TGH Gioan Phaolô II – BÀI 74: PHÓ TẾ CÓ NHIỀU NHIỆM VỤ MỤC VỤ

0
1681

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 74: PHÓ TẾ CÓ NHIỀU NHIỆM VỤ MỤC VỤ

Tuy các phó tế không phải là các tư tế những vẫn là các thừa tác viên phụng vụ và bác ái, các vị làm việc trong sự hiệp thông với Đức Giám mục và các linh mục

Tại buổi tiếp kiến chung Thứ Tư ngày 13 tháng 10, Đức Thánh Cha tiếp tục thảo luận về chức phó tế, tập trung về vai trò của phó tế với tư cách là một thừa tác viên phụng vụ và là người thúc đẩy hoạt động tông đồ của giáo dân. Bài giáo lý của Đức Thánh Cha là bài thứ 74 trong loạt bài về mầu nhiệm Giáo Hội và được trình bày tiếng Ý.

1. Công đồng Vatican II đã xác định vị trí của các phó tế trong hệ thống phẩm trật của Giáo hội theo truyền thống sơ khai nhất: “Ở bậc thấp hơn của phẩm trật là các phó tế, những người được đặt tay “không phải để lãnh chức linh mục, nhưng để nhận một thừa tác vụ”. Thật vậy, được củng cố nhờ ân sủng bí tích, hiệp thông với Giám mục và linh mục đoàn, các phó tế phục vụ Dân Thiên Chúa bằng các công tác trong phụng vụ, giảng dạy, và bác ái” (LG 29). Công thức “không phải cho chức tư tế, mà là cho một thừa tác vụ” được lấy từ bản văn Truyền Thống Tông Đồ của ông Hippolyto, và Công Đồng đặt nó trên một chân trời rộng lớn hơn. Trong bản văn cổ này, “thừa tác vụ” được định rõ là “trợ giúp cho Giám Mục”; Công đồng nhấn mạnh đến sự phục vụ Dân Chúa. Thật ra, ý nghĩa cơ bản của công việc phục vụ của phó tế đã được khẳng định ngay từ đầu bởi thánh Inhaxiô Antiokia. Ông đã gọi phó tế là “các thừa tác viên Giáo hội của Thiên Chúa”, khuyên rằng vì lý do này, các phó tế nên làm hài lòng mọi người (xem Ad Trall., 2, 3). Suốt nhiều thế kỷ, ngoài việc là người trợ giúp của Giám Mục, phó tế còn được coi là người phục vụ cộng đoàn Kitô hữu.

2. Để được phép thực hiện các nhiệm vụ của mình, các phó tế nhận được thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ trước khi được truyền chức. Việc trao hai tác vụ này cho thấy định hướng thiết yếu của chức năng phó tế, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI giải thích trong Tông Thư Ad Pascendum (1972): “Các tác vụ đọc sách và giúp lễ nên được giao cho những người, như là các ứng viên cho chức vụ phó tế hoặc tư tế, mong muốn cống hiến hết mình cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội cách đặc biệt. về phần mình, Giáo Hội “không ngừng nhận lấy bánh sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và Thân thể của Chúa Kitô và đưa nó cho các tín hữu, xem đó là điều thích hợp rằng các ứng viên cho bí tích Truyền Chức nên hiểu biết thông qua tiếp xúc thân mật và suy tư khía cạnh kép của chức vụ linh mục bằng cả cách học tập lẫn việc thực thi dần dần tác vụ Lời và Bàn Thánh” (Ench. Vat., IV, 1781). Định hướng này có giá trị không chỉ đối với vai trò của các linh mục, mà còn đối với các phó tế.

