Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển II: Dân Thiên Chúa – Cơ Cấu Phẩm Trật Giáo Hội

0
2152


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN II:

DÂN THIÊN CHÚA

—***—

 

PHẦN II

CƠ CẤU PHẨM TRẬT GIÁO HỘI

***

 

MỤC I
QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA GIÁO HỘI


Một vài nhận định

– Các điều từ 330 đến 367 của Thiên I này có tình chất giáo lý rõ ràng, nhưng cũng bao gồm nhiều áp dụng có tính pháp lý.

– Bộ luật 1917 chỉ nói về Đức Giáo hoàng và công đồng chung trong thiên dành cho các giáo sĩ. Trái lại, hệ thống Giáo luật 1983 dựa vào giáo lý và môn Giáo hội học của Vaticanô II đã tỏ ra thống nhất và chặt chẽ hơn.

– Dựa theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II (Hiến chế về Giáo hội, số 22), bộ Giáo luật nói đến hai chủ thể của quyền tối thượng trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng và giám mục đoàn. Tuy vẫn là một tập thể duy nhất (đ 330). Điều 330 nói lên tính duy nhất của quyền tối thượng.

I. ĐỨC GIÁO HOÀNG RÔMA

1. Đức Giáo hoàng 

– Là giám mục Rôma (đặt trên tất cả các danh hiệu khác).

– Là người kế vị thánh Phêrô.

– Là người đứng đầu giám mục đoàn.

– Là đại diện Chúa Kitô.

– Là chủ chăn Giáo hội toàn cầu.

Ngoài ra, Giáo hoàng Rôma còn có các danh hiệu khác:

– Thượng phụ giáo chủ Tây phương.

– Đệ nhất giáo chủ của nước Ý.

– Trưởng giáo khu Rôma.

– Đế vương của thành đô Vatican.

Từ thế kỷ XIII, các Giáo hoàng đã sử dụng danh hiệu do thánh Grêgôriô cả đã sử dụng trong lá thư thời danh gửi cho Rusticiana : “Đầy tớ của các đầy tớ”, để nói lên tính phục vụ của chức vụ ngài.

2. Quyền hành

Đức Giáo hoàng có:

– Quyền thông thường hay thường quyền : do chức vụ.

– Quyền tối cao : quyền cao nhất trong Giáo hội, không thể có quyền nào cao hơn.

– Quyền trọn vẹn : quyền toàn diện, gồm mọi quyền, tức là bao gồm hết mọi khả năng cần thiết, không cần ai bổ sung.

– Quyền trực tiếp : lãnh nhận trực tiếp từ Thiên Chúa, không cần các giám mục hay uy quyền trung gian nào để ngài thi hành quyền với bất cứ ai.

– Quyền phổ quát : tự do hành sử, cả trong nội bộ Giáo hội lẫn….những liên quan với quyền hành dân sự (đ 331).

Nhưng điều 331 §1 còn khẳng định : Giáo hoàng có quyền trên Giáo hội phổ quát và thường quyền trên tất cả các Giáo hội địa phương. Đây là một điều vô cùng quan trọng, ngấn mạnh về vai trò của Giáo hoàng đối với các giáo hội địa phương. Uy quyền này đuợc bày tỏ bằng sự chính Đức Giáo hoàng thành lập giáo phận, bổ nhiệm giám mục, chấp nhận từ chối hoặc từ nhiệm của giám mục giáo phận. Vì thế, không ai có thể kháng cáo cũng như không được thượng cầu chống lại phán quyết hay sắc lệnh của Giáo hoàng (đ 333 §3).

3. Bầu cử

Trong những thế kỷ đầu, việc tuyển chọn giám mục Rôma cũng theo thể thức như việc tuyển chọn giám mục nơi khác, do toàn thể dân chúng bầu lên. Nhưng từ công đồng Nicêa năm 325, chỉ các giáo sĩ mới có quyền bầu giám mục, và các giáo dân dược triệu tập đến để chấp nhận việc tuyển chọn qua việc hoan nghênh tân giám mục. Nếu người được chọn chưa lãnh chức giám mục, thì sẽ được giám mục Ostia truyền chức cho. Tập tục này vẫn còn được duy trì, như ở điều 355§1 : nếu người đắc cử chưa lãnh chức giám mục thì sẽ được tấn phong do niên trưởng hồng y đoàn, gắn liền với tước hiệu giám mục Ostia.

Từ khi chức vụ giám mục Rôma bao gồm cả quyền bính tôn giáo lẫn thế sự, nhiều người muốn nhúng tay vào việc bầu cử để đặt người thuộc phe phái mình hay có thể trục lợi. Vì vậy, Giáo luật đặt ra những luật lệ nhằm bảo đảm sự độc lập của Giáo hội, cũng như tư cách của người bầu lẫn người được bầu.

Vào năm 1060, Đức Nicôla II giới hạn quyền bầu cử cho các hồng y mà thôi.

Còn thủ tục bầu cử bằng mật viện (conclavis) thì không phải do các Giáo hoàng đặt ra mà là do chính dân chúng Viterbo. Số là từ khi Đức Clêmentê IV băng hà (29-11-1268), các hồng y mất 18 tháng mà chưa bầu được nguời kế vị. Dân Viterbo bèn nhốt tất cả các hồng y vào một lâu đài, và chỉ cho các vị ăn bánh và uống nước lã cho đến khi cuộc bầu cử có kết quả. Nhờ sáng kiến đó mà Đức Grêgôriô X (1-12-1271) được bầu lên và quyết định duy trì tập tục đó cho đến nay.

Vào thế kỷ này, hầu như mỗi Đức Giáo hoàng lên ngôi đều ban hành một luật mới về việc bầu cử, rút kinh nghiệm từ lần chót. Luật hiện hành do Đức Phaolô VI ban hành với Tông hiến “Romani Pontificis Eligendo” ngày 1-10-1975, những điểm đáng chú ý hơn cả có thể tóm lại như sau :

– Chỉ các hồng y dưới 80 tuổi mới có quyền bầu cử.

– Để được đắc cử, cần phải hội đủ 2/3 tổng số phiếu hợp lệ.

– Nếu người đắc cử chưa lãnh chức giám mục, thì phải được tấn phong ngay. Người đắc cử nắm giữ quyền bính tối cao của Giáo hội khi đã được thụ phong giám mục và ưng nhận sự bầu cử. Đây là điều cải tổ thần học khá quan trọng sau công đồng Vaticanô II. Trước đây, nếu người đắc cử (dù chỉ là giáo dân hay linh mục) ưng nhận sự bầu cử, thì lập tức sẽ nắm giữ quyền tài phán tối cao trên toàn Giáo hội. Quan điểm của luật hiện hành gắn quyền tài phán với quyền thánh chức, nên buộc người đắc cử phải lãnh chức giám mục rồi mới có thể nắm giữ quyền cai quản Giáo hội được (đ 332 §1).

Giáo hoàng được bầu cử hợp pháp cùng với việc tấn phong giám mục. Bởi vậy, nếu vị đắc cử là giám mục thì có quyền Giáo hoàng ngay khi ngài chấp nhận. Nếu chưa có chức giám mục, thì sẽ tức thời tấn phong (đ 332 §1).

Vì thế, các hồng y chỉ thực hiện việc phục tùng và chỉ thông báo danh tánh vị đắc cử cho dân sau lễ tấn phong giám mục này.

Lý do : Giáo hoàng là đầu của giám mục đoàn, nên phải có chức giám mục.
 
4. Điều hành

Đức Giáo hoàng có các giám mục trợ giúp, có thể cộng tác với ngài bằng nhiều cách, trong đó có thượng hội đồng giám mục. Còn có các hồng y và những người khác cũng như những tổ chức khác trợ giúp ngài (đ 334).

Điều 334 này sửa đổi rất ý nghĩa của trật tự cổ truyền: nêu cao sự cộng tác của các giám mục, nhất là thượng hội đồng giám mục, sau đó mới nhắc tới các hồng y và vai trò các bộ trong giáo triều.

Chính vì thế, Giáo hoàng luôn hiệp thông với các giám mục khác cũng như với toàn thể Giáo hội (đ 333 §2).

Đây là một nét phong phú của khoa thần học Vaticanô II : rất coi trọng khía cạnh gần như thuần túy pháp lý : Giáo hội là hiệp thông.

5. Từ nhiệm

Nếu Giáo hoàng từ nhiệm, để thành sự, phải tự do và biểu lộ đúng cách, tức là hợp thức, không cần ai chấp nhận (đ 332 §2).

Trong lịch sử Giáo hội, cho đến nay có nhiều trường hợp từ nhiệm dù bị ép buộc hay bất kỳ lý do nào khác: ĐGH Pontian hay Pontianus (230-236); ĐGH Marcellinus (296-304); ĐGH Silverius (536-537); ĐGH Gioan XVIII (1003-1009); ĐGH Bênêđictô IX (1012-1056); ĐGH Clestino V (29.8 – 13.12.1294 [5 tháng]); ĐGH Gregory XII (1406-1415); ĐGH Benedicto XVI (2005 – 2013).

6. Tòa thánh trống ngôi

Khi Tòa thánh trống ngôi hay bị cản trở (chết, bị tù, mất trí, lạc đạo), thì không được thay đổi gì trong việc lãnh đạo Giáo hội phổ quát, nhưng phải giữ luật đặc biệt được ban hành cho những trường hợp ấy (đ 335).
Tông hiến “Romani Pontificis Eligendo” ban hành ngày 1-10-1975 do Đức Giáo hoàng Phaolô VI có dự trù trường hợp Tòa thánh trống ngôi.
 

