Phan Tấn Thành
Lịch sử truyền giáo đã trải qua nhiều chặng hoặc đợt. Chúng tôi xin trưng dẫn hai lối nhìn về những đợt ấy. Trước hết, chúng ta hãy nghe cha Raniero Cantalamessa trong loạt các bài giảng cho giáo triều Rôma vào mùa Vọng năm 2011 về bốn đợt loan báo Tin mừng, với bốn chủ thể khác nhau. Kế đến, cha Mario Menin sẽ cho thấy sự khác biệt về phương pháp áp dụng trong bảy giai đoạn truyền giáo.
I. Bốn đợt loan báo Tin mừng (Raniero Cantalamessa)
Theo cha Cantalamessa, trong lịch sử Hội thánh đã có bốn thời điểm mà chúng ta chứng kiến một sự gia tăng hoặc lấy lại nỗ lực truyền giáo, đó là:
- Sự bành trướng của Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu tiên: nhân vật then chốt là các ngôn sứ lưu động và rồi các giám mục.
- Thế kỷ VI-IX chứng kiến một cuộc tái truyền giảng Tin mừng ở châu Au sau những cuộc xâm lăng của người man-di, cách riêng nhờ các đan sĩ.
- Thế kỷ XVI, với cuộc khám phá các dân tộc của “tân thế giới”, việc truyền giáo được tiến hành cách riêng nhờ các tu sĩ.
- Thời hiện tại, Giáo hội dấn thân vào cuộc tái truyền giảng Tin mừng cho Tây phương bị tục hóa, với sự tham gia chủ động của các giáo dân.
Sự phân chia bốn đợt muốn nêu bật những nhân vật chủ động cũng như những đối thể của công cuộc loan báo Tin mừng. Chúng ta hãy điểm qua đặc trưng của mỗi đợt
1. Giai đoạn một: ba thế kỷ đầu[11].
Việc truyền giảng Tin mừng, khởi sự từ các thánh tông đồ, được tiếp tục bởi các tín hữu. Trong hai thế kỷ đầu tiên, việc giảng đạo do các sáng kiến của các cá nhân, cách riêng là các ngôn sứ lưu động, nay đây mai đó. Tin mừng được loan truyền nhờ những cuộc tiếp xúc thường nhật, qua hoạt động thương mại, qua những hoàn cảnh sinh sống. Từ hậu bán thế kỷ III, công cuộc truyền giáo được chuyển sang các cộng đồng địa phương, dưới sự chỉ đạo của giám mục. Sang cuối thế kỷ III, đức tin công giáo đã thấm nhập vào giai tầng xã hội. Giáo hội đã có cơ chế, cơ sở phụng tự. Những cuộc bách đạo dữ dội của hoàng đế Đioclêxianô chứng tỏ rằng các Kitô hữu đã trở thành một thế lực đáng nể. Hoàng đế Constantinô đành chấp nhận thực tại đó.
Các sử gia đã đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích lý do của sự thành công: có thể là tấm gương yêu thương bác ái của các tín hữu; có thể là khả năng đáp ứng những khát vọng của thời đại, hoặc khả năng dung nạp những nền văn hóa khác biệt. Tuy nhiên, theo cha Cantalamessa, cần phải tìm lý do giải thích nơi chính động lực nội tại của nó. Tin mừng chứa đựng tiềm lực phát triển do chính Thiên Chúa đã gắn vào. Nó được ví như hạt giống được gieo vào lòng đất, rồi sinh hoa kết quả (Mc 4,26-29; 30-32). Con người gieo trồng, tưới; nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng cho hạt giống lớn lên (xc. 1Cr 3,6-7). Những con người với bản tính yếu ớt do dự, nhưng tin tưởng vào quyền lực của Chúa, đã thực hiện được điều phi thường. Đức tin đã trở nên sức mạnh để truyền giáo cũng như để dám chấp nhận cái chết.
