Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển III: Nhiệm Vụ Giáo Huấn Của Giáo Hội

0
2629


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN III

NHIỆM VỤ GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI

—***—

GIỚI THIỆU CHUNG

Quyển III so sánh với Bộ Giáo Luật cũ 1917, có sự khác biệt quan trọng: Bộ Giáo Luật 1917 không dành ra một quyển riêng mà được bàn trong phần IV của quyển III dưới tựa đề “Quyền giáo huấn của Giáo Hội”, sau phần bàn về các bí tích và phụng tự. Do đó, đừng kể những thay đổi không nhỏ về nội dung, chỉ nguyên vị trí và tựa đề quyển III này đã đáng chú ý rồi.

1. Về vị trí

Nhiệm vụ giáo huấn của Giáo Hội được xếp trước quyển IV về nhiệm vụ thánh hóa; Đây là một thay đổi lớn về đường hướng mục vụ của Giáo Hội tiếp theo Công Đồng Vatican II. Đành rằng phụng vụ và bí tích là nguồn mạch và tột đỉnh của mọi hoạt động của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội không thể cử hành bí tích nếu trước đó không có rao giảng để khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin. Và việc đặt nhiệm vụ giáo huấn thành một quyển riêng cho thấy Giáo Hội sau Công Đồng đã nhận thức tầm quan trọng của nó.

2. Về tựa đề

Tựa đề có sự thay đổi quan trọng. Trong Bộ Giáo Luật cũ 1917 có tựa đề là “Quyền giáo huấn của Giáo Hội” coi như một chức năng của hàng giáo phẩm. Bộ Giáo Luật mới 1983 coi việc giảng dạy là một nhiệm vụ của Giáo Hội, tức là của toàn thể dân Thiên Chúa gồm: Giám mục, linh mục, phó tế lẫn giáo dân. Điều này phản ảnh Thần Học của Công Đồng Vatican II.

Trong quyển này không nói về đạo lý mà Giáo Hội phải rao giảng, không thuộc lãnh vực của Giáo Luật, chỉ giới hạn trong khía cạnh chuyên môn, đó là khía cạnh pháp lý thôi. Nói khác đi, trong quyển này chú trọng tới quyền lợi và nghĩa vụ rao giảng.

***

MỤC I

NHỮNG ĐIỀU DẪN NHẬP

 

I. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIÁO HỘI ĐƯỢC RAO GIẢNG LỜI CHÚA

Nhiệm vụ thi hành sứ mạng rao giảng là “quyền bẩm sinh”, tức là một quyền thuộc về bản chất của Giáo Hội chứ không phải do một quyền hành trần thế nào cấp phát.

Phúc Âm hay Kho Tàng Đức Tin đã được Đức Kitô ủy thác cho Giáo Hội. Bổn phận của Giáo Hội là – cẩn thủ – nghiên cứu – đào sâu – trung thành công bố và trình bày (đ. 747 §1).

Giáo Hội cũng có bổn phận áp dụng Chân Lý Phúc Âm vào đời sống luân lý cá nhân cũng như xã hội (đ. 747 §2).

II. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI TƯƠNG ỨNG CỦA MỖI NGƯỜI ĐƯỢC ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ

Đây là vấn đề tự do tín ngưỡng: mọi người có bổn phận phải tìm kiếm Chân lý. Một khi đã biết được, họ có quyền lợi và bổn phận phải ôm ấp và tuân theo (đ. 748 §1).

Đàng khác, không ai được phép cưỡng bách người khác chấp nhận đức tin Công Giáo trái với lương tâm của họ (đ. 748 §2).

III. QUYỀN GIÁO HUẤN

Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn mới có thẩm quyền tuyên bố đạo lý bất khả ngộ (đ. 749 §1,2). Các Giám mục riêng rẽ không có quyền này (đ. 753). Chỉ đạo lý nào được ấn định rõ là không thể sai lầm thôi (đ. 749 §3).

IV. CÁC TÍN HỮU ĐỐI VỚI QUYỀN GIÁO HUẤN

Đối với Chân lý được mạc khải, quen gọi là tín điều mà quyền giáo huấn của Giáo Hội tuyên bố, thì người tín hữu đáp lại bằng đức tin (đ. 750). Thí dụ: Đức Giáo Hoàng tuyên bố “ex cathedra”, hay khi Công Đồng hoàn vũ tuyên bố, đó là quyền giáo huấn trang trọng.

Còn nếu là quyền giáo huấn thông thường của Đức Giáo Hoàng hay Giám mục đoàn, tức là tuyên bố những điều quan trọng, thì thái độ là “suy phục với lý trí và ý chí theo tinh thần đạo giáo” (đ. 752).

Các Giám mục khi hành sử quyền riêng rẽ, hay khi họp nhau trong Hội Đồng Giám Mục hay Công Đồng địa phương, thái độ là: “kính cẩn vâng nghe” (đ. 753).

Ngoài những đạo lý liên quan tới đức tin và phong hóa, Bộ Giáo Luật còn thêm một lãnh vực khác mang tính cách kỷ luật: “Mọi tín hữu có bổn phận tuân theo các hiến chế và sắc lệnh mà quyền bính hợp pháp của Giáo Hội, đặc biệt Đức Giáo Hoàng hay Giám mục đoàn ban hành với mục đích trình bày giáo lý hay bài trừ các tư tưởng sai lầm” (đ. 754).

