TGH Gioan Phaolô II – BÀI 77: ĐẶC TÍNH TRẦN THẾ CỦA CÁC GIÁO DÂN

0
872

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 77: ĐẶC TÍNH TRẦN THẾ CỦA CÁC GIÁO DÂN

Đặc tính trần thế của ơn gọi giáo dân là chủ đề bài giáo lý của Đức Thánh Cha tại Buổi tiếp kiến chung vào Thứ Tư, ngày 03 tháng 11. Tiếp tục thảo luận về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng họ không chạy trốn khỏi thế gian nhưng tìm cách thánh hóa nó từ bên trong, như nắm men của xã hội.

1. Trong việc phân biệt các hàng ngũ trong Giáo hội, giữa giáo dân với giáo sĩ và tu sĩ, Công đồng Vaticanô II đã xác định nét đặc trưng và riêng biệt của giáo dân là đặc tính trần thế: “Đặc tính trần thế là nét đặc thù của các giáo dân” (LG 31). Như thế, dựa trên cơ sở chung là sự thánh hiến của bí tích rửa tội, Công đồng nêu bật một lối sống xác định ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân, cũng tương tự như Bí tích Truyền chức thánh và tác vụ tư tế xác định hàng ngũ giáo sĩ, và việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm xác định hàng ngũ tu sĩ.

2. Đây là một ơn gọi đặc thù, làm rõ hơn ơn gọi chung của tất cả mọi Kitô hữu là “hành động” phù hợp với những đòi hỏi của “bản tính”, tức là những thành phần của Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô và, trong Người, là những nghĩa tử Thiên Chúa. Cũng theo Công đồng (x. LG 31), các tác viên có chức thánh được mời gọi thực hiện các chức năng thánh thiêng, cùng với việc tập trung đời sống của mình vào Thiên Chúa ngõ hầu cung cấp cho nhân loại những của cải thiêng liêng, đó là sự thật, sự sống và tình yêu của Chúa Kitô. Về phần mình, các tu sĩ làm chứng cho việc tìm kiếm “điều duy nhất cần thiết” bằng cách từ bỏ lợi lộc trần thế vì lợi ích của vương quốc Thiên Chúa; như vậy, họ nên những chứng tá cho thực tại trên trời. Còn những người giáo dân thì được mời gọi và dành riêng để tôn vinh Thiên Chúa qua việc sử dụng những thực tại trần thế và cộng tác vào sự tiến bộ của xã hội. Theo nghĩa đó, Công đồng nói về đặc tính trần thế của hàng ngũ giáo dân trong Giáo hội. Khi áp dụng thuật ngữ này vào ơn gọi của giáo dân, Công đồng bày tỏ sự tôn trọng đối với trật tự thế trần và, có thể nói, đối với thế giới; nhưng tiếp đó, cách thức mà Công đồng xác định ơn gọi này cho thấy nó trổi vượt lên các viễn tượng của thời gian và quan niệm của thế trần[1].

Các giáo dân sống hội nhập vào đời

3. Thực vậy, theo văn bản Công đồng, người Kitô hữu giáo dân, xét như là một Kitô hữu, có một ơn gọi đích thực, tuy mang đặc tính trần thế nhưng vẫn luôn là một ơn gọi hướng đến Nước Trời! Chắc hẳn, Kitô hữu giáo dân sống “trong thế gian”, quan tâm đến các vấn đề thế sự để chu cấp cho các nhu cầu của mình, ở cấp độ cá nhân, gia đình và xã hội. Trong phạm vi năng lực và khả năng của mình, họ cũng phải cộng tác vào việc phát triển kinh tế và văn hóa của toàn thể cộng đồng mà họ là những thành phần sống động, tích cực và có trách nhiệm. Chúa Kitô đã kêu gọi họ vào lối sống này và nâng đỡ họ; Giáo hội nhìn nhận và tôn trọng ơn gọi đó. Nhờ sự hiện diện trong thế gian, họ phải “tìm kiếm vương quốc Thiên Chúa” và “điều hướng” các công việc trần thế theo kế hoạch của Thiên Chúa. Công đồng nói: “Giáo dân, do chính ơn gọi của họ, tìm kiếm vương quốc của Thiên Chúa bằng cách tham gia vào các công việc thế tạm và bằng cách điều hướng chúng theo kế hoạch của Thiên Chúa” (LG 31). Thượng hội đồng 1987 đã tái khẳng định điều này[2].

Công đồng còn tiếp tục nói chi tiết hơn rằng, giáo dân “sống trong trần thế, nghĩa là trong tất cả và trong mỗi bổn phận và công chuyện của thế giới. Họ sống trong hoàn cảnh đời thường của cuộc sống gia đình và xã hội, tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ” (LG 31). Bằng cách này, họ chứng tỏ rằng Giáo hội, trung thành với Tin Mừng, không coi thế gian là xấu xa và hư hỏng từ bản chất, nhưng có khả năng đón nhận sức mạnh cứu độ của Thập giá.

