TGH Gioan Phaolô II – BÀI 35: HỘI THÁNH LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ

0
1103

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 35: HỘI THÁNH LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU CỦA ĐỨC KITÔ

Qua những giáo huấn của mình, các định chế và gương lành của các thánh, Hội Thánh luôn gìn giữ tính sống động của lý tưởng Tin mừng về tình yêu mà Đức Kitô truyền dạy

Buổi Tiếp kiến chung ngày 3 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã nói về Giáo Hội như một cộng đoàn ngôn sứ làm chứng cho tình yêu. Trong hai bài giáo lý trước, ngài đã mô tả cách thức mà cộng đoàn này làm chứng cho đức tin và hy vọng. Đây là bài thứ 35 trong loạt bài giáo lý Đức Thánh Cha nói về mầu nhiệm Giáo Hội.

1. Chúng ta hãy nhìn lại Hiến chế tín lý Lumen gentium, có đoạn viết: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiệ̣n khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái” (Lumen gentium, số 12). Chúng tôi đã nói về chứng tá đức tin và hy vọng trong những bài giáo lý trước. Hôm nay, chúng ta tiếp tục với đề tài chứng nhân của tình yêu. Đây là đề tài đặc biệt quan trọng, bởi vì như thánh Phaolô nói, cả ba đức tin, đức cậy, đức mến đều tồn tại nhưng “cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Thánh Phaolô thể hiện ngài nhận thức rất rõ giá trị giới răn yêu thương của Đức Kitô. Trải qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội chưa bao giờ quên giới răn này. Giáo Hội luôn ý thức lời mời gọi làm chứng cho tình yêu Tin mừng bằng cả lời nói và việc làm, theo gương mẫu của Đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong Công vụ Tông đồ: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10,38).

Đức Giêsu nhấn mạnh tâm điểm của giới răn yêu thương khi gọi đó là giới răn của chính Ngài: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12). Đây không còn đơn thuần là yêu người thân cận như luật Cựu Ước nữa, nhưng là một “điều răn mới” (Ga 13,34). “Mới” vì theo gương mẫu tình yêu của Đức Kitô (“như Thầy đã yêu thương anh em”), Đấng diễn tả cách hoàn hảo Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Hơn nữa, tột đỉnh tình yêu của Đức Kitô thể hiện qua hy lễ hiến tế của Ngài: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Do vậy, Hội Thánh có nhiệm vụ trở nên chứng tá tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại, một tình yêu sẵn sàng hiến dâng. Bác ái không chỉ đơn thuần là minh chứng cho tình liên đới giữa con người, nhưng còn là chia sẻ cùng một tình yêu thánh thiêng.

2. Đức Giêsu nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Tình yêu mà Đức Kitô thể hiện qua lời nói và việc làm là dấu chỉ phân biệt các môn đệ của Người. Người thể hiện khao khát mãnh liệt khi tuyên bố rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Lửa ở đây có nghĩa là mức độ và sức mạnh của đức ái. Đức Giêsu đòi hỏi những ai bước theo Ngài được phân biệt bằng đức ái này. Hội Thánh ý thức rằng đức ái trở nên chứng từ cho Đức Kitô. Hội Thánh có khả năng thực thi chứng từ này bởi khi họa theo đời sống Đức Kitô, Hội Thánh cũng nhận được tình yêu của Người. Chính Đức Kitô đã khơi lên nỗi khắc khoải và tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình yêu ở mọi nơi và mọi thời. Hội Thánh có trách nhiệm tiếp nối Đức Kitô thắp lên ngọn lửa tình yêu này cho thế gian. Mọi chứng nhân đích thực của Đức Kitô phải mang trên mình đức ái này, và tránh mọi xung đột gây tổn hại đến tình yêu. Vì thế, mỗi Kitô hữu trong Hội Thánh phải được phân biệt bằng đức ái.

