Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 90: VIỆC TÔNG ĐỒ CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ
Vai trò của sự đau khổ như một hoạt động tông đồ đặc biệt trong Giáo hội là chủ đề của bài giáo lý ngày 27 tháng 04. Qua Thánh Giá, Tin Mừng đau khổ được mặc khải như là con đường dẫn đến sự Phục sinh. Nhờ chấp nhận những thử thách trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa, người đau khổ hoàn thiện những điều còn thiếu trong những đau khổ của Chúa Kitô vì lợi ích của Giáo hội
1. Thực tại đau khổ luôn hiện diện trước mắt chúng ta và thường xảy ra trong thể xác, linh hồn và cõi lòng của mỗi người. Nếu không có đức tin, đau khổ luôn là một bí ẩn lớn đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, kể từ khi Chúa Giêsu cứu chuộc thế gian qua cuộc thương khó và sự phục sinh của Người thì một viễn cảnh mới đã được khai mở: nhờ đau khổ, người ta có thể phát huy sự trao hiến bản thân và đạt đến mức độ cao nhất của tình yêu (x. Ga 13,1), nhờ Đấng “đã yêu thương chúng ta và tự nộp mình vì chúng ta” (Ep 5,2). Như một sự chia sẻ vào mầu nhiệm Thập giá, giờ đây đau khổ có thể được đón nhận và được sống như là sự cộng tác vào sứ vụ cứu chuộc của Chúa Kitô. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định nhận thức của Giáo hội rằng, tất cả những ai đang gặp thử thách và bách hại đều được thông phần cách đặc biệt vào cuộc thương khó của Chúa Kitô để cứu độ thế gian (x. LG 41).
Khi công bố các mối phúc thật, chính Chúa Giêsu đã nhận thấy mọi biểu hiện đau khổ của con người như: người nghèo, người đói, người đau khổ, những người bị xã hội khinh miệt hoặc bị bắt bớ một cách bất công. Nhìn vào thế giới, chúng ta cũng nhận ra có rất nhiều khốn khổ dưới vô số hình dáng cổ xưa cũng như tân thời. Trong bài giáo lý lần này, chúng ta hãy đề cập đến chúng, cố gắng khám phá kế hoạch của Thiên Chúa đang hướng dẫn con người trên một hành trình đầy gian nan và giá trị cứu độ mà đau khổ, (cũng như lao động) mang đến cho nhân loại.
2. Trên Thập giá, “Tin Mừng về sự đau khổ” đã được bày tỏ cho các Kitô hữu (Salvifici Doloris, số 25)[1]. Chúa Giêsu đã nhìn thấy nơi hiến tế của Người con đường mà Chúa Cha đã thiết lập nhằm cứu chuộc nhận loại, và Người đã đi theo con đường ấy. Chúa Giêsu cũng loan báo cho các môn đệ biết rằng họ sẽ được kết nạp với hiến tế này: “Thật, Thầy bảo thật anh em, anh em sẽ khóc lóc và than van còn thế gian sẽ vui mừng” (Ga 16,20). Tuy nhiên, lời tiên báo này không phải là rời rạc, cũng không phải là bế tắc, bởi vì nó được bổ túc với lời loan báo rằng, nỗi đau của họ sẽ được biến đổi thành niềm vui: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Trong viễn cảnh cứu chuộc, cuộc khổ nạn của Chúa Kitô sẽ hướng tới cuộc phục sinh. Do đó, con người cũng được liên kết với mầu nhiệm Thập Giá để chia sẻ, trong niềm vui, mầu nhiệm Phục Sinh.
3. Vì lý do ấy, Chúa Giêsu đã không ngần ngại tuyên bố mối phúc của những người đau khổ: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an… Phúc thay ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ; Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,4. 10-12). Mối phúc này chỉ có thể hiểu được nếu người ta nhìn nhận rằng cuộc sống của con người không bị giới hạn vào thời gian ở trên trái đất, mà hoàn toàn hướng đến niềm vui hoàn hảo và sự viên mãn của cuộc sống mai hậu. Khi được đón nhận trong tình yêu, sự đau khổ ở đời này sẽ giống như một hạt giống chua chát chứa đựng mầm mống của sự sống mới, kho tàng của vinh quang thần linh sẽ được ban tặng cho con người trong chốn vĩnh cửu. Mặc dù quang cảnh của một thế giới chất đầy gánh nặng của các sự dữ và bất hạnh thật là thê thảm, nhưng trong đó cũng tiềm ẩn niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn của tình yêu và ân sủng. Niềm hy vọng được nuôi dưỡng nhờ lời hứa của Chúa Kitô. Nhờ sự nâng đỡ này, những người đau khổ biết kết hợp với Chúa Kitô trong niềm tin đãi cảm nghiệm được một niềm vui khó diễn tả theo quan niệm người đời. Thực vậy, trời đã bắt đầu từ dưới đất; có thể nói là hạnh phúc đã được thể hiện các chân phúc. Như lời thánh Tôma Aquinô nói, “Nơi các người thánh thiện … cuộc sống hạnh phúc đã khởi đầu”[2].
