Phan Tấn Thành
Tại một số nhà thờ mới cất bên Việt Nam, người ta thấy trên Thập giá thay vì tượng Chúa chịu nạn lại có tượng Chúa Phục sinh hay Linh mục Thượng phẩm. Tại sao lại có sự thay đổi ấy?
Từ sau công đồng Vaticanô II, người ta chứng kiến một số thay đổi trong lãnh vực phụng vụ. Thoạt tiên xem ra có vẻ mới, và khiến cho có người băn khoăn: phải chăng công đồng Vaticanô II đã thay đổi đức tin của Giáo hội? Thế nhưng nếu xét kỹ ra, thì nhiều sự thay đổi không hoàn toàn mới nhưng lấy lại truyền thống từ lâu đời của Giáo hội mà thôi. Tỉ như ngôn ngữ dùng trong phụng vụ: vào những thế kỷ đầu, phụng vụ được cử hành bằng tiếng địa phương, và thậm chí tại Rôma ngôn ngữ của phụng vụ là tiếng Hy-lạp, tức là tiếng giao thông thương mại thời đó, chứ không phải là tiếng La-tinh. Ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về việc thay đổi tượng Chúa chịu nạn bằng tượng Chúa Phục sinh: đây không phải là sự canh tân, song là trở về nguồn. Ta cần phải lồng vấn đề này trong lịch sử của việc người Kitô hữu tôn kính thánh giá của Chúa. Đại khái, ta có thể chia ra bốn giai đoạn như sau.
Thứ nhất, trong những thế kỷ đầu, người Kitô hữu không có trưng bày thập giá nơi công. Lý do vì thời ấy, thập giá la nhục hình của người Rôma để xử những tên đại phạm. Ta có thể tưởng tượng rằng dân tộc mình tuy có ghi ơn các anh hùng liệt sĩ chống thực dân Pháp, nhưng chắc không ai lại xây đài kỷ niệm để tôn kính cái máy chém mà người Pháp đã xử tử các liệt sĩ ấy. Ngoài ra có thể còn lý do khác nữa: cảnh sát Rôma đang lùng bắt các Kitô hữu; thập giá mà họ mang có thể trở nên dấu hiệu phát lộ căn cước của mình và có nguy cơ bị chộp.
Tuy nhiên tình trạng vừa nói bị lật ngược từ thế kỷ IV. Và ta có thể gọi là giai đoạn hai. Giáo hội được hưởng hoà bình. Không cần phải giấu diếm các thập tự nữa, nhất là từ khi Constantinô nhìn nhận ông đã thắng trận nhờ một dấu Thánh giá hiện ra trên trời. Ông cũng ra lệnh bãi bõ hình phạt xử tử trên thập giá. Việc tôn kính thập giá được phát triển mạnh kể từ khi chính vua Constantinô tìm thấy thánh giá của Chúa Giêsu tại Giêrusalem nam 326. Tuy nhiên, ta nên biết rằng cho đến lúc này việc trưng bày và tôn kính chỉ dành cho chính Thập giá mà thôi, nghĩa là không có hình ảnh của Chúa Giêsu. Thực vậy, tuy những Thập giá được trang hoàng với những viên ngọc quý báu, với những tia sáng tỏa ra, nhưng chỉ là thập giá trần trụi. Tại sao vậy? Có lẽ người tín hữu thời đó không muốn nhìn thấy Đức Giêsu trần truồng trên thập giá, nhưng muốn nhìn thấy Thập giá như là nguồn sống, dấu hiệu của sự chiến thắng tội lỗi, và vinh quang Phục sinh.
Từ đó, chúng ta bước sang một giai đoạn thứ ba. Mỗi khi muốn trình bày đức Kitô trên Thập giá, thì hoặc là người ta trình bày biểu tượng tỉ như hai chữ mẫu tự Hy-lạp bắt đầu tên đức Kitô, hoặc hình ảnh Chiên Thiên Chúa (chiên hiến tế nói trong sách Khải huyền), hoặc đức Kitô vinh hiển.