II. GIÁM MỤC ĐOÀN

1. Thành phần

Giám mục đoàn gồm có : người đứng đầu là Đức Giáo hoàng và các thành viên là các giám mục, tiếp tục vai trò của tông đồ đoàn và là chủ thể của quyền hành tối cao và trọn vẹn trên Giáo hội (đ 336).

2. Thực thi quyền hành

Quyền hành của giám mục đoàn được biều lộ rõ nét nhất trong công đồng chung (đ 337 §1). Nhưng cũng được thực thi bởi các giám mục tản mác khắp hoàn cầu bằng một hành động hiệp nhất do Đức Giáo hoàng yêu cầu (đ 337 §2) và các trường hợp khác tùy Đức Giáo hoàng đề xướng (đ 337 §3).

Thí dụ : việc tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do các giám mục tự động yêu cầu, rồi các giám mục trả lời câu hỏi của Đức Giáo hoàng.
                       
III. CÔNG ĐỒNG CHUNG

1. Phân biệt danh từ

– Concilium : công đồng, công nghị.

– Synodus : công hội, công nghị, thượng hội đồng.

* Concilium oecumenicum : công đồng chung.

* Synodus episcoporum : thượng hội đồng giám mục

* Concilium plenarium : công đồng toàn quốc.

* Concilium provinciale : công đồng giáo tỉnh.

* Synodus diocesana : công đồng hay công nghị giáo phận.

Sự khác biệt giữa concilium và synodus hệ tại : concilium có quyền biểu quyết, còn synodus chỉ có tính cách tư vấn.

2. Lịch sử

– Sự kiện các giám mục hội lại với nhau để bàn định các vấn đề quan trọng trong Giáo hội bắt nguồn từ các tông đồ (xc, Công vụ Tông đồ  6 và15), quen gọi là công đồng Giêrusalem.

– Từ thế kỷ II, sử gia Eusêbiô Cesariô, ghi những cuộc hội nghị các giám mục để đối phó với lạc giáo Montanô, hoặc để ấn định ngày mừng lễ Phục Sinh.

– Thế kỷ III, các giám mục thuộc cùng giáo tỉnh đã họp nhau thường lệ hằng năm.

– Thế kỷ IV, sau thời kỳ bắt đạo, có những cuộc gặp gỡ của các giám mục thuộc cả một miền rộng lớn. Chính trong khung cảnh ấy mà công đồng chung đầu tiên đã được triệu tập ở Nicêa ngày 20-4-325. từ đó đến nay, Giáo hội có 21 công đồng chung.

Giáo hội Chính Thống chỉ nhìn nhận 7 công đồng đầu tiên là có tính cách hoàn vũ, còn các công đồng khác chỉ là công đồng của giám mục.

3. Quyền của Đức Giáo hoàng

–  Chỉ một mình Đức Giáo hoàng triệu tập.

–  Đích thân hay nhờ những người khác chủ tọa.

–  Chỉ ngài có quyền rời chỗ, đình hoãn (tạm ngưng) hay giải tán công đồng.

–  Chuẩn nhận các sắc lệnh của công đồng.

–  Chính ngài có quyền ấn định các vấn đề bàn luận trong công đồng. Các nghị phụ có thể thêm những vấn đề khác (đ 338 §1,2).

Khi Tòa thánh trống ngôi, công đồng đương nhiên bị ngưng cho tới khi tân Giáo hoàng ra lệnh tiếp tục hoặc chấm dứt (đ 340).

Thí dụ : Công đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII băng hà, Đức Phaolô VI tuyên bố tiếp tục.

4. Thành phần tham dự công đồng chung

–  Những thành phần chính :

Tất cả các giám mục, dù giám mục giáo phận hay hiệu tòa đều có quyền lợi và nghĩa vụ tham dự với những quyền biểu quyết (đ 339 §1).

–  Những thành phần có thể được mời tham dự :

Những người không có chức giám mục như các viện phụ và giám vụ đối địa, các bề trên tổng quyền dòng tu.

Ngoài ra, các thành phần khác của dân chúng cũng có thể được mời tham dự như chuyên viên, dự thính viên, quan sát viên. Đức Giáo hoàng có thể mời những thành phần trên (đ 339 §2).

5. Các văn kiện

Các văn kiện của công đồng chỉ có hiệu lực bắt buộc khi đã được Đức Giáo hoàng và các nghị phụ chuẩn nhận, được chính Đức Giáo hoàng chuẩn y và truyền công bố (đ 341 §1).

Các văn kiện khác mà cộng đoàn giám mục ban hành dưới một hình thức khác, không phải trong công đồng chung, cũng phải được Đức Giáo hoàng chuẩn y và công bố như vậy (đ 341 §2).

Công thức của điều 341 trên do Đức Phaolô VI thực hành. Công thức này phản ánh khoa Giáo hội học của ngài : “Đức Giáo hoàng hiệp nhất với các nghị phụ”.
 
IV. THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

1. Lịch sử

Lịch sử của định chế này còn mới mẻ. Sau khi bàn thảo về tính cách tập đoàn của giám mục, một số nghị phụ công đồng Vaticanô II đề nghị thành lập một định chế thường trực để tập đoàn ấy có cơ hội phát biểu. Đành rằng đã có công đồng chung, nhưng trên thực tế việc triệu tập công đồng không đơn giản, có khi đôi ba thế kỷ mới diễn ra một lần, vì vậy phải nghĩ tới một định chế khác để hàng giám mục thế giới có cơ hội tham gia thường xuyên hơn vào điều hành Giáo hội. Đang khi các nghị phụ còn bàn thảo như vậy, thì chính Đức Phaolô VI loan báo sự thành lập thượng hội đồng giám mục, vào buổi khai mạc kỳ IV của công đồng (15-9-1946) với tự sắc “Apostolica Sollicitudo”. Các quy định của Tự sắc ấy được bộ Giáo luật lấy lại hầu như y nguyên. Bản chất của nó được mô tả ở điều 342.

Nên nhớù: thượng hội đồng giám mục không phải là một “tiểu công đồng” tuy bao gồm các đại biểu của các giám mục thế giới. Thượng hội đồng chỉ là cơ quan tư vấn của Đức Giáo hoàng, góp ý kiến về những vấn đề mà ngài nêu ra, nhưng không có quyền biểu quyết (đ 343). Như vậy, thượng hội đồng giám mục được sinh ra trong công đồng Vaticanô II sau những tranh luận rất gay go tại hội trường. Đức Phaolô VI đích thân thành lập ngày 15-9-1965 với Tự sắc “Apostolica Sollicitudo”. Đây là một trong những cơ quan quan trọng nhất của thời kỳ sau công đồng Vaticanô II, nay có chỗ đứng trong bộ Giáo luật.

Quy chế của thượng hội đồng được công bố ngày 8-12-1966 rồi được duyệt lại và bổ sung sửa đổi nữa và công bố ngày 27-9-1974. Tới nay đã có 20 thượng hội đồng : 10 thường lệ vào các năm 1967-1971-1974-1977-1980-1983-1987-1990-1994-2001; hai ngoại lệ vào các năm 1969-1985; và 8 khóa đặc biệt : 1980-1991-1994-1994-1997-1998-1998-1999. Hạn kỳ hồi đầu là họp 2 năm 1 lần : 3 khóa đầu. Từ khóa IV, hạn kỳ ấn định là 3 năm.
Tầm quan trọng của cơ quan này đuợc nói lên do chỗ đứng dành cho nó trong Giáo luật, nghĩa là sau Đức Giáo hoàng và giám mục đoàn, và trước các hồng y.

Xét như cơ quan cố vấn cho Đức Giáo hoàng, thượng hội đồng chiếm vị trí số một, và đó là phản ánh rõ ràng của giáo lý về tính tập đoàn.

2. Định nghĩa

Thượng hội đồng là cuộc hội các giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, theo định kỳ họp nhau nhằm cổ võ sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Giáo hoàng và các giám mục :

1). Để góp ý giúp Đức Giáo hoàng trong việc duy trì và làm tiến bộ đức tin và phong hóa.

2). Để giữ gìn và củng cố kỷ luật Giáo hội.

3). Cũng như để nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hành động của Giáo hội trên thế giới (đ 342).

Mục đích của thượng hội đồng đã rõ ràng. Nhưng là một cơ quan tư vấn, chứ không phải là cơ quan chính thức để biểu lộ tính tập đoàn trong Giáo hội. Thượng hội đồng giúp Đức Giáo hoàng bằng các lời bàn bạc và đã được thành lập theo ý đó.

3. Vai trò

“Là thảo luận thấu đáo về những vấn đề được đề ra, cũng như đưa ra ý kiến và sau đó đưa lại tất cả cho Đức Giáo hoàng để tùy ngài sử dụng. Ngoại trừ trường hợp nhất định nào đó được Đức Giáo hoàng ban hành quyền quyết định và được Đức Giáo hoàng phê chuẩn” (đ 343).

Như vậy, thượng hội đồng không có quyền ban bố những sắc lệnh, chỉ có vai trò cố vấn.

Một số thông điệp, tông thư, tông huấn của Đức Giáo hoàng những năm gần đây có nguồn gốc tài liệu nơi thượng hội đồng. Thí dụ : Tông huấn “Hội thánh tại Á châu” là thành quả của thượng hội đồng giám mục Á châu đầu tiên tại Rôma từ ngày 8-4 đến 14-5-1988.

