LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Kn 12:13, 16-19
13 Vì Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra, chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công.
16 Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật,
nên Chúa nương tay với muôn loài. 17 Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.
18 Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn.
19 Làm như thế Chúa đã dạy dân rằng: người công chính phải có lòng nhân ái.
Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.
2/ Bài đọc II: Rm 8,26-27
26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Mt 13,24-43 (hay 24-30)
24 Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” 29 Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” 33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”
37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.
41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,
42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kiên nhẫn chờ đợi sự công bằng và nhân từ của Thiên Chúa.
Khi chứng kiến những cảnh thê lương, hậu quả của những trận lũ lụt hay động đất, con người hay thắc mắc: Chúa nhân từ ở đâu sao không can thiệp mà lại để những điều đau thương xảy ra gây đau khổ cho dân lành? Nếu không tìm được câu trả lời, họ tự kết luận: hoặc Thiên Chúa không có uy quyền để ngăn cản, hoặc có uy quyền nhưng không nhân từ để ngăn cản, và họ gạt Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống! Khi phải đương đầu với những bất công xảy ra cho cá nhân, cho gia đình, hay xã hội, con người cũng thắc mắc: Chúa công bằng ở đâu mà lại để cho kẻ dữ hoành hành làm thiệt hại cho dân lành? Như vậy trời cao không có mắt, và họ cũng gạt Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! Nói tóm, con người thách đố Thiên Chúa trong sự quan phòng của Ngài cho thế giới theo như cách suy tư và hành động của con người! Con người muốn điều khiển Thiên Chúa, chứ không muốn để Thiên Chúa điều khiển mình.
Các bài đọc hôm nay muốn làm nổi bật sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong việc quan phòng thế giới; đồng thời cũng nói lên những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan chứng minh Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan và đối xử nhân từ cũng như công bằng với hết mọi người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô mặc khải cho chúng ta một chân lý: vì con người không biết cách cầu nguyện thế nào cho đúng, nên Thiên Chúa ban cho con người chính Thần Khí của Ngài, để giúp con người dâng lên những lời cầu nguyện thích hợp, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa sinh ích lợi cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trả lời một vấn nạn thường xuyên bị chất vấn bởi con người: Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác, mà cứ để chúng sống phây phây, ức hại dân lành?
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa toàn năng, nhân từ và công bằng.
1.1/ Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh: Đọc lại các Sách Khôn Ngoan của Cựu Ước, chúng ta sẽ thấy rõ những giới hạn về hiểu biết của con người. Chẳng hạn trong Sách Ông Job, ông không hiểu tại sao Thiên Chúa để người lành phải đau khổ. Các bạn của ông vịn vào truyền thống cho là vì tội lỗi của tổ tiên, của chính ông hay của con cái. Ông xét thấy điều đó không đúng và băn khoăn, khắc khoải, muốn chính Thiên Chúa cho ông câu trả lời. Khi Thiên Chúa hiện ra và chất vấn, ông đã phải đưa tay bịt miệng mà thưa: “điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (Job 42:6). Thực ra, ông bị đau khổ chỉ vì Thiên Chúa muốn ông chứng minh cho Satan biết niềm tin yêu ông dành cho Ngài không lệ thuộc vào những sự tốt lành Ngài đã ban cho và chúc lành cho ông (Job 1:6-2:7).
Thiên Chúa có khôn ngoan và uy quyền để dựng nên và quan phòng thế giới; con người quá yếu ớt và hạn hẹp để hiểu biết những công việc của Thiên Chúa. Bổn phận của con người là phải khiêm nhường nhận ra giới hạn của mình, và đừng bao giờ trách Thiên Chúa bất công. Tác giả Sách Khôn Ngoan cũng khuyên con người: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị tội.”
1.2/ Thiên Chúa vừa nhân từ vừa công bằng: Nhân từ và công bằng là 2 đặc tính của Thiên Chúa. Các thánh ví hai đức tính này như hai cánh của con chim hoặc hai chân của một người. Chim không thể bay với một cánh và con người không thể đi lại với một chân. Khi một người quá chú trọng đến sự công bằng của Thiên Chúa, anh có thể sẽ rơi vào sự thất vọng, vì anh không tin Ngài có thể tha thứ những tội lỗi to lớn của anh. Khi một người quá chú trọng đến khía cạnh nhân từ của Thiên Chúa, anh dễ bị rơi vào tình trạng “lạc quan miền Thượng.” Ngài sẽ tha thứ hết tất cả mà chẳng cần phải ăn năn!
Làm sao Thiên Chúa dung hòa được hai nhân đức này? Tác giả Sách Khôn Ngoan trả lời: “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn… Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối.”
2/ Bài đọc II: Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.
2.1/ Con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải. Trong Phúc Âm, các môn đệ nhận ra điều này, nên đến xin Chúa Giêsu dạy cho các ông biết cách cầu nguyện, và Ngài đã dạy cho các ông một Kinh nguyện vô giá; đó là Kinh Lạy Cha. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết cách cầu nguyện.
(1) Con người không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.
(2) Con người không biết điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được. Hay con cái xin cha mẹ cho được đi chơi đêm mà không biết hậu quả xấu sẽ xảy ra từ việc đi chơi đêm này.
