Sự thánh thiện và tiến trình phong thánh trong Giáo hội

0
1718

Guido Mazzotta

Trích Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11/2018) trang 110-133.

Đây là một bài thuyết trình tại đại học Santa Croce (Roma) ngày 27/3/2009. Tác giả là Trưởng khoa triết học đại học Urbaniana, thuyết trình viên cho hồ sơ phong thánh của ĐTC Phaolô VI. Nguyên bản : La santità e i processi di canonizzazione nella Chiesa, trích từ nguồn : https://www.iscom.info/…/la-santità-e-i-processi-di-canonizzazione-nella-Chiesa

Bài thuyết trình gồm hai phần: I) Trong phần đầu, tác giả mô tả 5 khuôn mẫu thánh thiện trong lịch sử Giáo hội, điển hành qua các khuôn mặt của: 1/ thánh Stêphanô; 2/ thánh Antôn và Bênêđictô; 3/ thánh Phanxicô Assisi; 4/ thánh Inhaxiô Loyola; 5/ thánh Têresa Hài đồng Giêsu. Tác giả cũng không quên những khuôn mặt phụ nữ. – II) Trong phần thứ hai, tác giả mô tả những giai đoạn trong tiến trình phong thánh, khởi đầu từ giáo phận và kết thúc tại Rôma, tập trung vào việc điều tra việc thực hành các nhân đức (hoặc tử đạo), được xác nhận qua phép lạ. Sau cùng, tác giả đã trả lời vài câu hỏi của các thính giả. Lưu ý: Các chú thích là của người dịch.

————————-

Tựa đề của bài thuyết trình cho thấy hai khía cạnh có liên hệ với nhau tuy khác biệt. Về sự thánh thiện, tôi được cảm hứng bởi một câu nói của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II vào năm 1992 khi tuyên bố rằng: “Lịch sử chân chính của nhân loại được tạo nên bởi lịch sử của sự thánh thiện”. Có một lịch sử phong phú của nhân loại được dệt nên bởi chứng tá của các thánh: các thánh là những con người chân chính, đã thể hiện trọn vẹn nhân cách của mình.

I. Lịch sử sự thánh thiện

Chúng ta cũng có thể nói được rằng lịch sử chân chính của Hội thánh là lịch sử của sự thánh thiện, tuy rằng tội lỗi vẫn có đó. Theo thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, sự thánh thiện không phải là một lý tưởng trừu tượng nhưng là một con đường phải thực hiện qua việc đi theo Chúa Kitô. Đây là một yêu sách thực sự khẩn trương vào thời đại chúng ta.

Tôi muốn trình bày vắn tắt một hiện-tượng-luận về sự thánh thiện, được tóm lại trong năm giai đoạn, hoặc nếu muốn, qua khuôn mặt của năm nhân vật điển hình.

1) Thánh Stêphanô tử đạo

Khuôn mặt đầu tiên mà chúng ta gặp thấy trên lộ trình là thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Khi đọc Tông đồ công vụ, chương 7 và 8, người ta hiểu được vì sao trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội đã phát triển tư tưởng rằng người tử vì đạo là Kitô hữu hoàn hảo. Lòng đạo đức bình dân đã sớm phát triển những hình thức tôn kính chung quanh ngôi mộ của các vị tử đạo, coi các ngài là những chứng nhân lý tưởng của Tin mừng. Tiểu sử của thánh Stêphanô trong sách Tông đồ công vụ trả lời câu hỏi: “Ai là người Kitô hữu chân chính?” Câu trả lời là: “Kẻ nào chết giống như Chúa Giêsu”. Trong trình thuật về sự tử đạo của thánh Stêphanô, người ta gặp thấy những yếu tố đặc trưng của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Trước tiên, lý do của bản án. Đáp lại những lời tố cáo trước mặt Thượng hội đồng, Stêphanô khẳng định rằng: “Tôi thấy Chúa Giêsu đến từ đám mây trời”, một điều tương tự như điều mà Người đã nói trước Thượng hội đồng. Khi sắp lìa đời, Chúa Giêsu bào chữa cho những kẻ ám hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều mình làm”. Những lời ấy cũng thoát ra từ miệng của Stêphanô khi bị ném đá. Sau cùng, vào lúc tắt thở, Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí của con trong tay Cha” và Stêphanô cũng thốt lên những lời ấy hướng về Chúa Giêsu[1].

Không phải ngẫu nhiên mà thánh Luca viết những điều này. Qua thuật hành văn, tác giả muốn cho thấy rằng, người Kitô hữu chân chính, thánh nhân, là kẻ có những tâm tình giống như Chúa Giêsu, có khả năng tha thứ và tín thác vào Chúa Cha; như vậy, là người chết giống với cái chết của Chúa Giêsu. Stêphanô đã học những điều này nhờ tham gia vào đời sống của Giáo hội, bởi vì anh ta chuyên cần nghe lời giảng của các tông đồ và tham dự lễ nghi bẻ bánh. Sự tử đạo là hoa trái của sự giáo dục “Kitô giáo” (qua việc nghiền ngẫm Tin mừng và bí tích Thánh Thể), nhưng không do tính toán trước. Một văn hào công giáo người Anh, T. S. Eliot, trong bi kịch Cuộc ám sát trong nhà thờ chính tòa,[2] trình bày một Thomas Becket muốn tử đạo để chứng tỏ mình vượt trội nhà vua Henri II. Nhưng bao lâu còn nuôi dưỡng ước vọng ấy, ông không được tử đạo; đến khi khước từ ước nguyện ấy (nghĩa là thay đổi lòng ước ao) thì ông đã nhận được ơn tử đạo.

Những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo được đánh dấu bởi những cuộc bách hại, và vì thế, bởi những cuộc tử đạo. Đến năm 313, với hoàng đế Constantinô, cuộc bách hại công khai đã chấm dứt trong Đế quốc Roma, song trên thực tế, những cuộc bách hại luôn tháp tùng lịch sử Giáo hội. Kể cả ngày hôm nay vẫn còn những người chịu chết vì Chúa Kitô. Vì vậy mẫu gương tử đạo không trở nên lỗi thời.

2) Thánh Antôn và thánh Bênêđictô

Dù sao, một hình ảnh thánh nhân mới đã nổi lên với sắc lệnh kết thúc cuộc bách hại của hoàng đế Constantino. Thực vậy, không thể nói rằng chỉ có thể nên thánh nhờ việc tử đạo mà thôi. Chúa Thánh Linh đã gợi lên một cái nhìn khác. Khuôn mặt tượng trưng là thánh Antôn đối với Giáo hội bên Đông và Bênêđictô với Giáo hội bên Tây.

