THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 90

0
2261

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC THẬP GIÁ

LỜI GIỚI THIỆU

Chủ đề của số báo được chọn nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đề cập đến lịch sử của dòng, bởi vì đã có một bài viết của nữ tu Hồ Thị Quyết, Dòng Mến Thánh Giá: Đôi nét về nguồn gốc và phát triển đăng trong số 66 (tháng 11/2014) trang 87-113. Những bài trong số này trình bày những khía cạnh lịch sử khác của thần học thập giá: lịch sử của Tân Ước, lịch sử của thần học và lối sống đạo, lịch sử của phụng vụ, lịch sử của thần học cứu độ, lịch sử linh đạo.

Ngoài ra, năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm thành lập FABC, vì thế một bài cũng được dành cho chủ đề này.

1. Sự thành hình thần học thập giá trong Tân Ước

Trong bài mở đầu, Sự tiến triển của thần học thánh giá trong Tân Ước, cha Michel Gourgues o.p. thử tạo lại tâm trạng Hội thánh tiên khởi qua ba chặng: 1/ Trong chặng đầu (kerygma), các môn đệ chỉ nói đến biến cố chết và sống lại của Đức Kitô (nhưng ít đả động đến thập giá). 2/ Sang chặng thứ hai (các thư thánh Phaolô), các môn đệ khám phá chương trình cứu độ nơi cái chết trên thập giá dựa theo lời Thánh kinh (Cựu Ước). 3/ Chặng thứ ba được đánh dấu bởi các trình thuật Thương khó trong sách Tin Mừng, lúc ấy các môn đệ mới nói đến các ý nghĩa của thánh giá, và các tín hữu cũng được mời gọi vác thánh giá đi theo Thầy.

2. Trong lịch sử Giáo hội

Qua bài Thần học thập giá trong lịch sử Giáo hội, cha Barnabas Ahern c.p. rảo qua những biến chuyển trong thần học cũng như lòng tôn kính thánh giá trải qua 6 giai đoạn: cuộc đời Đức Giêsu; Tân Ước; năm thế kỷ đầu tiên; thời Trung đại; sau công đồng Trentô; thế kỷ XX. Linh đạo thánh giá đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng sự hiện diện liên tục của nó trên thế giới là điều được bảo đảm chắc chắn. Cho dù linh đạo thập giá có mang hình thức thế nào chăng nữa, người Kitô hữu luôn luôn phải nhìn ngắm Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá để đạt được việc chia sẻ lòng trung tín và yêu thương của Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng đã “yêu thương chúng ta và vì chúng ta mà đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2).

3. Phụng vụ và Thánh giá

Trong nguyên gốc Hy-lạp, theologia (gồm bởi “theos” và “logos”) không chỉ là những lời lẽ hoặc suy tư về Thiên Chúa, mà còn là lời nói với Thiên Chúa. Trong bài Thần học về thập giá trong phụng vụ Tây phương, cha Manuel Garrido Bonaño, o.s.b., thuật lại những cách thức mà Giáo hội tuyên xưng niềm tin và chúc tụng Thiên Chúa vì công trình Ngài đã thực hiện cho nhân loại nơi thập giá Đức Kitô. Tác giả nêu lên 11 chủ đề khác nhau gặp thấy nơi các sách Phụng vụ (Sách Lễ cũng như sách Phụng vụ các Giờ kinh).

4. Suy tư thần học: mầu nhiệm cứu chuộc

Khi ngắm nhìn Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, ít là hai câu hỏi nảy lên trong tâm trí của người tín hữu: 1/ Vì lý do gì Người phải chết như vậy? 2/ Cái chết ấy có ích lợi gì không? Linh mục Phan Tấn Thành, trong bài Thập giá và mầu nhiệm cứu độ, nhìn lại những câu trả lời cho hai câu hỏi ấy, trước hết là trong Tân Ước, rồi đến lịch sử thần học. Ngay từ thời các giáo phụ, đã có hai khuynh hướng khác nhau khi tiếp cận vấn đề cứu độ: bên Đông phương chú trọng đến mầu nhiệm Nhập thể, bên Tây phương tập trung vào thập giá. Điều thú vị là trong thế kỷ XX, thần học đã xét lại toàn bộ cách thức tiếp cận môn “Cứu độ luận”: một đàng, cần đặt thánh giá trong bối cảnh của lịch sử cứu độ (do đó được nhìn trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa cũng như trong toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu); đàng khác, cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ cổ điển diễn tả công trình cứu độ của Đức Kitô (cứu chuộc, giải phóng, đền tội, vv) dựa theo ngôn ngữ của Kinh thánh chứ không dựa theo các phạm trù triết học.

