Quan niệm về tự do theo Kinh thánh

0
3124

Bình Hòa

Dẫn nhập

Triết học phân tích tự do dưới nhiều khía cạnh, chẳng hạn như:

– tự do vật lý (không bị trói buộc, giam cầm),

– tự do tâm lý (không chịu những áp lực khi chọn lựa),

– tự do chính trị (được thi hành những quyền lợi con người ở trong xã hội tựa như: phát biểu ý kiến, đi lại),

– tự do luân lý (làm điều mình thích, không bị hạn chế bởi luật lệ), vv.

Những hình thức tự do này nảy sinh trong tương quan giữa con người với nhau, và có thể nói là lịch sử các tư tưởng về tự do được chín muồi từ những hoàn cảnh “mất tự do” hoặc của cá nhân hoặc của tập thể, rồi từ đó nảy ra những khát vọng và tranh đấu để “giành tự do”. Ngoài khía cạnh tương quan xã hội, con người còn cảm thấy “thiếu tự do” dưới một khía cạnh khác mà ta tạm gọi là hiện sinh: lắm lần con người cảm thấy bất lực, không có khả năng thi hành điều mình muốn. Con người chịu nhiều rào cản không chỉ do đồng loại gây ra mà còn do thiên nhiên, hoặc bên ngoài mình (chẳng hạn thời tiết, khí hậu) hoặc bên trong mình (bệnh tật, tuổi tác), khiến phải thốt lên: “lực bất tòng tâm”! Xét dưới khía cạnh này, chúng ta phải chấp nhận rằng con người không hoàn toàn tự do,  bởi vì nó chỉ là thụ tạo chứ đâu phải là Đấng Tạo hóa toàn năng, muốn làm chi cũng được! Thực ra, suy cho cùng, ngay cả Thiên Chúa cũng không hoàn toàn tự do, bởi vì ngài không thể nào làm điều tằm bậy được!

Nhận xét vừa rồi cho thấy vấn đề tự do rất rộng lớn. Trong bài này, chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào khía cạnh tôn giáo, nghĩa là xét trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Có thể nói được rằng Kinh thánh khởi đi từ một cảm nghiệm về tự do dưới khía cạnh xã hội (cảnh nô lệ) để vươn lên tự do dưới khía cạnh tôn giáo. Kinh thánh dạy dỗ chúng ta không bằng những khái niệm trừu tượng nhưng qua những kinh nghiệm lịch sử. Chúng ta hãy đi lại hành trình khám phá tự do đích thực, từ Cựu ước sang Tân ước. Nói chung, hành trình này bao gồm hai chặng: thứ nhất là giải phóng khỏi mối dây ràng buộc; thứ hai là chọn lựa đúng đắn. Chặng thứ nhất mang tính tiêu cực: giải thoát khỏi cảnh áp bức; chặng thứ hai mang tính tích cực: tự do nhằm thực hiện  điều gì đó. (Trong tiếng Anh, người ta phân biệt giữa “freedom from” và “freedom for”).

I. Cựu ước

Những trang đầu tiên của Sách Sáng thế đã để lại một trình thuật về cuộc thử thách của con người trong việc sử dụng tự do của mình để định đoạt “điều lành điều dữ”: hoặc dựa theo quyết định của Thiên Chúa hay chiều theo sự xúi giục của con rắn! Thực ra, theo các nhà chú giải Kinh thánh, những trang này được viết sau khi dân tộc Israel đi lưu đày trở về; họ muốn tìm cách giải thích lý do của những thăng trầm của mình, bằng cách đi ngược lại dòng lịch sử, không chỉ kể từ khi dân tộc được khai sinh mà còn đi mãi đến thời nguyên thủy của nhân loại.