Antôn sống tại thành phố Alexandria bên Ai cập. Bỗng dưng anh từ bỏ công danh sự nghiệp ở thành phố để đi vào sa mạc. Chuyện này được kể lại trong Hạnh thánh Antôn do thánh Athanasi viết. Tại sao lại vào sa mạc? Để tham gia cuộc chiến đấu giống như Chúa Giêsu vào lúc khởi đầu sứ vụ ở sa mạc, “do thần khí thúc đẩy”. Đây là một cuộc giao tranh để giành tự do, sự tự do đã bị chèn ép và hạn chế ở thành thị. Ở thành thị, kẻ thù của loài người ẩn núp, trá hình. Trên sa mạc, Satan ra mặt, và con người chiến đấu trực diện để khẳng định tự do của mình. Câu chuyện về những cuộc cám dỗ của Chúa Giêsu và của anh Antôn có thể được tóm lại như thế này: sự tự do đã được khám phá, khẳng định và cuối cùng đã chiến thắng. Khi thần khí sự dữ, tức là Satan, chịu khuất phục, thì Thần khí thánh được củng cố và sa mạc đâm bông kết trái. Thế giới (lúc đầu là một hoa viên) trở thành sa mạc do tội lỗi, nay được tái tạo như một xã hội hiệp thông; và địa cầu hồi phục vẻ đẹp và trở thành một ngôi nhà tiếp đón mọi người. Sa mạc giờ đây trở thành khu dân cư trù mật nổi tiếng như Tebaiđe, được các sử gia của Giáo hội cổ thời nói đến.

Về thánh Bênêđictô chúng ta có một quyển hạnh tích được viết bởi thánh Grêgôriô Cả[3] (vị giáo hoàng đã mở màn cho cuộc truyền giáo bên Anh, củng cố giáo hội bên Đức, tổ chức phụng vụ của Giáo hội). Vào thời ấy, thành phố Roma đang bị xuống dốc về luân lý và văn hóa. Người ta thích đàm tiếu đủ mọi chuyện, và như vậy đã làm mất sự tin tưởng vào sức mạnh của lời nói, gây ra cảnh hỗn loạn trong xã hội.

Để tái thiết thành phố, cần phải ra khỏi thành phố và xây dựng một thành phố khác trong sa mạc. Và bởi vì ở Rôma người ta không còn sống theo niềm tin vào một lời duy nhất, cho nên thánh Bênêđictô đã thiết lập một cộng đoàn trong đó sự thinh lặng trở thành quy luật, để dành chỗ cho lời đến từ trời cao. Chỉ khi nào đón nhận lời đến từ trên trời cao, lịch sử nhân loại mới có thể được đổi mới.

Thật vậy, văn minh châu Âu đã tái khởi đầu với các đan viện Biển-đức: đất đai lại được khai khẩn và đem lại hoa màu; lao động được đề cao; sự thinh lặng được khuyến khích. Tôi còn nhớ câu châm ngôn ở một căn phòng của dòng Biển Đức như sau: “Aut tace aut dic pauca meliora silentio: Hoặc là lặng thinh hoặc là nói một vài lời nào tốt hơn sự thinh lặng”. Điều này có nghĩa là tìm lại vẻ đẹp của lời nói, bởi vì nếu lời nói phát sinh từ sự thinh lặng thì lời ấy mới mang âm thanh của sự thật. Nếu không thì chỉ là chuyện sáo. Cuộc nói chuyện công cộng nhiều khi lừa lọc bởi vì nó không phát sinh từ sự thinh lặng, không chín muồi từ nội tâm; các ý tưởng cứ trôi như dòng nước lũ, và gây ra thiệt hại cho đôi bên.

Đan sĩ là người sống như Chúa Giêsu, suốt đời nhằm tiêu diệt thần khí sự dữ. Điều mà Chúa Giêsu thực hiện khi bị cám dỗ trong sa mạc thì Người đã hoàn tất trên thập giá, khi Người khước từ mọi hình thức phô trương lực lượng theo thế gian, và hoàn toàn ký thác đời mình cho quyền năng và ý định của Chúa Cha.

3) Thánh Phanxicô Assisi

Cần phải chờ một vài thế kỷ mới đến một khúc ngoặc lớn trong lịch sử của Giáo hội và của sự thánh thiện Kitô hữu. Sân khấu là miền Trung nước Italia. Thời điểm là một nền văn hóa đang phát triển, được đánh dấu bởi sự ra đời các công xã, mở rộng giao thương khắp chân Âu, với những con người đi từ vùng này sang vùng khác mà không cần đến hộ chiếu. Từ miền Nam nước Italia, nhiều nhà trí thức như là Tôma Aquino và Bônaventura lên đại học Sorbonne ở Paris và điều khiển các cuộc tranh luận. Vài năm trước đó, vào đầu thế kỷ XIII, tại làng Assisi, cậu Phanxicô chào đời. Anh ta có một cái nhìn mới. Để làm thánh, không cần phải chịu chết vì đạo như Stêphanô (mặc dù Phanxicô cũng ước ao tử đạo khi ra gặp quốc vương với ước muốn cũng được chia sẻ số phận của vài anh em ở Maroc), cũng chẳng cần phải lên sa mạc (mặc dù anh cũng đã thiết lập những cộng đoàn theo mẫu của Hội thánh tiên khởi mà thánh Luca đã thuật lại trong sách Tông đồ công vụ). Để nên thánh, cần phải sống tại thành thị giống như Chúa Giêsu, trong sự khó nghèo và khiêm tốn, trong điều kiện hèn mọn, nghĩa là giống như thành phần yếu ớt nhất của xã hội: những kẻ bần cùng, những kẻ hành khất. Anh Phanxicô muốn sống khó nghèo không phải vì yêu mến sự cùng cực nhưng như là kinh nghiệm của tự do: không để cho đồ vật làm chủ tôi, nhưng tôi phải làm chủ chúng.

Do đó, sự khó nghèo Phan-sinh là kinh nghiệm của tự do. Trong một thế gian đang bị sôi sục vì tham vọng muốn chiếm đoạt đến nỗi bị chiếm đoạt, thánh Phanxicô mời gọi hãy khám phá một kho tàng lớn hơn. Tấm gương của Người giúp chúng ta hiểu rõ hơn quang cảnh Chúa Giêsu gặp thanh niên giàu có trong Phúc âm. Anh ta được thách thức: “Anh nghĩ mình đã được thành toàn rồi. Thử xem anh có thực sự tự do không nhé?”. Trong lời mời “Hãy đến và theo tôi”, anh ta được thúc giục hãy đi tìm cái gì vượt xa các tài sản và cảm nghiệm đang mơ ước. Cuộc gặp gỡ kết thúc với lời bình giảng: “Anh ta buồn bã ra đi bởi vì anh có nhiều của cải” (Mc 10,22).

