Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 102: VIỆC THĂNG TIẾN CÁC GIÁO DÂN TRONG THỜI ĐẠI MỚI
Trong bài giáo lý cuối cùng (số 25) dành cho các giáo dân, ngày 21 tháng 9 năm 1994, Đức Thánh Cha tạ ơn Thiên Chúa về những hồng ân ban cho Giáo hội qua những chương trình và kế hoạch trong hoạt động tông đồ giáo dân, nhưng không quên vạch ra những viễn tượng tương lai, trong đó việc huấn luyện bí tích và đạo lý giữ vai trò quan trọng.
1. Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, một niềm hy vọng lớn lao đang bùng lên trong Giáo hội. Giáo hội đang chuẩn bị bước vào đó với một nỗ lực mãnh liệt để làm mới tất cả sức mạnh của mình, trong đó có các giáo dân Kitô hữu.
Một dữ kiện tích cực của lịch sử trong thế kỷ XIX, tương ứng với sự tiến triển đáng kể của Giáo hội học, là ý thức sống động rằng các giáo dân đang nhận ra sứ vụ của mình trong đời sống Giáo hội. Trước đó, nhiều lần, trước mắt các giáo dân, Giáo hội dường như được đồng hóa với hàng giáo phẩm, vì thế thái độ của họ giống như của một người lãnh nhận chứ không giống như của một người được mời gọi hành động và lãnh một trách nhiệm đặc biệt. May mắn thay, ngày nay nhiều người nhận ra rằng, cùng với những người thi hành chức tư tế thừa tác, các giáo dân cũng là Giáo hội, và có những trách vụ đầy thách đố trong cuộc sống và sự tăng trưởng của Giáo hội.
2. Chính các mục tử của Giáo hội đã mời gọi giáo dân đảm nhận trách nhiệm này. Đặc biệt, việc cổ động phong trào Công giáo Tiến hành của Đức Giáo Hoàng Piô XI đã mở ra một chương quyết định trong việc phát triển công tác của giáo dân trong các lãnh vực tôn giáo, xã hội, văn hóa, chính trị và thậm chí kinh tế. Kinh nghiệm lịch sử và sự phát triển học thuyết của Công giáo Tiến hành đã chuẩn bị những đoàn ngũ mới, mở ra những viễn cảnh mới và thắp lên những ngọn lửa mới. Hàng giáo phẩm càng tỏ ra ủng hộ hoạt động của giáo dân, cho đến nỗi nói được là một thứ “động viên tông đồ” mà Đức Giáo Hoàng Piô XII thường nhắc đến. Trong thông điệp Phục sinh năm 1952, Đức Giáo Hoàng đã thúc giục và kêu mời: “Bên cạnh các linh mục, hãy để cho giáo dân lên tiếng, vì họ là người đã học cách thâm nhập vào trái tim và tâm trí bằng lời nói và tình yêu. Vâng, hỡi những người mang sự sống, hãy xâm nhập vào mọi nơi: nhà máy, văn phòng, đồng ruộng, hay bất cứ nơi đâu mà Chúa Kitô có quyền bước vào” (Bài diễn văn và thông điệp phát thanh của thánh Giáo Hoàng Piô XII, tập XIV, trang 64). Lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tiếp thêm sinh lực cho nhiều sáng kiến của nhóm Công giáo Tiến hành và các hiệp hội và phong trào khác, ngày càng lan rộng hoạt động của các Kitô hữu trong Giáo hội và xã hội.
Những lần can thiệp kế tiếp của các Giáo hoàng và Giám mục, đặc biệt là tại Công đồng Vaticanô II (x. Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân Apostolicam Actuositatem), tại các Thượng hội đồng giám mục và trong nhiều tài liệu sau công đồng, đã ngày càng khẳng định và thúc đẩy sự nhận thức của giáo hội về các giáo dân, mà ngày nay là một nguồn hy vọng cho sự phát triển của Giáo hội.
