THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục IX. Tự phụ

0
1168

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục IX. Tự phụ

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, nết xấu thứ tám gọi là hyperephania (ghép bởi hai từ hyper: vượt quá, và phaíno: xuất hiện) ám chỉ điều gì xuất hiện quá thực chất của nó. Trong các ngôn ngữ khác, tên đặt cho nó không hoàn toàn trùng nghĩa, chẳng như  orgueil (Pháp), pride (Anh) vừa có nghĩa là “hãnh diện” vừa có nghĩa là “kiêu căng”. Sự hãnh diện không hẳn là xấu; kiêu căng mới thật là xấu. Ở Việt nam, trong các sách luân lý, danh từ  superbia thường được dịch  bằng nhiều  từ tương đương: kiêu ngạo (kiêu căng), tự phu (tự đắc, tự mãn)[1].

Ngoài vấn đề chuyển ngữ, một sự khó khăn khác được đặt ra về nội dung. Trong bản danh sách các tà kiến của Evagrius, “hám danh” và “tự phụ” được bàn như là hai tật xấu khác biệt. Truyền thống Đông phương cũng theo đường lối đó, tuy không thiếu những cuộc tranh luận về sự khác biệt của chúng. Bên Tây phương, thánh Grêgôriô Cả gom cả hai vào tội kiêu ngạo.

I. Bản chất

Sự tự phụ khác với sự hám danh như thế nào? Để có thể trả lời chính xác cho câu hỏi đó, thiết tưởng nên ôn lại thứ tự của các nết xấu. Trong truyền thống Tây phương, bảy mối tội đầu được xếp đặt theo thứ tự luận lý: từ tội nặng nhất (kiêu ngạo) đến tội nhẹ nhất (lười biếng). Bên Đông phương, tám tật xấu được xếp đặt theo thứ tự sinh sản: từ nết xấu phát sinh nơi bản năng chung với động vật (ăn uống, sinh sản) lên tới nết xấu của lý trí.

Trong bối cảnh đó, sự hám danh và sự tự phụ không khác nhau về bản tính cho bằng về cấp độ. Thánh Climacus so sánh hai tính xấu đó như là  nhi đồng và tráng niên, hoặc như hạt thóc và bánh mì (Scala XXI, 35; 45). Cassianus cũng nghĩ như vậy: khi tính hám danh tăng trưởng thì trở thành tự phụ (Coll. V,10). Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta đừng quên rằng các nết xấu lôi kéo nhau như mắt xích.

Dựa theo mối tương quan với tha nhân hoặc với Thiên Chúa, cha Cassianus phân chia hai dạng của tính tự phụ: một đàng là coi mình hơn người; đàng khác là tâng mình chống lại Thiên Chúa.

1/ Hình thức thứ nhất của tật tự phụ là cho rằng mình hơn mọi người (hoặc ít là hơn một vài cá nhân nào đó). Ở một cấp thấp hơn, nó bao hàm việc tìm cách để được hơn người khác. Đối tượng của sự đối chiếu này cũng tương tự như những điều đã bàn trong tật hám danh, nghĩa là mình muốn hơn người khác về sắc đẹp, sức mạnh, tiền tài, địa vị, tài năng, vân vân. Chỉ có một điều khác là trong tật hám danh thì mình mong cho người khác nhìn nhận mình nổi bật về những điều đó, còn nơi tật tự phụ thì ta tự tôn phong cho mình.

 Do tính tự phụ, mình tự nâng cao lên và hạ người khác xuống: coi họ thấp hơn mình, thậm chí chẳng đếm xỉa đến họ, hầu như họ không hiện hữu trên cõi đời. Tính kiêu ngạo thúc đẩy chúng ta so sánh mình với người khác: trước là để xác định rằng mình không như họ; kế đến là mình hơn họ. Ta có thể lấy một thí dụ điển hình nơi dụ ngôn về người Biệt phái lên đền thờ cầu nguyện: “Con không như bao nhiêu kẻ khác .. hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Để khẳng định bản thân, kẻ tự phụ bị thúc đẩy so sánh mình với người khác: vì thế hắn buộc phải phán đoán để kết luận rằng mình khá hơn người. Điều này giả thiết là mình tạo ra một chiếc thang với nhiều bậc cao thấp, và đương nhiên mình được xếp ở bậc trên cùng. Có lẽ không phải tất cả mọi người tự phụ đều hình dung như vậy trong đầu óc, nhưng trên thực tế, thì họ rất thường xét đoán phê bình người khác, chê bai cách ăn nết ở của tha nhân (hiểu ngậm rằng mình đâu đến nỗi tệ như vậy). Họ tưởng rằng mình thông biết hết mọi sự, cho nên có khả năng phê bình chỉ trích người khác; họ muốn lên tiếng dạy đời chứ không chịu để cho ai dạy dỗ mình, và chắc chắn là không đời nào họ để cho ai chỉ trích mình.