V. CHẾ TÀI

Ba thái độ tiêu cực mang theo những chế tài, đó là:

1/. Lạc giáo: Sau khi đã chịu phép Rửa Tội, cố chấp phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức tin thần linh và Công Giáo.

2/. Bội giáo: Nếu chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo.

3/. Ly giáo: Từ bỏ tùng phục Đức Giáo Hoàng, hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Giáo Hội đang thụ quyền ngài (đ. 751).

Điều luật trên chỉ định nghĩa dạng thức của tội. Những hậu quả pháp lý của chúng được nói tới ở những nơi khác. Theo điều 1364, ai mắc các tội trên thì sẽ đương nhiên bị tuyệt thông.

Cũng nên biết: Theo Công Đồng Vatican II (Sắc lệnh về Đại Kết, số 3), các phần tử thuộc về các Giáo Hội ngoài Công Giáo không còn bị qui tội lạc giáo và ly giáo nữa. Điều này đưa đến điều chót trong những điều dẫn nhập: “Đối thoại đại kết”.

VI. ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT

Thẩm quyền cổ võ và điều khiển phong trào đại kết: Toàn thể Giám mục và cách riêng Tòa Thánh (đ. 755 §1), các Giám mục và Hội Đồng Giám Mục (đ. 755 §2).

***

MỤC II

THỪA TÁC VỤ LỜI CHÚA

 

Trước khi trình bày hai hình thức loan truyền Lời Chúa, Bộ Giáo Luật 1983 chỉ rõ ai phải loan báo Lời Chúa và phải loan báo thế nào, với 6 điều dẫn nhập.

A. AI PHẢI LOAN BÁO LỜI CHÚA?

– Đối với Giáo Hội toàn cầu: Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn (đ. 756 §1).

– Trong mỗi Giáo Hội địa phương: Giám mục Giáo phận. Đôi khi các Giám mục trong vùng: tuyên ngôn hay thư chung (đ. 756 §2).

– Các linh mục: linh mục chính xứ, các linh giám và các phó tế (đ. 757).

– Những người sống đời tận hiến (đ. 758).

– Các giáo dân (đ. 759).

B. CÁCH THỨC LOAN BÁO LỜI CHÚA

Phải dựa vào Kinh Thánh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Giáo Huấn và Đời Sống Giáo Hội mà trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô (đ. 760).

Những phương thế sẵn có, ưu tiên là rao giảng – huấn giáo. Kế đến: các buổi trình bày giáo lý trong trường học, đại học, các buổi thuyết trình và hội họp dưới mọi hình thức, những tuyên ngôn công khai, sách báo và các phương tiên truyền thông xã hội khác (đ. 761).

I. RAO GIẢNG LỜI CHÚA

Trong các phương tiện khác nhau để thi hành nhiệm vụ giảng dạy, Bộ Giáo Luật đặt việc rao giảng lên hàng đầu.

1. Quyền giảng thuyết

a/. Các Giám mục và linh mục phải đặt nặng việc rao giảng Lời Chúa (đ. 762). Đây là một bổn phận.

b/. Các Giám mục được quyền rao giảng khắp nơi, trừ phi Giám mục địa phương minh thị phản đối (đ. 763).

c/. Các linh mục và phó tế được hưởng năng quyền rao giảng khắp nơi (đ. 764). Để giảng cho các tu sĩ trong nhà thờ hay nhà nguyện của họ, cần có phép của bề trên thẩm quyền (đ. 765).

d/. Giáo dân có thể được nhận cho giảng (đ. 766).

Tóm lại:

– Giám mục có quyền giảng

– Linh mục và phó tế có khả năng giảng

– Giáo dân có thể được nhận cho giảng

Tuy nhiên, lưu ý:

– Linh mục chính xứ hay vị quản đốc thánh đường có quyền cho phép một giáo dân giảng trong nhà thờ. Dù vậy, Hội Đồng Giám Mục có thể đòi hỏi phải xin phép Giám mục, nhất là khi việc giảng không phải chỉ đột xuất, nhưng có tính cách thường xuyên. Dĩ nhiên, điều này tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi địa phương.

– Riêng về việc giáo dân giảng trong thánh lễ (homilia), thì cần phải xin phép Tòa Thánh. Đây là sự giải thích chính thức của nhà lập pháp ngày 26-5-1987. Tại sao Tòa Thánh dành quyền ấy? Vì đây là luật có tính cách cấu thành chứ không phải là chỉ có tính cách kỷ luật. Nói nôm na, vì tự bản chất, việc giảng lễ thuộc về vị chủ sự thánh lễ, do đó Đức Giám mục không có quyền chuẩn chước, chiếu theo điều 86.

e/. Bài giảng sau Phúc Âm (homilia) dành riêng cho linh mục hay phó tế (đ. 767 §1). Buộc phải giảng ngày Chúa nhật và lễ buộc khi có dân chúng tham dự (đ. 767 §2). Trong các thánh lễ trong tuần, nhất là Mùa Vọng và Mùa Chay, khi có lễ lớn hay tang chế, khuyến khích nên giảng khi có đông giáo dân tham dự (đ. 767 §3). Linh mục chính xứ hay vị quản đốc thánh đường phải lo liệu để những qui luật trên được tuân giữ chu đáo (đ. 767 §4). Ngoài ra, còn phải giữ những quyết định của Giám mục Giáo phận về việc trình bày giáo lý bằng truyền thanh, truyền hình, phải giữ những chỉ thị của Hội Đồng Giám Mục (đ. 772 §1,2).

