THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục V. Buồn phiền

0
755

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục V. Buồn phiền

Dựa theo quan niệm tâm lý của Hy-lạp, ba tật xấu trên đây (ham ăn, ham dục, ham tiền) thuộc phần tham dục. Từ tật xấu thứ tư, buồn phiền, chúng ta bước sang phần nộ dục.

I. Bản chất

Theo các giáo phụ, trước khi nguyên tổ phạm tội, con người không mắc tật buồn phiền. Nói thế có nghĩa là sự buồn phiền trái ngược với bản tính con người; nó là hậu quả bởi tội lỗi. Tuy nhiên, không phải sự buồn phiền nào đương nhiên cũng là tội lỗi xấu xa. Thực vậy, các sư phụ phân biệt hai thứ buồn phiền: có thứ buồn phiền “hợp ý Chúa” (xc 2Cr 7,10) và có thứ buồn phiền “đáng trách”.

A. Phân loại

1/ Loại buồn phiền thứ nhất không xấu; trái lại nó mà còn giúp chúng ta vun trồng nhân đức nữa: đó là buồn vì tình trạng sa đoạ của thân phận con người, buồn vì xa cách Chúa, buồn vì phạm tội mất lòng Chúa. Sự buồn phiền này dẫn đến lòng thống hối (pénthos), đau lòng (katányxis), và được bày tỏ qua hồng ân nước mắt. Tất cả chúng ta được khuyến khích vun trồng sự buồn phiền này.

2/ Loại buồn phiền thứ hai được bàn trong hàng ngũ các nết xấu thì khác. Đó là thứ buồn phiền trái chỗ: buồn vì mất một đối tượng phù ảo, phàm tục,  thay vì buồn vì phạm tội mất lòng Chúa. Đó là sự buồn tiếc vì không thoả mãn được một tham vọng nào đó, hoặc buồn vì sự bất bình khó chịu xảy ra trong tương quan với tha nhân.

B. Nguyên nhân

Một lần nữa, chúng ta có dịp chứng nghiệm rằng khi bàn về các nết xấu, các sư phụ không bêu xấu một đối tượng cho bằng lên án sự sử dụng đối tượng cách lệch lạc. Sự buồn phiền tự nó không xấu; nó trở thành xấu xa khi buồn về những chuyện hoặc hoàn cảnh không xứng đáng. Theo ông Evagrius (Pratikos X), có hai nguyên nhân chính đưa tới sự buồn phiền đáng trách: thứ nhất là bởi vì  không đạt được điều thèm muốn; thứ hai là do sự tức tối nóng giận. Các sư phụ lại còn thêm hai nguyên nhân khác: thứ ba là bởi ma quỷ gây ra; thứ bốn là buồn vu vơ (như một thi sĩ nước ta đã viết: “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”).

1/ Một lý do thường gây ra buồn phiền là tại vì mình không đạt được điều mong đợi khao khát. Như vậy, nếu phân tích từ gốc ngọn, thì ta thấy rằng  khởi đầu là một sự mong mỏi, ham muốn nào đó được gợi lên trong con tim. Thế rồi con tim bị quyến rũ bởi lòng ham muốn, và nó quyết tâm theo đuổi để đạt được. Đến khi thấy mình không thể đạt được, thì nó đâm ra buồn phiền. Khoa tâm-lý hiện đại gọi là “bác đoạt” (frustration), còn ngôn ngữ bình dân thì gọi nó bằng nhiều tên khác nhau: “thất tình, thất vọng, vỡ mộng, bất mãn, vv”. Nhưng đó mới chỉ là phân tích sự buồn phiền dưới khía cạnh tâm lý; đến khi bước sang lãnh vực luân lý, thì phải cân nhắc thêm một yếu tố khác nữa, đó là: đối tượng mà mình thèm khát theo đuổi như thế nào. Nếu thèm khát phụng sự Nước Chúa thì đâu phải là điều xấu, và vì thế nỗi buồn vì không đạt được mục tiêu cũng không phải là xấu! Sự buồn phiền xấu khi nào chúng ta chạy theo một giá trị hư ảo mà không bắt được nó. Thực ra, sự xấu đã len lỏi ngay từ lúc  nổi lên lòng ham mê bất chính rồi, chứ không phải đợi đến khi ta không đạt được nó. Chẳng hạn như việc theo đuổi tiền tài đã là xấu xa rồi, chứ chẳng cần phải chờ tới lúc đâm ra buồn phiền vì công chuyện làm ăn thất bại! Cần phân tích ngọn nguồn như vậy thì mới chữa được căn bệnh của con tim: nếu ta cắt đứt những ham muốn bất chính thì ta cũng không còn lo sẽ rơi vào cảnh buồn phiền xấu xa nữa.

