Từ niềm tin vào Đức Kitô đến việc lựa chọn người nghèo

0
1732

L.M. Gustavo Gutierrez O.P.

(Trích Thời sự Thần học, số 56, tháng 5/2012)

Trong bài này, cha Gustavo Gutierrez phân tích quan điểm “lựa chọn người nghèo” từ ba khía cạnh: tâm linh, thần học và loan báo Tin mừng. Nguồn: “The option for the poor arises from faith in Christ” in:  Theological studies, 70(2009) 317-326. Bản dịch tiếng Việt của Phêny Ngân Giang. Những chú thích của tác giả được đặt ở cuối bài (endnote), những chú thích của dịch giả được đặt ở cuối trang (footnote).

————————–

Vào tháng 5 năm 2007 đã diễn ra Hội nghị các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê lần thứ năm tại Aparecida, Brazil. Đại hội này đã nhiều lần khẳng định tiếp tục đường hướng mục vụ và thần học đã được mở ra trong những năm của Công đồng Vaticanô II và Hội nghị các Giám mục lần thứ hai họp tại Medellín, Colombia (1968). Quyết tâm phục vụ người nghèo, vốn được xem là “một trong những nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê”, đã được Hội nghị Aparecia đặt vào số những điểm then chốt của bản đúc kết. (1)

Quyết tâm của Aparecida liên hệ mật thiết với điều được Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh trong bài diễn văn tại Hội nghị. Đức Thánh Cha đã định vị rõ ràng và vững chắc những nhận xét của mình trong một văn mạch thần học thích hợp: “Lập trường quyết tâm lựa chọn người nghèo được hàm chứa trong niềm tin Kitô giáo vào một Thiên Chúa đã trở nên nghèo vì chúng ta, hầu làm cho chúng ta giàu sang bởi cái nghèo của Người (x. 2Cr 8,9)”. (2) Việc lựa chọn người nghèo bắt nguồn từ niềm tin vào Đức Kitô; điều này được Hội nghị Aparecida lặp lại cách sáng suốt: “Sự dấn thân này phát sinh từ niềm tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã trở nên người phàm”. (3)

Lối  nhìn về nếp sống Kitô giáo như thế, được phát biểu qua lời tuyên bố và qua việc thực hành dấn thân, là sự đóng góp đáng kể nhất cho Giáo Hội hoàn vũ mà Giáo hội tại châu Mỹ Latinh đã mang lại bằng cuộc sống và suy tư thần học của mình. Việc lựa chọn người nghèo đã bắt đầu những bước sơ khởi trong những năm trước Hội nghị tại Medellin, rồi được củng cố trong thời gian sau Hội nghị ấy, và được viện dẫn trong các Hội nghị giám mục kế tiếp và trong giáo huấn gần đây của Đức Bênêđictô XVI và tại Aparecida. Việc lựa chọn người nghèo đã có được một tầm ảnh hưởng và một vị thế nhờ các thẩm quyền ấy.

Việc lựa chọn người nghèo không chỉ giới hạn vào chuyện bổ nhiệm các nhân viên mục vụ đến những nơi có người nghèo. Mặc dù đầu tư mục vụ vào những vùng người nghèo là điều tốt, nhưng việc lựa chọn người nghèo còn mang tính cách rộng lớn  và nhiều đòi hỏi  hơn nữa. Cách đây vài năm, Gregory Baum đã mô tả nó  như là “một hình thức hiện đại của việc làm môn đệ Chúa”. (4) Ở đây tôi muốn trình bày một vài điểm tương ứng với một viễn cảnh nhắm thẳng vào cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Lựa chọn người nghèo được triển khai trong ba bình diện: đi theo Đức Giêsu, công tác thần học, và loan báo Tin mừng. Ba chiều kích này mang lại sức sống và hình thái cho lập trường quyết tâm lựa chọn người nghèo.

Lựa chọn này bao hàm  một cuộc dấn thân rời khỏi con đường mà mình đang đi, như dụ ngôn về người Samari nhân hậu đã dạy, và bước vào thế giới của “người khác”, của “kẻ bị khinh thị”[1], của kẻ  bị loại trừ khỏi những giai cấp, cộng đồng, chủ trương và quan điểm đang thống trị. Đây là một tiến trình lâu dài và khó khăn nhưng lại cần thiết, và là một điều kiện tiên quyết cho cuộc sống chân thành. Dành ưu tiên cho người khác là một đặc tính của luân lý Tin mừng, và không ai tiêu biểu cho sự ưu tiên này một cách rõ ràng hơn là những người nghèo và những người bị loại trừ. Một bài thơ của Antonio Machado diễn tả về “người khác” như sau:

Đức Kitô dạy: người thân cận của con
Con hãy yêu như chính mình,
Nhưng đừng bao giờ quên rằng họ là một người khác. (5)

I. Đi theo Đức Giêsu

Là Kitô hữu có nghĩa là bước theo những dấu vết của Đức Giêsu dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Mối tương quan làm môn đệ này, được truyền thống đặt tên là sequela Christi, là cội rễ và ý nghĩa sâu xa nhất của quyết tâm lựa chọn người nghèo.

