KHÁI NIỆM PHÚC ÂM HÓA TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA HUẤN QUYỀN KỂ TỪ VATICANÔ II

0
3270

TRÌNH BÀY DIỄN TIẾN VÀ PHÂN TÍCH
KHÁI NIỆM PHÚC ÂM HÓA
TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA HUẤN QUYỀN
KỂ TỪ VATICANÔ II

Lm. Gilles Berceville

DÀN BÀI

DẪN NHẬP: LÀM SÁNG TỎ MỘT Ý TƯỞNG VÀ VẠCH LẠI LỊCH SỬ CỦA NÓ

I. TRUYỀN GIÁO HỌC VÀO THỜI CÔNG ĐỒNG

II. NGUỒN GỐC CỦA KHÁI NIỆM “PHÚC ÂM HÓA” HIỆN NAY, TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG TRUYỀN THỐNG

1. Quá trình diễn tiến của từ ngữ
và của khái niệm evangelizatio tính cho đến Vaticanô II

2. Khái niệm Phúc Âm trong Kinh Thánh

III. PHÚC ÂM HÓA TRONG CÁC VĂN KIỆN CỦA HUẤN QUYỀN THỜI HẬU CÔNG ĐỒNG

1. Evangelii nuntiandi (Rao Truyền Phúc Âm, 1975)

a. Suy tư việc Phúc-âm-hóa, dựa trên các sách Phúc Âm

b. Phúc-âm-hóa trong thế giới ngày nay

2. Khái niệm “Tân Phúc-âm-hóa” trong giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI

3. Gaudium Evangelii

KẾT LUẬN: PHÚC ÂM HAY Ý THỨC HỆ?

 ————————————–

 

DẪN NHẬP:

LÀM SÁNG TỎ MỘT Ý TƯỞNG VÀ VẠCH LẠI LỊCH SỬ CỦA NÓ

Nguồn tư liệu liên quan đến điều được gọi là công cuộc Phúc-âm-hóa (évangélisation), và những hình thức mà ngày nay nó có thể có thì rất phong phú. Mục đích của bài thuyết trình này dĩ nhiên không nhằm đưa ra một tổng hợp, và cũng không có ý đề nghị một suy tư mục vụ về các cách thức Phúc-âm-hóa hiện nay, tại Pháp hay tại Việt nam. Chủ đích của bài thuyết trình khiêm tốn hơn nhiều: làm sáng tỏ khái niệm Phúc-âm-hóa, dõi theo sự tiến triển của việc sử dụng từ ngữ này, nhất là kể từ Công đồng Vaticanô II. Hiểu rõ được lịch sử của hạn từ Phúc-âm-hóa và tính phức tạp của thực tại mà ngày nay nó muốn chỉ là điều kiện tiên quyết cần thiết cho những cuộc trao đổi về cách thế mà những hoàn cảnh truyền giáo hiện nay cần phải tác động trên việc đào tạo các ứng sinh linh mục, tại Việt nam hoặc tại những nơi khác.

Chúng ta sẽ khởi đầu bằng việc khảo sát khái niệm mission (truyền giáo/ sứ mạng) tại Công đồng Vaticanô II, dao động giữa một bên là nghĩa cũ, hạn hẹp, và một bên là nghĩa mới, rộng hơn nhiều. Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của khái niệm évangélisation (Phúc-âm-hóa) được sử dụng sau Công đồng, dưới triều Đức Phaolô VI, cho đến ngày nay, dưới triều Đức Phanxicô.

Thứ đến, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm évangélisation -dưới hình thức mới nhất mà chúng ta được biết hôm nay- đã bắt nguồn thế nào trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống.

Sau cùng, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm évangélisation đã được khai triển thế nào trong một văn kiện mang tính nền tảng thời nay: Loan Báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi – 1975), và cái được coi là linh đạo cho việc Phúc-âm-hóa trong Niềm Vui Tin Mừng (Gaudium Evangelii – 2013). Giữa hai tài liệu này, chúng ta sẽ thấy được sự xuất hiện và sự thành công của khái niệm “Tân Phúc-âm-hóa” (nouvelle évangélisation), do Đức Gioan-Phaolô II đưa ra năm 1979.

Évangélisation” (Phúc-âm-hóa): từ ngữ này được dùng cách rất thông dụng hiện nay trong giới Công giáo; và mọi người đều đồng thuận cho rằng từ ngữ này muốn diễn tả điều gì đó thật cốt yếu trong đời sống Giáo Hội đến độ chúng ta có nguy cơ quên đi rằng tầm quan trọng của từ ngữ này và khái niệm này chỉ mới có gần đây thôi.

I. TRUYỀN GIÁO HỌC VÀO THỜI CÔNG ĐỒNG

Lịch sử của từ évangélisation và việc sử dụng nó có một mối liên hệ chặt chẽ với từ mission. Sẽ thật có ý nghĩa nếu chúng ta đọc lại một bài viết của nhà truyền giáo học A.-M. Henry, về sự tiến triển của nghĩa các từ “mission” và “évangélisation” sau Vaticanô II. Bản văn được viết năm 1967:

“Cho đến thế kỷ XVII, dường như từ mission đã không bao giờ được dùng để chỉ hoạt động đặc biệt của những ai đảm nhận việc loan truyền đức tin đến bên kia biên giới của Kitô giới xưa kia (ancienne chrétienté).[1] Trước thời này, các hạn từ hoặc các lối nói thông dụng nhất được dùng để chỉ hoạt động này là: Dilatatio fidei, Propagatio fidei, Evangelium, Praedicatio, Ministerium verbi, Procuratio salutis, Convocatio gentium, etc… “Từ mission lần đầu tiên xuất hiện là kể từ năm 1610” (L. Pérouas) […] Thánh Ignatiô -người luôn bận tâm đến việc làm thế nào để các tu sĩ của ngài hoàn toàn sẵn sàng cho các nhiệm vụ mà Đức Thánh Cha và các giám mục cho là cần thiết để ‘sai’ (envoyer) họ thực hiện- đã thường xuyên sử dụng động từ này (mittere, tiếng La-tinh) và các từ trong ngữ hệ của nó: tính từ missus (envoyé – được sai), hoặc danh từ missio (envoi – sự sai phái) […] Chỉ dần dần sau đó, kể từ thế kỷ XVII, ý nghĩa của từ này mới chuyển hướng, và sự ‘sẵn sàng’ (disponibilité) mang tính bắt buộc mà các đấng bề trên đòi hỏi, và được các bề dưới cam kết, đã được dùng để chỉ cách đặc biệt về sự sẵn sàng cam go nhất, quảng đại nhất, trọn vẹn nhất, nghĩa là sự sẵn sàng đi đến những vùng đất bất lợi nhất và những dân tộc thù nghịch nhất với đức tin. Chỉ đến lúc đó, từ mission mới được dùng -vào thế kỷ XVII- để chỉ các sứ mạng đưa người ta ‘trở lại đạo’, mà đối tượng là dân ngoại, là những người lạc giáo, những người Công giáo bán phần (demy-catholiques).[2]

A.-M. Henry lưu ý rằng việc sử dụng từ mission để chỉ việc sai các nhà truyền giáo đến những xứ sở hay nhưng nơi chưa được Phúc-âm-hóa không có mối liên hệ nào -vào những thế kỷ XVI và XVII- với thần học của Gioan về việc sai phái Ngôi Lời và Thánh Thần.[3] Thế mà đó lại là điều đã được thực hiện trong chương I của Ad gentes, Sắc Lệnh về Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (07/12/1965).[4] Qua việc này, Sắc lệnh đã phá vỡ cái khung của thần học truyền giáo xưa cũ: mission của Giáo Hội không còn có thể thu nhỏ vào việc sai các linh mục trong các quốc gia thuộc Kitô giới xưa đi đến các quốc gia mà Kitô giáo chưa được gầy dựng (ad gentes). Tuy nhiên, Sắc lệnh của Công đồng lại dao động giữa một bên là quan niệm mới, rất rộng mở, về truyền giáo, và bên kia là quan niệm cũ, rất hạn hẹp: “Trong văn kiện của chúng ta, mission có thể được hiểu: khi thì theo nghĩa rộng nhất, theo đó nó bao trùm mọi biên độ hoạt động của Thần Khí Đức Kitô trong thế giới; khi thì theo nghĩa hẹp nhất, theo đó nó chỉ can hệ đến mục vụ évangélisation [tôi, G. Berceville muốn nhận mạnh từ này] trong một số nước”. Mà nay, nếu khai triển một khoa thần học toàn thể, đi từ nguồn mạch Ba Ngôi cho đến những hoạt động mục vụ cụ thể của Giáo Hội, thì ta sẽ đi sâu hơn vào sự kiện này: chủ đích của missio, cũng như chủ đích của các ân huệ Thiên Chúa, là “chúng ta được hợp nhất bằng sự hiệp nhất, vốn là nguyên mẫu hằng hữu (forme unique) nơi Cha và Con” (thánh Tôma Aquinô chú giải câu Ga 17,22: “Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”)[5]. Như thế, thực tại mission vận dụng tất cả các hoạt động của Giáo Hội trong mọi xứ sở và trong mọi lãnh vực”.[6]