2/ Dạng thứ hai của tính tự phụ mang tính cách thâm độc hơn nhiều, bởi vì nó đưa con người tới chỗ đương đầu với Thiên Chúa và chống đối Ngài. Các giáo phụ đều nhất trí rằng đây là nết xấu tệ hại nhất, bởi vì nó đã là căn nguyên của sự sa đọa của Satan và các thần dữ, cũng như sau này nó là căn nguyên của tội nguyên tổ. Chính khi phân tích nguồn gốc của sự sa ngã ấy mà ta có thể hiểu rõ hơn bản chất của tật tự phụ. Satan cũng như nguyên tổ đòi sống tự lập, ngang hàng với Thiên Chúa. Họ tự nhận như là cội nguồn của vạn vật, khẳng định quyền của mình trên hết mọi sự. Sự lệch lạc của tội tự phụ nằm ở chỗ này: thọ tạo tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa; thế mà hắn chiếm đoạt danh dự đó cho mình (xc. Cassianus, Inst. XII, 4).

Tuy kẻ phạm tội tự phụ không hẳn lúc nào cũng có thái độ giống như Satan (nghĩa là vùng lên chống lại Thiên Chúa), nhưng họ cũng mang vài nét tương tự như vậy: họ cậy dựa vào sức lực cá nhân, thay vì tin tưởng vào sự trợ lực của Thiên Chúa; họ không nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự tốt lành. Các sư phụ lưu ý cách riêng đến tội tự phụ của những người đã dấn thân vào hành trình tâm linh, tựa như các đan sĩ. Ma quỷ có thể cám dỗ họ tin tưởng rằng mình là cội nguồn của các nhân đức và việc lành; họ quy gán các điều thiện cho mình chứ không nhìn nhận rằng do Chúa ban. Trên thực tế, ma quỷ thường dùng cơn cám dỗ tự phụ để tấn công các đan sĩ, những người đã dày công tập tành nhân đức. Hắn chờ để cho họ diệt được hết các nết xấu khác xong, rồi nó mới giở cái đòn tự phụ ra. Cassianus thú nhận rằng ta mắc các tật xấu khác vì chểnh mảng trong đường tiến đức; còn ta mắc tật kiêu ngạo đang khi dày công tập luyện nhân đức (Coll. V,12).  Nếu đan sĩ bị chinh phục bởi quỷ tự phụ, thì nó đạt được một cuộc chiến thắng vĩ đại, dư sức bù đắp cho những lần thất trận trước đây (Climacus, Scala XXVI, 45).

Nói như thế không có nghĩa là tội tự phụ (loại thứ hai) chỉ hiện diện nơi các giới tu hành! Những người sống xa Chúa lại càng dễ rơi vào tội này hơn nữa: đối với họ, sự gạt bỏ Thiên Chúa chẳng còn xa xôi gì. Dù sao, tật tự phụ theo đuổi hết tất cả mọi người, như thánh Climacus lưu ý: “ai xác tín rằnh mình không hề phạm tội kiêu ngạo là chứng cớ hùng hồn nhất cho thấy hắn kiêu ngạo” (Scala XXII,14).

II. Hậu quả

Tuy Cassianus phân biệt hai thứ tự phụ dựa theo hai mối tương quan đối với tha nhân hoặc đối với Thiên Chúa, nhưng trên thực tế cả hai đều chi phối lẫn nhau (xc. Inst. XII,2). Thái độ của chúng ta đối với tha nhân tuỳ thuộc khá nhiều vào thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa, và ngược lại (xc. 1Ga 4,20-21).

Thực vậy, ta có thể nói được rằng dạng tự phụ thứ nhất bắt nguồn từ dạng thứ hai: sở dĩ ta dám tự đặt mình lên trên tha nhân là bởi vì ta quên rằng những gì tốt lành của ta là do Chúa ban chứ đâu phải do ta chiếm hữu. Dù sao đi nữa, sở dĩ mình muốn hạ người ta xuống, là bởi vì mình muốn tôn mình lên làm chúa của họ, như thánh Maximus Confessor đã ghi nhận (Capita de caritate, cent. II,38), hoặc ít ra là bởi vì  ta quên mất rằng họ cũng được dựng nên giống hình ảnh Chúa và đáng cho ta kính trọng. Bởi thế, tội kiêu ngạo thường phát sinh khi nào con tim vắng bóng Chúa và bị che khuất bởi cái Ngã.