Thuật ngữ “ưu tiên chọn lựa người nghèo”[2] mới xuất hiện  gần đây, nhưng nội dung của nó là một thành tố chính yếu của người môn đệ trong Kinh thánh. Cốt lõi của sự dấn thân ấy là cảm nghiệm tâm linh về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng vừa “không thể đặt tên” vừa “gọi tên tất cả”[3], theo tôn sư Eckhart. Eckhart đã phải đi đến chỗ ấy để nắm bắt ý nghĩa thâm sâu của việc dấn thân cho Đấng vắng mặt và ẩn danh của lịch sử. Tình yêu của Thiên Chúa, vừa ban không và vừa đòi hỏi, được diễn tả trong lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy yêu thương lẫn nhau như Thầy đã yêu anh em” (Ga 13,34). Điều này hàm ngụ một tình yêu phổ quát không loại trừ một ai, và đồng thời hàm ngụ một sự ưu tiên dành cho những con người bé mọn nhất của lịch sử, những người bị khinh thị và bị áp bức. Vừa sống tính phổ quát và vừa dành ưu tiên là điều mạc khải Thiên Chúa của tình yêu và làm hiển hiện mầu nhiệm vốn giấu ẩn từ muôn thuở nhưng nay đã được tỏ bày: như thánh Phaolô đã nói, đó là sự loan báo rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô (x. Rm 16,25-26). Đây là điều mà lập trường quyết tâm phục vụ người nghèo  nhắm tới: bước theo Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a. (6)

Vì lý do này, Hội nghị Puebla nhắc nhở chúng ta rằng: “phục vụ người nghèo là một phương thế ưu đãi, dù không phải là độc nhất, để đi theo Đức Kitô”[4] (7). Những trải nghiệm sống động của nhiều người Kitô hữu khi tìm kiếm những hành trình khác nhau để tỏ tình liên đới với những người bị lịch sử khinh thị và  gạt bỏ đã cho thấy rằng sự xâm nhập[5] của người nghèo, – nghĩa là sự hiện diện mới mẻ của họ trong khung cảnh lịch sử – , biểu thị một sự xâm nhập thật sự của Thiên Chúa vào trong đời sống chúng ta.

Nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua những đau khổ mà người nghèo gánh trên thân thể của mình. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua tiếng kêu gào của họ đòi hỏi công lý về mặt nhân bản, xã hội và văn hoá. Đây không phải là cái nhìn “thiêng liêng” mà bỏ mất những chiều kích nhân sinh. Đúng hơn, nó làm cho chúng tôi thật sự nhận ra đâu là côt yếu của việc dấn thân cho người thân cận dựa theo Kinh thánh. Thật thế, bởi vì chúng tôi đánh giá và tôn trọng sự kiện sâu sắc của việc những người nghèo xâm nhập, cho nên chúng tôi thấy cần tìm cách giải thích sự kiện này trên nền tảng đức tin. Thật chí lý khi nói rằng: chúng tôi coi rằng sự xâm nhập của người nghèo là một dấu chỉ thời đại mà chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng dưới ánh sáng của đức tin, hầu phân định sự thách đố của Thiên Chúa, Đấng đã cắm lều giữa chúng ta (Ga 1,4). Liên đới với người nghèo là khởi điểm của hành trình tâm linh, một hành trình tập thể – hoặc cộng đồng[6], nếu ai đó ưa thích dùng từ này – hướng về Thiên Chúa. Hành trình này diễn ra trong dòng lịch sử trong đó hoàn cảnh phi nhân nơi người nghèo phơi bày tất cả những sự ác nghiệt của nó, nhưng cũng cho phép khám phá những khả năng và niềm hy vọng.