2. Giai đoạn hai: thế kỷ V-XI
Giai đoạn này bắt đầu không phải từ sắc chiếu của hoàng đế Constantinô cho phép các Kitô hữu được tự do hành đạo, nhưng là từ khi đế quốc Rôma sụp đổ năm 476 trước sự tấn công của quân man di. Nhiều người nghĩ rằng tận thế đã gần kề, nhưng may thay nhờ những vị mục tử sáng suốt, Giáo hội ý thức một thời cơ mới mở ra cho việc truyền giảng Tin mừng. Trước đây, Kitô giáo đón nhận văn hóa Hy-lạp và Rôma vào khối gia sản đức tin; bây giờ đến lượt Kitô giáo dùng kho tàng văn hóa của mình để giáo dục những ông chủ mới tới. Thực ra công cuộc rao giảng Tin mừng ở giai đoạn này (kéo dài cho đến thế kỷ IX) gồm nhiều mặt trận: một đàng củng cố đức tin nơi những người đã theo đạo, cách riêng ở vùng thôn quê; đàng khác, rao giảng Tin mừng cho những dân chưa biết Chúa, cách riêng ở vùng Bắc Âu. Như thế việc giảng đạo cũng bao hàm việc giáo dục văn hóa. Những nhân vật chủ chốt của công tác này là các đan sĩ, bên Tây cũng như bên Đông.
Một bài học của giai đoạn này là việc loan truyền Tin mừng đi đôi với việc đối thoại văn hóa, nhưng nhất là nhiệt khí bắt nguồn từ đời sống chiêm niệm, như các đan sĩ đã cho thấy. Điều này có nghĩa là không những các đan sĩ sống đời chiêm niệm cần cầu nguyện nhiều cho các nhà truyền giáo, nhưng mà các nhà truyền giáo cần phải trở nên những con người chiêm niệm.
3. Giai đoạn ba: loan báo Tin mừng cho lục địa mới
Không bao lâu sau cuộc khám phá châu Mỹ (1492), các nước châu Au đã chiếm đóng lục địa này, mang theo những truyền thống tôn giáo và chính trị của mình: Bắc Mỹ theo Tin Lành, Mỹ châu Latinh theo Công giáo. Cha Cantalamessa chú ý đến phương pháp truyền giáo của Tây ban nha tại Nam Mỹ. Đế quốc Tây ban nha chiếm đất đai của thổ dân, và bắt họ phải theo Kitô giáo. Xem ra Tin mừng đi kèm theo vũ lực. Tuy nhiên, cần phân tích sự kiện kỹ lưỡng hơn. Một đàng, không thiếu những tiếng nói bảo vệ quyền lợi của thổ dân (điển hình là cha Bartolomé de las Casas). Đàng khác, đàng sau chính sách cưỡng bách theo đạo là thần học đương thời, theo đó ai không gia nhập Giáo hội sẽ bị trầm luân (Extra Ecclesiam nulla salus).
Nhân dịp kỷ niệm 500 năm khám phá lục địa (1992), có người đòi xét lại vấn đề: sau khi đã chủ quyền chính trị đã được trả lại cho dân bản xứ, phải chăng đã đến lúc phải trả lại tôn giáo cổ truyền cho các thổ dân? Phải chăng Kitô giáo là một cái họa cho dân bản xứ?
Không, phải nói ngược lại: chính nhờ khám phá đức Kitô mà người thổ dân đã nhận được sự giải phóng toàn diện. Mặc dầu trong 500 năm truyền giáo có những vết tối, nhưng những luồng sáng còn nổi bật hơn nhiều. Những nhân vật chủ lực của công cuộc rao truyền Tin mừng ở lục địa này là các tu sĩ (Phan-sinh, Đa-minh, Au-tinh, Dòng Tên). Do lòng yêu mến Chúa Giêsu thúc đẩy, họ muốn chinh phục các linh hồn về cho Chúa. Họ đã đem hết mọi tài năng để góp phần phát triển xã hội tại địa phương.