Các sư phụ Đông phương đặt tính tự phụ ở cấp cuối cùng của vòng chuỗi các nết xấu ra như để cho thấy nó là con đẻ của tất cả những nết xấu khác; đối lại, tính tự phụ này cũng là căn cớ gây ra mọi nết xấu. Như ta đã biết, các nết xấu họp thành một vòng xích, cái này móc nối và lôi kéo theo cái khác. Tuy nhiên ta có thể kể ra vài hậu quả trực tiếp của tính tự phụ như sau:

1/ Tính tự phụ gây ra một sự sai lầm trong phán đoán, bởi vì ta đã đánh giá sai lầm về bản thân: ta tưởng rằng mình hơn người khác, ta tưởng rằng mình chiếm hữu nhiều đức tính, trong khi thực sự  ta chẳng có gì hết! Thánh Climacus ví kẻ tự phụ như người nằm chiêm bao, bày ra đủ mọi giấc mơ khoái lạc; tiếc một điều là chúng chỉ xuất hiện trong óc tưởng tượng mà thôi! (Scala XXII, 23). Nói thế có nghĩa là kẻ kiêu ngạo  đã tự lừa dối mình (xc. Gl 6,3); nhưng thử hỏi có mấy khi họ ý thức điều đó? Đó là chưa kể đến việc họ không dám mở mắt để nhìn thấy những khuyết điểm của mình.

2/ Tội tự phụ xúc phạm đến Thiên Chúa, bởi vì hoặc không nhìn nhận Ngài là Chủ tể vạn vật, hoặc không nhìn nhận các ơn huệ mà ta lĩnh nhận bởi Ngài (xc. 1Cr 4,7). Mặt khác, vì muốn tôn mình lên trên mọi người cho nên kẻ kiêu ngạo coi tha nhân chẳng ra gì. Hậu quả là tội tự phụ gây ra sự chia rẽ giữa mình với tha nhân, thay vì nhìn nhận những hồng ân đa dạng mà Thiên Chúa đã ban để xây dựng cộng đoàn. Thánh Phaolô đã sử dụng một hình ảnh đẹp đẽ trong thư thứ nhất gửi Corintô, so sánh với các cơ quan trong một thân thể: kể cả những bộ phận xem ra thấp kém nhất thì lại trở nên quan trọng cho sự sống (1Cr 12,14-26). Kẻ tự phụ không nhận ra điều đó, bởi vì họ đã bị mù quáng do cái Ngã che lấp!

3/ Chính vì không nhận chân giá trị của tha nhân, cho nên trong cách đối xử với người khác, kẻ tự phụ có những thái độ trịch thượng, cứng cỏi, gắt gỏng. Vì muốn tỏ ra mình hơn người, cho nên kẻ tự phụ thích phê bình chỉ trích người khác, dèm pha nói xấu, hoặc ghen tương phân bì với người khác. Khỏi nói ai cũng đoán được, những thái độ vừa kể không chỉ gây trở ngại trong mối liên lạc với người khác, nhưng tạo ra sự xáo trộn bất ổn ngay trong thâm tâm của chính mình: họ ăn ngủ không yên, hoặc vì phải tìm cách hạ bệ người khác, hoặc vì bực dọc khi thấy mình còn thua kém người ta.

III. Chữa trị

Trong mục trước, khi nói về sự chữa trị tật hám danh, chúng tôi đã khất lại để bàn chung một lượt với tật kiêu ngạo bởi vì có nhiều điểm giống nhau. Trước tiên, chúng ta sẽ phân tích sơ qua những phương dược chữa trị riêng cho mỗi tật xấu; tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu một nhân đức chung cho cả hai, đó là đức khiêm nhường.

A. Chữa trị tật hám danh

Quỷ hám danh rất khó trị, bởi vì các thứ quỷ khác sau khi đã thua thì rút lui bỏ chạy, còn quỷ hám danh thì rình núp đàng sau cửa để đánh úp. Một chuyện thường xảy ra là sau khi đã diệt được tính hư danh, thì ta lại hãnh diện vì đã diệt được nó! Như vậy, ta không ngờ rằng mình đã chịu thua mất một keo nữa.

Do đó, nếu muốn thắng tật hám danh ta phải cảnh giác tối đa: ý thức về chiến thuật của nó,  đồng thời hiểu biết những lý do phát sinh, những hậu quả độc hại, và những phương thế bài trừ (Cassianus, Inst.XI,17).

