ĐÀO TẠO CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI

0
2554

ĐÀO TẠO CÁC LINH MỤC TƯƠNG LAI
ĐỂ TÁI RAO GIẢNG TIN MỪNG
TRONG BỐI CẢNH “THẾ TỤC HÓA”
TẠI VIỆT-NAM

Lm. Thierry Marie Courau

DÀN BÀI

Dẫn nhập

1. Bối cảnh hiện tượng « thế tục hóa » tại Việt Nam

a. Khái niệm « thế tục hóa » nảy sinh trong mảnh đất Tây Phương
b. Bối cảnh lịch sử của Việt Nam
c. Vài phác họa về nền văn hóa xã hội tại Việt Nam
d. Cách nói về thế tục hóa đối với Việt Nam
e. Tóm kết: vài hậu quả của « thế tục hóa » trên cộng đồng Công Giáo Việt Nam

2. Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam

a. Tại sao phải nói về Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ?
b. Loan báo ơn cứu độ nơi Đức Kitô trong bối cảnh của Việt Nam có nghĩa là gì?

3. Đào tạo các linh mục tại Việt Nam

a. Nhận ra hiện trạng tại Việt Nam
b. Những định hướng cho việc đào tạo các chủng sinh
c. Một đề nghị: đào tạo các chủng sinh về việc đối thoại cứu độ

 ———————————-

Dẫn nhập

Để kết thúc những những bài thuyết trình của khóa bồi dưỡng lần trước, một người Pháp được mời để nói về Việt Nam. Việc làm này thật là tham vọng và có vẻ như là không phù hợp. Đáng lẽ ra, nên mời một người Việt, vì chỉ người này mới biết rõ tình trạng xã hội địa phương và có khả năng ngôn từ diễn tả tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn một người Pháp có cái nhìn từ bên ngoài, và cả bài thuyết trình cũng có tính « bên ngoài » nữa, ấy là vì chính người đến từ môi trường khác này có thể có khả năng giúp các tham dự viên ý thức rõ hơn về những nét đặc thù của họ. Thật thế, khi làm cho họ một sự chuyển dời trong tư tưởng, thì chính họ sẽ hiểu rõ hơn về mình. Khi cung cấp cho họ những chìa khóa riêng của bản thân mình, người đến từ một môi trường khác (thuyết trình viên) trao cho họ khả năng nắm bắt các vấn đề theo một một cách thức khác, và sẽ giúp họ ra khỏi chính thế giới riêng của họ.

Thay vì trình bày những giải pháp, chúng tôi sẽ đặc biệt nêu ra những câu hỏi, mở ra những cánh cửa, rồi chúng tôi sẽ sắp xếp các ý tưởng và những xác tín ! Đó là những cách thức một người Pháp, người theo trường phái lý trí của Đề-các, suy tư với các phạm trù theo lối phân tích, phê bình, tổng quát để tóm bắt đối tượng mà người này đang tìm hiểu. Đối tượng này là chính các thực tại Việt Nam của các bạn mà thuyết trình viên người Pháp có được nhờ các tài liệu đã đọc.

Trình bày những điều trên, tôi chỉ muốn thưa với các bạn rằng : các bạn hoàn toàn có quyền tự do để phản đối những suy nghĩ, những xác tín, và cả những câu hỏi cũng như những đề nghị của tôi nữa.

Các bạn sẽ thấy, bài thuyết trình này sẽ lấy lại một số dữ liệu đã được các thuyết trình viên trước đề cập trong khóa họp, rồi cũng sẽ sử dụng những yếu tố đã được chia sẻ trong các bài thảo luận nhóm (không thường xuyên nêu tên). Những chất liệu này gợi lên trong chúng tôi những suy tư. Chúng ta sẽ lần lượt đề cập ba phần chính theo diễn tiến của tựa đề bài thuyết trình :

1. Bối cảnh của hiện tượng « thế tục hóa » tại Việt Nam.
2. Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam.
3. Đào tạo các linh mục tại Việt Nam.

1. Bối cảnh hiện tượng “thế tục hóa” tại Việt Nam.

Để đề cập bối cảnh « thế tục hóa » tại Việt Nam, chúng ta lần lượt rảo qua năm bước :

  • Khái niệm « thế tục hóa » nảy sinh trong mảnh đất Tây Phương.
  • Bối cảnh lịch sử của Việt Nam.
  • Vài nét về nền văn hóa xã hội tại Việt Nam.
  • Nói về « thế tục hóa » cho Việt Nam.
  • Tóm kết : những hệ quả của « thế tục hóa » trên cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam.

a. Khái niệm « thế tục hóa » nảy sinh trong mảnh đất Tây Phương

Theo một vài cái nhìn hoàn toàn tích cực thì khái niệm về thế tục hóa có thể được bén rễ sâu một cách tương đối phù hợp trong kinh nghiệm ki-tô giáo. Trong kinh nghiệm này, khi Thiên Chúa liều lĩnh trở thành con người trong « thế giới », thì các thực tại trần thế được mời gọi : sống theo trật tự riêng của chúng, cùng lúc chúng được thăm viếng và được thấm nhuần bởi hành động và lời Thiên Chúa. Như vậy thì hiện tượng « thế tục hóa » được hiểu như là sự tôn trọng những trật tự riêng, hoặc như là sự tự lập chân chính, một sự chân chính được diễn tả trong mối tương quan giữa con người với nhau.

Tuy thế, ta cần hiểu khái niệm « thế tục hóa » trong bối cảnh hiện đại Phương Tây. Trong bối cảnh này, nhờ những tiến bộ về khoa học, kinh tế, chính trị-nhà nước và xã hội, con người xuất hiện như là một chủ thể. Họ ý thức về tính tự lập của mình ; họ có khả năng tiếp cận thiên nhiên và cuộc sống xã hội cách thuần lý. Khi xuất hiện Nhà nước dân sự, một thể chế đã chối bỏ nguyên tắc siêu việt để thiết lập những hợp đồng xã hội, thì khái niệm « thế tục hóa » có thể được hiểu như là một sự chối bỏ các tôn giáo đã từng chi phối đời sống tinh thần và chính trị ; và như thế, những tôn giáo này cũng bị loại khỏi những lãnh vực lý trí và đời sống công cộng. Rồi nữa khi Nhà nước đảm nhận việc giáo dục và những hoạt động bác ái xã hội, thì các tổ chức ki-tô giáo trở nên kém hữu ích trong một thế giới ngày càng mang tính duy lợi. Trong hoàn cảnh này, đức tin được coi như là một hoạt động mang tính cá nhân đặt ngang hàng với các hoạt động khác của con người : chẳng hạn như những lựa chọn cá nhân về gia đình, về các hiệp hội hay thậm chí như các trò chơi giải trí.

Tiếp đến, chủ nghĩa nhân đạo vô thần xuất hiện. Chủ nghĩa này được xây dựng chỉ trên lý trí. Và nó đã thất bại, không thể dẫn con người tới chân lý chỉ bằng lý trí. Thế là, chủ nghĩa này lại dẫn con người tới việc tương đối hóa tất cả hoạt động suy tư của mình. Chính xã hội tiêu thụ đã tìm thấy trong chủ nghĩa này những đồng minh để tự phát triển theo hướng « độc đoán ». Việc phát triển nhanh chóng về kỹ thuật, về công nghiệp hóa và đô thị hóa hiện đại nơi xã hội Tây Phương có thể làm cho cuộc sống tiện nghi, lành mạnh và thoải mái. Cùng lúc, khung cảnh hiện đại mới này cũng cổ võ những mối tương quan mới về gia đình và xã hội, từ đó dễ dàng tạo ra những lối cư xử mới, đặc biệt là chủ nghĩa duy khoái lạc[1], cắt đứt với những gì là truyền thống nhất, làm mất đi sự gắn bó với thiên nhiên và đời sống cộng đoàn.

Ngày hôm nay, thế giới như thể bị thu gọn lại trong một Global Urban Market mênh mông. Trong khu chợ đô thị toàn cầu mênh mông này, những thế lực về kinh tế và tiền tài thống trị tất cả. Những người gian xảo nhất trục lợi cơ hội này để lôi cuốn những người nghèo nhất vào trò chơi máy móc, mà chính những người nghèo này lại không biết luật chơi. Khiến họ lại càng lún sâu trong khổ ải. Tình trạng này cũng hủy hoại nhanh chóng sự trong lành của vũ trụ, làm cho hành tinh chúng ta ngày càng ngột ngạt, rồi hủy hoại cả sức khỏe của cộng đồng nhân loại nữa. Càng ngày càng làm họ bị phân tán, thậm chí gợi lên những lối phản ứng giằng xé về căn tính con người. Khi thế giới này làm mất đi cái khả năng về mối tương quan tin tưởng, biểu lộ sống động với một vị thần linh, thì chính nó lại phát triển một hình thức tôn giáo đa thần, rất thường xuyên mang tính thương mại, và coi đó như là giải đáp cho những khát khao về hạnh phúc.

Như thế hiện tượng thế tục hóa trong xã hội Phương Tây hôm nay được hiểu như là sự lãng quên hoặc thờ ơ với Thiên Chúa[2]. Hiện tượng này có thể giản lược trong « khuynh hướng phóng chiếu hàng ngang của con người. Để rồi từ đó bỏ qua hoặc lãnh đạm với chiều kích siêu việt của hiện hữu, dù vẫn chấp nhận những bài diễn văn tôn giáo »[3]. Hiện tượng tục hóa này cũng có thể ập đến giữa lòng Giáo Hội Công giáo theo cách thế ngờ vực:

 « Một trong những hậu quả của hiện tượng tục hóa gây ra là : dần xa việc thực hành tôn giáo, kéo theo đó là thái độ chối bỏ, có lúc ý thức, có khi bị lừa gạt bởi những thói quen được áp đặt cách tinh vi của một nền văn hóa nhất quyết loại bỏ ki-tô giáo ra khỏi cuộc sống xã hội dân sự [4]».

Hoặc nhìn nhận hiện tượng thế tục hóa như là một thách đố mới, một công việc cần phải thực hiện để nhận ra một cách khách quan thực tại này :

« Sự có mặt của duy thế tục hóa là một điều bình thường, nhưng [đó là] sự tách biệt và đối nghịch giữa duy thế tục hóa và nền văn hóa đức tin. Trong đó, nền văn hóa này không còn bình thường nữa, và cần phải vượt qua. Điều thách thức lớn hiện nay là : hai thực tại này đan xen nhau và mỗi thực tại tìm thấy căn tính riêng của mình [5]».

Nói tóm lại, cái nhìn của chúng ta sẽ khác tùy theo những gì chúng ta đã thấy về hiện tượng « thế tục hóa ». Hoặc coi thế tục hóa như là « thế giới tự mãn với chính mình », ngược lại mọi nền văn hóa tín ngưỡng, và như thế điều quan trọng là phải tranh đấu. Hoặc coi thế tục hóa như là một thực tại của thế giới hôm nay, dù phức tạp và khô cứng đối với các truyền thống tín ngưỡng, trong đó ta sống đức tin ki-tô hữu.

b. Bối cảnh lịch sử của Việt Nam

Như chúng ta vừa nhắc vài nét chính ở trên, hiện tượng thế tục hóa nảy sinh ở Tây Phương. Với khía cạnh lan truyền của nó, tính hiện tại hóa của hiện tượng này bao phủ cả hành tinh chúng ta. Dù sao, hiện tượng này có màu sắc khác nhau tùy mỗi nơi. Nói khác đi, tính riêng tư của nó tùy theo mỗi địa phương. Tính riêng tư này bắt nguồn từ lịch sử của một khu vực với các nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo của nó.

