THANH LUYỆN TRÁI TIM – Mục III. Dâm dục

0
982

THANH LUYỆN TRÁI TIM
THEO TRUYỀN THỐNG TÂM LINH ĐÔNG PHƯƠNG CÔNG GIÁO

Trích Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh tập V,
(Truyền thống tâm linh trong các giáo hội Đông phương)
Phương Đông, TPHCM 2017, trang 267-388.

Mục III.  Dâm dục

Sự ăn uống tự nó không phải là chuyện xấu xa bỉ ổi xét vì là một nhu cầu cần thiết để sống, nó chỉ trở thành nết xấu do lòng ham muốn lệch lạc hoặc sử dụng quá độ. Thử hỏi có thể lý luận  như thế về sự dâm dục không? Dựa theo thánh Tôma Aquinô (Summa Theol., II-II, q.158, a.2) ta có thể  trả lời là: “được”, xét vì sự truyền sinh cũng là một bản năng tự nhiên để duy trì dòng giống: tình yêu lứa đôi không có gì xấu xa hết, chỉ khi nào đi ra ngoài mục tiêu của nó thì mới trở thành tội lỗi.

Tiếc rằng quan điểm của nhiều giáo phụ Đông phương lại không đơn giản như vậy.

1/  Trước hết là về từ ngữ. Trong tiếng Hy lạp, nết xấu thứ hai được gọi là pornéia, có nghĩa là “mại dâm”, ám chỉ một điều xấu xa[1].

2/ Thứ đến, dựa trên thứ tự của sách Sáng thế (xc. St 3,16; 4,1), nhiều giáo phụ bên Đông phương (như Grêgôriô Nyssa, Cyrillô Gierusalem, Gioan Đamascô) cho rằng ông Ađam và bà Eva giao hợp với nhau sau khi đã phạm tội. Nói cách khác, chuyện giao hợp và sinh sản là hậu quả của tình trạng tội lỗi (chứ không trung lập như là đối với sự ăn uống).

3/ Một điều ghi nhận thứ ba là các tác phẩm tu đức được viết cho các thầy tu, nghĩa là những người đã khấn độc thân khiết tịnh. Vì thế, đối với họ, việc giao hợp nam nữ không còn là chuyện vô thưởng vô phạt nữa, nhưng là điều lỗi luật.

Do đó, để tránh hiểu lầm, khi đọc tác phẩm của các giáo phụ viết về khiết tịnh và hôn nhân, chúng ta cần lưu ý đến bối cảnh của người viết cũng như người đọc. Sau những lời giáo đầu như vậy, chúng ta có thể đi vào vấn đề, nghiên cứu bản chất và hậu quả của nết xấu dâm dục.

I. Bản chất

Sự giao hợp vợ chồng không phải là điều xấu xa bỉ ổi, bởi vì nó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thực vậy, nếu không có giao hợp thì làm sao mà thực hiện mệnh lệnh của Thiên Chúa: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất”.  Mệnh lệnh này được ban cho nguyên tổ trước khi phạm tội (St 1,28) và được lặp lại sau cơn hồng thuỷ (St 9,7).

Trong Tân ước, ta thấy Chúa Giêsu đã tham dự tiệc cưới ở Cana  và chúc lành cho họ (xc. Ga 2,1-10). Thánh Phaolô tái khẳng định rằng định chế hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập, và do đó không thể coi việc lấy vợ lấy chồng là tội lỗi (xc. 1Cr 7,28; Dt 13,4).

Hôn nhân không phải là tội lỗi; việc giao hợp vợ chồng cũng không phải là tội lỗi. Tội lỗi xảy ra khi bị sử dụng lạc hướng, cũng giống như sự ăn uống đã nói trước đây. Việc ăn uống không phải là tội lỗi. Chủ thể của tội mê ăn không phải là cái miệng hay cái bụng nhưng là cái tâm, lòng ham muốn lệch lạc. Một cách tương tự như vậy, trong lãnh vực hôn nhân, chủ thể của tội không phải là thân xác (tuy dù được đặt tên là “tội nhục dục”, hay “tội xác thịt”), nhưng là lòng ham muốn lệch lạc. Khi nào lòng ham muốn bị coi là lệch lạc?