Đi xa hơn một chút, các sư phụ cũng lưu ý rằng đôi khi sự buồn phiền xấu không phải vì chúng ta ham muốn điều xấu, nhưng bởi vì chúng ta gắn bó với một thụ tạo quá mức.  Ta hãy lấy một thí dụ đơn giản như là sức khoẻ. Sức khoẻ lành mạnh là một giá trị mà chúng ta tìm kiếm và gắng sức bảo vệ. Đây là một bổn phận tự nhiên, và là một điều tốt. Tuy nhiên, ta không thể nào khẳng định cách tương tự đối với sự buồn phiền do tình trạng bệnh tật gây ra. Sự buồn phiền này có thể đáng trách nếu sức khoẻ được nâng lên hàng một giá trị tuyệt đối. Ta cũng có thể nói cách tương tự như vậy về những nỗi buồn vì mất thanh danh, thân nhân, hoặc những tai họa khác. Đó là những tâm tình rất tự nhiên, và không có gì đáng trách. Sự buồn phiền có thể  vượt quá mức độ khi nó bộc lộ sự gắn bó của con tim vào những thọ tạo hơn là vào kế hoạch của Thiên Chúa, khác hẳn với thái độ của ông Gióp lúc gặp thử thách: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Thiên Chúa đã ban cho, Thiên Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,21). Một sự buồn phiền quá đáng cũng làm tê liệt mọi sinh hoạt, và vì thế cũng đáng trách như sẽ thấy khi bàn đến những hậu quả của nó.

2/ Nguyên nhân thứ hai của sự buồn phiền là nóng giận. Cũng như trong tiếng Việt có từ ngữ “buồn bực”, thì ông Evagrius giải thích sự liên kết giữa buồn phiền và nóng giận như sau: “sự buồn phiền bắt nguồn từ ý tưởng tức giận; bởi vì  tức giận là mong muốn trả thù, và khi không trả thù được thì đâm ra buồn tủi”. Có lẽ sự phân tích này không hoàn toàn chính xác dưới phương diện tâm lý, nhưng một điều mà nhiều sư phụ đồng ý là có sự liên hệ giữa sự buồn phiền với  hậm hực,  tức  giận. Cassianus (Inst. IX, 4; Col. V,11) nói rằng cái buồn đôi khi đi trước cái giận (vì buồn nên đâm ra tức giận), và đôi khi đi sau cái giận (cơn giận đã nguôi rồi mà cái buồn vẫn còn).

Thay vì mổ xẻ phân tích tâm lý, ta có thể đặt vấn đề một cách khác, đó là bàn đến sự buồn phiền trong mối liên hệ với tha nhân. Sự buồn phiền có thể xảy đến do sự ghen tương (thèm muốn một điều người ta có mà mình không có), do tính tự đắc (nghĩ rằng người ta đã làm tổn thương danh dự của mình).

3/ Ngoài hai nguyên nhân của sự buồn phiền mà ta có thể giải thích được, Cassianus nhìn nhận rằng có những cái buồn mà ta không hiểu từ đâu tới (Col. V,11; Inst. IX,4). Đột nhiên ta cảm thấy tâm hồn bị đè nặng bởi một nỗi buồn hoặc cơn xao xuyến: nó chẳng có liên hệ gì đến một nỗi mất mát, nó cũng chẳng do hành động nào của tha nhân gây ra. Cassianus tìm cách giải thích bằng cách móc nối nó với nỗi chán chường (akêdia) sẽ nói sau (mục VII). Còn thánh Gioan Kim khẩu lại cảnh giác chúng ta về mưu mô của ma quỷ: nó gieo vào tâm hồn ta cảm giác buồn phiền xao xuyến để làm ta chùn bước; tuy vậy các tư tưởng của ma quỷ không phát triển được nếu nó không tìm thấy mảnh đất thuận lợi ở trong tâm hồn ta. Vì thế, nói cho cùng, ý chí của ta vẫn có phần trách nhiệm (Ad Stagirium II,1).