Chúng tôi sẽ không làm một bản tường trình về lịch sử và văn hóa của vùng đất Việt Nam các bạn. Bởi vì chúng tôi không thể. Tuy nhiên, làm sao có thể quên bề dày lịch sử hơn 5000 năm của vùng đất với những đồng bằng ven biển nối kết với các rặng núi. Địa hình này thật có một không hai trên thế giới ! Chẳng vậy mà tiếng Việt gọi đất gộp với nước thành Đất nước sao ? Ngay 2000 năm trước kỷ nguyên chúng ta, nền văn hóa Trống Đồng đã phát triển tài khéo léo về các dụng cụ bằng đồng và việc trồng lúa ở châu thổ Sông Hồng. Còn miền Nam Việt Nam, sáu thế kỷ đầu thuộc về vương quốc Funan thấm nhuần văn hóa Ấn Độ, tiếp đến có văn hóa Shivaïte của Chenla (Chân-lạp), trong đó có tiếng Phạn là ngôn ngữ thánh. Đến khoảng năm 802, miền Nam thuộc về vương quốc Khme. Còn Miền Trung, ngay từ thế kỷ thứ hai, đã xuất hiện vương quốc nổi tiếng Champa, thuộc Đà-nẵng mở về phía Nam. Trong khoảng gần 12 thế kỷ, miền Trung nằm giữa những người Việt phía Bắc và những người Khơ-me phía Nam. Tiếp đến, miền Bắc bị Trung Quốc đô hộ trong vòng hơn một ngàn năm. Trong khoảng thời gian đô hộ này, luôn có những cuộc nổi dậy chống lại những người thống trị, dù sao ngay cả những người đô hộ này cũng truyền lại những tài năng khéo léo của họ. Tiếp đến, năm thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ hai, miền Bắc đã giành được độc lập. Năm thế kỷ tiếp theo được đánh dấu bởi những những cuộc xâm lăng và thua trận. Trong thời gian này, những chế độ phong kiến, các hoàng đế, người Trung Quốc, rồi người Châu Âu, đảng cộng sản, rồi người Mỹ đã vẽ lại bản đồ và góp thêm tính phức tạp cho Việt Nam.

Lịch sử đất nước tuyệt vời của các bạn đã được đánh dấu bởi những xâu xé về quyền lực như trên. Cùng lúc, nó cũng được ghi dấu bởi tính đặc sắc của mình khi đất nước này tọa lạc trên mảnh đất chuyển tiếp giữa Ấn Độ và Trung Quốc (và dĩ nhiên cũng mở ra với những quốc gia dọc theo bờ biển). Việt Nam cũng tự xây dựng theo lối rất đặc biệt, duy nhất, ngay cả trên lãnh vực tôn giáo. Đất nước Việt Nam cũng đã nhận được từ hai lục địa này (Ấn Độ và Trung Quốc) sự phong phú về hiểu biết khoa học, y học cùng với các truyền thống xã hội và tôn giáo của họ (Ấn Độ giáo, Phật giáo đại thừa từ Ấn Độ và Trung Quốc, nghi thức tôn kính tổ tiên, Khổng Giáo, Lão Giáo, v.v). Những truyền thống bên ngoài này làm phong phú những truyền thống bản địa (ví dụ một số tôn giáo truyền thống địa phương), hoặc tạo ra các tôn giáo mới (như đạo Cao Đài). Thế rồi chính thức từ năm 1615, mảnh đất Việt Nam đã cởi mở đón nhận Ki-tô giáo. Cũng khoảng thời gian ấy, những người Tây Phương cũng bắt đầu hiện tượng thế tục hóa mà chúng ta đã đề cập tới trong các bài thuyết trình trước. Với những phương tiện khoa học kỹ thuật, họ đã thực hiện những cuộc mạo hiểm bên ngoài lãnh thổ quen thuộc của mình. Năm 1955 và 1975 được coi như là mốc điểm không thể quên để hiểu lịch sử gần đây của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

c. Vài phác họa về nền văn hóa xã hội tại Việt Nam

Chúng ta cần nắm bắt tính phức tạp trên của Việt Nam để có thể viết về lịch sử riêng của hiện tượng tục hóa được hiểu theo nghĩa « thế gian hay thế tục tự lập ». Đó là một lịch sử có đầy ý nghĩa đối với các bạn. Bởi vì, nếu như những hậu quả hôm nay của hiện tượng « thế tục hóa » Tây Phương đã kéo theo hiện tượng Tây hóa cả hành tinh chúng ta, trong đó có Việt Nam, thì hiện tượng tục hóa này cũng chỉ xảy ra trong khung cảnh lịch sử riêng của các bạn, trong những cách trình bày của các bạn như Claude Tassin đã đề cập về cách diễn tả của Phaolô.

Như là người Tây Phương, chúng tôi muốn làm nổi bật nên sự so sánh giữa nền văn hóa của chúng tôi với một vài khía cạnh rất đặc biệt về nét văn hóa của Việt Nam, cũng như về nét văn hóa Công Giáo của các bạn (Nét văn hóa này tuy nhiên rất khác nhau, tùy theo bạn sống ở miền đất nào của Việt Nam). Những nét văn hóa này có thể là hoàn toàn sai. Chúng tôi không hề có tham vọng làm cho các bạn hiểu hết. Chúng tôi chỉ nêu ra vài ví dụ tản mát đó đây. Những khía cạnh văn hóa này thuộc nhiều lãnh vực mà chúng tôi không thể phân biệt. Tùy các bạn, các bạn có chấp nhận hay không những khía cạnh này ; các bạn cũng có thể phê bình chúng, bổ sung, hoặc cụ thể chúng thêm. Lý do đơn giản là vì, các khía cạnh văn hóa cũng có thể thay đổi tùy theo mỗi dân tộc. Những nét văn hóa như sau :

  • tính vượt trội của tập thể trên cá nhân
  • gia đình như là nền tảng của xã hội (với làng xóm, quốc gia)
  • người cha, đứng đầu gia đình ; người mẹ, sức mạnh liên kết gia đình
  • gia đình đông con được coi như quà tặng của ông trời.
  • vị thế quyết định của người anh cả.
  • phụ nữ không tham gia những quyền bên ngoài xã hội của đàn ông
  • ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo bắt đầu từ thế kỷ 15[6]
  • cùng chia sẻ nghĩa vụ và nợ nần
  • bằng mọi giá tìm sự hài hòa
  • nhu cầu tôn trọng những nghi lễ để giữ vững trật tự xã hội
  • nhu cầu về sự an toàn và bảo vệ đối với một nhóm khác
  • một thế giới vô hình thánh thiêng thấm nhập tất cả các thực tại con người
  • ấn tượng về tà ma và nhưng thần linh vô hình
  • nghi lễ thờ tổ tiên
  • nhu cầu cần biết thời điểm thích hợp để lao động
  • không có một quốc giáo chung cho mọi người
  • các truyền thống tôn giáo chu toàn vai trò xã hội
  • tiếp cận sự hiểu biết bằng linh cảm
  • việc nắm bắt thế giới theo cách tổng thể
  • nguyên tắc bao gồm một phần ba…

d. Cách nói về thế tục hóa đối với Việt Nam

Việc ý thức về các yếu tố làm thành xã hội Việt Nam duy nhất là thuộc về công việc của các bạn. Như bất cứ một nền văn hóa nào khác, các yếu tố văn hóa trên ảnh hưởng một cách vô thức và điều khiển các lựa chọn của bạn. Điều quan trọng không phải là nhái lại các xã hội khác hay tìm ở đó những cách thức giải quyết vấn đề. Sự sáng suốt này sẽ dễ đạt được, nếu như các bạn đã từng sống ở nước ngoài nhiều năm, nếu như bạn đã từng gặp nhiều lối sống khác. Khi so sánh các khía cạnh văn hóa, bạn có thể khám phá những nét chính cũng như phụ về căn tính của bạn. Nhờ thế, bạn có thể rà xét lại xem nếu những yếu tố văn hóa trên có chứa đựng nơi mình những giá trị bền vững và thường tồn ! Nếu những khía cạnh văn hóa này có thể bị gãy vụn và bị đặt lại vấn đề bởi các thế hệ đã tiếp xúc với các thế giới khác ! Nếu các thực tại này được mời gọi biến đổi nhờ tiếp cận với với Tin Mừng. Chỉ với ý thức sáng suốt về các giá trị văn hóa này mà các bạn mới có thể vươn tới một tương lai hạnh phúc được Thánh Thần Đức Ki-tô đồng hành. Còn nếu không, các bạn sẽ phản bội lại cấu trúc định hình của các giá trị văn hóa trên ; các bạn chẳng còn tin tưởng vào công trình cứu độ ; các bạn sẽ sống trong những đổ vỡ thê thảm không lường trước và thất vọng.

Chính bối cảnh trên về gốc gác, về lịch sử và về văn hóa-xã hội đã định hình não trạng của bạn. Cũng trong khung cảnh ấy mà vô số những yếu tố mới bên ngoài ập đến và tạo ra một sự tiến triển nhanh chóng của xã hội các bạn. Khi nghe các bạn chia sẻ, chúng tôi cho rằng hiện tượng « thế tục hóa » có thể là :

– tìm giải thoát mình khỏi các quyền giám hộ truyền thống đôi khi bị coi như là trói buộc tự do cá nhân : cơ cấu gia đình theo tổ tiên, những di sản của Phật giáo, Nho giáo hay Lão giáo ;

-sinh ra những thực tại huyền bí vô hình mới (Điện tử, Tiền bạc, Tình dục, Chính trị, x. Claude Tassin, tr.90) mà những truyền thống tổ tiên đã quyết tâm bài trừ. Những thực tại này cùng lúc hữu ích và chống lại con người (x. Claude Tassin, tr. 86).

-đặt điểm tựa nơi quyền bính chính trị đã mất lý tưởng phục vụ, thành ra nó lại lo tìm bảo vệ và mở rộng những lợi nhuận của tầng lớp này.

-gây ra sự chia rẽ giữa các thế hệ. Có rất nhiều bạn trẻ rời làng xóm ra thành thị để kiếm việc làm hoặc để theo học. Ở nông thôn còn lại là những cụ già và trẻ em. Ngay cả những cặp vợ chồng cũng phải sống xa cách nhau vì việc làm.

-làm cho một số người thêm mong manh, vì họ coi thành thị như là một Eldorado, thiên đường tại thế. Trước tình trạng vắng mặt của môi trường gia đình, thiếu thốn tình cảm, những áp lực của đô thị hóa, hoặc các nhu cầu gia tăng, nhiều người đã để mình cuốn theo những đề nghị dễ dãi dưới nhiều hình thức choáng ngợp. Khi mà những chuẩn mực truyền thống nhất bị đảo lộn, tình trạng tục hóa trên đẩy đời sống con người tới nhiều hình thức bù trừ (tình dục, nghiện ngập hay tham nhũng), lúc đầu có vẻ tạm thời, nhưng càng về sau thì càng thường xuyên hơn. Tình trạng tục hóa này đòi con người có một sức mạnh phi thường để có thể trụ đứng được.

e. Tóm kết: vài hậu quả của « thế tục hóa » trên cộng đồng Công Giáo Việt Nam.

Như đã thấy, « thế tục hóa » có nghĩa trước tiên là một hiện tượng phức tạp lâu đời tại Tây Phương, nó được phát triển dựa trên cuộc sống hiện đại ở đấy. Liệu ta có thể áp dụng nội dung này của hạn từ « thế tục hóa » này vào tiến trình phát triển vũ bão trong cộng đồng Công giáo Việt Nam ? Việc chuyển mình từ một cộng đồng được bao bọc bởi những chuẩn mực chắc chắn sang một cộng đồng mở cửa cho những cơn bão táp, chắc chắn cộng đồng Công giáo Việt Nam khó lòng mà kiểm soát hết được. Cộng đồng này nhận thấy rằng mình đang bị ảnh hưởng khủng khiếp bởi chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại. Chủ nghĩa này dựa trên sự phát triển công nghệ, đô thị hóa, những kỹ nghệ mới về điện tử, sinh học, và rất nhiều khát vọng nảy sinh. Như cha Gilles Berceville trích lại điều mà Đức giáo hoàng Phan-xi-cô nhấn mạnh rằng : người ta thần thánh hóa những lợi nhuận kinh tế đối với những nhu cầu con người và đối với người nghèo. Hiện tượng này đang dần dần lây nhiễm vào trong xã hội các bạn hơn là hiện tượng thế tục hóa theo kiểu Tây Phương.