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bài viết năm 1967 của A.-M. Henry -chuyên gia về thần học truyền giáo- từ évangélisation chỉ việc loan báo đầu tiên đức tin và việc Giáo Hội được gầy dựng lần đầu tại một địa hạt nhất định. Nó tương ứng với nghĩa chặt của từ mission mà Vaticanô II đưa ra.[7] Thế mà, chúng ta thấy rằng trong thập niên sau Công đồng cũng là thập niên dẫn vào Thượng Hội Đồng 1974, thì từ ngữ và khái niệm évangélisation, với nghĩa chính xác lúc đầu là missio ad gentes (và rộng hơn một chút ad infideles, cho những người không tin, kể cả những vùng đất Kitô giới xưa cũ), rốt cuộc sẽ bao trùm lên toàn thể sứ mạng (mission) của Giáo Hội, là sứ mạng từ nay được hiểu -theo nghĩa rất rộng- như sự thông truyền ân sủng Thiên Chúa cho thế giới, nơi Đức Giêsu Kitô, trong suốt dòng lịch sử. Sự tương đương giữa từ évangélisation và từ mission có thể được biện luận, xét về mặt thần học, dựa trên vị trí hàng đầu của Lời Chúa trong công trình cứu độ. 1) Suốt cuộc sống của mình, Giáo Hội là nhà thừa sai (missionnaire), phục vụ cho sự sống thần linh, được ban tặng cho thế gian nơi Đức Giêsu Kitô, 2) và sứ mạng này (mission) chủ yếu là loan báo Lời đem lại sự sống của Thiên Chúa.

Hai nghĩa của khái niệm mission tại Công đồng Vaticanô II

 Nghĩa chặt  Nghĩa rộng
Việc sai các nhà truyền giáo Công giáo tới những người không Kitô (= “évangélisation”)

Bài sai cho các nước Kitô giáo

Nơi đến: “những vùng đất truyền giáo”

Mục tiêu: gầy dựng các hệ thống cơ cấu

Thông truyền cho thế giới sự sống Ba Ngôi, nơi Đức Giêsu Kitô. Giáo Hội là bí tích của sự thông truyền đó.

Việc Ngôi Lời được sai phái (missio)

Nơi đến: thế giới

 

Mục tiêu không bao giờ kết thúc: Phục vụ Lời

Sự tiến triển của khái niệm évangélisation từ Vaticanô II cho đến Thượng Hội Đồng 1974:

 Từ nghĩa chặt…  … sang nghĩa rộng
Việc sai các nhà truyền giáo Công giáo tới những người không Kitô

(= nghĩa hẹp của từ mission)

 

Thông truyền cho thế giới sự sống Ba Ngôi, bằng việc loan báo Đức Giêsu Kitô (= toàn thể đời sống Giáo Hội, đặt lại vào tâm là Lời Chúa)

Năm 1967, A.-M. Henry đã cảnh báo rằng khái niệm mission hiện nay chủ yếu phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn ở 3 mảng. Tôi gọi 3 mảng “vượt lên trên” này thuộc lãnh vực địa lý, luân lý và nhận thức.

– Vượt lên trên sự đối nghịch địa lý giữa vùng đất Kitô giới và vùng đất truyền giáo, nhờ ý tưởng về mối tương quan giữa Giáo Hội với thế giới ở khắp mọi nơi. “Giáo Hội đã ý thức rằng mình không hề đồng nhất hóa với thế giới, dù thế giới đã là Kitô giáo từ lâu. Thế giới không chỉ bao quanh Giáo Hội, như thể Giáo Hội là một thế giới bên cạnh một thế giới khác; thế giới lan rộng khắp mọi nơi. Cũng thế, nếu quả là đúng như chúng ta nghĩ: ân sủng hoạt động cách vô hình” “trong tâm hồn mọi con người thiện chí, thì Giáo Hội lan rộng khắp nơi, ngay cả khi Giáo Hội không xuất hiện khắp nơi”.[8]

– Vượt lên trên sự đối nghịch luân lý giữa người Kitô hữu và những người không Kitô. ‘Mission xưa kia dễ dàng xem thế giới của những người không được rửa tội như là không trong sạch, hư hỏng, phải sa hỏa ngục”. Mission luôn can hệ đến những người khác. Mà nay, lời kêu gọi hoán cải can hệ đến mọi người. Và ân sủng hoạt động trong tâm hồn mọi người.

– Vượt lên trên sự đối nghịch nhận thức giữa người nhận biết đức tin và người không nhận biết đức tin, và như thế là vượt lên trên cái “nhiệt tâm chiêu mộ” (prosélytisme), được hiểu -theo nghĩa xấu- như tương quan một chiều giữa người loan báo đức tin với kẻ được người đó loan báo: “tương ứng với những kế hoạch và trong các mức độ khác nhau, tương ứng với thực tại của mỗi người mà chỉ có Chúa mới có quyền phán xét, thì nay nhà thừa sai và thính giả của mình làm phong phú cho nhau, về mặt nhân loại lẫn thần linh”.[9]

Ba mảng ‘vượt lên trên’ này được cha Henry trình bày nằm trong chiều hướng của một sự hỗ tương cần phải xét đến và phải tiến hành trong hoạt động của Giáo Hội và của các thành phần Giáo Hội. “Giáo Hội trở thành đối thoại”, theo cách nói của Đức Phaolô VI, trong Thông điệp Ecclesiam suam, ngày 06/08/1964.[10] Hỗ tương giữa các quốc gia và các nền văn hóa, hỗ tương giữa Giáo Hội với các thành phần của mình, hỗ tương giữa niềm tin Kitô giáo với các tôn giáo và các nền văn hóa không Kitô. Đối thoại như thế là đón tiếp ân sủng thông hiệp, nơi sự duy nhất của nhân loại được kiện toàn. Cuộc đối thoại đó là “Phúc Âm tiếp diễn”, qua cách nói -lấy lại từ Charles Journet, là nhà thần học đã gợi hứng rất nhiều cho Đức Phaolô VI- được ông dùng để chỉ Giáo Hội.[11]

II. NGUỒN GỐC CỦA KHÁI NIỆM “PHÚC ÂM HÓA” HIỆN NAY,
TRONG KINH THÁNH VÀ TRONG TRUYỀN THỐNG

1. Quá trình diễn tiến của từ ngữ và của khái niệm evangelizatio tính cho đến Vaticanô II

Hạn từ évangélisation –rất có ý nghĩa trong thần học mục vụ thời đương đại- chỉ mới xuất hiện tương đối gần đây. Dường như việc phổ biến hạn từ này bắt nguồn từ các Giáo Hội Cải cách”, P.-A. Liégé viết trong một bài báo năm 1956.[12] Thực ra, từ La-tinh evangelizatio không phải có mới đây, nhưng đã được thi thoảng sử dụng trước thế kỷ XX. Nó thuộc về, chí ít từ thời Trung cổ, ngôn ngữ La-tinh Kitô giáo. Gốc của hạn từ là tiếng Hy-lạp: nó đến từ động từ evangelizô, nghĩa là loan báo tin vui (thể chủ động: Kh 10,7 và 14,6; thể thụ động: Mt 11,5; Luc 16,16; Gal 1,11; Dt 4,2; 1Pr 1,25 và 4,6; thể trung tính: Lc 1,9 ; 2,10; 3,18; Cv 8,4; Rm 1,15; 1Cr 1,17; Gal 1,18, vv.). Việc chuyển thể từ động từ này sang danh từ (evangelizare evangelizatio) chỉ có trong tiếng La-tinh. Có thể gặp thấy một tiến trình tương tự với động từ adnuntio, tạo ra danh từ adnunciatio, cũng là từ ngữ thuộc về từ vựng Kitô giáo (“annonciation”). Hơn nữa, cũng có thể có ảnh hưởng của từ này trên từ kia: “annonciation” và “évangélisation”? Hai hạn từ này dù sao đi nữa cũng thuộc về cùng một phạm vi ngữ nghĩa, và cùng một corpus (ngữ liệu) các đoạn Kinh thánh về Đấng Thiên sai.

Từ evangelizatio đã được sử dụng trong bản dịch La-tinh Opus imperfectum của Pseudo-Chrysostome (PG 56,678), ở bài chú giải Mt 4,23 (et praedicans evangelium regni), theo nghĩa sự rao giảng của Đức Giêsu về phúc lộc Nước Trời (ngược lại với lời loan báo những đe dọa). Cũng có thể tìm thấy, trong một bài chú giải sách Khải huyền (Kh 10,7) -được gán cho thánh Tôma Aquinô (“comsummabitur mysterium Dieu, sicut evangelizavit per servos suos prophetas”)- hai định nghĩa của hạn từ evangelizatio: theo nghĩa chặt, nó chỉ được áp dụng cho sự rao giảng của Đức Kitô; theo nghĩa rộng hơn (“bona annuntiatio”), được áp dụng cho sự rao giảng của các ngôn sứ và các Tông đồ.

