THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 88 (THÁNG 05/2020)

0
1756

LỜI GIỚI THIỆU

Thoạt tiên, nghe nói đến “Thần học tự nhiên” có lẽ nhiều người liên tưởng đến suy tư thần học về thiên nhiên, và điều này thật là “thời sự” nhân kỷ niệm 5 năm ban hành thông điệp Laudato si’ “về việc chăm sóc ngôi nhà chung” (24 tháng 5 năm 2015).

Tuy nhiên, ở các chủng viện và học viện Công giáo, “thần học tự nhiên” (theologia naturalis) còn được hiểu như là việc khám phá Thiên Chúa qua lý trí và thiên nhiên, đối lại với con đường hiểu biết Thiên Chúa nhờ mặc khải và đức tin, được gọi là “thần học siêu nhiên” (theologia supernaturalis). Trong cả hai thuật ngữ (tự nhiên và siêu nhiên), từ natura được hiểu theo hai nghĩa khác nhau: tự nhiên vừa có nghĩa là “thiên nhiên” (vũ trụ, trời đất) vừa có nghĩa là “bản tính” (trong khả năng bản tính con người). Đang khi đó, tại các đại học quốc gia, “khoa học tự nhiên” (natural sciences) lại được dùng như đối lại với “khoa học xã hội nhân văn” (human / social sciences). Ở đây, “tự nhiên” vừa được hiểu như vật chất (đối lại với tinh thần), vừa được hiểu như thực nghiệm (có thể đo lường bằng toán học), đối lại với lịch sử hoặc lý thuyết. Ngoài ra, cũng nên ghi nhận rằng “tự nhiên” không nhất thiết đồng nghĩa với “vật lý”, trong khi mà xét theo tầm nguyên, vào lúc đầu, hai danh từ natura (tiếng Latinh) và physica (tiếng Hy-lạp) đều ám chỉ cùng một đối tượng.

Trước khi đi sâu vào nội dung, thiết tưởng nên tìm hiểu ý nghĩa của các từ “tự nhiên”, “thiên nhiên”, dựa theo Từ điển Công giáo (HĐGM Việt Nam, Ủy ban giáo lý đức tin), NXB Tôn giáo 2016: cả hai từ đều tương đương với natura trong tiếng Latinh; nhưng mà từ này còn có thể dịch là “bản tính” nữa.

1/ Tự nhiên (natura) 自然 (trang 959)

Tự: dĩ nhiên; Nhiên: tất phải. Tự nhiên: tự nó vốn như vậy. Tự nhiên, có gốc tiếng Hy Lạp là physis – do từ phyein, sản sinh, sinh ra, chỉ những gì tồn tại xung quanh con người nhưng không phải do con người tạo ra. Tự nhiên có hai nghĩa: (a) sẵn có mà không do sự can thiệp của con người; (b) có sẵn nơi bản tính, khác với siêu nhiên.

2/ Thiên nhiên (natura) 天然 (trang 849)

Thiên: trời đất, vạn vật; Nhiên: tất phải, thường. Thiên nhiên: toàn bộ những gì đang có chung quanh con người mà không phải do con người tạo ra.

3/ Bản tính (natura) 本性 (trang 49)

Bản: gốc; Tính: tư chất tự nhiên. Bản tính: tư chất tự nhiên có sẵn. Theo nghĩa thông thường, bản tính chỉ đặc tính của một người hay một vật, do bẩm sinh chứ không do luyện tập mà đạt được. Theo nghĩa triết học, bản tính là yếu tố điều hành các hoạt động của thực thể, nếu thiếu thì thực thể đó không còn là nó nữa.

NỘI DUNG

Số báo này muốn trình bày vài khía cạnh của natura, qua việc phân tích lịch sử sử dụng từ ngữ và những áp dụng vào thời nay.

1/ Khái niệm Natura trong triết học và thần học

Mở đầu, Linh mục Phan Tấn Thành giải thích những ý nghĩa của natura hiểu theo nghĩa thông thường (ít là có đến bảy nghĩa), cách riêng khi đối chiếu với những từ phản nghĩa. Kế đó, tác giả rảo qua một vòng lịch sử về việc sử dụng từ natura (tương đương với physis trong tiếng Hy-lạp) trong triết học và thần học (Kinh thánh, tín lý, luân lý).

