THANH LUYỆN TRÁI TIM – Kết luận

0
1008

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Kết luận

Trong chương này, chúng ta đã theo dõi hai khía cạnh của công cuộc thao luyện (praxis): diệt trừ đam mê và thực hành nhân đức. Đó là hai bộ mặt (tiêu cực và tích cực) của một thực tại: đối lại với tám đam mê là những căn bệnh của linh hồn, các sư phụ đề ra tám nhân đức như phương dược chữa trị.

Những cuộc thao luyện dẫn ta tới đâu? Có thể trả lời câu hỏi này bằng hai cách: một là đặt trong bối cảnh của toàn thể hành trình tâm linh; hai là xét đến hậu quả trực tiếp của nó.

1/ Đặt trong bối cảnh của toàn thể hành trình tâm linh, chúng ta biết rằng sự thao luyện không phải là đích điểm nhưng chỉ là phương tiện, nhằm chuẩn bị con người đến sự kết hiệp với Thiên Chúa:  praxis hướng đến theoria. Dĩ nhiên đó là nói về lý thuyết mà thôi, chứ trên thực tế thì cả hai khía cạnh này bổ túc lẫn cho nhau, như đã nói ở chương trước. Một hệ luận không kém phần quan trọng là bao lâu còn sống trên đời này, ta không thể tuyên bố chấm dứt praxis: dù ai đạt đến cao điểm đức hạnh mấy đi nữa, họ không thể nào nương tay với việc thực hành nhân đức và chiến đấu với sự dữ.

2/ Nếu muốn tìm hiểu kết quả trực tiếp của việc khổ chế thao luyện, thì ta có thể tìm câu trả lời nơi hai thuật ngữ apatheia, hesychia. Như vừa nói, các công tác khổ chế (praxis) nhằm dẫn đến việc chiêm ngưỡng nhan Chúa (theoria); nhưng một điều kiện để chiêm ngưỡng Chúa mà Phúc âm đặt ra là “con tim trong trắng” (Mt 5,8). Đây chính là mục tiêu mà các công tác khổ chế nhằm tới: làm sao để thanh luyện để con tim được trong trắng, thanh tịnh. Lý tưởng “con tim trong trắng” (hay tịnh tâm) của Phúc âm còn được phát biểu bằng những thuật ngữ khác lấy từ truyền thống văn hoá Hy-lạp: apatheia, hesychia.

A. Apátheia[1]

Theo lý tưởng tu đức của trường phái Stoa, kẻ đức độ là người đã diệt được hết đam mê dục vọng, bởi vì các đam mê làm cho lý trí ra mù quáng, làm lung lạc tinh thần. Đó là nguồn gốc của từ apathes, ghép bởi tiền tố “a” mang nghĩa phủ định, và “pathes” (cảm xúc, pathos). Nói cho đúng, lý tưởng tuyệt vời nhất của apathes là chính Thiên Chúa. Thực vậy, các thần thoại cổ điển Hy-lạp chứa đầy nhiều chuyện về các thần linh yêu ghét, giận ghen với nhau. Nhằm phản ứng lại sự “nhân hoá” các thần linh (phóng dọi lên thiên giới những bản năng của hạ giới), các triết gia Hy-lạp chủ trương rằng Thiên Chúa không có đam mê cảm xúc như con người: ngài tuyệt đối bất động, không bị nao núng bởi những dục tình. Đây cũng là khuôn mẫu cho các nhà hiền triết.

Khi đối chiếu quan điểm về Thiên Chúa theo triết học Hy-lạp với hình ảnh của Thiên Chúa trong Kinh thánh, các giáo phụ tỏ ra lúng túng không ít. Đành rằng không thể nào gán cho Thiên Chúa những bản năng đê tiện của hạ giới (chẳng hạn như mê đắm sắc dục, chè chén say sưa), nhưng Kinh thánh đã chẳng nhiều lần mô tả Thiên Chúa thịnh nộ, giận dữ, nổi nóng như lửa (Xh 32,11; Đnl 29,19) và thậm chí “ghen tương” (Xh 20,5; 34,14) đấy ư? Phúc âm đã chẳng có lần nói đến Đức Giêsu tức giận khi thấy đền thờ bị sử dụng vào nơi buôn bán đấy ư (Ga 2,17)?

Để giải thích các bản văn Kinh thánh, ông Origène đã phân biệt giữa những kiểu nói văn chương và thực chất. Tác giả Sách thánh sử dụng những hình ảnh nhân-thần với mục đích giáo dục, chứ Thiên Chúa làm gì có những cảm xúc vui buồn giận dỗi như loài người? Vì thế ta có thể áp dụng từ apathes cho Thiên Chúa, xét vì Ngài là Đấng bất biến, bất tử, bất diệt.