4. Tổ chức

Thượng hội đồng giám mục trực tiếp thuộc quyền Đức Giáo hoàng. Ngài có quyền : 

1). Triệu tập khi thấy thuận tiện và chỉ định nơi họp.

2). Phê chuẩn việc bầu cử các thành viên được lựa chọn theo luật riêng, chỉ định và bổ nhiệm các thành viên khác.

3). Ấn định các vấn đề cần bàn luận.

4). Nêu rõ chương trình làm việc.

5). Đích thân hay nhờ người khác chủ tọa.

6). Bế mạc, rời chỗ, đình hoãn và giải tán (đ 344).

5. Phân loại và thành phần tham dự

Các khóa họp của thượng hội đồng có thể là khoáng đại hoặc đặc biệt. Các khóa họp khoáng đại có thể là thường lệ hoặc ngoại lệ (đ 345). Nhưng không thấy khác nhau ở chỗ nào.

a. Khóa họp khoáng đại thường lệ :

– Có mục đích bàn về các vấn đề trực tiếp liên quan đến lợi ích của toàn thể Giáo hội.

– Các thành viên đa số được bầu lên bởi các hội đồng giám mục.

– Có những thành viên được chỉ định bởi chính Giáo luật.

– Một số được Đức Giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm.

– Thêm vào đó là mấy thành viên của các tu hội giáo sĩ (đ 346 §1).

b. Khóa họp khoáng đại ngoại lệ :

– Được tập họp khi phải bàn đến những vấn đề đòi hỏi một quyết định mau chóng.

– Các thành viên đa số là những giám mục được luật riệng của thượng hội đồng chỉ định chiếu theo nhiệm vụ của các vị đó.

– Một số khác được Đức Giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm.

– Cũng có mấy thành viên giáo sĩ dòng.

c. Khóa họp đặc biệt :

– Có mục đích bàn về những liên quan trực tiếp tới một hoặc nhiều miền nhất định.

– Các thành viên sẽ được lựa chọn, nhất là trong những miền liên hệ (đ 346 §3).

6. Chấm dứt thượng hội đồng

– Khi Đức Giáo hoàng bế mạc thượng hội đồng, thì chấm dứt nhiệm vụ đã được trao cho các gám mục và các thành viên khác (đ 347 §1).

– Sau khi thượng hội đồng đã được triệu tập hoặc trong lúc hội nghị mà Tòa thánh khuyết vị, thì đương nhiên thượng hội đồng bị đình chỉ và cũng bị đình chỉ nhiệm vụ đã được trao cho các thành viên cho đến khi Đức Giáo hoàng mới quyết định tiếp tục hay giải tán (đ 347 §2).
 
7. Văn phòng

– Thượng hội đồng có một văn phòng tổng thư ký thường trực, điều khiển bởi một vị tổng thư ký do Đức Giáo hoàng bổ nhiệm. Vị này có trong tay một ban bí thư, gồm những giám mục được bầu lên do chính thượng hội đồng, hoặc được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm. Các vị này giữ nhiệm vụ cho tới khi bắt đầu có khóa họp khoáng đại mới (đ 348 §1).

Đàng khác, sẽ có một hay nhiều bí thư chuyên môn được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm cho mỗi khóa thượng hội đồng. Các vị này chỉ giữ nhiệm vụ trong thời gian có khóa họp (đ 348 §2).

– Văn phòng có trụ sở nơi tòa nhà của các bộ Rôma.

– Văn phòng này chuẩn bị các hội nghị khác nhau, và trông coi việc thực thi những quyết định của các hội nghị đã được cử hành.

– Vị tổng thư ký được trợ lực bởi một hội đồng gồm 12 vị, được bầu lên vào mỗi khóa họp do các nghị phụ của thượng hội đồng.

– Thêm vào đó có 3 thành viên được Đức Giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm.

– Sứ mạng của hội đồng thư ký chấm dứt khi bắt đầu một khóa khoáng đại khác.
 
V. CÁC HỒNG Y HỘI THÁNH RÔMA

Đây là một đề tài khá thú vị.

Trong công đồng Vaticanô II, không đề cập gì đến các hồng y, dù các ngài có tầm quan trọng trong Giáo hội. Ngay cả quan niệm về hồng y cũng không bao giờ trở thành một đề tài nghiên cứu.

1. Lịch sử

Lúc đầu chỉ có một số giáo sĩ xuất sắc của giáo phận Rôma được ban cho tước hiệu hồng y. Vai trò của họ trở nên quan trọng từ khi việc bầu Đức Giáo hoàng được dành riêng cho họ, và Đức Giáo hoàng sử dụng họ vào các cơ quan hành chánh. Vì thế, tư thế của họ được ví như những quan đại thần trong các triều vua.

Từ thế kỷ XI, một số giám mục, viện phụ ngoài Rôma cũng được ban tước hiệu này.

Từ thế kỷ XII, các hồng y dù chưa có chức giám mục cũng chiếm chỗ ngồi gần Đức Giáo hoàng trên cả các tổng giám mục và giám mục. Mãi đến khi sắp khai mạc công đồng Vaticanô II, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mới sửa chữa sự chéo cẳng ấy, bằng quyết định từ nay tất cả các hồng y đều phải lãnh chức giám mục.

Công đồng Trentô (1545-1563) khóa XXIV ước muốn các hồng y được chọn từ khằp các nước trên thế giới. Việc quốc tế hóa hồng y đoàn tiến hành rất chậm chạp, và chỉ thực sự diễn ra dưới thời Đức Phaolô VI.

2. Bản chất và vai trò

Các hồng y làm thành một cộng đoàn riêng, có thẩm quyền lo liệu việc bầu cử Đức Giáo hoàng, và giúp Đức Giáo hoàng trong việc chăm lo hằng ngày cho Giáo hội toàn cầu (đ 349).

Bộ luật mới đặt cho các hồng y hai nhiệm vụ :

1). Bầu Đức Giáo hoàng.

2). Giúp Đức Giáo hoàng trong nhiệm vụ chủ chăn hoàn cầu hoặc cách tập thể, hoặc cách riêng khi Đức Giáo hoàng tập họp trong cơ mật viện, hoặc cách cá nhân trong các nhiệm vụ được trao phó như đứng đầu hay chủ tịch các cơ quan của giáo triều.
 
3. Cấp bậc hồng y

Cộng đoàn hồng y được chia làm 3 cấp :

a. Cấp giám mục : gồm các hồng y được Đức Giáo hoàng trao cho tước hiệu của một trong những giáo hội ở ven đô thành Rôma, nhưng không trao nhiệm vụ chủ chăn. Các Thượng phụ giáo chủ Đông phương cũng thuộc cấp hồng y này (đ 350 §1,3).

b. Cấp linh mục : đây là các hồng y gồm các giám mục đứng đầu một giáo phận.

c. Cấp phó tế : đây là các hồng y không phải là giám mục giáo phận (đ 350 §2).

Đức Phaolô VI ấn định : số hồng y bầu Giáo hoàng tối đa là 120 và phải dưới 80 tuổi.

4. Chọn làm hồng y

Đức Giáo hoàng tự ý lựa chọn những người nào lên hồng y, ít nhất đã có chức linh mục, ưu tú về học thức và tác phong, đạo đức, khôn ngoan. Vị nào chưa là giám mục thì phải được phong giám mục (đ 351 §1). Hồng y được tấn phong do một sắc lệnh của Đức Giáo hoàng được công bố trước hồng y đoàn (đ 351 §2). Có thể danh tánh được Đức Giáo hoàng giữ kín (đ 351 §3).

5. Hồng y trưởng

Hồng y trưởng đứng đầu hồng y đoàn. Nếu ngăn trở thì hồng y phó thay thế. Hồng y trưởng không có quyền gì đối với hồng y khác, chỉ là “vị nhất trong các người bằng nhau” (đ 352 §1).

Khi chức vị này trống ngôi, thì không tự động được thay thế bởi vị hồng y niên truởng như trước kia, nhưng phải được bầu bởi các hồng y có tước hiệu một giáo hội ở ven đô, rồi đệ trình lên Đức Giáo hoàng phê chuẩn (đ 352 §2). Hồng y trưởng và phó phải có gia cư tại Rôma (đ 352 §4).

6. Hội họp

Đức Giáo hoàng triệu tập, chủ tọa các cuộc họp hồng y gọi là cơ mật hội. Có cơ mật hội thường lệ hay ngoại lệ (đ 353 §1).

– Thường lệ, phải có ít là những vị đang ở Rôma được triệu tập (đ 353 §2).

– Ngoại lệ : triệu tập tất cả các hồng y khi có nhu cầu đặc biệt của Giáo hội hay khi có việc nghiêm trọng hơn phải bàn (đ 353 §3).

7. Hồng y từ chức

Các hồng y đứng đầu các bộ và các cơ quan thường trực của giáo triều và của nước Vtican đã tròn 75 tuổi, được yêu cầu đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng để ngài định liệu sau khi cân nhắc mọi sự (đ 354).

Trước kia, được giữ chúc tới mãn đời.

8. Quyền phong chức giám mục cho Giáo hoàng mới

Hồng y trưởng, và khi khuyết ngài, thì hồng y phó, nếu cả hai ngăn trở, thì hồng y thâm niên nhất có quyền phong chức giám mục cho Giáo hoàng mới được bầu mà chưa có chức giám mục (đ 355 §1).

