TGH Gioan Phaolô II – BÀI 87: CÁC HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ CÁ NHÂN VÀ HỘI ĐOÀN

0
706

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 87: CÁC HÌNH THỨC TÔNG ĐỒ CÁ NHÂN VÀ HỘI ĐOÀN

Những hình thức đa dạng của hoạt động tông đồ của giáo dân là chủ đề bài giáo lý của Đức Thánh Cha trong Buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 23 tháng 03. Đức Thánh Cha đánh giá cao về “chiều rộng và tính đa dạng” mới mẻ nơi các hiệp hội hiện nay phù hợp với “sứ mệnh phổ quát của Giáo hội nhằm tìm cách thấm nhuần tinh thần chân lý, bác ái và hòa bình trong các dân tộc.”

1. Nhằm thúc đẩy một động lực mới cho hoạt động tông đồ giáo dân, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố rằng hình thức hoạt động thứ nhất, nền tảng và không thể thay thế để xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô là do mỗi thành phần của Giáo hội đảm nhận (x. AA 16). Mỗi ​​Kitô hữu được mời gọi làm tông đồ, mỗi giáo dân được mời gọi dấn thân làm chứng tá và chia sẻ sứ vụ của Giáo hội. Điều này giả định và bao hàm sự xác tín cá nhân, khơi dậy nhờ đức tin và cảm thức về Giáo hội thắp lên trong tâm hồn. Nếu ai tin và muốn là Giáo hội, thì không thể nào không xác tin về “nhiệm vụ cơ bản và không thể úy thác hoặc nhờ ai thay thế”, đó là “nhiệm vụ mình phải thực hiện vì lợi ích chung của mọi người” (CL 28).

Không bao giờ có thể làm cho đủ để ghi khắc nơi các tín hữu ý thức về bổn phận cộng tác xây dựng Giáo hội và chuẩn bị cho Vương quốc Thiên Chúa. Giáo dân cũng có sứ vụ thấm nhuần tinh thần Tin mừng vào những thực tại trần thế. Có rất nhiều cơ hội để dấn thân, đặc biệt trong phạm vi gia đình, nơi làm việc, nghề nghiệp, và các câu lạc bộ văn hóa và giải trí, v.v. Ngày nay, nhiều người trên thế giới muốn làm một điều gì đó để cải thiện cuộc sống, làm cho xã hội công bằng hơn, nhằm cống hiến cho tha nhân những việc tốt đẹp. Đối với họ, việc khám phá sứ mạng Kitô hữu trong hoạt động tông đồ có thể là sự triển nở cao nhất của ơn gọi tự nhiên hướng đến lợi ích chung, điều này sẽ làm việc dấn thân của học tăng thêm giá trị, động lực, lý tưởng, và có thể lòng hăng say.

Giáo hội cổ võ các hoạt động cá nhân lẫn hội đoàn

2. Nhưng có một ơn gọi tự nhiên nữa có thể và phải được thể hiện trong hoạt động tông đồ của giáo hội: đó là ơn gọi hợp đoàn. Trên bình diện siêu nhiên, xu hướng hợp đoàn của con người được làm phong phú và nâng lên đến tầm mức hiệp thông huynh đệ trong Chúa Kitô: nhờ thế mà ta có “dấu hiệu của sự hiệp thông và hợp nhất của Giáo hội trong Chúa Kitô, Đấng đã nói: ‘Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ’ (Mt 18,20)” (AA 18).

Chắc chắn, khuynh hướng Giáo hội nhắm đến hoạt động tông đồ trong hội đoàn có nguồn gốc siêu nhiên trong đức ái được Chúa Thánh Thần trút đổ xuống con tim (x. Rm 5,5), tuy vậy, giá trị Thần học của nó cũng phù hợp với đòi hỏi xã hội thời nay, muốn liên kết sức mạnh nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Thậm chí, trong Giáo hội, Công đồng tuyên bố, “Vì chỉ có sự liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu các lợi ích của việc tông đồ” (AA 18). Đó là một vấn đề về sự liên kết và phối hợp các hoạt động của những ai muốn mang sứ điệp Tin mừng vào tâm trí và tinh thần của thế giới sống trong những điều kiện xã hội khác nhau. Đây còn là một vấn đề về việc đưa vào thực hành một cuộc loan báo Tin mừng cách mới mẻ nhăm gây ảnh hưởng đến dư luận và các định chế. Để đạt được mục tiêu này, cần hoạt động theo nhóm và được tổ chức chặt chẽ (x. AA 19).

