Giải Thích Bộ Giáo Luật – Quyển IV: Nhiệm Vụ Thánh Hóa Của Giáo Hội (1)

0
4554


GIẢI THÍCH

BỘ GIÁO LUẬT NĂM 1983

CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Tác giả: Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

***

***

QUYỂN IV

NHIỆM VỤ THÁNH HÓA CỦA GIÁO HỘI

—***—

MỤC V

BÍ TÍCH SÁM HỐI

 

I. BẢN CHẤT

– Thú tội với một tác viên hợp pháp.

– Hối hận về những tội đã phạm và dốc lòng sửa chữa.

– Được Thiên Chúa tha thứ và giao hòa với Giáo Hội.

II. CỬ HÀNH

1. Phải xưng tội cá nhân (đ. 960)

2. Không được giải tội tập thể, trừ:

a/. Trường hợp nguy tử và không đủ giờ cho một hay nhiều Linh mục để giải tội.

b/. Trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, số người xưng tội đông quá mà không có đủ Linh mục (ngày lễ lớn hay một cuộc hành hương, không đủ lý do để giải tội tập thể) (đ. 961 §1). Chỉ Giám mục Giáo phận có quyền xác định trường hợp nào là khẩn cấp (đ. 961 §2).

3. Buộc phải xưng tội riêng tất cả những tội trọng vừa được tha nhờ ơn giải tội tập thể và phải đi xưng ngay khi có thể trước khi lãnh một ơn tha tội tập thể khác (đ. 963).

4. Nơi dành riêng để xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện (đ. 964 §1). Tòa giải tội phải đặt ở nơi dễ thấy có chắn song (đ. 964 §2). Không được giải tội ở ngoài tòa giải tội, trừ khi có lý do chính đáng (đ. 964 §3).

5. Bí tích Giải Tội có thể cử hành bất cứ giờ nào và ngày nào. Tuy nhiên khuyên các Linh mục hãy ấn định ngày giờ (đ. 986 §1).

III. TÁC VIÊN

1. Chỉ có Linh mục là tác viên Bí tích Giải Tội (đ. 965).

2. Ngoài quyền thánh chức, Linh mục còn phải có năng quyền thi hành thánh chức (đ. 966 §1). Năng quyền hoặc do luật hoặc do thẩm quyền ban cho (đ. 966 §2).

3. Đức Giáo hoàng, Hồng y, Giám mục có năng quyền do chính luật ban cho, nên có quyền giải tội khắp thế giới và thi hành quyền đó mãn đời (đ. 967 §1).

4. Những ai nhận được năng quyền theo chức vụ, bao lâu còn giữ chức vụ thì bấy lâu có quyền giải tội khắp thế giới, khi mãn chức vụ thì cũng mất quyền đó. Những chức vụ mang theo năng quyền giải tội là: vị thường quyền sở tại, kinh sĩ xá giải, các Linh mục chính xứ, những người thay thế Linh mục chính xứ. Mỗi người có năng quyền giải tội trong địa hạt của mình (đ. 968 §1). Các bề trên dòng giáo hoàng có quyền giải tội cho những người cư trú trong nhà (đ. 968 §2).

5. Chỉ vị thường quyền sở tại có thẩm quyền ban năng quyền cho bất cứ Linh mục nào, giải tội cho bất cứ tín hữu nào (đ. 969 §1). Các bề trên dòng có quyền ban cho bất cứ Linh mục nào có quyền giải tội cho những người sống trong nhà (đ. 969 §2).

6. Quyền giải tội thường xuyên phải được ban bằng giấy tờ (đ. 973). Chỉ nên ban năng quyền giải tội cho những Linh mục xứng đáng bằng một cuộc sát hạch (đ. 970).

7. Năng quyền giải tội có thể chấm dứt vì nhiều lý do khác nhau (đ. 975):

a/. Nhận năng quyền theo chức vụ, khi mãn chức vụ thì cũng mất năng quyền ấy.

b/. Năng quyền được cấp trong một thời hạn nhất định, khi mãn hạn thì cũng hết năng quyền.

c/. Khi đổi cư sở hay Giáo phận nhập tịch, thì cũng mất năng quyền giải tội khắp nơi.

d/. Khi năng quyền bị rút lại.

e/. Linh mục bị vạ tuyệt thông, cấm chế, huyền chức, cấm cử hành các Bí tích.

8. Trường hợp hối nhân nguy tử, bất cứ Linh mục nào, dù không có năng quyền vẫn có thể giải tội hữu hiệu và hợp pháp (đ. 976).

9. Linh mục không được giải tội cho người đồng lõa với mình về tội điều răn thứ 6 (đ. 977). Giải tội không thành mà còn mắc vạ tuyệt thông tức khắc (xc. đ. 1378 §1).

10. Ấn tích giải tội là điều bất khả vi phạm. Linh mục giải tội phải tuyệt đối giữ bí mật vì bất cứ lý do gì (đ. 983).

11. Linh mục giải tội cũng không được sử dụng những điều biết được trong tòa giải tội để là hại hối nhân cho dù không có nguy cơ tiết lộ (đ. 984 §1).

12. Vị Giáo tập và phụ tá, Giám đốc chủng viện hay một cơ sở giáo dục, không được giải tội cho người thuộc quyền (đ. 985).

IV. HỐI NHÂN

1. Để được lãnh Bí tích Giải Tội, hối nhân phải:

– Thành tâm bỏ tội đã phạm.

– Quyết chí sửa mình, trở về với Chúa (đ. 987).

2. Phải xưng mọi thứ và đủ số các tội trọng (đ. 988 §1). Khuyên xưng cả những tội nhẹ nhất nữa (đ. 988 §2).

3. Buộc xưng tội một năm ít là một lần (đ. 989).

– Chỉ buộc người phạm tội trọng.

– Có thể chu toàn luật buộc này bất cứ lúc nào trong năm, tức là không buộc phải xưng trong Mùa Phục sinh.

– Do luật buộc rước lễ trong Mùa Phục Sinh, nên gián tiếp buộc phải xưng trong Mùa Phục sinh.

4. Không cấm và cũng không buộc dùng thông ngôn (đ. 990).

5. Sau khi xưng tội phải làm việc đền tội như Linh mục giải tội đã chỉ định (đ. 981).

V. ÂN XÁ

1. Định nghĩa

Ân xá là sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt tạm thời vì các tội lỗi đã được xóa bỏ (đ. 992).

2. Phân loại

Có hai loại, toàn phần và bán phần (đại xá và tiểu xá). Là tha hoàn toàn hình phạt hay chỉ tha một phần (đ. 993).

3. Quyền ban ân xá

Đức Giáo hoàng đích thân hay qua tòa ân giải Tòa Thánh, có quyền ban ân xá trong toàn Giáo Hội (đ. 995 §1). Các Hồng y, Thượng phụ, Giám mục chỉ có quyền ban ân xá bán phần cho những người hay những nơi dưới quyền. Các ngài chỉ có quyền ban phép lành Tòa Thánh với ơn đại xá một năm ba lần vào dịp lễ trọng (đ. 995 §2).

4. Điều kiện để hưởng ân xá

– Tín hữu nào cũng có thể hưởng ân xá (đ. 994).