Liền sau đó, Tin mừng ghi lại câu nói của Chúa Giêsu: “Kho tàng của bạn ở đâu, thì trái tim của bạn ở đó”. Sự tự do hệ ở chỗ nhận ra kho tàng của mình ở đâu. Thánh Phanxicô là một ca sĩ của con tim tự do, và bởi vì có con tim tự do nên anh tìm lại được vẻ đẹp của vũ trụ. Tất cả chúng ta đều biết “Bài ca vạn vật”. Đây không phải là một văn kiện bảo vệ môi trường như người ta thường nghĩ. Những cuộc nghiên cứu lịch sử cho biết rằng bài ca này được sáng tác vào lúc cuối đời của thánh nhân, vào một giai đoạn cực kỳ đau khổ nội tâm. Anh đang bị bệnh, hầu như điếc và liệt giường; anh vừa được in các dấu thánh ở La Verna, và nhất là cảm thấy khổ sở vì đã lập dòng anh em hèn mọn, cho rằng mình đã thất bại hoàn toàn. Thế nhưng giữa cơn đau khổ ấy, anh đã nhận được một tiếng nói bên trong, tiếng nói của Chúa đến trấn an: Chúa nói sẽ ở gần Phanxicô như người cha yêu dấu. Sáng hôm sau, anh bảo anh em đưa đến nhà thờ San Damiano, nơi chị Clara ở, và tại đó anh đã ca hát tình cha của Thiên Chúa, và như vậy, anh đã gặp lại vẻ đẹp của thế giới, và sáng tác Bài ca vạn vật.

Ra như thánh Phanxicô muốn nói rằng vẻ đẹp của thế giới được tìm thấy nơi các vết thương của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá; nếu không thì chỉ là trò hề của phong trào bảo vệ môi sinh. Vẻ đẹp nguyên thủy của thế giới được tái tạo qua công cuộc cứu chuộc. Con đường của Phanxicô hòa đồng với con đường Chúa Kitô, nhờ được nhờ các dấu tích của Người, qua đó anh chia sẻ cuộc tử nạn với Chúa.

Trong những thế kỷ gần đây, các linh mục được định nghĩa như là alter Christus (Đức Kitô thứ hai). Thực ra, thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện để áp dụng cho một giáo dân, tức là thánh Phanxicô Assisi. Người đã giúp chúng ta hiểu rằng bất cứ ai, do hiệu năng của bí tích thánh tẩy và nhờ ân sủng, cũng đều trở thành Đức Kitô thứ hai. Công đồng Vaticanô II đã nêu bật tư tưởng là tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh. Thánh Phanxicô đã ý thức rằng mỗi người trong cuộc đời, cần biết sống tự do, khiêm tốn và khó nghèo như Chúa Giêsu.

4) Thánh Inhaxiô Loyola

Chúng ta hãy bước qua vài thế kỷ, và di chuyển sang nước Tây-ban-nha vào đầu thế kỷ XVI. Những khúc ngoặt trong lịch sử thánh thiện Kitô giáo xảy ra đồng thời với những khúc ngoặt của lịch sử chính trị thế giới. Người Âu châu khám phá lục địa Mỹ châu, mang theo nhiều hệ luận cho công cuộc loan báo Tin mừng. Thánh Inhaxiô Loyola là một hiệp sĩ đã có trực giác về điều cao thượng. Trong tập sách Linh thao, có một bài suy niệm đề ra ở cuối tuần thứ nhất. Sau khi đã suy gẫm về tội lỗi, có một bài suy niệm về hai lá cờ: lá cờ của vua trần thế, hứa hẹn danh giá, thành công, tiền tài, và lá cờ của một vị vua khiêm tốn cưỡi một con lừa con. Thánh Inhaxiô đặt câu hỏi: “Bạn chọn lá cờ nào?”

Vì thế, chủ đề căn bản nơi thánh Inhaxiô là “lựa chọn”: thánh nhân là kẻ chọn lựa sống như Chúa Giêsu Kitô. Tác giả nêu bật hơn nữa đề tài tự do, tức là khả năng điều khiển cuộc đời chúng ta và cấp cho chúng ta không phải là một thứ tự do nhỏ bé (tôi lập gia đình hay làm linh mục? Ăn thịt hay ăn cá?) nhưng là thứ tự do trọng đại, hướng tôi về Thiên Chúa hoặc chống lại Thiên Chúa.

5) Thánh Têresa Lisieux

Chúng ta di chuyển nhanh chóng đến miền Bắc nước Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nơi xuất hiện một thiếu nữ đã lôi cuốn khá nhiều tinh thần cao thượng của thời đại: biết bao nhà trí thức, văn gia và thi sĩ đã trở về với Thiên Chúa nhờ tinh thần Lisieux.

Những tháng cuối cùng của thánh Têresa Hài đồng Giêsu thật là rùng rợn. Chị phải trải qua những cơn cám dỗ trái ngược đức tin, trong đầu óc nảy lên những ý tưởng muốn chửi thề. Nhưng chị đã dùng ngòi bút thấm máu để viết: “Tôi tin”. Một phụ nữ với nghị lực phi thường, đã mang lại cho Giáo hội vài trực giác phi thường: chị hiểu rằng thánh nhân là kẻ giữa lòng Giáo hội muốn là tình yêu. Chị nói: tôi muốn đi truyền giáo, tôi muốn làm giám mục, tôi muốn làm giáo sư đại học, tông đồ giới trẻ, nhà giáo dục … tất cả đều tập trung vào sự định hướng trái tim vào Chúa Kitô. Thánh nhân là kẻ say mê Chúa Giêsu, không phải một cách trừu tượng, đại khái, nhưng theo nghĩa thực tế, sống động. Tương tự như thánh Maria Madalena than khóc trong vườn vào ngày Phục sinh: “Các ông đã để người yêu của tôi ở đâu rồi?”. Cái than khóc ấy là cảm nghiệm tiên khởi cao vời của sự phục sinh, bởi vì nó diễn tả lòng gắn bó thiết tha với Chúa Giêsu. Như thế, câu hỏi quyết liệt về sự thánh thiện là mối tương quan cá vị với Chúa Giêsu.

Theo nghĩa này, ta có thể hiểu được chứng tá của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI qua những quyển sách viết về Đức Giêsu Nazareth. Ngoài Đức Giêsu ra, chẳng còn gì để nói nữa. Sự thánh thiện Kitô giáo chẳng qua chỉ là mối tương quan tình yêu giữa mỗi người chúng ta với Chúa Giêsu. Vì thế nó là một ơn gọi phổ quát; nếu chúng ta không gặp gỡ Chúa Giêsu và nếu chúng ta không trao phó bản thân mình cho Người, thì chúng ta chỉ là những chữ cái (theo một tư tưởng của các giáo phụ). Các chữ cái tự nó chẳng có ý nghĩa gì hết; chúng chỉ có ý nghĩa khi được lồng trong một lời. Lời ấy là Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Vì thế sự thánh thiện của chúng ta gắn liền với ý nghĩa của cuộc đời.

