Chúa Nhật XXI Thường Niên, Năm A

0
901

 LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc IIs 22,15. 19-23 

15 ĐỨC CHÚA các đạo binh là Chúa Thượng phán:
Hãy đi gặp viên quan ấy là Sép-na, tể tướng triều đình, và nói:

19 Đức Chúa phán: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ,
Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.

20 Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta
là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu.

21 Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.

22 Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.

23 Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,
nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.”

2/ Bài đọc IIRm 11,33-36 

33 Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!

34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?

35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?

36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.

3/ Phúc ÂmMt 16,13-20

13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”

15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quyền bính đến từ Thiên Chúa.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự tôn trọng quyền bính bị khủng hỏang trầm trọng từ trong gia đình đến xã hội và lan cả trong Hội Thánh. Lý do của cuộc khủng hỏang là khuynh hướng tự do quá trớn cho rằng mọi người đều bình đẳng, không ai có quyền bảo ai làm gì cả nếu họ không muốn. Trong gia đình, từ chỗ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đến chỗ con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Nơi các giáo xứ, từ chỗ cha xứ bảo sao nghe làm vậy đến chỗ giáo dân làm áp lực để Đức Giám-mục phải thuyên chuyển cha xứ đi nơi khác. Ngay cả trong Giáo Hội, từ chỗ phải tuyệt đối vâng lời Đức Giáo Hoàng vì Ngài là đại diện của Chúa ở trần gian đến chỗ chỉ trích ngài già nua, lỗi thời, và khinh thường mọi giáo huấn đến từ ngài.

Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận biết nguồn gốc và sự quan trọng của quyền bính, và sẽ giúp chúng ta biết tôn trọng và nghe lời các nhà lãnh đạo hơn. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn làm nổi bật quyền bính đến từ Thiên Chúa. Ngài không muốn quyền bính ở trong tay quan Tể Tướng Shebna nữa, nên Ngài trao quyền bính vào tay Eliakim con của Hilkiah. Trong bài đọc II, thánh Phaolô phải ngạc nhiên khi suy niệm về sự giàu có, sự khôn ngoan, và sự thấu hiểu của Thiên Chúa. Không một ai có thể hiểu nổi những quyết định và những đường lối của Ngài. Bổn phận của con người không phải là chất vấn Thiên Chúa, nhưng biết khiêm nhường vâng theo những thánh chỉ của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá Phêrô và trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông qua biểu tượng chìa khóa Nước Trời. Ngài cũng long trọng hứa: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Quyền bính đến từ Thiên Chúa.

1.1/ Quyền bính đến từ Thiên Chúa: Ngài có quyền trao ban và có quyền cất đi, không ai có thể chống cự lại khi Ngài cất đi. Quyền hành bị lấy đi và trao vào tay người khác khi người đương cầm quyền khinh thường Thiên Chúa hay không chu toàn sứ vụ của mình.

Chúa phán với tiên tri Isaiah: “Hãy đi gặp viên quan ấy là Shebna, tể tướng triều đình, và nói: Đức Chúa phán: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là Eliakim, con của Hilkiah: Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Jerusalem và với nhà Judah.” Lý do Thiên Chúa truất phế Shebna có lẽ vì lối sống xa hoa của ông hay vì thái độ cấu kết với ngoại bang (Ai-cập) mà không chịu hành động theo sự hướng dẫn của Ngài qua các ngôn sứ. Thiên Chúa không chỉ có quyền bính trên dân của Ngài, nhưng còn có toàn quyền trên tất cả những nhà lãnh đạo của mọi dân tộc. Ví dụ, Vua Cyrus, hoàng đế Ba-tư. Thiên Chúa dùng Nhà Vua như khí cụ để phóng thích cho dân tộc Do-thái về hồi hương.

1.2/ Khi Chúa ban quyền, Ngài cũng ban khôn ngoan và sức mạnh của Ngài cho người cầm quyền. Chìa khóa là biểu tượng của quyền hành. Khi Chúa trao chìa khóa cho ai là Ngài đặt trọn vẹn tin tưởng và trao quyền hành cho người đó thay Chúa để điều khiển. “Chìa khoá nhà David, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.”

Người lãnh nhận quyền bính từ Thiên Chúa là để phục vụ Dân Chúa, để trở thành “cha đối với cư dân Jerusalem và với nhà Judah;” chứ không phải để bắt người khác phục vụ, hay ức hiếp dân lành.

2/ Bài đọc II: Không ai có thể hiểu sự khôn ngoan và đường lối của Thiên Chúa.

2.1/ Con người thường đánh giá trị theo những tiêu chuẩn bên ngoài: Con người thường có khuynh hướng đánh giá trị dựa vào những tiêu chuẩn thấy được: khỏe mạnh, trẻ trung, sắc đẹp, lanh lợi, lịch thiệp, kiến thức, giàu có… Nhưng biết bao người đã lầm to sau khi đã dựa vào những tiêu chuẩn này để chọn lựa vì không ai học được chữ “ngờ!” Những hình thức bên ngòai chỉ là những lớp sơn hào nhoáng che giấu những mưu toan nham hiểm bên trong đang chờ cơ hội để bộc phát.

2.2/ Thiên Chúa thấu rõ những ý định trong tâm hồn con người: Nếu thái độ “suy bụng ta ra bụng người” trên không thể áp dụng vào con người, càng không thể áp dụng cho Thiên Chúa. Vì, “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.”

