Anthony Đinh Minh Tiên, OP
1/ Bài đọc I: St 18,20-32
20 Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21 Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” 22 Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23Ông lại gần và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24 Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25 Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?” 26 Đức Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó.” 27 Ông Áp-ra-ham lại nói: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28 Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao? ” Chúa đáp: “Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người.” 29 Ông lại thưa một lần nữa: “Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm.” 30 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm.” 31 Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: “Giả như tìm được hai mươi người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ.” 32 Ông nói: “Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao? ” Chúa đáp: “Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm.”
2/ Bài đọc II: Cl 2,12-14
12 Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. 13 Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. 14 Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
3/ Phúc Âm: Lc 11,1-13
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.
8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. 9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?
13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
——————————————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu nguyện
Có nhiều định nghĩa khác nhau về cầu nguyện. Có người định nghĩa đơn giản là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Người khác cho cầu nguyện là thương lượng với Thiên Chúa. Người khác nữa cho cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa như hai người bạn nói chuyện với nhau. Và cũng có những người cho cầu nguyện là cầu xin những gì mình đang túng thiếu và cần Thiên Chúa ban ơn. Tất cả những định nghĩa trên đây nói lên một khía cạnh của cầu nguyện, tổng hợp tất cả cho chúng ta cái nhìn toàn bộ về việc cầu nguyện.
Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Trong bài đọc I, tổ phụ Abraham xót thương dân thành Sodom, nên ông can đảm và mạnh bạo đến thương lượng cùng Thiên Chúa để Ngài bỏ ý định luận phạt dân thành đó. Tuy không nhận được sự ân xá cho thành, nhưng ông chứng tỏ cho chúng ta thấy chúng ta có thể thương lượng với Thiên Chúa, và những việc lành của một số người có sức mạnh để Thiên Chúa tha thứ cho toàn thể dân cư trong thành. Trong bài đọc II, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người được biểu tỏ qua việc Thiên Chúa ban cho con người Đức Kitô. Ngài đến để xóa sạch sổ nợ cho con người bằng cái chết trên Thập Giá và mang nguồn hy vọng cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa dạy cho các môn đệ biết cách cầu nguyện cách xứng hợp qua Kinh Lạy Cha, và hai thái độ cần có trong khi cầu nguyện là tin tưởng và kiên trì.
———————————-
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Abraham cầu xin cho dân thành Sodom.
1.1/ Trách nhiệm hỗ tương giữa người và người trong điều thiện cũng như trong tội lỗi:
Đây là một trong những trình thuật viết bởi truyền thống J: gọi Thiên Chúa là Jahveh và mô tả sự thân mật giữa Thiên Chúa và con người. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì tình bạn đối với Abraham, Ngài muốn tỏ cho Abraham biết những gì Ngài sắp làm.
Hai đặc tính quan trọng của Thiên Chúa là công bằng và nhân từ. Nhiều người, trong đó có tác giả của Sách Sáng Thế Ký và Abraham, thắc mắc: đặc tính nào Thiên Chúa sẽ dùng để xét xử và luận phạt con người? Ông Abraham muốn xin Thiên Chúa thương xót và tha thứ cho dân thành Sodom, nên ông tiến lại gần lại gần Ngài và thưa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? … Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao?”
Qua lời van xin của Abraham, tác giả của Sách muốn nhấn mạnh tội lỗi và sự thánh thiện không chỉ có tính cá nhân, mà còn mang tính cộng đồng: một người làm lành mọi người đều hưởng; một người làm ác mọi người đều phải chịu lây. Thiên Chúa cũng đồng ý như vậy khi Ngài chấp nhận lời khẩn cầu đầu tiên của Abraham.
1.2/ Thiên Chúa công bằng và nhân từ trong việc luận phạt.
Abraham muốn khêu gợi lòng nhân từ của Thiên Chúa, vì sự thiện của một nhóm người, để xin Thiên Chúa ân xá cho dân thành Sodom, trong đó có cháu của ông là Lot và gia đình của ông này. Abraham thương lượng với Thiên Chúa: bắt đầu từ 50 và giảm dần cho tới 10, nhưng ông không thể giảm tới con số nhỏ hơn 10. Vì thế, Sodom đã bị tiêu diệt bởi lửa diêm sinh từ trời, chỉ có ông Lot và gia đình của ông thoát nạn.
Đâu là tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng để phán xét và luận phạt con người? Mặc dù không tìm được câu trả lời rõ ràng; nhưng tác giả cho thấy cách phán xét của Thiên Chúa: không quá khắt khe đến độ không thể cầu nguyện hay thương lượng cho được và cũng không quá dễ dàng đến độ hễ cầu xin là được nhận lời.
2/ Bài đọc II: Đức Kitô là người bầu chủ cho chúng ta trước Thiên Chúa.
2.1/ Bí tích Rửa Tội hoàn hảo hơn phép cắt bì.
Nhiều người Do-thái tin tưởng phép cắt bì là dấu họ thuộc về Thiên Chúa, là dân riêng của Ngài. Tuy nhiên, nhiều ngôn sứ đã đả phá quan niệm này và chứng minh việc cắt bì xác thịt không đủ để Thiên Chúa bảo vệ. Họ phải cắt bì cả đôi tai để lắng nghe lời Thiên Chúa, và cắt bì cả lòng trí để vâng phục và làm theo ý của Ngài.
Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Colossê sự quan trọng của bí tích Rửa Tội: “Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Kitô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta.”