Bước theo Đức Giêsu là lời đáp trả cho câu hỏi về ý nghĩa của đời người; đó là một cái nhìn toàn diện về cuộc đời chúng ta, nhưng nó cũng tác dụng trên những phương diện nhỏ bé mỗi ngày của đời sống. Cương vị người môn đệ cho phép chúng ta thấy đời sống của mình trong tương quan với ý muốn của Thiên Chúa, và đặt ra những mục tiêu mà mình nhắm đến và thể hiện qua mối liên hệ hằng ngày với Chúa Giêsu, bao gồm cả mối liên hệ với tha nhân. Con đường tâm linh được thể hiện qua các thực hành của Kitô giáo đó là: lời tạ ơn, việc cầu nguyện, và sự dấn thân vào lịch sử vì tình liên đới, đặc biệt với những người hèn kém nhất. Sự chiêm niệm và tình liên đới là hai mặt của một hành động được thúc đẩy bởi cảm thức toàn diện về cuộc sống,  vốn là nguồn mạch của niềm hy vọng và sự vui mừng.

Ý nghĩa sâu xa nhất cho việc dấn thân vì người nghèo là cuộc gặp gỡ với chính Đức Kitô. Âm vang từ một đoạn Tin mừng Mátthêu về ngày chung thẩm, Hội nghị Puebla mời gọi chúng ta nhận ra trên khuôn mặt của những người nghèo “những nét đau khổ trên khuôn mặt của Chúa Kitô đang chất vấn và van xin chúng ta” (8). Khám phá này kêu mời tất cả chúng ta hãy hoán cải cá nhân và cộng đồng. Không nghi ngờ gì, bản văn Mátthêu là trọng tâm của linh đạo Kitô giáo và đưa ra cho chúng ta một nguyên tắc nền tảng hầu phân định rõ và tìm thấy con đường trung tín với Đức Kitô.

Trong một bài giảng, Đức Tổng Giám mục Romero đã nhận xét: “Có một tiêu chuẩn để biết xem Thiên Chúa luôn kề bên hay ở xa chúng ta: tất cả những ai bận tâm cho những kẻ đói khát, trần truồng, nghèo khổ, bị mất tích, bị tra tấn, bị giam cầm – cho bất cứ nỗi thống khổ nào của nhân loại – đều ở kề bên Thiên Chúa” (ngày 5 tháng 2 năm 1978) (9). Cử chỉ đối với tha nhân sẽ xác định việc ở gần hay xa Thiên Chúa, và làm cho chúng ta hiểu được “lý do” của sự phán xét,  cũng như ý nghĩa của thuật ngữ “tâm linh” (spiritual) trong bối cảnh Tin mừng. Đức Giáo hoàng Bênêđictô trong thông điệp Deus caritas est nói rằng: “Tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu cho người thân cận trở nên một” (10). Việc Đức Kitô đồng hoá với người nghèo cho chúng ta thấy sự thống nhất nền tảng của hai mối tình yêu này và đặt ra những đòi hỏi cho những ai theo Người. Việc loại trừ bất công và áp bức được gắn chặt với đức tin vào một Thiên Chúa hằng sống. Sự dấn thân này được ghi dấu ấn bởi máu của những con người đã chết dưới “dấu chỉ tử đạo”, như Đức Tổng Giám mục Romero đã nói (và trở thành sự thật trong trường hợp của ngài). Hội nghị Aparecida đã cảm động nhận ra chứng tá nơi những Kitô hữu này, khi nhắc đến “lời chứng dũng cảm của các thánh nam nữ của chúng ta, và của tất cả những ai, dù chưa được tuyên phong hiển thánh, nhưng đã sống Tin mừng cách triệt để và hiến tặng cuộc đời họ cho Đức Kitô, cho Giáo hội, và cho nhân loại” (11).

Lựa chọn phục vụ người nghèo là phần chính yếu của một thứ linh đạo khước từ trở thành ốc đảo lại càng không trốn chạy hoặc tránh né trong những thời điểm khó khăn. Đồng thời, nó cũng bao hàm việc bước đi theo Đức Giêsu mà không bị cắt đứt khỏi thực tại hay xa cách với những ngõ chật hẹp nơi những người nghèo đang bước đi. Điều này giúp chúng ta duy trì niềm tín thác vào Thiên Chúa và thái độ bình tĩnh khi cơn giông bão trở nên tồi tệ hơn.

II. Một khoa chú giải niềm hy vọng

Nếu việc đi theo Đức Giêsu được đánh dấu bởi ưu tiên chọn lựa người nghèo, thì sự hiểu biết đức tin được đâm chồi từ những trải nghiệm và những đòi hỏi khẩn cấp cũng thế. (12) Đây là chiều kích thứ hai của việc chọn lựa người nghèo mà tôi muốn nêu bật lên.

