TGH Gioan Phaolô II – BÀI 83: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC VƯƠNG ĐẾ CỦA ĐỨC KITÔ

0
1445

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 83: GIÁO DÂN THÔNG DỰ VÀO CHỨC VƯƠNG ĐẾ CỦA ĐỨC KITÔ

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 09 tháng 02, Đức Thánh Cha đề cập đến sự thông dự của các giáo dân vào chức vụ vương đế của Chúa Kitô: họ được mời gọi cộng tác để phát triển trật tự trần thế theo kế hoạch của Thiên Chúa

1. Trước đây, trong loạt bài giáo lý về Chúa Kitô, chúng tôi đã diễn giải chức vụ vương đế, là một trong những chức vụ của Đấng Mêsia, đã được tiên báo trong truyền thống ngôn sứ Cựu Ước. Rồi trong các bài giáo lý về Giáo hội, chúng tôi đã giải thích việc Chúa Kitô đã cho Giáo hội được tham gia vào chức vụ này. Giờ đây, chúng ta có thể và cần áp dụng cho các giáo dân đạo lý ấy, liên quan đến Giáo hội, như là một hợp nhất huyền nhiệm và mục vụ để tiếp tục công trình cứu chuộc trần gian. Nếu các giáo dân là thành phần của Giáo hội, và thậm chí là Giáo hội, như Giáo hoàng Piô XII đã nói trong bài diễn văn nổi tiếng vào năm 1946, thì họ cũng được kết hợp vào vương quyền của Vị Mục Tử tối cao của Giáo hội.

Thông dự vào chức vụ vương đế là gì?

2. Như Công đồng Vaticanô II đã nói trong Hiến chế Lumen Gentium, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người để cứu chuộc chúng ta, sau khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc, mà đỉnh điểm là hy tế Thập giá và sự phục sinh, trước khi lên trời, Người đã nói với các môn đệ: “Thầy đã được trao mọi quyền bính trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Người đã nối kết lời khẳng định này với việc trao cho các môn đệ sứ vụ và thẩm quyền rao giảng Tin Mừng cho mọi dân, mọi người, và dạy họ tuân giữ những điều răn Người truyền dạy (x. Mt 28,20): chia sẻ vương quyền của Chúa Kitô là như thế. Thật vậy, Chúa Kitô là Vua, bởi vì đã mặc khải sự thật mà Người đã mang từ trời xuống trần gian (x. Ga 18,37), và đã trao phó cho các tông đồ và Giáo hội để họ có thể loan truyền sự thật này đến thế gian trong mọi thời. Như vậy, sống trong chân lý đã nhận từ Chúa Kitô và lo liệu truyền bá chân lý cho thế giới, đó là sứ vụ và trọng trách của mọi thành viên trong Giáo hội, kể cả các giáo dân. Điều này được Công đồng Vaticanô II khẳng định (x. LG 36), và được Tông huấn Christifideles Laici lặp lại (CL 14).

Các giáo dân loan truyền vương quốc của Đức Kitô vào trật tự trần thế

3. Giáo dân được mời gọi thi hành“vương quyền của Kitô hữu” (x. CL 14) bằng cách sống chân lý ở bên trong nhờ đức tin và biểu lộ ra bên ngoài bằng chứng tá bác ái, cũng như cố gắng làm sao để cho đức tin và đức trở nên men của đời sống mới cho mọi người. Như Hiến chế Tín Lý Lumen Gentium khẳng định: “Chúa cũng muốn nhờ cả các giáo dân để mở rộng vương quốc của Người, vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc của sự thánh thiện và ân sủng, vương quốc của công lý, tình yêu và hòa bình” (LG 36) .