6) Những khuôn mặt phụ nữ

Ta cũng có thể nghiên cứu hiện tượng thánh thiện dưới góc độ phụ nữ. Trước tiên là các thánh nữ tử đạo. Các đại triết gia của nhân loại cũng chẳng đạt tới trực giác giống như chị Perpetua, một phụ nữ tầm thường ở Bắc Phi. Khi quan tổng trấn đòi chị phải tuân phục hoàng đế Rôma là chính quyền hợp pháp, chị trả lời: “Ngài cứ nói điều gì tôi phải làm bên ngoài, nhưng ngài không thể nào đi vào trong lương tâm của tôi”. Lời khẳng định đầu tiên về quyền tự do lương tâm cá nhân đã phát xuất từ một phụ nữ tử đạo, năm 201. Phải chờ nhiều thế kỷ thì các nhà chính trị mới đạt tới lời khẳng định tương tự.

Rồi đến sự thánh thiện đan tu của các phụ nữ. Trong một loạt bài huấn giáo ngày thứ tư hàng tuần[4], ĐTC Bênêđictô XVI đã giới thiệu những khuôn mặt phi thường như Hildegard Bingen, Clara Assisi, Agnes Praha. Bà này là một phụ nữ quyền thế thời bấy giờ: tất cả các vua chúa, đế vương đều muốn lấy bà làm vợ. Thánh Clara Assisi đã viết cho bà một lá thư ví được như là một bài ca ngợi sự tự do, mời gọi bà hãy nhìn đến người chồng lý tưởng là Chúa Giêsu[5]. Rồi thánh Caterina Siena, dám ra lệnh cho  đức giáo hoàng: “Cha ơi, can đảm lên, xứng với bậc nam nhi”, khi thấy Người do dự, vừa mới rời khỏi Avignon thì đã muốn quay trở lại. Tôi muốn thêm thánh nữ Tê­rêsa (Avila) vào số đó; họ là những bậc thầy về đường thánh thiện, thậm chí có những vị là tiến sĩ Hội thánh. Gần chúng ta hơn là Mẹ Têrêsa ; khi tiến hành thủ tục phong thánh, người ta đã khám phá ra chiều kích huyền bí nơi Mẹ. Lòng bác ái cao cả của Mẹ phát sinh từ sự hòa đồng trọn vẹn với Chúa Giêsu. Một ngày nọ, tại nhà ga Calcutta, mẹ thấy một người hấp hối, bị mọi người bỏ rơi. Mẹ nghe thấy một tiếng nói huyền nhiệm “Tôi khát”, và Mẹ đã có trực giác rời bỏ Dòng Đức Mẹ Loreto, một hội dòng mà Mẹ cảm thấy thoải mái với việc dạy học. Sau một thời gian, Mẹ bàn chuyện với cha linh hướng, với đức giám mục để xin phép Tòa Thánh. Mẹ đi học nghề y tá ở bệnh viện Bombay, rồi trở về Calcutta và khởi sự công việc. Đến đây xảy ra những thử thách nội tâm, điều mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là “đêm tối huyền bí”, cảm nghiệm sự vắng lặng của Thiên Chúa. Giả như người ta không thấy hoạt động của Mẹ và niềm vui tỏa lan, ắt sẽ nghĩ đến một phụ nữ mắc bệnh trầm cảm. Tôi đã khám phá một bức thư tuyện vời, đề ngày 31 tháng Giêng (có lẽ vào năm 1960 hoặc 1961), viết bằng tiếng Anh, trong đó viết rằng “sau gần 10 năm phải chịu đựng những cực khổ này, tôi mới bắt đầu yêu chúng. Bởi vì tôi hiểu rằng không những tôi phải đồng hành với Chúa Giêsu đang chịu khát trên thập giá, nhưng tôi còn phải để cho Người tiếp tục cuộc khổ nạn trong tôi”. Đây là chiều kích huyền nhiệm, sự hòa hợp trọn vẹn với Chúa Giêsu. Bí quyết giải thích và đỡ nâng hoạt động rộng lớn của Mẹ bắt nguồn ở chỗ này.

II. Tiến trình phong thánh

Khởi đầu tiến trình là một sự kiện của cộng đồng Giáo hội, được đặt tên là “tiếng tăm thánh thiện” (fama sanctitatis), nghĩa là dư luận cho rằng một nhân vật nào đó đã sống tinh thần Phúc âm cách nổi bật, và người ta nhận thấy một giá trị Tin mừng ở nơi người ấy.

Thủ tục phong thánh muốn chứng minh rằng “tiếng tăm” ấy có nền tảng vững vàng. Giáo hội nhận ra sự cần thiết của tiến trình này vào thời cận đại[6], bởi vì kỷ luật hiện hành về việc phong thánh do ĐTC Bênêđictô XIV ấn định, và tiến hành giống như một vụ tố tụng.

A. Điều tra ở giáo phận

Việc kiểm chứng tiếng tăm thánh thiện diễn ra bằng hai đường lối:

1) Thu thập các chứng tích, thuận hay nghịch, được thực hiện tại giáo phận, do sáng khởi của một nhóm tín hữu (giáo phận, dòng tu …) được gọi là “nguyên đơn” (actor). Cơ quan này sẽ được thay mặt bởi một “thỉnh nguyện viên” (postulator)[7]. Trước khi khởi sự thủ tục, phải chờ 5 năm tính từ khi qua đời, phần nào để nguôi bớt những ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội đối với “tiếng tăm thánh thiện”. (Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã miễn chuẩn điều kiện này cho vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II). Trong giai đoạn thu thập chứng tích, cũng cần phân tích các bút tích của đương sự[8].

2) Một điều kiện thứ hai là phép lạ, được xem như tiếng nói của Thiên Chúa đến xác nhận tiếng nói của loài người. Khi tuyên thánh cho một người nào đó, Đức Thánh cha nhìn nhận rằng tiếng nói của các tín hữu (tiếng tăm thánh thiện) phù hợp với thực tại.

B. Giai đoạn cứu xét ở Bộ Phong thánh

Sau khi đã kết thúc chặng điều tra tại giáo phận, hồ sơ được chuyển về Rôma, và bắt đầu việc  cứu xét nội dung[9]. Một “vụ án” được mở ra: dưới sự hướng dẫn của một thuyết trình viên (Relator), tất cả những yếu tố thuận hoặc nghịch liên quan đến tiếng tăm thánh thiện và việc thực hành các nhân đức cách anh hùng (là tiền đề cho tiếng tăm ấy).