Trong tiếng Pháp, E. Littré -trong ấn bản Từ điển của ông năm 1874- đã đưa ra định nghĩa sau đây về hạn từ “évangélisation”: “việc rao giảng Tin mừng, những hiệu quả của Tin mừng”. Như thế, từ évangélisation có nghĩa là sự loan báo một niềm hạnh phúc, và cùng lúc có nghĩa là sự thông truyền hạnh phúc được loan báo đó. Nó nhắc cho người đọc Kinh Thánh về một thể bộ các bản văn Cựu Ước và Tân Ước“ với nội dung thiên sai. Xét cách trung lập hơn, trong các ngôn ngữ bản địa (từ những bối cảnh Cải cách và Anh giáo?), nó có nghĩa là sự loan báo đạo lý Kitô giáo và việc thực thi đạo lý đó tại một nơi chốn xác định. Dù thế nào đi nữa, người ta vẫn giữ lại được sự liên hợp mà nó tạo ra giữa nội dung, lời loan báo với việc thực hiện sứ điệp đó, “Phúc Âm hành động”,[13] theo lối nói của Philiphê 4,15, trong đó “Phúc Âm” bao trùm tất cả sứ mạng của Phaolô: “trong giai đoạn tôi bắt đầu rao giảng Phúc Âm (Tin mừng), lúc rời khỏi Makêđônia”, Phaolô viết. Như thế, để tìm hiểu nội dung của khái niệm évangélisation, ta cần khảo sát khái niệm “Phúc Âm” (Évangile = Tin mừng) trong Kinh Thánh.

2. Khái niệm Phúc Âm trong Kinh Thánh

Euaggelion: từ và gốc từ này ít xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước Hy-lạp. Tuy nhiên, từ ngữ này lại được sử dụng trong hai loạt lời tiên tri về Đấng Thiên sai trong sách Isaia (Is 52,7 và Is 61,1). Các tác giả Tân Ước đã mô phỏng hai bản văn tiên tri này khi các ngài sử dụng từ Euaggelion theo ý nghĩa và sức mạnh, phát sinh từ sự xuất hiện của Đức Kitô: “Phúc Âm (Tin Mừng)[14] mà Thiên Chúa loan báo cho thế gian khi sai Đức Giêsu Kitô đến để thiết lập Vương quốc của Người”. Như thế, Phúc Âm –trong Tân Ước- là “Phúc Âm của Thiên Chúa” (Mc 1,14 ; Rm 1,1 và 15,16; 2Cr 11,17), là “Phúc Âm của Đức Giêsu Kitô” (Mc 1,1 ; Rm 15,19) và là “Phúc Âm Nước Trời” (lối nói của riêng Matthêu: x. Mt 4,23; 9,35 và 24,14).

Giống như các từ ngữ khác chỉ một thông điệp (cáo thị, thông báo, thông tin…), thì từ Phúc Âm liên quan đến việc loan báo lẫn nội dung loan báo. Hai ý này có một tầm mức rất đặc biệt ở đây. Cách mà sứ điệp Phúc Âm được loan truyền thuộc về bản chất của sự đón nhận. Việc đọc thư Rôma giúp ta thấy rằng “Phúc Âm của Thiên Chúa” được khai triển và chỉ có thể hiểu được qua lịch sử của việc Phúc Âm được loan báo và đón nhận: ban đầu được loan báo và đón nhận tại Israel, rồi từ Israel đến các dân tộc, thì niềm hy vọng vào phúc cứu độ vẫn hằng dành cho Israel. Cách hành xử của Thiên Chúa -đối với Israel và các dân tộc- tỏ bày cách rõ nét nhất tình yêu xót thương của Người đối với mọi con người (Rm 11,30-32).

Sự loan truyền Phúc Âm từ Israel sang các dân tộc -qua đó mặc khải những chiều sâu không thể dò thấu của lòng Thiên Chúa xót thương- là công trình mà Đức Kitô thực hiện thông qua các Tông đồ. “Nhiệm vụ của Thánh Tông đồ (tức Phaolô) là quy tụ cộng đoàn được cứu độ, gồm những người Do-thái và dân ngoại, hầu biến nó thành nơi mà Phúc Âm hiện diện trong lịch sử”. Kinh nghiệm của Thánh Tông đồ là một sự minh họa rất dễ hiểu về những đường lối của Thiên Chúa: ngài, “thuộc dòng dõi Abraham, thuộc chi tộc Bengiamin” (Rm 11,1)- là khí cụ được dùng để đến với dân ngoại hầu họ vâng phục Thiên Chúa (Rm 1,5 và 16,26). Không hơn Israel, việc Phaolô được tuyển chọn chỉ là yếu tố hạng hai của Phúc Âm. Trong chính vận mệnh của Thánh Tông đồ mà ơn gọi của Israel được hoàn tất, là bằng chứng tối hậu mà Thiên Chúa -qua Đức Kitô- đã tỏ bày lòng thương xót của Người, nằm ở trung tâm của “mặc khải về mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ” (Rm 16,25). Thánh Tông đồ “không chỉ là người mang Phúc Âm, là sứ giả Phúc Âm, mà còn là điển hình cho Phúc Âm, là sự nhân cách hóa của Phúc Âm. Trọn cả con người và cách sống của thánh nhân cho thấy ấn tích của Phúc Âm; Phúc Âm mà việc Đức Kitô chịu đóng đinh làm nên cốt lõi và nội dung”.[15] Việc nhắc đến thư Do-thái dẫn chúng ta đến ý nghĩa rõ ràng đầu tiên của khái niệm Phúc Âm. Ý nghĩa này liên quan đến thực tại Giêsu Kitô, đến những gì Người đã làm, đã nói, và nó đòi hỏi một năng hướng bên trong của đức tin, nhờ đó mà ơn cứu độ được thực thi và Triều đại Thiên Chúa trị đến. Sự loan báo này -hướng về Đức Kitô và sự công chính hóa bởi đức tin nơi Người- được triển khai và được hiểu ngang qua một lịch sử (như Tin Mừng của Thiên Chúa ngỏ với Israel), hoàn toàn được tỏ bày nơi sự xuất hiện của Đức Kitô Giêsu, được thông truyền cho các dân tộc, nhờ tác vụ của các Tông đồ, mà chính bản thân các ngài là sự nhân cách hóa Phúc Âm”.

3. Phúc Âm và Phúc-âm-hóa

Cuối cùng, chúng ta thấy là khái niệm “Phúc-âm-hóa” (évangélisation) là nhằm tỏ cho thấy tính năng động, lịch sử, cụ thể của Phúc Âm nơi các văn phẩm Tông đồ: “Phúc Âm hành động” (P.-A. Liégé), “Phúc Âm tiếp diễn” (Ch. Journet). Có sự bất khả tách biệt giữa nội dung của sứ điệp Phúc Âm với sứ giả Phúc Âm, giữa những con đường loan truyền Phúc Âm với hoa trái của Phúc Âm. Khái niệm Phúc-âm-hóa muốn diễn tả sự nhập thể của Lời -lúc khởi đầu của Giáo Hội- nơi sự xuất hiện, nơi cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, và trong suốt cuộc hành trình trong đức tin của nó. Việc nhập thể của Lời hoàn tất ơn gọi của con người. Vào thế kỷ XIII, do muốn chứng minh rằng Mặc khải, “học thuyết thánh” đưa bản tính con người và toàn thể thụ tạo đến mực kiện toàn, thánh Tôma Aquinô -khi chú giải thư Rôma 1,1- đã định nghĩa Phúc Âm là lời loan báo ba giao ước của Thiên Chúa với con người (conjunctio hominis ad Deum): giao ước Nhập thể cứu chuộc, giao ước quà tặng ân sủng, giao ước lời hứa ban sự sống đời đời.

Suy tư mọi mission của Giáo Hội, xét như việc évangélisation [như Đức Phaolô VI đề nghị thực hiện, dưới ánh sáng của Công đồng] đã đạt đến một tầm mức thiêng liêng, tầm mức Giáo Hội học, và còn rộng lớn hơn: tầm mức vũ trụ luận. Điều đó muốn nhấn mạnh rằng -ngang qua mission này- phải không ngừng làm mới lại -đối với mỗi Kitô hữu, mỗi cộng đoàn và với toàn Giáo Hội- mối liên kết giữa:

– Sự thánh thiện và sứ mạng (mỗi thành phần Dân Thiên Chúa được kêu gọi [cách toàn thể và cách cùng nhau] tham gia vào sứ mạng và sự thánh thiện).

– Đức tin Kitô giáo và các nền văn hóa nhân loại (vào thời mà sự tan rã của Kitô giới [chrétienté] đã làm cho mối liên kết này trở nên căng thẳng)

– Thế giới thụ tạo và sự siêu việt của Thiên Chúa (vào thời mà cảm thức tôn giáo trở nên xấu di, do sự vươn lên của các kỹ thuật. x. Gaudium et spes 36).

Như thế, khái niệm Phúc-âm-hóa (évangélisation) -tính cho đến những năm diễn ra Công đồng- thay vì chỉ sự loan báo đức tin đầu tiên[16] đã mở rộng ra đến mức bao trùm toàn bộ cuộc sống và hết thảy mission của Giáo Hội. Tuy nhiên, sự tiến triển ngữ nghĩa này không đánh mất đi sự thích đáng trong việc nêu rõ công cuộc Phúc-âm-hóa (évangélisation) như là việc rao giảng kerygma, vốn thông dụng trước Công đồng: vì kerygma không chỉ là bước thứ nhất, xét theo thứ tự niên đại, nhưng còn ở hàng đầu cách cốt yếu. Nơi kerygma, Giáo Hội vừa cử hành cuộc Vượt qua của Chúa, vừa không ngừng múc lấy nguồn lực cho mình.

