Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 100: GIÁO HỘI VỚI CÁC BẠN TRẺ
Bài giáo lý thứ 100, ngày 31 tháng 8, được dành cho các bạn trẻ, “Niềm hy vọng của Giáo hội”.
1. Khi khẳng định sự cần thiết của giáo dục Kitô giáo và nhắc nhở các mục tử về nghĩa vụ quan trọng của họ phải lo liệu cho tất cả mọi người, Công đồng Vaticanô II đã nhận định rằng, giới trẻ “… là niềm hy vọng của Giáo hội” (Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo Gravissimum Educationis số 2). Đâu là những lý do của niềm hy vọng này ?
Trước hết, người ta có thể nói đến lý do thuộc dân số học. Giới trẻ, “tại nhiều quốc gia trên thế giới… chiếm một nửa dân số, và thường cũng là một nửa số lượng của Dân Chúa trong các quốc gia đó” (CL 46).
Nhưng có một lý do khác còn mạnh hơn thuộc lãnh vực tâm lý, tinh thần và giáo hội học. Ngày nay, Giáo hội nhận ra lòng quảng đại của giới trẻ, ước muốn của họ làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn và muốn làm cho cộng đồng Kitô giáo phát triển hơn (x. CL 46). Do đó, Giáo hội đặc biệt lưu ý đến giới trẻ, và nhìn thấy nơi họ một sự tham gia đặc biệt vào niềm hy vọng bắt nguồn từ Thánh Linh.
Ân sủng hoạt động trong những người trẻ mở đường cho sự tiến bộ của Giáo hội cả về chiểu rộng lẫn chiều sâu. Quả thật, chúng ta có thể nói đến Giáo hội của giới trẻ, khi nhớ rằng, Thánh Linh canh tân nơi mọi người – kể cả nơi người già, miễn là họ vẫn cởi mở và sẵn sàng – sự trẻ trung của của ân sủng.
Chúa Giêsu đã chọn những người trẻ làm những môn đệ đầu tiên
2. Xác tín này dựa trên thực tại của buổi khai nguyên Giáo hội. Chúa Giêsu bắt đầu tác vụ và thiết lập Giáo hội khi Người lên khoảng ba mươi tuổi. Để khai sinh Giáo hội, Người đã chọn những con người phần lớn còn trẻ. Nhờ sự cộng tác của họ, Người muốn mở ra một thời đại mới, một khúc ngoặt trong lịch sử cứu độ. Người đã chọn và huấn luyện họ với một tinh thần nói được là trẻ trung, dựa trên nguyên tắc: “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Mc 2,22), một ẩn dụ về đời sống mới đến từ vĩnh hằng và đáp ứng với mong muốn thay đổi và mới lạ, là nét đặc trưng của tuổi trẻ. Kể cả việc dấn thân triệt để cho một lý tưởng, điển hình của tuổi trẻ, cũng hiện diện trong số những người được Chúa Giêsu chọn làm tông đồ tương lai. Chúng ta có thể suy luận điều này từ cuộc trò chuyện của Đức Giêsu với chàng trai trẻ giàu có, nhưng không có can đảm để đáp lại đề nghị của Người (x. Mc 10,17-22), và từ sự đánh giá tương lai của thánh Phêrô liền sau đó (Mc 10,28).
Giáo hội được sinh ra từ những động lực trẻ trung xuất phát từ Thánh Linh sống động trong Đức Kitô và được Người thông truyền cho các môn đệ và tông đồ, rồi đến cho các cộng đoàn đã được các ngài quy tụ kể từ Lễ Ngũ Tuần.
3. Ngày từ đầu, Giáo hội đã nhìn các bạn trẻ với tâm tình tin tưởng và thân hữu vì nhận thấy nhiệt tình của họ, như ta có thể kết luận từ những lời của tông đồ Gioan, người được Chúa Kitô gọi lúc còn trẻ, tuy dù được viết khi tuổi đã cao “Hỡi anh em là những người con thơ bé, tôi đã viết cho anh em bởi vì anh em biết Chúa Cha. Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em, bởi vì anh em là những người mạnh mẽ và lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần.” (1 Ga 2,14).
Thật thú vị là tác giả nhắc đến sức sống tuổi trẻ. Ta biết rằng những người trẻ thường đề cao sức mạnh thể chất, chẳng hạn trong các môn thể thao. Tuy nhiên thánh Gioan muốn nhận ra và ca ngợi sức mạnh tinh thần được thể hiện nơi các bạn trẻ trong cộng đoàn Kitô hữu mà ông viết thư: sức mạnh này đến từ Thánh Linh và mang lại chiến thắng những giao tranh và cám dỗ. Chiến thắng về mặt luân lý của người trẻ là một biểu hiện cho sức mạnh của Thánh Linh, mà Chúa Giêsu đã hứa sẽ ban cho các môn đệ. Điều này thôi thúc các bạn trẻ Kitô hữu ngày nay, cũng giống như những người trong thế kỷ đầu, hãy tham gia tích cực vào đời sống của Giáo hội.