9. Quyền hồng y phó tế thứ nhất

Hồng y phó tế thứ nhất được đặc ân loan báo cho dân chúng danh tánh vị tân Giáo hoàng vừa đắc cử. Và chính ngài thay mặt Giáo hoàng trao “biểu chương” cho các tổng giám mục hay gởi qua các vị đại diện các ngài (đ 355 §2).

10. Quyền lợi và bổn phận

a. Cư trú tại Rôma

Các hồng y thi hành chức vụ tại giáo triều Rôma và không phải là giám mục giáo phận, buộc phải cư trú tại Rôma. Những vị đứng đầu một giáo phận, thì phải tới Rôma khi được Đức Giáo hoàng triệu thỉnh (đ 356).

b. Được miễn trừ

Các hồng y được trao cho một tước hiệu của một giáo phận ngoại thành Rôma hay một nhà thờ nội thành Rôma, phải cổ võ lợi ích của những nơi ấy bằng lời cố vấn và bảo trợ, nhưng không được xen vào nội bộ những nơi ấy (đ 357 §1).

Các hồng y ở ngoài Rôma và ngoài giáo phận riêng của mình, sẽ được miễn trừ về bản thân, không phải phục quyền lãnh đạo của giám mục giáo phận nơi mình cư trú (đ 357 §2).

c. Thay thế hay đại diện Đức Giáo hoàng

Hồng y nào được Đức Giáo hoàng trao cho mợt chức vụ để thay thế ngài trong một cử hành long trọng hay một cuộc hội họp thì chỉ có quyền trong những gì Đức Giáo hoàng trao cho (đ 358).

d. Toà thánh trống ngôi

Khi Tòa thánh trống ngôi, thì trong Giáo hội, hồng y đoàn chỉ có những quyền mà luật riêng ban cho các ngài (đ 359).

Luật riêng ấn định quyền hành của hồng y đoàn được ghi rõ trong Tông hiến “Romani Pontificis Eligendo” của Đức Giáo hoàng PhaoLô VI. Luật riêng này cũng dự trù rằng các hồng y đã tới tuổi 80 sẽ mất quyền vào phòng kín để bầu Giáo hoàng tương lai.

VI. GIÁO TRIỀU RÔMA

1. Danh xưng và lịch sử

Trong La ngữ, được gọi Curia Romana, tiếng này xuất hiện vào khoảng thế kỷ XI. Là cơ quan hành chánh trung ương của Giáo hội. Hình thức hiện hành của Curia Romana chỉ mới có từ thế kỷ XVI.

Các bộ của giáo triều Rôma lúc đầu chỉ là ủy ban của các hồng y được Đức Giáo hoàng ủy thác hội nhau lại nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề nào đó. Về sau, các ủy ban ấy mang tính chất thường trực.

Giáo triều Rôma là công cụ phục vụ Giáo hội hoàn vũ, công cụ hợp tác giữa trung ương và các địa phương, sự biểu hiện của tính chất duy nhất và đa diện của Giáo hội.

Bộ Giáo luật mới đề cập rất ít đến giáo triều Rôma. Thực tế chỉ dành cho cơ quan này một điều luật duy nhất : điều 360, vừa đủ để người ta thấy có giáo triều Rôma này. Theo ý kiến chung của các nhà giải thích luật ngày nay : đây là một thiếu sót, vì đây là một trong những cơ quan cao cấp nhất và rất quan trọng của Giáo hội : Đức Giáo hoàng thông qua cơ quan này mà thực thi phấn lớn công việc chủ chăn hoàn vũ của ngài. Tổ chức này chu toàn nhiệm vụ của mình nhân danh và dưới quyền Đức Giáo hoàng cho lợi ích và phục vụ Giáo hội, gồm phủ Quốc vụ khanh, tức văn phòng của Đức Giáo hoàng, các bộ, các tòa án và các cơ quan khác, cơ cấu và thẩm quyền các bộ và cơ quan này được ấn định bởi luật riêng (đ 360).
 
VII. CÁC ĐẠI SỨ CỦA GIÁO HOÀNG RÔMA

Chương V là một thay đổi sâu xa đối với bộ luật cũ. Tại sao? Vì có những khuyến dụ của công đồng Vaticanô II, là yêu cầu vấn đề này phải được đề cập rõ ràng hơn.

Sắc lệnh “Christus Dominus” về nhiệm vụ chủ chăn của các giám mục đã đưa ra nguyện vọng nơi số 9 : “Xét vì nhiệm vụ chủ chăn đặc biệt của các giám mục, ước gì chức năng của các đại sứ Tòa thánh phải được xác định một cách minh bạch hơn”.

Bộ luật mói đã thể hiện ước vọng này, trong khi bộ luật cũ đã quá ưu tiên cho sứ mạng ngoại giao của các đại sứ đó.

1. Định nghĩa

Các đại sứ là những người được Đức Giáo hoàng phái đi thi hành một công tác nào đó, nhất thời hoặc thường trực.

2. Bổ nhiệm và chức vụ của đại sứ

Đức Giáo hoàng có quyền bổ nhiệm, thuyên chuyển và triệu hồi các đại sứ (đ 362).

Các đại sứ có nhiệm vụ : thay mặt Đức Giáo hoàng cách cố định bên cạnh các giáo hội địa phương hoặc bên cạnh chính quyền các quốc gia (đ 363 §1).

Cũng kể là đại sứ Tòa thánh những vị được gửi đi cho một sứ mạng của Đức Giáo hoàng (đ 363 §2).

a. Tại các giáo hội địa phương 

Chức vụ chính là thắt chặt dây hợp nhất giữa Tòa thánh và các giáo hội địa phương, các ngài:

1). Báo cáo cho Tòa thánh biết tình hình các giáo hội ấy, (chức năng thông tin).

2). Giúp đỡ giám mục địa phương (cố vấn).

3). Liên lạc thường xuyên với hội đồng giám mục (hiệp thông).

4). Lo việc tiến cử các giám mục (bổ nhiệm giám mục).

5). Cổ võ hòa bình, hợp tác giữa các dân tộc (sáng kiến).

6). Cộng tác với giám mục mở rộng liên lạc với các tôn giáo khác (phong trào đại kết).

7). Cùng giám mục bảo vệ sứ mạng của Tòa thánh và Giáo hội nơi các nhà lãnh đạo quốc gia (bảo vệ Giáo hội).

8). Thi hành quyền Tòa thánh ủy cho (các quyền phép và ủy nhiệm) (đ 346, số 1-8).

b. Tại các quốc gia, các đại sứ có nhiệm vụ :

1). Cổ võ và duy trì quan hệ giữa Tòa thánh và quốc gia.

2). Giải quyết những vấn đề liên quan giữa Giáo hội và nhà nước (đ 365 §1).

Cả trong lãnh vực ngoại giao, đừng quên hỏi giám mục địa phương (đ 365 §2).

3. Cấp bậc của các đại sứ Tòa thánh

a. Các đại sứ có tính cách thường trực :

– “Khâm mạng Tòa thánh” : chỉ có sứ mạng thuần túy tôn giáo, nghĩa là chỉ đại diện Đức Giáo hoàng cạnh các giáo hội địa phương.

– “Sứ thần Tòa thánh” : bao gồm thêm sứ mạng đại diện Đức Giáo hoàng cạnh chính phủ của quốc gia nữa.

b. Các đại sứ Tòa thánh bên cạnh các tổ chức quốc tế, các hội nghị hay phân nhóm:

– Đại biểu

– Quan sát viên.

c. Các đặc sứ có tính cách ngoại thường :

– Đặc sứ

– Kinh lược hay thanh tra

4. Các đặc ân

a. Tòa đại sứ được miễn khỏi quyền lãnh đạo của vị thường quyền sở tại, trừ khi có vấn đề về việc cử hành hôn phối (đ 366 §1). Đây là sự miễn trừ đối địa, giống như chủng viện đối với giáo xứ, khác với hồng y là đối nhân.

b. Sau khi đã báo cho vị thường quyền sở tại, vị đại sứ có thể cử hành các nghi lễ phụng vụ trong mọi nhà thờ (đ 366 §2).

5. Hết chức vụ

– Nhiệm vụ không chấm dứt khi Tòa thánh trống ngôi.

– Nhiệm vụ chấm dứt khi hết thời gian của ủy nhiệm.

– Khi có văn thư Tòa thánh triệu hồi.

– Do vị đại sứ từ nhiệm và được Đức Giáo hoàng chấp thuận (đ 367).
 

****
MỤC II
CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG


I. CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

A. Khái niệm

Giáo hội địa phương không phải là một phần của Giáo hội toàn cầu phát sinh do sự phân chia. Ngược lại, Giáo hội toàn cầu cũng không cấu thành bởi sự cộng thêm các giáo hội địa phương.

Nói cách khác, giáo hội địa phương không xuất phát từ việc chia cắt từ Giáo hội toàn cầu. Ngược lại, Giáo hội toàn cầu cũng không được hình thành do tổng số các giáo hội địa phương. Có một mối liên hệ vững bền giữa hai thực tại này : Giáo hội toàn cầu hiện hữu và được tỏ bày nơi các giáo hội địa phương. Bởi vậy, công đồng Vaticanô II đã nói rằng : các giáo hội địa phương “được cấu tạo theo hình ảnh Giáo hội toàn cầu”. Chính trong và từ các giáo hội địa phương này mà có Giáo hội Công giáo duy nhất và nhất thể (LG. 23).