Những cuộc tranh luận về thần học giải phóng đã nêu bật một yêu sách của việc truyền giảng Tin mừng: phát triển con người, thăng tiến xã hội. Nguy cơ của mọi cuộc tranh luận là chỉ bảo vệ một khía cạnh này và coi nhẹ khía cạnh kia. Có người tố cáo rằng Giáo hội Công giáo chú trọng đến công lý hoà bình và coi nhẹ đời sống tâm linh, cho nên nhiều tín hữu đã bị lôi cuốn bởi các giáo phái Tin Lành đề cao đời sống cầu nguyện, Thánh linh.
Dù sao, khi nhìn lại quá khứ, sở dĩ trước đây các dòng tu đã cung cấp số đông các nhà truyền giáo là vì nếp sống của họ được tràn đầy thần khí, biểu lộ qua nếp sống khó nghèo, tinh thần huynh đệ, đời sống cầu nguyện. Phải chăng đó là điều khác biệt với thời nay?
4. Giai đoạn bốn: thế giới tục hoá
Đây là thời đại mà chúng ta đang sống. Giáo hội phải loan báo Tin mừng cho thế giới Tây phương hậu Kitô giáo, nghĩa là tuy mang truyền thống Kitô giáo nhưng trở thành dị ứng với sứ điệp Tin mừng, do ảnh hưởng của não trạng duy khoa học, tục hoá và duy lý.
Thách đố mới của việc loan báo Tin mừng là làm sao đưa con người thời đại đến gặp gỡ Đức Kitô. Thực vậy, Tin mừng là Đức Kitô chịu chết trên thập giá và phục sinh, Đức Kitô sống động. Loan báo Tin mừng có nghĩa là đem Đức Kitô vào cuộc sống hôm nay.
Tuy rằng các giám mục, linh mục, tu sĩ vẫn giữ vai trò chủ động, nhưng các ngài là “chủ chăn” hơn là “ngư phủ”: muốn tiến ra khơi, lăn lội vào hàng cùng ngõ hẻm, thì cần các giáo dân. Các giáo dân là những người mang Tin mừng đến với những người ở xa nhà thờ, những người chưa biết Chúa. Các giáo dân loan báo Tin mừng qua chứng tá cá nhân của cuộc sống hằng ngày, cũng như qua các đoàn thể, hội đoàn, phong trào. Môi trường đầu tiên để loan báo Tin mừng là gia đình, trường học của tình yêu.
Nhận xét
Cha Cantalamessa thú nhận rằng việc phân chia bốn đợt loan báo Tin mừng muốn làm nêu bật đối tượng nhằm đến: thế giới văn hóa Hy-lạp Rôma, thế giới các dân man di, thế giới châu Mỹ, thế giới tục hóa, chứ không bao gồm toàn thể công cuộc truyền giáo (chẳng hạn như việc loan báo Tin mừng tại Á châu). Việc phân chia bốn đợt cũng muốn chú trọng đến các nhân tố chủ động của mỗi giai đoạn: giám mục (từ thế kỷ III), đan sĩ, tu sĩ, giáo dân, tuy không quên rằng tác nhân chủ động là Chúa Kitô phục sinh.