2. Nội dung bài giảng

– Những điều phải tin (chính yếu)

– Giáo lý của Giáo Hội và áp dụng vào đời sống xã hội (thứ yếu): Luân lý về đời sống xã hội: nhân phẩm và nhân quyền, phẩm giá của hôn nhân và gia đình. Những bổn phận trong lãnh vực chính trị kinh tế (đ. 768 §1,2). Tất cả phải được trình bày thích hợp với điều kiện của thính giả và nhu cầu của thời đại (đ. 769).

– Tổ chức những tuần tĩnh tâm, đại phúc hoặc những buổi giảng thuyết khác thích hợp với nhu cầu của giáo dân (đ. 770).

Sau khi đã nói tới việc giảng trong nhà thờ, Giáo Luật thêm một điều cho việc giảng dành cho những người vì điều kiện nào đó không thể đến nhà thờ được cũng như những người vô tín ngưỡng trên địa hạt của mình (đ. 771 §1,2).

II. HUẤN GIÁO

Mục đích của Bộ Giáo Luật không phải là trình bày nội dung chi tiết của việc dạy giáo lý, nhưng chỉ muốn xác định những bổn phận của các thành phần dân Chúa phải tham gia vào công tác này.

1. Trách nhiệm huấn giáo

– Đây là bổn phận riêng và trọng đại nhất của các chủ chăn (đ. 773).

– Đây cũng là bổn phận của các phần tử của Giáo Hội, mỗi người theo phần của mình (đ. 774 §1)

– Đặc biệt nhất là các cha mẹ, các người thay thế cha mẹ và các người đỡ đầu (đ. 774 §2).

a. Các mục tử

– Giám mục Giáo phận có nghĩa vụ: ấn định những qui luật về việc huấn giáo, dự liệu những phương tiện thích hợp, kể cả việc soạn thảo sách giáo lý, cổ võ và phối hợp các chương trình giáo lý (đ. 775 §1).

– Ngoài ra, Hội Đồng Giám Mục có thể soạn sách giáo lý toàn quốc, thiết lập văn phòng huấn giáo toàn quốc (đ. 775 §2,3).

b. Các linh mục chính xứ

– Do nhiệm vụ đòi buộc, linh mục chính xứ phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em. Nhiệm vụ của linh mục chính xứ được đề cập cách chi tiết trong điều 777 (đ. 776).

– Dĩ nhiên, để làm tròn nhiệm vụ trên, linh mục chính xứ có thể nhờ cộng sự viên, cả giáo sĩ cũng như giáo dân. Ngài đôn đốc, phối hợp,…

– Linh mục chính xứ phải đặc biệt lo liệu:

+ Huấn giáo thích hợp để cử hành các bí tích.

+ Huấn giáo cho các trẻ em chuẩn bị lãnh các bi tích Thêm sức, Giải tội, Thánh Thể.

+ Huấn giáo cho các trẻ em sâu rộng hơn sau khi rước lễ lần đầu.

+ Huấn giáo cho những người gặp trở ngại về thể xác hay trí khôn.

+ Huấn giáo cho thanh thiếu niên và người lớn.

c. Các Dòng tu

Các bề trên Dòng và các Hội Tông Đồ cũng tương tự như linh mục chính xứ: phải lo liệu dạy giáo lý trong nhà thờ, trường học và cơ sở đã được ủy thác (đ. 778).

d. Các giáo lý viên

Các vị thường quyền sở tại phải đào tạo các giáo lý viên về lý thuyết cũng như thực hành, để họ có thể chu toàn nhiệm vụ (đ. 780).

2. Tài liệu huấn giáo và sách giáo lý

– Việc dạy giáo lý cần được thực hiện bằng tất cả mọi phương tiện hữu hiệu nhất (đ 779), cách riêng là sách giáo lý (đ. 775).

– Mỗi Giám mục có quyền soạn thảo và châu phê sách giáo lý dùng trong Giáo phận (đ. 775 §1).

– Việc soạn thảo và châu phê sách giáo lý chung cho toàn quốc thuộc Hội Đồng Giám Mục và được Đức Giáo Hoàng châu phê (đ. 775 §2).

***

MỤC III

HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI

 

Hoạt động truyền giáo xuất phát từ chính bản chất của Giáo Hội, tức là bản chất của Giáo Hội là truyền giáo, và việc rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ nền tảng của dân Chúa. Nên tất cả các tín hữu, ý thức trách nhiệm của mình, phải tham gia vào công cuộc này (đ. 781).

1. Trách nhiệm truyền giáo

– Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn trong toàn Giáo Hội (đ. 782 §1).

