TGH Gioan Phaolô II – BÀI 104. HỘI THÁNH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO ĐẾN TẬN THẾ

0
750

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 104. HỘI THÁNH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO ĐẾN TẬN THẾ

Tất cả các Kitô hữu, tùy theo bậc sống của mình, phải hiến mình cho nhiệm vụ đem Tin Mừng đến cho những ai chưa biết Đức Kitô.

1. Sứ vụ phổ quát của Hội Thánh mở ra theo thời gian và được thực thi suốt dọc dài lịch sử nhân loại. Trước khi Đức Kitô đến, thời kỳ chuẩn bị (x. Gl 3,23; Hr 1,1) và mong chờ (x. Rm 3,26; Cv 17,30) kết thúc khi “thời gian đến hồi viên mãn”, khi Con Thiên Chúa nhập thể cứu độ nhân loại (x. Gl 4,4). Biến cố này khai mở một thời kỳ mới, mà chúng ta không thể tính được và sẽ kéo dài đến tận điểm của lịch sử.

Công cuộc Phúc Âm hóa thế giới, vì thế, phải tuân theo các quy luật của sự tiếp nối các thế kỷ và các thế hệ loài người. Nó nhắm đến mỗi người, mỗi thời đại và mỗi nền văn hóa. Việc loan báo Tin Mừng phải luôn được đổi mới: nó phải trở nên hoàn thiện và sâu sắc hơn nữa, ngay cả trong các vùng đất và nền văn hóa đã được truyền giáo từ lâu. Tóm lại, nó phải được bắt đầu lại từng ngày, cho đến “ngày sau hết” (Ga 12,48).

2. Chính Đức Kitô đã đưa ra một lối nhìn về Phúc Âm hóa: công cuộc ấy sẽ đạt đến sự thành toàn vào ngày tận thế: “Tin Mừng này về Vương quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,14).

Lối nhìn này không giúp chúng ta “biết thời giờ và kỳ hạn” (Cv 1,7) đã định trong kế hoạch của Thiên Chúa có liên quan đến sự thành toàn của công cuộc Phúc Âm hóa, vốn là tiền đề cho Nước Chúa hiển trị. Chúng ta cũng không thể biết được sứ vụ này sẽ phải thấm nhập vào “cái chung cục sẽ tới” đến mức nào. Chúng ta chỉ biết rằng, việc truyền giáo tiến triển dọc theo chiều dài lịch sử, cho đến khi ý nghĩa chung cuộc được tỏ lộ vào ngày thành toàn. Cho đến lúc đó, mầu nhiệm Phúc Âm hóa thấm nhập vào từng mầu nhiệm của lịch sử.

Các Tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi

3. Cần lưu ý rằng, lý tưởng Phúc Âm hóa hoàn toàn cho “mọi dân tộc” (Mt 24,14; 29,19) vẫn còn ở xa chúng ta lắm, và rất nhiều người vẫn chưa gắn bó với Tin Mừng và với Hội Thánh. Thế nên, như tôi đã viết trong thông điệp Redemptoris missio rằng: “hoạt động truyền giáo chỉ mới bắt đầu” (số 30). Kết luận mang tính lịch sử này không trái ngược với ý muốn cứu độ phổ quát của Cha trên trời, để đảm bảo rằng, với sự soi sáng của Đức Kitô và nhờ sức mạnh của Thánh Thần, quà tặng cứu độ sẽ vươn tới trái tim mỗi người. Chắc chắn rằng, mầu nhiệm hiện diện này và hành động cứu độ là nền tảng cho nhiệm vụ Phúc Âm hóa của Hội Thánh. Lệnh truyền mà Đức Giêsu trao cho các Tông đồ và cũng là cho Hội Thánh là “hãy đi”, “làm phép rửa”, “dạy bảo” và “công bố Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15), và mọi dân nước (Mt 28,19; Lc 24,47) “cho đến tận thế” (Mt 28,20) phải được hiểu trong ánh sáng này.

Ở cuối Tin Mừng theo thánh Máccô, các Tông đồ “ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,20). Có thể nói rằng, sứ vụ mà Đức Kitô trao cho các ông phần nào đánh thức nhu cầu cấp thiết phải thực thi nhiệm vụ mà các ông đã lãnh nhận để Phúc Âm hóa mọi dân mọi nước. Các Kitô hữu tiên khởi đã chia sẻ tinh thần này, và cảm nhận mạnh mẽ nhu cầu đem Tin Mừng đến cho mọi vùng đất trên thế giới.

Sau 2000 năm, cũng một nhiệm vụ đó và cũng một trách nhiệm đó vẫn không đổi thay trong Hội Thánh. Thật ra, ngày nay, các Kitô hữu vẫn được mời gọi, mỗi người một cách, hiến thân cho nhiệm vụ tối cần thiết là Phúc Âm hóa.

4. Trong bài giáo lý trước, tôi đã nhắc lại câu hỏi của các môn đệ với Đức Kitô lúc người thăng thiên: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Họ chưa hiểu gì về Vương quốc mà Đức Kitô đã đến để thiết lập. Vốn trải rộng trên toàn thế giới và cho muôn thế hệ, Vương quốc của Thiên Chúa là sự biến đổi trong tâm hồn con người nhờ một tiến trình hoán cải, là thời điểm mà chỉ có Cha trên trời biết. Thật vậy, Đấng Phục Sinh trả lời các môn đệ khi các ông còn chưa thể hiểu hết công trình của Người, rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt” (Cv 1,7).