(3) Con người không biết lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ, xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức. Ngài nói rõ ý định của Ngài: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Eze ).
2.2/ Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”
Động từ Hy-lạp dùng ở Rom 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act 7:34; Exo 3:7-10).
Tại sao Thiên Chúa ban Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:
“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cor 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”
3/ Phúc Âm: Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
3.1/ Dụ ngôn cỏ lùng: Giống như dụ ngôn Người Gieo Giống, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ ngôn Cỏ Lùng khi các ông đến hỏi Ngài. Thiên Chúa luôn gieo những điều thiện hảo vào lòng con người. Kẻ thù của Chúa là ma quỉ luôn chờ cơ hội để gieo điều xấu. Con người muốn nhổ cỏ lùng ngay; nhưng Thiên Chúa bảo phải chờ đợi cho đến mùa gặt; lý do: nếu nhổ ngay, người ta sẽ nhổ cả lúa chung với cỏ lùng.
Điều khó cho các nhà chú giải ở đây là cách giải thích của Chúa: Chúa giải thích thửa ruộng là thế giới, lúa tốt là con cái sự sáng, và cỏ lùng là con cái ma quỉ. Điều này đúng trong Ngày Phán Xét khi mọi sự đã rõ ràng; nhưng không giải thích được tại sao phải chờ cho tới mùa gặt; một khi đã biết cỏ lùng muôn đời sẽ là cỏ lùng, không bao giờ có thể trở thành lúa. Giải thích hợp lý hơn: Dụ ngôn không bao giờ chủ trương áp dụng mọi điều; nó chỉ muốn nói lên một điều chính. Điều chính ở đây là thời gian chờ đợi để lúa có thể phân biệt với cỏ lùng; chứ không phải nguy hiểm của cỏ lùng cần phải nhổ ngay. Nếu muốn áp dụng vào cuộc sống: Con người luôn phải đương đầu với điều tốt và điều xấu bao lâu còn sống trên trần gian. Những điều tốt và điều xấu không xác định được người tốt hay người xấu cho đến Ngày Phán Xét. Trong ngày đó, Chúa sẽ phân định cho chúng ta thấy ai là người tốt và ai là người xấu. Trong khi chờ đợi ngày đó đến, chúng ta hãy cố gắng làm tốt tránh xấu. Không ai có thể hãnh diện xác nhận mình là tốt vì không biết điều xấu nó mọc lên lúc nào. Nếu có làm xấu cũng đừng nản lòng, nhưng biết ăn năn trở lại và cậy trông vào lòng nhân từ Chúa. Cũng đừng kết tội ai là cỏ lùng khi nhìn thấy việc xấu của họ.
3.2/ Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi: Kinh nghiệm dạy cho chúng ta, để có kết quả đòi phải có thời gian: hạt giống thành lúa phải đợi 3 tháng, cây có trái đòi 3 năm, con người thành tài đòi ít là 25 năm, và thành nhân đòi 100 năm hay cả cuộc đời! Trong thời gian chờ đợi con người phải kiên nhẫn. Kẻ thù của con người là sự thiếu kiên nhẫn, mặc dù nhiều người đã biết “dục tốc bất đạt hay có công mài sắt có ngày nên kim.” Con người hôm nay dường như không có kiên nhẫn để chờ; làm điều gì họ cũng muốn có kết quả ngay. Chính sự mất kiên nhẫn làm con người đau khổ và thất bại.
Tuy nhiên, kiên nhẫn cũng có giới hạn, mọi việc đều có thời gian của nó; nếu quá thời gian, cây sẽ phải chặt đi để dành cơ hội cho cây khác như dụ ngôn cây vả không sinh trái. Nếu cành nho không sinh trái sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa! Công bằng sẽ tỏ rạng trong Ngày Phán Xét, khi mùa gặt sẽ tới: cỏ lùng sẽ bị cắt và quăng vào lửa, lúa sẽ được gặt và trữ vào kho lẫm. Khi những điều này xảy ra, không ai có quyền than trách Chúa không nhân từ hay không công bằng, vì mọi người đều có cơ hội đồng đều mà Ngài dành cho họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hãy để Thiên Chúa cai trị và điều khiển thế giới theo đường lối khôn ngoan, nhân từ, và công bằng của Thiên Chúa. Chúng ta là ai mà dám chất vấn những việc làm của Thiên Chúa! Tốt hơn, chúng ta hãy học biết giới hạn của con người chúng ta.
– Chúng ta có bao giờ ước tính được chuyện gì sẽ xảy ra cho chúng ta, nếu để một con người bình thường như chúng ta điều khiển thế giới này? Chúng ta có kiên nhẫn để cho tội nhân có cơ hội ăn năn trở lại không? Án tử hình là một ví dụ của con người.
– Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Tại sao một Thiên Chúa nhân từ lại để cho con mình chịu khổ đau chết quằn quại trên thập giá? Hay tại sao một Thiên Chúa công bằng không tru diệt hết những con người tội lỗi mà lại hy sinh người con một để cứu chuộc họ?
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1948:ch-nht-16-thng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28