– Giám mục trong Giáo phận mình (đ. 782 §2).

– Cơ quan của Tòa Thánh đặc trách hoạt động truyền giáo là “Bộ Truyền Giảng Phúc Âm Cho Các Dân Tộc” (Bộ Truyền Giáo).

– Các Dòng tu theo cách thức riêng của Dòng mình (đ. 783).

– Các thừa sai là những người được giáo quyền sai đi (đ. 784).

– Các giáo lý viên là những giáo dân được huấn luyện đầy đủ (đ. 758 §1,2).

2. Tiến hành hoạt động truyền giáo

– Dựa theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, hoạt động truyền giáo trước hết nhắm tới những người ở ngoài Kitô giáo.

– Thứ đến, mục tiêu của việc truyền giáo nhằm tới việc rao giảng Tin Mừng và thành lập các Giáo Hội địa phương (đ. 768).

a. Huấn giáo dự tòng

Trong những phương thế để thực thi công tác truyền giáo là đối thoại với người ngoài Kitô giáo bằng chứng tá của đời sống và lời nói, trình bày Tin Mừng theo cách thức phù hợp với tâm thức và văn hóa địa phương. Đây là chặng thứ nhất (đ. 787 §1). Chặng kế tiếp dành cho những ai tỏ ý muốn học biết đạo (đ. 787 §2). Các thừa sai phải để tâm dạy dỗ các chân lý đức tin.

Những chặng đường phải tuân giữ theo phụng vụ và Giáo Luật trong tiến trình học đạo và lãnh nhận các bí tích khai tâm:

– 1/. Ghi danh vào sổ những người dự tòng (đ. 788 §2).

– 2/. Giai đoạn dự tòng: để họ làm quen với đời sống Kitô hữu (đ. 788 §2).

– 3/. Sau khi đã lãnh các bí tích khai tâm: việc huấn giáo vẫn được tiếp tục, để họ được hiểu biết sâu xa hơn (đ. 789).

Hội Đồng Giám Mục phải soạn thảo qui chế về dự tòng, thời gian của giai đoạn này cũng như những bổn phận và quyền lợi của họ (đ. 788 §3).

b. Điều hành

Nhiệm vụ của Giám mục:

– Điều 782 nói tới các Giám mục Giáo phận nói chung.

– Điều 790 dành cho các Giám mục ở trong vùng truyền giáo.

– Điều 791 phác họa những điểm sau:

+ Cổ võ ơn gọi truyền giáo.

+ Đặc cử một linh mục để vận động hữu hiệu các chương trình truyền giáo, đặc biệt là các “Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo”.

+ Mỗi năm cử hành “ngày truyền giáo”.

+ Mỗi năm chuyển về Tòa Thánh số tiền quyên giúp việc truyền giáo.

Điều 792 khuyến khích các Hội Đồng Giám Mục thiết lập và cổ võ các cơ sở, nhằm tiếp đón trong tình anh em, và giúp đỡ mục vụ xứng đáng những người đến vùng của các ngài từ các xứ truyền giáo vì lý do làm việc và học hành.

***

MỤC IV

GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

 

Dẫn nhập

Ba điều 793, 394, 795 là ba điều dẫn nhập, là những nguyên tắc căn bản lập trường của Giáo Hội về giáo dục:

– Nguyên tắc thứ nhất về quyền lợi và bổn phận của cha mẹ (đ. 793).

– Nguyên tắc thứ hai về bổn phận và quyền lợi của Giáo Hội (đ. 794).

– Nguyên tắc thứ ba về quyền của mọi người được hưởng nền giáo dục (đ. 795).

Trong quá khứ, mỗi khi nói tới trách nhiệm giáo dục, các văn kiện của Tòa Thánh đặt Giáo Hội lên hàng đầu, nhưng Công Đồng Vatican II đã đặt ngược lại thứ tự: đứng đầu là cha mẹ, rồi mới tới Giáo Hội và nhà nước.

1. Bổn phận và quyền lợi của cha mẹ

Cha mẹ có quyền và bổn phận giáo dục con em mình (đ. 793 §1). Tương ứng với nghĩa vụ là quyền lợi. Quyền lợi đầu tiên của cha mẹ là được xã hội (gồm cả Giáo Hội) giúp đỡ. Kế đến là quyền được lựa chọn những phương thế thích hợp. Cha mẹ có quyền đòi nhà nước giúp đỡ những gì cần thiết để chu toàn việc giáo dục Công Giáo cho con cái (đ. 793 §2).

2. Bổn phận và quyền lợi của Giáo Hội

– Bổn phận và quyền lợi giáo dục nằm trong chính bản chất của Giáo Hội (đ. 794 §1).

– Trọng trách của Giáo Hội được ủy thác cho các vị chủ chăn (đ. 794 §2) gồm Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các linh mục chính xứ, các vị linh giám cộng đoàn tín hữu. Thực tế vị chủ chăn phải đương đầu trực tiếp hơn cả với vấn đề giáo dục là các linh mục chính xứ (xc. Đ. 528 §1).