1/ Lý tưởng apatheia có thể áp dụng như một lý tưởng tu đức không? Việc du nhập từ ngữ này vào văn chương Kitô giáo đã gây ra nhiều tranh luận, một phần cũng tại những lối giải thích khác nhau về ý nghĩa của danh từ đó.

a- Có giáo phụ như thánh Inhaxiô Antiôkia hiểu apatheia như là “bất tử”, và cho rằng con người sẽ được thông dự vào đặc tính này ở đời sau.

b- Ong Clementê Alexandria (Stromata 6,71-79) cho rằng con người có thể chia sẻ apatheia với Thiên Chúa ngay từ đời này, nhờ sự thông tuệ (gnosis), đức ái và chế ngự cảm xúc.

c- Thánh Athanasiô mô tả thánh Antôn tu hành như một con người bình thản, không cười mà cũng chẳng buồn, không biến thái dù sống một mình hoặc được  nhân dân hâm mộ (Vita S. Antonii 14). Quả là một con người đã đạt đến khuôn mẫu apatheia của các vị hiền triết Hy-lạp, tuy thánh Athanasiô gọi đó là ataxaxía (có lẽ vì muốn dành riêng từ apatheia cho Thiên Chúa mà thôi).

d- Với ông Evagrius, danh từ apatheia được du nhập và được phổ biến trong các tác phẩm tu đức bên Đông phương. Tuy nhiên ý nghĩa của từ apatheia cũng được biến đổi. Một đàng, nó không phải là dứt bỏ hoàn toàn mọi tâm tình, bởi vì nó được liên kết với agape; đàng khác, apatheia làm cho nhà tu hành giống với thiên thần chứ không phải giống Thiên Chúa (xem lại chương Hai).

2/ Lý tưởng apatheia của ông Evagrius không được phổ biến bên Tây phương. Thánh Hiêrônymô kịch liệt đả kích từ ngữ này, bởi vì e rằng cho rằng con người sẽ biến thành tượng đá. Thánh Cassianus thì tránh từ apatheia, và dịch ra puritas mentis, tranquillitas mentis (thay vì impassibilitas). Trái lại, bên Đông phương, từ apatheia rất thịnh hành nơi các tác giả cổ điển (Hesychius, Diadocus Photicea, abba Isaia, Isac Syro, Gioan Climacus, Maximus Confessor, vv.). Dù vậy quan niệm apatheia của Kitô giáo khác với triết học ở những điểm sau:

a- Apatheia không có nghĩa là “không còn đau khổ cảm xúc”: người tín hữu vẫn cảm thấy đau khổ, và họ chấp nhận nó như một cách thức chia sẻ vào cuộc khổ nạn với Đức Kitô (xc. Cl 1,24).

b- Apatheia không có nghĩa là “dứt hết mọi xúc động”: nhà tu hành lão luyện vẫn còn cảm thấy vui buồn sướng khổ, và thậm chí đôi khi cũng cảm thấy những tà kiến nữa: chúng do ma quỷ gợi lên; nhưng ta có thể kháng cự lại, không cho chúng tung hoành.

c- Apatheia mang một nghĩa tích cực hơn là tiêu cực: nó không ám chỉ tình trạng không còn cảm xúc, cho bằng trạng thái làm chủ được cảm xúc, hướng dẫn cảm xúc theo hướng tích cực, nhất là hướng về lòng mến Chúa.

d- Apatheia không phải là tình trạng “không thể nào phạm tội”. Khác với quan điểm của nhóm Messalia, các sư phụ cảnh giác các đan sĩ rằng bao lâu còn sống trên đời này, ta vẫn còn có thể phạm tội, đặc biệt là tội kiêu ngạo vì cho rằng mình đã là thánh nhân rồi. Mặt khác, ta hãy canh chừng kẻo rơi vào ảo tưởng: đôi khi ta tưởng mình đã làm chủ được các cảm xúc rồi, nhưng thực sự  là các cảm xúc chỉ lắng dịu tạm thời mà thôi.

Tóm lại, các giáo phụ đã không ngại du nhập một lý tưởng tu đức của triết học Hy-lạp (đặc biệt của trường phái Stoa), nhưng đồng thời cũng sửa đổi nó cho hợp với tinh thần Kitô giáo, nơi mà tột đỉnh của sự trọn lành không phải là “dứt dục” cho bằng thực hành bác ái yêu thương, dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Nhờ Thánh Linh tác động, con người đạt được “tự do” đích thực (eleutheria),  khi mà nó có khả năng quy hướng tất cả mọi tâm tình cảm xúc hướng về Thiên Chúa, chứ không chiều theo dục vọng nữa (xc. Gl).  Apatheia cũng có thể diễn đạt bằng một thuật ngữ khác của Tân ước là “an tĩnh nội tâm” (hesychia) mà Cassianus dịch sang tiếng Latinh là “tranquillitas mentis”.