1/ Về chiến thuật của tật hám danh, chúng tôi đã có dịp đề cập trước đây: nó tìm cách len lỏi vào những công tác tốt lành đạo đức, khiến cho các bậc chân tu cũng khó thoát khỏi tròng của nó. Mục tiêu của quỷ hám danh là tiêu huỷ giá trị của những công tác đạo đức của ta, khi mà những công tác đó không còn nhắm đến vinh quang của Chúa nữa. Và nếu ta làm điều thiện vì mình chứ không vì Chúa thì mong gì Chúa sẽ ban thưởng? Do đó, để chữa trị tính hám danh, ta cần nghĩ đến hậu quả tai hại của chúng. Đàng khác, chúng ta cũng hãy năng nghĩ đến tính cách hão huyền chóng tàn của các thứ danh giá trên đời này: chúng mau qua chóng tàn biết mấy! Và nhất là ta hãy nghĩ đến lúc mà ta phải ra trước toà Chúa phán xét: lúc ấy các công việc làm sẽ không còn được đánh giá dựa trên tiếng khen của người đời, nhưng chỉ còn dựa theo tiêu chuẩn của Chúa mà thôi.

2/ Từ niềm xác tín về sự nguy hại của tật hám danh, các sư phụ đưa ra vài chỉ dẫn cụ thể để bài trừ nó.

– Thánh Climacus (Scala XXI,41) khuyên ta hãy năng nhớ đến cái chết để chữa trị tật hám danh. Lý do là vì như đã nói, bộ mặt thực của danh giá vinh quang được biểu lộ vào lúc chết: lúc đó ta sẽ biết cái gì là hư ảo, và cái gì tồn tại vững bền.

– Kẻ hám danh đi tìm tiếng tăm, địa vị, danh dự. Vì thế nếu muốn bài trừ tật xấu này, ta hãy xa tránh những gì làm mồi cho nó: ta hãy tránh những chức cao quyền trọng, những tiếng khen và danh dự mà người đời trao tặng. Ta hãy tránh những cơ hội phô trương, và chọn lựa nếp sống âm thầm kín đáo. Khỏi nói ai cũng đoán được, đó là chính là lý do vì sao các sư phụ đã chọn lựa đời ẩn dật.

– Mặt khác, chúng ta biết rằng các bậc tu hành sẵn sàng khước từ chức quyền, điạ vị, và những vinh hoa của thế gian; nhưng chưa vì thế mà họ đã vượt qua được cơn cám dỗ của tật hám danh: họ vẫn còn muốn được người đời biết đến đời sống thánh thiện của họ! Do đó, để diệt trừ tật hám danh tận gốc, ta cũng hãy tránh muốn được khen ngợi ngay cả trong việc tập luyện nhân đức. Điều này có nghĩa là đừng tỏ lộ những nhân đức hoặc những hành động của mình. Thánh Gioan Climacus yêu cầu đan sĩ hãy thận trọng trong cử chỉ và lời nói, đừng để lộ ra đời sống nội tâm của mình: việc giữ kín miệng lưỡi là bước đầu của sự bài trừ tính hám danh (Scala IV,91; XXI,36). Ong Macarius (Homiliae, coll.II, LV,2) còn đi xa hơn nữa khi chủ trương rằng mình cần phải khước từ dạy bảo người khác nữa: “ai được yêu cầu lên tiếng dạy dỗ thì phải buồn bã và bỏ chạy như trốn lửa vậy. Kìa xem ông Moisen và ông Gêrêmia, lúc được gọi làm ngôn sứ, đã lấy cớ nói ngọng để thoái thác”.

3/ Đi thêm một bước nữa, ai muốn tránh tật hám danh thì không những phải che giấu các nhân đức và việc lành của mình, nhưng cũng đừng ngại che giấu những lỗi lầm khuyết điểm của mình, miễn là đừng để chúng trở nên gương xấu cho tha nhân (Climacus, Scala XXI, 39). Có lẽ việc thực hành điều này không dễ dàng cho lắm; nhưng ta có thể xoay vấn đề cách khác: một cơ hội để diệt trừ tật hám danh là hãy chấp nhận những lúc bị sỉ nhục lăng mạ bất công.  Đây là cũng là một phương pháp mà nhiều sư phụ đã dùng để đào tạo môn sinh: các đệ tử phải chịu nghe mắng chửi, phải chịu làm những công tác hèn hạ ngay trước mặt công chúng. Và một sư phụ giải thích thế này: kẻ thực sự được thanh luyện khỏi tật hám danh thì không những sẵn sàng chấp nhận những nhục hình đó mà còn biết ơn kẻ đã hành hạ mình!