Bây giờ chúng ta sẽ nghe một tác giả khác phân tích các giai đoạn lịch sử truyền giáo dựa trên những biên cương mới cũng như những phương pháp mới, đó là bài viết của cha Mario Menin tựa đề “Storia e modelli della presenza missionaria della Chiesa” (Lịch sử và những khuôn mẫu của sự hiện diện truyền giáo của Giáo hội) được đăng trên mạng SEDOS
II. Bảy hoàn cảnh lịch sử
Trước tiên tác giả nhìn nhận rằng trong công cuộc nghiên cứu lịch sử Giáo hội, có hai khuynh hướng tiếp cận đối nghịch nhau: một bên chỉ muốn phân tích các sự kiện dựa theo những nguyên tắc của khoa sử học (Roger Aubert); một bên (Hubert Jedin) đòi hỏi phải phán đoán các dữ kiện dưới viễn tượng của đức tin, nghĩa là môn giáo sử là một ngành của thần học, tuy không được phép đồng hóa với môn hộ giáo (apologetica) hoặc thánh tích (hagiographia). Thật không đơn giản, bởi vì chủ động của lịch sử không chỉ là những con người với những giới hạn tự nhiên, mà còn là Thánh Linh nữa. Mặt khác, không phải tất cả những gì xảy ra trong lịch sử của Hội thánh đều là “thánh thiện”! Như chúng ta đã biết lịch sử không phải chỉ là môn học ghi lại các sự kiện nhưng còn phân tích các nguyên nhân và hậu quả của chúng. Nói khác đi, khoa lịch sử nào cũng hàm chứa một triết lý (hay thần học).
Lịch sử truyền giáo được phân làm 7 giai đoạn: 1/ ba thế kỷ đầu tiên; 2/ loan báo Tin mừng cho các dân tộc mới đến; 3/ loan báo Tin mừng cho châu Au; 4/ Thập tự quân (tk XI-XII); 5/ châu Mỹ (tk XV); 6/ châu Á; 7/ châu Phi.
1. Ba thế kỷ đầu tiên: công cuộc truyền giáo của các tín hữu thường dân
Tin mừng được loan báo trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma và thậm chí vượt ra ngoài biên cương (Mesopotamia, Persia, Armenia, Georgia, Ethiopia).
– Những yếu tố thuận lợi bên ngoài: hệ thống hành chánh và giao thông của đế quốc Rôma (pax romana), văn hóa Hy-lạp, sự phổ biến của đạo Do thái.
– Những yếu tố nội tại: vẻ hấp dẫn của sứ điệp Tin mừng, bảo vệ tự do lương tâm kể cả trước đe dọa của chính quyền
– Những nhân vật chủ động của công cuộc truyền giáo là chính các tín hữu, ý thức về sứ mạng của mình, qua những cuộc tiếp xúc trong đời sống thường nhật. Lá thư gửi Điônhêtô cho biết rằng sự hiện diện của các Kitô hữu trong thế giới ví được như vai trò của linh hồn trong thân xác. Từ cuối thế kỷ II, các giám mục mới điều khiển công tác truyền giáo.
2. Loan báo Tin mừng cho các dân tộc germanic và slav.
Xưa nay các sử gia thường nói đến các dân “man di” tràn vào lãnh thổ Đế quốc Rôma, nhưng ngày nay, người ta nói đến các cuộc di dân, trong số đó không thiếu các dân đã theo đạo (chẳng hạn dân Gothi đã có hàng giáo phẩm, tuy nghiêng theo phái Ariô).
Đặc trưng của giai đoạn này (bắt đầu từ thế kỷ IV) là việc loan báo Tin mừng không chỉ nhắm đến cá nhân, nhưng còn nhắm đến các dân tộc. Người ta chứng kiến cuộc trở lại đạo của cả một dân tộc theo gương của nhà vua (thí dụ Clovis của dân Francs). Tôn giáo và chính trị trà trộn với nhau.
Nhân tố chủ động của hoạt động truyền giáo không còn là những cá nhân nhưng là Giáo hội, tuy chưa phải là Giáo hội trung ương tập quyền như vào những giai đoạn cận đại. Dù sao, Giáo hội xuất hiện như là một cơ chế.