Chính sự tiến triển khá nhanh chóng này khiến đặt lại vấn đề các nền tảng truyền thống và hài hòa mà cộng đồng Công giáo[7] đã dựa trên đó để xây dựng mình. Dù người ta không thể tìm thấy những phương thế tác động trực tiếp trên hiện tượng « thế tục hóa » đi nữa, thì vẫn có một sự chuyển biến âm thầm đang thực hiện trên tất cả mọi cấp độ. Điều này gây ra nỗi lo lắng không thành lời, đó là nỗi sợ không thể kiểm soát được sự tồn tại của cộng đồng này, ít nhất là trong tình trạng hiện nay.

Vậy phải làm gì ? Trước hết cần nhìn nhận rằng : tính hiện đại tục hóa này không thể tránh khỏi. Thật hão huyền tin rằng có thể quay trở lại tình trạng xưa của quá khứ. Lịch sử nhân loại chứng minh rằng ta không bao giờ quay trở về quá khứ. Nhưng xuyên qua những cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa với các biến cố xảy ra, hoặc gặp gỡ giữa các dân tộc, hay sáng kiến gặp gỡ của một số người, thì luôn có điều mới mẻ xảy đến. Trong những cuộc gặp gỡ này, chắc chắn có sự tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Còn đối với các tín hữu, đó chính là Chúa Thánh Thần của Đức Ki-tô tử nạn và phục sinh, Ngài không ngừng đến trong Giáo Hội để hướng dẫn sứ mạng Giáo Hội. Điều quan trọng cần hiểu là : làm thế nào để cuộc gặp gỡ này với Chúa Thánh Thần được hiện tại hóa.

2. Tân Phúc Âm hóa tại Việt Nam

Điều mà chúng ta vừa trình bày ở trên về hiện tượng « thế tục hóa » cho thấy rằng chúng ta bắt đầu đi vào khủng hoảng. Như cha Alain Riou đã gợi lên cho chúng ta, trong tiếng Hán, chữ khủng hoảng bao gồm hai khía cạnh: nguy cơcơ may. Chúng ta thường bị cám dỗ là để cho nguy cơ làm tê liệt mình ; hoặc bị cám dỗ để tự vệ, để đối đầu, hoặc để tự giải thể. Hãy cùng nhau suy nghĩ về khía cạnh cơ may mà giai đoạn mới này của nhân loại mang đến để chúng ta rao giảng Tin Mừng, điều gì trong giai đoạn này giúp cho Giáo Hội chúng ta canh tân sám hối?

Sự tăng trưởng về kinh tế là một trong những ưu tư chủ lực ở cuối thế kỷ trước, chủ lực ngay cả đối với Giáo Hội. Tăng trưởng kinh tế này không còn là điều duy nhất làm chúng ta quan tâm. Tuy vậy, còn có một sự tăng trưởng khác không ngừng đồng hành với nhân loại, đó là sự tăng trưởng về lương tâm con người, về khả năng hành xử theo lý trí, về sự tôn trọng tha nhân bất kể gốc gác của họ, thao thức về công lý và hòa bình cho mọi người. Khi thể hiện vai trò của mình, nhất là trong lòng của Giáo Hội cùng với đức tin, sự tăng trưởng này có thể đưa đến những hoa trái không ngờ. Tôi xin đưa ra hai chứng từ: sự hòa giải giữa Pháp và Đức và chứng từ của Công Đồng Vatican II.

Sự hòa giải giữa Pháp và Đức sở dĩ khả thi là nhờ hai nhóm chính trị gia Kitô hữu Pháp và Đức; họ cảm nghiệm rõ sự phi lý của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai với những suy đồi về phương diện nhân bản và luân lý mà nó gây ra; và do đó với đức tin của mình, họ kêu gọi xây dựng một thế giới mới, thế giới hòa giải. Sự hòa giải này cống hiến cho Cộng đồng Châu âu nguồn cảm hứng để tiếp tục sứ mạng của mình.

Chứng từ thứ hai cũng ghi nhận tính tích cực của lịch sử thế giới khi nó mang đến cho Giáo Hội một thời đại mới. Chính Giáo Hội ý thức về thế giới như một khả thể để đối thoại chứ không đối đầu, cũng không đối chọi và không kết án thế giới mà mình được sai đến. Như cha Luc Forestier đã trình bày cho chúng ta, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ của Công đồng đã ý thức chọn lựa để cổ võ một thái độ mới giữa người Công giáo với những tín hữu khác hoặc với những người không tôn giáo; thái độ ấy được thể hiện qua việc tôn trọng và phục vụ lẫn nhau. Đây chính là dấu chỉ cho thấy Giáo Hội đang bước vào sự trưởng thành. Những anh chị em ấy đã trở nên thành viên mới của chúng ta và chúng ta phải có trách nhiệm đối với họ.

Trong mục này chúng ta sẽ trình bày hai điểm:

  • Tại sao phải nói về Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ?
  • Loan báo ơn cứu độ nơi Đức Kitô trong bối cảnh của Việt Nam có nghĩa là gì?

a. Tại sao phải nói về Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ?

Như chúng ta đã nhắc lại trong những ngày vừa qua, việc loan báo Tin Mừng thuộc về chính bản chất của Giáo Hội. Khi diễn ra Công Đồng, Đức Phaolo VI băn khoăn về sứ mạng của Giáo Hội (mission) và ngài đã liên kết sứ mạng này với “bổn phận rao giảng Tin Mừng” (devoir d’évangéliser). Theo thông điệp đầu tiên của ngài, Ecclesiam suam, điều này phải được hiểu như một quà tặng để trao cho tha nhân nhờ lòng bác ái và điều đó được gọi tên là đối thoại[8].Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo, vì Giáo Hội không thể giữ Tin Mừng Cứu Độ để xây dựng cho riêng mình. Như Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói: “Loan báo Tin Mừng chính là ân sủng và là ơn gọi riêng của Giáo Hội, là căn tính sâu thẳm nhất của Giáo Hội”[9]. Điều này cũng chính là điều mà Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

Trong Thánh Kinh, Phúc Âm hóa là loan báo sứ điệp về niềm vui[10]; vì đó là lời diễn tả về ơn cứu độ đã đến, nên sự loan báo ấy là loan báo niềm vui. Đó là niềm vui được giải thoát khỏi áp bức; việc giải thoát những người bị giam giữ được thể hiện nhờ sứ giả của hòa bình, nhờ Đức Giêsu là Đấng đến gần với con người và như thế Ngài thiết lập cách chung cuộc triều đại của Thiên Chúa.

Các Tông Đồ, các môn đệ của Đức Giêsu, đến lượt mình lại có sứ vụ loan báo điều họ sống: ơn cứu độ mang đến niềm vui.

Con người được Thiên Chúa yêu thương! Đó là là lời loan báo quá đỗi đơn sơ và quá đỗi mãnh liệt mà Giáo Hội phải đem đến cho con người. Lời nói và lối sống của mỗi Kitô hữu có thể và phải làm vang lên sứ điệp này: Thiên Chúa yêu bạn. Đức Kitô đã đến vì bạn và cho bạn; chính để cho bạn mà Đức Giêsu là “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6)[11].

Lời được loan báo là chính Đức Giêsu, nếu lời ấy được lắng nghe thì hiệu nghiệm; đó là lời thay đổi cuộc đời. “Khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần và với một niềm xác tín sâu xa” (1 Tx 1,5). Trong Tông huấn Evangelii nuntiandi[12], việc loan báo Tin Mừng được đặt vào trọng tâm của các hoạt động của Giáo Hội; sứ vụ ấy được coi như việc phục vụ toàn thể nhân loại, vì sứ vụ ấy nhằm đến chính ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Chính Đức Kitô là người đầu tiên loan báo Tin Mừng qua các dấu chỉ, qua sự chết và sự phục sinh của Ngài, qua Thánh Thần mà Ngài ban. Ngài loan báo ơn cứu độ và ơn cứu độ ấy sẽ viên mãn khi quang lâm. Giáo Hội, vì được bám rễ nơi bản thân Đức Kitô, là một cộng đoàn đã được Tin Mừng hóa ; đến lượt mình, Giáo Hội phải sai các sứ giả Tin Mừng, những sứ giả đáng tin cậy do lối sống của họ. Đối tượng của việc Phúc Âm hóa là làm thay đổi xã hội từ bên trong, là sự sám hối lương tâm của cá nhân và tập thể, là thay đổi các hoạt động, lối sống và môi trường sống[13].

Tân Phúc Âm hóa là một thuật ngữ được sử dụng từ tháng 6/1979 bởi Đức Gioan Phaolo II. Thuật ngữ này không có ý muốn nói về việc tái Phúc Âm hóa, nhưng nhằm diễn tả việc khai sinh lòng nhiệt thành mới hầu dẫn đưa con người đến sống thân tình với Đức Kitô[14]. Đó là việc loan báo Đức Kitô « nhờ những ngôn ngữ mới, ngôn ngữ dễ hiểu giữa một nền văn hóa khác biệt[15]», như bản văn mới đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã nêu như thế. Đối với Đức Gioan Phaolo II, điều này chỉ có thể hữu hiệu khi chính các cộng đoàn của Hội Thánh phải làm mới lại căn tính Kitô giáo của mình; nhờ đó các cộng đoàn này mới có thể làm cho xã hội nơi mình đang sống tiếp nhận được Lời[16]. Như thế, chỉ có các cộng đoàn sống trong sự hiệp thông[17] mới có thể là các cộng đoàn truyền giáo. Và ngược lại, « chính nhờ việc loan báo Tin Mừng mà Hội Thánh được xây dựng, được hình thành để trở nên cộng đoàn đức tin[18]». Truyền giáo và hiệp thông, cả hai không tách biệt nhau, đều là công trình của ơn cứu độ,

b. Loan báo ơn cứu độ nơi Đức Kitô trong bối cảnh của Việt Nam có nghĩa là gì?

Ơn cứu độ là tâm điểm của kinh nghiệm Do thái – Kitô giáo, điều ấy cũng phải là tâm điểm của việc Tân Phúc Âm hóa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta phải nói thế nào về ơn cứu độ? Bằng từ ngữ nào? Điều đó có nghĩa gì? Đó là một hệ thống các giá trị, hay một nền luân lý, hay một nghệ thuật sống trong xã hội, hay hệ tại ở sứ vụ mang tính giáo dục, hay là một sự giải phóng?

Trong phần trước, chúng ta đã phác họa vài nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam về khía cạnh lịch sử, khía cạnh cấu trúc xã hội, về tính hữu lý riêng của nó cũng như việc biểu trưng của nó. Như chúng ta đã nói, chắc chắn đó mới chỉ là một phác họa đơn giản, tuy nhiên nó cũng cần thiết để có thể giải thích đâu là kinh nghiệm riêng của các bạn trong việc gặp gỡ với ơn cứu độ của Đức Kitô.

Làm sao hiểu và diễn tả ơn cứu độ trong khuôn khổ của Việt Nam? Rất có thể có khuynh hướng bắt đầu bằng cách coi ơn cứu độ như sự loại bỏ “tính linh thánh của thế giới”, tính linh thánh mà nhờ đó đức tin được tiếp nhận; hiểu như thế thì đức tin Kitô giáo trở nên đối thủ với các thể chế hữu hình và vô hình. Người Công Giáo trên thế giới không thể không tương quan với những lực lượng vô hình địa phương được diễn tả dưới nhiều tên gọi khác nhau, và người Việt Nam cũng vậy. Những lực lượng này không đương nhiên gắn liền với tội lỗi. Người Châu Âu thường tìm cách loại bỏ chúng hoặc Kitô hóa chúng với lý do là chúng xa lạ với họ và chúng dường như xung khắc với Giáo Hội hoặc chúng ngược lại với lý trí phân tích.