5. Huyền bí

Trong đời sống Kitô hữu, thập giá Đức Kitô không chỉ là đề tài cho cuộc suy tư nhưng còn ảnh hưởng đến đời sống nữa. Trong bài Huyền nhiệm cuộc Thương khó, cha Flavio di Bernardo c.p., điểm qua những cảm nghiệm huyền nhiệm của các tín hữu kể từ Tân Ước cho đến thời cận đại. Thánh giá là nguồn gợi hứng cho nhiều linh đạo, tựa như: “vác thập giá”, “tuân theo ý Chúa”, “phó thác”, “khổ chế”, “đền tạ”, “giải phóng người nghèo”, vv.

6. Kỷ niệm 50 năm thành lập FABC

Năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences, viết tắt là FABC). Chúng tôi muốn giới thiệu hai tài liệu liên quan.

1/ Ôn lại buổi đầu của tổ chức FABC. Tuy lấy dấu mốc là cuộc họp các giám mục tại Manila từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 11 năm 1970, với sự hiện diện của thánh giáo hoàng Phaolo VI, nhưng có thể nói là lai lịch của Hội nghị các Giám mục Á châu đã bắt đầu từ năm 1958; mặt khác, FABC được thành lập theo pháp lý cách chính thức vào ngày 16 tháng 11 năm 1972.

2/ Nhìn lại những đóng góp của FABC cho các Giáo hội tại châu lục này, đặc biệt qua việc phân tích đề tài của 11 Hội nghị khoáng đại (từ 1974 đến 2016)[1].

* * *

Trước khi bước vào nội dung các bài viết, thiết tưởng nên thêm vài ghi nhận ý nghĩa của vài từ ngữ “chuyên môn” được sử dụng trong số báo này.

1/ Câu-rút, thập giá, thánh giá

Tên Dòng do Đức Cha Lambert de La Motte sáng lập là “Dòng Chị Em Mến Câu Rút Đức Chúa Jêsu”, và mãi đến đầu thế kỷ XX mới chuyển ra “Thánh giá”. Có người cho rằng “Câu rút” phiên âm từ tiếng Latinh (crux) nhưng cũng có ý kiến nghĩ là từ tiếng Bồ-đào-nha (cruz). Dù sao ngày nay, nó đã biến khỏi ngôn ngữ thông dụng. Hai từ quen thuộc hơn là “thánh giá” hoặc “thập giá” khi dịch các danh từ crux (Latinh), croix (Pháp), cross (Anh). Nói cho đúng, đó là hai danh từ dùng trong Kitô giáo, chứ ở bên ngoài người ta dịch là “chữ thập” hoặc “thập tự” (thí dụ Hội Chữ Thập đỏ). Linh mục Huỳnh Trụ đề nghị dùng “thập giá” (hay thập tự giá) để ám chỉ cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, còn “thánh giá” ám chỉ cây giá đóng đinh Chúa Giêsu[2]. Trong số này, hầu hết các bài dùng tiếng “thập giá”, riêng bài thứ ba và thứ năm dùng tiếng “thánh giá”.

2/ Cứu độ / cứu chuộc

Trong tiếng Việt, hai từ này coi như đồng nghĩa, nhưng thực ra chúng tương đương với hai từ với ý nghĩa khác nhau trong ngôn ngữ Âu châu. Một đàng là salvare (Latinh), sauver (Pháp), to save (Anh); một đàng là redimere (Latinh), racheter (Pháp), to redeem (Anh). Trong bài thứ bốn, chúng tôi sẽ có cơ hội giải thích sự khác biệt giữa hai từ này, (cũng như sự khác biệt giữa “đền tội, đền bù, sửa sang”).

3/ Thương khó / Khổ nạn

Trong bài thứ năm, danh từ Passion được dịch là “cuộc thương khó” (có nghĩa là “đau thương khốn khổ”, tuy có tác giả cũng dịch là “Khổ nạn”), và Mystique là “huyền nhiệm” (tuy cũng có thể dịch là “huyền bí, thần bí”).

————————–

Trung tâm Học vấn Đa Minh 

[1] Trước đây Thời sự Thần học đã có hai bài viết về FABC: 1/ Tiến sĩ Phêrô Nguyễn Văn Hải, “Fides quaerens dialogum: các phương pháp thần học của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu” (số 35, tháng 1/2012, trang 110-149); 2/ Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, “FABC và việc loan báo Tin Mừng tại châu Á” (số 61, tháng 8/2013, trang 171-186).

[2] Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng công giáo (Lưu hành nội bộ 2012), trang 240-247.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here