THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục VI. Nóng giận

0
1036

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục VI. Nóng giận

Không thiếu người nghĩ rằng thánh nhân là kẻ luôn luôn điềm tĩnh, làm chủ cảm xúc của mình; vì thế thánh nhân không hề nóng giận dù gặp hoàn cảnh ngang trái đến đâu đi nữa. Nói khác đi, sự nóng giận là một tính xấu. Đối lại với ý kiến đó, có người trưng dẫn Kinh thánh để chứng tỏ chính Thiên Chúa cũng nổi giận trước tội lỗi của con người; vì thế sự nổi giận chẳng những là không xấu mà còn có thể mang tính cách “thần linh” giống như Chúa. Xem ra cả hai ý kiến đều có lý; vì thế các sư phụ tìm cách phân biệt: khi nào sự nóng giận là một đam mê xấu xa, khi nào là một đức tính thần linh?

I. Bản chất

Khi liệt kê sự nóng giận trong danh sách các tà kiến, ông Evagrius đã phân biệt sự nóng giận có lúc “tốt” và có lúc  “xấu”, tuỳ theo đối tượng. Theo ông (Praktikos, 24), trên đường tu đức, cần phát triển sự nóng giận lúc phải chiến đấu với các tà kiến, thẳng tay tiêu diệt nó ngay lúc vừa chớm nở. Đó là thứ nóng giận “tốt”; sự nóng giận trở thành “xấu” khi lỗi đức ái.

Để hiểu rõ vấn đề hơn, ta nên nhớ rằng dựa theo tâm lý học của các triết gia Hy-lạp, sự nóng giận thuộc về hàng ngũ “nộ dục”: nó là một bản năng tự nhiên của con người, đối kháng với tất cả những gì gây phương hại cho sự sống còn của mình. Dưới phương diện này, sự nóng giận không phải là xấu.

1/  Các sư phụ áp dụng nhận xét đó vào đời sống tâm linh: ta cũng phải biết sử dụng sự nóng giận để kháng cự những gì nguy hại cho phần rỗi linh hồn, đặc biệt là những chước cám dỗ của ma quỷ: không thể nào nương tay thoả hiệp với nó. Thánh Phaolô đã chẳng động viên các tín hữu hãy luôn ở tư thế sẵn sàng lâm chiến đó sao: “chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep 6,12-13). Trước đó Phúc âm cũng nhắc nhở chúng ta hãy có thái độ cương quyết mạnh mẽ, bởi vì không dễ gì mà vào Nước Trời đâu: “Từ thời ông Gioan Tẩy giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12; xc Lc 16,16). “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục” (Mt 18,8-9). Những đoạn văn vừa rồi giúp cho ta hiểu câu thánh vịnh 4,5 nói rằng: “hãy nóng giận nhưng đừng phạm tội” (irascimini et nolite peccare). Vịnh gia không những biện minh cho một thứ nóng giận tốt (chứ không phải là tội lỗi), nhưng còn khuyến khích ta hãy nóng giận để khỏi phạm tội, nghĩa là ta hãy huy động mọi sức lực để chống cự những mưu toan xúi giục phạm tội![1] Cách riêng, các giáo phụ hiểu về sự nóng giận chống lại ma quỷ, cũng giống như Chúa Giêsu đã quát nạt nó: “Satan, xéo đi!” (Mt 4,10).

2/ Sự nóng giận trở thành tật xấu khi mà ta sử dụng nó không đúng chỗ, nghĩa là thay vì dùng nó để chiến đấu sự dữ, ta lại chĩa sang tha nhân là kẻ mà ta phải yêu mến. Abba Sincleticus đã lưu ý: “hãy ghét bệnh nhưng đừng ghét người bệnh” (Apophtegma, ser. alphabet., Sincleticus, 23). Thực ra qua câu nói này, ta thấy các sư phụ hiểu từ “nóng giận” theo một nghĩa khá rộng: nó không ám chỉ một cơn sốt nhất thời mà thôi, nhưng còn phát triển thành nhiều tâm tình trái nghịch với đức ái dưới những hình thức chính sau đây:

– thù ghét (mênis): nghĩa là sự tức giận được nuôi dưỡng âm ỉ kéo dài, lưu giữ ký ức về sự xúc phạm, thù nghịch, bất công đã lãnh.

