Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh
BÀI 44: GIÁM MỤC CAI QUẢN HỘI THÁNH ĐỊA PHƯƠNG
Là đại diện và là sứ giả của Đức Kitô, Giám mục cai quản Hội Thánh địa phương của mình bằng lời khuyên bảo và sức thuyết phục, nhưng cũng bằng thẩm quyền và quyền lực thánh thiêng.
Trong buổi Tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 18 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về tác vụ Giám mục trong Hội Thánh, lần này, ngài tập trung vào quyền mục tử. Bài giáo lý hôm nay là bài thứ 44 trong loạt bài huấn giáo về mầu nhiệm Hội Thánh của ngài.
1. Ngoài thừa tác vụ ngôn sứ và bí tích mà chúng ta đã nói đến trong các bài giáo lý trước, các Giám mục còn có tác vụ mục tử, như Công đồng Vaticanô II đã nói: “Là đại diện và sứ giả của Đức Kitô, các Giám mục cai quản Hội Thánh địa phương được ủy nhiệm cho các ngài bằng những lời khuyên bảo, khích lệ, bằng gương lành, và ngay cả bằng thẩm quyền và quyền lực thánh thiêng, tất cả chỉ nhằm xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, trong khi vẫn luôn tâm niệm rằng ai cao trọng hơn phải nên như người bé nhỏ và người làm đầu phải nên như tôi tớ (x. Lc 22, 26-27)” (Lumen gentium, số 27).
Đây là một giáo huấn tuyệt vời dựa trên nguyên tắc căn bản này: trong Hội Thánh, quyền bính là phương tiện để xây dựng. Thánh Phaolô cũng nói như vậy trong thư gửi cho tín hữu Côrintô: “quyền Chúa đã ban cho chúng tôi để xây dựng, chứ không phải để đánh đổ anh em” (2Cr 10,8). Với các tín hữu của Hội Thánh Côrintô, ngài luôn hy vọng là không phải hành động gay gắt “vì quyền Chúa đã ban cho chúng tôi để xây dựng, chứ không phải để đánh đổ” (2Cr 13,10).
Mục đích xây dựng này đòi hỏi các Giám mục phải kiên nhẫn và nhân hậu. Điều này có nghĩa là “xây dựng đoàn chiên trong chân lý và sự thánh thiện” như Công đồng dạy: chân lý của giáo huấn Tin Mừng, và sự thánh thiện như Đức Kitô đã sống, đã ước vọng và đã giảng dạy.
Thừa tác vụ của Hội Thánh là một việc phục vụ
2. Cần phải nhấn mạnh khái niệm “phục vụ” vốn áp dụng cho mọi “thừa tác vụ” của Hội Thánh, bắt đầu từ thừa tác vụ Giám mục. Thật vậy, chức Giám mục là một việc phục vụ hơn là một vinh dự. Và nếu đó là một vinh dự, thì đó là khi Giám mục, người kế vị các Tông đồ, phục vụ trong tinh thần khiêm hạ của Tin Mừng theo mẫu gương của Con Người, Đấng đã răn bảo Nhóm Mười Hai: “Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26). “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,44-45; x. Mt 20,27-28).
3. Trong sắc lệnh Christus Dominus, Công đồng bổ sung: “Khi thi hành phận vụ của một người cha cũng là mục tử, các Giám mục hãy sống giữa những người thuộc về mình, như những người phục vụ, nghĩa là như những mục tử tốt lành biết các con chiên của mình và được các con chiên của mình biết mình, đồng thời như những người cha đích thực đầy tình yêu thương chăm lo cho tất cả mọi người và được mọi người luôn quý mến cũng như tuân phục quyền bính Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình trọn vẹn và đào tạo để tất cả mọi người, nhờ ý thức về nhiệm vụ của mình, luôn sống và hành động trong sự hiệp thông đức ái” (CD, số l 6).
4. Trong ánh sáng của việc phục vụ “như là mục tử nhân lành”, quyền mà Giám mục có được phải được hiểu là năng quyền riêng (in proprio), mặc dù quyền này chịu chi phối bởi quyền của Đức giáo hoàng. Hiến chế Lumen gentium viết: “Thẩm quyền mà các ngài [các Giám mục] đích thân thực thi nhân danh Đức Kitô, là năng quyền riêng, thông thường và trực tiếp, nhưng việc thi hành vẫn tuỳ thuộc vào quyết định tối hậu của quyền bính tối cao trong Hội Thánh, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với năng quyền này, trước mặt Chúa các Giám mục có quyền và có bổn phận thánh thiêng ấn định các luật lệ cho những người thuộc quyền, phân xử và quy định tất cả những gì liên quan đến phụng tự và việc Tông đồ” (Lumen gentium, số 27).