Chúng ta nhận thấy rằng ngày nay, thậm chí ngay cả khi kinh nghiệm về ơn cứu độ nơi Đức Kitô được phát triển, các lực lượng ấy không biến mất trong ý thức tập thể (bao hàm cả ở Châu Âu). Chúng ta đừng nghĩ rằng việc gặp gỡ của văn hóa, của thế giới với Đức Kitô phải được thực hiện bằng cách loại trừ nhau. Chúng ta phải trở lại với Tân Ước, như cha Claude Tassin đã trình bày về điều đó khi đề cập đến thế giới của thánh Phaolo (x. Claude Tassin, tr. 87). Chúng ta phải khởi đi từ những kinh nghiệm của một nhóm người cụ thể về thế giới để nhận ra công trình của ơn cứu độ được thể hiện ở nơi ấy; chúng ta không thể loại bỏ khỏi nơi ấy những gì mà nhãn quan Châu âu thấy không hợp. Làm thế nào trong một thế giới cụ thể, Đức Kitô đến để thực thi công trình của Chúa Cha?

Xét về mặt ngữ nghĩa, kế hoạch cứu độ thật bao la; nó có thể giúp chúng ta hiểu hơn về những gì mang tính sống còn. Ơn cứu độ có thể được diễn tả bằng các từ ngữ như: giải thoát khỏi sợ hãi, cứu chuộc/chuộc lại/bảo vệ/an toàn/ở với Đức Kitô, theo Đức Kitô, tha thứ tội lỗi, chết/phục sinh, hòa giải, tạo vật mới trong Thánh Thần của Đức Kitô, tự do, trở nên con cái/ chứng nhân, lắng nghe/đối thoại, phục vụ/công bình, tình yêu, tình bạn, hiệp thông với Chúa Cha, loan báo, hiệp nhất toàn thể nhân loại, thời cánh chung.

Mọi người và mọi nhóm đều có một việc thực sự phải làm trong đức tin, đó là gọi tên và giải thích kinh nghiệm mà mình đã sống dưới ánh sáng của Thánh Kinh và Thánh Truyền. Đó là việc phải đảm nhận và lập đi lập lại không ngừng nếu ta muốn rằng việc loan báo là loan báo ơn cứu độ bởi Đức Kitô, chứ không phải chỉ là lời đề nghị gia nhập vào một nhóm, một nền văn hóa, một kiểu xã hội,một nhóm những người được ưu đãi nào đó…

Theo quan điểm Âu châu của tôi, có hai từ được nhấn mạnh trong bối cảnh hậu công đồng bởi các Đức Giáo Hoàng như Phaolo VI, Gioan Phaolo II và các đấng kế vị; đối với tôi hai từ này đóng vai trò quan trọng trong việc Tân Phúc Âm hóa, bao gồm cho cả Việt Nam, đó là đối thoại hòa giải. Lịch sử cứu độ không có gì khác hơn là lịch sử của hòa giải[19] và lịch sử của đối thoại về ơn cứu độ[20]. Chiều kích nền tảng này của việc hòa giải chúng ta đã được nghe nơi chứng từ ngày thứ sáu vừa qua của cha Vinh Sơn Thực; ngài đã kể cho chúng ta nghe về việc hòa giải giữa một làng Công Giáo với một làng không Công Giáo mà việc chia cắt tồn tại từ năm 1829 do một viên quan. Việc đối thoại cũng đã được nhấn mạnh bởi Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc trong bài nói chuyện của ngài với chúng ta vào chiều thứ bảy 12.07.2014 khi ngài trích lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Làm thế nào để người Công giáo Việt Nam có thể gọi tên công trình cứu độ bằng Thập Giá của Đức Kitô mà họ đã sống từ bốn trăm năm nay và vẫn còn được mời gọi để tiếp tục sống trong thời đại ngày nay? Vì cuộc khủng hoảng văn hóa với tốc độ chóng mặt mà Việt Nam đang trải qua và với thực tại phức tạp của lịch sử và cuộc sống nơi đất nước các bạn, tôi nghĩ rằng (tôi chỉ nghĩ chứ không xét đoán và cũng không quyết định) mệnh đề diễn tả kinh nghiệm về ơn cứu độ nơi Đức Kitô nhằm loan báo ở Việt Nam có thể là: “sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi”[21], có Đức Kitô đồng hành trên con đường hòa giải và đối thoại để trở nên con cái của Chúa Cha và sống trong sự tác động của Chúa Thánh Thần nhằm phục vụ mọi anh chị em, đặc biệt những người nghèo nhất, để có thể hiệp thông với họ[22] ». Tôi đề nghị một câu trích dài này như một lộ trình làm việc.

Một kinh nghiệm như thế về ơn cứu độ, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ dẫn đến việc dìm mình vào trong thực tại và yêu mến thực tại ấy, thay vì phải sợ hãi nó, chống đối nó hoặc tấn công nó. Chính nhờ có nhãn quan rõ ràng và tin tưởng của thực tế và nhờ một đức tin bám rễ sâu trong vinh quang của Đức Kitô, bao hàm cả những khi tăm tối, mà con người trở nên tự do và với tự do này họ có thể sống cho thế giới trong tình yêu. Như thế, trong thế giới, họ có thể gặp gỡ một cách không sợ hãi, nhưng với sự sáng suốt, những hiện tượng, những sức mạnh vô hình đè xuống tự do của họ, như trong thời đại này là tiền bạc, tình dục, quyền lực và những ràng buộc mà nó gây ra. Chắc chắn điều này không làm cho họ tránh khỏi việc có thể bị bách hại bởi thế giới, một thế giới mà họ muốn sống và yêu mến, vì họ chỉ có thể bước theo Thầy mình trên con đường tự hủy (Ga 15,20-21).

Vai trò của Giáo Hội thật bao la. Giáo Hội không thể trốn tránh khỏi sứ vụ hòa giải của mình, vì Giáo Hội là bí tích của ơn cứu độ, dấu chỉ và phương thế của ơn cứu độ đối với tất cả mọi người, chứ không chỉ đối với các Kitô hữu. Giáo Hội phải là ngôi nhà đón tiếp và đồng hành, là nơi an toàn, nơi bảo vệ, nơi đối thoại, nơi hòa giải cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những ai mỏng giòn nhất. Chính vì điều đó mà Giáo Hội phải làm việc trong khiêm tốn, không tự kiêu, làm việc với tất cả ân huệ mà mình đón nhận bằng cách chỉ chiếm chỗ rốt hết.

3. Đào tạo các linh mục tại Việt Nam

Sau khi đã lướt qua những đặc thù riêng biệt trong khung cảnh của điều gọi là thế tục hoá tại Việt Nam, và hướng tới những mục tiêu cùng phương pháp của công cuộc tân Phúc Âm hoá, ta có thể xem xét việc đào tạo các linh mục tương lai tại Việt Nam.

Điều này đòi hỏi phải quan tâm tới các yếu tố có liên quan khác nhau : thế giới đang thay đổi nhanh chóng ; Lời Chúa được đón nhận và diễn dịch theo một Truyền Thống ; ơn cứu độ thực hiện bởi Thần Khí của Đức Ki-tô ; Giáo Hội cộng đoàn phổ quát sống cho sự hiệp thông ; cộng đồng công giáo truyền thống Việt Nam gắn liền với một lịch sử chính trị và kinh tế ; ứng sinh với con người thật của mình, với những khát vọng và nhu cầu.

Tiếp theo những trao đổi mà chúng ta có được trong suốt đợt thường huấn, chúng tôi đề nghị cùng tiếp tục dòng suy tư này theo ba bước :

– Nhận ra hiện trạng tại Việt Nam ;

– Những chỉ dẫn cho việc đào tạo các chủng sinh tại Việt Nam ;

– Một đề nghị : đào luyện các chủng sinh trong cuộc đối thoại cứu độ.

a. Nhận ra hiện trạng tại Việt Nam

Sẽ là hão huyền nếu chỉ để ý tới khung cảnh chung của hiện tượng thế tục hoá tại Việt Nam mà không quan tâm tới những ảnh hưởng thực tế trên các chủng sinh. Một mặt, những người này được gọi để sống kinh nghiệm cứu độ trong Đức Ki-tô như là nền tảng của hành trình ki-tô hữu của họ ; mặt khác, là để khám phá xem họ có được gọi thật sự để trở nên chứng nhân, bằng cách dâng hiến cuộc đời của họ cho việc phục vụ Thiên Chúa và con người. Các nhà đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn trong sự tự do và đến với sự do, những con người đã thấm nhuần trong một nền văn hoá luôn luôn thay đổi theo thời đại và trong đối thoại với nền văn hoá ấy. Việc huấn luyện được nhận và sống trong chủng viện phải cung cấp những đường nét đủ sâu sắc để cho dầu có những biến đổi lớn, những điều sẽ không thiếu trong 15 năm nữa, những đường nét sâu sắc ấy có thể giúp những con người này bước theo sự dấn thân mà họ đã chọn trong phần tư thứ nhất của thế kỷ XXI trong niềm vui và phấn khởi.

Tiếp theo nhận định của cha Luc Forestier về mối tương quan giữa ơn gọi giáo sĩ và đời sống thôn quê tại Pháp ở thế kỷ XX, thì một vấn nạn đặt ra. Ngày nay, phần lớn các chủng sinh đến từ các gia đình ở thôn quê chứ không phải từ thành thị. Khi không còn các miền quê, phải chăng sẽ không còn các chủng sinh ? Làm sao có thể làm sản sinh ơn gọi trong các thành phố ? Thật không có ích lợi gì khi so sánh hai điều kiện hoàn toàn khác nhau theo thời gian, không gian và văn hoá, nhưng lại có thể là hữu ích cho các nhà đào tạo, khi hiểu biết lịch sử của Giáo hôi và hàng giáo sĩ Pháp trong thế kỷ XX, nhất là những thế kỷ gần đây. Họ sẽ có thể khám phá ra những đổ vỡ lớn đã trải qua như thế nào trong đời sống xã hội và Giáo Hội, đặc biệt là về địa vị giáo sĩ.

Sau những ngày cuối cùng này, chúng tôi thu thập vài nét đặc trưng, những nét có thể xuất hiện trong hoàn cảnh hiện nay và có thể ảnh hưởng tới các chọn lựa và dự tính của các chủng sinh. Các nét ấy không bao trùm hết mọi vấn đề và chúng tôi xin không nêu ra nguồn gốc của chúng. Đó chỉ là những công cụ để đi xa hơn trong các suy tư của chúng ta. Nếu chúng sai thì xin sửa lại cho đúng. Nếu chúng làm các bạn tổn thương, xin thứ lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi xếp các nét ấy thành năm phần : các áp lực xã hội, những hiểu biết sai lầm, hoàn cảnh chính trị, các truyền thống, hoàn cảnh con người.

Các áp lực xã hội cho một sự thăng tiến địa vị nhanh chóng :

– sự an toàn : nơi mà cấp đại học dẫn tới thất nghiệp, chủng viện kết thúc với một công việc ;

– sự nhìn nhận : truyền thống gia đình làm cho việc có một đứa con là linh mục hay tu sĩ (có thể cũng có trong Phật Giáo) mang lại cho người mẹ một cương vị xã hội cao hơn. Bà có thể khuyến khích mạnh mẽ người con ;

– phẩm cách : linh mục là một người được tôn trọng trong xã hội.

– giáo xứ hơn là chủng viện : chuộng sự giúp đỡ tinh thần và vật chất của các tín hữu hơn là sự khắc khổ của việc giảng dạy trong chủng việc hay trong học viện ;

– sự cám dỗ của nước ngoài : khả năng để đi qua Phương Tây có thể xuất hiện dưới hình thức một yếu tố thuận lợi cho một « sự nghiệp » hoặc các ham muốn trần tục, cho việc nâng giá trị vào một tầng lớp xã hội cao hơn.