 Nói cách tổng quát, lòng ham muốn trở nên lệch lạc thì nó đi tìm khoái lạc như là cứu cánh cuộc sống, đến nỗi lãng quên cả Thiên Chúa. Thánh Maximus Confessor (Capita de caritate, cent. II,17) trưng ra một trường hợp làm thí dụ:  khi một người nam ham muốn một người nữ, muốn lạm dụng nàng để hưởng lạc thú, chứ không phải để sinh sản con cái. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là mục tiêu của hôn nhân chỉ nhằm đến việc sinh con đẻ cái. Việc sinh sản là kết quả của sự giao hợp chứ không phải là mục đích của nó. Thực vậy, theo các giáo phụ, mục tiêu của hôn nhân và sự giao hợp là tình yêu hỗ tương giữa vợ chồng[2]. Theo nhãn giới Kitô giáo, tình yêu vợ chồng mang tính cách toàn diện, nghĩa là bao trùm toàn thể con người (cả hồn lẫn xác), được đặt dưới sự thúc đẩy của Thánh Linh nhắm đến việc thể hiện  Nước Thiên Chúa. Vì thế khi nào sự lạc thú xác thịt được đặt làm cứu cánh của sự giao hợp thì nó gây ra sự xáo trộn trật tự luân lý, nghĩa là làm rối loạn các mối tương quan với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân.

1/ Trong tương quan đối với Thiên Chúa: con người đặt các khoái lạc nhục dục làm cứu cánh cuộc đời, không còn đếm xỉa chi đến các giá trị tinh thần. Cách riêng đối với người Kitô hữu, tình yêu vợ chồng sẽ không còn phản ánh tính cách biểu tượng của bí tích của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh nữa.

2/ Trong trật tự nội tại của bản thân: con người bị tha hoá, bởi vì nó đã để cho bản năng thống trị tinh thần, đảo lộn trật tự trong đó giác quan và tình cảm phải tuân theo sự hướng dẫn của lý trí. Vì thế không lạ gì mà các sư phụ đặt tên cho tội dâm dục như là nô lệ cho thú tính, hoặc nô lệ cho xác thịt.

Thực ra cũng cần tránh vài hiểu lầm về từ ngữ. Không thiếu các tôn giáo hoặc triết học có quan điểm xấu xa về thân xác (xác thịt): họ cho rằng linh hồn bị mù quáng, trở nên nặng nề bởi vì bị thân xác giam hãm. Vì thế không lạ gì mà họ hành hạ thân xác, ngõ hầu linh hồn được thanh thoát. Quan điểm này không phù hợp với Kitô giáo, bởi vì Tân ước đề cao giá trị của thân xác, coi nó như đền thờ của Thánh Thần (xc 1Cr 6,19-20) và tuyên bố niềm hy vọng vào vinh quang thân xác sẽ được phục sinh (xc 1Cr 15, 43-47). Do đó khi nói đến “tội xác thịt”, các giáo phụ không có ý nói đến tội do xác thịt gây ra, nhưng là tội gây ra bởi lòng ham muốn ngang trái khi sử dụng thân thể, như Chúa Giêsu đã cảnh cáo (xc. Mt 5,28). Đó cũng là điều thánh Phaolô khiển trách các tín hữu Corintô, bởi vì họ đã phạm tội trong thân xác thay vì tôn vinh Thiên Chúa ngự trong thân xác (xc. 1Cr 6,15-18).