Tóm tắt: cha mẹ là những người đầu tiên mang trách nhiệm giáo dục, vì gia đình là môi trường giáo dục chính yếu. Giáo Hội và xã hội trợ lực với cha mẹ trong sứ mạng đó, và môi trường thuận tiện cho hoạt động giáo dục là trường học.

3. Bản chất và mục tiêu của giáo dục Kitô giáo

Giáo dục phải bảo đảm việc huấn luyện toàn diện con người hướng về mục đích tối hậu và cả về thiện ích chung của xã hội.

Trẻ em và thanh niên phải được giáo dục để có thể phát triển điều hòa về mọi tài năng sinh lý, luân lý và trí tuệ; đạt được một ý thức toàn hảo về trách vụ và biết sử dụng tự do cách hợp lý; và được huấn luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội (đ. 795).

I. TRƯỜNG HỌC

1. Tầm quan trọng của nhà trường

Trong số các phương tiện giáo dục, nhà trường có một tầm quan trọng đặc biệt. Các Kitô hữu phải coi nhà trường là sự giúp đỡ chính trong việc giáo dục con em mình (đ. 796 §1).

2. Cha mẹ và trường học

– Lựa chọn trường học cho con cái (đ. 797).

– Hợp tác với các giáo viên (đ. 796 §2).

– Phải gởi con vào trường học Công Giáo (đ. 798).

– Để ý đến việc giáo dục tôn giáo và luân lý (đ. 799).

3. Giáo Hội và trường học

a. Các tín hữu

Nên ủng hộ các trường Công Giáo, nhiệt tình giúp đỡ để xây cất và nâng đỡ các nhà trường Công Giáo (đ. 800 §2). Đây cũng là một cách thức để giúp Giáo Hội thực hiện quyền lợi và bổn phận đối với việc giáo dục thanh thiếu niên (đ. 800 §2).

b. Các Dòng tu

Các Dòng tu có sứ mệnh chuyên môn về giáo dục, phải nỗ lực chu toàn việc giáo dục Công Giáo tại nhà trường của mình thiết lập với sự đồng ý của Giám mục Giáo phận (đ. 801).

c. Giám mục Giáo phận

Có những bổn phận chính sau:

– Lo liệu thiết lập các trường chuyên lo giáo dục theo tinh thần Kitô giáo, gồm cả những trường chuyên nghiệp và kỹ thuật hay những trường khác đáp ứng nhu cầu riêng của địa phương (đ. 802 §1,2). Thế nào là một trường Công Giáo? Việc huấn luyện dựa trên những nguyên tắc giáo lý Công Giáo, do các vị chức trách trong Giáo Hội điều khiển (đ. 803).

– Lo liệu về huấn luyện đạo lý Công Giáo tại các trường Công Giáo (đ. 804).

– Vị thường quyền sở tại có thẩm quyền bổ nhiệm và phê chuẩn các giáo viên dạy tôn giáo, cũng như có quyền triệu hồi các giáo viên ấy khi có một lý do tôn giáo hay phong hóa đòi hỏi (đ. 805).

– Có quyền trông coi và thanh tra các trường Công Giáo trong lãnh thổ, kể cả các trường do các Dòng tu điều khiển (đ. 806 §1).

– Hãy quan tâm tới phẩm chất của trường Công Giáo, đừng để thua kém các trường tại địa phương (đ. 806 §2).

II. CÁC ĐẠI HỌC TÔN GIÁO VÀ CÁC VIỆC THEO HỌC KHÁC

Trong Bộ Giáo Luật cũ, các đại học được xếp trong cùng một chương với các trường học, còn trong Bộ Giáo Luật mới, không những các đại học được tách ra khỏi các trường học mà còn được phân ra hai chương: Đại học “Công Giáo” (chương II) và Đại học “Giáo Hội” (chương III). Hai trường này có sự khác biệt:

– Đại Học Công Giáo là một đại học do giáo quyền thiết lập và điều khiển, gồm những phân khoa như bất cứ đại học nào khác (văn khoa, luật khoa, y khoa, khoa học,…)

– Đại Học Giáo Hội cũng do giáo quyền thiết lập và điều khiển, nhưng với những phân khoa chuyên biệt về khoa học thánh (Kinh Thánh, Thần Học, Giáo Luật,…).

Dĩ nhiên, có trường hợp một đại học vừa là “Công Giáo” vừa là “Giáo Hội” khi hội đủ hai điều kiện trên, thí dụ: Louvain ở Bỉ, Santo Tomas ở Manila, Philippine. Nhưng có nhiều trường hợp, một đại học chỉ mang một dạng thức thôi, thí dụ đại học Đà Lạt trước đây là một Đại Học Công Giáo, nhưng không phải là “Giáo Hội”, còn Học viện Piô X trước đây là một phân khoa “Giáo Hội” (trực thuộc đại học Gregoriana ở Rôma) chứ không phải là một Đại Học Công Giáo.

1. Thành lập

Giáo Hội có quyền thành lập và điều hành các Đại Học Công Giáo với ba mục tiêu: – phát triển văn hóa của nhân loại – thăng tiến toàn diện con người – cộng tác vào sứ mạng giáo huấn của Giáo Hội (đ. 807).