Các phó tế trước tiên nhận tác vụ đọc sách và giúp lễ

3. Cần lưu ý rằng trước Vatican II, tác vụ đọc sách và giúp lễ được coi là các chức nhỏ. Trong một bức thư gửi cho một giám mục vào năm 252, Giáo Hoàng Cornelius đã liệt kê bảy cấp bậc trong Giáo hội Rôma (x.Eusebius, Hist. Eccl., VI, 43: PG 20, 622): các linh mục, phó tế, phụ phó tế, giúp lễ, trừ tà, đọc sách và gác cổng. Theo truyền thống của Giáo hội Latinh, ba chức được coi là các chức lớn: chức linh mục, phó tế và phụ phó tế; bốn chức nhỏ: giúp lễ, trừ quỷ, đọc sách và gác cổng. Sự sắp xếp cấu trúc Giáo Hội này là do nhu cầu của các cộng đoàn Kitô hữu trong nhiều thế kỷ và được xác định bởi thẩm quyền của Giáo Hội.

Khi chức phó tế vĩnh viễn được thiết lập lại, cấu trúc này đã được thay đổi. Đối với khuôn khổ bí tích, nó đã được khôi phục theo ba thánh chức của thiết chế thánh: phó tế, linh mục và Giám Mục. Trên thực tế, trong Tông Thư của mình về các tác vụ trong Giáo hội Latinh (1972), Giáo Hoàng Phaolô VI đã bỏ “chức cắt tóc” (tonsure), ghi dấu việc gia nhập hàng giáo sĩ, và phụ phó tế, chức năng đó được trao cho các thầy đọc sách và giúp lễ. Ngài giữ lại chức đọc sách và giúp lễ; thế nhưng, chúng không còn được coi là các chức thánh, mà là các tác vụ được trao bằng cách “bổ nhiệm” thay vì “phong chức”. Các tác vụ này phải được trao cho các ứng viên cho chức phó tế và linh mục, và cũng được giao cho người giáo dân trong Giáo Hội, những người muốn đảm nhận các trách nhiệm thích hợp với họ: việc đọc sách, như là nhiệm vụ đọc Lời Chúa trong phụng vụ, ngoại trừ bài đọc Tin Mừng; thực hiện một số vai trò nhất định (chẳng hạn hướng dẫn các tín hữu hát thánh ca); và giúp lễ, được lập ra để giúp phó tế và làm hỗ trợ cho linh mục (Ministeria quaedam, V, VI: Enchiridion Vaticanum, IV, 1762-1763).

4. Công đồng Vatican II liệt kê các chức năng phụng vụ và mục vụ của phó tế: “cử hành trọng thể bí tích Thánh tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng hôn và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ sự việc phụng tự và giờ cầu nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ sự lễ nghi an táng và chôn cất”( LG 29).

Các phó tế nên thúc đẩy và duy trì các hoạt động tông đồ của giáo dân

Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt ra thêm rằng các phó tế, “nhân danh linh mục chánh xứ hoặc Giám Mục, có thể lãnh đạo một cách hợp pháp các cộng đoàn Kitô hữu phân tán” (Sacrum diaconatus ordinem 22, 10: Enchiridion Vaticanum, II, 1392). Đây là một nhiệm vụ truyền giáo được thực hiện trong các vùng lãnh thổ, môi trường xung quanh, bối cảnh xã hội và các nhóm nơi linh mục không đủ hoặc không dễ dàng hoạt động. Đặc biệt ở những nơi không có linh mục nào sẵn để cử hành Bí tích Thánh Thể, phó tế tập hợp và dẫn dắt cộng đoàn trong nghi thức phụng vụ Lời với sự phân phát Mình Thánh được cất giữ cẩn thần. Đây là một nhiệm vụ mà phó tế thi hành bởi sự ủy thác của Giáo Hội trong trường hợp đáp ứng cho việc thiếu hụt các linh mục. Sự thay thế này, không bao giờ có thể hoàn thiện, nhắc nhở các cộng đoàn đang thiếu linh mục về nhu cầu cấp thiết phải cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và làm hết sức mình để khuyến khích họ như một điều tốt cho cả Giáo Hội và cho chính họ. Các phó tế cũng nên thúc đẩy lời cầu nguyện này.