Dưới khía cạnh lịch sử, nói được là cảm nghiệm đầu tiên của dân Israel về Thiên Chúa là biến cố giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai cập:  Thiên Chúa đến cứu thoát dân của ngài, muốn cho họ được hưởng tự do. Thoạt tiên, đây là một thứ tự do nhìn dưới khía cạnh chính trị, nhưng dân Israel đã sớm nhận ra rằng tự do chính trị chưa phải là tất cả: còn có nhiều thứ tự do cao quý hơn và đắt giá hơn.

Thực vậy, hành trình của dân Israel từ khi ra khỏi Ai-cập cho đến lúc vào Đất Hứa là một hình ảnh của việc đào tạo về ý thức tự do. Dân Israel đã nếm cảnh nô lệ bên Ai cập, và họ đã được Thiên Chúa đến giải thoát. Sau đó, trên núi Sinai, Thiên Chúa đã ban cho họ một giao ước, tựu trung trong Thập điều. Hai biến cố ấy được gắn liền với nhau, ra như Thiên Chúa muốn. nhắn nhủ rằng: “Các anh đã được giải phóng khỏi cảnh nô lệ về chính trị rồi đấy, nhưng mà hãy cảnh giác kẻo lại rơi vào một hình thức nô lệ mới, nô lệ cho dục vọng.  Quả vậy, nếu anh em đi thờ lạy ngẫu tượng, nếu anh em không biết tôn trọng tính mạng, gia đình, tài sản của người khác, thì anh em sẽ trở thành nô lệ cho các dục vọng của mình, và loại nô lệ này còn tai hại hơn cảnh nô lệ chính trị”. Vì thế, “thập giới” xem ra là sự ràng buộc, nhưng kỳ thực là phương tiện giúp cho ta sống tự do thực sự, trong sự tôn trọng những quyền lợi của Thiên Chúa và tha nhân.

Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,1-2).

Lịch sử của cuộc hành trình trên sa mạc cho thấy việc sử dụng tự do đòi hỏi nhiều hy sinh! Dân Israel nhiều lần lẩm bẩm than trách: họ ước mơ muốn quay trở về Ai cập, hơn là mạo hiểm tiến về Đất Hứa. Họ muốn thờ lạy các vị thần nằm trong tầm tay (chẳng hạn Thần Bò Vàng), hơn là đi theo một Thiên Chúa của lời hứa. Nói cách khác, họ muốn sống “giống như các dân tộc khác”, chứ không muốn đảm  nhận sứ mạng của một dân được tuyển chọn, một dân tộc tư tế, một dân tộc thánh (Xh 19,5-6). Thực vậy, nếu Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, thì đối lại, họ cũng được yêu cầu hãy chọn “phục vụ” Thiên Chúa, chứ không được chạy theo các thần linh khác (x. Gs 24,1-4). Tiếc rằng,  Israel đã không đáp ứng sự đòi hỏi ấy, và hậu quả là họ đã phải rơi vào cảnh mất nước, nhà tan. Điều này đã xảy ra nhiều lần, bất chấp những lời cảnh cáo của các ngôn sứ, mà thực tại bi đát nhất là cuộc lưu đày ở Babylon. Trong bối cảnh ấy, Israel đã đọc lại lịch sử của dân tộc, và họ khám phá ra nguồn gốc của mọi thảm họa là sự bất trung với giao ước (Đnl 26,16-19). Giao ước trở thành một chìa khóa để nhìn lại mối tương quan giữa Thiên Chúa với Israel: hạnh phúc và tai họa tùy thuộc vào việc tuân giữ hay vi phạm giao ước (Đnl 30,15). Các tác giả Kinh thánh nghĩ rằng việc chọn lựa này đã được đặt ra ngay từ lúc bắt đầu lịch sử loài người: Thiên Chúa đã trao vào tay nguyên tổ con người sự tự do để chọn lựa giữa sự sống và sự chết (St 2,16-17). Đàng sau những trình thuật này, một cách gián tiếp, Kinh thánh đề cao tự do của con người: con người có phần trách nhiệm đối với vận mệnh của mình (khác với quan niệm của các tôn giáo khác, đổ lỗi cho số mệnh mù quáng); vì thế hãy biết sử sụng đúng đắn tự do của mình (xem cảnh báo của các ngôn sứ: Is 1,19; Gr 11,8).

