TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 12

0
1171

BÀI 12: THIÊN CHÚA LẬP GIAO ƯỚC VỚI ISRAEL

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn dân Israel, và lập giao ước với họ như là biểu tượng và là sự chuẩn bị cho Hội Thánh.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 30 tháng Mười, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh. Bài thứ 12 này được dành cho Cựu Ước, và Đức thánh cha nói rằng, việc chọn Israel làm dân của Thiên Chúa là dấu chỉ tiên báo một giao ước mới sẽ lập trong Đức Kitô. 

1. Công đồng Vatican II đã trích lại lời của thánh Cyprianô mà chúng ta đã suy tư trong suốt bài giáo lý trước là: “Hội Thánh phổ quát xuất hiện như ‘một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần’” (LG, 4; x. St Cyprian, De oratione dominica, 23: PL 4, 553). Như chúng tôi đã giải thích, qua những lời này, Công đồng dạy rằng, Hội Thánh, tiên vàn, là một mầu nhiệm bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi; Hội Thánh là một mầu nhiệm mà chiều kích tiên quyết và nền tảng của nó là đặc tính Tam Vị. Trong tương quan với Ba Ngôi là nguồn mạch vĩnh cửu phát sinh Hội Thánh, Hội Thánh “được xem như là một dân tộc” (LG, 4). Vì thế, Hội Thánh là dân của Thiên Chúa – của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bây giờ, chúng tôi muốn dành bài giáo lý hôm nay và những bài sau cho chủ đề này; mà chủ đề này luôn lấy giáo huấn của Công đồng (vốn được gợi hứng từ Sách Thánh) làm kim chỉ nam.

2. Công đồng phát biểu rõ rằng: “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Người muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (LG, 9). Kế hoạch này được mạc khải trong lịch sử trước hết cho Abraham qua những lời Thiên Chúa nói với ông: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi” (St 12,1-2).

Sau đó, lời hứa này được củng cố bằng giao ước (St 15,18; 17,1-4) và được tuyên bố long trọng sau lễ vật của Isaác. Theo yêu cầu của Thiên Chúa, Abraham sẵn sàng hiến tế người con duy nhất của mình, người con mà Đức Chúa đã ban cho ông và bà Sara, vợ ông khi đã cao niên. Nhưng Thiên Chúa chỉ muốn thử lòng tin của ông. Vì thế, trong hiến tế này, Isaác không phải chết và tiếp tục sống. Tuy nhiên, tự thâm tâm, Abraham đã thưa vâng với hiến lễ này. Là bằng chứng cho một đức tin tuyệt vời, hiến tế của con tim này đã đem lại cho ông một lời hứa về một dòng dõi không tài nào đếm được: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển” (St 22,16-17).

3. Lời hứa ấy được thực thi qua nhiều giai đoạn khác nhau. Thật vậy, Abraham được chọn để trở thành “cha của những kẻ tin” (x. St 15,6; Gl 3,6-7; Rm 4,16-17). Giai đoạn đầu tiên đã hoàn tất bên Ai Cập; ở đó, “con cái Israel sinh sôi nảy nở, nên đông đúc và ngày càng hùng mạnh: họ lan tràn khắp xứ” (Xh 1,7). Bấy giờ, dòng dõi Abraham đã trở thành “dân Israel” (Xh 1,9). Tuy nhiên, họ lại ở trong cảnh nhục nhã của thân phận nô lệ. Trung tín với giao ước với Abraham, Thiên Chúa đã gọi Môsê và nói: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than… Ta xuống giải thoát chúng… Bây giờ, ngươi hãy đi ! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập” (Xh 3,7-10).

Vậy, Môsê đã được gọi để dẫn dân ra khỏi Ai Cập. Tuy nhiên, Môsê chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa đi thực hiện kế hoạch của Người; ông là khí cụ của Thiên Chúa, vì theo Kinh Thánh, chính Thiên Chúa dẫn đưa Israel ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Chúng ta đọc thấy trong sáh ngôn sứ Hôsê rằng: “Khi Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó, từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về” (11,1). Vì thế, Israel là dân được Thiên Chúa yêu thương. “Không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Ai Cập” (Đnl 7,7-8). Israel được chọn làm dân của Thiên Chúa không phải vì phẩm giá của họ, nhưng đơn thuần là do sáng kiến của Thiên Chúa.

