TGH Gioan Phaolô II – BÀI 37: HỘI THÁNH LÀ MỘT XÃ HỘI CÓ CƠ CẤU

0
1853

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 37: HỘI THÁNH LÀ MỘT XÃ HỘI CÓ CƠ CẤU

Các Tông đồ là nền tảng của cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh, đứng đầu là Phêrô và được tiếp nối bởi những vị kế nhiệm

Vào buổi Tiếp kiến chung thứ Tư, 1 tháng Bảy, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý hàng tuần của ngài về mầu nhiệm Giáo Hội. Trong giáo huấn hôm nay, bài thứ 37 của loạt bài giáo lý, ngài nói về cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội trên nền tảng Mười Hai Tông Đồ.

1. Giáo Hội là một cộng đoàn ngôn sứ, tư tế và bí tích được Đức Giêsu thiết lập; Giáo Hội như một xã hội có cơ cấu, thứ bậc và sứ vụ có chức năng cung cấp mô hình quản trị mục vụ nhằm giúp cho sự hình thành và phát triển liên tục của cộng đồng. Mười Hai Tông Đồ là những người đầu tiên thực thi vai trò quản trị mục vụ này. Các ngài được chính Đức Giêsu tuyển chọn như nền tảng hữu hình của Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II nói: “Chúa Giêsu Kitô, vị Mục tử vĩnh hằng, đã thiết lập Giáo Hội Thánh thiện khi sai các Tông đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến (x. Ga 20,21); Người đã muốn những người kế vị các Tông đồ, tức là các Giám mục, sẽ nên những chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế.” (Lumen gentium, số 18)

Được trích từ Hiên chế Tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, trước hết, đoạn văn này nhắc nhở chúng ta vị trí duy nhất và khởi điểm của các Tông đồ trong khía cạnh thể chế Giáo Hội. Tin mừng kể lại cho chúng ta rằng, Đức Giêsu đã kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài, và Ngài đã tuyển chọn Nhóm Mười Hai từ giữa họ. Theo Tin mừng, đó là lựa chọn dứt khoát của Đức Giêsu sau một đêm cầu nguyện (x. Lc 6,12); một lựa chọn với sự tự do tuyệt đối theo Maccô kể lại, Đức Giêsu lên một ngọn núi và triệu tập “những kẻ Người muốn” (x. Mc 3,13). Và Tin mừng đã liệt kê tên từng vị một (x. Mc 3,16-19): một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của họ được công nhận trong Giáo Hội sơ khai.

2. Khi tuyển chọn Nhóm Mười Hai, Đức Giêsu thành lập Giáo Hội như một đoàn thể hữu hình có tổ chức nhằm phục vụ Tin mừng và Nước Chúa. Con số 12 tượng trưng cho 12 chi tộc Israel và qua đó, nói lên ý định của Đức Giêsu trong việc thiết lập Giáo Hội như Israel mới, Đoàn Dân Mới của Thiên Chúa. Ý định đó được diễn tả rất rõ trong diễn từ của Maccô: “Ngài chỉ định Nhóm Mười Hai… Ngài chỉ định Nhóm Mười Hai”. “Chỉ định” hoặc “sáng tạo” liên tưởng đến động từ được sử dụng trong đoạn Sáng Thế về công trình tạo dựng và Isaia Đệ Nhị (43,1; 44,2) về việc thành lập Dân Chúa, tổ tiên của Israel.

Vai trò đặc biệt của Phêrô trong Nhóm Mười Hai

 Ý muốn sáng lập này được diễn đạt không chỉ qua việc đặt tên mới cho Simon (Phêrô), Giacôbê và Gioan (con trai của sấm sét), mà còn cho toàn thể Nhóm Mười Hai. Thật vậy, thánh Luca viết rằng, Đức Giêsu “chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,13). Nhóm Mười Hai Tông Đồ vì thế trở nên đặc biệt, tách khỏi cộng đoàn xã hội cũng như Giáo Hội, một khía cạnh không thể thay thế được. Trong Nhóm Mười Hai, Phêrô giữ vị trí đặc biệt. Về phần mình, Đức Giêsu tỏ lộ rõ ý định thành lập một Israel Mới, qua việc đặt tên cho Simon: “tảng đá”, trên tảng đá này Đức Giêsu xây dựng Hội thành của Ngài. (x. Mt 16,18).