4/ Điều cảnh giác cuối cùng trong việc chữa trị tật hám danh là: ta có thể không còn đếm xỉa gì đến danh giá trước mặt người đời, nhưng ta lại tự đánh giá cao chính mình! Vì thế cần làm sao để ta sống kín đáo với bản thân nữa: “đừng để cho tay trái biết việc làm của tay phải” (Mt 6,3). Mỗi khi bị cám dỗ muốn kiểm kê thành tích, ta hãy nhớ đến những tội lỗi của mình, và nhất là nhớ rằng tất cả những gì ta thực hiện được là nhờ ơn Chúa. Ta hãy lo đi tìm vinh danh Chúa, chứ đừng tìm thoả mãn cá nhân.

B. Chữa trị tật kiêu ngạo

Hai tật hám danh và kiêu ngạo có nhiều điểm giống nhau xét về bản tính và nguồn gốc. Vì thế trong việc chữa trị, những gì đã nói về tật hám danh cũng ảnh hưởng đến tật kiêu ngạo. Dù vậy, vài sư phụ cũng thêm vài chi tiết riêng cho tật kiêu ngạo.

1/ Một đặc điểm của tật kiêu ngạo là thích tâng mình lên. Thái độ này được diễn tả ra nhiều lối cư xử nói năng, chẳng hạn như: cậy mình, tự mãn, ngạo mạn, khoe khoang kiến thức của mình, xác tín về phán đoán của mình, khư khư bảo vệ lý luận của mình, muốn lên tiếng dạy đời, bất tùng phục. Do đó, phương thuốc chữa trị là làm ngược lại: từ bỏ ý kiến riêng tư, không bắt bẻ người khác, không khư khư bảo vệ lập trường của mình.

2/ Kẻ kiêu ngạo muốn tỏ ra hơn người khác. Đối lại, ta hãy tập nhìn nhận rằng người khác có nhiều điểm hơn ta. Thay vì vạch bới các khuyết điểm của họ, ta hãy nêu bật các ưu phẩm của họ.

3/ Một phương tiện để giúp ta dẹp tính kiêu ngạo là nhớ đến các tội lỗi và khuyết điểm của mình (Evagrius, Praktikos 33). Việc nhớ đến các tội lỗi sẽ giúp cho ta không những biết hạ mình xuống, nhưng còn sẵn sàng chấp nhận những cơ hội bị người khác khinh khi sỉ nhục. Một cơ hội khác để dẹp bỏ tật kiêu ngạo là chấp nhận cảnh sống nghèo nàn thiếu thốn, hoặc những đau khổ do bệnh tật tuổi tác gây ra. Đây là ý nghĩa của việc tuân phục, khó nghèo, khổ chế trong đời tu trì: chúng góp phần vào việc đào tạo cho ta dẹp bỏ tự ái kiêu căng.

4/ Trong hành trình tâm linh, đan sĩ có thể mắc tật kiêu ngạo khi nhìn ngắm các nhân đức mà mình đã tập luyện được. Để diệt trừ chứng bệnh đó, ta hãy nhớ rằng “mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú” (Gc 1,16-17). “Bạn có gì mà bạn không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Vì thế ông Evagrius khuyên ta rằng: “Bạn là thọ tạo của Thiên Chúa, vì thế đừng truất phế Đấng Tạo dựng nên bạn; bạn đã được Chúa giúp đỡ, vì thế đừng quên vị ân nhân của bạn” (De octo spiritibus 17).

Bởi vậy, dựa theo tư tưởng Kinh thánh, ông Cassianus đã dặn dò ta như sau (xc. Inst. XII, 9-15): Trong bất cứ hành động nào, bạn hãy ý thức rằng “ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1); “tự sức riêng tôi không làm được gì hết” (Ga 5,30) … nhưng chính Chúa Cha đang ngự trong tôi, là Đấng đang tác động (xc. Ga 5,17).

5/ Sự cầu nguyện là một phương dược chữa trị tính kiêu ngạo. Khi cầu nguyện, chúng ta thú nhận rằng mình chẳng làm gì được nếu không có Chúa giúp đỡ. Lời nguyện chúc tụng tạ ơn là một lời thú nhận rằng tất cả mọi việc tốt lành đều là hồng ân bắt nguồn bởi Chúa, chứ không phải do công sức của mình.