Mãi đến thời Trung cổ, với sự phát triển của nền thần bí chú trọng đến nhân tính đau khổ của đức Kitô, người ta mới thấy tạc tượng Chúa chịu nạn, đầu đội mão gai với những thương tích trên thân mình. Ta có thể coi đây là giai đoạn thứ bốn. Tóm lại, xét theo lịch sử, thì việc trình bày Chúa chịu nạn trên Thập gia xuất hiện sau việc trình bày Chúa Phục sinh.
Tuy nhiên, nếu muốn trung thực với lịch sử, thì phải trình bày Chúa chịu nạn mới đúng chứ: Chúa chết trên Thập giá chứ khi sống lại thì đâu có còn Thập giá nữa. Nhất là khi dâng Thánh lễ, tưởng niệm việc Chúa chịu chết, thì Thập giá trên bàn thờ phải trình bày Chúa chịu nạn mới hợp với ý nghĩa thần học chứ.
Dĩ nhiên, nếu muốn trung thực với lịch sử thì tượng Chúa trên thập giá phải là Chúa chịu nạn mới đúng. Nhưng nếu xét theo thần học thì khác, xét về thần học của Thập giá lẫn thần học của Thánh Lễ.
Xét về thần học của Thập giá, thì thánh Gioan đồng hóa việc Chúa Giêsu bị treo lên Thập giá với việc tôn vinh: việc treo lên đồng hóa với việc cất nhắc lên. Thập giá không phải chỉ là biểu hiệu của đau khổ, nhưng cũng là biểu hiệu của vinh quang, mở đường cho cuộc Phục sinh nữa.
Còn xét về thần học Thánh lễ, thì chúng ta cũng không được quên rằng Thánh lễ không những chỉ tưởng niệm việc Chúa chịu chết, nhưng còn tưởng niệm việc Chúa sống lại nữa. Nói tóm lại, xét dưới khía cạnh thần học, thì tượng Chúa chịu nạn hay tượng Chúa phục sinh đều đúng cả. Mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô bao gồm cả sự chết và sống lại. Nhưng một hoạ sĩ khó có thể trình bày hai khía cạnh ấy trong một tác phẩm được. Ngoài ra, ta có thể thêm một tư tưởng khác khác nữa: việc Chúa dang tay ra cũng hàm ngụ ý nghĩa cầu nguyện; vì thế không lạ gì có những hoạ sĩ muốn trình bày Đức Kitô trên Thập giá trong phẩm phục Thượng tế: không những Ngài chỉ dâng hiến lễ một làn trên thập giá, nhưng Ngài vẫn còn tiếp tục chuyển cầu cho chúng ta, theo thần học của lá thư gửi Do thái.
Luôn tiện, xét về lịch sử của việc đặt thánh giá trong nhà thờ, nên biết rằng bên Đông phương người ta đã đặt Thánh giá trên bàn thờ từ thế kỷ V; nhưng bên Tây phương thì muộn hơn. Lúc đầu, chỉ có thánh giá (không có tượng) dùng để rước kiệu; và thánh giá được đặt cạnh bàn thờ trong buổi cử hành phụng vụ, sau đó lại theo đoàn kiệu cất vào phòng áo. Mãi đến thế kỷ XIII, Đức Giáo hoàng Innôcentê III mới buộc đặt Thánh giá trên (chứ không phải cạnh) bàn thờ. Và sang thế kỷ sau, mới thêm rằng Thánh giá phải mang tượng Chúa chịu nạn.
Thế thì phải đặt Thập giá trên bàn thờ hay trên tường?