Những cuộc thách đố của Israel cũng là hình ảnh của những cuộc thách đố của con người trong suốt dòng lịch sử. Điều khá thú vị là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 538) đã đọc lại ba cơn “cám dỗ” (hoặc thử thách) của Đức Giêsu trên hoang địa là sự tái diễn các cuộc thử thách của ông Ađam và của Dân Israel; khác một điều là Đức Giêsu đã lật ngược thế cờ.

II. Tân ước

Qua các bản văn Tin mừng, chúng ta được biết rằng vào thời Đức Giêsu, dân tộc Do thái đang mong chờ một vị Mêsia sẽ đến để giành độc lập cho xứ sở khỏi ách đô hộ của Đế quốc Rôma và tái lập vương triều Đavit. Nhiều người đi theo Đức Giêsu với ý đồ được chia sẻ quyền bính với Người (Mc 10,35-37), nhưng Người đã nói rõ là mục tiêu hoạt động của Người không mang tính cách chính trị (x.Ga 19,36). Dù vậy, thánh Luca đã gắn liền sứ vụ của Người với tư tưởng giải phóng, tuy dưới khía cạnh khác. Tại hội đường Nazaret, Đức Giêsu đã giải thích mục tiêu của hoạt động của Người là thực hiện điều đã được ông Isaia tiên báo, đó là: “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, .. công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18-19). Bằng lời nói và việc làm, Người đã tỏ ra là một nhà giải phóng, qua việc chữa lành những người bệnh, giải thoát những người bị ma quỷ và tội lỗi hành hạ, thậm chí còn cho kẻ chết sống lại.

Tuy nhiên, khi thuật lại những câu chuyện ấy, Tin mừng nhất lãm cũng cho chúng ta biết rằng công cuộc giải thoát của Người không chỉ giới hạn vào việc chữa lành con người khỏi những ràng buộc của thể xác, mà còn mở rộng đến nhiều lãnh vực khác. Một thí dụ có thể thấy qua những cuộc tranh luận với người Pharisêu liên quan đến việc giải thích những quy định của luật pháp liên quan đến ngày Sabat. Vào lúc đầu, ngày Sabat được thiết lập để giải thoát con người khỏi lao nhọc thể xác, nhưng vô tình việc giải thích hẹp hòi của người Phariseu đã biến thể chế ấy thành cái ách trói buộc con người (Lc 6,1-5.6-9; 13,10-16). Chính trong khung cảnh tranh luận này, mà thánh Matthêu mời gọi tìm hiểu ý nghĩa của luật Chúa, luật của nội tâm, luật của tự do, chứ đừng dừng lại ở những chữ viết bên ngoài (Xem cách riêng những phản đề trong Bài giảng trên núi: Mt 5,17-48). Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của tự do được tìm thấy nơi việc đi theo Đức Giêsu, trở thành môn đệ của Người, và điều này đòi hỏi nhiều hy sinh (Lc 9,57-62).

Dù sao, trong Tân ước, thánh Gioan và thánh Phaolô là hai tác giả đã để lại nhiều suy tư hơn cả về tự do, sự tự do nhìn trong tương quan với Thiên Chúa: tự do của con cái Thiên Chúa, đối lại với sự nô lệ của tội lỗi. Đức Kitô đã đến để mang lại cho nhân loại sự tự do đích thực. Như đã nói trên đây, trong khái niệm tự do, ta thấy có hai mặt, tiêu cực và tích cực: một mặt là giải thoát khỏi những ràng buộc; mặt khác là dấn thân hành động cho một lý tưởng. Khía cạnh tiêu cực là giải thoát của cảnh nô lệ, cách riêng là nô lệ tội lỗi; khía cạnh tích cực là thái độ sống như con cái Thiên Chúa.