Cũng theo Công đồng, việc tham gia của các giáo dân vào trong sự phát triển của Vương quốc được thực hiện cách đặc biệt nhờ vào hoạt động cụ thể, trực tiếp của họ trong trật tự trần thế. Trong khi các linh mục và tu sĩ dấn thân phục vụ lãnh vực tâm linh và tôn giáo, nhằm hoán cải con người và tăng trưởng Nhiệm thể Chúa Kitô, thì các giáo dân được mời gọi dấn thân vào việc mở rộng ảnh hưởng của Chúa Kitô trong trật tự trần thế, bằng cách hoạt động trực tiếp trong lãnh vực này (x. AA 7).

4. Điều này giả định rằng, các giáo dân cũng như toàn thể Giáo hội, có một viễn tượng về thế giới, và cách riêng là khả năng thẩm định các thực tại nhân sinh, nhằm nhận ra giá trị tích cực cũng như khía cạnh tôn giáo của nó, như đã được phát biểu trong sách Khôn ngoan: “Chúa dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này” (Kn 9,2-3).

Không thể nào coi trật tự trần thế như một hệ thống khép kín. Một quan niệm duy phàm tục về thế giới chẳng những không được chấp nhận trên lãnh vực triết học, mà còn trái ngược với Kitô giáo. Dựa theo lời thánh Phaolô vang vọng lời của Chúa Giêsu, Kitô giáo chủ trương rằng trật tự tạo dựng mang cứu cách siêu việt. Thánh Tông đồ viết cho các tín hữu Côrintô: “Mọi sự đều là của anh em”, dường như muốn làm nổi bật phẩm giá và quyền lực mới của Kitô hữu. Tuy nhiên, lập tức người nói thêm: “Anh em thuộc về Đức Kitô và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23). Ta có thể diễn giải mà không sợ hiểu sai bản văn theo nghĩa là vận mệnh của toàn thể vũ trụ gắn liền với sự “thuộc về” này.

5. Viễn tượng này về thế giới, khởi đi từ sự thông dự của Giáo hội vào vương quyền của Chúa Kitô, là nền tảng của một nền thần học chân chính về hàng ngũ giáo dân liên quan đến cuộc dấn thân của họ vào trật tự trần thế. Như Hiến chế Lumen Gentium đã viết: “Các tín hữu cần phải nhận biết bản tính sâu xa của toàn thể vạn vật, cũng như giá trị, và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện kể cả nhờ những công việc trần thế, để thế gian được thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ vai trò chính yếu trong việc chu toàn nhiệm vụ phổ quát này. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng của Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân thoại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa con người theo ý định của Đấng Tạo Hóa và sự soi sáng nhờ Ngôi Lời và tùy theo cách thế riêng của chúng, các tạo vật ấy giúp triển nở toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn…” (LG 36)

6. Công đồng nói tiếp: “Khi các cơ chế và hoàn cảnh trần thế gây nên dịp tội, người giáo dân cũng phải hợp sức làm cho các cơ chế và hoàn cảnh đó trở nên lành mạnh, sao cho chúng phù hợp với các quy luật của đức công bằng, và nâng đỡ hơn là chống lại việc thực thi các nhân đưc. Bằng hành động như vậy, họ làm cho nền văn hóa và các công trình nhân loại được thấm nhuần những giá trị luân lý” (LG 36; x. GLCG 909).

“Mỗi giáo dân phải là nhân chứng cho sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, và là biểu tượng của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng. Họ phải truyền rao đến thế giới tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành, hiếu hòa –là những người được Tin Mừng tuyên bố là có phúc. Tóm lại, ‘người Kitô hữu phải làm cho thế giới sống như linh hồn đã làm đối với thân xác’”(LG 38).

Đây là một chương trình nhằm khai sáng và làm sinh động thế gian, đã bắt nguồn từ thời kỳ nguyên thủy của Kitô giáo, như đã được chứng thực qua “Bức thư gửi Diognetus”[1]. Thời nay nó cũng là hoàng đạo cho những người thừa kế làm chứng nhân và cộng sự của Vương quốc Chúa Kitô.

[1] Chú thích của người dịch. Một đoạn văn của bức thư này được trích dịch trong bài đọc Kinh Sách ngày thứ tư tuần V mùa Phục sinh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here