1) Soạn thảo Positio

Thuyết trình viên giữ vai trò thẩm phán điều khiển việc soạn thảo “hồ sơ” (positio). Vị ấy phải nắm vững tất cả các tài liệu, và cần bảo đảm rằng tất cả mọi yếu tố cần thiết phải được ghi lại. Nếu có điều nào bị bỏ sót hoặc che đậy, thì tiến trình sẽ bị trì trệ. Nên biết rằng không phải vụ án nào được mở ra cũng đều được kết thúc tốt đẹp; có những hồ sơ bị bỏ nửa chừng. Mặt khác, việc soạn thảo positio đòi hỏi khá nhiều thời gian, có khi mất hơn cả chục năm.

2) Cứu xét việc thực hành các nhân đức

Sau khi đã hoàn tất việc soạn thảo positio, tất cả hồ sơ được chuyển cho một tập đoàn các “cố vấn” (consultores) để cứu xét việc thực hành các nhân đức. Mỗi vụ án được giao cho một tập đoàn. Các “cố vấn” được yêu cầu phát biểu nhận xét của mình (thuận hoặc nghịch), dựa trên các chứng cứ đã được trình bày trong hồ sơ. Các lời nhận xét này cần nêu rõ lý do: có khi một “cố vấn” viết báo cáo gần 100 trang trình bày những lý do đưa tới kết luận của mình. Cần phải được đa số đồng thuận (2/3) của các cố vấn thì vụ án mới được tiếp tục.

Một khi đã nhận được sự đồng thuận của các cố vấn, positio được chuyển lên Hội đồng (Congregatio) của Bộ, gồm các Hồng y và Tổng giám mục. Thủ tục cũng tương tự như vậy, nghĩa là sẽ có một thành viên được cử làm thuyết trình viên để nghiên cứu hồ sơ, rồi sau đó trình bày trong một phiên họp, và các thành viên sẽ bỏ phiếu. Nếu được thông qua, hồ sơ được chuyển lên Đức Thánh Cha.

Nên biết là các “cố vấn” thực sự giữ vai trò xét xử, nhưng không được gọi là “thẩm phán”, bởi vì vị thẩm phán duy nhất là Đức Thánh cha, trong tư cách là đấng kế vị thánh Phêrô; các “cố vấn” chỉ cung cấp những ý kiến tư vấn.

3) Các vụ án tử vì đạo

Đối với trường hợp một vị tử vì đạo, tiến trình cũng tương tự như vậy. Các vụ tử đạo vào thời nay phức tạp hơn thời xưa. Trước đây, người sát hại không ngần ngại tuyên bố rằng họ giết người Kitô hữu bởi vì người này theo đạo. Thời nay, những kẻ bách hại không tuyên bố minh bạch lý do. Nạn nhân sẽ bị kết án vì phạm tội gây chia rẽ, chống chính quyền, phản quốc v.v… Thí dụ trường hợp của giám mục Eugenio Bossilkov ở Bulgari. Người ta dùng đủ mọi thứ áp lực để ép ngài phải khai rằng mình đã phản bội tổ quốc. Ngay cả thi hài của ngài cũng bị vùi lấp, vì thế trong tiến trình vụ án, không có chứng cớ rằng ngài đã chết! Chứng cớ duy nhất là chiếc áo sơ mi đẫm máu do một thân nhân đã thu thập và giữ gìn. Người ta chỉ biết được rằng ngài đã chết nhân dịp tổng bí thư đảng Cộng sản Bulgari đến Rôma xin yết kiến Đức Giáo hoàng. ĐTC Phaolô VI hỏi han về số phận của đức giám mục Bossilkov, và được trả lời rằng ngài đã bị giết.

Để phong chân phước cho một vị tử đạo thì không cần có phép lạ, bởi vì cái chết vì đức tin đã là một phép lạ rồi[10].

4) Cứu xét phép lạ

Việc cứu xét phép lạ cũng đi theo tiến trình tương tự, nghĩa là khởi đầu từ giáo phận, nhằm thu thập các chứng cớ, cũng như phán đoán khoa học của các y sĩ. Thực ra không phải tất cả các phép lạ đều liên quan đến việc chữa lành bệnh. Tôi nhớ một lần ở Peru, có một vụ lở đất ở núi đè lên nhiều người. Người ta kêu cầu một Tôi Tớ Chúa, và một phép lạ đã xảy ra, tức là hàng chục người đã thoát được cái chết dưới đống đất đá ấy. Trong trường hợp này, người ta không tham khảo ý kiến của các bác sĩ, nhưng là nhận định của các chuyên gia (kỹ sư, nhà vật lý học).

Bộ Phong thánh có một đội ngũ các y sĩ thuộc các đại học, để nghiên cứu trường hợp phép lạ, và thẩm định xem sự chữa bệnh có thể được giải thích vì lý do khoa học hay không[11].

5) Từ Chân phước đến Hiển thánh

Có sự phân biệt căn bản giữa việc tuyên phong chân phước (beatificatio) và phong hiển thánh (canonizatio). Khi Đức Thánh Cha tuyên bố một chân phước, thì cho phép được tôn kính vị ấy tại một nơi nào đó hoặc một dòng tu nào đó (một đặc ân, indultum): Giáo hội cho phép được tôn kính một Tôi tớ Chúa, vì vị ấy đã nêu bật một giá trị Tin mừng, và đáng bắt chước. Còn khi phong thánh, thì việc tôn kính vị ấy không còn là “cho phép” nữa nhưng mang tính “bắt buộc”. Theo nhiều nhà thần học, việc tuyên thánh liên quan đến đặc ân bất khả ngộ của Đức Thánh Cha[12].

Để được phong hiển thánh, cần phải có một phép lạ khác, xảy ra sau khi phong chân phước (tuy cũng có trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như phép lạ xảy ra vào ngày hôm trước khi phong chân phước).

III. Những câu hỏi

Trước khi được tôn phong chân phước, tôi có thể khẩn cầu một Tôi tớ Chúa hay không?

Như đã nói trên đây, vụ án phong thánh khởi đầu với “tiếng tăm thánh thiện”. Một người nào đó được nổi tiếng nhân đức, và vì thế có người khẩn cầu để được ơn nào đó. Tuy nhiên, việc này chỉ mang tính cách tư riêng, chứ không được phép cử hành công khai, chẳng hạn cử hành Thánh lễ để xin ngài khẩn cầu.

Nếu thánh thiện là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô thì tự nó đã hoàn hảo rồi. Tại sao lại còn phân biệt hai chặng: Chân phước và Hiển thánh?

Đây là sự thận trọng của Giáo hội, muốn kiểm chứng nền tảng chắc chắn của tiếng tăm thánh thiện. Trước khi có cuộc cải tổ của ĐTC Phaolô VI, thì có một thủ tục riêng để thẩm định tiếng tăm thánh thiện. Trước khi cứu xét việc thực hành cách anh hùng các nhân đức, người ta muốn biết: “Tiếng tăm thánh thiện có thực sự không? Có dựa trên việc thực hành các nhân đức cách anh hùng không?”[13]

Trong trường hợp phong chân phước cho một vị tử đạo, thì không cần đến phép lạ nữa. Vì thế, khi có sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo thì có thể tôn kính vị ấy như là chân phước chưa?