– Người đã Rửa Tội, không bị vạ tuyệt thông, sạch tội trọng, có ý muốn hưởng ân xá, làm những việc như đọc kinh nào đó hoặc viếng nhà thờ, và theo cách thức giáo quyền ấn định (đ. 996).

– Đó là để hưởng ân xá nói chung, còn để được hưởng ơn đại xá, còn phải thêm 3 điều kiện nữa: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng (được diễn tả qua việc đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Tin Kính).

– Mỗi người có thể lãnh ân xá cho mình, nhưng còn có thể áp dụng cho người qua đời nữa (đ. 994).

***

MỤC VI

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

 

I. BẢN CHẤT

– Gồm việc xức dầu và lời cầu nguyện.

– Người lãnh nhận Bí tích này là người bệnh chứ không phải là người sắp chết.

– Mục đích: xin Chúa chữa lành, ban sức mạnh chống trả các cám dỗ, biết kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa (đ. 998).

II. CỬ HÀNH

– Xem sách Nghi Thức Xức Dầu. Có 6 mẫu thức khác nhau, tùy hoàn cảnh của người lãnh nhận như bệnh, già yếu, nguy tử, hấp hối.

– Chất liệu: dầu ô-liu hay dầu thảo mộc khác được làm phép.

– Xức dầu trên trán và hai bàn tay bệnh nhân theo hình thánh giá.

Trường hợp khẩn cấp chỉ cần xức dầu mà không cử hành những phần khác (đ. 1000).

Có thể cử hành cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc (đ. 1002).

III. TÁC VIÊN

1. Tác viên làm phép dầu

– Giám mục hay những vị có quyền tương đương như Đại diện Tông Tòa, Giám quản Giáo phận.

– Bất cứ Linh mục nào trong trường hợp nguy cấp trong chính lúc cử hành (đ. 999).

2. Tác viên cử hành Bí tích Xức Dầu

Chỉ có Linh mục mới có thể ban Bí tích Xức Dầu (đ. 1003).

IV. THỤ NHÂN

– Là tín hữu đã biết sử dụng trí khôn, khi họ lâm cơn hiểm nghèo vì bệnh tật hay già yếu (đ. 1004 §1).

– Đã xức dầu, rồi khỏi bệnh, sau đó bị bệnh lại, có thể xức dầu nữa (đ. 1004 §2).

– Khi hồ nghi bệnh nhân đã đủ khôn chưa hay bệnh có nguy hiểm không, nên xức dầu (đ. 1005).

– Ban Bí tích này khi bệnh nhân còn tỉnh táo (đ. 1006).

– Không được ban cho những người cố chấp trong tội công khai (đ. 1007).

V. THỜI GIAN

Các chủ chăn và các thân nhân của bệnh nhân phải lo cho bệnh nhân được lãnh Bí tích này vào lúc thuận lợi (đ. 1001). Không nên để khi sắp chết hay hấp hối. Vì thế khi bệnh nặng, có thể lo liệu cho bệnh nhân lãnh ngay.

***

MỤC VII

BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

 

I. BẢN CHẤT

1. Định nghĩa

– Được Thiên Chúa thiết lập.

– Một số tín hữu được đặt làm thừa tác viên thánh.

– Ghi ấn tích không thể xóa nhòa.

– Được thánh hiến.

– Tùy theo cấp bậc thay mặt Chúa Kitô dẫn dắt dân Chúa, bằng các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo (đ. 1008).

2. Cấp bậc

Các chức thánh gồm: Giám mục, Linh mục và Phó tế (đ. 1009 §1).

3. Những yếu tố cấu thành việc truyền chức

Trao chức thánh bằng việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến riêng (đ. 1009 §2).

II. CỬ HÀNH

– Thời gian: Trong thánh lễ Chúa Nhật hay lễ buộc. Vì lý do mục vụ, có thể cử hành vào ngày nào cũng được (đ. 1010).

– Nơi chốn: Tại nhà thờ Chính tòa. Vì lý do mục vụ, có thể tại nhà thờ hay nhà nguyện khác (đ. 1011, §1).

– Nghi thức: Nghi thức truyền chức có sách riêng.

III. TÁC VIÊN

Là Giám mục đã được thụ phong (đ. 1012).

1. Truyền chức Giám mục

– Phải có ủy nhiệm thư của Tòa Thánh (đ. 1013).

– Cần có thêm hai Giám mục phụ phong (đ. 1014).

2. Truyền chức Linh mục và Phó tế

Do chính Giám mục của mình hay có giấy giới thiệu hợp pháp của cơ quan có thẩm quyền (đ. 1015). Đối với các Tu sĩ thuộc Tu hội Dòng giáo sĩ hoặc Hội Đời Sống Tông Đồ thuộc quyền Giáo hoàng là Bề trên Cao Cấp.

IV. THỤ NHÂN

1. Để lãnh chức thánh hữu hiệu

– Là người đã lãnh Bí tích Rửa Tội.

– Là nam giới (đ. 1024).

2. Để lãnh chức thánh cách hợp pháp

– Ứng viên phải có ơn thiên triệu (đ. 1025).

– Phải hoàn toàn tự do (đ. 1026).

– Qua thời gian huấn luyện cần thiết (đ. 1027).

* Tuổi:

– Phó tế: 23 tuổi

– Phó tế vĩnh viễn chưa kết hôn: 25 tuổi

– Phó tế vĩnh viễn đã kết hôn: 35 tuổi

– Linh mục: 25 tuổi

– Giám mục: 35 tuổi

Về Phó tế và Linh mục có thể xin Tòa Thánh chuẩn chước nếu thiếu quá 1 tuổi.

Chuẩn chước tuổi đối với chức Giám mục không được đặt ra (đ. 1031).

– Ứng viên Phó tế phải học xong 5 năm triết và thần học, còn Linh mục phải học xong 6 năm (đ. 1032 §1).

– Phó tế trước khi lãnh chức Linh mục phải qua một thời gian thích hợp để thực tập chức thánh của mình do Giám mục hay Bề trên Cao Cấp ấn định (đ. 1032 §2).

– Ứng viên Phó tế vĩnh viễn phải hoàn tất thời gian huấn luyện (đ. 1032, §3).

– Đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức (đ. 1033).

– Đã được tiếp nhận vào hàng ứng viên qua một nghi lễ phụng vụ (đ. 1034 §1). Các phần tử đã khấn trong các tu hội giáo sĩ không buộc phải có nghi thức này (đ. 1034 §2).

– Đã lãnh tác vụ đọc sách và giúp lễ (đ. 1035 §1).

– Giữa tác vụ giúp lễ và Phó tế cần cách quãng là 6 tháng (đ. 1035 §2). Giám mục Giáo phận có thể chuẩn chước thời gian cách quãng. Khoảng cách từ chức Linh mục và Giám mục là 5 năm.

– Phải tự tay viết đơn lên Giám mục hay Bề trên Cao Cấp để xin chịu chức (đ. 1036).

– Phải tĩnh tâm ít là 5 ngày trọn (đ. 1039).