II. Hậu quả

1/ Sự buồn phiền gây ảnh hưởng tai hại cho linh hồn, bởi vì nó làm giảm sút nhiệt tình hoạt động. Khỏi cần dài giòng về điều này nữa, bởi vì ai cũng đã có kinh nghiệm bản thân: khi tâm hồn buồn chán thì chẳng còn hứng thú làm việc, thậm chí chẳng buồn tham dự các buổi hội hè giải trí nữa. Sự buồn phiền có thể trở nên một chứng bệnh cho linh hồn, đó là chưa kể một chứng bệnh về tâm lý, được y khoa cận đại đặt tên là chứng “trầm uất” (depression).

2/ Trong đời sống tâm linh, sự buồn phiền có thể đạt  đến mức trầm trọng là trình trạng tuyệt vọng (apognosis); và sự tuyệt vọng dẫn đến cái chết, như lời thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Corintô (2Cr 7,10). Câu nói này có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa tâm lý và nghĩa luân lý. Hiểu theo nghĩa tâm lý, sự tuyệt vọng có thể dẫn đến tình trạng trầm uất hoặc ý định tự tử. Đó là một nhận định của thánh Gioan Kim khẩu (Ad Stagirium I, 1.2; II,1) chứ không cần chờ đến các nhà tâm-bệnh-học hiện đại.  Hiểu theo nghĩa luân lý, các giáo phụ nhấn mạnh nhiều hơn đến tình trạng buông trôi của người tuyệt vọng: một khi đã mất tin tưởng vào ơn cứu rỗi, họ khinh thường việc tuân giữ luật luân lý (cho rằng không được ích gì), sẵn sàng buông theo các đòi hỏi của bản năng hoặc chiều theo các cơn cám dỗ.

3/ Ngoài những hậu quả trực tiếp của tật buồn phiền vừa kể, các sư phụ không quên móc nối nó với các nết xấu khác, cách riêng trong tương quan với tha nhân: sự buồn phiền có thể sinh ra thái độ cay cú, gắt gỏng, hậm hực, đó là không kể đến sự ghen tương đã nhắc đến như nguồn gốc gây ra sự buồn phiền.

Có lẽ hiểu như vậy cho nên truyền thống Tây phương cải danh tật “buồn phiền” (tristitia) ra thành “ghen tương” (invidia), nghĩa là buồn vì mình thua người khác, buồn vì mình không được như người khác.

III. Chữa trị

Xét vì có hai thứ buồn phiền (buồn phiền tốt và buồn phiền xấu) cho nên cũng có hai bài thuốc khác nhau: một bài thuốc nhằm chữa lành sự buồn phiền xấu; một bài thuốc khác nhằm phát triển sự buồn phiền tốt và biến nó thành niềm hoan hỉ.

Muốn chữa tật buồn phiền xấu thì trước hết phải biết căn nguyên của nó.

A. Những căn do phiền não

1/ Nếu sự buồn phiền xảy đến bởi vì ta  không đạt được một khoái cảm hiện tại hoặc  tương lai (chẳng hạn: vì mất một người thân hay một món đồ quý giá, hoặc không mong đạt đạt được điều mơ ước), thì sự chữa trị phải bắt nguồn bằng việc thanh luyện con tim khỏi quyến luyến với những thọ tạo đó (người yêu, tài sản, danh giá địa vị, vv). Ong Evagrius nhận xét chí lý rằng: bởi vì bạn còn ham mê các loài thọ tạo, cho nên bạn mới buồn vì mất nó hoặc không chiếm được nó; nếu bạn cắt đứt lòng ham mê thì bạn sẽ không còn bị nỗi buồn ám ảnh (Praktikos, 19).