Sau đó, Chúa Cha đã ban thời giờkỳ hạn để hoàn tất công trình cứu độ. Những “kairoi” đó, những thời khắc của ân sủng đánh dấu các giai đoạn hoàn tất Vương quốc ấy thuộc về Thiên Chúa. Dầu là Đấng Toàn Năng, Người đã quyết định thực thi cách kiên nhẫn trong dòng lịch sử, theo nhịp tiến triển của con người – cá nhân và tập thể – xét đến cả khả năng, sự chống đối, ý chí và tự do của họ.

Phương pháp sư phạm này của Thiên Chúa hẳn phải là kiểu mẫu thôi thúc hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Các nhà truyền giáo phải kiên nhẫn đón nhận thời giờ của việc Phúc Âm hóa, đôi khi chậm chạp, thậm chí cực kỳ khó để nhận ra rằng Thiên Chúa, Đấng nắm giữ “thời giờ và kỳ hạn, đã không mệt mỏi hướng dẫn dòng lịch sử bằng sự khôn ngoan vô lượng.

5. Như có lần tôi đã chỉ ra, thời mong chờ có thể kéo dài trước khi thời thuận tiện đến. Mặc dù phải đối diện với sự chống đối, điếc lác và cản trở do “Tên Thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31) dàn dựng cách tinh ranh, nhưng Hội Thánh vẫn biết rằng mình phải kiên trì hành động với lòng tôn trọng từng sắc tộc, văn hóa, tâm lý và xã hội. Tuy vậy, Hội Thánh không bao giờ đánh mất con tim mình, khi mọi nỗ lực không được đội triều thiên chiến thắng; trên tất cả, Hội Thánh không bao giờ đi trệch khỏi nhiệm vụ cơ bản được giao phó cho mình là công bố Tin Mừng cho mọi dân nước.

Biết cách chờ đợi “thời giờ và kỳ hạn” của Thiên Chúa đưa đến một thái độ tỉnh thức hầu biết tận dụng tối đa mọi cơ hội và khả năng để loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh lịch sử đang biến chuyển. Công đồng nói đến điều này khi nhắc rằng: “Những hoàn cảnh đó phát sinh hoặc do Hội Thánh, hoặc do các dân tộc, các cộng đồng, hay những người là đối tượng của hoạt động truyền giáo. Mặc dù nơi chính Hội Thánh đã có tất cả và đầy đủ mọi phương thế mang ơn cứu rỗi, nhưng thực ra, không phải lúc nào Hội Thánh cũng hành động hay có thể hành động tức khắc theo những phương thế đó. […] Đôi lúc, sau khi có những tiến bộ tốt đẹp ban đầu, Hội Thánh lại phải đau đớn lùi bước, hay ít ra dừng lại trong một tình trạng chưa được như mong muốn” (AG, 6). Đây là một phần của mầu nhiệm Thập giá vốn tràn ngập lịch sử.

6. Người ta biết rằng, qua nhiều thế kỷ, với nhiều lý do khác nhau, các cộng đoàn Kitô hữu toàn tòng đã biến mất. Đó là điều đáng buồn trong lịch sử. Nó cảnh báo về những khả năng thất bại vốn có nơi hoạt động của con người. Ngay cả công việc Phúc Âm hóa cũng không thoát khỏi điều này. Nhưng lịch sử cũng chứng thực rằng, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, những bước lùi chỉ giới hạn ở những nơi nào đó, hay trong những khoảng thời gian nhất định, chứ không cản được bước tiến triển chung của công cuộc loan báo Tin Mừng vốn sẽ lan dần đến toàn thể nhân loại như lời Đức Giêsu đã nói (x. Mt 24,14). Trên thực tế, ngay cả lúc ở giữa những hoàn cảnh đầy biến động, Hội Thánh vẫn tiếp tiếp tục hăng say loan báo Tin Mừng như những thế kỷ đầu, và Vương quốc Thiên Chúa tiếp tục lớn lên và lan rộng.

Hội Thánh tin tưởng vào sứ mạnh của Thánh Thần

7. Ngày nay, Hội Thánh nhận thức rõ về những khó khăn ngày càng gia tăng trên hành trình của mình trong lịch sử. Tuy nhiên, Hội Thánh thành tâm tin tưởng vào sức mạnh của Thánh Thần, Đấng khai mở các tâm hồn trước Tin Mừng và hướng dẫn Hội Thánh trong sứ vụ của mình. Thực ra, chính Thánh Thần lôi kéo mọi người, mọi văn hóa, mọi dân tộc đến cùng Đức Kitô, mà vẫn tôn trọng tự do và lối sống của họ, đồng thời nhẹ nhàng hướng dẫn họ đến chân lý. Tuy nhiên, con đường có vẻ là chậm chạp và không bằng phẳng trong mắt con người lại là lối đường của Thiên Chúa. Chính sự chắc chắn này nâng đỡ và trợ lực cho những kẻ bước theo Đức Kitô – bắt đầu từ các mục tử và các thừa sai – với niềm hy vọng rằng, công việc của họ chắc chắn không vô nghĩa và không lãng phí. Niềm hy vọng đó đặt nền trên viễn tượng cánh chung, vốn là gốc rễ của việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, vì Hội Thánh đang trên hành trình dương thế tiến về tận điểm của thời gian.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here