TGH Gioan Phaolô II – BÀI 105. HỘI THÁNH KHÔNG THỂ TỪ BỎ VIỆC TRUYỀN GIÁO

0
461

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 105. HỘI THÁNH KHÔNG THỂ TỪ BỎ VIỆC TRUYỀN GIÁO

Dù phải đối diện với nhu cầu tân Phúc Âm hóa, Hội Thánh không thể từ bỏ hoạt động truyền giáo cho những nơi chưa được nghe biết về Đức Kitô.

1. Các thuật ngữ truyền thống thường đề cập đến “các việc truyền giáo” (số nhiều), và “các thừa sai” là những người thi hành các sứ vụ đó bởi một lệnh truyền cụ thể. Lối diễn tả này không đối nghịch với tính duy nhất trong sứ vụ của Hội Thánh; đúng hơn, nó diễn tả bổn phận truyền giáo cách phong phú hơn. Các vị thừa sai không những không làm lu mờ nguyên tắc toàn thể Hội Thánh là thừa sai, mà họ còn đích thân thực thi nguyên tắc đó.

Truyền giáo là gì? Theo Công đồng, đó là “tất cả những hoạt động đặc biệt qua đó Hội Thánh sai những người loan báo Tin Mừng đi khắp thế gian để thực hiện phận vụ rao giảng Phúc Âm, và gầy dựng Hội Thánh nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa tin vào Chúa Kitô” (AD, 6). Trong thông điệp Redemtoris missio, điều này được diễn tả như sau: Việc truyền giáo được thực thi trong các vùng mà Hội Thánh “chưa được bén rễ”, và nơi các dân tộc mà “văn hóa của họ chưa được Tin Mừng tác động” (số 34).

2. Có thể nói, các hoạt động ấy nhằm mục đích xây dựng Hội Thánh địa phương. Chúng không chỉ góp phần vào việc thiết lập cấu trúc và cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, nhưng còn chung tay hình thành các cộng đoàn sống đời Kitô hữu bằng việc công bố Lời Chúa và cử hành các bí tích. Thánh Tôma Aquinô cũng nói đến việc gầy dựng này của Hội Thánh như là trách vụ (munus) tông đồ (x. I Sent., D. 16. q. 1. a. 2, ad 2 và 4; Summa Theologia, I, q. 43, a. 7, ad 6; I-II, q. 106, a. 4, ad 4). Hạn từ này (munus) vốn thuộc truyền thống Giáo hội học, lại được các cơ quan Giáo triều sử dụng trong nhiều văn bản ngày nay, và cũng đã được công đồng Vaticanô II sử dụng (x. AG, 34). Các vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, cũng như thánh Tôma sử dụng một hạn từ khác “dilatatio Ecclesiae” (Mở mang Hội Thánh) (x. Thánh Tôma, Comm. in Matth. 16:28). Công đồng giải thích rằng: “Phương tiện chủ yếu để gầy dựng [và mở rộng] Hội Thánh là việc rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. […]Từ hạt giống Lời Chúa, các Hội Thánh địa phương được tăng trưởng khắp nơi trên thế giới,” trong thân mình duy nhất của Hội Thánh, nơi đó, người ta “sẽ nhờ bí tích Thánh Tẩy mà gia nhập Hội Thánh, chính là thân mình của Ngôi Lời nhập thể, cùng được nuôi dưỡng và sống nhờ lời Chúa và bánh Thánh thể (AD, 6; x. Cv 2,42; 1 Pr 1,23). Đây là các Hội Thánh “có được khả năng tự túc và trưởng thành”, được ban cho một hàng Giáo phẩm riêng cùng với những phương tiện thích hợp để sống cuộc đời Kitô hữu, và có thể góp phần vào thiện ích chung của toàn thể Hội Thánh.

Đây là lý tưởng cho các hoạt động truyền giáo theo đuổi: Thiết lập một Hội Thánh tự cung ứng cho chính mình các mục tử, và những điều cần thiết cho đời sống đức tin, nhưng vẫn giữ mối hiệp thông với các Hội Thánh địa phương khác và với Ngai tòa thánh Phêrô.

Các giai đoạn khác nhau của hoạt động truyền giáo

3. Việc truyền giáo có thể được chia thành các giai đoạn khác nhau (x. AD, 6): “giai đoạn khởi lập hay gieo trồng” với việc rao giảng Tin Mừng nhằm đưa người ta đến Phép Rửa; sau đó là “thời kỳ sơ khai hay non trẻ” với việc giáo dục đức tin và lối sống Kitô giáo, định hình các cộng đoàn địa phương, hình thành và phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ. Trong các giai đoạn thành hình này, cộng đoàn được cung cấp một cấu trúc thừa tác viên nhằm thăng tiến trong viễn cảnh cởi mở và hợp tác truyền giáo.

Đã có nhiều hiểu lầm về hoạt động truyền giáo và giá trị của các sứ vụ, cả trong thời gian gần đây. Khởi đi từ mối liên hệ giữa hoạt động truyền giáo và chính sách thực dân, vì những hoàn cảnh lịch sử ngẫu nhiên, một số người muốn kết luận rằng: các sứ vụ cũng dần biến mất theo sự biến mất của các thuộc địa trong lịch sử.

