TGH Gioan Phaolô II – BÀI 89: GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

0
801

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 89: GIÁ TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

Chủ đề bài giáo lý ngày 20 tháng 04 là giá trị của lao động. Những trang đầu của Kinh thánh cho thấy sự cao quý của lao động ở chỗ chia sẻ vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Tân ước cho thấy Đức Kitô nâng cao giá trị của lao động bằng chính cuộc đời lao động của Người. Các tín hữu, nhờ kết hiệp với Đức Kitô, có thể tìm thấy nơi lao động con đường thánh hóa và cứu chuộc.

1. Trong số những tín hữu giáo dân, các công nhân xứng đáng được đề cập cách đặc biệt. Giáo hội nhận thức được tầm quan trọng của lao động trong đời sống con người và nhìn nhận đó là một phần thiết yếu của xã hội ở cấp độ kinh tế-xã hội, chính trị và tôn giáo. Dưới khía cạnh cuối cùng này, Giáo hội coi lao động như là biểu hiện thứ nhất của “tính cách trần thế “ của giáo dân (x. LG 31): phần lớn các giáo dân là công nhân và họ có thể tìm thấy trong lao động một con đường nên thánh. Vì xác tín như vậy, Công đồng Vaticanô II xem xét lao động từ khía cạnh dấn thân vào công cuộc cứu độ và mời gọi các công nhân cộng tác vào hoạt động tông đồ (x. LG 41).

2. Vì thế, tôi dành riêng Thông điệp Laborem Exercens (“Lao động của con người”) và các tài liệu và diễn văn khác cho chủ đề này, tìm cách làm sáng tỏ giá trị, phẩm giá và các chiều kích của lao động, trong tất cả đặc trưng cao cả của nó. Ở đây, tôi sẽ chỉ giới hạn vào việc nhắc lại rằng, lý do đầu tiên của sự cao cả và phẩm giá này của lao động nằm ở chỗ nó là sự cộng tác vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Trình thuật Kinh Thánh về sự sáng tạo dạy chúng ta điều này khi viết: “Đức Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15), và móc nối với mệnh lệnh trước đó về việc làm chủ trái đất (x. St 1,28). Như tôi đã viết trong Thông điệp “Lao Động của con người”: “Sở dĩ con người là hình ảnh của Thiên Chúa một phần vì họ được Đấng Tạo Hóa ủy nhiệm cho việc khuất phục và cai trị trái đất. Khi thi hành sưa mạng này, con người (tất cả mọi người) phản ánh chính hành động của Đấng tạo thành vũ trụ” (LE 4).

Lao động là con đường nên thánh

3. Theo Công đồng Vaticanô II (x. LG 41), lao động là một con đường nên thánh, bởi vì nó cung cấp cơ hội:

a) để hoàn thiện bản thân. Thực vậy, lao động phát triển tư cách con người, trau dồi phẩm chất và khả năng của mình. Chúng ta hiểu rõ điều này hơn trong thời đại của chúng ta, với tấm bi kịch của rất nhiều người đang thất nghiệp, cảm thấy phẩm giá của mình như bị giảm sút. Cần phải để ý làm nổi bật chiều kích cá vị này vì lợi ích của tất cả công nhân, luôn tìm cách đảm bảo điều kiện lao động xứng đáng với con người.

b) để giúp đỡ đồng loại. Đây là khía cạnh xã hội của lao động, là một dịch vụ vì lợi ích của tất cả mọi người. Định hướng này phải luôn luôn được nhấn mạnh: lao động không phải là một hoạt động vị kỷ mà là vị tha; ta không làm việc riêng thuần túy cho bản thân mà còn cho người khác.

c) để thăng tiến bộ toàn thể xã hội và vạn vật. Do đó, ta có thể nói lao động hoàn thành một chiều kích lịch sử-cánh chung và nói được là hoàn vũ, bởi vì mục đích của nó là giúp cải thiện các điều kiện vật chất của cuộc sống và thế giới, giúp đỡ loài người, theo cách này, đạt được những mục tiêu cao hơn mà Thiên Chúa đang mời gọi. Sự tiến bộ ngày nay làm rõ nét hơn cứu cánh hướng của lao động là để cải tiến trên bình diện hoàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải hoàn tất trong việc điều chỉnh lao động cho phù hợp với những mục đích mà chính Đấng Tạo Hóa mong muốn.

d) để bắt chước Chúa Kitô với dức mến sống động. Chúng tôi sẽ trở lại điểm này.

4. Cũng dưới ánh sáng của sách Sáng thế, Thiên Chúa đã thiết lập và ra lệnh cho cặp vợ chồng tiên khởi phải lao động (x. St 1,27-28); điều này làm sáng tỏ hơn ý định của rất nhiều người nam và người nữ lao động vì lợi ích của gia đình họ. Tình yêu dành cho vợ hoặc chồng và con cái, động lúc thúc đẩy phần lớn con người làm việc, đã mang lại cho công việc này một giá trị cao cả hơn và giúp việc thực hiện được thoải mái và dễ dàng hơn, dù phải chịu đựng nhiều vất vả.

Lao động và gia đình

Về điểm này cũng vậy, cần ghi nhận rằng trong xã hội thời nay, nơi mà người ta tôn trọng nguyên tắc về quyền của người nam và người nữ lao động phải được trả công, cần phải nhìn nhận và trân trọng công việc không trực tiếp sinh lợi của nhiều phụ nữ đã cống hiến bản thân cho những nhu cầu của nhà cửa và gia đình. Kể cả vào ngày nay, công việc này vẫn còn mang một tầm quan trọng căn bản cho cuộc sống gia đình và cho thiện ích của xã hội.