III. Thánh Gioan

Phúc âm thứ bốn trình bày hai bức tranh về sự tự do: một là của chính Đức Giêsu; hai là của các môn đệ.

1/ Đức Giêsu chứng tỏ sự tự do của Người qua việc làm theo ý của Chúa Cha (Ga 14,30-31). Điều này được biểu lộ cách riêng trong hồi Tử nạn. Đức Giêsu tự ý trao nộp mình cho toán quân đến bắt Người (x. Ga 19,4.). Trước tòa án tổng trấn Philatô, Người giải thích sứ vụ của mình là làm chứng cho chân lý (Ga 19,37). Câu nói này chẳng được ông quan tâm lắm; nhưng thực ra, thánh Gioan đã giải thích điều này ở một chỗ khác, và cụ thể là ở chương 8, trong đó Đức Giêsu tuyên bố: “Chân lý sẽ mang lại sự tự do” (Ga 8,32).

2/ Câu nói vừa rồi nằm trong bối cảnh một cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các thủ lãnh Do thái. Họ thâm tín rằng mình được tự do (hiểu về khía cạnh luân lý chứ không nói về khía cạnh chính trị), vì là con cái của tổ phụ Abraham. Ngược lại, Đức Giêsu nói rằng họ đang sống trong cảnh nô lệ, nô lệ của tội lỗi. Sự tự do đích thực chỉ có tìm thấy nơi lời của Con Thiên Chúa: ai nghe lời của Con Thiên Chúa thì sẽ trở thành người con trong nhà của Chúa, chứ không còn như là nô lệ nữa: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi. Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thật sự là những người tự do” (Ga 8,35-36). Sự tự do đích thực hệ ở chấp nhận lời của Đức Giêsu, ở lại trong lời của Người là chân lý. Đức Giêsu là lời của Thiên Chúa nhập thể, vì thế trở thành “đường, chân lý, sự sống” (Ga 14,6). Đức Giêsu đã cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Tình yêu của Chúa Cha giúp cho con người có khả năng yêu thương, nhờ đó khám phá ra chân lý về Thiên Chúa và về con người. Như vậy, chân lý ở đây không ám chỉ những thực tại trừu tượng, nhưng có liên quan đến lẽ sống. Những điều vừa phác thảo sẽ được giải thích rộng hơn nơi thánh Phaolô.

IV. Thánh Phaolô

Nhằm diễn tả công trình của Đức Kitô, một từ ngữ được thánh Phaolô ưa chuộng là “tự do”: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang ách nô lệ nữa” (Gl 5,1). Đề tài này khai triển trong suốt trong chương 5 của thư gửi các tín hữu Galat. Công cuộc giải phóng của Đức Kitô được thực hiện nhờ cái chết và phục sinh của Người (1Cr 18,31), cũng như nhờ việc trao ban Thánh Linh. Chúng ta lãnh ơn ân huệ này nhờ việc tin vào Đức Kitô và lãnh bí tích Thánh Tẩy. Hồng ân này cần được phát triển bởi vì trên thực tế, nó có thể bị mất. Chúng ta đừng nên quên rằng thánh Phaolô viết cho các tín hữu, chứ không phải dành cho hết mọi người. Công trình giải phóng của Đức Kitô được phân tích dưới hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực, như đã nói nhiều lần.

