LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: Is 49,3.5-6
3 Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”
5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung,
đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng,
và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.
6 Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”
2/ Bài đọc II: 1 Cr 1,1-3
1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,
2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Giê-su Ki-tô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.
3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
3/ Phúc Âm: Ga 1,29-34
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.
30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi.
31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”
32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.
33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”
34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
—————————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các chứng nhân của Đức Kitô
Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình rao giảng của Đức Kitô, bắt đầu từ biến cố Gioan làm phép rửa cho Ngài tại sông Jordan. Để giúp cho dân chúng nhận ra và tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Ngài cần nhiều nhân chứng. Nhân chứng quan trọng nhất là Thiên Chúa, và dân chúng đã được nghe tiếng Thiên Chúa làm chứng cho Đức Kitô vọng xuống từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời Người.”
Các bài đọc hôm nay tiếp tục đưa ra các chứng nhân của Đức Kitô. Trong bài đọc I, lời ngôn sứ Isaiah thuật lại chính Thiên Chúa làm chứng cho Con của Người là người Tôi Trung. Sứ vụ của Ngài không chỉ là đưa những người Do-thái trở về, mà còn trở nên ánh sáng của muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Trong bài đọc II, thánh Phaolô, mặc dù sống sau thời đại của Đức Kitô, cũng làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời giảng dạy của ngài dành cho các tín hữu thành Corintô. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô bằng cách chỉ thẳng vào Ngài và giới thiệu với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” Lý do tại sao Gioan có thể xác tín như thế là nhờ Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy ông nhận ra sự thật về Đức Kitô và sứ vụ của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Trong Sách Isaiah Thứ, có tất cả 4 bài ca nói về người Tôi Trung (42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12). Nhưng ai là người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaiah nhắm tới trong các bài ca này? Có 3 ý kiến khác nhau:
(1) Có người cho dân tộc Israel như một tập thể là người Tôi Trung: Ý kiến này dựa vào lời Thiên Chúa phán trong câu 3 của trình thuật hôm nay: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” Ý kiến này không xác đáng cho lắm, vì những câu sau của trình thuật hôm nay và của 3 bài ca khác về người Tôi Trung đều ám chỉ người Tôi Trung là một cá nhân, chứ không phải là một tập thể như dân tộc Israel.
(2) Có người cho là vua Cyrô của Ba-tư: Lý do vì Vua này đã làm theo thánh ý Thiên Chúa, bằng cách đồng ý phóng thích cho dân tộc Israel được về dựng lại quê hương từ đất nô lệ. Ý kiến này cũng không đúng, vì sứ vụ của người Tôi Trung không phải chỉ dẫn đưa những người Israel sống sót trở về; nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.
(3) Có người cho Đấng Thiên Sai là người Tôi Trung: Ý kiến này được chấp nhận nhiều hơn cả, vì người Tôi Trung phải là một cá nhân đến từ Thiên Chúa, có thân xác để chịu đau khổ và gánh tội cho nhân loại. Chính vì những đau khổ này mà người Tôi Trung có thể gánh tội và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại.
1.2/ Nguồn gốc và sứ vụ của người Tôi Trung.
(1) Nguồn gốc: Chính người Tôi Trung chứng thực mình đến từ Thiên Chúa bằng những lời như sau: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người Tôi Trung.”
(2) Sứ vụ: của người Tôi Trung không chỉ “đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người;” nhưng còn được Thiên Chúa đặt “làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”
2/ Bài đọc II: Phaolô chứng thực: ông được trở thành tông đồ của Đức Kitô là do ý định của Thiên Chúa.
2.1/ Phaolô được tuyển chọn để làm tông đồ của Đức Kitô: Để hiểu rõ những lời chứng của Phaolô, chúng ta cần trở lại biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của ông là biến cố ông bị ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để truy nã những người tin vào Đức Kitô. Trước biến cố này, Phaolô đã không biết Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô đã thân hành hiện ra với Phaolô để tỏ vinh quang phục sinh của Ngài cho ông, và xác nhận ông chính là Người mà ông đang truy nã. Sau đó, Đức Kitô đã dùng tay thầy Thượng Tế Hannaniah để chữa ông khỏi mù phần xác. Ngài đã dạy dỗ ông suốt 3 năm trong sa mạc hoang dã vùng Arabia để cho ông thấu hiểu các Mầu Nhiệm Nước Trời trước khi chọn ông làm tông đồ và trao sứ vụ đặc biệt cho ông là ra đi rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Ông xác tín với các tín hữu thành Corintô về ơn gọi và sứ vụ của mình: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô.”
2.2/ Mục đích của ơn gọi làm Tông Đồ và sứ vụ làm chứng là để mọi người nhận ra và tin vào Đức Kitô. Ngài không chọn Phaolô làm tông đồ như ban một chức tước, để Phaolô được kính trọng và được nở mặt nở mày với các tín hữu. Ngài cũng không dạy dỗ cho Phaolô biết về Ngài để chỉ giúp cho bản thân của Phaolô được hưởng ơn cứu độ. Trái lại, Đức Kitô đã trao cho ông một sứ vụ và sai ông ra đi để rao giảng và làm chứng làm cho các dân được biết và tin tưởng vào Ngài, để tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.