3/ Tội dâm dục gây xáo trộn trong mối tương quan với tha nhân, bởi vì họ mang trong đầu hình ảnh lệch lạc về tha nhân. Họ không tôn trọng tha nhân như là hình ảnh Thiên Chúa, mà chỉ coi đó như một đồ vật thoả mãn lòng ham muốn của mình. Như vậy tha nhân bị hạ giá xuống thành một món hàng giải trí, thay vì được kính trọng như một chủ thể.

II. Hậu quả

Khi bàn về các ham mê và tật xấu, các sư phụ thường vạch ra vòng luẩn quẩn của chúng: một đàng lòng ham muốn sinh ra tật xấu, và rồi tật xấu lại lôi cuốn thêm lòng ham muốn; đàng khác, một tật xấu này thường lôi cuốn theo tật xấu khác.

1/ Xét về mối liên hệ họ hàng giữa các tật xấu, các sư phụ thường móc nối tật mê ăn với tật dâm dục, như đã nói trong mục trước. Cassianus  (Coll. 12,7) giải thích rằng ai vượt quá hàng rào của sự kiềm chế thì cũng dễ vượt qua hàng rào của sự tháo thứ, nhưng ông lại áp dụng cách riêng cho tính nóng giận:  ai không đè nén được tính nóng nảy, thì sẽ dễ bị ngọn lửa tình dục trấn áp.

 2/ Hình ảnh về “ngọn lửa tình dục” được sử dụng khá nhiều khi bàn tới các hậu quả của dâm dục. Nên nhớ là sách Diễm Ca (8,6) đã ví tình yêu như ngọn lửa bừng cháy, và không hẳn là theo nghĩa xấu. Thực vậy, đâu thiếu nhà tu đức so sánh tình yêu (đức mến) hay lòng nhiệt thành như ngọn lửa? Tuy nhiên, khi bước sang sự dâm dục thì ngọn lửa được giải thích theo nghĩa tiêu cực:

– Lửa dâm dục được hiểu như sự thúc đẩy mãnh liệt, không kiềm chế nổi. Nói đúng ra, chẳng qua sự dâm dục cũng là một dạng thức của tình yêu (ái tình) mà thôi; thế nhưng tình yêu là một nhu cầu tự nhiên của con người, đâu có thể diệt trừ được. Con người cần yêu và được yêu; vì thế tình yêu không có gì xấu xa cả. Sự xấu xa bắt đầu từ chỗ xáo trộn trật tự hoặc mức độ. Chính vì vượt quá mức độ mà ái tình trở thành xấu, và rồi một khi đã vượt quá mức rồi thì khó lòng kiểm soát được nữa. Vòng luẩn quẩn của dâm dục bắt đầu từ đó: vì nó tuột khỏi tầm kiểm soát cho nên trở thành xấu, và khi trở thành xấu thì không thể kiểm soát được nữa!

– Thực vậy, như kinh nghiệm cho thấy, kẻ nào đã bị lửa ái tình chiếm đoạt thì trở thành nô lệ cho nó: ngọn lửa đó không chỉ lấn át lý trí mà còn thiêu đốt các nguồn năng lượng khác trong con người, từ thời giờ, sức khoẻ, cho đến tiền bạc. Tất cả đều bị huy động nhằm thoả mãn sự thèm khát. Bao lâu chưa đạt được, thì con tim trở thành bất ổn vì xao xuyến, nhớ nhung, khắc khoải.  Đàng khác, khó lòng khẳng định được tới chừng nào sự thèm khát được thoả mãn hoàn toàn.

– Đành rằng ngọn lửa dâm dục gây tai hại cho bất cứ ai, nhưng các sư phụ lo ngại cách riêng cho các đan sĩ, những độc giả đầu tiên mà họ nhắm tới. Đối với giới tu hành, tật dâm dục lôi theo nhiều hậu quả tai hại cho hành trình tâm linh: một đàng nó dẫn đến sự buông thả phóng túng, đàng khác nó làm con tim thờ ơ đối với những thực tại thần linh, chểnh mảng đối với cầu nguyện và thực hành nhân đức.