Khi Đức Thánh Cha ký sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo, vụ án coi như đã kết thúc, chứ không đòi hỏi phép lạ nữa. Tuy nhiên, cũng có một nghi lễ để tuyên bố vị ấy là chân phước. Nhưng để được phong thánh, các vị tử đạo cũng cần phải có phép lạ.

Có thể có các thánh nhân ở bên ngoài Giáo hội không?

Đây là một đề tài rất hấp dẫn. Cha Jean Daniélou S.J. đã viết một cuốn sách tựa đề “Các thánh ngoại đạo trong Cựu ước” (Les saints “paiens” de l’Ancien Testament, Seuil, Paris 1956). Ông Melkisedec là một người ngoại đạo, thế mà Tân ước nói rằng Chúa Giêsu là tư tế thuộc dòng Melkisedec, và các tư tế công giáo cũng được gọi bằng danh hiệu ấy. Ông Gióp và ông Giôna cũng là người ngoại đạo. Chúng ta có thể nói thế này: Giáo hội là ngọn cờ mà Thiên Chúa đã giương lên trong lịch sử nhân loại, để nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Thực tại quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, nhưng Ân sủng Chúa không bị khép kín trong biên cương của Giáo hội. Thiên Chúa mãi mãi vẫn lớn hơn (semper maior Deus). Giáo hội là dấu chỉ và dụng cụ của ý định cứu độ của Thiên Chúa, là Đấng muốn cho tất cả nên thánh, bởi vì Ngài yêu thương tất cả mọi con cái của mình: Thiên Chúa muốn mỗi người hãy sống phù hợp với điều kiện của mình là con cái Chúa.

Việc tuyên bố sự thánh thiện là hành vi pháp lý và hành vi phụng vụ. Tại sao có sự trùng hợp này?

Tất cả mọi đề tài của đời sống Kitô hữu đều phát sinh từ phụng vụ. Tôi trở thành linh mục trong khung cảnh một Thánh lễ, qua đó tôi lãnh nhận, từ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá được tái diễn nơi hy lễ bàn thờ, mệnh lệnh yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (đức ái mục tử). Điều này cũng xảy ra cách tương tự đối với hôn nhân, vừa là hành vi pháp lý vừa là hành vi phụng vụ, ngõ hầu đôi bạn có một mẫu gương tình yêu nơi tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân mình cho mọi người (đức ái hôn nhân). Chúng ta cũng có thể nghĩ đến đức ái trinh khiết: việc thánh hiến diễn ra trong Thánh lễ. Tất cả mọi việc trong Giáo hội đều diễn ra trong khuôn khổ của bí tích Thánh Thể[14].

Sự thánh thiện là một cuộc thẩm định về các nhân đức anh hùng, nhưng đối với một vài nhân vật như là giáo hoàng, thì hành vi cai quản cũng rất quan trọng. Làm thế nào có thể tách rời sự thẩm định về sự thánh thiện cá nhân ra khỏi các hoạt động công của đương sự, khi mà người ta có thể nhận thấy những khiếm khuyết hoặc trách nhiệm?

Khi nói đến việc thực hành các nhân đức, tôi muốn nói đến việc cứu xét các nhân đức hướng Chúa và các nhân đức trụ cột (đối với những người giữ trọng trách thì quan tâm cách riêng đến nhân đức khôn ngoan, là đặc trưng của việc cai quản), cũng như những nhân đức liên quan đến nếp sống của họ (chẳng hạn như ba lời khuyên Phúc âm đối với các tu sĩ). Cần phải thẩm định tất cả các nhân đức, bởi vì không thể nào chỉ làm thánh ở một nhân đức này, còn các nhân đức khác thì không.

Việc thẩm định sự thực hành nhân đức khôn ngoan không phải là một phán đoán về những hậu quả do các quyết định của đương sự, nhưng là phán đoán về cách thức mà đương sự đã thi hành chức vụ. Một thí dụ liên quan đến các vụ ấu dâm dưới thời Đức Thánh cha Gioan Phaolô II. Ngày nay thì mọi sự đã rõ ràng, nhưng trước đây, khi còn sinh tiền, ngài chưa có đủ yếu tố chắc chắn để quyết định: biết đâu các lời tố cáo mang tính vu khống thì sao? Mãi đến cuối tháng 3 năm 2005 thì mới có các kết luận chắc chắn, nhưng ngài băng hà vào đầu tháng 4.

Cái gì có kiểm chứng hơn: các nhân đức hay là phép lạ? Có vụ án nào bị đình hoãn vì thiếu phép lạ không?

Mỗi vụ án có lịch sử riêng của nó. Trong một vài vụ án, không tìm đâu ra phép lạ hết! Kế đó, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn thần học nữa: nếu thiếu sự khẩn nài Thiên Chúa nhờ sự cầu khẩn của người tôi tớ thì không thể nói là phép lạ được. Các sự kiện nói lên ý định của Thiên Chúa muốn cho người tôi tớ được tôn kính. Nếu không có phép lạ thì Chúa không muốn tiến hành cuộc phong thánh, mặc dù người ấy có thể đang ở trên thiên đàng rồi, giống như bao nhiêu vị thánh khác không hề được tôn phong. Trong vụ án phép lạ, ủy ban thần học xét xem sự khẩn cầu vị Tôi tớ Chúa, và tương quan giữa sự khẩn cầu với sự chữa lành, cũng như xét xem sự chữa lành đó có thể được giải thích thỏa đáng hay không, hoặc do công hiệu của sự trị liệu nào đó. Việc khẩn cầu cũng có thể bị đặt vấn đề nếu bệnh nhân đã khẩn cầu nhiều vị Tôi tớ Chúa.

Ngày nay Giáo hội đang dấn thân vào việc loan báo Tin mừng cách mới mẻ. Những  cuộc phong thánh có ích lợi gì cho những người vô thần, những người sống ngoài Giáo hội không? Hay chỉ là những hình thức mê tín dị đoan?