3. Có thể nói đến một đời sống mới của giáo dân, dồi dào tiềm năng nhân lực rộng lớn; điều này là một dữ liệu có thể kiểm chứng bằng lịch sử. Nhưng giá trị đích thực của đời sống này xuất phát từ Thánh Linh, Đấng đã đổ tràn muôn vàn ân sủng cho Giáo hội, như Ngài đã thực hiện ngay từ lúc khởi đầu trong Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,3-4; 1 Cr 12,7f.). Cũng thế, trong thời đại của chúng ta, có nhiều dấu chỉ và chứng tá vĩ đại đã được mang đến bởi các cá nhân, tổ chức và phong trào dấn thân hoạt động tông đồ. Họ cho thấy rằng những điều kỳ diệu của Lễ Ngũ Tuần không chấm dứt, nhưng được đổi mới cách dồi dào trong Giáo hội ngày nay. Rõ ràng là cũng với sự tiến triển đáng kể trong đạo lý về các đặc sủng, cũng đã có một sự triển nở mới nơi những người giáo dân nhiệt thành hoạt động trong Giáo hội. Không phải ngẫu nhiên mà hai thực tại này xảy ra cùng một lúc. Tất cả điều đó là công việc của Thánh Linh, nguồn gốc hữu hiệu và sống động của những gì thực sự mang tính Tin Mừng trong đời sống Kitô hữu..
4. Như nhiều người đã biết, tác động của Thánh Linh không chỉ diễn ra nơi các xung lực và đặc sủng, mà còn nơi đời sống bí tích nữa. Dưới khía cạnh này, chúng ta cũng có thể vui mừng nhận ra rằng, nhiều dấu chỉ tiến bộ đã được ghi nhận trong việc quý trọng đời sống bí tích nơi các giáo dân Kitô hữu.
Có một khuynh hướng đề cao Bí tích Thánh tẩy như là nguồn cội của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Đường hướng này cần được thúc đẩy mạnh hơn, để ngày càng khám phá và khai thác sự phong phú của một bí tích có ảnh hưởng kéo dài trong suốt đời người.
Cũng rất thích hợp để nêu bật giá trị của Bí tích Thêm sức. Bí tích này, nhờ một ân huệ đặc biệt của Thánh Linh, thông ban khả năng làm chứng cho đức tin nơi Chúa Kitô như một người trưởng thành, và đảm trách nhiệm vụ riêng của mình trong đời sống và hoạt động tông đồ của Giáo hội một cách có ý thức sáng suốt.
Việc đề cao Bí tích Hôn nhân có tầm quan trọng hàng đầu đối với việc thánh hóa vợ chồng và việc hình thành các gia đình Kitô giáo; tương lai của dân Chúa và của mọi xã hội đều dựa vào đó. Theo hướng ấy, nhiều nhóm và hiệp hội đã chủ trương đào sâu linh đạo hôn nhân. Cần tiếp tục xúc tiến theo chiều hướng này.
Một sự tham gia tích cực, có ý thức và chủ động hơn của các giáo dân vào việc cử hành Thánh Thể cho phép chúng ta nhận ra nơi các cộng đoàn Kitô hữu một quyết tâm mạnh mẽ trong việc làm chứng và tham gia tông đồ. Tại đây, người ta luôn tìm thấy nguồn sống của sự kết hợp với Chúa Kitô, sự hiệp thông trong Giáo hội và lòng hăng say loan báo Tin Mừng.
Có lẽ trong những năm gần đây, người ta ít chú ý đến bí tích Hòa giải. Ước mong rằng cần phải cố gắng để việc thực hành bí tích này được quý trọng đúng mức, bởi vì đây không chỉ là nguồn của ơn chữa lành tâm linh đến từ Thiên Chúa, mà còn giúp tăng thêm sức mạnh cho đời sống tâm linh, và thành thức dấn thân phục vụ Giáo Hội. Dù sao, đừng nên quên rằng trong trường hợp phạm tội trọng, việc lãnh nhận bí tích Hòa Giải là điều cần thiết để tiến tới bàn tiệc Thánh Thể.
