16-23). Đề tài này được khai triển trong thần học về Đời sống tâm linh, cho nên chúng tôi không muốn dài dòng ở đây[7]; chỉ xin lưu ý rằng sự thánh thiện của mỗi người không chỉ giúp ích cho đương sự mà còn tăng gia sự thánh thiện của Giáo hội.

IV. APOSTOLICA

Trong tiếng Việt, đặc tính thứ bốn được dịch là “tông truyền”. Tự nó, apostolicus là một tính từ, có nghĩa là “thuộc về tông đồ”[8]. Khi áp dụng vào Giáo hội, đặc tính này mang ba ý nghĩa chính:

1/ Giáo hội được xây dựng trên nền tảng các thánh tông đồ (Ep 2,20), những chứng nhân được Chúa Kitô tuyển chọn và ủy thác một sứ mệnh (Mt 28,16-20; Cv 1,8; 1Cr 9,1; 15,7-8; Gl 1,1).

2/ Giáo hội phải trung thành với lời giảng của các thánh tông đồ (Cv 2,42), bao gồm không những đạo lý mà cả phụng tự (các bí tích) và kỷ luật.

3/ Giáo hội được cai quản với các giám mục, là những người kế vị các thánh tông đồ.

Hạn từ “tông truyền” trong tiếng Việt bao hàm cả ba khía cạnh đó[9]. Tuy nhiên, (khác với quan điểm của Công giáo và Chính thống) Martin Luther chỉ chấp nhận hai khía cạnh đầu tiên. Việc thừa kế các tông đồ đã được nói trong chương Bốn khi bàn về phẩm trật trong Giáo hội.

Đặc tính “tông truyền” liên kết Giáo hội hôm nay với nguồn gốc nguyên thủy. Nhưng chúng ta cũng đừng nên quên đặc tính “cánh chung” của Giáo hội, hướng đến tương lai. Trên hành trình này, Giáo hội phải lắng nghe tiếng Chúa nói qua các “dấu chỉ thời đại”.

Đặc tính “tông truyền” của Giáo hội được bảo đảm nhờ những người “kế vị” các thánh tông đồ. Tuy nhiên, tất cả các tín hữu đều chia sẻ vào đặc tính ấy, nghĩa là nhiệm vụ được sai đi mang Tin mừng cho nhân loại. Đặc tính tông truyền nhắc lại đề tài “sứ vụ” đã được nói trong chương trước. Ngoài ra, tất cả các tín hữu có nhiệm vụ bảo vệ đạo lý tông truyền: đặc ân “bất khả ngộ” được trao cho tất cả Giáo hội qua cảm thức đức tin được nói đến ở số 12 của hiến chế Lumen gentium.

Kết luận

Sách Giáo lý Hội thánh công giáo kết thúc phần trình bày bốn đặc tính qua việc cho thấy sự liên kết của chúng và tính cách cánh chung của chúng:

“Hội Thánh là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong căn tính sâu xa và tối hậu của mình, bởi vì nơi Hội Thánh, “Nước Trời”, “Nước Thiên Chúa” đã hiện hữu và sẽ được hoàn thành trong ngày tận thế, Nước đó đã đến nơi Bản thân của Đức Kitô và trong trái tim của những ai được tháp nhập vào Người, đang lớn lên cách âm thầm cho đến khi nước đó tỏ hiện trọn vẹn lúc cánh chung. Lúc đó, tất cả mọi người đã được Người cứu chuộc, đã được Người “thánh hóa và làm cho nên tinh tuyền trước tôn nhan Thiên Chúa trong tình yêu”, sẽ được quy tụ thành dân duy nhất của Thiên Chúa, “Hiền Thê của Con Chiên, “Thành Thánh tự trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi sự huy hoàng của Thiên Chúa”; và “tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21,14)”.

———————-

[1] Xem Bình Hòa, Lịch sử những cuộc phân ly và hợp nhất, Thời sự thần học số 63 (tháng 2/2014), trang 23-45.

[2] Xem các bài viết của Tấn Anh, Giáo hội Công giáo với việc đại kết và của Hồng y Kurt Koch “Tình hình đại kết hiện nay” trong Thời sự thần học số 63 (tháng 2/2014). Những văn kiện của Giáo hội Công giáo về việc đại kết. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio (21-11-1964). ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về sự dấn thân đại kết Ut unum sint (25-5-1995).

[3] Xem bài của giáo sư Trần Văn Toàn về nguồn gốc của từ “công giáo” trong tiếng Việt, ở Phụ lục dưới đây.

[4] “Đối với những điều không liên can đến đức tin hay thiện ích của toàn thể cộng đoàn, Giáo Hội không muốn áp đặt một dạng thức đồng loạt cứng nhắc, kể cả trong Phụng vụ, nhưng đúng hơn, Giáo Hội muốn tôn trọng và phát huy những nét đẹp tinh thần, những tính cách đặc thù của mỗi dân tộc; trong tập tục của các dân tộc, bất cứ những gì không tuyệt đối gắn liền với những điều dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội thẩm định với nhiều thiện cảm, và nếu có thể, vẫn được gìn giữ toàn vẹn và vững chắc, hơn nữa, đôi khi còn được đưa vào trong Phụng vụ, miễn sao hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính ».

[5] Trong quá khứ, Huấn quyền đã phi bác lập trường của những người muốn loại trừ những người tội lỗi ra khỏi Giáo hội, chẳng hạn như Quesnel (DS 1201, 1205, 2474-2478).

[6] Ecclesia peccatrix. Công thức này đã xuất hiện nơi vài giáo phụ, chẳng hạn như thánh Hilario, x. J. Doignon, «Peccatrix ecclesia» Une formule d’inspiration origénienne chez Hilaire de Poitiers in: Revue des sciences philosophiques et théologiques (1990) 255-258. Một công thức khác “Castra meretrix” gặp thấy nơi thánh Ambrosio, x. G. Biffi, Casta meretrix. Saggio sulla ecclesiologia di Sant’Ambrogio, in: Sacra Dottrina 42 (1997) 112-144 .

[7] Phan Tấn Thành, Thần học về đời sống tâm linh Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập III), NXB Phương Đông, TP Hồ Chí Minh, 2015, trang 456-459. Xem thêm bài viết của Fernando Retamal Fuente, Công đồng Vaticanô II và lời kêu gọi mọi người nên thánh, trong TSTH số 82 (tháng 11/2018), trang 79-109.

[8] Trong tiếng Hy-lạp, apostolos có nghĩa là “sứ giả” (người được sai đi), nhưng đến khi chuyển sang tiếng La-tinh thì có khi dịch là “apostolus” khi được hiểu theo nghĩa chuyên môn (các thánh tông đồ), có khi được dịch là missus khi được hiểu theo nghĩa tổng quát.

[9] Thực ra tính từ apostolicus mang một ý nghĩa rộng hơn là “tông truyền” (successio apostolica). Nó có thể áp dụng cho một nếp sống (vita apostolica), hoạt động (apostolica actuositas hay cũng gọi là apostolatus), và những gì liên quan đến Tông Tòa  (Sedes apostolica) Phêrô, thí dụ tông thư (littera apostolica), tông huấn (adhortatio apostolica), vv.X. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh tập VI), NXN Phương Đông, TP Hồ Chí Minh, 2015, trang 437-444.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here