III. PHÚC ÂM HÓA TRONG CÁC VĂN KIỆN
CỦA HUẤN QUYỀN THỜI HẬU CÔNG ĐỒNG

1. Evangelii nuntiandi (Rao Truyền Phúc Âm, 1975). Ngày nay, Giáo Hội được mời gọi suy tư –dựa trên khái niệm Phúc-âm-hóa– về mọi hoạt động của mình.

Thượng Hội Đồng Các Giám Mục lần IV, năm 1974, được dành để bàn về đề tài Phúc-âm-hóa. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã thấy khó mà đưa ra một tổng đề, nên rốt cuộc đã trao phó công việc này cho Đức Thánh Cha. Đức Phaolô VI đã ban hành Tông huấn của ngài vào ngày 08/12/1975: thời điểm kết thúc Năm thánh, năm toàn xá kỷ niệm phúc Cứu độ, kỷ niệm 10 năm bế mạc Công đồng Vaticanô II. Sự trùng hợp của hai biến cố với ngày được chọn để ký Tông huấn cho thấy nội dung Tông huấn có tầm quan trọng đặc biệt: khi đề cập đến công cuộc Phúc-âm-hóa, Đức Thánh Cha không bàn đến một vấn đề nào đó, nhưng là mời gọi khám phá lại linh hồn và mục tiêu của mọi việc tông đồ cũng như của toàn bộ đời sống Giáo Hội, bằng cách tìm về cội nguồn của ơn cứu độ và của sứ mạng, và bằng cách thực hiện một bản tổng kết về công cuộc đổi mới của Công đồng Vaticanô II.

Việc tiến hành những vấn đề đặt ra về công cuộc Phúc-âm-hóa -trải rộng đến mọi hoạt động của Giáo Hội- đáp ứng ý thức về sự cần thiết phải tìm ra những lối đi mới để có thể rao truyền Lời Chúa -cách dễ hiểu và có sức thuyết phục- cho thế giới hôm nay.[17]

Đức Phaolô VI đề nghị phải trước hết định nghĩa việc Phúc-âm-hóa, dựa trên Thánh Kinh (1/ Từ Đức Kitô, nhà rao truyền Phúc Âm sang một Giáo Hội rao truyền Phúc Âm), rồi sau đó nghiên cứu những cách thức cụ thể mà công cuộc Phúc-âm-hóa ngày nay phải thành hình (2/ Thế nào là nhà rao truyền Phúc Âm?; 3/ Nội dung của việc Phúc-âm-hóa; 4/ Những con đường Phúc-âm-hóa; 5/ Các đối tượng được Phúc-âm-hóa; 6/ Những tay thợ trong công cuộc Phúc-âm-hóa; 7/ Tinh thần Phúc-âm-hóa).

a. Suy tư việc Phúc-âm-hóa, dựa trên các sách Phúc Âm

Đức Kitô, nhà rao truyền Phúc Âm

Điểm xuất phát của phần nói về công cuộc Phúc-âm-hóa là đoạn Lc 4,43 (EN 6): “Đức Giêsu nói với họ: ‘Ta còn phải loan báo Phúc Âm Nước Thiên Chúa (euaggelisasthai […] ten basileian tou theou) cho các thành khác nữa, vì Ta được sai đi cốt để làm việc đó”. Việc rao truyền Phúc Âm Nước Thiên Chúa là mục tiêu sứ mạng của Đức Giêsu. Mọi khía cạnh của Mầu nhiệm Đức Kitô đều là những yếu tố của hoạt động rao truyền Phúc Âm. Đức Giêsu, Phúc Âm của Thiên Chúa (Mc 1,1 và Rm 1,1), là nhà rao truyền Phúc Âm đầu tiên và vĩ đại nhất. Người thực hiện sứ mạng này tới mức kiện toàn qua hiến lễ đời mình.

Công cuộc Phúc-âm-hóa là việc loan báo Nước Thiên Chúa. Trong lời rao giảng của Đức Giêsu, mọi sự đều liên quan đến Nước Thiên Chúa (“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, Mt 6,33). Có thể xây dựng dàn bài của Tin mừng Matthêu từ chủ đề Nước Thiên Chúa, là chủ đề được khai triển trong 5 diễn từ lớn trải dọc suốt Tông huấn (EN 8):

  • Hạnh phúc được thuộc về Nước Thiên Chúa, một hạnh phúc nghịch thường làm bằng những gì thế gian chê bỏ.
  • Những đòi hỏi và hiến chương của Nước Thiên Chúa (5-7)
  • Những sứ giả Nước Thiên Chúa (10)
  • Những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (13)
  • Những con cái của Nước Thiên Chúa (Mt 18: nên như trẻ nhỏ, sửa lỗi, tha thứ)
  • Sự chờ đợi Nước Thiên Chúa: tỉnh thức và trung tín, là những điều cần phải có (24-25)

Trung tâm của Tin Mừng Nước Thiên Chúa là việc loan báo ơn cứu độ (EN 9). Đó là Tin Mừng về việc được giải thoát khỏi sự dữ và tội lỗi nhờ nhận biết Thiên Chúa và tình yêu mà Người dành cho con người. Sự giải thoát này là một tiến trình, “một ân sủng phải chinh phục”, nghĩa là được ban nhờ sự thay đổi hoàn toàn tự bên trong, sự biến đổi cách sâu xa cái nhìn và con tim: metanoia [18] (Mt 4,17: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”).

Đức Kitô là mẫu mực cho mọi công cuộc Phúc-âm-hóa. Người rao giảng không mệt mỏi, không ai sánh bằng (Lc 4,22; Ga 7,46; Lc 4,43). Việc rao giảng của Người tỏ lộ bí mật của Thiên Chúa và làm biến đổi lòng dạ con người. Nó đi kèm với các dấu chỉ làm người ta kinh ngạc và lôi kéo họ. Dấu chỉ lớn nhất là sự quy tụ những người nghèo khó, nhờ cuộc Vượt qua của Đức Giêsu (EN 10-12).

Giáo Hội được Phúc-âm-hóa và trở thành người rao truyền Phúc Âm

Đời sống sâu xa của Giáo Hội cốt ở việc quy tụ nhân danh Đức Giêsu (Huy hiệu của Đức Phaolô VI là In nomine Domini – Nhân Danh Thiên Chúa) nhằm tìm kiếm Nước Thiên Chúa, xây dựng Nước Thiên Chúa, sống Nước Thiên Chúa và Phúc-âm-hóa thế giới. Giáo Hội hiện hữu là để Phúc-âm-hóa. Tự thân, Giáo Hội tiên vàn là hoa trái của công cuộc Phúc-âm-hóa. Giáo Hội là một dấu chỉ -vừa mờ vừa sáng tỏ- của sự hiện diện mới của Đức Giêsu; Giáo Hội nối dài sứ mạng và cương vị “nhà rao truyền Phúc Âm” của Người. Đời sống nội tâm của Giáo Hội[19] chỉ đầy đủ ý nghĩa khi Giáo Hội làm chứng. Giáo Hội phải bắt đầu bằng việc tự Phúc-âm-hóa chính mình. Là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội luôn chìm ngập trong thế gian và thường bị các ngẫu tượng cám dỗ. Giáo Hội phải là kẻ đầu tiên trở lại và đổi mới liên tục để trở nên đáng tin. Giáo Hội được trao phó nhiệm vụ gìn giữ Tin Mừng; Tin Mừng được ký thác cho Giáo Hội, không phải để giấu kín nhưng để loan truyền. Chính Giáo Hội lại sai phái những nhà rao truyền Phúc Âm:

“Giáo Hội đặt nơi miệng họ Lời cứu độ, diễn giải cho họ sứ điệp được ủy thác cho chính Giáo Hội, ban cho họ bài sai mà Giáo Hội đã lãnh nhận và sai họ đi rao giảng. Không phải rao giảng con người hay tư tưởng của cá nhân họ, nhưng rao giảng Phúc Âm mà cả họ lẫn Giáo Hội không phải là chủ hay sở hữu chủ tuyệt đối, có thể tùy tiện sử dụng, nhưng chỉ là những thừa tác viên đảm trách việc truyền đạt Phúc Âm một cách hết sức trung thành” (EN 15).

Những dòng trên đây phải chăng là hiến chương cho việc đào tạo các thừa tác vụ?

Khai triển một khoa thần học về Phúc-âm-hóa sẽ giúp ta hiểu được mối liên hệ sâu xa giữa Đức Kitô và Giáo Hội (EN 16). Giáo Hội ở bên trong mầu nhiệm Đức Kitô. Tách Giáo Hội khỏi Đức Kitô là lối lưỡng phân (dichotomie) phi lý. “Ai khước từ anh em là khước từ Thầy”, Đức Giêsu nói (Lc 10,16). Đức Kitô đã yêu mến Giáo Hội, Người đã phó mình cho Giáo Hội (Eph 5,25).

b. Phúc-âm-hóa trong thế giới ngày nay

Chúng ta thấy khái niệm Phúc-âm-hóa đã mở rộng ra thế nào sau thời Công đồng. Hẳn là không thể giản lược sự mở rộng này như một biện pháp thích ứng theo lối chủ nghĩa cơ hội. Người ta đã không thay đổi nghĩa của một từ để tìm ra một lãnh vực kinh doanh (ít cạnh tranh nhất) tạo thuận lợi cho việc bành trướng một xí nghiệp, như thể đó là một hoạt động thông tin và “tiếp thị”. Suy tư về việc Phúc-âm-hóa trong tất cả những gì là phức tạp của nó nhằm tìm ra ý nghĩa trọn vẹn của mầu nhiệm Giáo Hội, đồng thời kế thừa những suy tư của Công đồng Vaticanô II.