3. Phong trào truyền giáo thứ nhất cho châu Âu: các đan sĩ
Xem ra hơi mâu thuẫn: các đan sĩ là những người đi tìm thinh lặng nơi cô tịch, làm sao lại trở nên động lực cho phong trào truyền giáo? Xin thưa rằng có nhiều hình thái đan tu. Phong trào đan tu tại Bắc Au không rút vào rừng vắng như thánh Biển đức, nhưng họ lấy việc lữ hành vì lòng mến Chúa (peregrinatio pro Dei amore) như phương tiện nên thánh. Nhờ vậy họ đã trở thành những người loan báo Tin mừng cho lục địa châu Au trong suốt bảy thế kỷ (V-XII): không những họ là động lực cổ võ văn hóa cho lục địa này, nhưng góp phần vào việc canh tân Giáo hội, với kỷ luật thống hối mới, với dây liên kết với Toà Rôma. Những khuôn mặt tiêu biểu: thánh Columba, thánh Augustinô Canterbury, thánh Bonifaxiô.
4. Thập tự quân (thế kỷ XI-XII): truyền giáo chống lại dân ngoại (contra gentes)
Thập tự quân là một phương pháp truyền giáo mới: truyền giáo bằng vũ lực, để chiếm lại đất thánh. Thật ra, tuy những cuộc thập tự quân được các giáo hoàng và vua chúa Kitô giáo đề xướng để chiếm lại đất thánh khỏi tay người Hồi giáo, nhưng không nên coi đường lối quân sự như là chính sách duy nhất của giai đoạn này. Cùng đi theo đoàn thập tự quân năm 1219, thánh Phanxicô Assisi đã sớm nhận ra rằng vũ lực không thích hợp với việc bành trướng nước Chúa, vì thế Người đã tìm đường lối hợp với Tin mừng: đó là loan báo và tử đạo. Dù sao, hoạt động truyền giáo được coi như một mục tiêu của hai dòng Đa Minh và Phan sinh. Để chuẩn bị cho công cuộc này, thánh Raymonđô Penafort OP mở trường học ngôn ngữ cũng như tôn giáo Islam. Raymondo Lullo, một giáo dân Dòng Ba Phanxicô, cũng mở lớp đào tạo các thừa sai theo hướng đó.
5. Truyền giảng Tin mừng cho châu Mỹ latinh
Với cuộc chinh phục châu Mỹ latinh, chúng ta thấy nảy ra một đường lối truyền giáo mới. Đế quốc Tây ban nha (và Bồ đào nha) được uỷ thác việc loan báo Tin mừng do chế độ “bảo trợ” (padronado): việc trở lại đạo mang tính cách cưỡng chế của chính quyền; đối lại, chính quyền cũng điều hành Giáo hội qua đặc ân bổ nhiệm các giám mục. Như chúng ta đã biết, song song với chính sách này, không thiếu những tu sĩ đã bênh vực quyền lợi của thổ dân, hoặc qua những khảo luận pháp lý (Bartolomé de las Casas, Francisco de Vitoria), hoặc qua những “ấp chiến lược” (reducciones của Dòng Tên ở Paraguay).
6. Truyền giảng Tin mừng cho người Á đông
Trên nguyên tắc, châu Á và châu Phi được đặt dưới sự “bảo trợ” của Bồ đào nha, nhưng nước này không hăng say lắm với công cuộc truyền giáo. Điều này đã thúc đẩy Toà thánh thiết lập Bộ Truyền bá đức tin với hai vị Đại diện tông toà mà chúng ta đã biết. Như vậy Tòa thánh muốn giành lại phần chủ động trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Xét về phương pháp truyền giáo, thì tại Á châu, không có chuyện sử dụng vũ lực, nhưng ngược lại, chính các Kitô hữu đã trở thành nạn nhân của vũ lực: rất nhiều người đã bị nhà cầm quyền địa phương bắt bớ và giết: chúng ta đã quá biết lịch sử của các vị tử đạo tại Nhật Bản, Trung hoa, Việt Nam, Triều tiên. Một khía cạnh mới của kế hoạch truyền giáo là thích nghi Tin mừng với văn hóa địa phương. Những nguyên tắc đã được đề ra trong Huấn thị của bộ Truyền giáo năm 1659. Thế nhưng khi đem ra áp dụng thì nhiều cuộc tranh cãi đã nảy lên giữa các thừa sai: thế nào là văn hóa, thế nào là mê tín dị đoan?