– căm hận  (mnesikalia), óan thù (misos, kótos), và những tâm tình thù nghịch đối với tha nhân;

– tính gắt gỏng, cáu kỉnh cũng là họ hàng của tính nóng giận;

– tính châm chọc, gây gỗ, chế diễu cũng được xếp vào gia tộc của tính nóng giận; thái độ thù nghịch cũng được biểu lộ qua sự trù ẻo, mong cho người khác gặp nạn.

Dưới những dạng thức khác nhau, sự nóng giận trở thành nết xấu khi nó gây ra một sự xáo trộn trong con tim. Ở đây sự xáo trộn không hiểu về cảm xúc gây ra tình trạng bất ổn, cho bằng việc đi tìm một sự khoái cảm lệch lạc[2]. Thực vậy, trong sự tức tối, bực bội, thù hận, con tim chúng ta cảm thấy một sự khoái trá nào đó, chẳng hạn như hả dạ vì đã hạ nhục đối thủ. Chính sự khoái trá lệch lạc làm cho sự nóng giận trở nên xấu, cũng tựa như xảy ra trong sự ăn uống, giao hợp, vv.

Mặt khác, khi móc nối sự nóng giận với lòng ham muốn, ta cũng có đảo ngược vấn đề như thế này: sự nóng giận bắt nguồn từ chỗ một lòng ham muốn không được thoả mãn, cách riêng lòng ham muốn được tôn trọng. Như vậy có sự trùng hợp về căn nguyên của tật nóng giận và tật buồn phiền; vì thế  nếu dẹp bỏ đi tính tự ái thì cũng dẹp được tính nóng giận, như thánh Giacôbê đã viết: “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (Gc 4,1-2).

II. Hậu quả

Cũng như đối với các tật xấu khác, thật khó mà phân biệt giữa “nguyên nhân” và “hậu quả” xét vì vòng xích móc nối lẫn nhau.

Tật nóng giận bắt nguồn từ một lòng ham muốn, và rồi vì không thoả mãn được lòng ham muốn cho nên đâm ra tức tối. Thực ra tính nóng giận còn bắt nguồn từ nhiều căn nguyên khác nữa, như thánh Gioan Climacus đã nhận xét (Scala VIII, 35). Nó có thể bắt nguồn từ lòng ham danh, và cũng có thể bắt nguồn từ lòng tham của; nó có thể được nuôi dưỡng vì nếp sống buông thả.

Từ chỗ nóng giận con người đâm ra gắt gỏng, rồi kéo theo bực tức, hận thù. Đó là nói đến vòng xích các nết xấu với nhau. Khi bàn đến hậu quả trực tiếp của tính nóng giận, thánh Grêgôriô Cả (Moralia V,45) mô tả những biến chuyển xuất hiện ngay trên cơ thể mà ai cũng nhận thấy được: “lưỡi ấp úng, lời nói sỗ sàng, sắc mặt biến thái… nói tóm lại, họ mất tự chủ”. Nếu sự nóng giận lên cao độ, nó còn gây nhiều tai hại cho hệ thống thần kinh. Chính vì vậy mà đã hơn một giáo phụ đã sánh ví sự nóng giận như cơn say rượu, nếu chưa tới cơn điên! Tục ngữ Việt Nam đã chẳng nói “no mất ngon, giận mất khôn” đấy ư?

Ngoài những hậu quả dưới khía cạnh tâm lý, luân lý, sinh lý, ông Evagrius còn muốn quan sát ở lãnh vực đời sống cầu nguyện. Tính nóng giận gợi lên sự xáo trộn tâm can, và cách riêng nó gợi lên trong trí óc khuôn mặt của kẻ đối thủ, khiến cho ta khó lòng nâng thần trí lên cùng Thiên Chúa (Praktikos 26). Dĩ nhiên, ai mà nuôi lòng giận hờn thì không tài nào đạt đến sự chiêm niệm.

Ông Evagrius còn thêm một hậu quả nữa cho nếp sống tu trì: khi mình tức giận ai, thì dễ nảy ra ý tưởng muốn rời bỏ đời tu, tránh không muốn giáp mặt với kẻ gây bực dọc. Đan sĩ sẽ lấy cớ đi tìm sự thinh lặng cô tịch cho dễ hàn huyên với Chúa. Tuy nhiên đó chỉ là ảo tưởng mà thôi: ai rút vào nơi cô tịch trong tâm trạng như vậy thì đừng mong tìm được an bình nội tâm. Cách tốt hơn hết là hãy tìm cách hoà giải với anh em mình, tâm niệm lời thánh tông đồ: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (xc Ep 4,26). Câu nói này được Cassianus giải thích không theo nghĩa thiên văn nhưng theo nghĩa thần học như sau: “nếu bạn tức giận với anh em thì mắt bạn không thể nào nhìn thấy ánh sáng của Đức Kitô mặt trời công chính” (xc Inst. VIII,6).

