BÀI 8: HỘI THÁNH ĐƯỢC MẠC KHẢI TRONG CÁC DỤ NGÔN
Các dụ ngôn về Nước Trời mà Đức Giêsu rao giảng mạc khải bản chất đích thực của Hội Thánh và phẩm chất phải có nơi những người được kêu gọi.
Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý hàng tuần về mầu nhiệm Hội Thánh vào buổi tiếp kiến chung ngày 18 tháng Chín. Trong bài này, ngài nói về Hội Thánh được mạc khải qua các dụ ngôn mà Đức Giêsu đã dùng để diễn tả mầu nhiệm này.
1. Các bản văn Tin Mừng ghi lại lời giảng của Đức Giêsu về vương quốc Thiên Chúa liên quan đến Hội Thánh. Tin Mừng cũng ghi lại cách thức các Tông đồ rao giảng điều này, và Hội Thánh tiên khởi đã hiểu và tin vào các bài giảng đó như thế nào. Như vương quốc Thiên Chúa, mầu nhiệm Hội Thánh được mạc khải trong các bản văn đó. Công đồng Vatican II nói: “Mầu nhiệm Hội Thánh thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Đức Giêsu đã khai sinh Hội Thánh bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến… Trong lời nói, việc làm và sự hiện diện của Đức Kitô, Nước ấy đã được biểu lộ rõ ràng trước mắt con người” (LG, 5). Ngoài những gì chúng ta đã nói về vấn đề này trong suốt các bài giáo lý trước đây, hôm nay, chúng ta sẽ suy tư thêm các bài giảng của Đức Giêsu về vương quốc Thiên Chúa trong các dụ ngôn, nhất là cho những ai quan tâm đặc biệt đến việc giải thích ý nghĩa và giá trị cốt lõi của chúng.
2. Đức Giêsu nói: “Nước Trời giống như chuyện một ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2). Dụ ngôn tiệc cưới này cho thấy Nước Thiên Chúa như một công việc của hoàng tộc – và vì thế, cũng là việc của một vị vua – là chính Thiên Chúa. Dụ ngôn cũng nói đến tình yêu, mà chính xác là tình yêu vợ chồng: người con được cha mở tiệc cưới là chàng rể; cái bối cảnh cho thấy sự hiện diện của anh và cho phép chúng ta hiểu anh là ai. Điều này được thể hiện rõ nét hơn trong trong các bản văn Tân Ước khác nói đến Hội Thánh như là tân nương (Ga 3,29; Kh 21,9; 2Cr 11,2; Ep 5,23-27.29).
3. Thay vào đó, dụ ngôn này chỉ rõ ai là Tân Lang; đó là Đức Kitô, Đấng thiết lập giao ước mới giữa Chúa Cha với nhân loại. Đây là giao ước của tình yêu, và Nước Thiên Chúa tự tỏ bày như là mối dây hiệp thông (hiệp thông trong tình yêu) mà Chúa Con thiết lập theo ý muốn của Chúa Cha. Hình ảnh “bữa tiệc” diễn tả sự hiệp thông. Trong khung cảnh của nhiệm cục cứu độ mà Tin Mừng mô tả, không khó để nhận ra rằng, hình ảnh tiệc cưới ám chỉ đến Thánh Thể: bí tích của giao ước mới và vĩnh cửu, bí tích của hôn ước giữa Đức Kitô và nhân loại trong Hội Thánh.
4. Trong dụ ngôn này, mặc dù Hội Thánh không được nói đến như Tân Nương, nhưng những yếu tố bối cảnh gợi nhớ điều mà Tin Mừng nói về Hội Thánh như là vương quốc của Thiên Chúa. Vì thế, lời mời của Thiên Chúa mang tính phổ quát: “Nhà vua nói với đầy tớ: ‘các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới’” (Mt 22,9). Trong số những người được mời đến dự tiệc cưới Hoàng Tử, có những người được chọn trước nhất nhưng lại bỏ lỡ: những người đó đã từng là khách mời theo truyền thống của giao ước cũ. Họ từ chối đến dự tiệc của giao ước mới, và đưa ra nhiều lý do. Rồi, Đức Giêsu là vua, là chủ nhà nói rằng: “Người được mời thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít” (Mt 22,14). Nhiều người khác được mời thế vào vị trí của họ và lấp đầy phòng tiệc. Chi tiết này làm chúng ta nhớ đến một dụ ngôn khác mà Đức Giêsu dạy: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài” (Mt 8,11-12). Ở đây, ta thấy lời mời gọi trở nên phổ quát dường nào: Thiên Chúa muốn lập một giao ước mới trong Con của Người không chỉ với dân được tuyển chọn, nhưng với toàn thể nhân loại.