Giáo Luật không dành việc thành lập và điều hành các Đại Học Công Giáo cho Tòa Thánh. Việc này có thể do Hội Đồng Giám Mục, một Giám mục, một Dòng tu, kể cả một giáo dân. Nhưng để được nhìn nhận là “Công Giáo”, thì cần sự đồng ý của nhà chức trách của Giáo Hội (đ. 808).

Hội Đồng Giám Mục nên lo liệu cho có sự hiện diện của Giáo Hội ở lãnh vực đại học qua việc thành lập các đại học, phân khoa, được phân phối thích đáng trong lãnh thổ (đ. 809).

2. Điều hành

Mỗi đại học được điều hành bằng một qui chế hay nội qui riêng. Được luật pháp quốc gia nhìn nhận để có thể hoạt động như một pháp nhân và để cho các văn bằng có giá trị. Qui chế cũng cần được giáo quyền phê chuẩn và nhìn nhận để được mang tính cách là “Công Giáo”. Qui chế phải ấn định mục tiêu, phương thức hoạt động, các cơ quan điều hành… Giáo Luật chỉ bàn về những điều sau:

a. Chương trình học

– Các Giám mục cần theo dõi để các nguyên tắc đạo lý được tuân thủ nghiêm chỉnh tại các Đại Học Công Giáo (đ. 810 §2).

– Cần lo liệu có những lớp Thần Học dành cho giáo dân cũng như những lớp thảo luận về các vấn đề Thần Học (đ. 811).

b. Ban giảng huấn

– Các giáo sư cần có đời sống thanh liêm và học thuyết lành mạnh (đ. 810 §1),

– Nhất là các giáo sư Thần Học, cần lãnh một ủy nhiệm thư đặc biệt (đ. 812). Có thể bị thu hồi.

c. Các sinh viên

– Cần lưu ý tới mục vụ cho họ, bằng cách bổ nhiệm các tuyên úy, hay xin Giám mục Giáo phận thiết lập một giáo xứ trong khuôn viên đại học (đ. 813).

Những qui luật về đại học cũng được áp dụng cho các viện cao học khác (đ. 814).

III. CÁC ĐẠI HỌC VÀ CÁC PHÂN KHOA CỦA GIÁO HỘI

– Đại Học Công Giáo nhằm tới việc đối thoại với văn hóa nhân loại.

– Đại Học Công Giáo nhằm truyền thụ chân lý mặc khải, nhưng cũng có những đại học bao gồm cả hai.

1. Định nghĩa

– Đại Học Công Giáo là đại học nghiên cứu và dạy các thánh khoa nhằm đào sâu các chân lý mặc khải (đ. 815).

– Các thánh khoa là: Kinh Thánh, Thần Học, Giáo Luật, Triết Học, đó là những ngành chính. Ngoài ra còn có những ngành liên hệ là văn chương Kitô giáo cổ điển, Giáo phụ, Giáo sử, Phụng vụ, Thánh nhạc, Tâm lý, Giáo dục, Xã hội học.

Lưu ý:

– Các sinh viên theo học đa số là chủng sinh và linh mục, nhưng mục tiêu khác với Chủng viện. Chủng viện nhằm đào tạo các linh mục về tu đức, mục vụ, còn đại học nhằm nghiên cứu và đào tạo các giáo sư tương lai.

– Các đại học mở cửa cho hết mọi người nam và nữ. Còn Chủng viện chỉ nhận ứng sinh linh mục.

– Còn “phân khoa” thì phải trực thuộc một đại học nào đó. Tuy nhiên, Tòa Thánh có thể lập một phân khoa tự trị (không lệ thuộc đại học nào), hay một phân khoa Thần Học trong một đại học quốc gia.

2. Thành lập

– Trong khi Đại Học Công Giáo có thể được thành lập và điều khiển bởi Hội Đồng Giám Mục, một Giám mục và một Dòng tu hay giáo dân, thì việc thành lập các đại học và phân khoa Giáo Hội được dành riêng cho Tòa Thánh (đ. 816 §1).

– Việc thành lập bao hàm việc ban quyền được cấp văn bằng theo Giáo Luật (đ. 817).

3. Điều hành

a/. Mỗi đại học hay phân khoa Giáo Hội được điều hành bởi một qui chế, và được Tòa Thánh phê chuẩn và duyệt xét cả chương trình học (đ. 816 §2).

b/. Sự lệ thuộc của các Đại Học Công Giáo đối với giáo quyền rất chặt chẽ, biểu lộ qua thủ tục bổ nhiệm giáo sư (đ. 818), bãi nhiệm giáo sư và những gì liên quan đến sinh viên.

c/. Các Giám mục, bề trên Dòng hãy gửi các thanh niên, giáo sĩ và tu sĩ có tư cách, đức hạnh và tài năng đến các đại học hay phân khoa Giáo Hội (đ. 819).

Ngoài ra, Giáo Luật kêu gọi các đại học, các phân khoa hãy cộng tác với nhau, kể cả những đại học và phân khoa không Công Giáo, để cùng nhau nghiên cứu giúp cho các khoa học tiến bộ thêm (đ. 820).