Đây là cái nhìn rất quan trọng về Giáo hội, vì nó cho thấy các tín hữu phải đi từ giáo phận mà hướng tới sự thuộc về Giáo hội toàn cầu, một Giáo hội duy nhất và nhất thể.

Các giáo hội địa phương là giáo phận và tương đương với giáo phận (đ 368). 

B. Giáo phận

Các giáo hội địa phương trước hết là các giáo phận.

Giáo phận là một phần dân Thiên Chúa được ủy thác cho một giám mục để ngài là chủ chăn với sự giúp đỡ của linh mục đoàn của ngài (đ 369). Được qui tụ trong Chúa Thánh Thần, nhờ Phúc Âm và Thánh Thể, thành một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Định nghĩa trên diễn tả nền thần học của Giáo hội được đặt nền móng trên Chúa Thánh Thần, Phúc Âm, Thánh Thể và tính chất tông đồ. 

C. Các giáo hội địa phương tương đương với giáo phận (có cơ chế đồng hàng với các giáo phận)

1. Giám vụ đối địa hoặc đan viện đối địa

Là một phần dân Thiên Chúa, được giới hạn theo địa hạt và vì những hoàn cảnh đặc biệt đã được trao cho một giám chức hay một viện phụ nhận trách nhiệm cai quản như chủ chăn riêng, giống như  một giám mục giáo phận (đ 370).

* Giải thích :

Xưa kia gọi là giáo hạt hoặc là khu viện phụ, được đặt ngang hàng với các giáo phận, do các đức ông hoặc các viện phụ cai quản với quyền hành y hệt các giám mục giáo phận. Sự hiện hữu các cơ chế này do lịch sử, do thành quả của việc truyền giáo, hoặc do tình hình xã hội và chính trị đặc biệt. Về các đan viện đối địa, Tòa thánh tỏ ý xét lại các đan viện đối địa đã có.

– Giám vụ đối địa :

Lúc đầu, một số kinh sĩ được trao cho việc coi sóc mục vụ một số giáo dân, dần dần các giáo dân ấy được tách ra khỏi quyền của giám mục và trao cho một giám chức, bề trên của nhóm kinh sĩ.

Khuynh hướng của Tòa thánh hiện nay là biến các giám vụ đối địa ấy thành giáo phận.

Thường các giám chức có chức giám mục.

– Đan viện đối địa :

Vào hồi thế kỷ IX và X, một số các đan sĩ thi hành mục vụ cho những tín hữu sống gần các đan viện. Dần dần các tín hữu ấy được thiết lập thành các giáo xứ và đặt dưới quyền của các viện phụ. Khu vực ấy được gọi là Abbatia nullius (hiểu ngầm : nullius diocesis), nghĩa là đặt ra ngoài lãnh thổ giáo phận. Khuynh hướng ngày nay là giảm bớt những lãnh thổ ấy, xét vì ơn gọi của các đan sĩ không phải là công tác mục vụ.

Lịch sử các giám chức đối địa cũng tương tự như vậy.

Các viện phụ không hẳn lúc nào cũng có chức giám mục.

2. Đại diện Tông tòa hoặc phủ doãn Tông tòa

Cũng là một phần dân Thiên Chúa, do những hoàn cảnh đặc biệt, chưa trở thành giáo phận, và nhiệm vụ được trao cho một vị đại diện Tông Tòa hoặc một vị phủ doãn Tông tòa để các ngài cai quản nhân danh Đức Giáo hoàng (đ 371 §1).

* Giải thích :

Đây là giáo hạt ở giai đoạn truyền giáo đầu tiên, chưa thành lập giáo phận được, do một vị được Tòa thánh đặt cai quản nhân danh Đức Giáo hoàng, có quyền bính như giám mục giáo phận.

Nhân danh Đức Giáo hoàng, những vị đại diện ấy có quyền hành thông thường, nhưng chỉ là quyền đại diện, thường thấy nơi các miền truyền giáo. Áp dụng cách riêng cho các miền truyền giáo, như ở Việt Nam trước đây.

Khi một vùng truyền giáo đã có một số đông tân tòng với những cộng đồng khá mạnh, thì Tòa thánh đặt một vị thừa sai làm phủ doãn Tông tòa.

Đến khi tổ chức đã khá hơn, Tòa thánh bổ nhiệm một đại diện Tông tòa, thường có chức giám mục. Giáo luật dùng hai danh từ “đại diện Tông tòa” và “phủ doãn Tông tòa” để chỉ những vị nhân danh Tòa thánh cai quản những lãnh thổ chưa thành giáo phận chính thức, thường thấy nơi các xứ truyền giáo.

Vì thế, hai vị đại diện Tông tòa hoặc phủ doãn Tông tòa chỉ khác giám mục giáo phận ở chức giám mục thôi, còn quyền hành y như giám mục.

Sau này các vị này đều có chức giám mục..

3. Giám quản Tông tòa

Cũng là một phần dân Thiên Chúa, vì lý do đặc biệt và rất quan trọng mà Giáo hoàng không lập thành giáo phận, và trao việc săn sóc mục vụ cho vị giám quản Tông tòa để ngài cai quản nhân danh Đức Giáo hoàng (đ 371§2).

* Giải thích :

Vì những lý do quan trọng và đặc biệt, nhiều khi Tòa thánh đặt một giám quản Tông tòa để cai quản giáo phận nào.

Thí dụ : Giám mục giáo phận qua đời, yếu nặng hoặc bị ngăn trở không thể cai quản giáo phận được.

Do Đức Giáo hoàng chọn và cai trị giáo phận nhân danh Đức Giáo hoàng.

Lịch sử các giám quản Tông tòa cũng tương tự như hai loại trên. Vì lý do chính trị bất ổn tại một vài quốc gia (miền Đông Âu trước đây chẳng hạn), Tòa thánh không thể bổ nhiệm giám mục tại một số giáo phận, vì thế Tòa thánh đặt giám quản để phụ trách việc mục vụ cho các tín hữu.

D. Quyền tài phán đối địa

Theo nguyên tắc, một giáo hội địa phương được phân ranh trong một địa hạt nhất định, gồm tất cả các tín hữu cư ngụ trên địa hạt ấy (đ 372 §1).

Có thể thiết lập trong cùng một địa hạt nhiều giáo hội địa phương có nghi thức khác nhau (đ 372 §2).

* Giải thích :

Nguyên tắc về quyền tài phán duy nhất trên một địa hạt đã được Giáo hội áp dụng cách chặt chẽ qua nhiều thế kỷ. Ngày nay, nguyên tắc này chấp nhận một vài sự nới lỏng (có lợi cho các quân nhân (với sự kiến tạo các khu đại diện Tông tòa cho các quân nhân và cho các tín hữu thuộc nghi thức khác di cư đến). Công đồng Vaticanô II đã duy trì những nguyên tắc và những sự nới lỏng này. Khoản 1 nhắc lại nguyên tắc, khoản 2 nói về “ích lợi của sự nới rộng” đó, theo phán đoán của thẩm quyền tối cao trong Giáo hội, sau khi đã lắng nghe các hội đồng giám mục liên hệ.

E. Thành lập các giáo phận hoặc các giáo hội tương đuơng

Việc thành lập các giáo phận mới thuộc quyền Tòa thánh mà thôi, dù một giáo phận cũ chia làm hai hay sáp nhập nhiều giáo phận cũ thành một giáo phận mới, và giáo phận mới đương nhiên hưởng tư cách pháp nhân (đ 373).

Giáo phận hay giáo hội địa phương phải được chia thành nhiều giáo xứ biệt lập, để giúp cho hành động mục vụ toàn bộ được dễ dàng. Và nhiều giáo xứ gần nhau có thể được tập hợp lại thành các giáo hạt (đ 374 §1,2). Đây là thẩm quyền của giám mục giáo phận.

II. CÁC GIÁM MỤC

1. Khái niệm

Do Thiên Chúa thiết lập, các giám mục là những người kế vị các tông đồ, được đặt làm chủ chăn trong Giáo hội, để trở nên thầy dạy giáo lý, tư tế phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo. Tất cả quyền của giám mục là do bí tích Truyền chức thánh (đ 375 §1,2).

Bởi vậy, chức giám mục có nguồn gốc nơi bí tích : sự tấn phong giám mục là bậc cao nhất của bí tích Truyền chức thánh.

Các ngài được gọi là “giám mục giáo phận” khi trông coi một giáo phận (chứ không gọi là “chính tòa” như  trước kia). Các vị khác được gọi là “giám mục hiệu tòa” (đ 376).

2. Việc lựa chọn các giám mục

a. Đức Giáo hoàng được quyền tự do bổ nhiệm các giám mục, hoặc châu phê các vị đã được bầu cử hợp pháp (đ 377 §1).