3. Những ngăn trở chịu chức thánh

Những ứng viên mắc những ngăn trở sau đây phải bị loại trừ, không được lãnh chức thánh:

A. Ngăn trở vĩnh viễn (bất hợp luật để chịu chức):

1/. Người điên khùng hay mắc bệnh tâm thần

2/. Bội giáo, lạc giáo hay ly giáo

3/. Đã kết hôn, dù chỉ là kết hôn dân sự

4/. Phạm tội cố sát hoặc đồng lõa phá thai có hiệu quả

5/. Người chủ tâm cưa cắt thân thể của mình hay của người khác cách nặng nề, hoặc đã mưu toan tự vẫn

6/. Đã thi hành một hành vi thánh chức dành riêng cho Giám mục hay Linh mục, khi không có chức thánh đó, hay đã có chức thánh nhưng đã bị cấm thi hành do một hình phạt Giáo luật đã tuyên bố hay tuyên kết (đ. 1041).

B. Ngăn trở tạm thời để chịu chức:

1/. Người có vợ, trừ khi được tiến cử hợp lệ lên chức Phó tế vĩnh viễn.

2/. Người đang đảm nhiệm một chức vụ hay một việc quản trị có kèm theo việc tường trình mà Giáo luật điều 285 và 286 cấm các giáo sĩ. Ngăn trở này chấm dứt khi đương sự hết đảm nhiệm những công việc đó hay đã hoàn thành việc tường trình.

3/. Người tân tòng, trừ khi vị thường quyền xét thấy họ đã vững vàng (đ. 1042).

Các tín hữu có nhiệm vụ báo cho vị thường quyền hay Linh mục chính xứ biết người mắc ngăn trở (đ. 1043).

C. Những người sau đây bất hợp lệ để thi hành chức thánh đã lãnh nhận:

1/. Người đã lãnh chức thánh cách bất hợp pháp đang khi ở trong tình trạng bất hợp luật để lãnh chức thánh.

2/. Người mắc tội phạm nói ở điều 1041 triệt 2 nếu là tội phạm công khai.

3/. Người mắc tội phạm nói ở điều 1041 triệt 3,4,5,6 (đ. 1044 §1).

D. Những người sau đây bị ngăn trở không được thi hành chức thánh:

1/. Người đã lãnh chức thánh cách bất hợp pháp đang khi còn bị ngăn trở không được lãnh chức thánh.

2/. Người điên hay mắc bệnh tâm thần nói ở điều 1041 triệt 1 cho đến khi vị thường quyền cho phép thi hành chức thánh, sau khi bàn hỏi ý kiến của nhà chuyên môn (đ. 1044 §2).

4. Những ngăn trở được chuẩn chước

Ai mắc những ngăn trở trên đây thì không được chịu chức hay thi hành chức thánh. Nhưng vì là luật của Giáo Hội nên nhà lập pháp dự trù việc chuẩn chước trong các điều từ 1047-1049.

Tòa Thánh dành việc chuẩn chước những ngăn trở sau:

1/. Những ngăn trở gắn liền với một sự kiện (hiểu là một trọng tội) đã bị truy tố ra tòa án.

2/. Những ngăn trở phát xuất từ những tội phạm công khai sau: bội giáo, lạc giáo, ly giáo.

3/. Ngăn trở phát xuất từ tội phạm cố sát và tham gia phá thai, dù công khai hay kín đáo.

4/. Ngăn trở phát xuất từ việc đã kết hôn.

Những trường hợp mà Tòa Thánh không dành cho mình, thì vị thường quyền (nghĩa là kể cả Bề trên Cao Cấp các Dòng tu giáo sĩ thuộc luật Giáo hoàng) có thể chuẩn chước.

IV. NHỮNG CHỨNG THƯ CẦN THIẾT VÀ VIỆC ĐIỀU TRA

A. Để được gọi lên chức thánh phải có các văn thư sau:

1/. Chứng thư Rửa Tội và Thêm Sức.

2/. Chứng thư về học trình Triết học và Thần học.

3/. Chứng thư tác vụ đọc sách và giúp lễ (nếu lãnh Phó tế).

4/. Chứng thư Phó tế (nếu lãnh Linh mục).

5/. Chứng thư hôn thú và tờ thỏa thuận của người vợ (nếu lãnh Phó tế vĩnh viễn) (đ. 1040).

B. Về việc điều tra, cần có:

1/. Chứng thư của Giám đốc Đại Chủng Viện.

2/. Chứng thư tình trạng sức khỏe (đ. 1051).

C. Sau khi chịu chức:

1/. Việc truyền chức phải được ghi vào sổ riêng của Tòa Giám mục (đ. 1053 §1).

2/. Thông báo việc truyền chức cho Linh mục chính xứ nơi Rửa Tội, để ghi và sổ Rửa Tội (đ. 1054).

3/. Các tân chức cần nhận chứng thư đã lãnh chức thánh (đ. 1053 §2).

***

MỤC VIII

BÍ TÍCH HÔN NHÂN

(Bàn về Hôn nhân và Gia đình)

 

I. DẪN NHẬP

1. Bản chất của hôn nhân

– Là một giao ước giữa một người nam và một người nữ. Giao ước giữa hai người đã Rửa Tội là một Bí tích.

– Làm thành một cộng đồng sống chung với nhau suốt đời, để chia sẻ sự sống và tình yêu hầu nâng đỡ nhau và sinh dưỡng con cái (đ. 1055 §1,2).

2. Đặc tính chính yếu của hôn nhân

– Duy nhất: một vợ một chồng.

– Vĩnh viễn: chung thủy suốt đời (đ. 1056).

3. Yếu tố cấu tạo nên hôn nhân

– Sự ưng thuận giữa hai người nam nữ.

– Sự ưng thuận này là một hành vi của ý chí (đ. 1057 §1,2), tức là phải hội đủ 5 điều kiện sau:

+ Có ý thức (hiểu biết)

+ Tự do: không bị áp lực nào

+ Hỗ tương: đôi bên phải ưng thuận

+ Tỏ ra bên ngoài bằng một dấu hiệu

+ Tuyệt đối chắc chắn: không đặt điều kiện nào.

4. Quyền kết hôn

– Tất cả những ai không bị luật cấm đều có thể kết hôn (đ. 1058).

– Điều luật này khẳng định quyền kết hôn của người ta theo luật tự nhiên.

5. Quyền của Giáo Hội

Giáo luật chỉ ràng buộc các đôi hôn nhân Công giáo, dù là cả hai hoặc chỉ có một người là Công giáo. Do đó, những người ngoài Công giáo, cho dù đã Rửa Tội (thí dụ: các tín hữu Kitô nhưng thuộc các Giáo Hội không thông hiệp với Giáo Hội Công giáo) thì không bị chi phối bởi Giáo luật (đ. 1059).

6. Ân huệ của luật pháp

Hôn nhân được hưởng sự bảo vệ của pháp luật, bởi đó, trong trường hợp hồ nghi, giá trị của hôn nhân được nhìn nhận bao lâu chưa chứng minh ngược lại (đ. 1060).

7. Vài từ ngữ

– Hôn nhân thành sự (thành hiệu, thành nhận, hay hữu hiệu): khi hội đủ các điều kiện của Giáo luật, nghĩa là hội đủ 3 điều kiện: không mắc ngăn trở – tự do ưng thuận – kết hôn diễn ra theo thể thức luật định (đ. 1061 §1).