Những hiểu biết sai lầm có thể của đời sống giáo sĩ :

– nghề nghiệp : chức linh mục được nói tới như là một nghề, một chức năng trong xã hội (ngay cả từ lễ phong chức trong tiếng Việt được hiểu theo hướng này), và không phải là một ơn gọi[23]hay một việc phục vụ ;

– giáo xứ : linh mục hiểu như mục tử và linh hoạt viên chỉ riêng cho các ki-tô hữu, và không có trách nhiệm cho tất cả mọi người nam và nữ trong giáo xứ không kể họ thuộc về ai ;

– không có ý thức về sứ vụ cho muôn dân – ad gentes ;

-quyền hành : linh mục như ông vua, vắng bóng ý nghĩa của việc chia sẻ trách nhiệm với giáo dân ; quên rằng quyền bính là cho việc phục vụ ;

– sự sao chép : hoạt động bằng chép lại, bằng lặp lại những gì đã được biết, chứ không phải là sự sáng tạo dưới tác động của Thánh Thần ;

– sự kết tội : khiển trách đời sống các tín hữu thay vì đồng hành với họ, bằng lòng với việc trình bày các bài giảng thay vì để cho Lời của Thiên Chúa làm việc và rồi cống hiến một bài giảng lễ ;

– thói coi mình là trung tâm : làm thất vọng từ từ các tín hữu bằng một đời sống tự kỷ, hướng chiều về các tiện nghi trước khi sẵn sàng cho họ. Nếu như việc kính trọng tiếp tục được các tín hữu lớn tuổi dành cho linh mục thì những người trẻ trả lời bằng một sự thờ ơ không lui tới. Chỉ có những người từ độ tuổi tứ tuần mới thử phản ứng và nói lên những gì họ nghĩ và cảnh báo cho vị linh mục.

Những ảnh hưởng của hoàn cảnh chính trị

– trường công : một ảnh hưởng xấu trên cách suy nghĩ, một sự phá huỷ cấu tạo ;

– việc huấn luyện : trình độ trong các trường và đại học rất yếu ;

– việc cấm đoán : Giáo Hội Công giáo không thể mở trường hoặc các hội thảo chuyên đề cho việc giáo dục nhân bản chất lượng ;

– tài xoay xở : bị nhầm lẫn với việc vắng bóng của sự nghiêm túc trong việc áp dụng luật và sự biến chất, giấu giếm, không nói hoặc chỉ nói một phần, nhất là nói dối trắng trợn trở nên một cách để tồn tại, không có giá trị luân lý.

Từ thực tế của các truyền thống

– cấu trúc Khổng giáo của xã hội Việt Nam (chữ hiếu, phần 31) ;

– Ki-tô giáo của những xác tín, của truyền thống, của nhóm, với những quy luật của chúng, dựng lên đối lại với các nhóm khác. Từ khi mà các hình thức khác của xã hội xuất hiện, điều đó có thể làm nguy hại tới hệ thống, đặt lại vấn đề hệ thống đó ;

– nhu cầu bảo tồn và duy trì căn tính của xóm làng công giáo, nhất là khi phải chịu di cư và bị phân tán ;

– một sự tự do cá nhân ít quan trọng hơn mối lo của nhóm đem lại sự bảo vệ, an toàn.

Màu sắc của hoàn cảnh con người

– khung cảnh an bình : người ki-tô hữu trẻ lớn lên trong hơi ấm an bình của giáo xứ, của nhà xứ, của linh mục, của các tu sĩ. Người trẻ này sẽ bị cám dỗ để muốn kéo dài thêm hoàn cảnh này, nơi mà anh ta tìm thấy sức mạnh, bình an và không bị ném ra ngoài đường ;

– cảm xúc : báo cáo về tính dục thay đổi nhanh chóng với sự giảm sút các mối liên hệ gia đình (đại học, thành phố) và việc dựa vào các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (các liên kết, hình ảnh, không tiêu tốn) ;

– sự lo âu : vắng bóng của kinh nghiệm về lòng thương xót làm cho linh mục khô cứng với người khác và với chính mình ;

– sự ngạo nghễ : tăng vị thế xã hội có thể tạo ra một khoảng cách có thề làm cho quên thấy khinh thị nguồn gốc xã hội, và ưu đãi cho nhóm thân cận ;

– quên người nghèo : sự thoải mái xã hội tách ra cách dễ dàng và mời mọc cho một sự lấp đầy cùng lúc với bỏ quên người nghèo ;

– sự cự tuyệt : nghĩ mình là một hữu thể tách biệt. Các linh mục thuộc về thế giới của họ : xã hội ảnh hưởng trên Giáo Hội và các thành viên của Giáo Hội. Cũng vậy, Giáo Hội ảnh hưởng trên thế gian bằng lời chứng, bằng sự hiện diện, bằng hoạt động kề cận người nghèo, để cho công bằng đến. Không biết Giáo Hội có còn muốn làm việc đó nữa hay không ?!

b. Những định hướng cho việc đào tạo các chủng sinh

Các trao đổi trong những ngày thường huấn thật dồi dào. Như chúng tôi vừa mới khai triển trên đây, những điều ấy cho phép chúng tôi nhấn mạnh rằng: thực tế của bối cảnh và của những con người được coi như là nền tảng để hiểu biết bản thân và thế giới của mình.

Ba yếu tố khác mà chúng tôi thấy cần phải quan tâm. Những điều ấy xứng đáng được phát triển cách rộng rãi :

– Sự trao gửi con người cho ơn cứu độ được ban trong Đức Ki-tô. Ơn cứu độ này có thể nói như là việc sám hối quay về với tình yêu và tự do, nó đưa chủng sinh vào trong sự gắn kết thường xuyên của việc giao hoà với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình ;

việc dấn thân phục vụ thế giới được hình thành với lòng hăng say năng động của toàn thể con người bên trong và bên ngoài, cho và với người khác ;

con đường biến đổi được thực hiện xuyên qua các thử thách và trong biến chuyển của thời gian. Con đường này diễn tả khả năng thích nghi vừa cương định vừa uyển chuyển. Và đó là tính bền bỉ của một ơn gọi biết để cho Thần khí của Đức Ki-tô hướng dẫn.

Những điều trên sẽ còn được thấy lại trong phần mô tả tiếp theo của chúng tôi về : những yếu tố tiên khởi cho đời sống linh mục ; những trục giáo dục ; vài phản hồi từ Kim chỉ nam cho sứ vụ và đời sống các linh mục.

Các yếu tố tiên khởi cho đời sống linh mục

– bén rễ sâu trong tương quan cá vị với Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ con người ;

– năng tìm đến với Lời Thiên Chúa, với lời cầu nguyện trong nơi bí ẩn và các bí tích, trong việc phục vụ người nghèo ;

– sống ơn cứu độ ngay cả trong những sợ hãi, kêu gào, hoà giải, đối thoại. Hãy trở về với các chuẩn mực và giá trị mà thánh Phaolo đề nghị: Liên hệ với Đức Giêsu là phương cách để giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ ;

– nếm trải niềm vui phục vụ người nghèo, bí tích của Thiên Chúa (Mt 25, 31-46 ; x. Phan Tấn Thành, tr. 26) ;

– hướng tới Đức Ki-tô, Đấng Hòa Giải. Xây dựng những cộng đoàn hoán cải ;

– là anh em giữa các anh em, phục vụ họ[24] ;

– chối từ gắn chức tư tế thừa tác với quyền thống trị, nhưng như là « sự phục vụ dân chúng[25]»;

– mở rộng không gian cho các phụ nữ trong các quyết định quan trọng[26];

– giữ gìn mối quan tâm để xây dựng cộng đoàn mở ra ;

– không đánh giá công việc bằng các kết quả (số lượng) nhưng dựa trên các hoa trái (thực tế ơn cứu độ trong đời sống của con người);

– lưu lại thường xuyên trong việc hiểu biết bản thân : sáng suốt, sự thật ; chọn các mô hình liên tiếp ; đào sâu căn tính trong tương quan với người khác, không sợ hãi ;

– tỉnh thức hướng về một đời sống cân bằng trên tất cả các bình diện, kể cả cảm tình. Tất cả việc phục vụ, tất cả đời sống cần thiết một sự lành mạnh về tâm trí, về thể lý, là điều đưa tới kinh nghiệm rằng tất cả là không thể ;

– hiểu biết rằng luật lệ cũng như tự do là cho hành động với tình yêu. Sống theo luật mới, luật của Thần Khí ;

– có các bề trên, trong tất cả mọi tình huống, là những người thầy của cuộc đời, chứ không phải là những quan toà ;

– sống niềm mong ước sứ vụ ;

– làm việc và sống cho người khác. Một việc phục vụ thực thụ nhận ra mình nơi các hoa trái ;

– sự giải thần thoại thế giới mời gọi vào một trách nhiệm cho thế giới[27];

– phát triển sự quan tâm lo lắng cho việc phục vụ toàn thể xã hội chứ không phải chỉ cho ích lợi của các tín hữu, lấy lời nói để chăm lo cho những người thiệt thòi nhất, đánh liều cuộc sống mình ;

– về những thách đố này cho đời sống các linh mục, chúng tôi xin gợi lại bản văn nền tảng của Tông Huấn “Niềm Vui Phúc Âm” các số 71-109.

– học vâng phục theo ý muốn của Thiên Chúa cho chính mình[28];

– phát triển sự nhạy cảm với Thánh Thần, để từ bỏ trong hoạt động ;

– để đồng hình đồng dạng với Thầy và trong sự tự hạ của Người (Pl 2,11);

có những bước chân trong thế giới và tinh thần trong Thiên Chúa để biến đổi thế giới : sống hữu thể nhập thể

Các trục giáo dục

– xem xét toàn thể hoàn cảnh của Giáo Hội để vận dụng các định hướng cho tương lai của đời sống giáo sĩ chứ không chỉ xử lý câu hỏi của các chủng sinh ;

– trước hết nên có mối quan tâm về chất lượng[29]; việc nhà nước trước đây giới hạn số ứng sinh, đưa tới việc chọn lọc các ứng sinh có chất lượng. Từ giờ trở đi sẽ chỉ là việc của Giáo Hội ;

– đề nghị các mô hình linh mục, bởi vì khi gắn chặt vào Đức Ki-tô, có khả năng đối thoại với và cho thế giới ;

– đào luyện các cộng đoàn tới « sự mở rộng trong giới hạn » ;

– quan tâm tới việc tạo ra các mô hình phù hợp với thành thị[30];

– thiết lập các cộng đoàn mở ra cho các cư dân khác ;

– sáng kiến các đề nghị phụng vụ phù hợp với các thế hệ mới[31], mở tới các kinh nghiệm thiêng liêng mới (Taizé, Đại hội giới trẻ thế giới, hướng đạo sinh, …) ;

– làm cho người ta biết rằng luật lệ hướng tới phục vụ cho tự do, nghĩa là cho các phán đoán. Cách thức thực hiện một quy định có làm cho ta tự đo để phục vụ hay là xếp lại trong chính mình ? (Cha Tassin) ;

– đào luyện những con người sống tinh thần triệt để của Tin Mừng[32];

– đào tạo hướng tới tự do chứ không phải là nô lệ. Có ưu tư để giáo dục tới chính những gì mà Đức Ki-tô được hình thành trong người khác chứ không phải tới những gì mà người khác có thể đồng ý với chính họ. (Cha Tassin) ;

– trong toàn thể con người, trong toàn bộ văn hoá, một phần lạ lẫm gây sợ hãi. Nhà giáo dục cần dạy cho người khác sống với sự lạ lẫm này (Cha Tassin) ;

– không lẫn lộn mục tiêu : sẽ là giảm thiểu chủng sinh thành những chú bé con nếu như chỉ tập trung vào một luật lệ hoặc có thể hoặc không được dùng internet (điều này khuyến khích một thể chế độc tài: điều khiển các trẻ nhỏ !) trong khi đó mục tiêu là hướng họ tới tuổi trưởng thành ;

– sự nguy hiểm của luật là khi nó mở tới sự tự mãn khi đã chu toàn bổn phận. Trong trường hợp đó, khi ta hoàn thành bổn phận, Thiên Chúa không thể đi vào trong chúng ta nữa ;

– hiểu đúng thế nào là tự do thật sự. Đem đến một môi trường thuận lợi cho sự tự do thực thụ, nhất là với những gì liên quan tới luật và các quy định trong chủng viện ;

– giáo dục cho việc phục vụ người khác chính là giáo dục cho sự tự do ;

– tặng các nhà đào tạo tự do đích thực ngay từ thuở niên thiếu và tuổi vị thành niên ;

– thao thức của Tin Mừng là lường trước những thay đổi về não trạng sống. Liệu các nhà đào tạo đã sẵn sàng thay đổi cái nhìn khi họ bắt những người trẻ hơn phải đổi thay não trạng ?