Tuyệt đối bãi bỏ việc dành cho chính quyền bổ nhiệm, đề cử các giám mục, chọn giám mục là việc nội bộ của Giáo hội.

b. 3 năm một lần, các giám mục thuộc một giáo tỉnh phải kín đáo lập danh sách các linh mục, cả các linh mục dòng, mà các ngài nghĩ là xứng đáng nhất để lên chức giám mục, và chuyển danh sách đó cho Tòa thánh (đ 377 §2).

c. Việc bổ nhiệm một giám mục giáo phận hay một giám mục phó:

Đại sứ Tòa thánh (khâm mạng hay sứ thần) đề cử lên Tòa thánh 3 vị. Trước đó phải điều tra, kèm theo ý kiến riêng cho Tòa thánh biết ý kiến của vị trưởng giáo tỉnh và các giám mục trong giáo tỉnh, cũng như ý kiến của vị chủ tịch hội đồng giám mục. Có thể hỏi ý kiến những người khác, kể cả giáo dân (đ 377 §3). Như vậy bộ luật không dự trù việc tham khảo ý kiến của tất cả giáo sĩ trong giáo phận.

d. Việc bổ nhiệm một giám mục phụ tá, dành cho vị giám mục giáo phận khi ngài thấy cần. Chính ngài đề cử ít là 3 linh mục đủ tư cách lãnh chức vụ đó (đ 377 §4). Tuy nhiên, việc xin này không hạn chế quyền tự do của Đức Giáo hoàng để từ chối, hoặc thay một người khác.

e. Từ nay về sau, không dành cho quyền bính dân sự một quyền nào để lựa chọn, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định người lên chức giám mục (đ 377 §5).

3. Những điều kiện phải có

Ứng viên chức giám mục phải có những điều kiện sau :

1). Đức tin vững vàng, hạnh kiểm tốt, lòng đạo đức, nhiệt tâm lo cho các tâm hồn, thông minh, khôn ngoan và các nhân đức nhân bản, cùng những đức tính chu toàn chức vụ này.

2). Có danh thơm tiếng tốt.

3). Ít là 35 tuổi.

4). Làm linh mục ít nhất được 5 năm.

5). Có bằng tiến sĩ hoặc cử  nhân Kinh Thánh, thần học hoặc Giáo luật, hay ít là phải thông thạo các môn ấy (đ 378 §1).

Tòa thánh có quyền quyết định tối hậu về tư cách của đương sự (đ 378 §2).

4. Tấn phong giám mục

Trừ khi ngăn trở hợp pháp, vị được chọn phải được tấn phong trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận được thư Tòa thánh và trong mọi trường hợp phải trước khi đi nhận nhiệm sở (đ 379).

Trước khi nhận nhiệm sở, phải tuyên xưng đức tin và thề trung thành với Tòa thánh theo công thức Tòa thánh đã chấp nhận (đ 380).

5. Những đặc ân của các giám mục

Giáo luật dành cho tất cả các giám mục, bất luận giám mục giáo phận hay hiệu tòa hoặc đã về hưu, được một số đặc ân sau :

– Quyền được giảng lời Chúa khắp nơi, kể cả trong các nhà thờ của các dòng tu (đ 763).

– Quyền được giải tội khắp nơi (đ 967 §1).

– Được phép giải những vạ “tức khắc” (latae sententiae) nếu chưa được tuyên bố ở tòa ngoài, và nếu Tòa thánh không dành việc giải vạ ấy cho mình. Tuy nhiên, giám mục chỉ được thi hành đặc ân này khi ban bí tích Giải tội (xc. đ 1355 §2).

– Được giữ Mình Thánh Chúa trong phòng nguyện riêng (đ 934 §1 số 2).

Đó là chưa nói đến việc cử hành vài bí tích và á bí tích mà luật đòi hỏi chức  giám mục : Thêm sức, Truyền chức, cung hiến.
 
III. CÁC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Có toàn quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp để hành sử nhiệm vụ chủ chăn (đ 381 §1). Như vậy, giám mục giáo phận không được coi là “đại diện” của Đức Giáo hoàng.

Những vị đứng đầu các cộng đồng tín hữu ở điều 368 (Giám vụ đối địa hay Đan viện đối địa, Đại diện Tông tòa hoặc Phủ doãn Tông tòa) được đồng hóa với các giám mục địa phận (đ 381 §2).

Giám mục có quyền thông thường và gắn liền với chức vụ (chứ không phải là thừa ủy); riêng biệt, quyền của riêng mình chứ không phải thay thế ai khác (ngài lãnh nhận quyền hành từ Đức Kitô qua việc lãnh chức thánh, chứ không phải từ Đức Giáo hoàng), trực tiếp và trên mỗi người tín hữu sống trong giáo phận.

1. Nhận giáo phận

Trước khi nhận giáo phận, giám mục được tiến cử không được xen vào việc hành sử chức vụ được ủy thác cho mình (đ 382 §1), nhưng vẫn có thể thi hành chức vụ đã có trong giáo phận trước khi được tiến cử. 

Phải nhận giáo phận trong vòng 4 tháng, kể tứ khi đọc thư Tòa thánh, nếu chưa được tấn phong giám mục. Nếu đã là giám mục, thì trong vòng 2 tháng (đ 382 §2), tức là việc thuyên chuyển giám mục.

Đích thân hay nhờ đại diện trình thư Tòa thánh cho hội đồng cố vấn trước sự hiện diện của vị chưởng ấn của tòa giám mục. Vị này sẽ lập biên bản. Còn trong giáo phận mới thành lập, việc nhận giáo phận kể từ khi giám mục thông tri thư Tòa thánh cho giáo sĩ và giáo dân hiện diện trong nhà thờ chính tòa. Vị linh mục  niên trưởng sẽ lập biên bản (đ 382 §3).

Rất ước mong việc nhận giáo phận được diễn ra trong một nghi lễ phụng vụ cử hành tại nhà thờ chính tòa, có mặt giáo sĩ và dân chúng (đ 382 §4).

2. Nhiệm vụ chủ chăn của giám mục

a. Những lời nhắn nhủ :

– Ngài hãy lo lắng cho tất cả mọi tín hữu được ủy thác cho ngài (đ 383 §1), kể cả những người đang tạm trú trong giáo phận.

– Phải lo lắng cho những tín hữu thuộc nghi thức khác (đ 383 §2).

– Đối với những anh em không hiệp thông đầy đủ với Giáo hội, ngài phải đối xử lịch sự và bác ái, cổ võ phong trào đại kết (đ 383 §3).

– Phải quan tâm đến những người chưa chịu phép Rửa tội như những người được ủy thác cho ngài (đ 383 §4).

– Phải lo lắng đặc biệt cho các linh mục về tinh thần cũng như vật chất. Đây là “bổn phận số một của các giám mục” (đ 384).

– Phải hết sức cổ võ các ơn kêu gọi (đ 385).

b. Ba nhiệm vụ chính của giám mục giáo phận :

* Giảng dạy : có những nhiệm vụ sau :

– Là thày dạy giáo lý, chính ngài phải giảng dạy và lo sao cho thừa tác vụ lời Chúa được tuân hành (đ 386 §1).

– Bảo vệ sự nguyên vẹn và tính duy nhất của đức tin bằng những phương tiện thích hợp nhất (đ 386 §2). Trách nhiệm giám mục giáo phận đối với việc rao giảng được qui định chi tiết hơn trong quyển III.

* Thánh hóa : có những nhiệm vụ sau :

– Là thày dạy đường trọn lành, ngài phải nêu gương sáng về sự thánh thiện trong đức ái và lo cho giáo dân được lớn lên trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích (đ 387).

– Buộc dâng lễ cho toàn dân (Missa pro populo) vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc trong miền.

+ Nếu ngăn trở hợp pháp thì nhờ vị khác chỉ lễ ngày đó, hoặc chính ngài sẽ chỉ lễ vào ngày khác.

+ Nếu coi nhiều giáo phận, kể cả giám quản một trong những giáo phận đó, thì chỉ phải chỉ một lễ cho tất cả dân.

+ Nếu không làm đầy đủ nghĩa vụ này, sẽ phải chỉ đủ số lễ đã bỏ qua (đ 388 §1,2,3,4).

– Phải năng chủ tọa thánh lễ trong nhà thờ chính tòa hoặc các nhà thờ khác trong giáo phận, nhất là các ngày lễ buộc lễ trọng (đ 389).

– Có thể cử hành các lễ đại triều, nghĩa là dùng mũ gậy trong giáo phận, còn ở ngoài giáo phận thì phải có sự đồng ý của vị thường quyền sở tại, ít là suy đoán cách hợp lý (đ 390).

* Cai quản : có những nhiệm vụ sau :

– Cai quản với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, tức là đưa ra luật, xử các vụ án và điều hành tất cả những gì liên quan đến lãnh vực thờ phượng và tông đồ (đ 391 §1).

– Hoặc đích thân hoặc qua các vị khác.

+ Lập pháp : chính ngài làm luật hoặc khi chủ tọa hội đồng giáo phận.

+ Hành pháp : đích thân hành sử hoặc qua tổng đại diện và đại diện giám mục.

+ Tư pháp : chính ngài hành sử hoặc qua đại dịện tư pháp và các thẩm phán (đ 391 §2).

Quyền lập pháp thì chính giám mục phải hành sử, còn hai quyền kia thường được hành sử qua trung gian.

– Ngài phải thúc bách mọi người tuân giữ luật Giáo hội (đ 392 §1).

– Ngài phải cảnh giác đừng để những lạm dụng lọt vào kỷ luật Giáo hội; việc giảng lời Chúa; cử hành bí tích và á bí tích; việc tôn thờ Chúa và các thánh, quản lý tài sản (đ 392 §2).

– Trong tất cả các công việc pháp lý của giáo phận, giám mục là người đại diện cho giáo phận (đ 393).

– Cổ vũ các hình thức tông đồ và phối trí các công cuộc tông đồ khác nhau (đ 394).

3. Cư trú

Buộc giám mục phải giữ luật đích thân cư trú trong giáo phận.