– Hôn nhân thành toại (hoàn hợp): khi hai người đã giao hợp (đ. 1061 §2).

– Hôn nhân vô hiệu: khi thiếu một trong những điều kiện luật định.

– Hôn nhân ngộ tín (giả định = hôn nhân vô hiệu vì ngay tình) nghĩa là khi một bên hay đôi bên không biết lý do của sự vô hiệu (đ. 1061 §3).

8. Hứa hôn

– Sự hứa hôn đơn phương hay song phương, gọi là đính hôn, được chi phối bởi luật riêng do Hội Đồng Giám Mục ấn định với sự lưu ý đến các tập tục và luật dân sự, nếu có (đ. 1062 §1).

– Hứa hôn không phát sinh tố quyền đòi cử hành hôn lễ, nhưng có thể phát sinh tố quyền đòi bồi thường những thiệt hại, theo mức độ gây ra (đ. 1062 §2).

II. MỤC VỤ HÔN NHÂN

A. Nhiệm vụ của chủ chăn

Các chủ chăn phải lo liệu về việc này (đ. 1063), nhất là vị thường quyền sở tại (đ. 1064).

– Chuẩn bị xa: giảng dạy về hôn nhân và dạy giáo lý.

– Chuẩn bị trực tiếp: cho những người sắp kết hôn, có tính cách cụ thể hơn (thủ tục kết hôn).

– Cử hành phụng vụ Bí tích Hôn Nhân.

– Hậu hôn nhân: hôn nhân không chấm dứt với lễ thành hôn, cần giảng dạy liên tục.

B. Những qui luật phải giữ trước khi cử hành hôn lễ

– Đã lãnh nhận các Bí tích: Thêm Sức, Giải Tội, và Thánh Thể (đ. 1065 §1,2).

– Phải bảo đảm tính thành sự và tính hợp pháp của việc cử hành hôn nhân (đ. 1066).

– Điều tra và sát hạch: Hội Đồng Giám Mục phải ấn định những qui tắc về việc điều tra (rao báo) và sát hạch (đ. 1067).

– Trường hợp nguy tử: nếu không có những chứng từ cần thiết, chỉ cần hai người cam kết, với lời thề nếu cần, là đã Rửa Tội và không mắc ngăn trở (đ. 1068).

– Các tín hữu buộc phải báo cáo những ngăn trở mà họ biết cho Linh mục chính xứ hay vị thường quyền sở tại (đ. 1069).

– Nếu người xúc tiến việc điều tra không phải là Linh mục chính xứ có quyền chứng hôn, thì người đó phải sớm thông báo cho Linh mục chính xứ biết kết quả của cuộc điều tra bằng một văn thư chính thức (đ. 1070).

– Phép của vị thường quyền sở tại: những trường hợp sau đây Linh mục chính xứ cần có phép của vị thường quyền sở tại để chứng hôn:

1/. Hôn nhân của những người vô gia cư.

2/. Hôn nhân, chiếu luật dân sự, không thể được công nhận hay cử hành.

3/. Hôn nhân của người còn mắc nghĩa vụ tự nhiên do hôn nhân trước đối với bên kia hay đối với con cái.

4/. Hôn nhân của người đã công khai chối bỏ đức tin Công giáo.

5/. Hôn nhân của người còn đang mắc vạ.

6/. Hôn nhân của người vị thành niên, nếu cha mẹ không hay biết hoặc đã phản đối cách hợp lý.

7/. Hôn nhân cử hành qua người đại diện, nói ở điều 1105. Giáo luật chấp nhận cử hành qua đại diện, khi đương sự không thể có mặt tại hôn lễ (đ.1071).

Khi gặp những trường hợp trên, Linh mục chính xứ phải trình bày lên vị thường quyền sở tại để xin giải quyết.

8/. Các chủ chăn phải liệu ngăn ngừa những người trẻ cử hành hôn nhân trước tuổi kết hôn theo tục lệ địa phương (đ. 1072).

III. NHỮNG NGĂN TRỞ NÓI CHUNG

1. Định nghĩa

Ngăn trở tiêu hôn là tất cả những gì khiến cho hôn nhân vô hiệu hay bất hợp pháp (đ. 1073).

2. Phân loại

a/. Xét theo ảnh hưởng:

– Ngăn trở tiêu hôn: nếu ngăn trở ảnh hưởng đến sự hữu hiệu.

– Ngăn trở cấm chỉ: nếu chỉ ảnh hưởng đến sự hợp pháp.

b/. Xét theo nguồn gốc:

– Ngăn trở Thiên luật: bó buộc hết mọi người, Giáo Hội không thể chuẩn chước

– Ngăn trở Giáo luật: chỉ bó buộc người Công giáo, Giáo luật có thể chuẩn chước.

c/. Xét theo việc chứng minh:

– Ngăn trở công khai: có thể minh chứng ở tòa ngoài

– Ngăn trở kín đáo: không thể chứng minh bằng giấy tờ hay nhân chứng (đ. 1074).

d/. Xét theo kỳ hạn:

– Vĩnh viễn

– Tạm thời

– Tuyệt đối

– Tương đối.

3. Thiết lập ngăn trở

-Thẩm quyền tuyên bố ngăn trở Thiên luật và Giáo luật là Đức Giáo hoàng hay Công Đồng Chung (đ. 1075 §1,2). Du nhập một ngăn trở mới, hoặc tập tục trái ngược với những ngăn trở hiện có đều bị phi bác (đ. 1076).

– Vị thường quyền sở tại có thể cấm những người thuộc quyền mình không được cử hành hôn nhân vì một lý do quan trọng nào đó nhưng chỉ có tính cách tạm thời. Sự ngăn cấm đó chỉ ảnh hưởng đến sự hợp pháp chứ không ảnh hưởng đến sự hữu hiệu (đ. 1077 §1).

– Chỉ có quyền bính tối cao của Giáo Hội mới có thể thêm vào ngăn cấm trên một khoản tiêu hôn (đ. 1077 §2).

IV. CHUẨN CHƯỚC NGĂN TRỞ

Những ngăn trở Thiên luật thì không thể chuẩn chước. Cụ thể là ngăn trở về bất lực, dây hôn phối, thân thuộc trực hệ, anh chị em ruột.

Còn những ngăn trở do Giáo Hội đặt ra, Giáo luật phân biệt 3 trường hợp khác nhau:

1. Trường hợp thông thường (đ. 1078)

a/. Tòa Thánh dành quyền chuẩn chước 3 ngăn trở sau:

– Chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế).

– Lời khấn trong các Dòng thuộc luật Giáo Hoàng (các Hội Dòng, Tu Hội Giáo phận và Tu Hội Đời không thuộc loại này).