Tất cả những phương dược vừa kể trên đây dẫn ta đến tâm tình khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và người đời. Chúng tôi muốn trình bày sơ lược giáo huấn của các sư phụ về nhân đức này.

C. Đức Khiêm nhường

Đức khiêm nhường (tapeinophrosýnê)  đối nghịch với tật hám danh cũng như với tật kiêu ngạo. Cũng như có hai dạng của tính kiêu ngạo thì cũng có hai dạng của đức khiêm nhường: khiêm nhường với tha nhân và khiêm nhường với Thiên Chúa.

Thực ra có nhiều cách thức để bàn về đức khiêm nhường. Truyền thống Tây phương nhấn mạnh  đến thái độ “hạ mình xuống đất”, dựa theo sự giải thích tầm nguyên humilis gốc bởi humus (đất), đối lại với thái độ “tự nâng cao” của tật kiêu ngạo. Thánh Tôma xếp nó như thành phần của đức tiết độ[2], chủ ý là điều hành sự bảo vệ danh dự trong khuôn khổ của nó. Đức  khiêm nhường được gắn liền với “sự thật”: có sao nói vậy, có bao nhiêu thì nói bấy nhiêu, chứ không được phép  thổi phồng quá mức. Truyền thống Đông phương thì bàn về đức vâng lời trong tiến trình thanh luyện con tim, chuẩn bị cho việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Có lẽ vì vậy mà các sư phụ không muốn cho môn sinh dừng lại ở chỗ khẳng định đúng mức danh dự của mình, nhưng còn phải tiến tới chỗ hủy diệt danh dự đi nữa: mình cần phải huỷ bỏ cái Ngã thì mới mong cắt đứt các đam mê dục vọng được. Trong bối cảnh này, lý tưởng của đức khiêm nhường là thú nhận sự bất lực, kém cỏi, ngu si của mình: cho dù mình đã thực hiện được nhiều điều tốt lành đi nữa[3]. Người khiêm nhường là kẻ thú nhận rằng mình chỉ là hư vô, không ra cái gì hết.

1/ Khía cạnh khước từ dứt bỏ bắt đầu từ bản thân: khước từ ý riêng, không khư khư bảo vệ ý kiến hoặc phán đoán của mình. Do đó, người khiêm nhường không lên tiếng tranh luận, và thích rút vào thinh lặng. Thái độ này được coi như căn bản của đời tu trì, bởi vì có thế thì môn sinh mới sẵn sàng để cho sư phụ hướng dẫn (Cassianus, Inst. IV,39,2).

2/ Trong tương quan với tha nhân, đức khiêm nhường nhìn nhận người khác cao hơn mình (trái ngược với tật kiêu ngạo coi mình cao hơn người khác). Theo các giáo phụ, đó là điều mà thánh Phaolô đã dạy khi viết rằng : “Anh em hãy khiêm tốn nhìn nhận những kẻ khác là hơn mình” (Pl 2,3); vì thế kẻ khiêm nhường nhìn nhận rằng những người khác khá hơn mình, giỏi hơn mình. Điều này được diễn tả ra thực hành bằng cách nhường chỗ cao cho người khác, cách riêng những người ở dưới mình. Kẻ khiêm nhường đích thực không dám coi ai ở dưới mình hết; ngược lại, họ nghĩ rằng mình ở dưới mọi người, mình là chót bét trong xã hội loài người, theo như lời Chúa đã dạy: “Ai muốn làm lớn thì hãy trở nên kẻ ở hàng chót bét và hầu hạ mọi người” (Mc 9,35; xc Mc 10,43-45; Mt 20,26-28; Lc 22,26-27).

Một dấu hiệu cho thấy rằng ta đã thực sự khiêm nhường là chịu đựng để cho người khác coi mình thua kém họ, hoặc chịu để cho họ đối xử bất công với ta, hoặc chịu để cho họ coi rẻ ta mà tâm hồn ta không cảm thấy xao xuyến. Lúc ấy quả thật chúng ta đã chấp nhận mình ở dưới người khác (Cassianus, Inst. XII,33; Climacus, Scala XXV,7.33). Đức khiêm nhường đáng được xếp ở một cấp bậc cao hơn nữa, khi mà ta lại đi tìm những cơ hội để chịu lăng nhục, khinh rẻ mà không giận dữ, trái lại còn tha thứ yêu thương kẻ làm hại ta.