2/ Một nguyên do khác dẫn đến sự  buồn phiền là tính nóng giận: điều này hay xảy ra khi ta cảm thấy danh dự của mình bị thương tổn. Theo quan niệm  thường tình, cơn buồn giận của ta chỉ khuây khoả khi người kia đến nhận lỗi và bồi thường. Trong khi chờ đợi, tâm hồn cứ âm ỉ bực bội, và ta không muốn gặp mặt người đó nữa. Tuy nhiên ông Cassianus nhận xét rằng nghĩ như thế là lầm rồi (Inst. IX,7; Col. V,4). Thực vậy, nếu ai đó đã gây cho ta buồn bực thì ta đừng nghĩ rằng duy chỉ có họ mới có thể sửa chữa tình trạng đó. Không phải thế đâu: sự buồn bực tùy thuộc nơi ta chứ không tùy thuộc nơi họ. Sự buồn phiền hậm hực nằm ở trong tim của ta, và chỉ gây khổ não cho ta chứ đâu  ảnh hưởng chi đến họ? Vì thế thay vì xa lánh kẻ làm cho ta buồn bực, thì ta hãy năng đến với họ hơn. Tại sao làm như vậy? Tại vì họ là ân nhân của ta: khi họ gây cho ta sự buồn phiền, họ đã giúp ta nhận ra rằng mình còn quá yếu. Bạn thử nghĩ coi: nếu bạn bị cảm gió thì chắc rằng bạn không trách móc gió nhưng trách mình nhiều hơn, bởi vì sức khoẻ mình còn yếu! Giả như mình khoẻ mạnh thì gío đâu làm gì được? Dĩ nhiên các sư phụ không thúc giục chúng ta hãy tỏ ra ân cần vồn vã đối với những người đã làm mình bực bội! Các ngài chỉ muốn lưu ý chúng ta rằng phương thuốc chữa tật buồn giận nằm trong ta chứ không ở nơi người ta. Phương thuốc đó là tập luyện con tim để biết khiêm tốn và tha thứ. Nếu ta càng nuôi dưỡng tính căm thù hoặc khinh dể đối với họ thì ta càng thêm nỗi khổ cho mình mà thôi. Ngược lại, nếu ta biết khiêm tốn nhìn nhận rằng mình còn thiếu sót, thì ta sẽ sớm tìm được an bình.

3/ Đôi khi nỗi buồn nổi lên mà ta không biết căn do từ đâu. Nếu không biết được căn do thì cũng khó mà tìm ra phương dược chữa trị. Trong trường hợp này, ta có thể nhờ đến một vị linh hướng, để nhờ họ giúp cho ta nhận biết căn nguyên, hoặc ít ra là để nhận được lời an ủi.  Sự cầu nguyện than thở với Chúa (chẳng hạn qua các thánh vịnh) cũng có thể là một phương thế hữu hiệu để tìm lại sự an ủi[1].

B. Nỗi buồn thánh thiện

Sự phân biệt hai thứ buồn phiền (một thứ tốt, một thứ xấu) cho thấy rằng sự buồn phiền không phải là lúc nào cũng xấu xa tội lỗi. Hơn thế nữa, các sư phụ còn thêm rằng sự buồn phiền tốt và sự buồn phiền xấu không phải là hai loại khác nhau tự bản chất, nhưng cái buồn trở nên xấu xa là tại vì chưa đạt tới sự buồn phiền thánh thiện hoặc là tại vì nhắm sai đối tượng.

Như vừa thấy, sự buồn phiền xấu xa bắt nguồn từ việc ta quyến luyến đối tượng trần tục mà ta mất đi hoặc không còn mong đạt được. Nguyên nhân sâu xa của nó là lệch lạc của con tim, bởi vì nó bị ràng buộc với đối tượng hư ảo tạm bợ. Trái lại, sự buồn phiền được gọi là thánh thiện khi nó bắt nguồn từ chỗ xa cách Thiên Chúa, không đạt được những thực tại vĩnh cửu.

Các giáo phụ đặt nhiều tên cho nỗi buồn này: “thống hối” (penthos: luctus; katanysis: compunctio[2]), hoặc “buồn vì Chúa” (dựa theo 2Cr 7,9-11), “buồn hữu ích”, “buồn hồng phúc” (xc. Cassianus, Coll. V,23; Climacus, Scala VII,55). “Buồn vì Chúa” có nghĩa là bởi vì làm mất lòng Chúa, hoặc làm cho ta xa Chúa. “Buồn hữu ích” bởi vì nó góp phần vào việc cứu rỗi. “Buồn hồng phúc” bởi vì nó được Chúa chúc phúc (xc. Mt 5,4; Lc 6,21). Tâm tình này thường đi theo lòng thống hối vì đã phạm tội mất lòng Chúa, và được biểu lộ qua việc than khóc.