Chiều kích luân lý và khổ hạnh của lao động

5. Đến đây chúng ta tạm ngưng vấn đề này, để chuyển sang một điểm được Công đồng đề cập, đó là những “vất vả thường là nặng nề” (LG 41) kèm theo lao động, qua đó lời Kinh thánh vẫn còn xác thực vào thời nay: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn” (St 3,19). Như tôi đã viết trong Thông điệp “Lao Động của con người”: “Sự vất vả mệt nhọc là điều mọi người đều được biết bởi vì đã cảm nhận. Sự mệt nhọc là chuyện quá quen thuộc đối với những người lao động về thân xác trong những hoàn cảnh đôi khi vô cùng khổ cực…Sự mệt nhọc cũng là chuyện quá quen thuộc với những người gắn liền với công việc lao động trí óc…Sự mệt nhọc là chuyện quá quen thuộc đối với phụ nữ, ngày ngày vất vả lo lắng việc nhà và giáo dục con cái, nỗi vất vả cực nhọc mà ít khi xã hội và chính những người thân chịu để ý ghi nhận” (số 9).

Ở đây, chúng ta không chỉ nhận thấy chiều kích luân lý mà cả chiều kích khổ hạnh của lao động, bởi vì sự vất vả đòi đòi hỏi thực hành các nhân đức can đảm và kiên trì, và do đó, thể trở thành con đường nên thánh.

Đức Kitô, khuôn mẫu lao động

6. Chính vì sự khó nhọc vất vả đi kèm theo mà lao động xuất hiện rõ ràng hơn như một cuộc dân thân cộng tác với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc. Giá trị của lao động, vốn đã được thiết lập bằng việc chia sẻ trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bây giờ mặc thêm một ánh sáng mới khi được như sự chia sẻ trong cuộc đời và sứ vụ của Chúa Kitô. Chúng ta không thể quên rằng, trong việc Nhập thể, Con Thiên Chúa, Đấng đã trở thành con người để cứu độ chúng ta, đã không nề dấn thân vào việc lao động thông thường của nhân sinh. Chúa Giêsu Kitô đã học nghề thợ mộc từ thánh Giuse và thực hành điều đó cho đến khi bắt đầu thi hành sứ vụ công khai. Tại Nazareth, Chúa Giêsu được gọi là “con của bác thợ mộc” (Mt 13,55) hoặc là “bác thợ mộc” (Mc 6,3). Vì thế chẳng lạ gì mà trong các chuyện dụ ngôn, Người nói đến việc lao động chuyên môn của nam giới hoặc lao động gia đình của phụ nữ, như tôi đã lưu ý trong Thông điệp “Lao động của con người” (số 26), và thể hiện sự quý trọng của Người đối với các công tác khiêm hạ. Đó là một khía cạnh quan trọng của mầu nhiệm của cuộc đời Người: là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã có thể và muốn ban cấp một phẩm giá cao cả cho việc lao động của con người. Với bàn tay và khả năng của con người, Con Thiên Chúa đã làm việc như chúng ta và với chúng ta, những con người túng thiếu và vất vả khó nhọc mỗi ngày!

7. Trong ánh sáng và mẫu gương Chúa Kitô, đối với các tin hữu lao động mặc lấy mục đích cao cả nhất, gắn một sự nối kết với mầu nhiệm Vượt qua. Sau khi trưng ra mẫu gương về một việc làm giống như biết bao công nhân khác, Chúa Giêsu đã hoàn thành công việc cao quý nhất mà Người đã được phái đến để thực hiện – đó là công cuộc Cứu Chuộc, mà đỉnh cao là sự hy tế cứu độ của Thập giá. Trên Núi Sọ, tuân theo thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến bản thân để cứu chuộc muôn người.

Bởi thế, các công nhân được mời gọi kết hợp mình với việc lao công của Đấng Cứu Chuộc. Như Công đồng nói: họ có thể và cần phải “bắt chước Đức Kitô, với đức ái năng động, vui tươi trong niềm hy vọng và bằng việc tự nguyện chia sẻ những gánh nặng cho nhau, bởi chính đôi tay của Người Kitô đã thi hành những công việc của thợ mộc và luôn hoạt động với Chúa Cha, vì công trình cứu độ muôn người” (LG 41). Như thế giá trị cứu độ của lao động, một cách nào đó đã được thoáng thấy trong triết học và xã hội học trong các thế kỷ gần đây, được biểu lộ ở tầm mức cao cả hơn nữa như là thông dự vào công trình cứu chuộc siêu vời

8. Vì lý do ấy mà Công đồng tuyên bố rằng tất cả đều có thể, “bằng công việc hàng ngày của họ… vươn đến đỉnh cao của sự thánh thiện kẻ cả dưới hình thức của hoạt động tông đồ” (LG 41). Đây là sứ vụ cao cả của các công nhân: họ được mời gọi không những xây dựng một thế giới vật chất tốt hơn, mà còn biến đổi tinh thần của thực tại nhân sinh và vũ trụ, được thực hiện nhờ mầu nhiệm Vượt qua.

Nhờ vậy, những bực bội và đau khổ phát sinh bởi việc lao động nặng nhọc cũng như từ các điều kiện xã hội sinh sống, nhờ tham dự vào hy tế cứu độ của Chúa Kitô, sẽ thủ đắc sự phong phú siêu nhiên cho toàn thể nhân loại. Những lời của thánh Phaolô cũng có giá trị cho hoàn cảnh này: “Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa“ (Rm 8,22-23). Sự chắc chắn về đức tin này, trong cái nhìn lịch sử và cánh chung của thánh Tông đồ là nền tảng cho lời khẳng định tràn đầy hy vọng: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ không thể sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here