– tập gọi tên các sự việc cùng với các chủng sinh (internet, giới tính, tiền bạc, quyền hành, các nỗi sợ, …), nhìn ra điều thật, từ chối những gì là ảo tưởng;

– chủng sinh là người chịu trách nhiệm cho việc huấn luyện của mình. Cần dạy cho chủng sinh biết cách học. Họ sẽ phải học hỏi trong suốt cuộc đời ;

– khuyến khích sự đa dạng của các ơn gọi chứ không phải chỉ rập khuôn một mẫu[33] ;

– thao thức giữ gìn tính thống nhất bốn khía cạnh của việc đào tạo chủng sinh.

Vài dư âm của Cẩm nang sứ vụ và đời sống các linh mục, ngày 11 tháng 2 năm 2013[34], phân phối bởi Cha Hùng, các hồi âm này cùng với các suy tư của các nhóm khác nhau :

– « Việc huấn luyện để sử dụng internet có một tầm quan trọng đặc biệt, cũng vậy đối với các kỹ thuật tin học mới. » 93 ;

– « Đứng đầu, (Giám mục) có nhiệm vụ tế nhị để huấn luyện các nhà đào tạo, cho họ thủ đắc « khoa học tình yêu » mà họ chỉ học hỏi được trong sự ‘kề cận’ với Đức Ki-tô’. Dưới sự hướng dẫn của Giám mục, các linh mục này sẽ không có một ước muốn nào khác hơn là để phục vụ các anh em của họ trong công cuộc đào tạo. » 108 ;

– « Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ cần những người rao giảng Tin Mừng mới, các linh mục dấn thân sống chức vụ tư tế của họ như con đường nên thánh » (Gioan Phaolô II, Pastores dabo vobis, số 82) 115 ;

– « Vị linh mục cần tái khám phá ý nghĩa của của việc suy gẫm và của sự an bình nội tâm, ‘để đón lấy nơi con tim sức mạnh tròn đầy tiếng nói của Thánh Thần và để thống nhất cách khít khao hơn lời cầu nguyện cá nhân với Lời của Thiên Chúa, và tiếng nói công khai của Giáo Hội’». 76 ;

– Khía cạnh hữu thể của lời cầu nguyện. tr.8 « Lời cầu nguyện ‘tạo ra’ vị linh mục, đặc biệt là Mục tử. Và đồng thời, mỗi linh mục ‘tự tạo’ ra chính mình nhờ vào lời cầu nguyện (Diễn văn của Đức Gioan Phaolô II kỷ niệm 30 năm sắc lệnh Presbyterorum Ordinis ngày 27 tháng 10 năm 1995, số 5). » 76 ;

– « Vị linh mục không được gọi để được phục vụ nhưng để phục vụ. Ngài chú ý tới các dấu chỉ của thời đại. » 77 ;

– « Mối liên hệ giữa đức khó nghèo và tinh thần phục vụ. Mặc dù ta không nhìn đức khó nghèo theo nghĩa một lời khấn, ta cũng cần chọn đời sống đơn sơ, tương hợp với những gì ta nói. » 83 ;

– Việc huấn luyện linh mục « cần toàn diện, không ưu tiên cho một khía cạnh để làm tổn hại khía cạnh khác… Điều cần nói là không phải là một việc đào luyện nhưng là một sự biến đổi chính hữu thể con người, và thay đổi hữu thể hoàn toàn chỉ có thể đối với Thiên Chúa, qua hoạt động của Thần Khí của Người… » tr. 9.

c. Một đề nghị: đào tạo các chủng sinh về việc đối thoại cứu độ

Chúng tôi muốn kết luận bằng một suy tư đã trình bày trong cuộc hội thảo quốc tế về việc đào tạo các Linh mục nhân dịp kỷ niệm 350 năm thành lập Đại chủng viện Québec, Canada, tháng 6 năm 2013. Đức Cha Lacroix, Giám mục Québec, đã khai mạc những ngày hội thảo này. Ngài là Giám mục kế vị Đức Cha François de Montmorency-Laval (được Đức Giáo hoàng Phanxico phong thánh ngày 03 tháng 4 năm 2014!), ngay từ đầu đã thuộc Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris cùng với các Đức Cha Lambert de La Motte và Đức cha Phan-xi-cô Pallu được sai đến miền Bắc (Việt Nam).

Đức Cha Lacroix đã chỉ ra rằng người linh mục hôm nay phải trở thành nhà truyền giáo, có khả năng ra khỏi chính mình, đi đến vùng ngoại vi như là một con người của sự gặp gỡ. Thánh Giám mục Montmorency-Laval, ngay khi vừa tới nước Pháp mới (Québec hiện nay), đã lưu ý rằng việc đào tạo linh mục phải được hướng đến việc “sai họ đến với tất cả mọi cuộc gặp gỡ”. Điều đó nhấn mạnh rằng chính trong những cuộc gặp gỡ này Chúa Kitô, trở nên hiện diện với người khác, ngài có thể hành động nếu ta để cho ngài hành động.

Các bài tham luận khác của khoá hội thảo đã nhắm đến: sự thống nhất của người chủng sinh trong sự biến đổi nhờ cuộc đối thoại cứu độ; các cuộc đối thoại với các nền văn hoá cổ xưa, với các tôn giáo và với người nghèo rất cần thiết; cuộc đối thoại và hoà giải như là những nền tảng của nền văn minh Tình yêu: “Việc loan báo Tin Mừng tiếp nối cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại, một cuộc đối thoại đã đạt đến đỉnh cao nơi Đức Giêsu Kitô.” (Ecclesia in Africa, 79).

Các bài tham luận khác lại nhấn mạnh rằng một trong những thách đố của việc đào tạo Linh mục tại Québec là việc thủ đắc khả năng thiết lập tương quan và đi vào đối thoại cho, đối thoại với và đối thoại trong thế giới; và tham luận khác nữa cho rằng kinh nghiệm sống đức tin và việc thường xuyên, bền bỉ gặp gỡ Lời Chúa phải nằm ở trung tâm của kinh nghiệm đức tin và đối thoại của linh mục.

Thật ngạc nhiên khi thấy các tham luận viên của khoá hội thảo này đồng quan điểm với nhau trong việc đánh giá ích lợi của việc đào tạo những người trẻ này về đối thoại trên mọi bình diện, nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ, đang khi mà Phương Tây có vẻ đang phải đối diện với vấn đề thế tục hoá. Thật vậy, đối với những người mới trở lại và được thâu nhận vào các chủng viện Âu-mỹ, một đề nghị như vậy là quá đơn giản và ngây ngô. Nó biểu lộ nguy cơ sao nhãng việc loan báo Chúa Ki-tô trong não trạng của xã hội và làm tan biến nỗ lực loan báo Tin Mừng sau những tấn công của một sự thoả hiệp nào đó. Dẫu sao, dừng lại trong viễn cảnh “lỏng lẻo” này về đối thoại chính là khinh thường việc đối thoại. Đúng ra, riêng việc đối thoại cũng cần phải có một khảo luận thần học, nên thật là quan trọng đối với chúng ta việc vắn gọn xác định lý do thần học làm nền tảng cho xác tín rằng : đối thoại phải có một vị trí trung tâm trong việc đào tạo và trong đời sống của linh mục.

Như tôi đã nhắc đến trong khoá bồi dưỡng năm 2012, hạn từ (đối thoại) không chỉ có nghĩa là một phương pháp tranh luận nhằm tìm ra điểm tương đồng hay những sự đồng thuận, nhưng tiên vàn nó là một thái độ để cho mình vượt qua và để cho mình nhờ lời (logos). Đối thoại (dialogos) được hiểu trước hết như là sự kiện đi ra (dia) khỏi chính mình bằng lời (logos) của người khác; là sự trỗi dậy nơi mình một lời do bởi (dia), nhờ người khác. Trong viễn cảnh tây phương được dệt nên bởi thần học Ki-tô giáo và các trào lưu triết học, khái niệm lời (logos) đầy ắp những cặp phạm trù như tư tưởng và ý muốn, ngôn từ và hành động, sự lắng nghe và thái độ sẵn sàng đón nhận. Đối với mạc khải Ki-tô giáo, đối thoại bắt nguồn từ Ngôi Lời, vừa là chân lý, vừa là tình yêu đến từ Thiên Chúa mà con người được mời gọi lãnh nhận và hiểu biết. Đức Giêsu, Đấng Ki-tô là Lời thiên linh, nhờ Ngài mà vũ trụ được tạo thành và khi đi vào trong nhân loại, Ngài mạc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới bằng đời sống, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Chính nhờ, với và trong Lời này mà Thiên Chúa đã đến gặp gỡ thế giới, nghĩa là đối thoại với thế giới. Bằng sự kết hợp hai hạn từ dia logos, đối thoại được hiểu là sự điều chỉnh bản thân cho tương hợp với thực tại của người khác bằng sự hiểu biết và tình yêu. Đây chính là loại đối thoại mà vị linh mục cần phải tiếp cận. Cách đối thoại này mang trọng trách hoàn toàn khác với việc là dụng cụ để thuyết phục người khác và để đạt được một thoả thuận.

Trở thành con người của đối thoại, đối với một linh mục, chính là việc trở nên có khả năng làm chứng và phục vụ, bằng đời sống và lời nói. Lịch sử cứu độ gắn kết linh mục với một dân mà ngài muốn loan báo (Tin Mừng). Như chúng ta đã thấy cùng với Đức Phao-lô VI, lịch sử cứu độ cần phải hiểu như là cuộc đối thoại cứu độ. Đối thoại chính nơi ơn cứu độ được trao ban để đón nhận, để sống và để thông truyền. Một cách cụ thể, đối thoại phải được hiểu như là quyết định của cá nhân sẵn sàng lắng nghe người đến với mình với tất cả những gì họ là. Việc đi vào trong Giao Ước cứu độ và Thập Giới mở ra con đường sống với và sống cho người khác. Đối với Israel cũng như đối với chúng ta, đều khởi đầu giống nhau bằng lời kinh Shema’ (Đnl 5,1; 6,4). Việc học biết đối thoại, không bao giờ kết thúc, được thực hiện bằng một cách thức ưu tiên trong và nhờ việc lắng nghe Lời Chúa ở nơi mà thế gian và những tiếng kêu của nó (thường là âm thầm) cần được lắng nghe.