Có thể nhận thấy- trong văn kiện của Đức Phaolô VI- một cao vọng và một sự lạc quan khiến người đọc rất ấn tượng. Điều đó làm cho chúng ta ngày hôm nay ngạc nhiên nhiều hơn là vào cuối thế XX, trong mức độ mà (ngày nay) chúng ta lượng định được tình trạng bấp bênh và những yếu kém của các cơ chế, của các cộng đoàn, của những người có trách nhiệm và các thành viên của chúng, đứng trước một thế giới xa lạ với đức tin; một thế giới toàn cầu hóa, và các phương tiện truyền thông và chuyển hóa ngày càng đầy uy lực. Mà Phúc-âm-hóa không chỉ là làm luân chuyển một đạo lý, khai triển các mạng lưới xã hội, nhưng còn làm biến đổi -một cách triệt để và từ bên trong- những con người và những nền văn hóa nhân loại. Đó chính là những gì mà Giáo Hội được kêu gọi thực hiện (EN 17-20).

Đức Phaolô VI mô tả tiến trình Phúc-âm-hóa qua 4 giai đoạn (EN 21-24): 1/ đời sống chứng tá (“khả năng cảm thông và đón nhận, thái độ chia sẻ cuộc đời và vận mệnh với người khác, tình liên đới trong các nỗ lực chung nhằm tất cả những gì cao thượng và tốt lành”); 2/ sự loan báo Đức Kitô cách rõ ràng; 3/ sự gắn bó cốt tử -ở tầm mức cá nhân lẫn cộng đoàn- với những người được Phúc-âm-hóa; 4/ Kẻ đã được Phúc-âm-hóa, đến lượt mình lại ra sức Phúc-âm-hóa. Và như thế, người ta thấy rằng sứ điệp liên lỉ của Phúc Âm (làm chứng về tình yêu của Chúa Cha, ơn cứu độ trong Đức Kitô, niềm hy vọng về thế giới bên kia lịch sử) phải được loan truyền cách thế nào đó để tương quan của nó với các hoàn cảnh cụ thể, cá nhân cũng như xã hội, đều được coi trọng: các quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người, đời sống xã hội và quốc tế. Việc Phúc-âm-hóa bao gồm “một sứ điệp đặc biệt mạnh mẽ trong thời đại chúng ta về vấn đề giải phóng” (EN 29). Giải phóng những ai đang bị buộc “phải ở bên lề cuộc sống” (EN 30). Đức Phaolô VI nới rộng ra đến nhiệm vụ -khẩn cấp và tinh tế- đưa các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa vào trong hoạt động Phúc-âm-hóa: “Không chấp nhận giới hạn sứ mạng của mình vào nguyên phạm vi tôn giáo mà không quan tâm gì đến những vấn đề trần thế của con người, Giáo Hội vẫn xác định lại rằng sứ mạng thiêng liêng là trước hết đối với mình. Giáo Hội từ chối thay thế việc loan báo Nước Thiên Chúa bằng việc công bố những cuộc giải phóng của con người” (EN 34). Sự đóng góp đặc biệt của Giáo Hội vào mọi nỗ lực giải phóng bao gồm một lời mời gọi hoán cải lòng dạ và “loại trừ bạo lực” (EN 36-38). Giáo Hội cũng cần nhắc lại rằng sự tự do tôn giáo là một trong những quyền căn bản của con người (EN 39).

Chính từ khoa thần học tổng quát về Phúc-âm-hóa này, và từ những suy tư về các điều kiện của việc loan báo Nước Thiên Chúa trong thế giới ngày nay, mà Đức Phaolô VI đã đề cập đến vấn đề các phương kế Phúc-âm-hóa và các hình thức khác nhau của nó. Dẫu biết rằng “biết bao ngôn từ trống rỗng khiến cho thiên hạ mệt mỏi và mặc dù có rất nhiều hình thức truyền thông khác hợp với hiện thời hơn” (42), Đức Thánh Cha vẫn mời gọi đừng đánh mất niềm tin vào hiệu lực vẫn còn mãi của lời nói, được lồng vào trong khung cảnh đổi mới của Phụng vụ và các bí tích, của việc dạy giáo lý, qua việc sử dụng các phương tiện “mass media” tân tiến, nhưng không quên việc tiếp xúc không thể thiếu với các cá nhân và các sứ mạnh luôn có sẵn của “lòng đạo bình dân” (piété populaire). Ngay sau đó, Đức Thánh Cha nói đến sự đa dạng của các đối tượng của công cuộc Phúc-âm-hóa: những vùng không Kitô, những vùng đã đánh mất tinh thần Kitô, các tín hữu, những người không tin, những người không giữ đạo (EN 49-56). Đức Phaolô VI đã lặp lại bận tâm đặc biệt của Thượng Hội Đồng: làm phát triển các “cộng đồng cơ bản”. Các cộng đồng này giúp ích nhiều trong việc khiến các cộng đồng Giáo Hội rộng lớn hơn có được mối tương quan cá vị giữa các thành phần, một sự giúp đỡ huynh đệ thực thụ, những dấn thân cụ thể dưới ánh sáng đức tin. Đức Phaolô VI đưa ra những điều kiện, trong đó những cộng đồng cơ bản sẽ được Phúc-âm-hóa và sẽ trở nên những nhà loan truyền Phúc Âm (EN 58). Tông huấn của Đức Phaolô VI –sau khi phác họa những gì mà ta có thể gọi là một khoa Giáo Hội học về công cuộc Phúc-âm-hóa (EN 59-73: Giáo Hội đáp lại thế nào trước sứ mạng Phúc-âm-hóa, trong tính Công giáo và tính đa dạng của các đặc sủng của mình)– đã tóm kết linh đạo Phúc-âm-hóa bằng một số nét đặc trưng mà chúng ta sẽ quay trở lại trong phần kết luận (EN 74-80).

3. Khái niệm “Tân Phúc-âm-hóa” trong giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI[20]

Khái niệm “Tân Phúc-âm-hóa” xuất hiện trong giáo huấn của Đức Gioan-Phaolô II. Khái niệm này trở thành “từ chủ đạo” trong nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài. Đức Gioan-Phaolô II sử dụng hạn từ này lần đầu, như thể tình cờ, trong chuyến tông du Ba lan, năm 1979, sau gần một năm được bầu làm giáo hoàng:

“Khi Thánh giá được dựng lên ở bất cứ nơi đâu, thì đó là dấu chỉ cho thấy công cuộc Phúc-âm-hóa đã được khởi sự ở đó” […] Một cây Thánh giá gỗ mới đã được dựng lên không xa nơi đây trong suốt thời gian kỷ niệm ngàn năm (Phúc-âm-hoá đất nước Ba Lan) này. Cây Thánh giá đó như một dấu chỉ nhắc nhở chúng ta rằng –trước ngưỡng cửa của một thiên niên kỷ mới, một kỷ nguyên mới, với những điều kiện sống mới– Tin mừng phải được loan báo một cách mới. Công cuộc Tân Phúc-âm-hóa đã được khởi sự, như thể một sứ điệp thứ hai, nhưng vẫn luôn là cùng một sứ điệp”.

Chúng ta thấy trong đoạn văn này, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II không khẳng định là công cuộc Phúc-âm-hóa từ nay sẽ thay đổi bản chất: cách sâu xa, nó vẫn luôn cùng là một sự loan truyền đó. Thế nhưng các phương thế, các con đường Phúc-âm-hóa phải được suy tư lại ở mỗi thời đại trong một bối cảnh đặc thù, và bối cảnh của ngày hôm nay là “ngưỡng của của một thiên niên kỷ mới”. Đó không chỉ là phần đi trước của thời gian, nhưng là một sự thay đổi thế giới và văn hóa cách sâu xa. Như thế, công cuộc “Tân Phúc-âm-hóa” không phải là một thực tại khác với công cuộc Phúc-âm-hóa mà các phương diện chính yếu đã được Đức Phaolô VI nêu ra, nhưng cũng chính là công cuộc Phúc-âm-hóa đó, với tính cách là một hoạt động được suy tư lại và được thích nghi cách cụ thể với những bối cảnh văn hóa và xã hội luôn thay đổi, và biến đổi cách triệt để, vào chính thời đại của chúng ta.

Đức Gioan-Phaolô II đã lấy lại cách nói “công cuộc Tân Phúc-âm-hóa” bốn năm sau đó, khi ngỏ lời với các giám mục Châu Mỹ La-tinh, đang phải đối diện với những thách đố đến từ sự thoái trào của đạo Công giáo trước những tranh cãi chính trị và những phong trào tôn giáo mới, đang phát triển bên ngoài Giáo Hội, thậm chí chống lại Giáo Hội.