III. Chữa trị: nhân đức khiết tịnh

Khi bàn về đức tiết độ để  chữa trị tật tham ăn, chúng tôi đã lưu ý đến những ý nghĩa khác nhau của từ “tiết độ” (enkrateia: temperantia). Theo một nghĩa rộng, đức tiết độ bao hàm việc điều khiển bản năng dinh dưỡng và truyền sinh; theo một nghĩa hẹp, nó được giới hạn vào lãnh vực ăn uống, dành lãnh vực truyền sinh cho đức khiết tịnh (sophrosyne: castitas). Nhận xét này cho ta thấy mối liên hệ giữa đức tiết độ và đức khiết tịnh.

Đến lượt bàn đến đức khiết tịnh, thiết tưởng cũng cần phân biệt nhiều phạm vi khác  nhau: có loại khiết tịnh của người chưa lập gia đình, có loại khiết tịnh của người kết hôn, có loại khiết tịnh của người goá bụa, có loại khiết tịnh của người khấn độc thân. Các tác phẩm tu đức thường giới hạn vào hai loại chính: 1/ khiết tịnh tu trì; 2/ khiết tịnh hôn nhân.

A. Khiết tịnh tu trì

Như đã nói trên đây, việc ái ân vợ chồng tự nó không phải là xấu, bởi vì nó nằm trong định chế hôn nhân do Thiên Chúa tạo thành. Tội dâm ô xảy ra khi sử dụng việc giao hợp ngoài mục tiêu của nó.

Tuy nhiên, lịch sử Kitô giáo đã sớm chứng kiến sự xuất hiện những người trinh khiết, kiêng cữ luôn cả sự kết hôn: đó là những trinh nữ hoặc những kẻ tiết dục[3]. Nên lưu ý là từ “trinh khiết” (partenía: virginitas) quen được hiểu về nữ giới; tuy nhiên Tân ước và các giáo phụ không ngần ngại áp dụng cho cả nam giới nữa (xc. Kh 14,3-5). Hàng ngũ những người trinh khiết độc thân hiện hữu ngay từ Hội thánh nguyên thuỷ, được nhắc tới trong sách Tông đồ công vụ (Cv 21,9) và thư thánh Phaolô (1Cr 7,7-8). Đến khi đời sống đan tu được củng cố, nếp sống khiết tịnh tu trì trở thành một định chế, bởi vì nó không chỉ là một điều quyết tâm của cá nhân với Thiên Chúa nhưng còn mang một hình thức ràng buộc pháp lý trước mặt Giáo hội. Tuy nhiên, chúng tôi không phân tích bản chất của nghĩa vụ pháp lý, nhưng chỉ muốn bàn về khía cạnh tu đức của sự khiết tịnh độc thân qua các tác phẩm của  các sư phụ.

Trên thực tế, phần lớn những tác phẩm của các giáo phụ viết về đức khiết tịnh nhằm đến giới tu trì. Nguyên việc điều khiển bản năng tự nhiên trong tầm mức hợp lý đã khó rồi (như ta thấy trong việc ăn uống), phương chi là khước từ hoàn toàn sự sử dụng bản năng đó. Ý thức sự khó khăn như vậy, các biện pháp đề ra rất là khắc khe, tựa hồ như muốn huỷ diệt cả bản năng nữa.