III. Chữa trị

Khi bàn về sự buồn phiền, các giáo phụ phân biệt giữa buồn phiền xấu và buồn phiền tốt: cần phải sửa chữa “tật buồn phiền” và phát triển “đức buồn phiền”. Một cách tương tự như vậy, khi bàn về sự nóng giận, các giáo phụ cũng phân biệt hai thứ nóng giận: có thứ nóng giận xấu (mà ta phải diệt trừ) và có thứ nóng giận tốt (cần được phát triển).

Thực vậy, sự nóng giận thuộc về nộ dục, một bản năng cần thiết nhằm chống đối những gì đe dọa sự sống còn của mình. Ap dụng vào lãnh vực tinh thần, sự nóng giận là một phản ứng cần thiết khi phải đối kháng với tội lỗi: không những phải diệt trừ tội lỗi mà cần phải ngăn chặn nó ngay từ trứng nước, nghĩa là từ khi nổi lên chước cám dỗ xúi giục phạm tội. Sự chống trả chước cám dỗ đòi hỏi thái độ cứng rắn quyết liệt, đối tượng của nhân đức mạnh bạo (andreía). Nhân đức này giúp cho ta vượt qua những ngại ngùng, rụt rè, uể oải, nhát đảm khi phải thi hành ý Chúa (Evagrius, Praktikos, 89).

Sự nóng giận “xấu” nảy lên trong tương quan với tha nhân. Để diệt trừ tật nóng giận, một đàng ta phải chữa trị những căn nguyên của nó, đàng khác là thực hành nhân đức đối lập, đó là đức hiền lành và nhẫn nại.

A. Những căn nguyên

Sự tức giận đối với tha nhân bắt nguồn từ nhiều nguyên do, vì vậy cần phải điều trị tận căn, nhất là khi nó móc nối với nhiều tật xấu khác.

Dựa theo thứ tự sinh sản của các nết xấu, ông Evagrius (Praktikos, 76) cho rằng sự nóng giận là con đẻ của tật mê ăn, dâm dục, tham lam. Vì thế ta cũng phải bắt đầu việc diệt trừ tính nóng giận bằng việc chữa trị các nết xấu vừa nói, cách riêng nhờ đức san sẻ. Như ta đã biết, đức san sẻ nhằm chống lại tính tham lam; tuy nhiên đồng thời đức san sẻ cũng tạo ra tâm tình cảm thông trắc ẩn với tha nhân, và như vậy là một phương thế rất hữu hiệu để chữa lành tật nóng giận. Thực vậy, sự nóng giận với tha nhân trở thành xấu xa khi nó đưa ta đến chỗ ghét họ, thay vì ghét sự xấu. Do đó nếu con tim của ta đã luôn được nuôi dưỡng bởi lòng thương xót tha nhân, thì đâu còn chỗ cho sự giận ghét nữa? Và nếu đã không ghét ai chỉ cũng chẳng sợ bị lôi cuốn vào sự tức giận.

Mặt khác, không thiếu lần sự nóng giận bắt nguồn từ tật kiêu căng của ta: ta cảm thấy tha nhân đã xúc phạm đến danh dự của ta, hay nói đúng hơn nữa, họ đã đụng chạm đến lòng tự ái của ta. Vì thế, phương thức chữa trị là thực hành đức khiêm nhường, để dẹp tính kiêu ngạo đi (xc. Maximus Confessor, Capita de caritate, cent.III, 20). Thánh Gioan Climacus cam đoan rằng nếu ta đóng cửa không cho tính kiêu ngạo xâm nhập vào tâm hồn, thì sự nóng giận cũng không cách nào len lỏi vào được (Scala, XXV,4).

Từ hai nhận xét vừa nói, các sư phụ đề ra vài đường hướng thực hành. Xét vì mối liên hệ giữa bác ái và nóng giận, các ngài khuyên rằng: thay vì xa tránh kẻ đã gây cho ta bực bội, thì ta nên xích gần lại họ bằng lòng yêu thương. Chúa Giêsu đã chẳng đòi hỏi ra hãy hòa giải mọi xích mích với anh em trước khi dâng của lễ đấy ư? (xc. Mt 5,23-25)  Một cách tương tự như vậy, do mối liên hệ giữa khiêm nhường và nóng giận, các ngài khuyên ta hãy nhìn nhận sự xúc phạm như một cơ hội để thực tập khiêm nhường. Ta hãy cám ơn kẻ xúc phạm bởi vì họ đang chữa bệnh kiêu ngạo nơi ta.