Nếu biết trình bày đúng cách, chân dung của các vị thánh sẽ chứng tỏ vẻ đẹp của Tin mừng, bởi vì đó là chứng tá cho cuộc sống sung mãn của con người. Chúng ta hãy thử nghĩ đến thánh Gioan Phaolô II, cách thức ngài đối diện với thực tại, khả năng tiếp xúc với mọi người, mối thiện cảm gây ra cho mọi người. Tôi còn nhớ hồi đi Verona để dự lễ phong thánh cho linh mục Giovanni Calabria. Người ta đã chuẩn bị lễ nghi tại sân vận động bằng một điệu múa của các học sinh. Trong bài diễn từ, ngài mở đầu bằng việc đề cập đến điệu vũ: nó diễn tả sự cố gắng hằng ngày của mỗi người chúng ta, vận dụng tự do để điều khiển thân thể. Kể cả những đồ vật cứng rắn như khúc xương cũng tuân phục các nhịp điệu của bài nhạc. Tự do là như thế đó. Đức Thánh cha đã diễn tả vẻ đẹp của con người, bắt nguồn từ những suy tư đâm rễ trong truyền thống của Tin mừng. Theo tôi nghĩ, “loan báo Tin mừng cách mới mẻ” có nghĩa là tỏ cho thấy sự phong phú nhân bản của Tin mừng; mỗi người tín hữu chứng tỏ cho thấy mình sống tình người cách sung mãn. Sự loan báo này đòi hỏi các nhân chứng. ĐTC Phaolô VI đã nói trong tông huấn “Loan báo Tin mừng” (Evangelium nuntiandi): thế giới ngày nay cần các chứng nhân hơn là các thầy dạy.

Ai bổ nhiệm các “cố vấn” (consultores) của Bộ Phong thánh? Có buộc phải giữ kín tên tuổi không?

Đức Thánh cha bổ nhiệm các cố vấn. Danh tính của họ được đăng trong Niêm giám Tòa Thánh (Annuario Pontificio). Đối với mỗi vụ án, mỗi cố vấn nhận được một hồ sơ dày cộm liên quan đến một Tôi tớ Chúa, và được yêu cầu phải bày tỏ nhận đinh trong một thời gian đã được ấn định. Các hồng y sẽ nhận được ý kiến của các cố vấn kèm theo chữ ký. Còn trong hồ sơ Relatio et vota thì chỉ ghi lại số phiếu của các cố vấn, nhưng không tiết lộ danh tính.

Ủy ban các cố vấn mang tên là Congresso peculiare. Còn Hội nghị của Bộ Congregazione Ordi­naria gồm các thành viên của Bộ, phần lớn là các hồng y, nhưng cũng có các giám mục khắp thế giới, họp phiên khoáng đại ít là mỗi năm một lần.

Trạng sư của ma quỷ là ai?

Các bản văn pháp lý không hề nêu chức vụ “trạng sư của ma quỷ”. Đúng ra, chức danh chính thức là “Chưởng lý của Đức tin” (Promotor Fidei), giữ vai trò chủ tọa ủy ban các cố vấn, chỉ định các cố vấn cho từng vụ. Trước đây, vị này giữ chức năng kháng biện, nêu lên những vấn nạn. Ngày nay, nói được là vai trò kháng biện do chính các cố vấn đảm nhận.

——————————

[1] Đối chiếu trình thuật cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và cuộc tử đạo của thánh Stêphanô: a) lý do buộc tội, lộng ngôn (Lc 23,71; Cv 6,57); b) lời cầu xin tha thứ (Lc 23,34 // Cv 7,56); c) sự phó thác (Lc 23,46 // Cv 7,60)

[2] T.S. Eliot, Murder in the Cathedral (1937).

[3] T. Grêgoriô Cả, Dialogorum libri IV (năm 593/4).

[4] Các bài huấn giáo các ngày thứ tư hằng tuần, từ ngày 1/9/2010 đến ngày 26/1/2011.

[5] Xem bài đọc thứ Hai, giờ Kinh Sách, lễ nhớ thánh Clara (ngày 11/8).

[6] Trải qua thời đại, thủ tục phong thánh đã thay đổi khá nhiều. Có thể nói vắn tắt là trong những thế kỷ đầu, việc nhìn nhận một người tín hữu nào đó đã thi hành các nhân đức cách anh hùng không tuân theo một thủ tục pháp lý nào cả, nhưng dựa theo cảm thức đức tin của cộng đoàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của các Giám mục hoặc các công đồng. Việc tôn kính các thánh tử đạo đã chứng tỏ tục lệ ấy. Toà thánh bắt đầu can thiệp vào việc phong thánh kể từ Đức Thánh cha Grêgôriô IX (năm 1234), và đặc biệt từ khi thành lập một Bộ ở giáo triều chuyên lo vấn đề này (trước đây thuộc về Bộ Nghi lễ: Sacra Congregatio Rituum, 22/1/1588; kể từ ngày 8/5/1969, được tách rời thành một Bộ riêng mang tên là Bộ Phong thánh: Sacra Congregatio pro causis Sanctorum). Thủ tục được kiện toàn dần dần, với những bước đầu từ đức Urbanô VIII (Decreta servanda in canonizatione et beatificatione Sanctorum, ngày 12/3/1642), tiếp đến là quyển cẩm nang của đức Bênêđictô XIV (viết khi còn làm hồng y) De Servorum Dei beatificatione et Beatorum canonizatione (1734-1738). Luật hiện hành là tông hiến Divinus Perfectionis Magister của ĐTC Gioan Phaolô II, được ban hành cùng ngày với bộ giáo luật (25/1/1983), kèm theo những quy luật chấp hành (Normae servandae) ngày 7/2/1983 (AAS 75,1983,349-355; 396-403). Ngoài ra, nhằm giúp các giáo phận xúc tiến hồ sơ phong chân phước, Bộ Phong thánh đã soạn một huấn thị Sanctorum mater (17/5/2007). Còn vài văn kiện khác sẽ được nói tiếp dưới đây.

[7] Nguyên đơn sẽ nhờ “thỉnh nguyện viên” (postulator, có khi được dịch là “cáo thỉnh viên”) thay mặt mình để tiến hành. (Luật cũ chỉ chấp nhận cho các linh mục làm thỉnh nguyện viên; nhưng từ nay tất cả mọi tín hữu đều có thể giữ chức vụ này, miễn là có khả năng, và được sự phê chuẩn của Giám mục giáo phận). Thỉnh nguyện viên lo thảo đơn (supplex libellus), sưu tập tài liệu chứng cớ, cũng như các tác phẩm mà đương sự đã viết. Trong đơn, thỉnh nguyện viên cũng giới thiệu những ai có thể cung khai về đời sống của đương sự. Đơn sẽ nộp tại toà Giám mục ở nơi mà đương sự qua đời; trong hoàn cảnh đặc biệt, có thể xin phép Toà thánh để nộp đơn tại nơi mà đương sự đã hoạt động lâu dài vào những năm cuối đời.