3. Đức ái mà Đức Kitô thắp lên cho thế gian là một tình yêu phổ quát, không giới hạn. Hội Thánh thực thi đức ái này vượt trên sự phân biệt giữa các cá nhân, tầng lớp xã hội, dân tộc cũng như quốc gia. Hội Thánh chống lại bất kỳ chủ nghĩa dân tộc nào giới hạn đức ái trong trong phạm vi dân tộc mình. Với tình yêu phổ quát dành cho tất cả mọi người, Hội Thánh muốn nói lên rằng con người được Đức Kitô mời gọi không chỉ xa lánh mọi thù hận giữa dân tộc mình, mà còn trân trọng và yêu mến thành viên của mọi quốc gia cũng như dân tộc khác.

4. Đức ái Kitô giáo cũng vượt trên mọi sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội. Đức ái đó không chấp nhận bất kỳ sự ganh ghét hay đấu tranh giai cấp nào. Hội Thánh mong muốn sự hiệp nhất toàn thể nhân loại trong Đức Kitô. Hội Thánh cố gắng thi hành, khuyên nhủ cũng như dạy dỗ mọi người sống tình yêu Tin mừng, thậm chí đối với cả những người được cho là kẻ thù. Trong việc thực thi giới răn yêu thương của Đức Kitô, Hội Thánh hướng tới công bình xã hội, và nhờ đó, đạt tới sự công bình phân phối nhằm giúp đỡ những người bất hạnh, nghèo khổ nhất. Đồng thời, Hội Thánh cũng thúc đẩy và loan truyền hòa bình cũng như sự chữa lành trong xã hội.

5. Về cơ bản, đức ái Kitô giáo đòi hỏi thái độ tha thứ, noi gương lòng nhân hậu của Đức Kitô, Đấng đã lên án tội lỗi nhưng tỏ ra chính Người là “bạn hữu của tội nhân” (x. Mt 11,19; x. Lc 19,5-10), và không kết án họ (x. Ga 8,11). Bằng cách đó, Hội Thánh nổ lực tái hiện nơi mọi Kitô hữu cũng như chính mình tinh thần quảng đại của Đức Giêsu, Đấng đã tha thứ và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đã trao nộp Người (x. Lc 23,34).

Kitô hữu luôn ý thức mình không thể có ước muốn trả thù. Căn cứ vào câu trả lời của Đức Giêsu trước câu hỏi của Phêrô, Kitô hữu phải luôn luôn tha thứ cho mọi kẻ thù của mình (x. Mt 18,22). Mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, Kitô hữu tái khẳng định ước muốn tha thứ đó. Chứng từ của sự tha thứ này, được Hội Thánh ban phát và khắc ghi, liên hệ với mạc khải lòng thương xót. Đó chính xác là để trở nên như Cha trên trời, đáp lại lời Đức Giêsu kêu gọi (x. Lc 6,36-38; Mt 6,14-15; 18,33-35), mọi Kitô hữu phải hướng tới sự nhân hậu, cảm thông, và hiền hòa. Điều đó không có nghĩa là Kitô hữu phớt lờ công lý, nhưng là không bao giờ được phép tách lìa công lý khỏi lòng thương xót.

6. Đức ái còn được thể hiện qua sự tôn trọng và quan tâm đến mỗi người. Đó là điều mà Hội Thánh muốn thi hành và thúc đẩy mọi thành phần khác thi hành. Hội Thánh đảm nhận trách nhiệm loan truyền chân lý mạc khải và đem ơn cứu độ của Đức Kitô cho hết thảy mọi người. Hơn nữa, tiếp bước Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh mang thông điệp của mình đến từng cá nhân, được nhìn nhận là những con người tự do; Hội Thánh mong muốn họ phát triển toàn diện với sự trợ giúp của ân sủng. Vì vậy, trong mọi hoàn cảnh, Hội Thánh luôn thuyết phục, đối thoại, hướng tới chân lý và sự thiện chung; và khi kiên định trong việc truyền dạy chân lý đức tin và quy chuẩn đạo đức, Hội Thánh nhắm tới việc đề xuất hơn là áp đặt người khác với sự tôn trọng và tin tưởng vào khả năng phán đoán của họ.

