Chủ Nhật XXXII Thường Niên, Năm C

0
921

Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I2 Mcb 7,1-2, 9-14

1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

2 Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi.” 9 Khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.” 10 Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra,

11 và khẳng khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.”

12 Nhà vua và quần thần phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ. 13 Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. 14 Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu.”

2/ Bài đọc II2 Tx 2,15-3,5

15 Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.

16 Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, 17 xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành. 1 Sau cùng, thưa anh em, xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi, để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh, như đã thấy nơi anh em.

2 Xin cũng cầu nguyện cho chúng tôi được thoát khỏi tay người độc ác xấu xa, bởi vì không phải ai cũng có đức tin. 3 Nhưng Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ làm cho anh em được vững mạnh, và bảo vệ anh em khỏi ác thần. 4 Trong Chúa, chúng tôi tin tưởng vào anh em: anh em đang làm và sẽ làm những gì chúng tôi truyền. 5 Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Ki-tô.

3/ Phúc ÂmLc 20,27-38

27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.

29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” 34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.

37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

——————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống trường sinh

Con người làm việc là làm việc cho một mục đích. Trước khi biết phải sống thế nào, con người cần phải biết đâu là mục đích của cuộc đời? Nếu mục đích của cuộc đời là cuộc sống đời đời, con người sẽ sống cuộc sống đó làm sao? Con người cần phải làm gì ở đời này để đạt được cuộc sống đời đời mai sau? Đây là những câu hỏi tối quan trọng của đời người mà mọi người phải cố gắng để tìm ra.

Các bài đọc trong những tuần phụng vụ cuối năm tập trung trong việc cung cấp cho con người những câu trả lời của những câu hỏi nêu trên. Bài đọc I tường thuật cuộc tử đạo của một số anh em nhà Maccabees. Họ sẵn sàng hy sinh cuộc sống đời này để trung thành giữ Lề Luật của tiền nhân, vì họ biết Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại và sống đời đời bên Ngài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Thessalonica hãy noi gương Đức Kitô để biết sống làm sao trong cuộc đời. Ngài đã trung thành đến giọt máu cuối cùng để làm trọn thánh ý Chúa Cha, để mang lại cuộc sống đời đời cho mọi người. Trong Phúc Âm, những người Sadducees dùng trí khôn lý luận để chứng minh với Chúa Giêsu không có sự sống đời đời. Chúa Giêsu dùng chính niềm tin của họ vào các tổ phụ để chứng minh ngược lại: Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết. Đồng thời, Ngài cũng mặc khải sơ qua về cuộc sống đời sau đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.

1.1/ Niềm tin của 7 anh em nhà Maccabees: Qua những câu trả lời của họ cho vua Antiochus, chúng ta có thể dẫn chứng những niềm tin của họ như sau:

+ Họ tin có cuộc sống đời đời khi trả lời: “vì chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.”

+ Họ tin Thiên Chúa sẽ ban cuộc sống đời đời cho những ai tin tưởng và trung thành làm chứng cho Ngài.

+ Họ tin chết vì Lề Luật là làm chứng sự trung thành của họ với Thiên Chúa.

+ Họ tin Thiên Chúa là chủ cả cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau.

+ Họ tin ác nhân có thể lấy đi thân xác, nhưng không tiêu diệt được linh hồn; nhưng Thiên Chúa sẽ ban lại cho họ cả hồn lẫn xác: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được.” Đây là lần thứ nhất niềm tin tưởng vào thân xác sẽ sống lại được ghi chép trong Sách Thánh, Dan 7:14 chỉ mặc khải về cuộc sống đời đời.

+ Họ tin ác nhân sẽ phải đền tội vì tước đi sự sống của người vô tội. Những người làm như thế sẽ không được hưởng cuộc sống đời đời.

1.2/ Cuộc sống chứng nhân của 7 anh em nhà Maccabees: Thông thường, ai cũng ham sống và sợ chết; nhưng tại sao 7 anh em nhà Maccabees lại sẵn sàng chấp nhận tù đày, roi đòn, và ngay cả cái chết, đến nỗi ngay cả những kẻ đang hành hạ và tước đoạt mạng sống của họ cũng phải sửng sốt vì lòng can đảm của những người thanh niên đã dám coi thường đau khổ.

Thực ra, việc ăn thịt heo không phải là vấn đề của các Dân Ngoại; nhưng theo luật Kosher của người Do-thái, họ không được ăn thịt heo, vì heo được coi là một thú vật dơ bẩn; khi ăn thịt heo, họ đã để cho người ra ô uế, và như vậy, họ không thanh sạch để vào Đền Thờ và dâng của lễ cho Thiên Chúa (Lev 11:4-7).

2/ Bài đọc II: Hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em.

2.1/ Niềm cậy trông của thánh Phaolô vào lời hứa của Thiên Chúa

Theo thánh Phaolô, Thiên Chúa đã đặt vào linh hồn con người niềm cậy trông vào cuộc sống đời đời. Khát vọng này không có gì có thể dập tắt nổi cho dù tội Nguyên Tổ và bao nhiêu tội lỗi chồng chất của con người. Đức Kitô đã chịu chết và sống lại là bảo đảm chắc chắn của niềm cậy trông vào cuộc sống đời đời, vì Ngài đã xóa bỏ tội cho con người và hòa giải họ với Thiên Chúa.