– Tội ác (mưu sát người phối ngẫu).

b/. Vị thường quyền sở tại (Đức Giám mục Giáo phận) có thể chuẩn chước tất cả những ngăn trở khác

2. Trường hợp nguy tử (đ. 1079)

a/. Tòa Thánh dành quyền chuẩn chước ngăn trở do chức Linh mục, chứ không dành quyền chuẩn chước ngăn trở do chức Phó tế, do lời khấn, hay do tội ác. Còn ngăn trở do chức Giám mục thì luật thì sao? Luật không nói.

b/. Vị thường quyền sở tại (Đức Giám mục Giáo phận) có thể chuẩn chước tất cả các ngăn trở (trừ chức Linh mục), có thể chuẩn chước cả thể thức cử hành nữa.

c/. Nếu không thể liên lạc đến vị thường quyền sở tại, thì Linh mục chính xứ hay người có năng quyền chứng hôn cũng có thể chuẩn chước như vị thường quyền sở tại.

d/. Linh mục giải tội chỉ có thể chuẩn chước những ngăn trở kín đáo ở tòa trong.

3. Trường hợp khẩn cấp (đ. 1080)

Là khi khám phá ra có ngăn trở vào lúc mọi sự đã sẵn sàng để làm lễ cưới, thì những người sau đây có thẩm quyền chuẩn chước:

a/. Tòa Thánh: đối với chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế), lời khấn.

b/. Vị thường quyền sở tại: tất cả những ngăn trở khác.

c/. Linh mục chính xứ, hoặc người có năng quyền chứng hôn: có thể chuẩn chước một ngăn trở còn kín đáo, nghĩa là rất ít người biết.

d/. Linh mục giải tội cũng được phép chuẩn chước, nhưng chỉ có giá trị ở tòa trong.

Việc chuẩn chước phải được ghi vào sổ hôn phối (đ. 1081 – 1082).

V. NHỮNG NGĂN TRỞ TIÊU HÔN

Đây là những ngăn trở khiến cho giá thú vô hiệu. Có 12 thứ:

1. Tuổi (đ. 1083 §1,2)

Nam chưa trọn 16 tuổi, nữ chưa trọn 14 tuổi. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh mỗi quốc gia, việc ấn định tuổi còn được trao cho Hội Đồng Giám Mục tùy nghi định liệu, nhưng không được nhỏ hơn tuổi mà Giáo luật đã ấn định (Ví dụ: Tại Việt Nam là nam trọn 20 tuổi và nữ trọn 18 tuổi). Ngăn trở này có thể chuẩn chước.

2. Bất lực (đ. 1084)

– Bất lực để giao hợp (không đủ điều kiện và không có khả năng giao hợp), có trước khi kết hôn và vinh viễn. Ngăn trở này không thể chuẩn chước.

– Nếu hồ nghi về luật hay về sự kiện, không nên ngăn cản hôn phối hay tuyên bố vô hiệu bao lâu còn hồ nghi.

– Son sẻ (không thể sinh con), không ngăn cấm cũng không tiêu hủy hôn phối.

3. Dây hôn phối (ngăn trở đã kết hôn) (đ. 1085 §1,2)

Người còn bị ràng buộc bởi hôn phối trước, dù chưa thành toại. Cho dù hôn phối trước vô giá trị hay bị đoạn tiêu vì bất cứ lý do nào, nếu không biết chắc chắn thì không được phép kết hôn.

4. Khác biệt tôn giáo (đ. 1086 §1,2,3)

– Hôn nhân khác đạo: Giữa một người đã Rửa Tội và một người chưa Rửa Tội, hôn nhân sẽ vô hiệu, vì là ngăn trở tiêu hôn.

– Hôn nhân hỗn hợp: Giữa một người Công giáo và một người được Rửa Tội, nhưng ở ngoài Giáo Hội Công giáo. Hôn nhân là bất hợp pháp, nhưng hữu hiệu, vì chỉ là ngăn trở cấm chỉ nói ở điều 1124.

5. Chức Thánh (đ. 1087)

Những người đã chịu chức thánh không thể kết hôn hữu hiệu.

6. Khấn Dòng (đ. 1088)

Những người đã gia nhập vào một Dòng, Hội Dòng, Tu Hội, Tu Đoàn bằng lời khấn công giữ khiết tịnh trọn đời, không thể kết hôn hữu hiệu.

7. Cưỡng đoạt (đ. 1089)

Hôn nhân giữa một người nam với một người nữ bị bắt cóc hay ít ra bị giam giữ để ép buộc kết hôn, hôn nhân ấy sẽ vô giá trị.

8. Tội ác (mưu sát phối ngẫu) (đ. 1090 §1,2)

Có 2 trường hợp:

a/. Người toan tính giết phối ngẫu của mình hay phối ngẫu của tình nhân với ý định cưới người ấy, hôn nhân ấy vô hiệu (§1).

b/. Người đồng lõa với nhau để giết một người phối ngẫu, cho dù họ không có ý định lấy nhau. Nhưng về sau, giả như họ có muốn lấy nhau, hôn nhân cũng vô hiệu (§2).

9. Thân thuộc (huyết tộc, họ máu) (đ. 1091 §1,2,3,4)

– Trong hàng dọc (trực hệ): hôn phối giữa tất cả thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên (con chính thức hay con riêng), đều vô hiệu (§1).

– Trong hàng ngang (bàng hệ): hôn phối sẽ vô hiệu cho đến hết bậc thứ 4 (§2).

– Ngăn trở về huyết tộc không phân bậc (§ 3).

– Không bao giờ được phép kết hôn nếu còn hồ nghi hai bên có họ máu hay không trong bất cứ bậc nào của hàng dọc hay trong bậc 2 của hàng ngang (§4).

* Lưu ý: bậc 4 của hàng ngang có thể kết hôn, nhưng phải xin chuẩn chước. Thí dụ: – chú, bác, cậu với cháu gái; -cô, dì với cháu trai.

10. Hôn thuộc (họ kết bạn) (đ. 1092)

– Hôn thuộc theo hàng dọc, dù ở bậc nào cũng tiêu hủy hôn phối. Thí dụ:

+ Giữa người đàn ông với bà nội, bà ngoại, mẹ, con, cháu gái nội ngoại của vợ.

+ Hoặc giữa người đàn bà với ông nội, ông ngoại, cha, con, cháu trai nội ngoại của chồng.

– Trong hàng ngang, hôn thuộc không làm thành ngăn trở hôn nhân. Thí dụ: anh, chị, em rể hay dâu, chú, bác, cô, dì rể hay dâu.

11. Liêm sỉ (bán hôn thuộc) (đ. 1093)

Ngăn trở này phát sinh do hôn nhân vô hiệu sau khi hai người đã sống chung với nhau; hoặc do hai người sống chung với nhau một cách công khai mà không lập giá thú. Theo Giáo luật, hôn nhân sẽ vô hiệu ở bậc thứ nhất thuộc hàng dọc, tức giữa người đàn ông với mẹ hay con gái riêng của người đàn bà; hoặc giữa người đàn bà với cha hoặc con trai riêng của người đàn ông.

12. Dưỡng hệ (đ. 1094)

Ngăn trở này phát sinh do việc lập con nuôi được pháp luật nhìn nhận.

– Hôn nhân sẽ vô hiệu giữa cha mẹ nuôi với con nuôi.

– Hôn nhân vô hiệu giữa những người con nuôi của cùng dưỡng phụ hay dưỡng mẫu, tức là giữa anh chị em nuôi.

– Hôn nhân cũng vô hiệu giữa những người con nuôi với người con ruột của người đứng nuôi.

VI. SỰ ƯNG THUẬN HÔN NHÂN

Phần này Giáo luật bàn về những yếu tố căn bẳn của sự ưng thuận và những khuyết điểm của nó khiến cho sự ưng thuận bất thành.