Những thử thách của con người tìm thấy ý nghĩa nơi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
4. Một nguyên tắc căn bản khác của đức tin Kitô giáo là sự phong phú của sự đau khổ và, từ đó, lời mời gọi tất cả những ai đau khổ hãy kết hợp với sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô. Như vậy, đau khổ trở thành một dâng tiến, một hiến tế, như đã và còn diễn ra nơi nhiều tâm hồn thánh thiện. Cách riêng những người bị đè nặng bởi đau khổ luân lý xem ra vô nghĩa, tìm thấy nơi những đau khổ luân lý của Chúa Giêsu một ý nghĩa cho thử thách của chính họ, và họ cùng đi với Người vào vườn Gethsemani. Trong Người, họ tìm được sức mạnh để đón nhận nỗi đau với niềm phó thác thánh thiện và tin tưởng vâng phục thánh ý Chúa Cha. Họ cảm thấy gợi lên trong lòng lời cầu nguyện trong vườn Gethsemani: “Lạy Cha, xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Họ đồng hóa mình một cách huyền nhiệm trong quyết định của Chúa Giêsu khi bị bắt: “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?” (Ga 18,11). Trong Chúa Kitô, họ cũng tìm thấy sự can đảm để dâng lên nỗi đau của mình vì ơn cứu chuộc muôn người, bởi vì học được nơi hiến tế trên đồi Calvariô sự phong phú huyền nhiệm của mọi hy sinh, theo nguyên tắc mà Chúa Giêsu tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
5. Giáo huấn của Chúa Giêsu được thánh tông đồ Phaolô xác nhận, bởi vì thánh nhân có một ý thức rất sống động về việc chia sẻ sự thương khó của Chúa Kitô trong cuộc sống của mình và nhờ vậy về sự cộng tác mà mình có thể dâng hiến vì lợi ích của cộng đoàn Kitô hữu. Nhờ kết hợp với Chúa Kitô trong đau khổ, thánh nhân có thể nói đến việc hoàn tất nơi mình những điều còn thiếu sót trong những đau khổ của Chúa Kitô vì lợi ích của Thân Thể Người là Giáo hội (x. Cl 1,24). Thâm tín về sự phong phú phát sinh từ sự kết hợp với cuộc thương khó cứu chuộc, thánh nhân khẳng định: “Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em” (2 Cr 4,12). Những gian truân trong cuộc đời tông đồ đã không làm thánh Phaolô nản chí, nhưng còn củng cố niềm hy vọng và tin tưởng, vì ngài nhận ra rằng cuộc thương khó của Chúa Kitô chính là nguồn mạch sự sống: “Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi. Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ“ (2 Cr 1,5-6). Nhìn vào mẫu thức này, các môn đệ của Chúa Kitô hiểu rõ hơn về lời dạy của Thầy, về lời mời gọi đến với Thập Giá, nhằm phát triển đời sống Chúa Kitô trong đời sống bản thân và sự phong phú huyền nhiệm giúp ích cho Giáo hội.
6. Các môn đệ của Chúa Kitô được đặc ân thông hiểu “Tin Mừng về đau khổ”, đã mang lại giá trị cứu độ, ít là ám tàng, trong hết mọi thời, bởi vì “qua nhiều thế kỷ và các thế hệ, người ta đã thấy rằng trong đau khổ ẩn giấu một sức mạnh đặc biệt đưa con người gần gũi với Chúa Kitô, như một ân sủng đặc biệt” (Salvifici Doloris, 26). Phàm ai đi theo Chúa Kitô, phàm ai đón nhận thần học đau khổ của thánh Phaolô, đều biết rằng đau khổ được nối kết với một ân sủng quý giá, một hồng ân của Chúa, tuy dù nó là một hồng sủng bí nhiệm đối với chúng ta, bởi vì nó được ẩn giấu dưới biểu hiện của một số phận đau khổ. Chắc chắn không dễ để khám phá ra tình yêu của Chúa ở nơi đau khổ, khám phá rằng Thiên Chúa muốn dùng việc đón nhận đau khổ để nâng cao cuộc sống con người lên đến tầm mức tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô. Tuy nhiên, đức tin cho phép chúng ta gắn bó với mầu nhiệm này, và mang lại cho tâm hồn người đau khổ sự bình an và hoan hỉ, đến nỗi đôi khi họ nói được như thánh Phaolô: “Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó” (2 Cr 7,4).
‘Anh đã làm gì cho những người anh em bé nhỏ nhất’
7. Bất cứ ai sống lại tinh thần dâng hiến của Chúa Kitô cũng được thúc đẩy hãy bắt chước Người trong việc giúp đỡ các người khác đang gặp đau khổ. Chúa Giêsu đã xoa dịu vô số những nỗi đau của con người xung quanh. Về điểm này, Người cũng là một mô mẫu hoàn hảo. Người đưa ra huấn lệnh về tình yêu trao ban, hàm ngụ lòng thương cảm và tương trợ. Trong dụ ngôn về người Samari nhân hậu, Chúa Giêsu đã dạy về việc rộng tay ưu ái những người đau khổ! Người biểu lộ sự hiện diện của mình trong tất cả những ai túng thiếu và đau khổ, đến nỗi mọi hành động giúp đỡ người lầm than là giúp đỡ chính Chúa Kitô (x. Mt 25,35-40).
Để kết luận, tôi muốn để lại lời dạy của Chúa Giêsu cho những người đang hiện diện: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Điều này có nghĩa là đau khổ, nhằm mục đích thánh hóa những người đau khổ, cũng có mục đích thánh hóa những người giúp đỡ và an ủi họ. Chúng ta luôn ở trọng tâm của mầu nhiệm của Thập Giá cứu chuộc!
[1] Chú thích của người dịch. Đức thánh cha đã viết một tông thư ngày 11/2/1984 tựa đề Salvifici doloris, về ý nghĩa sự đau khổ theo Kitô giáo.
[2] Summa theologiae, I-II, q. 69, a.2; cf. II-II, q. 8, a. 7.