7. Truyền giảng Tin mừng tại Phi châu
Châu Phi đã đón nhận Tin mừng ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo (các cộng đoàn Ai cập, Ethiopia, Bắc Phi). Tuy nhiên, việc truyền giáo cho những vùng sâu vùng xa (ở mạn Nam) thì trở thành quy mô vào thế kỷ XIX, vào lúc mà lục địa này đã được chia xé giữa các nước thuộc địa (Thoả ước Berlin 1884-85). Phương pháp truyền giáo có những mặt trái và mặt phải của nó. Chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những nhà thừa sai cùng quốc gia: đạo Công giáo xem ra liên kết với chính quyền thuộc địa. Đó là mặt trái, được nổi bật khi bùng nổ những cuộc chiến giành độc lập. Mặt phải là không thể phủ nhận công cuộc hy sinh của bao nhiêu vị thừa sai nam nữ để đem lại cho dân tộc Phi châu không những là Tin mừng, mà còn sự nâng cao dân trí, sức khỏe (nhà thờ, nhà trường, nhà thương). Trong bối cảnh này, Giáo hội đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều dòng tu nam nữ được thành lập để đi truyền giáo, cũng như những hội dòng nam nữ dành cho những người địa phương muốn dâng mình cho Chúa. Việc đối thoại văn hóa không được đặt ra, bởi vì con người châu Phi được đồng hóa với dân mọi rợ cần học hỏi văn minh Tây phương. Nhưng có lẽ chính nhờ văn hóa thô sơ mà tỉ lệ người Phi châu trở lại đạo Kitô cao hơn là người Á châu.
Trong phần kết luận, tác giả nhấn mạnh rằng trải qua hai ngàn năm lịch sử, đã có nhiều đợt loan báo Tin mừng cũng như nhiều cách thức loan báo Tin mừng, tùy theo thời thế. Ngoài ra, đôi khi trong cùng một thời đại nhiều phương thức khác nhau và tương phản nhau cùng được áp dụng. Một thí dụ: vào thế kỷ XIX, tại Phi châu, bên cạnh những thừa sai hăng say giảng đạo, lập nhà thờ nhà thương, thì có một anh Charles de Foucauld truyền giáo bằng sự hiện diện thầm lặng.
Kết luận
Chúng ta thấy hai tác giả trình bày hai lối nhìn về cái “mới” trong cách thức loan báo Tin mừng.
Cha Raniero Cantalamessa trình bày bốn đợt loan truyền Tin mừng: ta có thể nói đến bốn cái “mới”, dựa trên những người đón nhận (các dân Hy-lạp Rôma, các dân man-di, châu Mỹ Latinh, châu Âu tục hóa) và những chủ động (tín hữu, đan sĩ, tu sĩ, giáo dân). Đàng sau các đợt sóng mới là đức tin và cầu nguyện.
Cha Mario Menin phân chia lịch sử truyền giáo làm bảy giai đoạn xét theo biên cương, với sự thay đổi về phương pháp: việc loan báo Tin mừng cùng đi với những chứng ta thường nhật, hoặc truyền bá văn hóa, hoặc thăng tiến nhân bản, và cũng có lúc dùng lại quyền lực.
Dĩ nhiên là chúng ta còn thể liệt kê nhiều cách thức phân chia khác. Chẳng hạn như xét về cơ quan điều phối: từ những sáng kiến tự phát vào lúc đầu, tiến tới việc điều động của các giám mục, rồi đến sự tiếp tay của thế quyền, và rồi vào những thế kỷ gần đây, sự điều động của Tòa Thánh (Bộ Truyền giáo).