Để sự ưng thuận có giá trị, thì phải có ý thức và tự do, nên những người sau đây không có khả năng kết hôn:

A. Những người thiếu sự sử dụng trí khôn một cách vừa phải hay không có đủ trí khôn (Giáo luật không nói người thiếu trí khôn như người đần độn, ngu si, nhưng là thiếu khả năng sử dụng trí khôn cách đầy đủ).

B. Những người thiếu sót trầm trọng sự nhận định về những quyền lợi và bổn phận thiết yếu của việc trao ban và đón nhận trong hôn nhân.

C. Những người, vì do tâm thần, không thể đảm nhận những nghĩa vụ thiết yếu của hôn nhân (đ. 1095).

Đó là khái niệm về sự ưng thuận, sau đây chúng ta sẽ phân tích từng yếu tố cấu tạo sự ưng thuận: hiểu biết – ý muốn – bày tỏ ý định.

1. Sự hiểu biết về hôn nhân

– Để kết hôn, phải biết ít nhất 3 điều sau:

a/. Hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý (đ. 1096 §1).

b/. Biết những đặc tính của hôn nhân Công giáo: duy nhất, bất khả ly, Bí tích.

c/. Biết người bạn mà mình sắp kết hôn (biết cá tính của nhau):

– Sự hiểu biết trên phải suy đoán là có sau tuổi dậy thì (đ. 1096 §2).

– Nếu thiếu 1 trong 3 điều trên, coi như thiếu hiểu biết để có thể ưng thuận kết hôn. Pháp luật gọi khuyết điểm về sự hiểu biết là sự lầm lẫn. Có thể là:

+ Lầm lẫn về thể nhân (đ. 1097 §1): về chính con người làm cho hôn nhân vô hiệu, thí dụ: đánh tráo cô dâu.

+ Lầm lẫn về một tư cách của thể nhân (đ. 1097 §2): về một đức tính của con người, không làm cho hôn nhân vô hiệu.

– Ai kết hôn do một sự lường gạt được bày ra vì mưu kế để cho mình ưng thuận, kết hôn ấy sẽ vô hiệu (đ. 1098), tức là kết hôn có lầm lẫn vì do mưu gian, thí dụ: giấu thành tích bất hảo, giấu bệnh truyền nhiễm, giấu sự son sẻ.

– Lầm lẫn về đặc tính duy nhất, bất khả phân ly hay về tính cách Bí tích, sẽ không làm sự ưng thuận bị thiếu sót, nên sự kết hôn vẫn thành hiệu (đ. 1099).

– Biết hay tưởng rằng hôn nhân bất thành, không nhất thiết loại trừ sự ưng thuận của hôn nhân (đ. 1100).

2. Ý muốn (tức là về phía ý chí): nói về sự tự do ưng thuận

– Giáo luật dự trù trường hợp khiến sự ưng thuận vô hiệu vì thiếu tự do, đó là vũ lực hay sợ hãi.

– Bị người khác dùng sức mạnh để cưỡng ép ưng thuận hôn nhân, thì hôn nhân vô hiệu, tức là vì sợ hãi mà ưng thuận (đ. 1103). Sự sợ hãi có thể gây vô hiệu, phải có 3 yếu tố:

+ Có tính cách trầm trọng

+ Do nguyên nhân ngoại tại

+ Không thể tránh được.

3. Sự phát biểu (công khai về hôn nhân)

– Sự ưng thuận phải được phát biểu cách thành thực ra ngoài bằng lời nói hay bằng dấu hiệu tương đương của cả hai người (đ. 1101 §1). Cho nên, giả bộ hay giả đò ưng thuận sẽ làm cho hôn nhân vô hiệu (đ. 1101 §2).

– Sự ưng thuận với điều kiện về tương lai, thì hôn nhân cũng vô hiệu (đ. 1102).

– Trao đổi sự ưng thuận đòi cả hai người phải có mặt (đ. 1104).

– Có thể kết hôn qua đại diện: phải được ủy quyền chính thức bằng văn thư rõ ràng và được Linh mục chính xứ xác nhận. Người đại diện phải đích thân trao đổi sự ưng thuận, chứ không thể nhờ người khác (đ. 1105).

– Cho phép dùng thông ngôn trong việc trao đổi ưng thuận kết hôn (đ. 1106).

VII. NGHI THỨC CỬ HÀNH HÔN NHÂN

A. Thể thức pháp định

1. Thừa tác viên chứng hôn

– Phải có thừa tác viên hợp pháp chứng kiến cùng với 2 người làm chứng (đ. 1108).

– Thừa tác viên hợp pháp là vị thường quyền sở tại và Linh mục chính xứ (đ. 1109 – 1110).

– Các vị trên có thể ủy quyền cho một Linh mục khác hay Phó tế. Có thể ủy từng lần (cho một đám cưới nhất định), hoặc có thể tổng quát (cho hết mọi trường hợp). Nếu là từng lần thì phải nói rõ là đôi hôn phối nào. Nếu là tổng quát, thì phải có giấy tờ ủy quyền rõ ràng (đ. 1111).

– Giáo dân có thể chứng hôn, với những điều kiện sau:

a/. Người được ban phép này là Giám mục Giáo phận, chứ không phải vị thường quyền sở tại.

b/. Phải có tình trạng đặc biệt là không có các Linh mục và Phó tế.

c/. Phải có ý kiến thuận của Hội Đồng Giám Mục.

d/. Trước đó, phải xin phép Tòa Thánh (đ. 1112).

– Trước khi cử hành hôn lễ, phải chắc chắn không có gì chống lại tính thành hiệu và tính hợp pháp của việc cử hành. Nhiệm vụ này thuộc về Linh mục chính xứ làm thủ tục (của một trong hai người phối ngẫu). Như vậy, không còn ưu tiên cho Linh mục chính xứ bên gái như xưa nữa (không Linh mục chính xứ nào có quyền ưu tiên hơn). Vì thế, trước khi ủy quyền, Linh mục chính xứ phải lo liệu thủ tục đã (đ. 1113).

– Ai được ủy quyền, cũng cần phải có phép của Linh mục chính xứ liên hệ, để chứng hôn chứ không cần sự ủy quyền. Nếu không có phép của Linh mục chính xứ, sự chứng hôn sẽ thành hiệu nhưng không hợp pháp (đ. 1114).

2. Nơi chốn

Phải được cử hành tại nhà thờ giáo xứ của một trong hai người kết hôn có gia cư hay nơi cư ngụ trong vòng một tháng. Nếu là người vô gia cư, thì cử hành tại nơi họ đang dừng chân, nhưng cần có phép của vị thường quyền (Xc. đ. 1071 §1 số 1). Nếu muốn cử hành ngoài giáo xứ nói trên, cần xin phép của vị thường quyền hay Linh mục chính xứ của mình (đ. 1115).

3. Thời gian

– Đây là thời gian trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công Giáo.

– Nghi thức hôn phối ban hành năm 1990, số 32 phần dẫn nhập, chỉ cấm cử hành hôn lễ vào ngày thứ 6 và thứ 7 Tuần Thánh.