Đó là những toa thuốc nhằm chữa trị tính nóng giận từ căn nguyên. Thêm vào đó là những sự chỉ dẫn nhằm trị liệu trực tiếp sự nóng giận.

1/ Cơn nóng giận cũng phát sinh nhiều phản ứng tương tự như sự buồn phiền. Vì thế những phương tiện chữa trị sự buồn phiền cũng giúp cho ta vượt qua cơn nóng giận. Tiên vàn, ta hãy tâm niệm rằng việc chữa trị tuỳ thuộc ở ta chứ không lệ thuộc vào người khác. Ngoài sự cố gắng bản thân, chúng ta đừng quên kêu xin Chúa giúp, nhờ việc cầu nguyện và hồng ân an ủi của giọt lệ thống hối.

2/ Ta hãy làm chủ tính nóng giận. Điều này không dễ dàng và đòi hỏi nhiều luyện tập. Tuy vậy, một điều có thể thực hành tức thời là cố gắng kìm hãm các cử chỉ và lời nói. Thánh Gioan Climacus dạy rằng: “bước đầu của cuộc chiến thắng tính nóng giận là giữ môi miệng thinh lặng giữa lúc con tim đang bị dao động” (Scala VIII,4). Thánh Basiliô cũng thêm lời nhận xét khôn ngoan này: “nếu bạn thấy ai đang tức giận thì bạn cũng nên nín lặng, như vậy là phần nào bạn giúp họ dập tắt ngọn lửa” (Sermo X, De ira). Dần dần, từ chỗ giữ thinh lặng bên ngoài (cầm hãm lời nói và hành động), ta tiến tới sự thinh lặng bên trong (diệt trừ ý tưởng nóng giận, diệt trừ sự bực tức), loại bỏ những ý định tiêu cực đối với tha nhân (Cassianus, Inst. VIII, 20,1-2).

B. Đức hiền lành

Ta không nên chỉ dừng lại ở chỗ cầm hãm tính nóng giận, nhưng nên tiến xa hơn nữa: ta hãy thay thế tính nóng giận bằng đức hiền lành (praiótes). Nóng giận và hiền lành là hai thực thể đối nghịch và loại trừ lẫn nhau: “nóng giận trục xuất hiền lành, hiền lành diệt trừ nóng giận”, nhiều sư phụ đã khẳng định như vậy[3].

Đức hiền lành không có nghĩa là nhu nhược. Nó không phải là một thái độ thụ động, nhưng là một trạng thái bền vững của linh hồn. Nó gần với trạng thái apatheia, khi con tim không còn bị nao núng bởi các xúc động nữa. Nó mang tính cách tích cực trong mối tương quan với tha nhân, không những bởi vì tâm hồn không còn bị chi phối bởi những thái độ thù nghịch của họ, nhưng còn biểu lộ tình yêu đối với kẻ làm hại mình qua việc cầu nguyện cho họ (Climacus, Scala VIII,17).

Hiểu như thế, đức hiền lành không phải là do bẩm sinh mà có, nhưng đòi hỏi nhiều gắng công tập luyện, nhất là nhờ việc cầu nguyện. Đức hiền lành là một hồng ân mà Chúa ban cho ta, nếu ta khiêm tốn cầu xin. Thánh Phaolô xếp nó vào số những hoa trái của Thánh Linh (Gl 5,22), và dĩ nhiên là đi kèm theo đức ái.

Vì thế đức hiền lành không chỉ giúp ta diệt trừ tính nóng giận, nhưng còn giúp ta dẹp bỏ các nết xấu khác nữa. “Ai đã có đức hiền lành thì cũng không lo lắng buồn phiền, cũng  chẳng kiêu căng tự mãn” (Cassianus, Coll. XII,6). Ngoài công hiệu chữa trị, đức hiền lành còn mang lại nhiều công hiệu lành mạnh cho tâm hồn: bình thản, khôn ngoan sáng suốt khi phân định, kiên nhẫn, khiêm tốn, hân hoan. Nó là nguồn mạch của chân phúc mà Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc cho kẻ hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,5). Đất hứa được hiểu là Nước Trời mai hậu, và hiện tại là chính Chúa Giêsu, bởi vì đức hiền hành làm cho ta trở nên giống như Chúa (xc. Mt 11,29; 21,5).

