TGH Gioan Phaolô II – BÀI 86: GIÁO DÂN THAM GIA VÀO SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI

0
603

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 86: GIÁO DÂN THAM GIA VÀO SỨ VỤ CỦA GIÁO HỘI

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 16 tháng 03, Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc bàn về việc tham gia của giáo dân vào sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô trước thế giới, nhất là trong việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ.

1. Ngày nay, các Kitô hữu không có gì khó khăn trong việc chấp nhận rằng, tất cả các thành phần của Giáo hội, kể cả các giáo dân, đều có thể và phải chia sẻ sứ mệnh làm chứng, loan báo và mang Chúa Kitô đến với thế gian. Yêu sách này của Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô đã được lặp đi lặp lại bởi các Đức Giáo Hoàng, Công đồng Vaticanô II và các Thượng Hội đồng Giám mục, hòa hợp với Thánh Kinh và Thánh Truyền, kinh nghiệm của các Kitô hữu tiên khởi, giáo lý của các nhà thần học và lịch sử của đời sống mục vụ. Vào thế kỷ này, các giáo sĩ và tín hữu đã quen thuộc với thuật ngữ và ý tưởng “hoạt động tông đồ”. Tuy vậy, người ta có cảm giác rằng vẫn còn một vài do dự chung quanh những lãnh vực cần phải dấn thân cụ thể, và về những phương tiện cần sử dụng để thực hiện sự dấn thấn ấy. Do đó, thiết tưởng nên xác định vài điểm rõ ràng trong lĩnh vực này, dù biết rằng việc huấn luyện cụ thể và hệ thống cần được thực hiện ở mỗi địa phương, nơi các linh mục quản xứ, các văn phòng giáo phận và các trung tâm hoạt động tông đồ của giáo dân.

Hoạt động tông đồ tại giáo xứ

2. Địa bàn đầu tiên dành cho hoạt động tông đồ của các giáo dân trong cộng đoàn Giáo hội là Giáo xứ. Công đồng nhấn mạnh vào điểm này trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân như sau: “Giáo xứ cung cấp một thí dụ rõ ràng cho hoạt động tông đồ “cộng đoàn”” ( AA 10). Công đồng cũng thêm hoạt động giáo dân là cần thiết để việc tông đồ của các mục tử có thể đạt được hiệu quả đầy tràn. Công cuộc này, được phát triển trong sự hợp tác với các linh mục, đối với “các giáo dân có tinh thần tông đồ thật sự” là một hình thức tham gia trực tiếp vào đời sống Giáo hội (x. AA 10).

Các giáo dân có thể thi hành nhiều công việc trong việc linh hoạt phụng vụ, giảng dạy giáo lý, trong các chương trình mục vụ và xã hội, và ở các Hội đồng mục vụ (x. CL 27). Họ cũng đóng góp cách gián tiếp cho hoạt động tông đồ bằng việc giúp đỡ ban quản trị giáo xứ. Cần làm thế nào để linh mục không cảm thấy đơn độc, nhưng có thể tin tưởng vào các giáo dân nhờ khả năng chuyên môn, tinh thần liên kết, lòng quảng đại dấn thân vào những lãnh vực khác như phục vụ Nước Thiên Chúa.

Hoạt động tông đồ ở cấp giáo phận

3. Địa bàn thứ hai của những nhu cầu, ích lợi và khả thể mà Công đồng đề nghị cho các giáo dân là “liên lỉ nuôi dưỡng cảm thức về giáo phận” (AA 10). Thực vậy, Giáo phận là nơi mà Giáo hội địa phương thành hình cụ thể và, nhờ các thành viên là giáo sĩ và tín hữu, làm cho Giáo hội hoàn vũ được hiện diện. Ngày nay, các giáo dân thường xuyên được mời gọi cộng tác vào các chương trình giáo phận, với lòng quang đại và tinh thần cao thượng, trong vai trò thừa hành, tư vấn và đôi khi lãnh đạo, theo chỉ dẫn và yêu cầu của Giám mục và các cơ quan có trách nhiệm. Họ cũng đóng góp đáng kể bằng cách tham gia các Hội đồng mục vụ giáo phận, là nơi mà Thượng Hội đồng Giám mục năm 1987 đề nghị thiết lập, như là “hình thức chính của việc hợp tác, đối thoại và phân định ở cấp giáo phận” (CL 27). Người ta cũng mong đợi các giáo dân giúp đỡ cụ thể trong việc quảng bá giáo huấn giáo của Giám mục giáo phận, hợp nhất với các Giám mục khác và đặc biệt là với Đức Giáo Hoàng, trong các vấn đề tôn giáo và xã hội mà cộng đoàn Giáo hội đang phải đối diện; trong việc định hướng và giải quyết hữu hiệu các vấn đề hành chính; trong việc điều hành các hoạt động huấn giáo, văn hóa và bác ái mà giáo phận thành lập và hỗ trợ để giúp đỡ những người nghèo, v.v … Có biết bao cơ hội khác để hoạt động đang chờ đợi những người có thiện chí, mong muốn dấn thân và tinh thần hy sinh! Xin Thiên Chúa gợi lên những nỗ lực mới và mạnh mẽ để giúp các Giám mục và giáo phận, là nơi mà nhiều giáo dân ưu tú đã thể hiện nhận thức của họ rằng Giáo hội địa phương là nhà và gia đình của hết mọi người!