[8] Sau khi đã nhận đơn, Giám mục sở tại sẽ bàn hỏi với các Giám mục khác trong vùng xem có nên tiến hành hồ sơ hay không. Nếu thấy tiện, ngài sẽ ra thông cáo về sự thỉnh nguyện, và yêu cầu các tín hữu cung cấp thêm những dữ kiện dù thuận lợi hay đối nghịch. Kế đó, Giám mục đặt ít là hai kiểm duyệt viên (censores) để nghiên cứu tất cả những tác phẩm và bút tích của đương sự, để xem có gì trái nghịch với đức tin và phong hóa hay không. Đồng thời Giám mục xin ý kiến Toà thánh để xem có vấn nạn gì không (“nihil obstat”). Sau khi nhận được ý kiến của Toà thánh, Giám mục sẽ ra nghị định mở đầu vụ án. Từ nay, đương sự có thể được gọi là “Tôi tớ Chúa” (servus Dei); trong quá khứ, danh xưng “Đáng kính” (venerabilis) cũng được dùng, nhưng Toà thánh chỉ cho phép gọi là “đáng kính” sau khi đã có nghị định nhìn nhận các nhân đức anh hùng.

[9] Tất cả hồ sơ phải được sao chép thành hai bản, (dịch ra một trong các tiếng thông dụng ở Giáo triều: Latinh, Ý, Pháp, Anh, Tây ban nha). Bản chính được lưu lại trong văn khố của Toà Giám mục. Hai bản sao (hay dịch) cùng với các tác phẩm bút tích sẽ được gửi sang Toà thánh.

[10] Ngoài hai lý do để tiến hành thủ tục phong thánh (tử đạo; thực hành các nhân đức các anh hùng), ĐTC Phanxicô, qua tự sắc Maiorem hanc dilectionem (ngày 11/7/2017), còn mở thêm một lý do thứ ba nữa, đó là “tự nguyện dâng hiến mạng sống mình vì đức bác ái”. Một tín hữu, do đức mến thúc đẩy, chấp nhận cách anh hùng cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn (chẳng hạn như phục vụ các bệnh nhân trong một vùng có nạn dịch). Trường hợp này tương tự như là tử đạo, nhưng khác ở chỗ là ở đây không có ai giết cả. Dù sao, để được tuyên phong Chân phước, cần phải có một phép lạ.

[11] Việc đòi hỏi một phép lạ trong thủ tục phong thánh được coi như dấu hiệu của trời cao xác nhận các nhân đức của Tôi tớ Chúa. (Trước đây, bộ luật cũ đòi hỏi 2 phép lạ để phong chân phước và 2 phép lạ để phong thánh; luật hiện hành chỉ đòi hỏi một phép lạ để phong chân phước, và một phép lạ nữa để phong thánh). Thủ tục điều tra về phép lạ có thể tiến hành ngay từ khi nộp hồ sơ phong thánh. Phiên toà điều tra về phép lạ thì khác biệt với phiên toà về đời sống nhân đức. Việc điều tra về phép lạ cũng gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo phận và giai đoạn Toà thánh. Toà án giáo phận có thẩm quyền là nơi mà phép lạ đã xảy ra (như vậy khác với toà án về nhân đức). Mục tiêu của việc điều tra nhằm kiểm chứng hai điểm sau đây: a/ nạn nhân đã mắc bệnh nan y, và đã được khỏi bệnh cách khác thường; b/ sự lành bệnh là do lời chuyển cầu của tôi tớ Chúa. Các người được gọi cung khai gồm có chính bệnh nhân, thân nhân, và nhất là các chuyên viên y khoa. Sau khi nhận được hồ sơ từ giáo phận chuyển về, Bộ Phong thánh sẽ cử hai chuyên viên y khoa nghiên cứu. Nếu là ý kiến thuận, thì nội vụ được giao cho ủy ban 5 chuyên viên duyệt xét. Sau khi được ý kiến thuận, hồ sơ được trình lên ủy ban các nhà thần học và hội nghị các Hồng y và Giám mục. Quyết định cuối cùng thuộc về Đức Thánh Cha, với việc ban hành nghị định công nhận phép lạ.

[12] Sự phân biệt giữa các Chân phước (beati, còn gọi là “á thánh”) và các hiển thánh (sancti) có lẽ chẳng có ảnh hưởng gì tới bản thân của các vị ở trên trời. Sự phân biệt này được du nhập từ thế kỷ XV (Đức Thánh cha Sixtô IV, 1471-1484), nhằm nói lên hai cấp độ của sự nhìn nhận việc tôn kính công khai dành cho các Tôi tớ Chúa (decernere cultum publicum ecclesiasticum Servis Dei praestandum). Với việc phong Chân phước, việc tôn kính có tính cách giới hạn trong một vùng (giáo phận, Dòng tu); còn với việc phong hiển thánh, việc tôn kính mang tính cách phổ quát trong toàn Giáo Hội. Các vụ án phong thánh vào thời Trung cổ không có sự “phân cấp” này, chẳng hạn như: thánh Phanxicô, Đôminicô, Tôma Aquinô, Catarina Siena, v.v… Các ngài được “phong thánh” sau khi kết thúc vụ án, chứ không qua giai đoạn “Chân phước”. Nên biết là tự nó tính từ “Chân phước” không ám chỉ một vị thánh hạng nhì (Á thánh), mà chỉ muốn nói rằng họ được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Chẳng hạn Đức Maria được gọi là “Beata Maria Virgo” (Đức Trinh nữ Maria diễm phúc).

[13] Khi thẩm định việc thực hành các nhân đức cách anh hùng, Giáo hội không đòi hỏi người tín hữu phải tỏ ra xuất chúng, làm những việc phi thường hay đã tỏ những hiện tượng thần bí. Việc thi hành các nhân đức cách anh hùng có nghĩa là đương sự đã sống trong thời gian lâu dài (diuturno tempore) dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần: họ đã thực hành các nhân đức tin cậy mến và các nhân đức khác trong đời sống cá nhân, gia đình xã hội, đáng nêu gương cho người khác. Các Đức Giáo hoàng trong hậu bán thế kỷ XX đều lưu ý ở chỗ mức độ anh hùng không hệ tại những hành vi phi thường lôi kéo sự chú ý của mọi người, cho bằng ở chỗ chu toàn cách tận tụy, vui vẻ những bổn phận nhàm chán mỗi ngày.

[14] Từ sau công đồng Vaticanô II, các lễ nghi phong chân phước và phong hiển thánh đều diễn ra trong Thánh Lễ. Tuy nhiên, nhằm nêu bật sự khác biệt giữa hai cấp độ, một thông tư của Bộ Phong thánh ngày 29/9/2005 cho biết Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quyết định như sau: 1/ Các lễ nghi phong chân phước sẽ diễn ra tại quê hương của vị này, dưới sự chủ toạ của Hồng Y Tổng trưởng bộ phong thánh nhân danh Đức Thánh Cha. 2/ Các lễ nghi phong thánh sẽ diễn ra tại Rôma do chính Đức Thánh Cha chủ toạ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here