1/ Nói chung, các công tác khổ chế mà kỷ luật đời đan tu đặt ra đều hướng đến việc kiềm chế các bản năng. Cassianus đã nêu bật mối liên hệ đó, cách riêng khi giải thích ý nghĩa của sự chay tịnh, canh thức và lao động[4]. Cả ba công tác đều góp phần vào việc hạn chế những đòi hỏi của thể xác, nhờ vậy cũng giảm đi đòi hỏi của dục tình. Một cách cụ thể hơn, sự lao động nhằm tránh cảnh nhàn cư, không để cho lòng trí bay theo các hình ảnh và ý tưởng dục tình. Việc canh thức nhằm giới hạn giờ ngủ, tránh sự nuông chiều sự khoái lạc thân thể. Sự chay tịnh nhằm kiểm soát sự chừng mực trong việc ăn uống, bởi vì kinh nghiệm cho thấy việc no say là môi trường thuận lợi nhất cho tật dâm dục khuynh đảo. Dù sao, các sư phụ đã đề cập đến ba biện pháp này khi bàn về tật mê ăn, bởi vì có liên hệ dây chuyền giữa tham ăn và dâm dục. Dưới khía cạnh trị liệu tinh thần, Cassianus nói rằng nếu ai không trị được tật tham ăn thì đừng mong trị được tính dâm dục (Inst. V,11; Coll. V,10; XXII,6).

2/ Một biện pháp nữa được đề ra cho các đan sĩ là xa tránh những cơ hội phạm tội. Trong bối cảnh của đời đan tu thế kỷ IV-V, điều này có nghĩa là rút vào nơi cô tịch, tránh tiếp xúc với phụ nữ, thậm chí tránh tiếp xúc luôn  cả “hình ảnh” của họ nữa. Dưới phương diện trị liệu tinh thần, một biện pháp khắt khe như vậy cũng  hợp lý thôi: nếu ai đã mắc bệnh nghiện rượu mà muốn được chữa lành, thì không thể nào chỉ uống rượu cách chừng mực mà thôi nhưng còn phải cai luôn cả rượu nữa; một cách tương tự như vậy, nếu muốn cho lửa dục tình khỏi bùng cháy thì phải dập tắt hoàn toàn, chứ không thể chỉ duy trì trong tình trạng âm ỉ được (xc. Cassianus, Inst. VI,3).  Đối với một đan sĩ không thể sống cách ly với người đời thì sao? Chỉ có cách là “canh chừng giác quan”, đặc biệt là thị giác và xúc giác.

3/ Tuy nhiên, dù tội dâm dục xảy ra nơi thân xác nhưng việc chữa trị nó không thể nào chỉ dừng lại ở các việc khổ chế thân xác. Thực vậy, Chúa Giêsu đã dạy rằng cội nguồn của tội dâm dục là “con tim ngang trái” (xc. Mt 5,28; 15,19). Tất cả những sự khổ chế giác quan sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu “con tim tinh tuyền” (Cassianus, Inst. VI,4; Coll. XII, 10-11). Điều này giả thiết việc “canh chừng con tim” nhiều hơn là “canh chừng giác quan”, nghĩa là phải cảnh giác, loại trừ các tư tưởng xấu ngay khi chúng vừa mới chớm nở chứ không lý luận với chúng. Một phương thế khác để giữ gìn con tim nguyên tuyền là thực hành “kinh nguyện con tim” (quen gọi là “kinh nguyện Chúa Giêsu”). Nói khác đi, việc canh phòng con tim đi đôi với sự cầu nguyện. Đan sĩ cầu nguyện bởi vì ý thức rằng tự sức mình không thể nào chống lại một tật gắn liền với bản năng tự nhiên.

Cùng với sự cầu nguyện, đan sĩ cũng không quên thực tập các nhân đức khác, bởi vì có một vòng mắt xích các nhân đức, cũng tương tự như vòng mắt xích các tật xấu vậy. Thực thế, đức khiết tịnh được hỗ trợ nhờ những nhân đức khiêm nhường, hiền lành, nhã nhặn với tha nhân.

4/ Dù sao, đức khiết tịnh tu trì không chỉ có vai trò diệt trừ tật dâm dục. Người đan sĩ khấn giữ khiết tịnh không phải vì muốn bài trừ một bản năng nguy hiểm. Đức khiết tịnh mang những giá trị tích cực mà người đan sĩ muốn bảo vệ như một báu vật; vì thế ông phải kháng cự những đối thủ muốn cướp giật kho tàng đó.