1/ Khia cạnh tiêu cực: giải thoát (giải phóng)

Dưới khía cạnh tiêu cực, thánh Phaolô nói đến ba mối dây ràng buộc con người: tội lỗi, sự chết, lề luật.

a) Con người là nô lệ của tội lỗi, gây ra bởi nguyên tổ (Rm 5,12tt; 1Cr 15,21; Ep 2,3) cũng như bởi mỗi cá nhân (Rm 6,17-20). Sự thống trị của tội lỗi được ví như của một tên bạo chúa, được nhân-cách-hóa nơi Satan (Ep 6,12; 1Pr 5,8). Thánh Phaolô đã cảm thấy cái ách của sự dữ: mình thấy điều tốt mà không làm nổi, nhưng lại chiều theo điều xấu ! (x. Rm 7,15) Một khuôn mặt khác của tội lỗi là “xác thịt”, nó cũng muốn bắt chúng ta làm nô lệ, làm trái ngược lại Thần khí. Thánh Phaolô đã có dịp đối chọi giữa hai lực lượng đang tranh chấp trong nội tâm của chúng ta, giữa xác thịt và thần khí (Rm 8:5-9; Gl 5:17ss). Xác thịt xúi giục chúng ta theo nó, và nếu chúng ta ưng thuận là làm nô lệ cho nó. Trong Gl 5,19-20, thánh Phaolô kê ra danh sách 14 thứ đam mê dục vọng (và vân vân, chứ chưa hết). Ở đây, sự đối chọi giữa “xác thịt” và “thần khí” không nên hiểu theo nghĩa thế lý (kiểu như là thân xác và linh hồn) nhưng theo nghĩa bóng, áp dụng vào nguyên tắc định hướng cuộc đời: hoặc lấy cái “tôi” ích kỷ làm gốc, hay là mở rộng lòng cho Thiên Chúa. Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi bằng cái chết và sự phục sinh của Người: chúng ta cũng được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô (Rm 6:6).

b) Sự chết là hệ quả của tội lỗi (Rm 6,23; Rm 7,11), con đẻ của tội lỗi (Gc 1,15). Nơi thánh Phaolô, tội lỗi và sự chết gắn liền với nhau. Cuộc phục sinh của Đức Kitô là sự toàn thắng trên sự chết; diệt trừ nọc độc của nó (1Cr 15,56; Cl 2,12-14). Người Kitô hữu đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của sự sợ hãi phải chết (Dt 2,14). Tuy vậy, nguy cơ rơi vào sự chết vẫn còn đe dọa. Sự giải thoát hoàn toàn khỏi cái chết sẽ chỉ diễn ra vào lúc phục sinh vinh hiển của toàn thể nhân loại (1Cr 15,26.54t) và của toàn thể vũ trụ mà chúng ta đang ngóng trông (Rm 8,23). Dù sao, thời cánh chung đã khởi đầu rồi, và chúng ta đã bước từ cái chết sang sự sống (1Ga 3,14; Ga 5,24) khi chúng ta sống trong đức tin và tình yêu. Trong bối cảnh này, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh đển tầm quan trọng của Hy vọng (đức cậy), bởi vì nó hướng đến tương lai với niềm xác tín rằng không có gì tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (Rm 8,28-38).

c) Lề luật, đối với người Kitô hữu, không còn là con đường cứu độ nữa. “Anh em không còn ở dưới chế độ của lề luật nữa nhưng là dưới chế độ của ân sủng” (Rm 6,14; Gl 5,18). Trong tất cả các bài giảng, thánh Phaolô luôn tuyên bố rằng người Kitô hữu đã được giải thoát khỏi lề luật. Vấn đề này bắt đầu từ cuộc tranh luận với những người Do thái chủ trương rằng luật Mose là con đường đưa tới sự cứu độ; đối lại, thánh Tông đồ khẳng định rằng duy chỉ Đức Kitô mới là con đường cứu độ.

Dĩ nhiên, lề luật tự bản chất là thánh thiện tốt đẹp (Rm 7,12; 1Tm 1,8); thế nhưng, theo dòng thời gian, nó trở thành cái ách nặng nề (Cv 15,10; Gl 2,4), một tù ngục cho người Do thái (Gl 3,23); một xiềng xích mà Đức Giêsu đã giải thoát chúng ta (Rm 7,6), để cho chúng ta trở thành những người tự do, làm con cái Thiên Chúa (Gl 4,7; Rm 6,14; 7,6; 8,15).