2/ Luật tự nhiên Lex naturalis trong thần học luân lý

Giáo sư Enrico Valsecchi trình bày lịch sử của khái niệm “Luật tự nhiên”, khởi đi từ các triết gia Hy-lạp. Kitô giáo lấy lại khái niệm này và áp dụng đặc biệt trong phạm vi thần học luân lý. Cần nhấn mạnh rằng có những quan niệm khác nhau về luật tự nhiên ngay giữa các tác giả công giáo, đặc biệt là giữa thánh Tôma Aquinô và William Ockham. Sự khác biệt này càng sâu đậm hơn nữa vào thời cận đại, khi người ta muốn tách rời luật tự nhiên khỏi Thiên Chúa, và dựa trên bản tính con người. Trong bối cảnh này mà nảy ra những “quyền lợi tự nhiên” để bảo vệ các công dân khỏi các chính thể độc tài. Dù sao, đừng quên rằng một lý do dẫn đến những quan điểm khác nhau về luật tự nhiên là vì mỗi người mang trong đầu những ý tưởng khác nhau về “luật” và về “tự nhiên”.

3/ Luật vật lý

Thời xưa danh từ physis trong tiếng Hy-lạp cũng đồng nghĩa với natura trong tiếng La-tinh, và trở thành đối tượng nghiên cứu của các triết gia. Nhưng với sự ra đời của phương pháp thực nghiệm vào thời cận đại, physica trở thành “khoa học tự nhiên”, tách khỏi triết học, trong đó nổi bật nhất là vật-lý-học. Từ đó, các “định luật vật lý” của khoa học tự nhiên có một ý nghĩa đặc thù, khác hẳn “luật tự nhiên” trong luân lý học. Dù sao, tu sĩ Trần Văn Thành cho thấy khái niệm “luật vật lý” trong thế kỷ XIX-XX không còn giống như quan niệm của Newton hồi thế kỷ XVII nữa.

4/ Cuốn sách Thiên nhiên

Gần đây, nhiều văn kiện Tòa thánh dùng ẩn dụ “Cuốn sách Thiên nhiên” (Book of Nature) như công cụ đối thoại giữa khoa học và thần học. Giáo sư Giuseppe Tanzella-Nitti tìm hiểu lịch sử của thuật ngữ này, đặc biệt là khi được dùng để đối chiếu với “Sách Kinh thánh” trong văn chương Kitô giáo: có thời Sách Kinh thánh được đặt ở vị trí cao hơn, nhưng có thời Sách Thiên nhiên được coi như tự lập. Hơn nữa, đang khi vào thời Trung cổ, thánh Bonaventura còn nói đến sự cần thiết của Sách Thập giá để giúp đọc ra Sách Thiên nhiên, thì vào thời Cận đại, có chủ trương rằng chỉ Sách Thiên nhiên mới giúp ta hiểu mặc khải của Thiên Chúa, với điều kiện là đọc được các ký tự toán học của nó.

5/ Thông điệp Laudato si’: bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ con người

Trong một bài thuyết trình tại Taizé ngày 23/9/2017, Hồng y Peter K. A. Turkson nêu bật sự liên tục và mới mẻ của thông điệp Laudato Si’ trong toàn bộ Giáo huấn xã hội của Hội thánh, đặc biệt là lối tiếp cận vấn đề môi sinh cách toàn diện: việc bảo vệ môi trường cần được gắn liền với việc bảo vệ phẩm giá con người, nhất là những người nghèo (khác với nhiều trường phái bảo vệ môi sinh, tách rời con người ra khỏi thiên nhiên).

Liên quan đến chủ đề “Tự nhiên”, độc giả có thể tham chiếu các bài đã đăng trên Thời sự thần học.

– Số 55, tháng 1/2012: Nguyễn Hữu Nghị, Tương quan giữa tự nhiên và ân sủng trong tư tưởng Tôn sư Tô-ma (trang 61-80). Luật tự nhiên và đối thoại văn hóa (trang 81-109). Giới thiệu văn kiện của Ủy ban Thần học quốc tế “Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới về luật tự nhiên” (tháng 12 năm 2008).

– Số 69, tháng 8/2015: Juan Antonio Rieg Pla, Không có môi sinh luận nếu không có nhân luận tương xứng (trang 173-190); Giampaolo Crepaldi, Vấn đề môi trường trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội (trang 191-201).

Trung tâm Học vấn Đa Minh 

  • “NATURA” TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC VÀ THẦN HỌC _ Phan Tấn Thành_
  • LUẬT TỰ NHIÊN – THẦN HỌC LUÂN LÝ _Enrico Chiavacci_
  • CÁC “LUẬT” VẬT LÝ _Micae Trần Văn Thành_
  • CUỐN SÁCH THIÊN NHIÊN: Lịch sử của một ẩn dụ nằm giữa khoa học và thần học _Giuseppe Tanzella-Nitti_
  • SỰ ĐÓNG GÓP CỦA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’ _ Peter Kodwo Appiah Turkson_

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here