Thần học của thánh Phaolô về bí tích Rửa Tội giải thích: khi một tín hữu bị dìm mình trong nước Rửa Tội, mọi tội lỗi của người đó bị cuốn trôi đi vì cái chết và mai táng của Đức Kitô; để khi trồi lên khỏi nước, họ là một con người mới trong Đức Kitô. Họ cùng được trỗi dậy và cùng sống với Ngài. Sự sống của người tín hữu từ nay gắn liền với sự sống của Đức Kitô, đến nỗi họ có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Từ nay tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” Qua cái chết của Đức Kitô, Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi tội lỗi cho con người, và nhờ đó, con người được hòa giải với Thiên Chúa.
2.2/ Người đã huỷ bỏ sổ nợ của chúng ta đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.
Sổ nợ (cheirógraphon) là chữ chỉ được dùng một lần ở đây trong toàn Tân Ước. Danh từ này có nghĩa là những gì viết bằng tay trên giấy trắng mực đen. Trong thương mại, nó có nghĩa là những gì một người có bổn phận phải trả cho chủ nợ. Trong Lề Luật, nó có nghĩa là những tội lỗi của một người.
Con người đã nợ Thiên Chúa rất nhiều về mọi phương diện. Ở đây, thánh Phaolô có lẽ muốn nhấn mạnh đến sổ nợ của con người theo Lề Luật. Mỗi lần con người không thi hành Luật, con người phạm một tội, hậu quả của tội nặng và cố tình là sự chết. Cái chết là hình phạt của sự không vâng phục (Gen 2:17; Deut 30:19). Nếu xét như thế, mỗi người đã phải chết bao nhiêu lần rồi!
Trong Thư Rôma, thánh Phaolô giải thích rõ ràng hơn làm thế nào Đức Kitô giải thoát con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết (Rom 6-8). Trong Ephesians 2:15, Phaolô cũng cắt nghĩa lý do của sổ nợ là những Lề Luật. Tất cả sổ nợ của con người bị hủy diệt đi, khi Đức Kitô đại diện cho toàn thể nhân loại, gánh mọi hình phạt của tội trên Ngài, khi Ngài tình nguyện đóng đinh vào Thập Giá.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách cầu nguyện và thái độ phải có.
3.1/ Lời cầu nguyện lý tưởng nhất: Con người không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng, vì điều cần cầu xin nhất lại không cầu xin, mà chỉ chú tâm đến điều phụ thuộc; hay cầu xin những gì không có lợi cho mình trong tương lai, chẳng hạn xin giầu có hay chức tước, để rồi dần dần lún sâu trong tội và sống xa Chúa.
Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho biết cách cầu nguyện, Ngài dạy cho các ông Kinh Lạy Cha. Kinh này được Giáo Hội coi là kinh quan trọng nhất, vì nó phát xuất từ Đức Kitô, Đấng duy nhất biết và thi hành trọn vẹn thánh ý của Thiên Chúa.
Có hai sự khác biệt giữa kinh Lạy Cha của Luke và Matthew: Thứ nhất, trình thuật của Luke thiếu câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Thứ hai, trình thuật của Luke cũng thiếu câu “xin cứu chữa chúng con khỏi sự dữ.”
Cả hai trình thuật đều đặt sự quan trọng của việc cầu xin cho Danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được trị đến, trước khi hướng tới những nhu cầu căn bản của con người. Lương thực hằng ngày, sự tha thứ, và sức mạnh để vượt qua mọi cơn cám dỗ là ba điều quan trọng trong đời sống thường nhật của một Kitô hữu.
3.2/ Thái độ phải có khi cầu nguyện
(1) Kiên trì: Ví dụ Chúa Giêsu đưa ra có mục đích đòi hỏi con người phải có thái độ kiên khi cầu nguyện. Truyền thống Do-thái rất hiếu khách, nhất là những khách từ xa tới. Người kêu xin bị đặt trong thế kẹt: một là chịu thất lễ với khách, hai là chịu làm phiền hàng xóm, anh đã chọn giải pháp thứ hai để bảo vệ sự sống cho người bạn mình.
Nhà của người Do-thái ngày xưa không rộng mà nhân số trong nhà lại đông, nên cả gia đình thường ngủ chung dưới sàn trên chăn chiếu. Vì thế, nếu một người phải thức và ra mở cửa sẽ làm cho những người khác phải thức theo. Đó là lý do người hàng xóm từ chối lúc đầu; nhưng khi anh bạn có khách cứ gõ và nói mãi, anh phải chỗi dậy lấy bánh cho mượn, không phải vì tình bạn; nhưng vì sự lỳ lợm của anh. Lúc này, chắc những người trong gia đình đang ngủ chung cũng đã thức dậy hết!
(2) Tin tưởng: Thái độ này còn quan trọng hơn cả thái độ kiên trì, vì nó là động lực giúp con người chạy đến với Thiên Chúa. Hầu như trong tất cả các phép lạ, Chúa Giêsu chỉ làm khi Ngài nhận thấy có dấu chỉ của niềm tin. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào khi chỉ thấy sự cứng lòng hay thử thách.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh người Cha trên trời với các người cha dưới đất: “Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta có bổn phận cầu xin Thiên Chúa cho những người tội lỗi được ăn năn trở lại, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa.
– Đức Kitô là căn nguyên của tha thứ, hòa giải, và mọi ơn lành. Để lời cầu nguyện chúng ta được Thiên Chúa lắng nghe, chúng ta phải cầu xin nhờ danh và công nghiệp của Ngài.
– Để lời cầu nguyện có hiệu quả, chúng ta cần có thái độ tin tưởng và kiên trì nơi Thiên Chúa. Chúng ta cứ việc cầu xin mọi sự đẹp ý Thiên Chúa, nhưng phải sẵn lòng để chấp nhận thánh ý của Ngài.
Nguồn: http://www.loinhapthe.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1332:ch-nht-17-thng-nienc&catid=25:loichuamoingay&Itemid=28