Chính vì chúng ta được giải thoát khỏi lề luật nhờ cái chết của Đức Kitô (Rm 7,1-6), cho nên chúng ta không cần một thứ luật cứu độ nào khác ngoài Đức Kitô (Gl 3,2.13; 4,3). Luật mới của Đức Kitô là “luật của thần khí ban sự sống” (Rm 8,2); luật mà Thần khí tác động ở trong ta, và đâu có thần khí của Chúa thì ở đấy có tự do” (2Cr 3,17; x. Gl 5,16.22).

2/ Khía cạnh tích cực: tự do để hành động

            Người tín hữu được giải thoát khỏi lề luật, tội lỗi và sự chết nhờ ân sủng của Thiên Chúa do Đức Kitô mang lại. Tự sức mình, con người không có khả năng thoát khỏi vòng nô lệ của sự dữ. Nhờ hồng ân cứu chuộc của Đức Kitô, con người được kêu gọi sống tự do, nhưng điều này không có nghĩa là con người từ nay sống phóng túng, buông theo những dục vọng. Trên thực tế, đã có một vài tín hữu đã hiểu lầm như vậy, khiến thánh Phaolô phải lên tiếng khiển trách.

            Người Kitô hữu đã được tự do trong Chúa Kitô, và họ trở nên nô lệ của Đức Kitô (1Cr 7,22) bởi vì họ được Đức Kitô chuộc về bằng máu của Người (1Cr 9,21). Luật của Đức Kitô trở thành luật của tự do hoàn hảo (Gc 1,25), nghĩa là luật dấn thân phục vụ. Tự do của người Kitô hữu được hiếu như cam kết phục vụ Thiên Chúa (Rm 6,22) phục vụ công bình (Rm 6,16; 18,19). Vì thế, ta có thể kể ra ba đặc tính của tự do Kitô giáo: mạnh dạn; dấn thân làm việc thiện; cam kết cho tình yêu.

a) Tự do hiểu như mạnh dạn (parresía). Đây là từ ngữ mà thánh Phaolô sử dụng để diễn tả sự can đảm hiên ngang của các thánh tông đồ trong việc loan báo chân lý, sự thẳng thắn rao giảng Tin mừng trước mặt quyền lực, đến nỗi sẵn sàng đương đầu với cái chết (1Tx 2,2; Ep 6,18; xem thêm: Cv 2, 29; 4, 13. 29. 31; 9, 27.28; 13, 46; 14, 3; 18, 26; 19, 8. 26; 28, 31). Người tín hữu tỏ ra thái độ là con cái trước mặt Thiên Chúa (Ep 3,12; Dt 3,6; 4,16; 1Ga 2,28; 3,21). Thật vậy, qua bí tích Thánh tẩy, người tín hữu đã nhận được “tinh thần của dưỡng tử, chứ không còn là tinh thần nô lệ nữa” (Rm 8,14-17). Điều này cũng khiến cho họ có thái độ can đảm tuyên xưng đức tin, nhờ sự giúp đỡ của Thánh Linh (Cv 2,29; 4,13).

b) Tự do để làm điều thiện. “Thưa anh em, anh em đã được gọi để sống tự do; có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt” (Gl 5,13). Ngay trong cộng đoàn tiên khởi, các thánh tông đồ đã phải đương đầu với những ý kiến giải thích sai lệch về tự do (x. 1Pr 2,16; 2Pr 2,19), xem ra đặc biệt là ở Corintô. Một số người chịu ảnh hưởng của phái ngộ đạo đã chủ trương rằng “tôi được phép làm mọi sự” (1Cr 6,12); thánh tông đồ tố giác rằng họ đã hiểu sai quan niệm tự do: người Kitô hữu không được quên rằng mình đã thuộc về Đức Kitô, được gọi để được sống lại như Người: vì thế cần phải hiểu tự do như là tự do để làm điều thiện.