Giáo dục việc lắng nghe tiếng Chúa hay lắng nghe người khác không thể tách rời nỗ lực huấn luyện để hiểu và để chọn lựa đón nhận người khác. Hai thời điểm của ước muốn thấu hiểu và quyết định tiếp nhận, nếu thực sự được tiến hành, có thể phải trả giá đắt, bởi vì chúng bao hàm hai sự mất mát. Sự mất mát đầu tiên nảy sinh cùng với việc từ bỏ tin rằng người ta có thể hiểu, có thể nắm bắt được người khác, chấp nhận người khác nơi mình. Sự mất mát thứ hai phát sinh việc từ chối cho rằng lời mời gọi đón nhận phải được chấp nhận; và không chấp nhận rằng: đối tượng của một sự đáp lời nhất định phải hợp với sự mong đợi. Những người muốn cống hiến cho thế giới chìa khoá của hạnh phúc đích thực có thể cảm nhận cách rõ ràng và đau đớn trong cuộc gặp gỡ với một thế giới đã bị tục hoá, thực trạng của việc không thể nắm bắt và sự thiếu vắng đáp ứng tương xứng. Điều này không phải là thất bại của việc đối thoại, nhưng lại là điều thường bị chỉ trích. Những sự mất mát này chỉ đơn giản nhắc nhớ rằng tư thế đối thoại nhất thiết phải là tư thế của sự tự huỷ theo mẫu gương Chúa Ki-tô. Trong tư thế này, người ta phải chấp nhận chết đi nơi mình, chấp nhận từ bỏ vị thế thống trị để tiếp nhận tha nhân như họ muốn và như họ có thể trao ban để gặp gỡ. Chính trong khi hướng tâm về thái độ tin tưởng và từ bỏ này mà ơn cứu độ Chúa Ki-tô được loan báo và được thực hiện. Vì Chúa Ki-tô là Đấng giao hoà các mối tương quan bị tan vỡ và thiết lập việc đối thoại với Chúa Cha. Ngài là Đấng dẫn đưa người ta đến việc để mình được đón nhận bằng tình yêu của Chúa Cha. Người loan báo Tin Mừng biết rằng chỉ nơi Chúa Ki-tô việc lắng nghe và lời nói mới được trao tặng trọn vẹn giữa người này và người kia ; nơi Ngài việc đối thoại mới trở thành đối xứng và dẫn đưa các bên đối thoại tới niềm vui của sự gặp gỡ được thực hiện. Đây là thời điểm cánh chung như là dấu chỉ, dấu chỉ của tiệc cưới, ngay khi gặp những khó khăn để cho mình được Chúa Ki-tô dẫn dắt đi tới và cho việc đối thoại.

Dẫn đưa vào cuộc đối thoại cứu độ và trao ban để sống sự đối thoại này là thành phần của thách đố trong việc đào tạo linh mục. Thách đố này không phải là điều tuỳ phụ bởi vì ở đây chính là vấn đề về ơn cứu độ. Các chủng sinh học trong việc đối thoại để trở thành những mục tử đích thực theo gương Chúa Ki-tô và nhờ Ngài trở thành những con người không sợ hãi người khác, cũng chẳng sợ hãi chính mình ; trở thành người biết lắng nghe Chúa Cha và lắng nghe anh chị em mình. Trong quá trình thống nhất bản thân, đối thoại là con đường trên đó các chủng sinh dần dần đạt tới điều mà họ là, bằng lời phục vụ, bằng việc phục vụ biết nói, tức là trở thành những con người cá vị luôn luôn khám phá nhiều hơn nữa căn tính của họ, nhờ và trong việc mở ra với người khác. Tóm lại, đối thoại là con đường dẫn đến sự sống bằng Lời nhập thể, trên đó các chủng sinh để cho ơn gọi của họ được thực hiện,- cũng như đối với mọi người, bằng việc hoàn toàn là “sự đối thoại”, sẵn sàng cho mọi cuộc gặp gỡ.

Dung mạo đối thoại này, nghĩa là sẵn sàng cho mọi cuộc gặp gỡ, ngày hôm qua ở giáo xứ Ka-đơn, chúng ta đã thấy một ví dụ rực rỡ. Ở đó, một ngôi thánh đường tuyệt vời vừa được cung hiến, qua kiến trúc của nó, đã cho thấy khả năng đi vào đối thoại của cộng đoàn Công giáo với môi trường chung quanh. Đây chính là điều mà chúng ta đã có thể kiểm chứng trong mọi giai đoạn của những bữa tiệc Thánh Thể chúng ta chia sẻ với nhau. Liệu chúng ta có thể giúp cho các Linh mục tương lai của Việt Nam học tập được điều này vì lợi ích của việc loan báo Chúa Ki-tô, Đấng cứu độ cho mọi người ? Đây là điều tôi cầu chúc cho từng quý cha trong trách vụ của mình và cho toàn thể Giáo Hội của chúng ta.

———————————–

[1]Về phương diện thiêng liêng, thế giới hiện đại này xem ra vẫn loay hoay mãi trong cái mà một tác giả trước đây đã gọi là: “bi kịch của nền nhân bản vô thần”. Một đằng, người ta bắt buộc phải nhận thấy ngay giữa lòng thế giới đương thời này cái hiện tượng đang thành hình như nhãn hiệu nổi bật nhất của nó: sự tục hóa. Chúng tôi không nói đến tục hóa là nỗ lực khám phá trong thế giới thụ tạo, trong mỗi sự vật hay trong mỗi biến cố của vũ trụ, những định luật chi phối sự vật và biến cố một cách độc lập nào đó mà cũng xác tín rằng Đấng Tạo Hóa đã đặt ra các định luật này. Tục hóa như thế là một nỗ lực đúng đắn và chính đáng, không phải không đi đôi được với đức tin hay với tôn giáo. Theo chiều hướng này, Công đồng mới đây đã quả quyết sự độc lập chính đáng của văn hóa và đặc biệt là của các khoa học (78). Ở đây chúng tôi xét tới một thứ tục hóa thực sự, một quan niệm và thế giới theo đó thế giới tự nó có thể giải thích được mà không cần tới Thiên Chúa, vì vậy Thiên Chúa trở thành thừa thãi và choán chỗ vô ích. Tục hóa kiểu này, để nhìn nhận khả năng của con người, rốt cuộc đưa tới chỗ bỏ qua Thiên Chúa và thậm chí chối bỏ Thiên Chúa nữa. Những hình thức mới của chủ nghĩa vô thần – một chủ nghĩa vô thần quy cả về con người, không còn trừu tượng và siêu hình nhưng thực dụng, có kế hoạch và đấu tranh – xem ra bắt nguồn từ đó. Trong liên hệ với sự tục hóa vô thần này, người ta thường đề nghị với chúng ta, dưới đủ thứ hình thức, một nền văn minh tiêu thụ, cái chủ trương lấy khoái lạc làm gía trị tối thượng, một ý chí sức mạnh và thống trị và đủ thứ kỳ thị; bao nhiêu thứ đó là bấy nhiêu khuynh hướng phi nhân của “chủ nghĩa nhân bản” kia. (Phaolo VI, Evangelii Nuntiandi, số 55. Tông huấn được ban hành 10 năm sau khi kết thúc Công Đồng, ngày 8 tháng 12 năm 1975 sau khi triệu tập kỳ họp thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục về việc loan báo Tin Mừng).

[2]Benedicto XVI, Tiếp kiến chung, ngày 14 tháng 11 năm 2012, trích dẫn bởi đức hồng y Barbarin, La pluralité religieuse et le sécularisme, Hội thảo tại trung tâm Thánh Louis, Roma, ngày 26 tháng 11 năm 2012.

[3]Đức Hồng y tổng trưởng Mauro Piacenza, “Presentation”, Bộ Giáo Sĩ, Directoire pour le ministère et la vie des prêtres, Vatican, Liberia Editrice Vaticana, ngày 11 tháng 02 năm 2013. Ấn bản mới của Directoire Dives Ecclesia pour le ministère et la vie des prêtres, Vatican, 31 tháng 3 năm 1994, tr.5

[4]Nt.

[5]Benedicto XVI, Trao đổi với các nhà báo trên chuyến bay tới Bồ Đào Nha, thứ Ba, 11 tháng 5 năm 2010. Xem Barbarin. Chúng tôi không trở lại với những phần phân biệt có thể có giữa chủ nghĩa thế tục và việc thế tục hoá; cái thứ nhất có mang âm hưởng tiêu cực như là một sự chối bỏ, trong khi đó cái thứ hai xuất hiện trước đó như một sự kiện.

[6]Nguyen The Anh, “Gia đình truyền thống Việt nam trong sự biến động lịch sử.” Approches-Asie, số 13 (1996), các trang 57-66.

http://paristimes.net/fr_culture/famille_viet-ntanh.htm, tham khảo tháng 7 năm 2014

[7]Trong quá trình trao đổi xuất hiện những câu hỏi mà các nhà đào tạo bận tâm: sự giản lược vào những ảnh hưởng, chất lượng kém của các ứng viên, động lực thực sự của họ, thói quen nói dối, một nền giáo dục yếu kém, thái độ công kích hay tính độc lập, sự vắng mặt các ứng viên đến từ thành phố, và đa số đến từ miền quê, sự thay đổi thế hệ, tiền bạc, mạng internet, sự biến mất nền luân lý vv…

[8]“Bởi vì mang tính chất truyền giáo, Giáo Hội phải đi vào đối thoại với thế giới” (Phaolo VI, Ecclesiam Suam, số 65. “Như ta đã nói, nếu thực sự Giáo Hội ý thức được điều Chúa muốn mình là, hẳn sẽ trỗi dậy trong Giáo Hội một sự tròn đầy đặc thù và một nhu cầu khuếch trương, với một ý thức rõ ràng về một sứ mạng vượt trên chính mình và về trách nhiệm phải phổ biến. Đó là trách nhiệm phải loan báo Tin Mừng. Đây là mệnh lệnh truyền giáo. Đây là bổn phận tông đồ … (…) Do bản chất, bổn phận này gắn liền với di sản nhận đón nhận từ Chúa Kitô, là trải rộng kho tang này, là đem trao tặng và loan báo nó. Chúng ta đã biết rất rõ : “Vậy, anh em hãy ra đi, giảng dạy cho muôn dân” (Mt 28,19) là mệnh lệnh tối hậu của Chúa Kitô ban cho các tông đồ. Những vị này xác định sứ vụ không thể sao nhãng của họ bằng chính tên của các tông đồ. Chúng tôi sử dụng danh từ, đã trở thành phổ biến, đối thoại để nói về sự thúc đẩy nội tại của đức ái được diễn tả như là một ân huệ bề ngoài.” (Ecclesiam suam, số 66.)

[9]Được thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II lấy lại. Christifideles Laici, số 33. “Chính trong việc loan báo Tin Mừng là nơi tập trung và là nơi thể hiện tất cả sứ mạng của Giáo Hội”.

[10]x. Tựa đề của Tông Huấn về việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ.

[11]Chirstifideles laici, số 34.

[12]Xuất bản 10 năm sau khi kết thúc Công Đồng, ngày 8 tháng 12 năm 1975, sau lần triệu tập khoá họp thứ ba của Thượng Hội Đồng Giám Mục về loan báo Tin Mừng.

[13]Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 18.

[14]“Tái khám phá niềm vui của việc tin, và sự hứng khởi thông truyền sức mạnh, vẻ đẹp của đức tin là một sự “được thua” căn bản của việc tái loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội được mời gọi thực hiện. Đừng sợ! Anh chị em hãy lên đường để dẫn đưa những người nam nữ của đất nước anh chị em đến với Chúa Giêsu, trở thành bạn hữu của Người” (Benedicto XVI, tại Lộ Đức, 2011).

[15]Rino Fisichella, Tái Loan Báo Tin Mừng, Paris, Salvator, 2012, tr. 35.

[16]“Việc tái loan báo Tin Mừng“nhắm đến việc đào tạo việc sự hiệp thông trưởng thành trong Giáo Hội, tức là nơi mà đức tin được loan truyền và thực hiện tất cả ý nghĩa nguyên tuyền của việc hội nhập vào ngôi vị Chúa Kitô và vào Tin Mừng của Người, ý nghĩa của sự gặp gỡ và sự hiệp thông cách bí tích với Người, của một cuộc hiện sinh được sống trong đức ái và trong sự phục vụ” (Christele fideles, số 34).

[17]“Điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, điều chúng tôi đã nghe, chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa, để cả anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi. Và chúng tôi, chúng tôi được hiệp thông với Chúa Cha, cùng với Con của Người, Đức Giêsu Kitô” (1Ga 1,3).

[18]Christele fideles, số 33.

[19]“Lịch sử cứu độ – lịch sử của toàn thể nhân loại cũng như lịch sử của từng người thuộc mọi thời đại,- là lịch sử đáng ngưỡng mộ của sự hoà giải: Thiên Chúa Cha giao hoà với nhân loại bằng máu và bằng thập giá của Con Ngài đã làm người và như Ngài làm nảy sinh một gia đình mới của những người đã được giao hoà. Sự hoà giải này thật cần thiết, vì có một sự đoạn giao bởi tội lỗi, từ sự đoạn giao này đã làm phát sinh tất cả mọi sự đoạn giao dưới mọi hình thức ngay trong tâm hồn con người và những gì xung quanh con người” (Reconciliatio et Paenitentia, số 4).