3. Maccô giải thích mục đích thiết lập Nhóm Mười Hai của Đức Giêsu như sau: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15).

Rõ ràng, yếu tố đầu tiên cấu thành nên Nhóm Mười Hai là theo sát Đức Kitô: họ là những người được gọi để “ở với Người” v.v…bước theo Người và bỏ lại mọi thứ. Yếu tố thứ hai là sứ vụ, được diễn tả qua khuôn mẫu sứ mạng rao giảng và trừ quỷ của chính Đức Kitô. Nhóm Mười Hai, những người kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô như những môn đệ, bạn hữu thân tình, có nhiệm vụ chia sẻ sứ mạng của Ngài.

4. Trong sứ mạng của các Tông đồ, thánh sử Maccô nhấn mạnh đến “quyền trừ quỷ”. Đó là quyền năng trên sự dữ, có nghĩa là quyền ban ơn cứu độ của Đức Kitô cho con người, bởi vì “thủ lãnh thế gian” đã bị Ngài tống ra ngoài (Ga 12,31).

Thánh sử Luca đã khẳng định ý nghĩa quyền năng trừ quỷ và mục đích thiết lập Nhóm Mười Hai. Luca thuật lại những lời của Đức Giêsu trong việc trao quyền trừ quỷ cho các Tông đồ trong Vương Quốc của Ngài: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan; Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy” (Lc 22,28). Trong tuyên bố này, sự kiên trì kết hợp với Đức Kitô liên hệ chặt chẽ với quyền năng được trao ban trong Vương Quốc.

Thẩm quyền này nhằm để phục vụ, như chúng ta thấy trong đoạn trích về sứ vụ đặc biệt được trao phó cho Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên con… Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Riêng Phêrô nhận được thẩm quyền tối cao này trong sứ vụ mục tử. Sứ vụ này được thực hiện trong quyền năng của Đức Kitô, Đấng là Mục Tử và là Thầy Dạy.

Các Tông đồ được giao phó những nhiệm vụ đặc biệt

Thẩm quyền tối cao được trao phó cho Phêrô không vô hiệu hoá thẩm quyền của các Tông đồ khác. Vai trò mục tử của Nhóm Mười Hai đặt dưới quyền của vị Mục Tử tối cao và duy nhất. Họ là những người đại diện cho Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành.

5. Đây là những nhiệm vụ đặc biệt vốn thuộc sứ vụ Đức Giêsu trao phó cho Nhóm Mười Hai:

a) Sứ mạng và thẩm quyền loan báo Tin mừng cho muôn dân tộc, như Tin mừng Nhất lãm đã nói (x. Mt 28,18-20; Mc 16,16-18; Lc 24, 45-48). Trong số đó, Matthêu nhấn mạnh mối tương quan do chính Đức Giêsu thiết lập, giữa quyền năng thiên sai của Ngài và mệnh lệnh mà Ngài trao phó cho các Tông đồ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28,18). Các Tông đồ có thể và phải hoàn thành sứ mạng của mình bởi quyền năng của Đức Kitô sẽ thực hiện trong các ông.

b) Sứ mạng và thẩm quyền ban Phép Rửa (Mt 28,29), một sự kiện toàn lệnh truyền của Đức Kitô, Phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì Phép Rửa gắn liền với mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, nên cũng được coi là Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu, như trong Công vụ Tông đồ đã khẳng định (x. Cv 2,38; 8,16).

c) Sứ mạng và thẩm quyền cử hành Thánh Thể: “Hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24-25). Trách nhiệm tái hiện những gì Chúa Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly bằng cách thánh hiến bánh và rượu hàm ngụ năng quyền ở mức độ cao nhất; khi nói nhân danh Chúa Kitô: “Đây là Mình Thầy”, “Đây là Máu Thầy” là trở nên đồng hoá với Chúa Kitô, như Ngài đã làm, trong hành vi bí tích.

d) Sứ mạng và thẩm quyền tha tội (Ga 20,22-23). Các Tông đồ chia sẻ quyền năng của Con Người để tha tội lỗi trần gian (x. Mc 2,10): quyền năng mà Đức Giêsu đã làm kinh ngạc đám đông. Thánh sử Matthêu kể cho chúng ta rằng, đám đông đó đã “sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9,8).