Hội Đồng Giám Mục và Giám mục Giáo phận phải trù liệu để thành lập các Viện cao học về các khoa học tôn giáo, trong đó có dạy các môn Thần Học và các môn khác liên quan đến nền văn học Kitô giáo (đ. 821).

***

MỤC V

CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

VÀ CÁCH RIÊNG SÁCH BÁO

 

I. CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Giáo Hội được quyền sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội:

– Các chủ chăn hãy biết sử dụng chúng vào việc chu toàn phận vụ giảng huấn (đ. 822 §1).

– Các chủ chăn có nghĩa vụ phải giải thích cho các tín hữu biết nghĩa vụ của họ, trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (đ. 822 §2).

– Các tín hữu, nhất là những người hoạt động trong ngành truyền thông, phải biết sử dụng những phương thế đó, để cộng tác vào hoạt động mục vụ của Giáo Hội (đ. 822 §3).

– Thẩm quyền của Hội Đồng Giám Mục trong việc ban hành những qui luật cần thiết, dành cho các linh mục và tu sĩ tham dự vào việc trình bày đức tin và luân lý Công Giáo, trong các chương trình truyền thanh và truyền hình (đ. 831 §2).

II. VỀ SÁCH BÁO

1. Thẩm quyền kiểm duyệt

– Thuộc về các Giám mục, hoặc riêng rẽ hoặc họp nhau trong các Công Đồng địa phương và Hội Đồng Giám Mục. Tòa Thánh cũng có quyền kiểm duyệt sách và độc quyền phát hành và phê chuẩn vài loại sách báo (đ. 823 §1,2).

– Cụ thể, nếu luật không dành riêng cho cấp cao hơn, thì thường xuyên thẩm quyền ban cấp phép hay phê chuẩn ấn phẩm, là vị thường quyền sở tại của tác giả hay là ở nơi xuất bản (đ. 824 §1,2).

Lưu ý:

– Vị thường quyền sở tại, chứ không nói Giám mục Giáo phận, nên Vị Tổng đại diện cũng có quyền.

– Tác giả có thể chọn: vị thường quyền riêng (nơi mình ở), hoặc vị thường quyền nơi xuất bản (chứ không phải nơi ấn hành).

2. Các loại ấn phẩm cần kiểm duyệt

Trong Bộ Giáo Luật cũ, hầu như tất cả các ấn phẩm đạo đều cần phải kiểm duyệt. Trong Bộ Giáo Luật mới, chỉ giới hạn vào những loại sau:

a. Kinh Thánh

– Việc ấn hành Sách Thánh cần có sự phê chuẩn của Tòa Thánh hay Hội Đồng Giám Mục.

– Việc phiên dịch, cùng với chú giải cần thiết, cũng cần sự phê chuẩn của thẩm quyền trên (đ. 825 §1).

– Những bản dịch Kinh Thánh chung với các anh em ngoài Công Giáo, cần có phép của Hội Đồng Giám Mục (đ. 825 §2).

b. Sách phụng vụ

– Việc phát hành nguyên bản thuộc Tòa Thánh.

– Việc phiên dịch thuộc Hội Đồng Giám Mục, nhưng cần được Tòa Thánh duyệt y (đ. 826 §1).

– Việc in lại các sách phụng vụ, in toàn phần hay một phần bản dịch của sách phụng vụ, cần được vị thường quyền sở tại ở nơi xuất bản chứng thực là phù hợp với nguyên bản (đ. 826 §2).

c. Các sách kinh nguyện

– Dù dùng nơi công cộng hay tư riêng, cần được phép của vị thường quyền sở tại (đ. 826 §3).

d. Các sách giáo lý

– Nếu là toàn quốc do Hội Đồng Giám Mục soạn, cần sự phê chuẩn của Tòa Thánh (đ. 775 §2).

– Nếu lưu hành trong Giáo phận, cần phê chuẩn của vị thường quyền sở tại (đ. 826 §3).

e. Các sách vở và tài liệu viết về tôn giáo và luân lý

– Cần có phép hay phê chuẩn của nhà chức trách có thẩm quyền, thì mới được trưng bày bán hoặc tặng, ở các nhà thờ và nhà nguyện (đ. 827 §3).

– Những sách viết về Kinh Thánh, Thần Học, Giáo Luật và nói chung về Tôn giáo và Luân lý… luật không bắt buộc mà chỉ khuyên nên đưa cho vị thường quyền sở tại kiểm duyệt (đ. 827 §3).

f. Tái bản

– Những sưu tập các sắc lệnh hoặc văn kiện do giáo quyền ấn hành, cần phải được phép của thẩm quyền đó (đ. 828), thí dụ: in lại Bộ Giáo Luật (nguyên bản Latin) do Tòa Thánh xuất bản thì phải xin phép Tòa Thánh.

3. Thủ tục kiểm duyệt

a/. Sách phải được đưa kiểm duyệt trước khi in. Nhưng đó là khi cần phải xin phép để in, còn sự phê chuẩn thì chỉ có thể cấp sau khi sách đã xuất bản (đ. 827 §2,4).

b/. Phép in hay sự phê chuẩn chỉ có giá trị cho lần xuất bản thứ nhất, chứ không có giá trị cho những lần tái bản có sửa chữa hay cho bản dịch ra ngôn ngữ khác (đ. 829). Nếu chỉ in lại nguyên văn thì không cần xin phép.

c/. Thủ tục như sau:

– Vị thường quyền sở tại được tự do chọn lựa một hay nhiều kiểm duyệt viên mà mình tín nhiệm.