Chắc chắn, đây là quyền bính thực sự, cần phải được tôn trọng, và cả giáo sĩ lẫn các tín hữu cần ngoan ngoãn và vâng phục trong việc quản trị Hội Thánh. Tuy nhiên, đây luôn là quyền bính với trách vụ mục tử.
5. Về việc săn sóc mục vụ cho đàn chiên, vốn đòi hỏi một trách nhiệm cá nhân xứng hợp để thăng tiến đời sống Kitô giáo của đoàn dân được giao phó, Công đồng ngỏ lời với các Giám mục rằng: “Trách nhiệm mục vụ, nghĩa là sự chăm sóc thường xuyên và hằng ngày cho đoàn chiên, được ủy thác hoàn toàn cho các Giám mục, và không được coi các Giám mục là những phụ tá của Giám mục Rôma, vì các ngài thực thi quyền riêng của mình và thực sự được gọi là Thủ lãnh của dân mà các ngài cai quản” (Lumen gentium, số 27).
Thừa tác vụ của Đấng kế vị thánh Phêrô cần thiết cho mỗi Hội Thánh
Rõ ràng, Công đồng không ngần ngại khẳng định quyền bính chính đáng của mỗi Giám mục trên Giáo phận của mình, hay trên Hội Thánh địa phương. Nhưng, Công đồng còn nhấn mạnh đặc biệt đến một điểm khác, là nền tảng cho sự hiệp nhất và tính công giáo của Hội Thánh; đó là sự hiệp thông của mỗi Giám mục và toàn thể “Giám mục đoàn” (corpus Episcoporum) “với thánh Phêrô” (cum Petro), cũng như “dưới thánh Phêrô” (sub Petro), nhờ một nguyên lý Giáo Hội học (mà đôi khi dễ bị phớt lờ) mà theo đó, tác vụ của Đấng kế vị thánh Phêrô thuộc về bản chất của mỗi Hội Thánh địa phương “từ bên trong”, nghĩa là như một đòi hỏi cho chính việc thiết lập Hội Thánh, chứ không như một điều gì đó được thêm vào từ bên ngoài vì lý do lịch sử, xã hội hay một lý do thực tiễn nào đó. Vấn đề không phải là thích nghi với hoàn cảnh thời đại, nhưng là trung thành với ý muốn của Đức Kitô dành cho Hội Thánh. Nền tảng của Hội Thánh trên đá tảng Phêrô, cũng như việc trao quyền đứng đầu cho thánh Phêrô, và kế tục nơi các Đấng kế vị là Giám mục Rôma, đòi hỏi phải liên hệ với Hội Thánh phổ quát và trung tâm của Hội Thánh ấy ở Rôma như là một yếu tố thiết định cho Hội Thánh địa phương và là điều kiện để nó là Hội Thánh. Đây là nền tảng căn bản của thần học về Hội Thánh địa phương.
6. Mặt khác, quyền bính của các Giám mục không bị đe dọa bởi quyền bính của Giám mục Rôma, như Công đồng nói: “Quyền bính của Giám mục không bị quyền tối cao và phổ quát đoạn tiêu, nhưng trái lại, còn được quyền đó xác nhận, củng cố và bảo đảm, vì Chúa Thánh Thần luôn mãi duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Hội Thánh” (Lumen gentium, số 27).
Và như thế, mối tương quan giữa các Giám mục và Đức giáo hoàng chỉ có thể là tương quan hợp tác và tương trợ trong bầu khí hữu nghị và sự tin tưởng huynh đệ, như chúng ta có thể thấy, và thậm chí kinh nghiệm được trong đời sống Hội Thánh ngày nay.