4. Sáng kiến này của Đức Chúa và cũng là lựa chọn chủ quyền của Người diễn tả mô thức của một giao ước. Điều này đã xảy ra với Abraham, và cũng tái diễn sau cuộc giải thoát dân Israel khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Dưới chân núi Sinai, vị trung gian của giao ước này là Môsê: “Ông Môsê xuống thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: ‘Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành.’ Ông Môsê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Israel”. Rồi họ dâng hy lễ, và Môsê rảy một nửa phần máu của lễ vật lên bàn thờ. “Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe”. Một lần nữn, những người hiện diện ở đó hứa tuân theo lời Đức Chúa phán. Cuối cùng, ông Môsê lấy máu phần máu còn lại rảy trên dân. (x. Xh 24,3-8).

5. Sách Đệ nhị luật giải thích ý nghĩa của biến cố này như sau: “Hôm nay, anh em đã làm cho Đức Chúa tuyên bố rằng Người sẽ là Thiên Chúa của anh em, rằng anh em phải đi theo đường lối của Người, giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh, quyết định của Người, và nghe tiếng Người. Hôm nay, Đức Chúa đã khiến anh em tuyên bố rằng anh em sẽ là dân thuộc quyền sở hữu của Người” (Đnl 26,17-18). Giao ước với Thiên Chúa là một sự “thăng cấp” cho Israel. Nhờ đó, Israel trở thành “dân được thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa [của họ]” (x. Đnl 26,19). Điều này có nghĩa là họ thuộc về Thiên Chúa cách đặc biệt. Thậm chí, đó là một sự thuộc về nhau: “Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta” (Gr 7,23). Đây là sự sắp đặt của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự buộc mình vào giao ước. Tất cả sự bất trung về phía con người trong nhiều giai đoạn lịch sử đều không ảnh hưởng đến lòng trung tín của Thiên Chúa với giao ước. Người ta có thể nói rằng, theo một nghĩa nào đó, những lần bất trung này mở đường cho giao ước mới đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Giêrêmia rằng: “Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

6. Nhờ sáng kiến của Thiên Chúa được thực hiện trong giao ước này, mà một dân tộc trở thành Dân của Thiên Chúa, và vì thế, họ là dân thánh, tức là, được thánh hiến cho Thiên Chúa: “Anh em là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 7,6; x. Đnl 26,19). Ý nghĩa thánh hiến này cũng làm rõ những lời trong sách Xuất hành: “Các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,6). Mặc dù, suốt dọc dài lịch sử của mình, dân này sẽ phạm tội nhiều lần, nhưng họ vẫn là Dân của Thiên Chúa. Vì thế, Môsê khẩn cầu Thiên Chúa giữ lòng trung tín với giao ước chính Người đã lập, và cầu xin rằng: “xin đừng huỷ diệt dân ngài, cơ nghiệp Ngài” (Đnl 9,26).

7. Về phần Thiên Chúa, Người không ngừng nói với dân được chọn. Người nói với họ nhiều lần qua các ngôn sứ. Giới răn chủ chốt vẫn là yêu mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5). Giới răn này liên hệ đến giới răn yêu mến người thân cận: “Ta là Đức Chúa. Ngươi không được lừa gạt, cướp đoạt của người đồng loại … Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,13.18).

8. Một yếu tố khác xuất hiện trong các bản văn Kinh Thánh này là: Thiên Chúa, Đấng lập giao ước với Israel, muôn hiện diện giữa dân Người, hiện diện cách cụ thể. Trong suốt hành trình trong sa mạc, sự hiện diện này được thể hiện qua lều hội ngộ. Về sau, sự hiện diện đó được thể hiện nơi đền thờ vua Salômôn xây dựng ở Giêrusalem.

Về lều hội ngộ, chúng ta đọc thấy trong sách Xuất hành rằng: “Mỗi khi ông Môsê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Môsê cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Môsê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa ođàm đạo với ông Môsê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,8-11). Đặc ân hiện diện này là một dấu chỉ đặc biệt cho thấy sự tuyển chọn của Thiên Chúa, được tỏ lộ cách biểu tượng và gần như là một điềm báo cho một thực tại trong tương lai: Giao ước của Thiên Chúa với dân mới trong Hội Thánh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here