3. Vì thế, Giáo hội khuyến khích cả hoạt động tông đồ cá nhân lẫn hội đoàn, và cùng với Công đồng, tuyên bố quyền lợi của các giáo dân được các hội đoàn để hoạt động tông đồ: “Giáo dân có quyền lập và điều khiến hội đoàn và ghi danh vào các hội đoàn đã có sẵn, miễn là phải giữ mối liên lạc cần thiết với giáo quyền” (AA 19).

Liên lạc với giáo quyền ngụ ý một ước muốn căn bản là sự hài hòa và hợp tác trong Giáo hội. Nhưng nó không ngăn cản các hội đoàn có quyền tự lập. Trong xã hội dân sự, quyền thành lập hội đoàn được công nhận là quyền lợi của cá nhân dựa trên quyền tự do của con người được liên kết với những người khác để đạt được một mục tiêu chung, còn trong Giáo hội, quyền thành lập một hội đoàn nhằm mục đích tôn giáo bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội. Đối với mỗi Kitô hữu, Bí tích Rửa tội kèm theo khả năng, bổn phận và sức mạnh trong việc tham gia tích cực vào sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội (x. CL 29). Bộ Giáo Luật nói về điều này theo cách sau: “Các Kitô hữu có quyền tự do thành lập và điều hành các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức, hoặc nhằm cổ vũ ơn gọi Kitô giáo trong thế giới; họ cũng được trọn quyền tự do hội họp để cùng nhau theo đuổi các mục đích đó.” (GL điều 215).

4. Trên thực tế, trong Giáo hội, các giáo dân luôn sử dụng quyền tự do này. Nói cho đúng, trong quá khứ, không thiếu những hội đoàn của các tín hữu được tổ chức theo những cách thế vào thời điểm đó. Nhưng chắc chắn rằng ngày nay hiện tượng này được mở rộng và mang nhiều hình thức mới. Bên cạnh các hiệp hội cổ kính, thiện hội, Dòng ba, v.v., chúng ta đang chứng kiến ​​sự phát triển của các loại hội đoàn mới ở khắp mọi nơi. Đó là các nhóm, cộng đoàn và phong trào theo đuổi rất nhiều mục tiêu, phương pháp và lĩnh vực hoạt động. Nhưng họ luôn hoạt động với một cứu cánh cơ bản duy nhất: phát triển đời sống Kitô hữu và cộng tác vào sứ vụ của Giáo hội (x. CL 29).

Sự đa dạng của các hội đoàn không phải là một điều xấu nhưng đúng ra nó biểu lộ sự tự do tối thượng của Thánh Linh, Đấng tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng trong các khuynh hướng, tính tình, ơn gọi và năng lực , vv vốn hiện hữu nơi con người. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là cần phải duy trì mối quan tâm về tính hợp nhất giữa sự đa dạng, tránh sự ganh đua, căng thẳng và xu hướng nắm độc quyền tông đồ hoặc địa vị ưu thế mà chính Tin Mừng đã loại bỏ. Tinh thần tham gia và hiệp thông phải luôn được thúc đẩy giữa các hội đoàn khác nhau để thực sự góp phần vào việc truyền rao sứ điệp Tin Mừng.

Những tiêu chuẩn để nhìn nhận dặc tính Công giáo của các hội đoàn

5. Các tiêu chí giúp chúng ta có thể nhận ra bản chất Giáo hội, nghĩa là đặc tính Công giáo thực sự của các hội đoàn khác nhau, là:

a) vị trí ưu tiên dành sự thánh thiện và sự hoàn trọn trong đức ái như là mục tiêu của ơn gọi Kitô hữu;

b) trách nhiệm tuyên xưng đức tin Công giáo trong sự hiệp thông với Huấn quyền của Giáo hội;

c) tham gia vào các mục đích tông đồ của Giáo hội với việc cam kết hiện diện và hoạt động trong xã hội nhân loại;

d) chứng tá cho sự hiệp thông cụ thể với Đức Giáo hoàng và Giám mục của mình (x. CL 30).