6. Để hoàn thành sứ mạng này, ngoài thẩm quyền, các Tông đồ còn được trợ giúp bởi Thánh Thần (x. Ga 20,21-22), Đấng đã hiện đến trong ngày Lễ Ngũ Tuần như Đức Giêsu đã hứa (x. Cv 1,8). Nhờ Thánh Thần, từ lễ Ngũ Tuần, họ bắt đầu trở nên kiên định trong lệnh truyền loan báo Tin mừng cho muôn dân. Trong Hiến chế Lumen gentium, Công đồng Vaticanô II nói: “Khi Tin Mừng được rao giảng khắp nơi (x. Mc 16,20) và được những người nghe đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ quy tụ Giáo Hội phổ quát mà Chúa đã thiết lập trên các Tông đồ và xây dựng trên nền đá Phêrô, thủ lãnh của các ngài, với viên đá góc là chính Đức Giêsu Kitô (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Ep 2,30)” (Lumen gentium, số 19).

7. Sứ mạng của Nhóm Mười Hai bao gồm vai trò nền tảng dành riêng cho các ông, không ai khác có được: tận mắt chứng kiến cuộc sống, cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô (x. Lc 24,28); lưu truyền thông điệp của mình cho cộng đoàn sơ khai như là mối dây liên kết giữa Mạc khải và Hội Thánh; và cũng chính vì lý do đó, Hội Thánh được khơi mào nhân danh quyền năng của Đức Kitô dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Vì chức năng của mình, Mười hai Tông đồ đại diện cho một nhóm quan trọng duy nhất trong Hội Thánh, được Công đồng Nicene-Constantinopolitan định tín qua Kinh Tin Kính (Credo unam, sanctum, catholicam et “apostolicam” Ecclesiam), do mối liên kết không thể phá vỡ này với Nhóm Mười Hai. Đây cũng là lý do tại sao Hội Thánh đưa vào phụng vụ và dành riêng các lễ kỷ niệm đặc biệt, long trọng để tôn vinh các Tông đồ.

8. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trao phó cho các Tông đồ một sứ mệnh loan báo Tin mừng cho muôn dân, và điều này phải mất một thời gian rất dài, thực sự sẽ kéo dài “cho đến tận thế” (Mt 28:20). Các Tông đồ hiểu rằng đó là ý định của Chúa Kitô mà họ truyền lại cho những người kế vị, với tư cách là người thừa kế và đại diện, sẽ tiếp tục sứ mệnh của các ông. Do đó, các Tông đồ đã thiết lập hàng “Giám mục và phó tế” trong các cộng đồng khác nhau “và sắp xếp rằng sau khi chết, hàng Giám mục và phó tế này chấp thuận cho những người khác trở nên người kế vị trong chức vụ của họ” (1Clem. 44, 2; x. 42, 1-4).

Các Tông đồ là cội nguồn của cơ cấu thánh

Theo cách này, Đức Giêsu đã thiết lập một cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh, định hình bởi các Tông đồ và những người kế vị: một cơ cấu không bắt nguồn từ cộng đoàn được thành lập của tiền nhân nhưng được thiết lập bởi Đức Giêsu. Song song đó, các Tông đồ là những hạt giống của Israel mới và là nguồn gốc của một cơ cấu thánh thiêng, như chúng ta đọc thấy trong Hiến chế Ad genies, số 5. Vì thế, cơ cấu này thuộc về bản chất của Hội Thánh, theo như kế hoạch của Thiên Chúa được Đức Giêsu kiện toàn. Cũng trong ý định đó, cơ cấu này đóng vai trò thiết yếu trong toàn bộ sự phát triển cộng đồng Kitô giáo, từ ngày Lễ Ngũ Tuần cho đến lúc thời gian viên mãn, trong Giêrusalem trên trời, những người được chọn sẽ chia sẻ trọn vẹn “sự sống đời đời”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here