Bộ luật cũng dự trù những lý do chính đáng để vắng mặt:

– Đi thăm triều yết và viếng mộ hai thánh Tông đồ “Ad limina”.

– Đi dự công đồng.

– Dự thượng hội đồng giám mục.

– Dự các phiên họp hội đồng giám mục.

– Và bất cứ chức vụ gì đã được ủy thác cho ngài (thí dụ: là thành viên hay cố vấn của một bộ Rôma hay ủy viên của một ủy ban lo kế hoạch toàn quốc…). Ngài có thể vắng mặt khi có lý do hợp lý (thí dụ: đi nghỉ), nhưng không được quá một tháng hoặc liên tục, hoặc cách quãng, miễn là không gây thiệt hại cho giáo phận (đ 395 §2).

Không được vắng mặt vào dịp lễ Giáng Sinh, suốt Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, lễ Hiện Xuống, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, trừ khi có lý do nghiêm trọng và khẩn cấp (đ 395 §3). 

Nếu vắng mặt bất hợp pháp quá 6 tháng, thì vị trưởng giáo tỉnh phải báo cho Tòa thánh biết. Nếu chính vị trưởng giáo tỉnh vắng như thế, thì giám mục niên trưởng thuộc giáo tỉnh phải báo cáo (đ 395 §4).

Chỉ Đức Giáo hoàng có quyền xử lý những trường hợp đó và có thể ra hình phạt được dự trù cho những người bỏ nhiệm sở.

4. Đi kinh lý

1). Hằng năm buộc phải đi kinh lý toàn giáo phận hay một phần giáo phận để ít ra trong 5 năm kinh lý hết giáo phận. Hoặc đích thân, hoặc nếu bị ngăn trở chính đáng, thì nhờ giám mục phó hay phụ tá, hoặc nhờ linh mục tổng đại diện hay đại diện giám mục, hoặc một linh mục khác (đ 396 §1).

Lý do đặt ra hạn 5 năm là vì đó là thời hạn ngài phải làm bản tường trình và đi viếng Tòa thánh.

Sự viếng thăm mục vụ này có 2 mục đích : Để trực tiếp thấy tình hình và nhu cầu của giáo phận; để điều hành và phối trí các công việc tông đồ cho hiệu quả hơn.

2). Có thể chọn những giáo sĩ cùng đi để giúp đỡ (đ 396 §2).

3). Đối tượng của cuộc kinh lý : những đối tượng sau đây phải phục quyền kinh lý của giám mục : nhân sự, cơ sở tôn giáo, những sự vật, và những nơi ở trong giáo phận.

– Người : giáo dân, giáo sĩ, tu sĩ có trách nhiệm về các linh hồn, các hiệp hội….

– Cơ sở công giáo : các trường học, các trung tâm giáo dục, các hội từ thiện….

– Sự vật : các đồ thờ, các xương thánh, các ảnh tượng, của di tặng, tài sản….

– Nơi thánh : các nhà thờ, nhà nguyện, nghĩa trang.

4). Giám mục có thể kinh lý các thành viên của các tu viện thuộc quyền Tòa thánh và nhà dòng của họ trong trường hợp được Giáo luật dự trù (đ 397 §2).

5). Phải thực hành việc kinh lý cách cẩn thận, thích đáng, nhưng đừng trở nên gánh nặng cho người ta vì tốn phí quá đáng (đ 398).

5. Báo các ngũ niên và đi viếng Tòa thánh (quen gọi là đi viếng mộ hai thánh Tông đồ “Ad limina”).

5 năm một lần, các giám mục phải làm bản tường trình cho Đức Giáo hoàng về tình trạng giáo phận, theo hình thức và thời gian Tòa thánh đã ấn định (đ 399 §1).

Có bản mẫu, gửi cho Tòa thánh nhiều ngày trước khi tới Rôma trong cuộc hành trình “Ad limina”.

Nếu năm được ấn định báo cáo này trùng vào 2 năm đầu của thời gian mới nhận giáo phận, có thể không cần trình báo (đ 399 §2).

– Trừ khi Tòa thánh định cách khác, thì chính năm nộp báo cáo, ngài sẽ tới Rôma để viếng mộ hai thánh Tông đồ và để trình diện với Đức Giáo hoàng (đ 400 §1).

Như vậy cuộc hành trình “Ad limina” gồm có:

1). Viếng mộ hai thánh Tông đồ, phải đích thân hiện diện.

2). Triều yết Đức Giáo hoàng, thường thực hành thành nhóm giám mục miền hay quốc gia, nhưng cũng có một cuộc đàm đạo riêng với Đức Giáo hoàng.

3). Một báo cáo miệng về bản tường trình đã gửi đi trước đó.

Giám mục phải đích thân chu toàn nghĩa vụ này. Khi bị ngăn trở, có thể nhờ giám mục phó, giám mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng trong hàng linh mục ở giáo phận (đ 400 §2).

Vị Đại diện Tông tòa có thể nhờ một đại diện, kể cả nhờ một người đang cư trú tại Rôma. Còn Phủ doãn Tông tòa không buộc làm nghĩa vụ này (đ 400 §3).

6. Từ nhiệm

Giám mục giáo phận được 75 tuổi tròn, nên đệ đơn từ chức lên Đức Giáo hoàng, chính ngài định liệu việc này sau khi xem xét các hoàn cảnh (đ 401 §1).

* Chú ý: chức vụ giám mục không chấm dứt một cách tự động khi được 75 tuổi. Đàng khác không có sự ép buộc từ nhiệm, chỉ được yều cầu đệ đơn từ nhiệm.

Nếu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do nghiêm trọng khác, không chu toàn được nhiệm vụ, khẩn khoản yêu cầu ngài hãy đệ đơn từ chức (đ 401 §2).

Khi đơn từ nhiệm được chấp thuận, giám mục sẽ giữ tước vị giám mục hữu hàm (người có công : Emeritus) của giáo phận mình. Nếu muốn, ngài có thể vẫn ở lại trong giáo phận, trừ khi Tòa thánh định liệu thể khác (đ 402 §1).

Vậy, không còn ban cho giám mục từ nhiệm tước hiệu của một giáo phận, tức là hiệu tòa như vẫn thường làm cho tới năm 1970.

Hội đồng giám mục phải lo trợ cấp đầy đủ và xứng đáng cho giám mục từ nhiệm, nhưng trước hết nghĩa vụ đó là của giáo phận ngài đã phục vụ (đ 402 §2).
 
IV. GIÁM MỤC PHÓ VÀ GIÁM MỤC PHỤ TÁ

Vì nhu cầu mục vụ của giáo phận, Tòa thánh có thể đặt một hay nhiều giám mục phụ tá theo thỉnh cầu của giám mục giáo phận (đ 403 §1).

Trong những hoàn cảnh nghiêm trọng hơn, giám mục giáo phận có thể có một giám mục phụ tá với những năng quyền đặc biệt (đ 403 §2). Giám mục phụ tá không được hưởng quyền kế vị.

Khi thấy thuận lợi hơn, Tòa thánh có thể tự ý bổ nhiệm một giám mục phó, với những năng quyền đặc biệt. Giám mục phó được hưởng quyền kế vị (đ 403 §3).

1. Nhận chức

– Giám mục phó : nhận chức vụ khi trình thư bổ nhiệm lên giám mục giáo phận hay hội đồng cố vấn trước sự hiện diện của vị chưởng ấn tòa giám mục. Vị này sẽ làm biên bản (cuộc lễ).

– Giám mục phụ tá : nhận chức khi trình thư bổ nhiệm lên giám mục giáo phận, trước vị chưởng ấn, vị này sẽ làm biên bản.

Trong trường hợp giám mục giáo phận hoàn toàn bị cản trở, giám mục phó cũng như phụ tá chỉ cần trình thư bổ nhiệm lên hội đồng cố vấn trước sự hiện diện của vị chưởng ấn (đ 404 §1,2,3).

2. Quyền lợi và nghĩa vụ

* Giám mục phó và giám mục phụ tá có những bổn phận và quyền lợi được ấn định bởi các điều luật sau đây, và bởi văn thư bổ nhiệm các ngài (đ 405 §1).

Thí dụ, bộ luật dự trù giám mục phó và giám mục phụ tá:

– Được triệu tập đi dự các công đồng chung và riêng.

– Là thành viên hội đồng giám mục.

– Các giám mục phó luôn có quyền quyết định, còn giám mục phụ tá thì có quyền quyết định hay chỉ có quyền tư vấn, tùy quy chế hội đồng giám mục mỗi miền.

– Phải được triệu tập tới họp hội đồng giáo phận.

* Giám mục phó hay giám mục phụ tá nói ở điều 403 §2, trợ giúp giám mục giáo phận trong tất cả mọi công việc cai quản giáo phận và thay thế ngài khi ngài vắng mặt hay bị cản trở (đ 405 §2).

* Giám mục phó và giám mục phụ tá được nói tới ở điều 403§2, phải được giám mục giáo phận bổ nhiệm làm tổng đại diện (vì không có vị nào đương nhiên có chức đó). Đàng khác, giám mục giáo phận phải ưu tiên trao cho các ngài những chức vụ nào cần một sự ủy nhiệm đặc biệt (đ 406 §1).

* Trừ khi tông thư bổ nhiệm trù liệu thể khác, giám mục giáo phận phải đặt một hoặc nhiều giám mục phụ tá làm tổng đại diện hay ít là đại diện giám mục. Các vị này chỉ trực thuộc quyền ngài hoặc quyền giám mục phó hay giám mục phụ tá nói ở điều 403 §2 (đ 406 §2).