“Việc tưởng niệm nửa thiên niên kỷ Phúc-âm-hóa này sẽ có ý nghĩa đầy đủ nếu, trong tư cách giám mục -cùng với các linh mục và giáo dân của chư huynh- chư huynh dám chấp nhận dấn thân, một cuộc dấn thân không phải để tái Phúc-âm-hóa mà đúng hơn để Tân Phúc-âm-hóa; mới (tân) trong nhiệt tình, mới trong phương pháp và mới trong cách trình bày”.[21]

Đó không phải là “tái Phúc-âm-hóa”. Bản phúc trình chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục 2012 giải thích lối nói này như sau:

“Tân Phúc-âm-hóa không phải là vấn đề làm lại một điều gì đó trước đây làm chưa tới hay chưa đạt được mục tiêu của nó, như thể hoạt động mới này là một kết án mặc nhiên đối với sự thất bại của cuộc Phúc-âm-hóa đầu tiên. Tân Phúc-âm-hóa cũng không phải là việc lặp lại cuộc Phúc-âm-hóa đầu tiên kia hay đơn thuần nhắc lại quá khứ. Đúng hơn, nó là lòng can đảm mở ra những con đường mới, đương đầu với các hoàn cảnh và điều kiện mới mà trong đó, Giáo Hội được mời gọi thực thi việc loan truyền Phúc Âm”.[22]

Như vậy, công cuộc Tân Phúc-âm-hóa không phải là một sự thay đổi bản tính sâu xa của việc Phúc-âm-hóa, trái lại cũng chẳng phải là thích ứng cách giả tạo, nhưng là sự đổi mới một hoạt động dài lâu và mang tính cấu tố của Giáo Hội, do đòi hỏi phát xuất từ sự thay đổi của hệ hình văn hóa (paradygme culturel). Trong trường hợp này cũng như trong các trường hợp khác, cần phải thay đổi để được luôn trung thành.

Đức Gioan-Phaolô II sẽ mở rộng lời kêu gọi này ra thành một công cuộc Tân Phúc-âm-hóa khi ngỏ lời với toàn thể Giáo Hội, trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân), năm 1988. Công cuộc Tân Phúc-âm-hóa này khơi động những mối tương quan trong các Giáo Hội địa phương:

“Giáo Hội hôm nay phải thực hiện một bước đi dài trong việc loan truyền Phúc Âm, phải bước vào một giai đoạn lịch sử mới của động năng truyền giáo nơi mình. Trong một thế giới không còn khoảng cách và ngày càng trở nên nhỏ bé, các cộng đồng Giáo Hội càng phải hợp nhất với nhau, trao đổi cho nhau những năng lực và phương tiện, cùng nhau dấn thân trong cùng một sứ mạng độc nhất là loan truyền và sống Phúc Âm. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố. “Các Giáo Hội trẻ cần sức mạnh của các Giáo Hội cố cựu, và đồng thời các Giáo Hội cố cựu cũng cần chứng tá và sự thúc đẩy của các Giáo Hội trẻ; làm thế nào để mỗi một Giáo Hội đều có thể hưởng nhờ kho tàng của các Giáo Hội khác”.[23]

Đức Gioan-Phaolô II lấy lại lối nói “Tân Phúc-âm-hóa” trong Thông điệp Redemptoris missio năm 1990:

“Ngày nay, Giáo Hội phải đương đầu với các thách đố khác, khi tiến tới những giới tuyến mới, đối với việc truyền giáo ban đầu (première mision) ad gentes cũng như đối với việc Tân Phúc-âm-hoá cho những dân nước đã nghe loan truyền về Đức Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, cả Giáo Hội địa phương cũng như Giáo Hội hoàn vũ, đều được kêu gọi có cùng một lòng dũng cảm đã thôi thúc các nhà truyền giáo trong quá khứ, và có cùng một sự sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Khí”.[24]

Có thể thấy được một sự hoán đổi các ý nghĩa: từ évangélisation trước Công đồng có nghĩa là việc loan truyền đức tin đầu tiên đến những vùng đất không Kitô. Từ mission trái lại, có ý nghĩa bao trùm mọi hình thức hoạt động, ủy nhiệm (mandat) trong Giáo Hội. Ngày nay, từ évangélisation lại chỉ toàn bộ đời sống Giáo Hội, khởi đi từ trung tâm của đời sống Giáo Hội là việc loan báo Đức Kitô, trong khi từ mission thì có khuynh hướng được dành để chỉ hoạt động truyền giáo theo nghĩa cũ và theo nghĩa chặt của hạn từ: giới thiệu đức tin cho những nền văn hóa hoặc những nơi chưa biết đến đức tin (mission ad gentes).

Tuy nhiên, khái niệm Tân Phúc-âm-hóa bị các nhà thần học cũng như những nhà trí thức phản bác: phải chăng đó là một cách đặt lại vấn đề của khoa thần học truyền giáo khoáng đạt và của những sáng kiến tông đồ ra đời sau Công đồng, để quay về với một thứ nhiệt thành gây hấn (prosélytisme agressif), không tôn trọng các truyền thống không Kitô hoặc không Công giáo? Để làm sáng tỏ cuộc tranh luận, Đức Bênêđictô XVI đã minh họa mối bận tâm đối với những người không Kitô -được bao hàm trong phương pháp tiến hành “Tân Phúc-âm-hóa”- bằng hình ảnh “Sân chư dân”. Ngài giải thích hình ảnh này –sau khi trở về từ chuyến tông du tại Cộng hòa Séc, xứ sở đã đánh mất rất nhiều tinh thần Kitô– trong bài diễn văn tại Giáo triều, kết thúc năm viếng thăm này, năm 2009 [25]:

“Tôi chợt nhớ tới lời của Đức Giêsu khi Người lấy lại lời ngôn sứ Isaia để dạy rằng đền thờ phải là một nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (cf. Is 56,7; Mc 11, 17). Người nghĩ tới nơi người ta gọi là nhà cầu nguyện cho chư dân, mà Người muốn tẩy trừ khỏi đó những vụ buôn bán do bên ngoài đem vào để có thể có chỗ cho lương dân muốn tới đó cầu nguyện cùng Thiên Chúa độc nhất, cho dù họ không thể tham dự mầu nhiệm, mà phần bên trong đền thờ là nơi dành riêng cho việc cử hành. Một nơi cầu nguyện cho chư dân, điều đó muốn hướng đến những người chỉ biết Thiên Chúa -có thể nói- từ xa; những người không thỏa mãn với các thần linh, các nghi lễ, các thần thoại của họ; những người ước ao Đấng Thánh và Đấng Cao Cả, dù Thiên Chúa vẫn còn là ‘Thần Vô Danh’ đối với họ (cf. Cv 17, 23). Họ đã được cầu nguyện với ‘Thần Vô Danh’ và như vậy là đi vào tương quan với Thiên Chúa đích thực, cho dù vẫn còn đó những vùng tối, với những tính chất khác biệt. Tôi nghĩ rằng ngày nay Giáo Hội cần phải mở ra một thứ ‘Sân chư dân’, ở đó con người có thể -cách nào đó- bám lấy Thiên Chúa, dù không biết Người và trước khi họ tìm ra con đường dẫn vào mầu nhiệm của Người, mà đời sống nội bộ của Giáo Hội là để dẫn họ vào con đường này”.[26]

Vào năm sau đó, ngày 21/09/2010, một cơ quan mới được thành lập: “Hội Đồng Tòa Thánh Về Tân Phúc Âm Hóa”, mà mục đích là nhằm đào sâu ý nghĩa thần học và mục vụ của việc Tân Phúc-âm-hóa. Vào tháng 10 năm 2012, Thượng Hội Đồng Các Giám Mục bàn về đề tài “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền Đức Tin Kitô giáo”. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được bầu chọn vào tháng 03 năm 2013 đã ban hành Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng, Gaudium evangelii (Niềm Vui Tin Mừng).