7. Đức ái cũng đòi hỏi sự sẵn sàng phục vụ tha nhân. Suốt dòng lịch sử Giáo Hội, đông đảo anh chị em dấn thân cho sự phục vụ này. Chúng ta có thể nói rằng, chưa có cộng đồng tôn giáo nào có nhiều hoạt động bác ái hơn Giáo Hội Kitô giáo: phục vụ bệnh nhân, người khuyết tật, phục vụ từ giới trẻ trong trường học cho tới những người chịu thiên tai và bất hạnh khác, giúp đỡ hết những ai nghèo hèn, túng thiếu. Ngày nay chúng ta thấy sự lặp lại của hoạt động này, đôi khi có vẻ phi thường: mọi nhu cầu mới xuất hiện trên thế giới đều được đáp ứng với những nỗ lực trợ giúp tương ứng của các Kitô hữu sống theo tinh thần Phúc Âm. Đó là đức ái, minh chứng cho chủ nghĩa anh hùng trong Giáo Hội. Giáo Hội có nhiều thánh tử đạo vì đức ái. Điển hình như thánh Maximilian Kolbe, người đã hy sinh tính mạng mình để đổi lấy mạng sống của người cha trong một gia đình nọ.

8. Chúng ta cũng thấy thực tế này, giới răn yêu thương đôi khi đã bị vi phạm qua nhiều thế kỷ, bởi vì Giáo Hội là một cộng đoàn cũng bao gồm những con người yếu đuối, tội lỗi. Đây là thất bại của cá nhân hay nhóm người mang danh Kitô hữu, thất bại trong tương quan hỗ tương giữa cá nhân cũng như xã hội và quốc tế. Thực tế đáng buồn này diễn ra trong lịch sử của từng các nhân, các quốc gia hay cả trong lịch sử Giáo Hội. Nhận thức về ơn gọi sống yêu thương theo gương mẫu Đức Kitô, người kitô hữu khiêm nhường và ăn năn thú nhận tội lỗi nghịch lại đức ái, nhưng cũng luôn tin tưởng nơi tình yêu. Như thánh Phaolô nói, đức mến “chịu đựng tất cả” và “không bao giờ mất” (1Cr 13,7-8). Nhưng nếu lịch sử nhân loại và cả lịch sử của chính Giáo Hội đầy rẫy tội lỗi nghịch lại đức mến, gây ra biết bao đau buồn thì chúng ta cũng đồng thời vui mừng và biết ơn, chân nhận rằng, trong mọi thời đại Kitô giáo đều có rất nhiều hành động cao thượng minh chứng cho tình yêu; và như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, đó là những chứng từ thật phi thường.

Tình yêu cao thượng của mỗi chứng nhân luôn đi đôi với công tác bác ái xã hội. Chúng ta không thể liệt kê hết, thậm chí chỉ là một bản tóm tắt những công tác bác ái đó. Những công tác ấy trải dài trong lịch sử Giáo Hội, từ những thế kỷ đầu tiên cho đến ngày nay. Tuy nhiên, nhu cầu và đau khổ của con người dường như luôn vượt xa khả năng đáp ứng. Nhưng với niềm tin vững chắc vào sự thật và ân sủng của Đức Kitô, tình yêu vẫn luôn chiến thắng.

9. Như một bản tóm tắt và kết luận, chúng ta có thể đưa ra khẳng định dựa trên kinh nghiệm thực tế trong lịch sử Giáo Hội, các định chế cũng như những vị thánh. Trong những giáo huấn và nổ lực hướng tới sự thánh thiện, Giáo Hội luôn giữ gìn tính sống động của đức mến theo lý tưởng Tin mừng. Giáo Hội truyền cảm hứng cho vô vàn chứng tá của tình yêu đến mức phi thường. Giáo Hội loan truyền đức mến khắp nhân loại. Ít nhiều, Giáo Hội được thừa nhận là nguồn gốc của nhiều tổ chức liên kết xã hội, cấu thành nền văn minh hiện đại. Cuối cùng, Giáo Hội ngày càng nhận thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình trước những đòi hỏi của việc thực thi đức ái. Tất cả những điều này được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng là Tình Yêu vĩnh cữu, vô tận.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here