Phaolô đã hăng say ra đi để rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô. Ông đã thành lập nhiều cộng đoàn, trong đó có các tín hữu tại Corintô sau khi đã giúp họ tin nhận vào Đức Kitô. Ông đã viết nhiều Thư đến an ủi và giải thích những khó khăn về niềm tin mà họ gặp phải. Ông tôn trọng các tín hữu như các thánh, và dạy họ phải tôn trọng nhau và tôn trọng mọi thành phần của Dân Chúa: “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.”
3/ Phúc Âm: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.”
Đây là lời tuyên xưng mà chúng ta chỉ gặp thấy trong Tin Mừng Thứ Tư, và danh xưng Con Chiên chúng ta chỉ được nghe ở đây và trong Sách Khải Huyền. Giáo Hội dùng lời tuyên xưng này trong Phụng Vụ Thánh Lễ để chuẩn bị tâm hồn cho các tín hữu trước khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa.
3.1/ Ý nghĩa của lời tuyên xưng: Gioan mặc khải cho dân chúng hai điều quan trọng trong lời tuyên xưng này về Đức Kitô.
(1) Ngài là Con Chiên của Thiên Chúa dùng để cứu chuộc con người: Tại sao Gioan gọi Chúa Giêsu là Con Chiên? Danh từ “Con Chiên” có căn bản lịch sử là con chiên Vượt Qua mà người Do-thái dùng để sát tế và lấy máu bôi trên cửa nhà của họ. Mục đích là để sứ thần của Thiên Chúa khi đi tiêu diệt các con và thú vật đầu lòng của người Ai-cập, nếu họ thấy máu, họ sẽ không vào nhà và sát hại các con đầu lòng của người Do-thái trong biến cố Vượt Qua.
Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, vì Ngài cũng sẽ đổ máu ra để chuộc tội cho tất cả mọi người. Trong Tin Mừng Gioan, con chiên Vượt Qua có một ý nghĩa quan trọng, vì ngày và giờ Chúa Giêsu bị sát tế cũng là ngày và giờ mà người Do-thái sát tế các con chiên Vượt Qua của họ.
(2) Ngài chính là Thiên Chúa: Gioan Tẩy Giả tuyên nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể là người duy nhất xứng với những lời diễn tả: “người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi.” Nếu xét Đức Kitô theo bản tính Thiên Chúa, Ngài có trước Gioan vì Ngài có từ muôn thuở và cao trọng hơn Gioan gấp bội; nhưng nếu xét theo bản tính nhân loại, Ngài nhập thể và sinh ra sau Gioan.
3.2/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa: Gioan phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai phép rửa của ông và của Chúa Giêsu.
– Phép rửa được làm bởi Gioan là phép rửa bằng nước. Mục đích của phép rửa này là để tỏ lòng ăn năn thống hối và để dọn đường cho mọi người đón nhận Đức Kitô.
– Phép rửa của Chúa Giêsu không những là phép rửa bằng nước để tha thứ các tội đã phạm, mà còn có năng lực thánh hóa con người bằng việc ban các quà tặng của Thánh Thần cho người lãnh nhận.
Trong 7 quà tặng này, có quà tặng khôn ngoan để giúp con người biết phân biệt những gì thuộc về Thiên Chúa từ những gì thuộc về thế gian. Gioan tuyên nhận ông không biết Đức Kitô trước khi Ngài tỏ mình ra. Ông chỉ biết Ngài khi Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy trong ông. Chính sự khôn ngoan của Thánh Thần đã giúp cho Gioan Tẩy Giả nhận ra Chúa Giêsu khi cả hai còn đang ở trong bụng mẹ trong Tin Mừng Luca; và trong trình thuật của Gioan hôm nay, ông nhận ra Chúa Giêsu chính là Con Chiên được tuyển chọn để gánh tội trần gian.
Gioan làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời như sau: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta tin Đức Kitô, không phải vì chúng ta đã thấy Ngài tận mắt, nhưng vì lời của các nhân chứng quan trọng như: tiếng Chúa Cha vọng xuống từ trời mà Gioan và các Tông-đồ đã thuật lại, hình ảnh và hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong Gioan, lời các ngôn sứ đã báo trước về người Tôi Trung được thể hiện trong Đức Kitô, các phép lạ Đức Kitô đã làm và những lời Ngài rao giảng, lời chứng của các thánh Tông-đồ, máu của các thánh Tử-đạo, và còn bao nhiêu nhân chứng qua các thời đại, và ngay cả thời đại chúng ta đang sống, họ vẫn tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô.
– Sau khi đã có niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta đều được kêu gọi để làm chứng nhân cho Đức Kitô qua bí-tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận.
– Để làm chứng nhân, chúng ta cần hiểu biết về Đức Kitô, vì không ai có thể làm chứng cho người mà mình không biết. Học hỏi về Đức Kitô và với Đức Kitô không thể thiếu trước khi chúng ta có thể làm chứng cho Ngài.
– Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong Đức Kitô, cũng phải hoạt động trong chúng ta để giúp chúng ta thấu hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời, trước khi chúng ta trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô.
– Trong khi rao giảng và làm chứng về Đức Kitô cho tha nhân, niềm tin của chúng ta cũng được vững mạnh và kiện toàn.
– Nếu chúng ta không thi hành nghĩa vụ làm chứng nhân, ai sẽ là người mang Đức Kitô đến cho các thế hệ mai sau, và cho đến tận cùng trái đất?
– Nếu không chu toàn bổn phận chứng nhân, chúng ta cũng không xứng đáng để được hưởng các quyền lợi mà Đức Kitô đã phải đổ máu đào để mang lại.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=3483:ch-nh-t-ii-thu-ng-niena&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28