7. Cần có một trách nhiệm mục tử tương xứng với năng quyền của Giám mục, bởi vì ngài thấy phải trung thành hiến mạng sống mỗi ngày vì lợi ích của đoàn chiên, theo ngương Vị mục tử nhân lành. Thông phần vào thập giá Đức Kitô, Giám mục được mời gọi dâng muôn vàn hy sinh của bản thân cho Hội Thánh. Những hy sinh này biểu lộ cụ thể bổn phận thực thi đức ái trọn hảo. Bổn phận ấy đến từ hàng ngũ (status) mà ngài đã lãnh nhận qua việc thánh hiến Giám mục. Trong đó bao hàm linh đạo Giám mục cách cụ thể, là sự bắt chước cao độ gương Đức Kitô, Vị mục tử nhân lành, và là sự thông phần lớn lao vào tình yêu của Người.
Các Giám mục phải hết lòng yêu thương các linh mục của mình
Vì thế, Giám mục được mời gọi bắt chước Đức Kitô Mục Tử, để mình được dẫn dắt bởi lòng bác ái đối với mọi người. Công đồng đặc biệt khuyến nghị thái độ lắng nghe: “Giám mục đừng từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy săn sóc họ như những người con đích thực và khuyên nhủ họ nhiệt thành cộng tác với mình” (Lumen gentium, số 27). Giám mục cần trổi vượt vể khả năng giao tiếp và hiệp thông với con cái và anh em mình: thấu hiểu và đồng cảm với những đau khổ của họ về cả phần hồn và phần xác; khao khát giúp đỡ và hỗ trợ để khuyến khích và thăng tiến sự hợp tác; và trên tất cả là một tình yêu bao la, không loại trừ, không giới hạn, không dè dặt.
8. Theo Công đồng, tất cả các khuyến nghị trên đây cần thể hiện cụ thể nơi thái độ của Giám mục với anh em mình trong chức tư tế thừa tác: “Các Giám mục hãy luôn chăm sóc các linh mục bằng một tình yêu thương đặc biệt, vì họ là những người đang chia sẻ một phần nhiệm vụ và những mối bận tâm của các ngài, và hàng ngày vẫn đang thực thi điều đó cách nhiệt thành; với thái độ sẵn sàng lắng nghe và tin tưởng họ, các ngài hãy nỗ lực phát huy các công tác mục vụ trong toàn giáo phận cùng với họ như với những người con và người bạn” (CD, số 16).
Tuy nhiên, Công đồng cũng đề cập đến nhiệm vụ mục tử đối với giáo dân: “Khi thực thi sứ vụ của mình, các Giám mục phải dành cho các tín hữu những phần việc thích hợp với họ trong các công cuộc chung của Hội Thánh, vì biết rằng họ có bổn phận và cũng có quyền cộng tác cách tích cực vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô” (CD, số 16).
Công đồng cũng lưu ý thêm về chiều kích phổ quát của tình yêu mến thúc đẩy tác vụ Giám mục (ministerium episcopale): “Các Giám mục phải thương mến các anh em ly khai, nhắn nhủ các tín hữu đối xử với họ bằng thái độ đầy tình người và tình bác ái, đồng thời cũng cổ võ phong trào đại kết đúng theo quan điểm của Hội Thánh. Các ngài hãy yêu thương cả những người ngoài Kitô giáo, để họ cũng được tiếp nhận tình yêu của Chúa Kitô Giêsu, Đấng mà các Giám mục phải làm chứng trước mặt mọi người” (CD, số 16).
Các giáo phận cần yêu mến và vâng nghe Giám mục
9. Hình ảnh Giám mục mà các bản văn Công đồng phác họa cho thấy các Giám mục có địa vị cao quý trong Hội Thánh là bởi thừa tác vụ cao trọng và bởi tinh thần mục tử cao cả của các ngài. Chức Giám mục buộc các ngài vào các bổn phận khó khăn và gian khổ, và vào lòng yêu thương tột độ với Đức Kitô và với anh chị em mình. Đây là một sứ vụ và một đời sống đầy khó khăn; và cũng vì thế, các giáo phận hãy yêu mến và vâng nghe Giám mục của mình, đồng thời cộng tác với ngài cho đến khi Nước Chúa hiển trị. Công đồng đúc kết điều này như sau: “Các tín hữu phải liên kết với Giám mục như Hội Thánh gắn bó với Đức Giêsu Kitô, và như Đức Giêsu Kitô với Chúa Cha, để tất cả luôn đồng tâm trong tình hợp nhất và mang lại hoa trái phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2 Cr 4,15).