c) Bác ái đứng hàng đầu. “Tất cả đều được phép làm, nhưng không phải tất cả đều mang tính xây dựng” (1Cr 10,23). Câu nói này được đặt trong bối cảnh của nghi vấn liên quan đến việc ăn đồ cúng. Khách quan mà nói, chẳng có gì khác biệt giữa đồ cúng với đồ không cúng; nhưng đối với những người thiếu hiểu biết vì việc ăn đồ cúng gây cớ vấp phạm cho họ. Vì thế đối khi tôi phải khước từ một quyền lợi của tôi để tránh gây tổn thiệt cho tha nhân (1Cr 8-10; Rm 14). Nói cho đúng, đây không phải là một giới hạn cho sự tự do, nhưng là một cách thức cao thượng để thi hành tự do. Các Kitô hữu đã được tự do khỏi các thứ nô lệ cổ truyền và trở thành tôi tớ của Thiên Chúa (Rm 6), cho nên tự nguyện phục vụ lẫn nhau nhờ đức ái (Gl 5,13), dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh (Gl 5,16-26). Thánh Phaolô tự coi mình như tôi tớ và thậm chí như nô lệ của các anh em mình (1Cr 9,19), nhưng đồng thời người vẫn tự nhận rằng mình được tự do, và đồng thời giống với Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa mà trở nên tôi tớ phục vụ (1Cr 11,1). Như vậy, bí quyết của sự tự do của con cái là sống đức ái, nghĩa là trao hiến bản thân cho Thiên Chúa và anh em.

Kết luận

Trong bài này, chúng ta xét tự do  trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Kinh thánh Cựu ước cũng như Tân ước cũng đề cập đến tự do dưới khía cạnh chính trị xã hội, và trên thực tế, những trang Tân ước đã gợi hứng cho biết bao cuộc tranh đấu cho tự do, chẳng hạn như các cuộc cách mạng dân quyền ở châu Âu. Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này vào một dịp khác. Dù sao, bài học lịch sử vẫn còn đó: nhiều lần giai cấp bị trị nổi lên chống lại giai cấp thống trị, và đến khi đã giành được quyền lực, họ lại trở nên những nhà độc tài không thua gì chế độ cũ đã bị hạ bệ. Điều này cho thấy rằng các cuộc cách mạng chân chính phải khởi đi từ cuộc cách mạng nội tâm, biết nhận ra các mối tương quan đúng đắn của con người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Một khi tương quan được đặt trên nền tảng của tình yêu và phục vụ thì bộ mặt xã hội sẽ thay đổi rất nhiều.

Mặt khác, trong bài này, chúng ta chỉ dừng lại ở vài ý tưởng nổi bật của Kinh thánh, đặc biệt là của Tân ước. Khi có cơ hội, chúng ta sẽ đi vào những cuộc suy tư sâu xa hơn về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, chẳng hạn như sự dung hòa giữa ân sủng với tự do, giữa tín thác vào Chúa quan phòng với sự vận dụng những phương tiện trong tay chúng ta (chứ không há miệng chờ sung).

Dù sao, điều quan trọng cần nhấn mạnh là Thiên Chúa muốn cho con người được tự do. Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi để sống tự do đích thực. Thánh Linh muốn chúng ta hành động tự do trong tình yêu. Cần sửa lại một hình ảnh lệch lạc, theo đó Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn toàn suy phục Ngài như Chủ tể vạn vật. Quan niệm này chỉ đúng một phần thôi. Đúng hơn, phải nói rằng Thiên Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài như con cái; chính trong tương quan tình yêu ấy mà chúng ta sống tự do đích thực. Và chúng ta đừng quên rằng những gì đã nói trên đây vẫn còn là lý tưởng, hoặc đúng hơn nữa, đó là “hồng ân”. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều để thực hiện lý tưởng ấy, nhờ ơn Chúa, bắt đầu từ trong Hội thánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here