– Ở số 28, cho phép cử hành nhiều đám cưới trong cùng một thánh lễ ngày Chúa Nhật có cộng đồng xứ đạo tham dự. Thánh lễ có thể cử hành với các lời nguyện của ngày Chúa Nhật, tuy nhiên, các bài đọc có thể lấy từ lễ hôn phối.

– Chúa Nhật mùa Giáng Sinh và mùa Thường Niên, nếu không có cộng đồng xứ đạo tham dự, có thể cử hành toàn bộ thánh lễ hôn phối.

– Có thể cử hành trong mùa Vọng và mùa Chay.

B. Thể thức ngoại thường

Khi hai người muốn kết hôn mà không thể gặp những người có thẩm quyền chứng hôn (vị thường quyền sở tại, Linh mục chính xứ, một Linh mục, hoặc Phó tế, hoặc giáo dân được ủy quyền). Giáo luật dự liệu 2 trường hợp:

1/. Nguy tử

2/. Có khó khăn lớn để gặp những người có thẩm quyền, và tình trạng ấy kéo dài hơn một tháng.

Gặp những trường hợp ấy, để giá thú hữu hiệu, chỉ cần hai người làm chứng, sau đó phải báo với Linh mục chính xứ hay vị thường quyền để ghi vào sổ hôn phối (đ. 1116).

C. Thể thức pháp định cho các đôi hôn nhân hỗn hợp

1. Giữa một người Công giáo với một người Kitô hữu nhưng ở ngoài Giáo Hội Công giáo

Hôn nhân là một Bí tích (đ. 1124) nhưng phải có phép minh nhiên của thẩm quyền. Vị thường quyền sở tại có thể cho phép, nếu có lý do chính đáng và hội đủ những điều kiện sau:

a/. Bên Công giáo phải tuyên bố đã được chuẩn bị tránh nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để con cái được Rửa Tội và giáo dục trong Hội Thánh Công giáo.

b/. Bên không Công giáo phải được báo cho biết những điều bên Công giáo phải cam kết và phải ý thức về những trách nhiệm của bên Công giáo.

c/. Cả hai phải được dạy cho biết về những mục đích và những đặc tính chính yếu của hôn nhân (đ. 1125).

Hội Đồng Giám Mục phải ấn định cách thức thực hiện những lời tuyên bố và ấn định cách thức ấy được tỏ rõ ở tòa ngoài và được bên không Công giáo biết chắc (đ. 1126).

2. Giữa một người Công giáo với một người không Công giáo thuộc nghi lễ Đông phương

Tác viên chứng hôn không Công giáo cũng đủ, tức là chỉ cần có tác viên thánh (đ. 1127 §1). Nếu có khó khăn trầm trọng, Vị thường quyền sở tại có thể chuẩn chước cử hành theo Giáo luật, nhưng luôn phải cử hành công khai (đ. 1127 §2). Không được có nghi thức tôn giáo nào khác, cũng không được “đồng tế”, dù mỗi người theo nghi thức của mình (đ. 1127 §3).

3. Các qui định trên cũng được áp dụng cho những hôn nhân bị ngăn trở dị giáo (đ. 1129).

4. Việc cử hành hôn lễ

– Hôn lễ giữa hai người Công giáo hay một bên Công giáo và một bên không Công giáo đã Rửa Tội, phải được cử hành trong nhà thờ của giáo xứ. Có thể ở nơi khác khi có phép của vị thường quyền sở tại hay Linh mục chính xứ (đ. 1118 §1,2).

– Giữa một bên Công giáo và một bên ngoại giáo có thể cử hành ở nhà thờ hay nơi khác xứng đáng (đ. 1118 §3).

– Hôn lễ phải được cử hành đúng theo sách phụng vụ, trừ trường hợp khẩn cấp (đ. 1119).

– Hội Đồng Giám Mục có thể soạn một nghi lễ hôn nhân riêng hợp với địa phương, và được Tòa Thánh châu phê (đ. 1120).

– Sau hôn lễ, Linh mục chính xứ có trách nhiệm ghi vào sổ hôn phối (đ. 1121). Cũng phải ghi vào sổ Rửa Tội (đ. 1122).

– Một hôn nhân hoặc được thành sự hóa hoặc được tuyên bố là không thành hoặc được tháo gỡ hợp pháp, Linh mục chính xứ nơi cử hành phải được báo cho biết để ghi vào sổ Hôn Phối và Rửa Tội (đ. 1123).

– Vì lý do quan trọng và khẩn trương, vị thường quyền sở tại có thể cho phép cử hành hôn nhân cách kín đáo (đ. 1130), phải kín đáo điều tra, mọi người liên hệ phải giữ bí mật về hôn nhân đã cử hành (đ. 1131). Nếu sắp xảy ra gương mù và sự thánh thiện của hôn nhân bị tổn thương, vị thường quyền sở tại không buộc phải giữ bí mật nữa (đ. 1132). Phải được ghi vào sổ riêng và sổ này được lưu giữ trong văn khố mật của Tòa Giám mục (đ. 1133).

VIII. HIỆU QUẢ HÔN NHÂN

1. Đối với vợ chồng

Tạo ra một dây ràng buộc chuyên nhất và vĩnh viễn và là một Bí tích (đ. 1134). Cả hai vợ chồng có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau (đ. 1135).

2. Đối với con cái

– Cha mẹ có trách nhiệm chăm lo và giáo dục con cái về thể lý, xã hội và văn hóa, luân lý và tôn giáo (đ. 1136).

– Những đứa con được thụ thai hoặc sinh ra do hôn nhân thành sự hay ngộ tín là những con cái chính thức (đ. 1137).

– Một bà có hai đời chồng, hoặc người chồng trước đã chết, hoặc đã ly dị và bà đi lấy chồng khác, đứa trẻ sinh ra là con của chồng nào? Điều 1138 trả lời: cha của đức trẻ là người chồng của bà mẹ trong khoảng từ 180 ngày sau khi thành hôn, hay dưới 300 ngày sau khi đoạn hôn.

– Nếu đức trẻ ra đời bởi hôn thú hữu hiệu hay ngộ tín, thì gọi là con chính thức. Đứa con không chính thức sẽ được chính thức hóa khi cha mẹ lập giá thú sau đó, hoặc do phúc chiếu của Tòa Thánh (đ. 1139). Những đứa con chính thức hóa được hưởng hết các quyền lợi như đứa con chính thức, trừ khi luật định cách khác (đ. 1140).

IX. VỢ CHỒNG CHIA LY

1. Hôn nhân thành nhận và thành toại không thể tháo gỡ do quyền bính nào và vì lý do nào (đ. 1142).

2. Hôn nhân chưa thành toại giữa hai người đã Rửa Tội hay giữa một người đã Rửa Tội và một người chưa Rửa Tội, cố thể tháo gỡ do Đức Giáo hoàng vì lý do chính đáng khi cả hai hay một bên xin, dù bên kia không bằng lòng (đ. 1142).