Thực vậy, mục tiêu chính của đức khiết tịnh tu trì là dâng hiến toàn thể cuộc đời cho Thiên Chúa, dành cho Ngài trọn mọi sức lực tâm tư, theo như thánh Phaolô đã viết: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa; họ tìm cách làm đẹp lòng Ngài… Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Ngài cả hồn lẫn xác” (1Cr 7,32.34). Người có vợ có chồng thì lo chuyện gia đình, tìm cách làm đẹp lòng người bạn của mình; vì thế con tim của họ bị chia sẻ. Đó là động lực của đức khiết tịnh tu trì nơi  Kitô giáo: các tu sĩ không coi hôn nhân là tội lỗi cần phải tránh, nhưng họ muốn chọn lựa sống độc thân để chuyên lo việc Chúa. Họ cũng loan báo một thực tại thuộc thế giới mai hậu, trong đó người ta sẽ không còn tính chuyện dựng vợ gả chồng nữa. Thực vậy, đời sống hôn nhân mang dấu vết của thời gian qua đi; sự trinh khiết mang dấu của một tình yêu bất khả ly.

Cũng nên biết là theo ý kiến của thánh Gioan Kim Khẩu, sự độc thân tự bản chất chưa phải là một giá trị, nhất là khi một người quyết định sống độc thân chỉ vì không ưa thích đời sống hôn nhân. Giá trị của nếp sống độc thân Kitô giáo nằm ở chỗ nó giúp con người tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa (De virginitate, 4).

B. Khiết tịnh hôn nhân.

Như đã lưu ý, khi bàn về đức khiết tịnh, các giáo phụ thường nhắm đến các đan sĩ, những người đã tình nguyện khước từ đời sống hôn nhân. Các biện pháp được đề ra cốt giúp cho họ tuân giữ điều mà mình đã quyết tâm. Ngược lại, thật là một sai lầm trầm trọng nếu chúng ta mang áp dụng những lời khuyên ấy cho những người sống đời hôn nhân. Dù sao, các giáo phụ đã đương đầu với nhiều lạc thuyết khinh rẻ hôn nhân, coi việc vợ chồng như mầm mống tội lỗi. Điều trớ trêu là lắm lần có người không muốn kết hôn để khỏi bị vướng vít ràng buộc, và do đó họ tự do phóng đãng (xc. Clemente Alex., Stromata III,6). Vì thế các giáo phụ đã đứng ra bảo vệ giá trị hôn nhân như một định chế lành mạnh của xã hội và đã được Chúa Kitô chúc phúc như một bí tích. Đồng thời, các giáo phụ cũng không thiếu lời khuyên giúp cho các vợ chồng sống thánh thiện trong cuộc sống.

1/ Bàn về mối liên hệ giữa đức khiết tịnh hôn nhân với tật dâm dục, nhận xét đơn giản nhất mà các giáo phụ đưa ra là: đời sống vợ chồng giúp cho tín hữu chế ngự được đòi hỏi của bản năng. Điều nhận xét ấy dựa trên chính lời khuyên của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Corintô: “Để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng. Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng cám dỗ” (1Cr 7,2-5).

2/ Điều đó không có nghĩa là các đôi vợ chồng không còn cảm thấy cám dỗ dâm dục nữa. Trong số các cơn cám dỗ nghiêm trọng trong đời vợ chồng, ta phải kể đến tội ngoại tình. Phúc âm đã cảnh giác rằng người ta có thể phạm tội ngoại tình không chỉ bằng hành động mà thôi, nhưng ngay từ trong con tim (Mt 5, 28). Chính vì thế mà các vợ chồng Kitô hữu cần được đào tạo để đạt được “con tim thanh tịnh”.  Họ cũng cần được thủ đắc đức khiết tịnh để chiến đấu với tật dâm dục. Công cuộc huấn luyện này bao gồm nhiều khía cạnh.