Các tín hữu cần nắm giữ chắc chắn niềm hy vọng này và đừng bao giờ để ba thù mê hoặc làm đánh mất niềm cậy trông vĩnh cửu đó. Thánh Phaolô biết các tín hữu của Ngài bị đe dọa bởi mọi học thuyết làm họ quên đi niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, nên Ngài tha thiết khuyên họ như sau: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ. Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp. Xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”

2.2/ Cuộc sống chứng nhân của Phaolô: Khi đã hiểu rõ và nắm vững niềm cậy trông vào cuộc sống vĩnh cửu, Phaolô dốc toàn bộ thời gian và nỗ lực cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng, sao cho càng ngày càng nhiều người có được niềm cậy trông đó. Phaolô kiên tâm chịu đựng đau khổ từ những người ác độc xấu xa, nhưng không bao giờ nguyền rủa họ. Ông tin Thiên Chúa và Đức Kitô sẽ bảo vệ ông khỏi mọi nguy hiểm.

Theo Phaolô, các tín hữu không chống chọi một mình, họ được sự hỗ trợ đắc lực từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô. Để có thể chiến thắng, các tín hữu cần cộng tác với Thiên Chúa. Đặt căn bản trên những gì Phaolô khuyên các tín hữu, chúng ta có thể đưa ra sơ đồ hỗ tương giữa Thiên Chúa và các tín hữu như sau:

(1) Phần Thiên Chúa: Người sẽ làm 2 điều:

– Thứ nhất, Ngài cho các tín hữu được vững mạnh nhờ ơn thánh: Con người không có sức mạnh để giao chiến với ba thù – ma quỉ, thế gian, và các thịt. Đó là lý do Thiên Chúa ban cho con người sức mạnh của ơn thánh qua các bí tích Chúa Giêsu đã thiết lập và đời dống cầu nguyện. Nếu con người không năng chạy đến lãnh nhận ơn thánh qua các bí tích và cầu nguyện, họ sẽ không tìm đâu ra sức mạnh để chiến đấu.

– Thứ hai, Ngài bảo vệ các tín hữu khỏi ác thần: Đức Kitô đã chiến thắng mọi mưu mô của ác thần, nhất là tội lỗi và sự chết. Các tín hữu trung thành theo Đức Kitô sẽ được Ngài bảo vệ khỏi mọi âm mưu của ác thần và tai hại của tội lỗi.

(2) Phần các tín hữu: Để trung thành với Thiên Chúa, các tín hữu cũng cần làm 2 điều.

– Thứ nhất, họ phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; đừng yêu mến những sự thế gian hơn Thiên Chúa. Nếu các tín hữu để lòng ham mê những sự thế gian, họ sẽ dần dần mất đi đức tin vào Thiên Chúa, niềm cậy trông vào Nước Trời, và lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa.

– Thứ hai, họ phải nhẵn nại chịu đựng đau khổ như Đức Kitô: Để chứng tỏ lòng tin yêu Thiên Chúa, họ phải chịu đựng đau khổ và vượt qua mọi thử thách. Đây là con đường Thiên Chúa muốn; đây là con đường Đức Kitô đã đi qua, các thánh qua bao thời đại đã đi qua; đây cũng là con đường các tín hữu phải đi qua trước khi đạt tới Nước Trời.

3/ Phúc Âm: Họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.

3.1/ Câu hỏi khó của Nhóm Sadducees nhằm chứng minh không có sự sống lại:

Truyền thống lâu đời của Do-thái tin cuộc sống đời này là tất cả những gì họ có; một khi họ mất đi, sẽ không còn gì tồn tại nữa. Chúng ta có thể thấy sự trăn trở của niềm tin này trong các Sách Khôn Ngoan như Job và Giảng Viên (khoảng 5, 6 BC). Bắt đầu thế kỷ 1-2 BC, niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời mới bắt đầu thấy có trong các Sách Khôn Ngoan, Daniel, và Maccabees. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người Do-thái đều tin như thế; điển hình, những người nhóm Pharisees tin vào cuộc sống đời sau trong khi những người nhóm Sadducees thì không. Nhóm thứ hai chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại; đó là lý do tại sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi để chứng minh với Ngài là không có sự sống lại: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình” (Deut 25:5). “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên theo họ, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người anh em?

3.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ: chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:

(1) Chuyện vợ chồng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em với nhau trong cuộc sống mai sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như người Hồi-Giáo tin.

(2) Cuộc sống trường sinh: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.” Tuy có thân xác, nhưng không phải là thân xác trên dương gian; nhưng là một thân xác như Đức Kitô Phục Sinh, sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi thời gian và các định luật trong vũ trụ nữa.

(3) Dùng Luật họ tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Moses cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Nếu họ tin “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống;” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Giacob vẫn đang sống. Nói cách khác, họ phải tin có sự sống lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con người khao khát được sống và sống mãi. Thiên Chúa đã đặt sự khao khát này trong linh hồn con người, và Ngài làm trọn nỗi khao khát này qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô.

– Để đạt được cuộc sống vĩnh cửu này, con người cần đặt trọn vẹn niềm tin vào Đức Kitô và trung thành giữ những điều Người dạy bảo.

– Trong Ngày Tận Thế, thân xác chúng ta sẽ sống lại và nhập làm một cùng với linh hồn. Chúng ta sẽ sống như các thiên thần, chứ không sống lệ thuộc vào vật chất như cuộc sống hiện giờ.

Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1506:ch-nht-32-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here