– Hội Đồng Giám Mục có thể thảo ra một danh sách các kiểm duyệt viên đặt dưới sự điều động của các vị thường quyền, hoặc thiết lập một ủy ban kiểm duyệt để các vị thường quyền có thể thỉnh ý (đ. 830 §1).

– Khi thi hành phận vụ, kiểm duyệt viên phải gạt ra mọi thiện cảm cá nhân. Nếu kiểm duyệt viên thuận, thì vị thường quyền sở tại có thể cho phép in, phép phải được cấp bằng văn bản.

– Khi in phải đề rõ danh tánh của thẩm quyền cho phép, chứ không phải của kiểm duyệt viên, cũng như ngày tháng được phê chuẩn.

– Trong hoàn cảnh đặc biệt, Giám mục Giáo phận có thể miễn chuẩn điều kiện này (xc. Đ. 87 §1).

d/. Từ chối phê chuẩn:

Nếu vị thường quyền không cho phép thì sao? Có nhiều lối thoát:

– Một là xin vị thường quyền chỉ định một kiểm duyệt viên khác,

– Hai là xin phép vị thường quyền khác, nhưng phải nói rõ về việc đã bị một vị thường quyền khác từ chối, nếu không thì phép sẽ vô hiệu.

– Vị thường quyền có thể rút phép lại.

4. Phụ thêm

Trên đây nói về những loại sách nào cần kiểm duyệt. Hai điều chót nói về những hạng người cần được kiểm duyệt, đó là giáo sĩ và tu sĩ.

a/. Sử dụng phương tiện kỹ thuật:

– Khi tham dự các buổi truyền thanh và truyền hình về các vấn đề liên hệ tới giáo lý Công Giáo và phong hóa, các giáo sĩ và tu sĩ cần theo những qui luật mà Hội Đồng Giám Mục đã ra (đ. 831 §2).

– Nếu không có phép của vị thường quyền sở tại, họ không được viết bài đăng trong những tờ báo, tạp chí hay tập san thường hay bài xích đạo Công Giáo và phong hóa (đ. 831 §1).

b/. Riêng các tu sĩ, do lời khấn vâng lời, còn phải tuân theo những qui luật của Hiến Pháp về việc xin phép để in (đ. 832).

***

MỤC VI

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

 

1. Những người buộc phải tuyên xưng đức tin

Đây là việc tuyên xưng đức tin, mà Giáo Luật buộc những người được bổ nhiệm vào một số chức vụ trước khi họ nhận chức. Những người này buộc phải đích thân tuyên xưng đức tin, theo công thức đã được Tòa Thánh châu phê (xc. đ. 883).

– Tất cả những người tham dự Công Đồng hoàn vũ hay địa phương, Thượng Hội Đồng Giám Mục hay Hội Đồng Giáo phận. Các thành viên tuyên xưng trước mặt vị chủ tọa, và vị chủ tọa tuyên xưng trước đại hội.

– Những người được tiến cử lên chức Hồng y. Việc tuyên xưng diễn ra theo nội qui Hồng y đoàn.

– Những người được tiến cử làm Giám mục Giáo phận hay chức vị tương đương, họ sẽ tuyên xưng trước mặt vị đại diện Tòa Thánh.

– Giám quản Giáo phận: tuyên xưng trước mặt Hội Đồng Tư Vấn.

– Tổng đại diện, các đại diện Giám mục, đại diện tư pháp: tuyên xưng trước mặt Giám mục hoặc một đại diện của ngài.

– Các linh mục chính xứ, linh mục giám đốc và các giáo sư dạy triết, thần trong Chủng viện, các người tiến lên chức phó tế: trước mặt vị thường quyền sở tại hay đại diện của ngài.

– Viện trưởng Đại Học Giáo Hội hay Đại Học Công Giáo: trước chưởng ấn hay trước vị thường quyền sở tại hoặc đại diện.

– Các giáo sư Đại Học dạy những môn liên hệ đến đức tin và phong hóa: trước Viện trưởng nếu là một tư tế. Nếu không thì trước vị thường quyền sở tại hoặc đại diện. Ngoài ra, còn buộc phải tuyên xưng đức tin trước khi lãnh văn bằng cử nhân, tiến sĩ.

– Các Bề trên trong các Dòng tu và Hội Đời Sống Tông Đồ, chiếu theo Hiến Pháp (bao gồm tất cả Dòng giáo sĩ lẫn giáo dân nam nữ. Hiến Pháp có thể giới hạn vào các bề trên cao cấp).

2. Công thức tuyên xưng

Từ ngày 01-03-1989, bắt đầu áp dụng công thức được Bộ Giáo lý đức tin ban hành ngày 09-01-1989. Bản văn gồm hai phần:

– Tuyên xưng đức tin.

– Tuyên thệ tận tụy với nhiệm vụ.