4. Ở một địa bàn rộng lớn hơn nữa, mang tầm phổ quát, các giáo dân có thể và phải cảm thấy rằng họ là thành viên của Giáo hội Công giáo, và dấn thân cho sự triển nở của Giáo hội, như Thượng hội đồng Giám mục 1987 nhắc lại (x. CL 28). Họ nên nghĩ về Giáo hội như một cộng đoàn mang bản tính truyền giáo, mà tất cả các thành viên đều có bổn phận và trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, cho tất cả những ai cần Chúa, dù họ biết hay không. Trong địa hạt rộng lớn này, của các cá nhân và các nhóm, của các môi trường và các tầng lớp xã hội, cũng có nhiều người, mặc dù mang danh là Kitô hữu trên giấy tờ, nhưng về tinh thần thì lại xa cách, không biết gì hoặc không quan tâm với Chúa Kitô. Cuộc loan báo Tin mừng cách mới mẻ[1] nhắm đến các anh chị em này, và người giáo dân được mời gọi góp phần quý báu và không thể thiếu của họ. Thượng Hội đồng 1987, nhận xét rằng: “Việc thấm nhuần Kitô giáo vào cơ cấu xã hội là điều cấp bách”, và nói thêm: “Các tín hữu giáo dân, vì được tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, là những thành phần tích cực của nhiệm vụ này của Giáo hội“ (CL 34). Nhiều giáo dân đã đứng hàng đầu trong biên cương của công cuộc loan bao Tin mừng cách mới mẻ!

Để chu toàn nhiệm vụ này, ngoài nỗ lực riêng tìm hiểu chân lý thần linh, các giáo dân cần được chuẩn bị phù hợp về giáo lý đức tin và phương pháp mục vụ, nhờ việc theo học tại các Trung tâm thần học hoặc những khóa học đặc biệt. Không phải tất cả mọi người hay mọi hình thức cộng tác đều nhất thiết đòi hỏi một trình độ đào tạo về tôn giáo hoặc thần học nhu nhau, tuy nhiên điều này không thể bỏ sót với những ai tham gia vào công cuộc loan bao tin mừng cách mới mẻ và phải đối diện với các vấn đề về khoa học và văn hóa nhân loại trong mối liên hệ với đức tin (x. CL 34).

5. Công cuộc loan báo Tin mừng cách mới mẻ nhắm đến việc đào tạo các cộng đoàn Giáo hội trưởng thành, bao gồm các Kitô hữu xác tín, hiểu biết và kiên trì trong đức tin và đức mến. Họ sẽ có thể làm sinh động các dân tộc từ bên trong, ngay cả ở nơi mà Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người, không được biết đến hay bị lãng quên (x. CL 35), hoặc ở nơi mà ảnh hưởng của Người đối với lối suy tư và cuộc sống đã bị suy giảm.

Về điểm này, có thể là hữu ích các hình thức hội đoàn cũ và mới, chẳng hạn như các hiệp hội, huynh đoàn, các phong trào đang phát triển; nếu cần thì phải tăng cường tinh thần truyền giáo cho họ. Các lễ hội dân gian gắn liền với các lễ phụng vụ, tuy mang tính cách địa phương hoặc vùng miền, cũng có thể và nên mang màu sắc Giáo hội, với chủ ý thực thi công cuộc loan báo Tin mừng. Với sự khôn ngoan, nhạy bén và can đảm, các giáo sĩ và giáo dân thuộc ban tổ chức có nhiệm vụ thích nghi với những nhu cầu của Giáo hội truyền giáo, qua việc huấn giáo nhằm hướng dẫn về phong tục cũng như việc thực hành Bí tích , đặc biệt là Bí tích Sám hối và Bí tích Thánh Thể.

Giáo hội trân quý những người loan báo Tin Mừng

6. Chúng ta đã gặp thấy nhiều tấm gương hùng hồn của các giáo dân thời này về nỗ lực truyền giáo trong các lĩnh vực vừa nói trên và còn trong nhiều môi trường khác nữa. Họ đã khám phá ơn gọi trọn vẹn Kitô hữu của mình và đón nhận mệnh lệnh của Chúa Giêsu phải rao giảng Tin Mừng khắp hoàn cầu, ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng tìm cách thực hiện một Lễ Ngũ Tuần mới trên trần gian. Giáo hội bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh chị em này, dù nổi tiếng hay vô danh, và chắc chắn Thiên Chúa đã ban phúc lành cho họ. Ước chi tấm gương của họ sẽ làm gia tăng thêm số lượng các tín hữu giáo dân dấn thân mang sứ điệp của Chúa Kitô đến với mọi cá nhân và tìm cách khơi dậy ngọn lửa truyền giáo ở khắp mọi nơi. Vì lý do này, Đấng kế vị thánh Phêrô cố gắng đến thăm viếng mọi quốc gia, ở mọi lục địa, để khiêm tốn phục vụ công cuộc truyền bá Tin Mừng; tại các quốc gia, các Giám mục, những người kế vị các tông đồ, cũng như các mục tử và các cộng đồng Giáo hội đều cố gắng tích cực hoạt động việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ.

[1] Chú thích của người dịch. “Nuova evangelizzazione” được dịch là “loan bao Tin mừng cách mới mẻ”, (thay vì “Tân Phúc âm hóa”), bởi vì tránh hiểu lầm: đây không phải là giảng “Tin mừng mới”, nhưng giảng Tin mừng “cách mới mẻ”: mới về nhiệt huyết, mới về phướng pháp, mới về ngôn ngữ, chứ không phải mới về nội dung!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here