3. Hợp tác

– Giám mục giáo phận, giám mục phó và giám mục phụ tá phải chung vai sát cánh trong những công việc quan trọng (đ 407 §1).

– Giám mục giáo phận nên tham khảo ý kiến của giám mục phụ tá hơn những người khác (đ 407 §2).

– Giám mục phó và giám mục phụ tá phải một lòng một trí làm việc đoàn kết với giám mục giáo phận (đ 407 §3).

– Cử hành những nghi lễ đại triều và các nghi lễ khác mỗi khi giám mục giáo phận yêu cầu (đ 408 §1).

– Giám mục giáo phận không nên thường xuyên ủy cho người khác những chức vụ và quyền hành mà giám mục phó hay phụ tá có thể thi hành (đ 408 §2).

4. Toà giám mục trống ngôi

Giám mục phó tức khắc trở thành giám mục giáo phận (đ 409 §1).

– Giám mục phụ tá vẫn chỉ giữ quyền hành như cũ với tư cách tổng đại diện hay đại diện giám mục tới khi giám mục mới tới nhận chức tại giáo phận. Nếu ngài không được chỉ định làm giám quản giáo phận thì ngài sẽ hành sử quyền hành dưới quyền  của giám quản là người đứng đầu giáo phận (đ 409 §2).

5. Cư trú

Cũng như giám mục giáo phận, giám mục phó và giám mục phụ tá phải cư trú trong giáo phận. Chỉ được vắng mặt trong một thời gian ngắn, trừ khi phải chu toàn công vụ ở ngoài giáo phận hoặc đi nghỉ và không được quá một tháng (đ 410).

6. Từ chức

Áp dụng như qui định ở các điều 401 và 402 §2.

* Lưu ý: không nói 402 §1, tức là không giữ tước hiệu “người có công” (đ 411).
 
V. TOÀ GIÁM MỤC BỊ NGĂN TRỞ VÀ KHUYẾT VỊ

1. Tòa giám mục bị ngăn trở

Có hai loại ngăn trở khiến giám mục không thể thi hành nhiệm vụ chủ chăn :

a. Những ngăn trở về thể lý : giam tù, biệt xứ (hoặc bị quản thúc tại nơi nào đó), lưu đày và mất khả năng : bất lực (rõ nhất là bị điên loạn, không còn khả năng nhận xét), đến nỗi không thể liên lạc với giáo dân, dù bằng thư từ (đ 412).

Trong trường hợp đó, trừ khi Tòa thánh quyết định thể khác, quyền cai quản giáo phận thuộc giám mục phó, nếu có, nếu không có hoặc vị này cũng bị ngăn trở, thì quyền thuộc về một trong các giám mục phụ tá, hoặc một linh mục chiếu theo thứ tự trong danh sách đã dự trù mà giám mục phải lập ngay sau khi nhận giáo phận. Danh sách này phải được ngài trình cho giám mục trưởng giáo tỉnh, và phải làm lại ít là 3 năm một lần và được vị chưởng ấn giữ bí mật (đ 413 §1).

Nếu không có giám mục phó, hoặc ngài cũng bị ngăn trở, và cũng không có danh sách, thì hội đồng cố vấn phải bầu một linh mục để cai quản giáo phận (đ 413 §2).

Vị nào nhận quyền cai quản theo các khoản 1 và 2 trên đây, phải báo cáo sớm hết sức cho Tòa thánh biết việc tòa giám mục bị ngăn trở và mình đã lãnh nhận trọng trách (đ 413 §3).

Vị nào nhận trọng trách thì có những nghĩa vụ và quyền lợi như giám quản giáo phận (đ 414).

b. Những ngăn trở về pháp lý : Giám mục giáo phận bị một hình phạt của Giáo hội cấm thi hành nhiệm vụ, thì trưởng giáo tỉnh phải trình Tòa thánh định liệu. Nếu không có trưởng giáo tỉnh hay chính vị này bị phạt, thì giám mục thuộc giáo tỉnh thâm niên nhất theo thời gian thăng chức phải trình (đ 415).

Đối với những ngăn trở về pháp lý, thủ tục hành sử sẽ khác hẳn : vị tổng đại diện không thể thay thế giám mục, vì quyền hành của ngài cũng hết khi giám mục hết quyền (xc. đ 481).

2. Tòa giám mục khuyết vị

4 trường hợp :

– Khi giám mục qua đời.

– Khi từ nhiệm được Đức Giáo hoàng chấp nhận.

– Khi được thuyên chuyển qua giáo phận khác.

– Khi bãi nhiệm (đ 416).

Tất cả những gì do tổng đại diện hay đại diện giám mục làm thì vẫn có đầy đủ giá trị cho tới khi biết chắc giám mục chết hoặc biết chắc về văn thư Tòa thánh nói trên (đ 417).

Trong vòng hai tháng, từ khi biết tin chắc chắn về việc thuyên chuyển, giám mục phải đến giáo phận mới và nhận giáo phận theo Giáo luật. Chính ngày ngài nhận giáo phận mới, thì giáo phận cũ khuyết vị (đ 418 §1).

Từ khi biết chắc về sự thuyên chuyển cho tới khi nhận giáo phận mới, giám mục được thuyên chuyển có quyền hành và nhiệm vụ đối với giáo phận cũ như giám quản giáo phận và được hưởng trọn lương bổng theo chức vụ, còn tổng đại diện và đại diện giám mục thì hết quyền (đ 418 §2).

a. Việc cai quản giáo phận khi tòa giám mục khuyết vị :

– Khi tòa giám mục khuyết vị và cho đến khi đặt giám quản giáo phận, quyền lãnh đạo thuộc về giám mục phụ tá. Nếu nhiều phụ tá, thì vị thâm niên giám mục nhất. Nếu không có giám mục phụ tá, thì quyền thuộc hội đồng cố vấn, trừ khi Tòa thánh định thể khác. Vị nào nắm quyền như trên sẽ khẩn cấp triệu tập hội đồng có thẩm quyền chỉ định vị giám quản giáo phận (đ 419).

– Khi Đại diện Tông tòa hay Phủ doãn Tông tòa khuyết vị, thì quyền hành thuộc về vị quyền đại diện hay quyền phủ doãn do những vị trên chỉ định ngay khi nhận chức để làm việc này thôi, trừ khi Tòa thánh định khác (đ 420).

– Trong vòng 8 ngày, từ khi tin tòa giám mục khuyết vị, thì hội đồng cố vấn phải bầu vị giám quản giáo phận, tức người tạm thời cai quản giáo phận (đ 421 §1).

– Nếu vì bất cứ lý do gì trong thời gian qui định, vị giám quản chưa được bầu, thì quyền chỉ định giám quản thuộc quyền trưởng giáo tỉnh. Nếu trưởng giáo tỉnh cũng khuyết vị, thì quyền thuộc giám mục thâm niên nhất trong giáo tỉnh (đ 421 §2).

– Giám mục phụ tá, nếu không có, thì hội đồng cố vấn sẽ báo cáo sớm hết sức cho Tòa thánh biết về cái chết của giám mục. Cũng vậy, giám quản giáo phận được cắt cử sẽ báo cáo cho Tòa thánh biết việc mình được bầu (đ 422).

b. Những điều cần phải có để làm giám quản giáo phận :

– Chỉ được đề cử một giám quản giáo phận thôi. Làm ngược lại, việc bầu cử sẽ vô hiệu (đ 423 §1).

– Vị này không thể đồng thời là quản lý giáo phận, nếu quản lý giáo phận được bầu làm giám quản thì hội đồng quản lý phải bầu một quản lý khác tạm thời (đ 423 §2).

– Phải bầu giám quản giáo phận theo các điều 165-178 (đ 424).

– Chỉ được bầu cử thành sự vào chức vụ giám quản một linh mục đã 35 tuổi tròn, và chưa được chọn, bổ nhiệm, hay giới thiệu làm giám mục của giáo phận khuyết vị (đ 425 §1).

– Nếu những điều ở khoản 1 không được tôn trọng, thì trưởng giáo tỉnh, nếu chính vị này khuyết vị, thì giám mục thâm niên nhất, phải đề cử giám quản cho lần này (đ 425 §3). Vị được bầu trước đương nhiên vô hiệu.

– Vị nào cai quản giáo phận trong lúc tòa khuyết vị và trước khi đề cử vị giám quản, sẽ có quyền hành như vị tổng đại diện (đ 426).

c. Quyền hành và bổn phận :

– Giám quản có những nghĩa vụ và quyền hành của giám mục giáo phận, trừ những gì do bản chất sự việc hoặc chính luật loại trừ (đ 427 §1).

Thí dụ :

Điều 272 : “Giám quản giáo phận không thể ban phép xuất tịch và nhập tịch cũng như chuyển sang một giáo hội địa phương khác, trừ khi có sự đồng ý của hội đồng cố vấn.

Điều 485 : không có quyền bãi nhiệm chưởng ấn và các công chứng viên, trừ khi có sự đồng ý của hội đồng cố vấn.

Điều 509 §1 : không có quyền trao ban tất cả và mỗi chức vụ kinh sĩ trong nhà thờ chính tòa cũng như trong nhà thờ hiệp đoàn.

Điều 520 §1 : không có quyền trao một giáo xứ cho một tu hội dòng giáo sĩ hay một hội đời sống tông đồ.