Khả năng sáng tạo của các bạn trẻ cần được định hướng
4. Đây là một thành tố bất biến, không chỉ về tâm lý học, mà còn về linh đạo của tuổi trẻ, là điều mà họ không hài lòng với việc giữa đạo cách thụ động. Các bạn trẻ mong muốn đóng góp tích cực vào sự phát triển của Giáo hội, cũng như của xã hội dân sự. Điều này được chứng tỏ nơi nhiều thanh thiếu niên nam nữ ưu tú ngày nay, họ muốn trở thành “nhân vật tích cực tham dự vào việc truyền bá Tin Mừng và canh tân xã hội”. Bởi vì “tuổi trẻ là thời điểm khám phá đặc biệt sâu đậm về ‘bản ngã’ cá biệt và về một ‘dự án cuộc đời riêng của mình’” (CL 46), vì thế. “ngày nay, hơn bao giờ hết, cần giúp những người trẻ hiểu về bản thân, về những giá trị tốt đẹp và đáng hứa hẹn trong họ. Phẩm chất và năng lực sáng tạo của tuổi trẻ cần được hướng đến mục đích cao nhất nhằm mời gọi và truyền thông cho họ sự nhiệt thành: thiện ích của xã hội, tình liên đới với tất cả anh chị em, truyền rao lý tưởng Tin Mừng về cuộc sống và cam kết cụ thể với tha nhân, tham gia vào những nỗ lực của Giáo hội nhằm cổ võ việc thiết lập một thế giới tốt đẹp hơn.
5. Trong ánh sáng này, chúng tôi xin nói rằng, ngày nay cần khuyến khích các bạn trẻ hãy dấn thân vào việc thăng tiến các giá trị mà bản thân họ trân trọng và muốn khẳng định nhất. Như các nghị phụ của Thượng hội đồng 1987 nói: “Các bạn trẻ rất nhạy bén trong việc nắm bắt các giá trị của công lý, bất bạo động và hòa bình. Trái tim của họ luôn sẵn sàng mở ra với tình huynh đệ, bằng hữu và đoàn kết. Họ trở nên cao thượng trong việc tranh đấu cho phẩm chất của cuộc sống và việc bảo tồn thiên nhiên” (Enchiridion Vaticanum., 2206).
Chắc chằn là các giá trị này phù hợp với giáo huấn Tin Mừng. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu tuyên bố một trật tự mới về công lý và tình yêu. Khi tự khẳng định là “hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29), Người đã loại bỏ mọi hình thức điều bạo lực, và mong muốn mang đến cho con người bình an của Người, một thế giới chân thật, kiên định và bền lâu hơn (x. Ga 14,27). Đây là những giá trị nội tâm và tinh thần, nhưng chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã khuyến khích những người theo Người hãy diễn tả nó qua tình yêu hỗ tương, huynh đệ, bằng hữu, liên đới, tôn trọng các sinh linh và cả thiên nhiên nữa, là công trình của Thiên Chúa và lãnh vực mà con người được mời gọi cộng tác. Như vậy, các bạn trẻ tìm thấy trong Tin Mừng một nguồn trợ lực quan trọng, chân thành nhất cho những nguyện vọng và kế hoạch của mình.
6. Mặt khác, đúng là những người trẻ cũng “gặp rắc rối vì lo âu, thất vọng, lo lắng và sợ hãi thế giới, cũng như những cám dỗ cứa lứa tuổi của mình” (CL 46). Đây là bộ mặt khác của thực tại tuổi trẻ mà ta không thể bỏ qua. Tuy nhiên, mặc dù vẫn tỏ ra nghiêm khắc cách khôn khéo đối với các bạn trẻ, nhưng một tình yêu chân thành đối với họ sẽ giúp họ tìm thấy những con đường thích hợp nhất để vượt qua khó khăn. Có lẽ con đường tốt nhất là dấn thân vào hoạt động tông đồ giáo dân, như là một sự phục vụ anh chị em mình, trong sự hiệp thông với công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội.
Kêu gọi các bạn trẻ tham giá hoạt động tông đồ
Tôi ước mong rằng các bạn trẻ sẽ tìm thấy những không gian rộng lớn hơn cho hoạt động tông đồ. Giáo hội phải giới thiệu cho họ sứ điệp Tin Mừng với những hứa hẹn và đòi buộc của nó. Đổi lại, các bạn trẻ hãy bày tỏ cho Giáo hội biết những nguyện vọng và kế hoạch của mình. “Cuộc đối thoại song phương này, diễn ra một cách thân tình,, rõ ràng, và can đảm, sẽ xúc tiến việc gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ với nhau, và sẽ là nguồn mạch phong phú và trẻ trung cho Giáo Hội và xã hội.“ (CL 46) .
7. Đức Giáo hoàng sẽ không bao giờ mệt mỏi khi lặp lại lời mời gọi đối thoại, và thúc giục sự tham gia của giới trẻ. Người đã thực hiện việc này trong rất nhiều văn bản gửi cho giới trẻ, và đặc biệt trong Thư nhân dịp Năm Quốc tế dành bạn trẻ do Liên Hợp Quốc khởi xướng (1985). Người đã và vẫn còn làm như vậy trong nhiều cuộc họp với các nhóm thanh niên tại các giáo xứ, hiệp hội, phong trào, và đặc biệt là trong các buổi phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá, và trong các Đại hội giới trẻ thế giới, như là tại Santiago de Compostela, Czestochowa và Denver.
Đây là một trong những kinh nghiệm phấn khởi nhất của tác vụ Giáo hoàng của tôi, cũng như của các Giám mục anh em của tôi trên khắp thế giới. Giống như Giáo hoàng, họ thấy Giáo hội tiến bước với giới trẻ trong việc cầu nguyện, phục vụ tha nhân, loan báo Tin Mừng. Tất cả chúng ta đều khao khát noi theo gương và giáo huấn của Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi mọi người đi theo Người trên con đường của các “thiếu nhi” và “thanh niên”.