[20]“Lịch sử cứu độ kể lại một cách chính xác cuộc đối thoại lâu dài và dưới nhiều hình thức, xuất phát từ Thiên Chúa và nối kết với con người một cuộc đối thoại phong phú và đáng ngạc nhiên. Chính trong cuộc trao đổi chuyện trò này của Chúa Ki-tô với con người (x. Br 3,38) mà Thiên Chúa đã để cho hiểu được một chút gì đó về chính Ngài về mầu nhiệm sự sống của Ngài, một cách chính xác trong bản thể của Ngài, trong Ba Ngôi riêng biệt; Chính tại đó mà cuối cùng Ngài đã nói được nhận biết ra sao: Ngài là Tình Yêu; và Ngài muốn được chúng ta tôn thờ thế nào và phụng sự làm sao: lệnh truyền lớn lao nhất là Tình yêu. Việc đối thoại đã thành trọn vẹn và đầy tin tưởng; đứa con đã được mời đến đó, và mầu nhiệm cũng không còn nữa” (Phaolo VI,Ecclesiam Suamsố 72)

[21]“Các sức mạnh tối tăm đã bị đánh bại trong biến cố thập giá của Chúa Ki-tô, Đấng đã thay đổi quan niệm về thế gian này bằng một cái chết đầy nghịch lý” (x. Claude Tassin, 89)

[22]xem Claude Tassin.

[23]“Lịch sử của mọi ơn gọi linh mục, cũng như của mọi ơn gọi Kitô hữu, là lịch sử của một cuộc đối thoại khôn tả giữa Thiên Chúa và con người, giữa tình yêu của Thiên Chúa là Đấng mời gọi với tự do của con người là kẻ đáp lại Thiên Chúa trong tình yêu. Hai khía cạnh bất khả phân ly ấy của ơn gọi, ân huệ nhưng không của Thiên Chúa và tự do hữu trách của con người, được mô tả một cách rất rõ ràng và hết sức mạnh mẽ trong những lời vắn gọn những vững chắc qua đó thánh Máccô tác giả Tin Mừng trình bày ơn gọi của Nhóm Mười Hai: Đức Giêsu “leo lên núi và Ngài gọi những kẻ Ngài muốn đến với Ngài. Họ đã đến với Ngài” (Mc 3,13). Một đàng, có sự quyết định tuyệt đối tự do của Đức Giêsu, đàng khác có việc Nhóm Mười Hai “đến”, hay nói cách khác, việc họ “đi theo Đức Giêsu” (Pastores dabo vobis, số 36).

[24]“Linh mục cần phải tấn tới trong ý thức về mối hiệp thông sâu xa nối kết linh mục với Dân Thiên Chúa; linh mục không những đứng “trước” Giáo Hội, nhưng trước hết và trên hết, ở “trong” Giáo Hội. Linh mục là anh em giữa những người anh em. Được mặc lấy phẩm giá và tự do của những người làm con Thiên Chúa trong Con Duy Nhất nhờ bí tích Rửa Tội, linh mục là chi thể của cùng một thân thể duy nhất của Đức Kitô (x Ep 4,16). Ý thức về mối hiệp thông ấy sẽ thúc đẩy linh mục, khơi dậy và phát huy tinh thần đồng trách nhiệm trong cùng một sứ vụ cứu độ duy nhất, bằng cách mau mắn và vui lòng biểu dương những đặc sủng và những nhiệm vụ mà Chúa Thánh Thần phân phối cho các tín hữu để xây dựng Giáo Hội. Trước hết và trên hết, chính trong việc chu toàn thừa tác vụ mục tử, như đã được phối trí do tự bản chất để mưu ích cho Dân Thiên Chúa, mà linh mục cần phải sống và chứng tỏ mối hiệp thông sâu xa của mình với mọi người. Như Đức Phaolô VI đã viết: “chính vì muốn trở nên những mục tử, những người cha và những người thầy mà chúng ta cần phải hoà mình trở nên anh em của mọi người. Bầu khí của đối thoại phải là tình bạn. Hơn nữa, phải là sự phục vụ”. (Pastores dabo vobis, số 74.)

[25]“Việc đồng hoá người linh mục với Đức Kitô là đầu- nghĩa là nguồn mạch chính của ân sủng- không có nghĩa là đặt người linh mục lên trên những người khác. Trong Hội Thánh, các chức vụ ‘không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác’.” (ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 104.)

[26] “… chúng ta cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để có sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì “tài năng thiên phú của nữ giới là cần thiết trong mọi biểu hiện trong đời sống xã hội, sự hiện diện của phụ nữ cũng phải được bảo đảm tại nơi làm việc” và trong các khung cảnh khác nhau trong đó các quyết định được đề ra, cả trong Hội Thánh và trong các cơ cấu xã hội.” (ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 103).

[27] “Chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu tốt hơn và mang lại lợi ích cho các đô thị nếu chúng ta sống trọn vẹn đời sống con người và đối diện với mọi thách thức như là men để làm chứng cho Tin Mừng trong mọi nền văn hoá và mọi đô thị.” (ĐTC Phanxico,Evangelii Gaudium , số 75)

[28] “Trong số những đức tính cần thiết nhất cho thừa tác vụ linh mục, phải kể đến trạng thái ứng trực của tâm hồn nhờ đó các linh mục không tìm ý riêng của mình nhưng tìm ý của Đấng đã sai phái mình (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38)” (74). Đó chính là đức vâng phục vốn mang một số đặc điểm riêng đối với trường hợp đời sống thiêng liêng linh mục. … Khía cạnh này trong đức vâng phục của linh mục đòi hỏi một sự khổ chế đáng kể: một đàng, linh mục phải tập làm quen để đừng quá gắn bó với những sở thích riêng của mình và với những quan điểm riêng của mình; đàng khác linh mục phải nhượng cho các anh em đồng sự khoảng cách cần thiết để họ có thể biểu dương tài nghệ và khả năng của họ, mà không hề ganh tị, phân bì hoặc kình chống. Đức vâng phục của linh mục là một sự vâng phục liên đới, bởi vì được xây dựng trên sự kiện linh mục thuộc về linh mục đoàn duy nhất và bởi vì, luôn luôn giữa lòng linh mục đoàn và cùng với linh mục đoàn, biểu lộ những đường hướng và những lựa chọn đồng trách nhiệm” (Pastores dabo vobis, số 28.)

[29]“Mặt khác, bất chấp tình trạng thiếu ơn gọi, ngày nay chúng ta ngày càng ý thức hơn về nhu cầu có một qui trình tuyển lựa các ứng sinh cho chức linh mục. Các chủng viện không thể tiếp nhận các ứng sinh căn cứ vào bất cứ động cơ nào, đặc biệt nếu các động cơ ấy liên quan tới sự an toàn tình cảm hay sự theo đuổi quyền lực, danh vọng hay của cải” (ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 107).

[30]“Các nền văn hoá mới đang không ngừng xuất hiện trong những không gian nhân loại mới rộng lớn, ở đó người Kitô hữu không còn là những người giải thích hay tạo ra ý nghĩa giống như trước kia.Ngược lại, chính họ tiếp nhận từ các nền văn hoá này những ngôn ngữ, những biểu tượng, những thông điệp và những hệ biến hoá mới gọi mời những xu thế mới của cuộc sống, những xu hướng này thường tương phản với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Một nền văn hoá hoàn toàn mới đang bập bùng nổi lên và tiếp tục lan tràn trong các đô thị… Các nền văn hoá mà chúng tạo ra là một nơi ưu tiên để loan báo Tin Mừng. Điều này thách thức chúng ta phải sáng tạo ra những không gian và điều kiện mới thuận lợi cho việc cầu nguyện và hiệp thông, sao cho chúng hấp dẫn và có ý nghĩa hơn đối với các cư dân đô thị. Qua ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, các vùng nông thôn đang chịu sự tác động của cùng những thay đổi văn hoá này, khiến họ cũng thay đổi một cách đáng kể cách sống của họ (Evangelii Gaudium, số 73). “Cần phải có một cuộc loan báo Tin Mừng có khả năng dọi ánh sáng vào những cách thức mới trong mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, với thế giới xung quanh chúng ta, và có khả năng khơi dậy những giá trị căn bản. Không thể không đi đến chỗ tạo ra những trình thuật và các hệ biến hoá đang hình thành, đến việc đem lời Chúa Giêsu đến tận tầng thâm sâu nhất của tâm hồn các thành phố chúng ta. Chúng ta không được quên rằng thành phố là một nơi mang tính đa văn hoá; … Hội Thánh được kêu gọi phục vụ một cuộc đối thoại khó khăn… (ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 74).

[31]“Là người lớn, chúng ta phải trả giá đắt để kiên nhẫn lắng nghe các bạn trẻ, để hiểu những lo ngại hay đòi hỏi của họ; để học nói với họ bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu. Cùng một lý do ấy, các đề nghị của chúng ta trong lãnh vực giáo dục không tạo ra nhữngkết quả mong muốn. Sự xuất hiện và phát triển của các hiệp hội và các phong trào mà đa phần là giới trẻ có thể được nhìn như là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mở ra những lối đi mới để đáp ứng được các mong đợi của họ và cuộc tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa và một ý thức thuộc về thực tế hơn.” (ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 105)

[32]“Đối với hết mọi Kitô hữu không loại trừ một ai, tính triệt để Tin Mừng là một đòi buộc cơ bản và bất khả thay thế, phát xuất từ lời Đức Kitô mời gọi nối gót Ngài và noi gương Ngài, bằng cách cậy dựa vào sự hiệp thông đời sống chặt chẽ với Ngài, do tác động của Chúa Thánh Thần (x. Mt 8,18-20; 10,37-39; Mc 8,34-38; 10,17-21; Lc 9,57-62). Chính đòi buộc ấy cũng đồng thời liên can đến các linh mục, chẳng những bởi vì các linh mục ở “trong” Giáo Hội, nhưng còn bởi vì các linh mục đứng “trước” Giáo Hội, với tư cách là đã nên đồng hình dạng với Đức Kitô Đầu và Mục Tử, đã được thánh hiến và đã dấn thân vào trong thừa tác vụ được phối trí, đã được thôi thúc bởi đức ái mục vụ. Trong tinh thần triệt để của Tin Mừng và để biểu lộ tinh thần ấy, có rất nhiều nhân đức và đòi buộc luân lý mang tính định đoạt đối với đời sống mục vụ và thiêng liêng của linh mục đã được khai hoa kết nhụy. Chúng ta có thể nêu dẫn chẳng hạn đức tin, thái độ khiêm nhượng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, lòng từ ái, sự cẩn trọng” (Pastores dabo vobis, số 27).

[33]“Những khác biệt giữa các cá nhân và các cộng đồng đôi khi có thể gây ra tình trạng khó chịu, nhưng Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn của sự đa dạng này, có thể đem đến một điều gì tốt lành từ tất cả những khác biệt ấy, và biến nó thành một phương tiện truyền giáo hấp dẫn. Sự khác biệt phải được hoà giải bằng ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần; chỉ mình Ngài có thể khơi dậy sự đa dạng, đa nguyên và phong phú, đồng thời đem lại sự duy nhất.Trái lại, khi chúng ta muốn sự khác biệt, chúng ta thường trở nên đóng kín trong cái chủ nghĩa đặc thù, trong chủ trương loại trừ và gây chia rẽ; mặt khác, khi chúng ta muốn xây dựng sự duy nhất theo các tính toán nhân loại của mình, chúng ta lại đi đến chỗ áp đặt một sự đồng nhất đơn điệu. Tình trạng này không có lợi cho việc truyền giáo của Hội Thánh”(ĐTC Phanxico, Evangelii Gaudium, số 131).

[34]Các số đoạn hoặc số trang của cuốn Kim Chỉ Nam dựa theo ấn bản do cha Hùng phát được áp dụng trong các trích dẫn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here