3. Hôn nhân giữa hai người không Rửa Tội được tháo gỡ do đặc ân Thánh Phaolô (1Cor 7,10-16) để hỗ trợ cho đức tin của bên đã chịu phép Rửa Tội và muốn kết hôn với người khác. Nếu bên không Rửa Tội không muốn chung sống với người đã Rửa Tội hoặc không muốn chung sống mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa (đ. 1143 §1,2). Cần tra hỏi người không Rửa Tội: có muốn lãnh phép Rửa Tội không hay có muốn chung sống với người đã Rửa Tội mà không xúc phạm tới Đấng Tạo Hóa không? Việc tra hỏi này được thực hiện sau khi một bên đã được Rửa Tội. Vị thường quyền sở tại có thể cho phép thực hiện việc tra hỏi trước khi Rửa Tội (đ. 1144 §1,2). Việc tra hỏi trên thường do vị thường quyền sở tại của bên trở lại thực hiện, và cho bên kia một thời gian trả lời (đ. 1145 §1,2,3).

– Bên Rửa Tội có quyền kết hôn một lần khác với người Công giáo (đ. 1146).

– Vị thường quyền sở tại, vì lý do quan trọng, có thể cho phép bên đã Rửa Tội hưởng đặc ân Thánh Phaolô, tức là kết hôn với một người không Công giáo khác, vẫn giữ thủ tục về hôn nhân hỗn hợp (đ. 1147).

– Một ông chưa Rửa Tội có nhiều vợ chưa Rửa Tội, khi ông Rửa Tội, có thể lấy một trong những bà đó và bỏ những bà khác (đ. 1148). Ngược lại, cũng thế. Đây là đặc ân Thánh Phêrô.

– Một đôi vợ chồng không có đạo bị ngăn trở không thể sống chung, vì lý do tù đày, bách hại. Kế đó, có một bên trở lại đạo, người này có thể kết hôn mới, cho dù trong thời gian ấy người kia cũng trở lại đạo (đ. 1149).

– Một người Công giáo đã xin phép chuẩn hôn nhân, giá thú của họ hữu hiệu đối với Giáo luật. Nhưng xét vì nó không phải là Bí tích, nên có thể tháo gỡ được (Bộ Giáo lý đức tin ban hành 6-12-1973).

– Trong trường hợp hồ nghi, đặc ân đức tin được luật ưu đãi (đ. 1150).

X. LY THÂN

– Sống chung là quyền lợi và bổn phận của vợ chồng (đ. 1151).

– Tội ngoại tình là lý do hợp pháp để sống ly thân. Đức bác ái và lợi ích gia đình, khuyên người vô tội đừng từ chối tha thứ (đ. 1152 §1). Trong 6 tháng, người vô tội im lặng, vẫn chung sống, không tố lên quyền bính Giáo Hội hay dân sự, được suy đoán là mặc nhiên tha thứ (đ. 1152 §2). Ngược lại, người vô tội tự ý cắt đứt cuộc chung sống, thì trong 6 tháng phải thưa lên thẩm quyền Giáo Hội lý do của sự chia ly (đ. 1152 §3).

– Những lý do có thể xin ly thân:

+ Một trong hai người gây nguy hiểm xác hồn cho người kia hoặc cho con cái, hoặc làm cho cuộc chung sống trở nên quá cực khổ, thì người kia có lý do hợp pháp để xin ly thân (đ. 1153 §1).

+ Khi hết lý do ly thân, phải tái lập cuộc sống vợ chồng, trừ khi giáo quyền định thể khác (đ. 1153 §2).

+ Khi vợ chồng ly thân, phải lo liệu xứng hợp cho việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái (đ. 1154).

+ Thật đáng khen, nếu người phối ngẫu vô tội có thể nhận lại bên kia về sống đời sống vợ chồng, trong trường hợp này đương sự khước từ quyền ly thân (đ. 1155).

XI. THÀNH SỰ HÓA HÔN NHÂN

1. Hôn nhân vô hiệu vì ngăn trở tiêu hôn

Đây là hành vi làm cho cuộc hôn nhân bất thành trở nên thành sự. Đòi phải có những điều kiện sau:

a/. Ngăn trở phải chấm dứt, hoặc tự nó hoặc được chuẩn chước (đ. 1156 §1).

b/. Lặp lại sự ưng thuận kết hôn. Nếu chỉ một người biết sự vô hiệu, thì chỉ người ấy lặp lại. Nếu cả hai đều biêt thì cả hai phải lặp lại (đ. 1156 §2). Nếu ngăn trở ấy là công khai, thì phải lặp lại theo nghi thức pháp định (đ. 1158 §1). Nếu không thể chứng minh có ngăn trở, chỉ cần lặp lại cách kín đáo (đ. 1158 §2).

2. Hôn nhân vô hiệu vì thiếu sót của ưng thuận

Đây là trường hợp vì một người thiếu khả năng ưng thuận hoặc vì đã không ưng thuận (thí dụ: giả đò) hoặc sự ưng thuận bị tổn thương (như đặt điều kiện, bị lường gạt, đe dọa). Để hôn nhân hữu hiệu hóa, thì người đã không ưng thuận cần phải ưng thuận (đ. 1159).

3. Hôn nhân vô hiệu vì thiếu xót trong thể thức pháp định

Hôn nhân bất thành vì thiếu nghi thức (thí dụ người chứng hôn không có thẩm quyền, hoặc sự ủy quyền vô hiệu). Cả hai phải lặp lại sự ưng thuận theo thể thức pháp định (đ. 1160).

4. Điều trị tại căn

Được thực hiện cho một cuộc hôn nhân bất thành vì vướng một ngăn trở vô hiệu hóa hoặc vì thiếu hình thức Giáo luật.

a/. Những đặc điểm của thủ tục điều trị tại căn:

– Được nhà chức trách có thẩm quyền ban cấp

– Không cần lặp lại sự ưng thuận kết hôn

– Chuẩn chước các ngăn trở, nếu có

– Hồi tố các hiệu quả kể từ ngày cử hành hôn lễ. Do đó, các con cái được coi là hợp thức, chứ không phải chỉ là hợp thức hóa (đ. 1161 §1,2).

* Nếu không chắc hai bên muốn sống chung thủy, thì không được ban phép chữa trị tại căn (đ. 1161 §3).

b/. Điều kiện ban cấp:

Chỉ có thể ban cấp khi lý do của sự vô hiệu thuộc về luật Giáo Hội, chứ không thuộc về luật tự nhiên. Do đó, không thể điều trị tại căn những trường hợp sau:

– Giá thú vô hiệu vì thiếu sót của ưng thuận (đ. 1162).

– Giá thú vô hiệu vì ngăn trở theo luật tự nhiên, bao lâu ngăn trở này chưa chấm dứt (đ. 1163).

c. Thẩm quyền:

Tòa Thánh có thẩm quyền ban cấp điều trị tại căn trong những trường hợp sau:

– Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở tiêu hôn mà việc chuẩn chước dành cho Tòa Thánh (chức thánh, lời khấn, mưu sát phối ngẫu).

– Khi giá thú vô hiệu vì một ngăn trở thuộc luật thiết định của Thiên Chúa mà nay đã chấm dứt (sự bất lực, dây hôn phối) (đ. 1165 §1).

– Ngoài những trường hợp ấy, Giám mục Giáo phận có thể ban cấp cho từng đôi hôn phối riêng rẽ. Đây là một thay đổi mới, vì bộ luật cũ chỉ dành cho Tòa Thánh quyền này.