Cho đến công đồng Vaticanô II, khi các bàn thờ xây sát vào tường cuối nhà thờ, vấn đề không được đặt ra. Thánh giá ở trên tường cũng là ở trên bàn thờ. Nhưng sau công đồng, bàn thờ được tách ra khỏi tường vì linh mục làm lễ quay xuống bổn đạo. Tôi nghĩ thánh giá trên tường đã đủ. Đó là chưa kể ở những nhà thờ đã được cung hiến theo luật phụng vụ còn có 12 dấu thập giá ở hai tường bên hông nhà thờ.
Nhân nói về thập giá, con muốn hỏi cha: tại sao có cha làm dấu thánh giá ban phép lành với ba ngón tay còn hai ngón kia chụm lại; có cha thì giơ thẳng cả năm ngón?
Việc làm dấu Thánh giá với ba hay năm ngón tay có cả một lịch sử của nó. Theo các sử gia, tục lệ làm dấu Thánh giá với hai hay ba ngón tay xuất hiện bên Đông phương hồi thế kỷ VI với lý do thần học. Làm dấu với hai ngón tay nhằm tuyên xưng đức Kitô gồm có thiên tính và nhân tính, để chống lại lạc giáo Monophysit (chủ trương đức Kitô chỉ có thiên tính); còn làm dấu với ba ngón nhằm tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa. Tục lệ ấy về sau được du nhập vào Tây phương, cách riêng khi các linh mục làm dấu Thánh giá trên của lễ hoặc khi ban phép lành cho giáo dân.
Thế còn các giáo dân có được làm dấu Thánh giá với 3 ngón hay 5 ngón tay không?
Điều đó không ai cấm cũng không ai buộc. Nên biết là trong lịch sử có nhiều hình thức làm dấu thánh giá. Từ thế kỷ II, người tín hữu đã có thói quen vạch dấu thánh giá trên trán bằng ngón tay cái hay ngón hay trỏ. Đến thế kỷ IV thì làm dấu thánh giá trên ngực nữa. Còn dấu thánh giá trên môi thì mãi tới thế kỷ VIII mới thấy nói tới. Đó là cái mà chúng ta quen gọi là làm dấu thánh giá kép.
Còn dấu thánh giá đơn vạch từ trán xuống ngực và qua hai vai thì xuất hiện riêng tư từ thế kỷ V, nhưng chỉ được phổ biến từ thế kỷ X trong các đan viện. Hồi thế kỷ XIII, ĐGH Innôcentê III khuyên nên làm dấu thánh giá như vậy với ba ngón tay, từ trán xuống ngực, rồi từ vai phải sang vai trái. Thế nhưng qua thế kỷ sau, thì người ta làm dấu với 5 ngón tay, và đổi ngược thứ tự hai vai, nghĩa là từ trái sang phải. Trong khi bên Tây phương, thì khi làm dấu thánh giá người ta quen đọc: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”; bên Đông phương thì người ta dùng nhiều công thức khác nhau, tỉ như: “Lạy Chúa chí thánh, Lạy Chúa Chí thánh và Hùng mạnh, Lạy Chúa Chí thánh, Hùng mạnh và Bất tử, xin thương xót chúng con”. – Dù sao, theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng không phải là làm dấu với mấy ngón hoặc vai nào trước vai nào sau, nhưng tiên vàn là vạch cho ra hình thập giá chứ không phải nguệch ngoặc như đuổi ruồi. Thứ đến chúng ta nên ý thức ý nghĩa của việc làm dấu như vậy. Nó là sự tuyên xưng rằng chúng ta là người Kitô; tuyên xưng rằng chúng ta để cho Ngài ghi ấn trên bản thân chúng ta, cũng như tuyên xưng rằng Ngài đã cứu rỗi chúng ta nhờ Thập giá. Mặt khác dấu ấy cũng là lời kêu van, xin Chúa đến giúp chúng ta nhờ sức mạnh cứu rỗi từ thập giá. Sau cùng, nó cũng có nghĩa hiến dâng: chúng ta dâng cho Chúa công việc sắp khởi sự, ngõ hầu làm vinh danh cho Thiên Chúa Ba Ngôi.