Các tiêu chí này cần được tuân thủ và áp dụng ở cấp địa phương, giáo phận, khu vực và quốc gia, và cũng như ở cấp bậc liên hệ quốc tế giữa các thực thể văn hóa, xã hội và chính trị, phù hợp với sứ vụ phổ quát của Giáo hội, tìm cách thấm nhuần tinh thần chân lý, bác ái và hòa bình vào các dân tộc, các quốc gia và các cộng đồng mới được quy tụ trong đó.

Mối tương quan của các hội đoàn giáo dân với Giáo quyền có thể diễn tả cách đặc biệt qua sự chấp thuận và phê chuẩn, khi điều này được xem là phù hợp hoặc thậm chí cần thiết bởi hội đoàn đã bàn trướng rộng rãi hoặc vì sự dấn thân tham gia hoạt động tông đồ của họ (x. CL 31). Công đồng đã gợi lên khả thể này và sự thích hợp đối với các hội đoàn và tổ chức trực tiếp nhắm đến mục đích thiêng thánh” (AA 24). Liên quan đến các “hội đoàn đại kết” với đa số Công giáo và thiểu số không Công giáo, Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân sẽ xác định các điều kiện để được chấp nhận (x. CL 31).

Rao giảng Tin Mừng và nên thánh là mục tiêu của Công giáo Tiến hành

6. Trong số các hình thức tông đồ hội đoàn, Công đồng nêu rõ và đặc biệt trích dẫn đoàn thể Công giáo Tiến hành (x. AA 20). Ngay cả trong các hình thức khác nhau được thực hiện ở các quốc gia khác và với những thay đổi đã xảy ra theo thời gian, đoàn Công giáo Tiến hành nổi bật vì việc liên kết chặt chẽ với hàng phẩm trật, và một lý do không kém quan trọng là các hoa trái phong phú mà đoàn thể này đã đem lại cho Giáo hội và thế giới suốt nhiều năm lịch sử.

Các tổ chức được biết đến dưới danh nghĩa Công giáo Tiến hành (nhưng cũng có tên khác và cùng loại) có mục đích loan báo Tin mừng và thánh hóa tha nhân, đào tạo lương tâm theo Kitô giáo, gây ảnh hưởng đến phong hóa, và thấm nhuần tinh thần tôn giáo trong xã hội. Các giáo dân đảm nhận trách nhiệm trong niềm hiệp thông với Giám mục và các linh mục. Họ hành động “dưới sự điều khiển của chính hàng giáo phẩm và có thể thừa nhận sự hợp tác này qua một ủy nhiệm minh nhiên” (AA 20). Khả năng xây dựng Thân Thể của Chúa Kitô tùy thuộc và sẽ luôn phụ thuộc vào mức độ trung thành của họ với phẩm trật và sự hòa hợp với Giáo hội. Đồng thời, kinh nghiệm cho thấy rằng, nếu dựa theo một đường hướng hành động riêng, dẫn đến tình trạng bất đồng ý kiến và gây ra xung đột, thì không những Giáo hội sẽ không được xây dựng, mà còn hình thành một tiến trình tự hủy, phá hoại công trình và nói chung, đưa đến sự tan rã.

Giáo hội, Công đồng và Giáo hoàng hy vọng và cầu nguyện ngõ hầu trong các hình thức hội đoàn tông đồ giáo dân và đặc biệt đoàn thể Công giáo Tiến hành, người ta luôn nhận thấy tỏa chiếu vẻ rạng rỡ của cộng đoàn Giáo hội biểu lộ qua sự hiệp nhất, bác ái và sứ vụ truyền bá đức tin và sự thánh thiện trong thế giới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here