3/ Trong tương quan với Thiên Chúa, tiên vàn đức khiêm nhường được bộc lộ qua việc nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Như thánh Climacus đã quan sát (Scala XXV,3), các vị thánh càng tới gần Thiên Chúa bao nhiêu thì càng nhận thấy mình tội lỗi bấy nhiêu. Ý thức này đưa tới hệ luận là họ chỉ biết trách mình và ăn năn, chứ không dám kể công hoặc tuyên dương các nhân đức việc lành mà mình đã thực hiện. Họ muốn được xếp vào hàng những người “khó nghèo về tinh thần” (xc. Mt 5,3), những tôi tớ vô dụng (xc. Lc 17,10), những công nhân vô tích sự, chẳng làm được cái gì tốt lành.

Như vậy phải chăng kẻ khiêm nhường là người bi quan yếm thế, tự ti mặc cảm? Không đâu: kẻ khiêm nhường không khoe khoang công lao của mình, bởi vì nhìn nhận những gì tốt đẹp ở nơi mình thì không phải là của mình nhưng là của Chúa. Nói khác đi, họ biết nhận ra cái hay cái tốt (chứ không bi quan) để rồi cảm tạ chúc tụng Chúa. Thật vậy trong nhiều câu định nghĩa đức khiêm nhường, thánh Climacus cho rằng định nghĩa chính xác hơn cả là: “sự nhìn nhận hồng ân Thiên Chúa và lòng lân tuất của Ngài” (Scala XXV,3). Đức khiêm nhường chân thật nằm  ở chỗ nhìn nhận rằng nếu Chúa không thương trợ giúp thì ta chẳng có thể và chẳng làm được điều gì tốt lành (Cassianus, Inst. XXV,3). Vì thế kẻ khiêm nhường không dám vơ lấy cho mình các nhân đức và việc thiện, nhưng quy hướng tất cả về cho Chúa. Kẻ khiêm nhường không dám giữ lại tí chút đức độ nào cho mình, bởi vì biết rằng hết mọi sự tốt lành đều là của Chúa.

4/ Cũng như các nhân đức khác, đức khiêm nhường không đứng lẻ loi nhưng được nâng đỡ nhờ những nhân đức và công tác khổ hạnh khác.

a- Đức khiêm nhường cần được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện. Trong đời sống tâm linh, chúng ta cần cầu nguyện để xin Chúa giúp đỡ. Đây là một tâm tình nuôi dưỡng đức khiêm nhường, bởi vì khi cầu nguyện, chúng ta mặc nhiên tuyên xưng rằng tất cả mọi ơn lành đều do Chúa ban: vì thế chúng ta khiêm tốn nài xin Chúa, chứ không dám tự phụ ngạo nghễ tưởng rằng mình làm nên cơ đồ. Ngoài việc “cầu xin”, lời cầu còn mang hình thức “cảm tạ”, khi ta dâng lên Chúa những sự tốt lành mà ta đã lãnh được, chứ không chiếm đoạt như là của mình. Sau cùng, ta cũng đừng nên quên hình thức cầu nguyện “thống hối, đền tội” giúp cho con tim ra trở nên thuần thục và khiêm nhường hơn, như vịnh gia đã nói (Tv 51,19). Dĩ nhiên, ta không thể nào bỏ qua sự cầu nguyện để trở nên càng ngày càng nên khiêm tốn hơn, theo gương của Đức Giêsu “hiền lành và khiêm tốn” (xc Mt 11,29).

b- Đức khiêm nhường được bồi dưỡng nhờ những công tác tự hạ đã được nhắc đến khi bàn đến việc chữa trị tật hám danh và kiêu ngạo, chẳng hạn như: chấp nhận sống ẩn dật, chấp nhận sự nghịch cảnh túng thiếu, chấp nhận chịu khinh dể chê cười; vv.

c- Sở dĩ kẻ khiêm nhường biết nhìn nhận mình thấp kém hơn người khác là vì họ đánh giá vạn vật theo nhãn quan của Thiên Chúa chứ không theo thị hiếu cá nhân hoặc thói đời. Điều này giả thiết nhân đức tin, có khả năng nhìn mọi sự dưới ánh sáng của mặc khải. Đức khiêm nhường cũng đòi hỏi đức cậy và đức mến, bởi vì người tín hữu đặt hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa (chứ không ở nơi danh giá địa vị hão huyền) và chỉ ước mong làm đẹp lòng Chúa (chứ không tìm thỏa mãn cá nhân).