– Trong việc ăn uống, ta cần phải biết giữ chừng mực để tránh rơi vào tật mê ăn. Một cách tương tự như vậy, các đôi vợ chồng cũng được mời gọi thực hành kiêng khem trong việc ái ân, ngõ hầu họ có thể tập luyện làm chủ bản năng của mình. Qua đoạn văn của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô trên đây, ta đoán được rằng vào thời đó đã có những tín hữu tình nguyện kiêng cữ việc ái ân; thánh tông đồ yêu cầu họ hãy thực hành với sự thoả thuận của cả hai người, và trong một thời gian nào đó chứ không vĩnh viễn! Điều này cũng được thực hành trong Giáo hội trong các giai đoạn sau đó.

– Việc ăn uống có thể trở thành xấu xa không chỉ tại vì sử dụng quá mức cần thiết, mà còn tại vì nó được tìm kiếm như mục đích chứ không như phương tiện dinh dưỡng. Một cách tương tự như vậy, sự ái ân vợ chồng có thể trở thành bất chính khi nó được đặt làm mục tiêu cho cuộc sống chứ không phải như phương tiện nữa. Nói cách khác, sự ái ân vợ chồng trở thành xấu xa nếu người ta chỉ đi tìm kiếm sự khoái lạc nhục dục, thay vì nhắm đến tình yêu chân thành trao hiến giữa vợ chồng, để từ đó hướng đến đức ái. Vì thế khi bàn đến đức khiết tịnh vợ chồng, các giáo phụ khuyên họ đừng dừng lại ở bình diện ham muốn của bản năng, nhưng hãy biết lồng nó trong viễn tượng cao hơn của đức ái: làm thế nào để đời sống vợ chồng giúp họ phát triển đức ái, biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau tăng trưởng trong lòng mến Chúa.

Tóm lại, tuy đức khiết tịnh được thực hiện trong hai ơn gọi khác biệt (khiết tịnh tu trì và khiết tịnh hôn nhân), nhưng ta thấy cả hai đều gặp gỡ nhau ở cao điểm: đức khiết tịnh không dừng lại ở chỗ chế ngự tật dâm ô nhưng nó nhắm đến việc biến đổi con tim thanh tịnh. Các người tu trì dành cho Thiên Chúa một con tim không chia sẻ; còn người kết bạn thì được mời gọi hãy “mê Chúa say đắm” cũng như họ “say mê lẫn nhau” (Climacus, Scala XXVI, 34; XXX,11).

———————-

[1] Porneia gốc bởi động từ porneyo có nghĩa là bán, nhưng ông Herodotus (tk V trước CN)  áp dụng cho các phụ nữ buôn bán thân thể của mình. Tiếng Latinh là luxuria (Pháp: Luxure, Anh: luxury), được thánh Isođorus Sevilla giải thích là tháo thứ: “luxuriosus dicitur quasi solutus in voluptates” (được thánh Tôma Aquinô trích dẫn ở  Summa Theologica, II-II, q.153, art.1, s.c.). Theo ông Lê Gia, Tiếng nói nôm na (Nxb Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh 1999), chữ  “dâm” gốc bởi chữ “râm” là quá chừng, quá độ; ham thú vui xác thịt trai gái. Dâm dục: lòng ham muốn thú vui xác thịt trai gái. Dâm ô: sự dơ bẩn về thú vui xác thịt.

[2] Xc. Các bản văn được J.C. Larchet trích dẫn (trang 161): Basilio Ancyra, Sulla verginità, 38. Basilio Cesarea, Omelia sulla martire Giulitta, 5, PG 5,248; Esortazione alla rinuncia e alla perfezione spirituale, 2, PG 31,269. Gioan Kim khẩu, Sulla verginità, 9; 19; 25; 26; 34; Omelie sulla Genesi, XXI; Omelie sul matrimonio, I,2; 3; III,5.

[3] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang72-77.

[4] Xc. Inst. VI,1-2; Coll. V,4; VII, 2; XII, 4; 5; 15. Climacus, Scala XV, 12.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here