TGH Gioan Phaolô II – BÀI 78: GIÁO DÂN VÀ MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ

0
469

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 78: GIÁO DÂN VÀ MẦU NHIỆM ĐỨC KITÔ

Tại buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 10 tháng 11, Đức Thánh Cha tiếp tục cuộc thảo luận về vai trò của giáo dân trong Giáo hội. Lần này ngài tập trung vào sự cần thiết của ân sủng để thực hiện sứ mệnh của mình, nhờ mối liên hệ với Chúa Kitô trong tất cả các khía cạnh của đời sống.

1. Chúng tôi đã lưu ý rằng tính cách trần thế của đời sống giáo dân không thể chỉ được hiểu theo nghĩa thuần túy “thế tục”, bởi vì nó còn bao hàm mối tương quan của con người với Thiên Chúa trong cộng đoàn của ơn cứu độ là Giáo hội. Vì thế, đối với người Kitô hữu, tính cách trần thế mang một giá trị siêu việt, bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội, qua đó, con người trở thành con cái Thiên Chúa và chi thể của Thân thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô-là Giáo hội.

Vì lý do này, ngay từ bài giáo lý đầu tiên về giáo dân, chúng tôi cũng đã nhận xét rằng thật là sai lầm khi hiểu hạn từ laicus (laic) theo nghĩa là đối lập với Chúa Kitô hoặc Giáo hội, ám chỉ thái độ tách biệt, độc lập hoặc thậm chí là thờ ơ đối với tôn giáo. Theo ngôn ngữ Kitô giáo, laicus (giáo dân) là một phần tử của Dân Chúa và đồng thời là người sống giữa thế gian.

2. Các giáo dân thuộc về Giáo hội, như thành phần sống động, chủ động và có trách nhiệm trong Giáo hội: đó là ý muốn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng muốn Giáo hội của Người mở ra cho tất cả mọi người. Ta chỉ cần nhớ lại hành vi của chủ vườn nho trong dụ ngôn đầy ý nghĩa và thú vị được Chúa Giêsu kể lại. Nhìn thấy một số người đang thất nghiệp, ông chủ nói với họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho của tôi” (Mt 20,4). Thượng hội đồng Giám mục năm 1987 nhận xét rằng, lời mời gọi này “kể từ hôm ấy không bao giờ ngừng vang lên trong suốt dòng lịch sử: nó được gửi đến mọi người trên thế gian này”. “Lời mời gọi đó không chỉ nhắm tới các mục tử, các linh mục, nam nữ tu sĩ nhưng được gửi đến tất cả mọi người: các giáo dân cũng được chính Thiên Chúa đích thân mời gọi đảm nhận một sứ vụ cho Giáo hội và thế giới” (CL 2). Tất cả được mời gọi để “cho mình được giao hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20), để cho mình được cứu độ và cùng nhau hợp tác vào công cuộc cứu độ phổ quát, bởi vì Thiên Chúa “muốn cho tất cả mọi người được cứu độ” (1 Tm 2,4). Tất cả đều được mời gọi, tùy theo tài năng cá nhân, để làm việc trong “vườn nho” của Chúa Cha, nơi mà mỗi người đều có chỗ đứng và phần thưởng cho mình.

3. Do vậy, ơn gọi giáo dân bao hàm một sự tham gia vào đời sống Giáo hội và một sự kết hợp mật thiết với chính sự sống của Chúa Kitô. Đó là một hồng ân và đồng thời cũng là một nhiệm vụ. Chúa Giêsu đã chẳng đòi buộc các môn đệ đi theo Người hãy kết hợp liên lỉ với Người và trong Người, và chấp nhận để cho đà sống hăng say của Người thâm nhập vào tâm trí và trái tim của họ đấy ư ? “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,4-5). Đối với các giáo dân cũng như đối với các linh mục, kết quả phong phú tùy thuộc vào việc kết hợp với Chúa Kitô.

Người giáo dân cần ân sủng để cho toàn sứ mạng của họ

Câu nói “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” không có nghĩa là nếu không có Chúa Kitô, các giáo dân không thể nào sử dụng tài năng và đức tính cá nhân của họ trong các hoạt động trần thế. Tuy nhiên, lời của Chúa Giêsu, được Tin mừng thánh Gioan ghi lại, cảnh báo tất cả chúng ta -giáo sĩ và giáo dân- rằng nếu không có Chúa Kitô, chúng ta không thể phát sinh hoa trái đặc trưng nhất của đời sống Kitô hữu. Đối với các giáo dân, hoa trái đặc trưng đó là sự đóng góp của họ nhằm biến đổi thế giới nhờ ân sủng, và để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Chỉ nhờ trung thành với ân sủng thì ta mới có thể mở ra cho thế giới những con đường của ân sủng, dù là trong việc chu toàn các nghĩa vụ riêng trong gia đình, đặc biệt là việc nuôi dạy con cái, hoặc là trong công việc phục vụ xã hội ở mọi cấp độ và dưới mọi hình thức dấn thân cho công lý, tình yêu và hòa bình.