C. Đức nhẫn nại

Trong việc diệt trừ tính nóng giận, các sư phụ thường gắn liền đức hiền lành với đức nhẫn nại, chẳng hạn như thánh Cassianus (Coll. XII,6; Inst. XII, 3,2), thánh Gioan Climacus (Scala VIII,6), thánh Maximus Confessor (Capita de caritate, cent.II, 47).

Trong tiếng Hán-Việt, “nhẫn nại” thường đi kèm với “nhẫn nhục” hoặc “kiên nhẫn”; các ý nghĩa này cũng được bao hàm trong tiếng Latinh Patientia (“patience” trong tiếng Pháp và tiếng Anh), như Cassianus đã giải thích tầm nguyên: “patientia” vừa có nghĩa là chịu khổ (patire) vừa có nghĩa là chống đỡ (sustinere).  Tiếng Hy-lạp có hai từ: makrothymía (đại lượng, khoát đạt) và hypomonê (bền vững), một đàng thì nhấn mạnh đến sự kiên trì theo đuổi một công tác, bất chấp những trở ngại; đàng khác thì nêu bật sự bền chí chờ đợi điều gì chưa tới.

Nói chung, đức nhẫn nại giúp ta bình thản trong việc chịu đựng những sự dữ xảy đến do hoàn cảnh  hoặc tha nhân. Cách riêng, xét trong thái độ đối với tha nhân,  đức nhẫn nại giúp ta giữ bình thản trước những lời chỉ trích, lăng mạ. Thánh Maximus Confessor định nghĩa vai trò của  đức nhẫn nại trong đời sống tâm linh như sau: “Nó giúp ta kiên trì lúc gặp nghịch cảnh, chịu đựng những sự dữ, kháng cự các cơn cám dỗ cho tới cùng; không để cho sự giận dữ làm lung lạc; không để lời nào thoát khỏi miệng lúc xúc động; không nghi ngờ hoặc tưởng nghĩ điều gì bất xứng với kẻ kính sợ Chúa” (Discorso ascetico 21).

Đức nhẫn nại có thể đạt được nhờ luyện tập gắng sức cũng như nhờ lời cầu nguyện: ta hãy xin Chúa ban cho ta hồng ân đó, bởi vì nó kèm theo đức ái và noi gương Chúa Giêsu trong hồi khổ nạn. Đức nhẫn nại không chỉ giúp ta vượt thắng tính nóng giận, nhưng còn giúp ta đạt được những nhân đức khác nữa. Trên đây chúng ta đã nói đến sự liên hệ giữa hiền lành và nhẫn nại. Mối tương quan giữa nhẫn nại và đức ái cũng rất khắng khít: kẻ có lòng bác ái thì không nóng giận, chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả (xc. 1Cor 13,4). Đức nhẫn nại cần thiết để kiến tạo dây hợp nhất và hoà giải trong cộng đồng nhân loại (xc. Ep 4,2).

Thiết tưởng không nên bỏ qua một nhận xét quan trọng của các giáo phụ. Ta có thể cắn răn chịu đựng nghịch cảnh, nhưng đó chưa phải là nhân đức. Lắm khi ta chịu đựng vì đành bó tay: đó chưa là phải là nhân đức. Có khi ta chịu đựng, âm ỉ nuôi dưỡng hận thù, chờ lúc nào thuận tiện, sẽ trở tay quật lại: đó càng không phải là nhân đức. Sự kiên nhẫn trở thành nhân đức thực sự khi bắt nguồn và gắn chặt với đức ái. Thánh Maximus Confessor trỏ cho ta một dấu hiệu để nhận diện : “khi  ta không còn giữ lòng thù oán với kẻ làm hại ta, nhưng thành thực cầu nguyện cho họ” (Capita de caritate, cent. IV,12). Ngài cũng nói thêm rằng khi việc cầu nguyện cho kẻ thù không chỉ là biểu hiệu của tâm tình thương yêu họ, nhưng cũng là phương thế để dập tắt lòng thù hận do bản năng gợi lên (cent. III,90).

——————————

[1] Xc. Cassianus, Inst. VIII,9.

[2] Xc. Evagrius, De oratione 99. Climacus, Scala IX,2

[3] Evagrius, Praktikos 20. Gregoriô Nyssa, De beatitudinibus II,3. Climacus, Scala XXIV,4.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here