Trong lịch sử của Do-thái cũng như của nhân lọai, biết bao nhiêu lần con người đã đánh giá trị sai về các biến cố đã xảy ra trong lịch sử! Lý do đơn giản là vì họ đã dùng những tiêu chuẩn của con người thay vì của Thiên Chúa; họ quá chú trọng đến hình thức bên ngòai trong khi Thiên Chúa nhìn thấu suốt bên trong; họ chỉ có thể biết những gì đang xảy ra hiện tại trong khi quá khứ, hiện tại, và tương lai là một trước Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Quyền điều khiển Giáo Hội được trao cho Phêrô.

3.1/ Hai cách nhìn khác nhau: cách nhìn của người thường và cách nhìn của các môn đệ về “Con người của Chúa Giêsu.” Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và các môn đệ dẫn chứng hai cách nhìn này: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

Phêrô là người đầu tiên nhận ra và tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa vì ông không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài như các người đương thời, nhưng ông nhìn tận bên trong theo mặc khải của Thiên Chúa. Cũng vậy, khi người Công-giáo nhìn vào Đức Giáo Hoàng và cấu trúc của Giáo-hội, chúng ta không nhìn ngài như một người lãnh đạo bình thường và cấu trúc đó như bao cấu trúc khác; nhưng là đại diện của Thiên Chúa và cấu trúc được Thiên Chúa soi sáng.

3.2/ Trên Đá Tảng này Thầy sẽ xây Giáo Hội: Các nhà chú giải tranh luận “Ai là Đá trong câu này?” Đối với người Do-Thái: Đá tảng chỉ áp dụng cho Thiên Chúa mà thôi (Ps 18:2, 31; Dt 32:4, 31; I Sam 2:2, II Sam 22:2). Thánh Augustin đồng ý lập luận này. Người khác cho rằng “Đá tảng” là “Sự Thật,” Phêrô là người đầu tiên khám phá và tuyên xưng Sự Thật này. Người khác cho “Đá tảng” là chính niềm tin của Phêrô vào Chúa, và chính niềm tin này mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Mỗi câu trả lời đều cho chúng ta một lối nhìn về Phêrô: Ông là người được chọn bởi Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa là Đá tảng, người cũng sẽ làm cho ông thành Đá tảng mà trên đó Gíao Hội được xây dựng. Đá tảng cũng là Sự Thật và niềm tin của Phêrô vào Chúa mà không một quyền lực nào có thể lấn át được.

3.3/ Tranh luận về quyền của Thánh Phêrô và các Đức Gíao Hòang kế vị ngài: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Không biết bao nhiêu giáo hội và con người qua các thời đại đã tranh luận về câu Phúc Âm này và quyền bính tuyệt đối của Đức Gíao Hòang. Nhiều người đã công nhận đây là lý do chính ngăn cản các giáo hội trong sự hiệp nhất chứ không phải khác biệt về đạo lý. Nhiều giáo hội sợ một khi đã đồng ý trở về với Giáo Hội là họ phải phục tùng quyền bính của Đức Giáo Hoàng.

* Tranh luận về ơn “không thể sai lầm” khi tuyên xưng trọng thể những tín điều thuộc lãnh vực đức tin và luân lý. Công đồng Vatican II, trong Hiến-chế “Ecclesiae Christi,” chương iv, đã xác định như sau: “Chúng tôi truyền dạy và xác định đó là một tín điều do Thiên Chúa mặc khải khi Đức Giáo Hòang tuyên xưng ex cathedra, nghĩa là khi ngài dùng chức vụ mục tử và tiến sĩ của tất cả các Kitô hữu, bởi quyền tối thượng kế vị các Tông Đồ của ngài, khi ngài định nghĩa là một tín điều liên quan đến đức tin hay luân lý phải được chấp thuận bởi Giáo Hội phổ quát, vì sự trợ giúp từ Thiên Chúa đã được hứa cho ngài qua Thánh Phêrô, vì được sở hữu của ơn không thể sai lầm mà Đấng Cứu Chuộc đã mong muốn Giáo Hội của Ngài được trang bị trong việc định nghĩa là tín điều những gì thuộc đức tin và luân lý, và vì thế, những định nghĩa như thế bởi Đức Giáo Hòang và không bởi sự đồng ý của Gíao Hội không thể sửa đổi.”

* Nhiều người đã phủ nhận quyền bính và “ơn không thể sai lầm” của Đức Giáo Hoàng trong câu Phúc Âm này, nhưng một bằng chứng mà họ không phủ nhận được là quyền bính của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội vẫn tồn tại hơn 2000 năm qua. Hai bằng chứng hùng hồn cho thấy đâu là sự phiên dịch đúng của Phúc Âm hôm nay.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã chuẩn bị kế họach để con người luôn có những nhà lãnh đạo cần thiết trong mọi trạng huống của cuộc đời.

– Chúng ta cần tuân phục cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo trong tôn giáo cũng như ngòai xã hội để bảo vệ trật tự chung trong gia đình, xã hội, và Giáo Hội.

– Người lãnh đạo được trao quyền bởi Thiên Chúa để phục vụ và mưu ích chung cho mọi người chứ không phải để hống hách và vun xới cho bản thân. Họ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những người Chúa trao.

– Người Công Giáo phải nhìn mọi sự dưới con mắt đức tin. Họ phải tuyệt đối tin tưởng và vâng lời Đức Giáo Hoàng.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2108:ch-nht-21-thng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here