4. Giáo huấn Tin mừng này được thánh Phaolô lặp lại (x. Rm 9,16) và được thánh Augustinô xác nhận (x. De correptione et gratia, c. 2). Theo chiều hướng đó, Công đồng Trentô đã dạy rằng, người ta vẫn có thể làm “việc tốt” ngay cả khi không ở trong tình trạng ân sủng (x. DS 1957), nhưng chỉ nhờ ân sủng những công việc đó mới mang lại giá trị cứu độ (x. DS 1551 ). Đức Giáo Hoàng Piô V, tuy lên án ý kiến ​​của những ai cho rằng “tất cả các công việc của những người không theo đạo là tội lỗi và các nhân đức của các triết gia [ngoại đạo] chỉ là nết xấu” (DS 1925), nhưng ngài cũng đã bác bỏ mọi thứ chủ nghĩa duy tự nhiên và vụ luật. Ngài khẳng định rằng, công đức và điều tốt lành đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ muôn ân sủng vào trái tim của các nghĩa tử của Thiên Chúa (x. DS 1912-1915). Đây là cách tiếp cận trung dung của thánh Tôma Aquinô. Trước vấn nạn “nếu không có ân sủng, liệu con người có thể muốn và làm điều thiện được hay không”, ngài trả lời: “Bởi vì tội không làm hủy hoại hoàn toàn bản tính con người đến độ không còn khả năng để thi hành điều tốt tự nhiên, tựa như xây dựng nhà ở, canh tác vườn nho và những việc tương tự [phạm vi của các giá trị và hành động trong lĩnh vực nghề nghiệp, công nghệ và kinh tế…], nhưng con người không thể thi hành tất cả điều tốt hợp với bản tính của mình… giống như một người bệnh có thể tự mình không thể nào thực hiện cách hoàn hảo một số động tác của một người lành mạnh nếu anh không được chữa lành nhờ sự trợ giúp của y khoa…” (Summa theologiae, I-II, q. 109, a. 2). Anh ta lại càng không thể nào thi hành điều tốt vượt trên bản tính của mình (“bonum superexcedens, supernaturale”), là công tác của các nhân đức thiên phú và nhất là của đức ái là sản phẩm của ơn thánh (x. Ibid.)

Như ta có thể thấy, vấn đề liên quan đến sự thánh thiện của giáo dân cũng liên quan đến một trong những luận điểm cơ bản của thần học về ân sủng và sự cứu độ!

5. Trong cuộc sống cá nhân, người giáo dân có thể thực hiện việc hòa đồng với mầu nhiệm Nhập thể nhờ đặc tính thế tục của mình. Như chúng ta đã biết, Con Thiên Chúa đã muốn chia sẻ thân phận con người, trở nên giống con người trong tất cả mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 2,17; 4,15). Chúa Giêsu đã xác định mình là “kẻ được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian” (Ga 10,36). Tin mừng cho chúng ta biết rằng, Thánh Tử hằng cửu đã dấn thân trọn vẹn vào thân phận con người bằng việc sống cuộc thánh hiến của mình ở trong thế gian. Cuộc sống toàn diện trong thân phận con người của Chúa Giêsu trong trần thế là mô mẫu soi sáng và truyền cảm hứng cho đời sống của tất cả những ai lãnh nhận phép Rửa (x. GS 32). Chính Tin mừng mời gọi chúng ta khám phá trong đời sống của Chúa Kitô một mẫu hình hoàn hảo về những gì có thể và trở nên cuộc sống của những ai đi theo Người làm môn đệ và thông phần vào ân sủng và sứ vụ tông đồ.

Con Thiên Chúa trở nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi

6. Cách riêng, chúng ta có thể ghi nhận rằng, khi chọn sống cuộc đời bình thường của con người, Con Thiên Chúa đã trao ban cho đời sống này một giá trị mới và nâng nó lên hàng thánh thiêng (x. Summa theologiae, III, q. 40, aa. 1-2). Vì là Thiên Chúa, Người đã thông ban cho những hoạt động khiêm hạ nhất của thân phận con người được tham dự vào đời sống thần linh. Trong Người, chúng ta có thể và phải nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa làm người, Đấng đã được sinh ra và sống như chúng ta, đã ăn, uống, lao động và làm những điều mà mọi người phải làm; nhờ vậy, mầu nhiệm về sự sống Thiên Chúa Tam Vị được phản chiếu trong toàn bộ đời sống, và tất cả mọi hoạt động của con người được nâng lên một tầm mức cao hơn. Đối với bất cứ ai sống trong ánh sáng của đức tin, như các Kitô hữu giáo dân, mầu nhiệm Nhập thể thấm nhập vào cả các hoạt động trần thế, và đem men ân sủng đến cho chúng.

Trong ánh sáng đức tin, các giáo dân đi theo đường lối của cuộc Nhập Thể để cứu chuộc chúng ta cũng chia sẻ vào mầu nhiệm cứu chuộc của thập giá. Trong cuộc đời của Chúa Kitô, Nhập thể và Cứu chuộc họp thành một mầu nhiệm duy nhất của tình yêu. Con Thiên Chúa đã nhập thể để cứu chuộc nhân loại bằng sự hy sinh của Ngài: “Con Người không đến để được phục vụ mà là để phục vụ… hầu hiến mạng sống của mình cho muôn người” (Mc 10,45; Mt 20,28).

Khi lá thư gửi tín hữu Do thái tuyên bố rằng Thánh Tử đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi là đang nói về sự tương đồng và chia sẻ trong những thử thách đau đớn của cuộc đời này (x. Hr 4,15). Chúng ta cũng đọc trong thư Philípphê rằng, Người được sinh ra giống như bao người, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá (x. Pl 2,7-8).

Cũng giống như kinh nghiệm về những khó khăn của cuộc đời Đức Kitô đã tới tột đỉnh nơi Thập giá, thì những thử thách trong đời sống thường nhật của giáo dân cũng đạt đến cực điểm trong cái chết được kết hợp với cái chết của Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết. Trong Chúa Kitô và trong tất cả những người theo Người, dù là tư tế hay giáo dân, Thập giá là chìa khóa của ơn cứu độ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here