5. Một lần nữa, theo Công Đồng, các nhiệm vụ được giao cho phó tế không hề làm giảm vai trò của giáo dân được mời gọi và sẵn sàng hợp tác trong hoạt động tông đồ với hàng giáo phẩm. Trái lại, nhiệm vụ của phó tế bao gồm “thúc đẩy và duy trì các hoạt động tông đồ của giáo dân”. Trong phạm vi mà các phó tế hiện diện và tham gia rộng hơn linh mục trong các môi trường và cấu trúc thế tục, các phó tế nên cảm thấy được khuyến khích để thúc đẩy sự gần gũi giữa thừa tác vụ chức thánh và các hoạt động giáo dân trong việc phục vụ Nước Thiên Chúa.

Phó tế cũng có nhiệm vụ bác ái, cũng đòi hỏi một sự phục vụ thích hợp trong việc quản lý tài sản và trong các hoạt động bác ái của Giáo Hội. Trong lĩnh vực này, nhiệm vụ của các phó tế là: “nhân danh hàng giáo phẩm, để thực hiện các nhiệm vụ từ thiện và quản trị bên cạnh công tác xã hội” Paul VI, Sacrum diaconatus ordinem, n. 22,9: Enchiridion Vaticanum, II, 1392

Về vấn đề này, Công Đồng dành cho các phó tế lời khuyến nghị bắt nguồn từ truyền thống lâu đời nhất của các cộng đoàn Kitô hữu: “Được dành riêng để lo việc bác ái và việc quản trị, các phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của thánh Pôlycarpô: “Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành và hãy bước theo chân lý của Chúa, Đấng đã trở nên tôi tớ của mọi người””( LG số 29; x. Ad Phil., 5, 2).

6. Theo Công đồng, chức phó tế dường như có giá trị đặc biệt trong các Giáo Hội trẻ. Đây là lý do tại sao sắc lệnh Ad Gentes thiết lập: “Nơi nào Hội Đồng Giám mục xét là thích hợp, nên thiết lập lại bậc sống phó tế vĩnh viễn theo tiêu chuẩn của Hiến Chế “về Giáo Hội” . Thật vậy, thật là hữu ích nếu những người đang đảm nhận một tác vụ thực ra thuộc về các phó tế, hoặc đang truyền dạy lời Chúa như các giảng viên giáo lý, hoặc đang thay mặt cha xứ và Giám mục điều hành các cộng đoàn Kitô giáo ở những vùng xa, hoặc đang thực thi bác ái trong những hoạt động xã hội hay từ thiện, được củng cố thêm nhờ việc đặt tay lưu truyền từ các Tông Đồ và được kết hợp chặt chẽ với bàn thánh hơn, để thi hành thừa tác vụ của mình cách hữu hiệu hơn nhờ ơn bí tích của chức phó tế” ( AG số 16).

Bất cứ nơi nào mà nhờ hoạt động truyền giáo đã dẫn đến sự hình thành các cộng đoàn Kitô hữu mới, các nhà truyền giáo thường đóng một vai trò thiết yếu. Ở nhiều nơi, họ lãnh đạo cộng đoàn, hướng dẫn và khuyến khích tín hữu cầu nguyện. Chức vụ phó tế có thể củng cố họ trong sứ mạng mà họ đang thi hành, thông qua một sự thánh hiến chính thức và một nhiệm vụ được ban cho rõ ràng bởi thẩm quyền của Giáo Hội thông qua việc ban bí tích Truyền Chức. Trong bí tích này, ngoài việc chia sẻ ân sủng của Chúa Kitô – Đấng Cứu Chuộc tuôn đổ trong Giáo hội nhờ Chúa Thánh Thần, nguồn gốc của mọi hoạt động tông đồ, một ấn tín không thể tẩy xóa được nhận theo cách đặc biệt để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, “ai tự biến mình thành ‘phó tế’, do vậy, là đầy tớ của mọi người “(GLHTCG, số 1570).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here