B. Hesychia

Theo nguyên ngữ hy-lạp, có lẽ hesychia gốc bởi hêsthai (ngồi). Trong văn học Hy-lạp cổ điển, hesychia ám chỉ tình trạng lắng dịu trong tâm hồn, không bị xáo trộn bởi ngoại cảnh; nó cũng hàm ngụ ý nghĩa cô tịch[2].

Trong bản dịch Cựu ước LXX, hesychia mang những ý nghĩa của văn hoá cổ điển, và còn thêm một nghĩa mới, đó là: hãm dẹp lời nói hay cử chỉ vô ích (Cn 11,12; 7,11).

Trong Tân ước, động từ hêsychazein có nghĩa là im lặng (Lc 14,4), tôn trọng lễ nghỉ sabbat (Lc 23,56), chấm dứt sự quấy rầy người khác (Cv 21,14; 11,18).

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu hãy “sống thuận hoà” (1Tx 4,11), “duy trì nếp sống yên ổn” (2Tx 3,12). Thánh Tông đồ muốn rằng các phụ nữ hãy giữ thinh lặng lúc đang nghe giảng dạy (1Tm 2,11-12).

Do đó, hesychia vào lúc đầu có nghĩa là thinh lặng, xét về lời nói cử chỉ và đôi khi cũng áp dụng cho tâm tình (được dịch sang tiếng latinh là: quies, pax, tranquillitas, silentium). Nói cách khác, sự thinh lặng có hai khía cạnh chính: bên ngoài và bên trong. Đó là ý nghĩa tổng quát. Nhưng trong giới đan tu, dần dần người ta gán cho nó một nghĩa chuyên môn nữa. Xét về sự thinh lặng bề ngoài, nó bao hàm một nếp sống cô tịch (của ẩn sĩ); xét về sự thinh lặng bên trong, nó bao hàm một kỷ luật nhắm đến sự chế ngự các ý tưởng hình ảnh trong đầu óc và tâm tình. Những khía cạnh căn bản của hesychia được tóm lại trong ba động từ mà ông Arsenius đã truyền lại: fuge, tace, quiesce. Ba động từ này phần nào diễn tả ba cấp độ trong đường trọn lành.

1/ Fuge: xa tránh thế gian, rút vào nơi cô tịch. Đây là cấp độ sơ đẳng nhất, xét theo mối tương quan với xã hội.

2/ Tace: thinh lặng bên ngoài có nghĩa là không hé môi mở miệng; thinh lặng bên trong có nghĩa là dẹp yên các tiếng động của dục tình (ích kỷ, kiêu ngạo, giận hờn; ghen ghét). Ở cấp thứ hai, ta phải rút vào cô tịch của nội tâm. Ta không chỉ lo duy trì sự xa cách với thế gian cho bằng xa cách các “tà kiến” nổi lên trong tâm hồn. Như đã thấy trên đây, sự chiến thắng các đam mê xảy ra đồng thời với việc tạo ra những tâm tình mới của  khiêm tốn, hiền hoà, bác ái, tiết độ.

3/ Quiesce: an bình nội tâm. Đây không chỉ là kết quả của việc trấn át các tiếng ồn ào và các đam mê, nhưng còn là hoa trái của việc kết hiệp thường xuyên với Thiên Chúa. Nó vừa là điều kiện chuẩn bị đến sự chiêm ngắm, đồng thời vừa là kết quả của sự chiêm ngắm. Đó cũng là lý tưởng của học phái  hesychasmus.  Điều này dẫn chúng ta sang đề tài “cầu nguyện và chiêm ngắm”.

Sau cùng, liên quan đến hậu quả của sự chế ngự các đam mê, bên cạnh những khái niệm apatheia, hesychia, tâm hồn trong trắng, thiết tưởng đừng nên quên một từ ngữ khác dựa trên Kinh thánh đó là “tự do”: người nào sống theo Thần khí sẽ được hưởng tự do đích thực, bởi vì họ không còn sợ bị khống chế bởi dục vọng nữa (xc. Gl 5,16-21).

——————————–

[1] Xc. Spidlik I, trang 248-257.

[2] Xc. Spidlik II, ch.10, trang 389-391.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here