5. Phần tiếp theo của dụ ngôn này nói đến việc tham dự trọn vẹn vào tiệc cưới gắn liền với một số điều kiện thiết yếu. Gia nhập vào Hội Thánh không đủ để đảm bảo cho ơn cứu độ đời đời: Nhà vua hỏi một khách mời: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” (Mt 22,12). Ở đây, dường như, dụ ngôn đã chuyển từ dân Israel, dân từ chối sự tuyển cử, sang phẩm chất cá nhân của những ai được mời gọi, và sang việc phán xét về họ. Dụ ngôn không đưa ra nghĩa chính xác của “y phục”. Nhưng có thể nói, lời giải thích được tìm thấy trong toàn bộ giáo huấn của Đức Kitô. Tin Mừng, đặc biệt là bài giảng trên núi, nói đến giới luật yêu thương như là nguyên lý của đời sống thần linh và sự hoàn thiện theo gương mẫu của Chúa Cha: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Đây là vấn đề của “giới luật mới” bao hàm trong điều này: “Như Thầy đã yêu thương anh em, thì anh em cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13,34). Vì thế, có thể kết luận thế này, “y phục lễ cưới”, điều kiện để tham dự tiệc cưới, rõ ràng là tình yêu.
Điều này được củng cố nhờ một dụ ngôn khác nói về cuộc phán xét cuối cùng và mang màu sắc cánh chung. Chỉ những ai thực thi giới luật yêu thương bằng cách thương xót người thân cận thì có thể được tham dự vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).
6. Một dụ ngôn khác giúp chúng ta hiểu rằng, không bao giờ là quá muộn để gia nhập vào Hội Thánh. Lời mời gọi của Thiên Chúa được gửi đến mỗi người, thậm chí vào những giây phút cuối cuộc đời. Đây là dụ ngôn nổi tiếng, nói về những người làm vườn nho: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (Mt 20,1). Sau đó, ông đi ra ngoài vài lần, vào những giờ khác nhau trong ngày, cho đến giờ cuối cùng. Và mỗi người được nhận một đồng lương vượt quá những gì họ đáng được hưởng theo lẽ công bằng; qua đó, gia chủ muốn thể hiện tình yêu thương quảng đại với họ.
Về vấn đề này, câu chuyện “người trộm lành” bị đóng đinh cạnh Đức Giêsu trên đồi Golgotha mà thánh Luca kể lại hết sức cảm động. Lời mời gọi được gửi đến tên trộm như hành động thương xót của Thiên Chúa, khi anh nói lúc gần như muốn trút hơi thở cuối cùng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và anh ta đã nghe từ miệng của Đấng Cứu Độ và cũng là Chàng Rể, Đấng bị kết án tử trên thập giá, rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).
7. Chúng ta cũng trích một dụ ngôn khác của Đức Giêsu: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13,44). Tương tự, có một thương gia đi tìm ngọc quý, “tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,46). Dụ ngôn này thấm đượm một chân lý lớn lao nơi những người được mời gọi: để xứng đáng với lời mời gọi vào bàn tiệc của Chàng Rể, nhất thiết phải tỏ ra là một người hiểu biết giá trị tối thượng của điều mình được trao tặng. Vì vậy, phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Nước Trời, vốn đáng giá hơn mọi thứ khác. Không có sự thiện hảo trần thế nào có thể sánh được với giá trị của Nước Trời. Người ta có thể bỏ đi tất cả, nhưng không mất mát để tham dự vào bàn tiệc của Tân Lang là Đức Kitô.
Đức Giêsu đã chỉ ra tình trạng của sự từ bỏ và nghèo khó, cùng với những tình trạng khác, khi Người chúc phúc cho “người có tinh thần nghèo khó”, “người hiền lành”, “người chịu bách hại vì sự công chính”, vì “Nước Trời là của họ” (x. Mt 5,3.10); và cũng như khi Người nói trẻ em là “người lớn nhất trong Nước Trời”; “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 2-4).
8. Cùng với Công đồng Vatican II, chúng ta kết luận rằng, nơi lời nói và hành động của Đức Kitô, đặc biệt là nơi các dụ ngôn, “Nước Thiên Chúa đã biểu lộ trước mặt con người” (LG, 5). Trong lời loan báo sự hiển trị của vương quốc ấy, Đức Kitô đã thiết lập Hội Thánh và cho thấy mầu nhiệm nội tại và thánh thiêng của Hội Thánh (x. LG, 5).