Ngoài những điều mơ hồ trên, còn có suy nghĩ cho rằng, các Hội Thánh đã được Phúc Âm hóa trước đây và đã gửi các thừa sai đến các “nước truyền giáo”, bây giờ lại trở thành các “miền truyền giáo” cần được “tân Phúc Âm hóa”. Do đó, một vấn đề nảy sinh là phải lựa chọn giữa một bên là sứ vụ ở các quốc gia chưa được truyền giáo, và bên kia là nhiệm vụ cấp bách của công tác tông đồ tại các quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời.

4. Không thể giải quyết vấn nạn này bằng cách chọn phương án thứ hai, thực thi cách tuyệt đối, gây bất lợi cho phương án thứ nhất. Đúng là nhu cầu tân Phúc Âm hóa khiến người ta cảm thấy rằng, “tại các quốc gia Kitô giáo lâu đời, tất cả những người đã lãnh Phép Rửa đánh mất ý nghĩa của đời sống đức tin, hoặc thậm chí không bao giờ tự nhận mình là thành viên của Hội Thánh và luôn giữ một lối sống xa cách Đức Kitô và Tin Mừng của Người” (Redemptoris missio, 33). Hoạt động truyền giáo cụ thể không thể bị chối từ, nhưng phải được thực hiện ở các vùng đất mà Hội Thánh chưa được bén rẽ, hay số Kitô hữu ở đó còn ít ỏi. Sứ điệp Tin Mừng phải được đem đến cho mọi người và cho chính các cộng đoàn Kitô hữu, ngay cả khi họ đang hưng thịnh và mẫu mực, và phải có khả năng tác động tích cực trên các nền văn hóa và các thể chế thông qua một cuộc đối thoại hữu ích giữa các nhóm và các cộng đoàn khác nhau.

Như tôi đã chỉ ra trong thông điệp Redemptoris missio, “Số người không biết Đức Kitô và chưa thuộc về Hội Thánh tiếp tục gia tăng. Thật vậy, từ khi kết thúc Công đồng, con số đó tăng lên gấp đôi” (số 3). Lý do là vì khi dân số thế giới gia tăng không ngừng, thì tỷ lệ những người không-Kitô giáo tăng đáng kể bởi những lý do thống kê dân số, và vì sự kiên định bảo toàn các yếu tố tôn giáo vốn có cùng bản chất với văn hóa.

5. Do đó, khi đề cập đến mối tương quan giữa hoạt động truyền giáo và chính sách thực dân của một vài quốc gia, cần phải xem xét cách bình tĩnh và rõ ràng các sự kiện. Trong một số trường hợp, các sự kiện ấy là sự trùng hợp ngẫu nhiên, dẫn đến các lối ứng xử đáng bị chỉ trích. Điều này đã xảy ra trong mối tương quan với các quốc gia mà các thừa sai xuất thân, hoặc trong việc hợp tác với thẩm quyền địa phương vốn không thể phớt lờ. Tuy vậy, xét về tổng thể, hoạt động truyền giáo luôn được phân biệt rõ bởi mục đích rất khác so với các quyền lực thế gian. Nó nhắm đến việc thăng tiến phẩm giá của những người đón nhận Tin Mừng, đưa họ vào tương quan tử hệ thần linh đã được dành sẵn cho mọi người nhờ Đức Kitô, và được thông truyền cho những kẻ tin nhờ Phép Rửa. Thật vậy, điều này cổ võ hành trình hướng đến tự do và phát triển của họ, thậm chí cả trong lãnh vực xã hội và kinh tế. Các thừa sai đã hành động vì lưu tâm đến con người với tư cách là những người được Thiên Chúa yêu thương và được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc.

Hội Thánh, đôi khi, bị giới hạn vào một sự hiện diện kín đáo

Cũng như trong quá khứ, ngày nay, hoạt động của các thừa sai với các dân tộc và các nhóm người, nơi mà Hội Thánh chưa hiện diện và hoạt động, vẫn chưa đáp ứng được khả năng và mối quan tâm của con người, cũng không được thúc đẩy bởi sự hãnh diện về một nền văn hóa và xã hội trổi vượt. Đúng ra, đó phải là, và thực sự là một việc phục vụ trong khiêm nhường và trong yêu thương dành cho những ai chưa nhận được ánh sáng và sự sống của Đức Kitô trong bầu khí Hội Thánh (Ecclesia) mà Người đã ao ước và thiết lập vì ơn cứu độ cho toàn thể thể giới.

Công đồng cũng nhận thấy có những hoàn cảnh mà trong đó, hoạt động truyền giáo bị giới hạn thành một sự hiện diện ẩn mình, vì không thể biểu lộ ra ngoài như một tổ chức công khai (x. AD, 6). Trong các trường hợp như vậy, có lẽ, các thừa sai diễn tả rõ nét hình ảnh một Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập để rao giảng Tin Mừng và để xây dựng các cộng đoàn cứu độ khắp mọi nơi. Thật vậy, Hội Thánh luôn ý thức về mầu nhiệm Thập giá, vốn đòi hỏi một niềm mong chờ trong thầm lặng và tín thác vào ánh sáng Phục Sinh như đã từng thấy trong lịch sử.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here