5. Từ những quan sát đơn thuần về hiện trạng giáo dân trong Giáo hội ngày nay cho thấy, việc thúc đẩy hoạt động tông đồ của giáo dân đòi hỏi một sự phát triển tương ứng trong việc huấn luyện họ (x. CL 60), nhất là chăm sóc đời sống tâm linh. Về vấn đề này, thật là niềm vui khi thấy rằng, càng ngày giáo dân càng có nhiều phương tiện thích hợp để tăng trưởng: từ các nhóm cầu nguyện và dấn thân tâm linh ở nhiều giáo xứ, đến các cuộc họp để đọc và chia sẻ Lời Chúa, các buổi thuyết trình cả tu đức và linh đạo, những buổi tĩnh tâm và các khóa linh thao. Những chương trình tôn giáo trên đài truyền thanh và truyền hình cũng là công cụ hữu hiệu để trau giồi đức tin và đưa ra định hướng cho người Kitô hữu trong đời sống tâm linh và thực hành việc đạo đức
6. Trong thế giới của chúng ta, với đặc trưng là sự quảng bá và nâng cao trình độ văn hóa của nhiều tầng lớp khác nhau, các giáo dân tham gia vào các trọng trách trong Giáo hội có nhu cầu được đào tạo vững chắc về đạo lý (x. CL 60). Về điểm này chúng ta cũng thấy sự tiến bộ đáng khích lệ. Nhiều giáo dân đang tìm kiếm hiểu biết sâu xa hơn về đạo lý đức tin. Nhiều trưởng thần học đã được mở ra, trước đây chỉ dành cho các ứng viên làm linh mục, nhưng bay giờ cũng mở ra cho các giáo dân. Tham dự những khóa học và các buổi hội thao này không chỉ có những người muốn nhận bằng cấp để dạy giáo lý, mà còn có nhiều người khát mong một sự huấn luyện hoàn chỉnh hơn, để có thể giúp ích cho gia đình, bạn bè và thân hữu của họ. Một dấu chỉ khác đầy hy vọng là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã được đón nhận và học tập ở nhiều nơi trên thế giới.
7. Việc đào tạo đạo lý cho các giáo dân cũng đã được thăng tiến hơn nhờ việc hiểu biết trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Những người có liên quan đến đời sống kinh tế và chính trị ở các cấp cần phải được gợi hứng từ các nguyên tắc của giáo huấn này trong các chương trình hành động của mình. Vì thế, chúng tôi ước mong sự tiến bộ vẫn được tiếp tục mãi. Thật đáng tiếc là giáo huấn xã hội của Giáo hội ít được biết đến. Do đó, trách nhiệm của các giáo dân ngày nay, được đào tạo tốt về mặt xã hội và tâm linh, là tìm ra những phương thức phù hợp để áp dụng các nguyên tắc này, nhằm góp phần hiệu quả vào việc xây dựng một xã hội công bằng và liên đới hơn.
8. Việc thăng tiến đời sống giáo dân trong Giáo hội gợi lên tâm tình biết ơn Thiên Chúa vì những ân huệ tuyệt vời, đồng thời cũng mở ra nhiều hướng hy vọng mới. Các giáo dân Kitô giáo ngày càng tham gia tích cực trong nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội. Triển vọng cho việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của họ. Nơi các giáo dân, phản chiếu lên khuôn mặt rạng rỡ của dân Chúa, một dân tộc đang trên đường đến với ơn cứu độ, và vì thế muốn dấn thân vào việc truyền rao ánh sáng Tin Mừng và đưa Chúa Kitô đến sống trong tâm trí và trái tim nơi anh chị em của họ. Chúng tôi chắc chắn rằng, Thánh Linh, Đấng đã phát triển linh đạo và sứ mạng của giáo dân trong Giáo hội hôm nay, sẽ tiếp tục hoạt động vì lợi ích lớn hơn của Giáo hội ngày mai và mãi đến muôn đời.