4. Ơn gọi và đặc tính trần thế của bậc sống và sứ vụ của giáo dân gợi lên một vấn đề nền tảng trong việc loan báo tin mừng: đó là tương quan giữa Giáo hội với “thế gian”, quan điểm của Giáo hội về thế gian và cách tiếp cận đích thực của Kitô giáo đối với tác động cứu độ. Hẳn nhiên là không thể nào không biết rằng trong Tin Mừng thánh Gioan, cụm từ “thế gian” thường ám chỉ lực lượng đối nghịch với Thiên Chúa và Tin Mừng: thế giới loài người không chấp nhận ánh sáng (1,10); nó không nhìn nhận Chúa Cha (17,25) không nhìn nhận Thần khí Chân Lý (14,17); nó nuôi dưỡng lòng thù hận đối với Chúa Kitô và các môn đệ của Người (7,7; 15,18-19). Chúa Giêsu đã không muốn cầu nguyện cho thế gian ấy (17,9) và xua đuổi Xatan, “thủ lãnh của thế gian này” (12,31). Theo nghĩa này, các môn đệ không thuộc về thế gian, cũng như chính Chúa Giêsu không thuộc về thế gian (17,14. 16; 8,23). Sự chống đối gay gắt cũng được biểu lộ trong Thư thứ nhất của thánh Gioan: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (5,19).

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng trong Tin Mừng của thánh Gioan, khái niệm “thế gian” cũng bao gồm toàn thể nhân loại, mà sứ điệp cứu chuộc nhắm tới: “Thiên Chúa thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (3,16). Nếu Thiên Chúa thương yêu thế gian là nơi tội lỗi ngự trị, thì nhờ cuộc Nhập thể và Cứu Chuộc, thế gian này đã nhận được một giá trị mới và cần được yêu thương. Đó là một thế gian cần được cứu độ: “Quả vậy, Thiên Chúa đã không sai Con của Ngài đến thế gian để xét xử thế gian, nhưng là để cho thế gian, nhờ Người mà được cứu độ” (3,17).

Thế gian là môi trường để loan báo Tin mừng

5. Nhiều bản văn Tin mừng cho thấy thái độ nhân hậu và thương xót của Chúa Giêsu đối với thế gian, với tư cách là Đấng Cứu độ. Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống để “ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,33); trong Bí tích Thánh Thể, thân thể của Chúa Kitô được trao nộp để cho “thế gian được sống” (6,51). Như vậy thế gian đã nhận được sự sống thần linh của Chúa Kitô. Thế gian cũng đón nhận ánh sáng của Người, vì Chúa Kitô là “ánh sáng thế gian” (8,12; 9,5). Các môn đệ của Ngài cũng được gọi trở nên “ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Giống như Chúa Giêsu, họ được phái “vào thế gian” (Ga 17,18). Bởi vậy, thế gian là môi trường của việc truyền giáo và hoán cải. Đó là vương quốc nơi tội lỗi thực thi quyền năng của nó và ra oai tác quái, thế nhưng, đó cũng là nơi mà ơn cứu độ tác động. Người tín hữu nhận ra sự căng thẳng đó và họ biết rằng nó sẽ được giải quyết bằng chiến thắng của Thập giá, cuộc chiến thắng đã được tỏ lộ trong thế gian kể từ ngày Phục Sinh.

Người giáo dân không trốn thế gian nhưng giúp thế gian nên thánh

Đó là viễn cảnh của Công đồng Vaticanô II, đặc biệt là trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” Gaudium et Spes, bàn về tương quan giữa Giáo hội và thế giới. “Thế giới” được hiểu là “toàn thể gia đình nhân loại”, nơi quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô đang hoạt động và kế hoạch của Thiên Chúa đang được thực hiện (x. GS 2). Công đồng không bỏ qua ảnh hưởng của tội lỗi trong thế giới, nhưng nhấn mạnh rằng thế giới này rất đẹp vì được Thiên Chúa tạo dựng và được Chúa Kitô cứu chuộc. Do đó, người ta hiểu rằng thế giới, được nhìn theo giá trị tích cực nhận được từ sự sáng tạo và cứu chuộc, trở nên “môi trường và phương tiện để giáo dân thực hiện ơn gọi Kitô hữu của mình, bởi vì thế giới được dành sẵn để tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô“ (CL 15). Do đó, theo Công đồng, trách nhiệm đặc biệt của giáo dân là hoạt động ngõ hầu công trình của Đấng Cứu Chuộc được hoàn tất trên trần gian.

6. Vì thế, thay vì chạy trốn khỏi thế gian, giáo dân được mời gọi thánh hóa thế gian. Chúng tôi lặp lại điều này một lần nữa, trích dẫn một văn bản tuyệt vời có thể xem như kết luận cho bài giáo lý hôm nay. Giáo dân “được Thiên Chúa mời gọi góp phần vào việc thánh hóa thế gian, từ giữa lòng đời như là men, bằng cách thi hành đúng chức năng của mình và nhờ tinh thần Phúc Âm dẫn dắt. Nhờ thế, họ có thể biểu lộ Chúa Kitô cho người khác, đặc biệt nhờ chứng tá của đời sống và nhờ ánh sáng của niềm tin, hy vọng và bác ái của họ” (LG 31).

[1] Chú thích của người dịch. Các từ ngữ: “trần thế, thế gian, thế giới, thế tục, đời” trong tiếng Việt được dùng để chuyển dịch các hạn từ saeculum, mundus (Latinh), siècle, monde Pháp), world (Anh). Ý nghĩa của những hạn từ này khá hàm hồ, như Đức Thánh Cha sẽ giải thích dưới đây.

[2] Kiến nghị số 4; x. CL số 15; GLCG số 89.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here