Đức khiêm nhường cần sự hỗ trợ của các nhân đức khác; đối lại nó cũng nâng đỡ cho các nhân đức khác: kẻ nào khiêm nhường thì cũng giữ tiết độ trong lời nói cử chỉ, nhã nhặn với tha nhân chứ không nổi nóng tức giận mỗi khi bị xúc phạm. Tầm quan trọng của đức khiêm nhường trong đời sống tâm linh được các sư phụ tóm lại qua hình ảnh của một ngôi nhà, trong đó đức khiêm nhường là nền tảng và đức bác ái là chóp đỉnh[4]. Nếu thiếu đức khiêm nhường là nền móng thì đừng mong gì dựng lên toà nhà cao. Các sư phụ đã khẳng định như vậy không chỉ dựa theo kinh nghiệm của mình, nhưng còn dựa theo lịch sử cứu độ nữa: kiêu ngạo là tội đầu sỏ gây ra sự sa đoạ cho các thiên thần và nhân loại; vì thế đức Kitô đã khởi sự công trình cứu độ bằng đức khiêm nhường. Đức Kitô mời gọi chúng ta hãy học hỏi ở nơi Người đức hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29), bởi vì chính Người tuy là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình làm thân phận tôi tớ, và thực hiện công cuộc cứu độ nhờ sự khiêm tốn vâng phục (xc. Pl 2,8). Nếu thiếu đức khiêm nhường, thì bao nhiều nhân đức khác chẳng có giá trị gì. Đối lại nếu biết khiêm nhường, thì dù tội lỗi nặng nề đến mấy đi nữa, ta cũng hy vọng có thể được cứu rỗi bởi vì sẽ được Chúa tha thứ, giống như Ngài đã tha cho ông Manassê (Climacus, Scala XXV,58). Kinh thánh đã chẳng nói rằng: “Chúa không làm ngơ trước một tâm hồn tan nát và khiêm tốn” đó sao (Tv 51,19)? “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,11). “Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5, trưng dẫn sách Châm ngôn 3,34; xc. Gc 4.6).

Trong danh sách các nết xấu theo truyền thống Đông phương, tật kiêu ngạo được xếp vào hạng cuối cùng vì là con đẻ của tất cả các nết xấu khác. Theo thứ tự của bảy mối tội đầu trong truyền thống Latinh, tội kiêu ngạo được đặt lên hàng đầu bởi vì nó nguy hiểm nhất. Dù theo tiêu chuẩn nào đi nữa, ta thấy tội kiêu ngạo không dễ gì tiêu diệt được, bởi vì nó cứ bám chặt vào ta dù khi ta đã dứt bỏ được các mối ràng buộc khác với trần gian! Đó là sự thật phũ phàng mà các sư phụ đều thú nhận.

Tuy nhiên, ta cũng có thể xoay ngược lại viễn cảnh: nếu tật kiêu ngạo là con đẻ của tất cả mọi nết xấu khác, thì đức khiêm nhường là mẹ của những nhân đức khác. Con người chúng ta mang rất nhiều đam mê tật xấu, không biết chừng nào mới diệt trừ hết được! Tuy vậy, nếu chúng ta tập được đức khiêm nhường (diệt được tính kiêu ngạo) thì có cơ may sẽ cắt đứt nguồn tiếp vận của các nết xấu khác. “Ai có đức khiêm nhường thì thắng được hết mọi đam mê dục vọng”, Climacus đoan chắc như vậy  (Scala XXVI, 39). Đức khiêm nhường và đức bác ái là hai nhân đức đưa con người đến gần Thiên Chúa hơn hết, theo lời quả quyết của Doroteus Gaza (Instruzioni spirituali I,11), Isaac Ninive (Discorsi ascetici 48; 20).

————————–

[1] Theo ông Lê Gia (Tiếng nói nôm na), “kiêu” là hợm mình, tự cho mình là giỏi; “kiêu căng” là khoe khoang, hợm mình; “kiêu ngạo” là hợm mình và coi khinh người khác. “Tự phụ”: cho mình hơn người (phụ là dựa vào, nương tựa).

[2] Summa Theologica II-II, q.161. Thánh Tôma trích dẫn sự giải thích tầm nguyên của thánh Isidorô: humilis dicitur quasi humi acclinis, idest imis inhaerens. Xem lại Đời sống tâm linh, tập III trang 272-275.

[3] Xc. J.C. Larchet, Terapia delle malattie spirituali, trang 659-660, trưng dẫn nhiều đoạn văn của Doroteo Gaza, Climacus, Maximus Confessor, Isaac Niniveh.

[4] Xc. Climacus, Scala XXV,44; Gioan Kim Khẩu, In Ioannem XXXIII,3; Grêgorio Cả, Moralia XXVII,46.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here