Do đó, sự buồn phiền thống hối không chỉ diễn ra trong chốc lát (ăn năn hối hận sau khi phạm tội), nhưng nó là một trạng thái bền bỉ (giống như các nhân đức khác), kéo dài cho đến bao lâu linh hồn chưa được kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa. Sự xa cách Thiên Chúa vừa có thể hiểu về “thời gian” vừa có thể hiểu về “phẩm chất”. Xét về thời gian, bao lâu còn sống trên đời, con người vẫn còn cảm thấy thân phận lữ thứ, tạm bợ của cuộc sống, bởi vì chưa đạt đến cứu cánh của mình. Xét về “phẩm chất”, linh hồn cảm thấy mình còn nhiều khuyết điểm, cách  xa vô ngần sự trọn lành thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh Gioan Climacus viết như sau: “Chừng nào linh hồn ta rời khỏi thế gian, chúng ta sẽ không buộc phải trả lời vì đã không làm phép lạ, vì đã không rao giảng, vì đã không đạt đến cao điểm chiêm niệm; nhưng chúng ta không thể nào tránh khỏi trả lời vì đã không thực hành đức thống hối cho đến suốt đời” (Scala VII,79). Trong chương trước (mục III,2) chúng tôi đã đề cập đến ba cấp độ của “ơn nước mắt” theo truyền thống Đông phương.

Cũng nên biết là người tín hữu không chỉ đau buồn khóc lóc vì tội của mình mà thôi; họ cũng buồn rầu cho  tha nhân, cách riêng là những tội nhân vì không được thông hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đây cũng là một hậu quả của con tim lân tuất và cảm thông.

C. Niềm vui tinh thần

Nếu xét đến sự buồn phiền như một đam mê tật xấu, thì ta thấy nó mang lại hậm hực, tủi phận, co rút vào vỏ ốc của bản thân, thậm chí đưa ta tới thất vọng nữa. Ngược lại, sự đau buồn thánh thiện gây ra một cuộc thay đổi trong nếp sống, thúc đẩy lòng ước muốn thăng tiến, khiến cho con người trở nên khiêm tốn, kiên nhẫn, hoà nhã với tha nhân (xc. Cassianus, Inst. IX,11).

Sự thống hối thánh thiện là một nhân đức, không chỉ là kết quả do sự gắng công tập luyện nhưng tiên vàn là một hồng ân do Chúa Thánh Linh ban cho ta[3]. Một trong những biểu hiệu của đức thống hối là ơn khóc lóc (chảy nước mắt), được các sư phụ nhiều lần nhắc đến. Trong đời sống tâm linh, nước mắt được gán cho công hiệu tương tự như bí tích thánh tẩy: nó rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, dập tắt các đam mê (Climacus, Scala VII, 35.37). Ơn nước mắt cũng biến con tim từ chỗ cứng cỏi khô khan đến chỗ dịu dàng và sốt sắng phụng sự Chúa.

Nói khác đi, đức buồn phiền mang lại một hậu quả ra như trái nghịch hoàn toàn bởi bản tính của nó, bởi vì là một sự đau buồn gây nên niềm vui. Phúc âm đã có lần tìm cách  giải thích tính cách tương phản này khi ví với tình trạng của phụ nữ sắp sinh con: “Các con sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,20-21).

Các giáo phụ cũng thêm rằng để hiểu phần nào tính cách nghịch lý của đức buồn phiền Kitô giáo, ta hãy lồng nó trong toàn thể bối cảnh của những hoa trái mà Thánh Linh mang lại cho ta: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23). Đức buồn phiền và đức hoan lạc có thể sống chung với nhau được, phần nào bởi vì do hai nguyên nhân khác nhau: cái buồn phiền bắt nguồn từ phía con người, buồn vì cách xa Chúa; còn sự hoan lạc thì đến bởi Chúa, nguồn mạch hoan lạc. Thánh Linh đã chẳng mang danh tánh là “Đấng An ủi” (Paraclitus) đấy ư? Dù sao, sự hoan lạc mà Thánh Linh ban cho chúng ta không phải là thứ hoan hỉ theo quan điểm của trần thế. Đây là niềm hoan lạc khi biết rằng mình được thương yêu, nâng đỡ; niềm hoan lạc vì được tha thứ và tin tưởng có thể đạt đến cứu cánh cuộc đời là Thiên Chúa; niềm hoan lạc của hoà giải và bình an với Thiên Chúa và tha nhân (Cassianus, Coll. V,23; Inst. IX, 11).

————————–

[1] Cassianus, Inst. IX, 13. Thánh Gioan Kim khẩu, De statuis, VI,1.

[2] Các tác giả không đồng ý với nhau về ý nghĩa của các từ penthoskatányxis thường đi đôi với nhau: phải chăng đó là hai từ đồng nghĩa (luctus, compunctio)? Nếu không, thì khác nhau thế nào? Xc. I. Hausherr, Penthos. La doctrine de la componction dans l’Orient chrétien, Rome 1944.

[3] Xc. Climacus, Scala VII,54. Basiliô, Reg.brev.16.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here