3. Gaudium Evangelii (tháng 11/2013)

Bản văn của Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt khai triển những suy tư liên quan đến tinh thần Phúc-âm-hóa: ngài muốn “động viên và định hướng trong toàn Giáo Hội một giai đoạn mới cho việc Phúc-âm-hóa, đầy nhiệt tâm và sinh động” (GE 17; dường như ngài sử dụng rất ít lối nói “Tân Phúc-âm-hóa”, và chỉ dùng khi trực tiếp nêu ra các công việc của Thượng Hội Đồng, và cũng là đề tài làm việc). Linh đạo mà Đức Phanxicô phác họa tiên vàn mang tính Giáo Hội và cộng đoàn: chính “Toàn Dân Chúa Loan Báo Phúc Âm” (tựa đề của chương 3). Theo chân Đức Phaolô VI, Đức Phanxicô suy tư toàn thể đời sống Giáo Hội khởi đi từ sứ mạng (mission). “Hoạt động truyền giáo là mô mẫu (paradigme) cho tất cả trách nhiệm của Giáo Hội (GE 15). Giáo Hội từ tận tâm khảm đi ra khỏi chính mình, đến với thế giới để Phúc-âm-hóa. Quả là không phù hợp nếu đối nghịch hồi tâm, đời sống nội tâm với hoạt động truyền giáo: “Sự liên kết mật thiết của Giáo Hội với Đức Giêsu là một sự mật thiết truyền giáo, và cộng đoàn ‘tỏ hiện một cách cơ bản là một cộng đoàn truyền giáo’” (GE 23). Toàn thể Giáo Hội là chủ thể của công cuộc Phúc-âm-hóa, và các xã hội cũng như những con người là những đối tượng của sứ điệp của Giáo Hội (chương 4 được dành cho “chiều kích xã hội của việc Phúc-âm-hóa”): “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc từng cá nhân, nhưng cứu chuộc tất cả những mối liên hệ xã hội giữa con người” (GE 178). Công cuộc Phúc-âm-hóa có một tầm vóc hoàn vũ và môi sinh: “Chúng ta yêu hành tinh xinh đẹp này, nơi Thiên Chúa đặt để chúng ta, và chúng ta yêu cả nhân loại đang sống trong đó, với tất những thảm kịch và chán ngán của họ, với những ước vọng và hy vọng của họ, với những giá trị và những mỏng giòn của họ” (GE 183). Nhấn mạnh chiều kích cộng đoàn và Giáo Hội của linh đạo Phúc-âm-hóa không phải là dẫn đến việc hy sinh các cá nhân cho các dự án tập thể. Phúc Âm “tuyên xưng một người Cha vô cùng yêu thương từng con người” (GE 178). Điều cần phải phát huy nơi mỗi người, đó là “sở thích tinh thần được gần gũi với đời sống dân chúng” và nhờ việc “chung tay với kẻ khác xây dựng một thế giới mới”, đào sâu sự “thuộc về một dân” (GE 268 và 269). Trong hệ thống thuật ngữ của Đức Phanxicô, évangélisationmission bao gồm nhau, ăn khớp với nhau. Tầm quan trọng của từ mission phản ánh linh đạo thánh Ignatiô của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tôi là một sứ mạng trên trái đất này, và vì lẽ đó tôi hiện diện trong thế giới này” (GE 273).[27] Một nét linh đạo Ignatiô nữa nổi trội trong các bản văn của Đức Phanxicô: sự phân định phải thực hiện để bảo đảm phẩm chất Phúc Âm của hoạt động truyền giáo. Như thế, Đức Thánh Cha đề nghị 4 nguyên tắc phân định trong việc dấn thân xã hội: thời gian quan trọng hơn là không gian; sự hiệp nhất có giá trị hơn là xung khắc; thực tế quan trọng hơn là tư tưởng; tổng thể đứng trên từng phần (GE 222-237). Và còn nữa, ngài mời gọi vạch trần tính thế tục tinh thần ở bên trong chính Giáo Hội, nơi mà việc tìm vinh quang của con người và sự thoải mái cá nhân đôi khi được ngụy trang dưới cái vỏ đạo đức bên ngoài (GE 93).

KẾT LUẬN:

PHÚC ÂM HAY Ý THỨC HỆ?

Người đã sống lại từ cõi chết. Tin mừng cứu độ được cô đọng trong mấy từ này; đây là Tin mừng phải không ngừng làm mới lại sự nhiệt tình của các môn đệ. Kegygma -tràn ngập niềm vui và thêm lòng can đảm cho chứng từ[28]– phải được lan rộng trên toàn thế giới để đến với hết thảy mọi người: “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.[29] Một bài giảng ở thế kỷ II –ngày nay được đưa vào Phụng Vụ Các Giờ Kinh– kết thúc giáo huấn về ý nghĩa của Kinh Thánh và của đức tin Kitô giáo, đồng thời làm vang dậy tiếng của Đấng Phục sinh mà Giáo Hội loan truyền trên thế giới:

“Vậy hỡi muôn dân thiên hạ bị ràng buộc trong tội lỗi, hãy đến và đón nhận ơn tha thứ. Chính Ta là ơn tha thứ cho các ngươi, là Chiên Lễ Vượt Qua đã chịu sát tế để cứu chuộc các ngươi, là dòng nước thanh tẩy, là sự sống và là sự sống lại, là ánh sáng, là ơn cứu độ và là vua các ngươi. Chính Ta đưa các ngươi lên chốn trời cao; chính Ta sẽ cho các ngươi sống lại và diện kiến Chúa Cha là Đấng ngự trên trời. Chính Ta sẽ đưa cánh tay uy quyền nâng các ngươi chỗi dậy”.[30]

Thế thì lời rao truyền của chúng ta có mang niềm vui đầy xúc cảm của những thế hệ Kitô hữu đầu tiên không? Hay nó đã biến thành thứ ngôn ngữ cứng nhắc? Việc Phúc-âm-hóa có thể chỉ là một sự lập trình Phúc Âm và việc truyền bá Phúc Âm chỉ hoàn toàn nhân loại, rất nhân loại:

“Biết bao lần chúng ta mơ mộng những dự án tông đồ to tát, được lên kế hoạch tỉ mỉ, không khác gì những ông tướng bại trận! Nếu quả là thế thì chúng ta phủ nhận lịch sử Giáo Hội; một lịch sử vinh quang với tính cách là lịch sử của những hy sinh, của hy vọng, của chiến đấu từng ngày, của đời sống hao mòn vì phục vụ, bền bỉ trong công việc nặng nề, chỉ vì mọi lao động đều là “mồ hôi nước mắt”. Ngược lại, chúng ta phí phạm thời giờ bàn luận về việc “cần phải làm gì” – là thứ tội mà tiếng Tây ban nha gọi là habria-quéimo, tựa như những thầy dạy linh đạo và các chuyên gia mục vụ, cứ đứng bên ngoài mà đưa ra chỉ thị. Chúng ta không ngừng nuôi dưỡng những mộng tượng và chúng ta đánh mất sự tiếp cận với thực tại khổ đau của các tín hữu” (Đức Phanxicô, GE 96).

Trong mọi lý thuyết Phúc-âm-hóa đều có tính đôi chiều (hai mặt). Có thể lý thuyết này làm thỏa mãn tâm trí con người, nhưng trong thực tế, nó dẫn đến việc đổi mới Giáo Hội và các thành phần, hay là dẫn đến việc biến đức tin thành một thứ ý thức hệ (idéologisation de la foi)? “Biến đức tin thành một thứ ý thức hệ” muốn nói điều gì? – Ý thức hệ là một diễn luận được dùng làm cơ sở cho một thứ trò chơi quyền lực.[31] Ý định của người soạn thảo, truyền bá hoặc bảo vệ, ý định của lý thuyết gia (idéologue), rốt cuộc không phải là làm điều thiện, xuất phát từ việc tìm kiếm chân lý, nhưng là áp đặt một cách nhìn các sự vật, để từ đó thỏa mãn đam mê quyền lực, sở hữu, lạc thú của mình. Như thế, điều quan trọng đối với lý thuyết gia, không phải là khảo sát các vấn đề, khảo sát phẩm chất của những cuộc trao đổi giữa những ai chân thành tìm kiếm cái chân và cái thiện (có khả năng kết hợp họ lại và vượt lên trên họ), khảo sát sự xuất hiện của một xã hội huynh đệ, nơi con người ta có thể sống hạnh phúc, nhưng là làm cho các trí năng trở thành nô lệ, bằng các kỹ thuật truyền thông. Vậy thì, chúng ta hãy thành thực tự vấn: chúng ta sẽ tiến hành việc Phúc-âm-hóa, như thể vận dụng một thứ kỹ thuật truyền thông tinh xảo, hay là mở ra một không gian tự do và tình yêu, khởi đi từ sự hoán cải những con người, những cộng đoàn?

“Có những kỹ thuật Phúc-âm-hóa là điều tốt, nhưng những kỹ thuật hoàn hảo nhất vẫn không làm sao thay thế được tác động âm thầm của Thần Khí. Không có Người thì nhà loan truyền Phúc Âm có chuẩn bị hết sức kỹ càng cũng chẳng làm được gì. Không có Người thì phương pháp biện luận có sức thuyết phục nhất cũng không ảnh hưởng được gì trên trí tuệ con người. Không có Người, những lược đồ xã hội học và tâm lý học được soạn thảo kỹ lưỡng nhất cũng chóng tỏ ra vô giá trị” (EN 75).

Trong các Chủng viện hoặc trong các trung tâm đào tạo tu sĩ của chúng ta, mục đích chúng ta nhắm đến là đào tạo những nhà Phúc-âm-hóa hay những lý thuyết gia?

 Người dịch: Lm. Phêrô Trần Ngọc Anh

—————————————

[1] Kitô giới (chrétienté): ở Tây phương, thời kỳ Trung cổ được gọi là thời “Kitô giới”, nghĩa là thời đại mà ảnh hưởng Kitô giáo lan tràn đến mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực. Trong xã hội ấy, văn hoá và sinh hoạt Kitô giáo được tổ chức và sắp xếp để bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào người Kitô hữu cũng thấy mình nằm trong thế giới của tôn giáo. Chú thích của người dịch.

[2] A.-M. HENRY, “Mission d’hier, mission de demain” dans J. SCHÜTTE (dir.), L’activité missionnaire de l’Église. Décret “Ad Gentes”

[3] Cũng nên nói rõ hơn: Bérulle, thánh Gioan Eudes và Lambert de la Motte, môn đệ của ngài đã khai triển cách phong phú mối liên hệ giữa việc sai phái Ngôi Lời và Thánh Thần với hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên, các ngài lại không thâu tóm các suy tư của mình vào từ “mission” và về điểm này, cũng cần phải lượng định ảnh hưởng thật sự của các ngài về mối liên hệ giữa đời sống Ba ngôi, kế hoạch cứu độ và hoạt động truyền giáo, trong thần học và tu đức hiện đại.

[4] Đây là dàn bài của chương I Ad gentes: 1) Ý định của Chúa Cha [§2] 2) Missio của Chúa Con (tức việc Chúa Con được sai phái) [§3] 3) Missio của Chúa Thánh Thần [§4] 4) Việc Giáo Hội được Đức Kitô sai đi [§5] 5) Hoạt động truyền giáo. Các lý do và các nhu cầu [§6 và 7]. Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội trong lịch sử cứu độ [§8 và 9]. Văn kiện muốn cho thấy làm cách nào mà động năng -nhờ đó Giáo Hội lan rộng trong thế giới- gắn liền (vượt lên trên thể chế hay sự ủy nhiệm) không chỉ với việc sai phái Ngôi Hai và Ngôi Ba của Ba Ngôi Thiên Chúa, mà còn với đời sống thân mật nội tại, nếu có thể nói như thế, của Thiên Chúa hằng sống”. Y. Congar, trong J. SCHÜTTE, ibid., p. 186.

[5] Cha P. Henry đã dịch không đúng bản văn chú giải của thánh Tôma. Phải dịch khẳng định của thánh Tôma cách chính xác như sau: “chủ đích của các ân huệ Thiên Chúa, đó là chúng ta được nên một trong sự duy nhất này, là sự duy nhất giống y sự duy nhất của Cha và Con”.

[6] A.-H. HENRY, ibid., p. 420.

[7] “Tất cả những đề xướng, đặc biệt qua đó các sứ giả Phúc Âm được Giáo Hội sai đi khắp thế gian để thực thi phận vụ rao giảng Phúc Âm và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa tin vào Chúa Kitô, được gọi chung là “missions”, thường được thực hiện qua hoạt động missionnaire tại những địa hạt nhất định đã được Tòa Thánh công nhận. Chủ đích của hoạt động missionnaireévangélisation và gầy dựng cộng đoàn nơi các dân tộc hay những cộng đồng chưa có sự hiện diện của Giáo Hội”, Ad gentes 6.

[8] Có thể cha Henry nghĩ đến bản văn nổi tiếng của Đức Hồng Y Suhard, người thành lập Hội Truyền giáo Pháp (Mission de France): “Vào thời Trung cổ, và đến tận thế kỷ XIX, các vị thừa sai “ra khỏi” Kitô giới để đi rao giảng cho “các dân ngoại”. Ngoại giáo lúc đó “nằm ngoài” xã hội Kitô giáo. Ngày nay, trái lại, hai “thành đô” không còn nằm bên ngoài nữa, nhưng ở trong nhau, và đan xen vào nhau cách chặt chẽ”. (Essor ou déclin de l’Église, Paris, 1947, p. 49).

[9] A.-H. HENRY, ibid., p. 438-439.

[10] “Giáo Hội phải đối thoại với thế giới mình sống trong đó. Giáo Hội trở thành lời; Giáo Hội trở thành sứ điệp; Giáo Hội trở thành đối thoại” (67). Trong bản văn La-tinh: lamvero Ecclesiae in colloquium veniendum est cum hominum societate, in qua vivit; ex quo fit, ut aedem veluti speciem et verbi, et nuntii, et colloquii induat. Như thế, ý nghĩa ở đây chính xác hơn: Giáo Hội -trong tương quan với xã hội loài người nơi mình sống- mang hình dạng của lời, của sứ diệp, của đối thoại (Nên lưu ý là bản văn La-tinh dùng từ “colloquium” thay vì “dialogus”)

[11] Cf. Ch. JOURNET, Théologie de l’Église, Paris, Desclée de Brouwer, 1958, p. 400.

[12] P.-A. LIEGE, “Évangélisation”, trong G. JACQUEMET, Catholicisme hier aujourd’hui demain, Paris, Letouzey et Ané, 1954, col. 755-763. Về từ évangélisation trong phái Cải cách, chúng ta cần lưu ý tham chiếu được cung cấp trong bài viết này: J. JOUSSELIN, “L’évangélisation [dans le protantisme français]”, Positions protestantes, Paris, 1946, p. 105-145.

[13] P.-A. Liégé, ibid., col. 755.

[14] Trong bài dịch này, chúng tôi chủ ý dịch Bonne Nouvelle là “Tin Mừng”, còn évangélisation là “Phúc Âm” (cho dù có khi lối nói tiếng Việt lại thuận với từ “Tin mừng” hơn) hầu có sự tương hợp với từ “Tân Phúc-âm-hóa” (nouvelle évangélisation), được sử dụng trong các bản dịch những văn kiện mới đây của Tòa Thánh.

[15] J. ROLOFF, “Apôtre”, dans J.-Y. LACOSTE (dir.), Dictionnaire critique de théologie, Paris, Puf, 1998, p. 79.

[16] “Chính xác thì việc Phúc-âm-hóa chủ yếu là gì? – Từ này không đồng nghĩa với việc dạy giáo lý: quả vậy, giáo lý, theo nghĩa tổng quát, chỉ toàn bộ việc loan truyền Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội. Còn Phúc-âm-hóa là giai đoạn đầu tiên của việc dạy giáo lý, nhắm đến việc hoán cải. Đó là một giai đoạn riêng biệt và nền tảng, tự thân đi trước mọi thực hành bí tích… […]” P.-A. Liégé, ibid., col. 756. Liégé lấy lại cách phân biệt của Tân Ước và của các Giáo phụ- giữa việc loan báo đức tin ban đầu, sơ đẳng, tức kerygma, tương ứng với việc Phúc-âm-hóa việc khai triển về tín lý, minh triết, tức didakè, nối tiếp giai đoạn trước.

[17] Phần mở đầu.

[18] Metanoia, tiếng Hy-lạp, chỉ sự thay đổi (meta) của tư tưởng và tâm hồn (noûs). Từ này muốn chỉ một cuộc trở lại triệt để, một cuộc thay đổi sâu xa cách nhìn và lòng dạ. ND.

[19] Tức việc cầu nguyện, nghe Lời Chúa, và lời giảng dạy của các Tông đồ, sống tình thương yêu huynh đệ, chia sẻ bánh. ND.

[20] Ở đây, tôi lấy lại những thông tin có được từ tài liệu chuẩn bị (lineamenta) cho Hội Nghị Thượng Kỳ Các Giám Mục, bàn về “công cuộc Tân Phúc-âm-hóa nhằm thông truyền đức tin Kitô giáo” (2011).

[21] “…un engagement non pas à ré-évangéliser, certes, mais pour une nouvelle évangélisation…” JEAN-PAUL II, Discours à la XIX ème Asemblée du C.E.L.A.M. (09/03/1983), 3 : AAS 75 (1983) 778.

[22] Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng bàn về việc Tân Phúc-âm-hóa, chương II, 5.

[23] Jean-Paul II, Exhortation Apostolique Christifideles laici (30/12/1988), 35; AAS 81 (1989) 458.

[24] Jean-Paul II, Lettre Encyclique Redemptoris missio (07/12/1990) ; AAS 83 (1991( 276. Cf. aussi les n0 1-3: AAS 83 (1991) 249-252).

[25] Đức Gioan-Phaolô II trước đó đã nói đến những “Công Hội Viện” trong Redemptoris missio, số 37: “Công Hội Viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hóa của thành phần học thức ở Athêna, và ngày nay nó có thể được coi như một biểu hiệu cho các lãnh vực mới cần phải được loan báo Phúc Âm”. Đức Gioan-Phaolô II liệt kê: lãnh giới truyền thông, việc dấn thân cho hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc; các quyền lợi của cá nhân cũng như của các dân tộc, việc bảo vệ tạo thành, văn hóa, việc nghiên cứu khoa học, cũng như về các mối liên hệ quốc tế và việc “hồi sinh đạo nghĩa” (retour religieux).

[26] Benoît XVI, “Audience à la Curie Romaine à l’occasion de l’échange des vœux” (Rome, 21/12/2009): AAS 102 (2010) 40.

[27] “Je suis une mission sur cette terre, et pour cela je suis dans ce monde.”

[28] Mt 28,1-10 chẳng hạn đưa chúng ta đi vào trong không gian Tin mừng, nơi Giáo Hội được mời gọi đến múc kín liên lỉ. Trong trình thuật về việc thiên thần và rồi Đức Giêsu hiện ra, vào sáng hôm Phục sinh, thánh Matthêu lặp lại lệnh truyền ra đi báo tin cho các môn đệ và việc mô tả niềm vui tràn ngập tâm hồn những phụ nữ đón nhận và loan báo lệnh truyền đó. “Này các bà, các bà đừng sợ! […] Mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết,[…] tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, các bà chạy về báo tin […] Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy…”

[29] Mt 28,19

[30] MELITON DE SARDES, Sur la Pâque, 103. “Sources chrétiennes” 123, p. 123. Kinh Sách, Thứ Hai Tuần Bất Nhật Phục Sinh.

[31] Cf. Hannah ARENDT, The Origins Of Totalitarianism, 1951.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here