Đức tin là một ân sủng, và thần học là sự hiểu biết về ân ban này. Thần học cố gắng nói một lời nào đó về thực tại huyền nhiệm và khôn tả mà tất cả các tín hữu gọi là Thiên Chúa. Đó là một lời (logos) về Thiên Chúa (theos)[7]. Đức tin là nguồn mạch nền tảng của suy tư thần học, mang lại cho thần học nét đặc trưng và định biên phạm vi của nó. Mục đích của thần học là – hay phải là – đóng góp cho Tin mừng được hiện diện trong lịch sử nhân loại qua chứng tá Kitô hữu. Một nền thần học mà không được nuôi dưỡng bởi việc bước theo chính con đường của Đức Giêsu thì sẽ lạc mất phương hướng. Các Giáo phụ đã rất thấu hiểu điều này khi coi  toàn bộ thần học đều là thần học tâm linh (spiritual theology).

Đàng khác, đức tin và sự suy tư về cách thức sống đức tin trong cộng đồng không đơn thuần là một công tác cá nhân. Bởi thế “lời nói về đức tin” là một công tác nối kết với việc giảng thuyết Tin mừng, một công tác mang lại cho cộng đồng ấy lý do hiện hữu của nó. Mỗi “lời nói về đức tin” đều được sinh ra vào một thời và một nơi xác định, và cố gắng đưa ra lời giải đáp cho những hoàn cảnh lịch sử cũng như những vấn đề trong đó các Kitô hữu đang sống và loan báo Tin mừng. Vì lý do ấy,  nói đến “thần học bối cảnh” (contextual theology) là điều lặp thừa (tautology) bởi lẽ tất cả mọi nền thần học đều ở trong bối cảnh cách này hay cách khác. Tuy nhiên, một vài nền thần học nắm bắt bối cảnh của mình cách nghiêm túc và nhận ra nó, còn những nền thần học khác thì không.

Cũng giống như mọi suy tư khác về sứ điệp Kitô giáo  khởi đi từ thế giới của những con người bị khinh thị trong xã hội, thần học giải phóng đòi hỏi rằng diễn từ về đức tin phải nhận ra và làm nổi bật tương quan của nó với lịch sử nhân loại và với đời sống hằng ngày của con người, đặc biệt là thách đố của sự nghèo khó xuất hiện trong đó. Tương quan với lịch sử và thách đố của sự nghèo khó đưa đến một thay đổi quan trọng trong công tác thần học. Trong một thời gian lâu dài trước đây chúng ta đã không coi tình trạng nghèo khó như là một vấn đề xã hội; ngày nay nhận thức của chúng ta về sự nghèo khó trở nên sâu sắc và phức tạp hơn, không còn chỉ hạn chế trong phạm vi kinh tế  mà thôi (dù nó cũng quan trọng). Ngày nay, chúng ta hiểu rằng người nghèo có nghĩa là một con người bị khinh thị về mặt xã hội do những nhân tố chủng tộc, văn hoá, phái tính và (hoặc) kinh tế. Tính chất phản-tin-mừng và phi-nhân của sự nghèo đói, như Medellin và Puebla đã nhận định, và hậu quả sau cùng là cái chết bất công và quá sớm, cho thấy rõ rằng, nghèo đói vượt xa hơn phạm vi kinh tế xã hội để trở thành vấn đề nhân sinh toàn diện, và do đoá trở thành một thách đố cho việc sống và loan báo Tin mừng. Vì thế, sự nghèo khó trở nên một vấn đề thần học, và việc ưu tiên lựa chọn người nghèo làm cho chúng ta ý thức về nó cũng như đề ra một phương hướng suy tư.

Cũng giống như mọi thách đố đối với đức tin, tình trạng của những người nghèo nêu vấn đề và cật vấn, đồng thời cũng cung cấp những nguyên tắc và phạm trù  mở ra những hướng tiếp cận mới để hiểu biết và đào sâu sứ điệp Kitô giáo. Việc xem xét mặt trái của mỗi vấn đề là một điều then chốt. Công việc của thần học gồm có việc đương đầu trực diện với những thách đố này, cho dù có thể quyết liệt đến đâu đi nữa, nhận ra những dấu chỉ thời đại hàm chứa trong đó, cũng như nhờ ánh sáng đức tin để phân định trong những thách đố ấy, một phạm vi mới cho việc giải thích đức tin; từ đó suy tư về đức tin và lời giảng về Thiên Chúa của chúng ta sẽ  thực sự đụng chạm đến con người thời đại.

Từ viễn cảnh này, ưu tiên lựa chọn người nghèo đóng một vai trò quan trọng trong suy tư thần học. Như đã được phát biểu trong một công thức cổ điển fides quaerens intellectum, thì thần học là đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Vì đức tin “hoạt động qua đức ái” (Gl 5,6), nên thần học là việc suy tư để cố gắng đồng hành với một dân tộc trong những đau khổ và niềm vui của họ, trong những dấn thấn, nỗi thất vọng và niềm hy vọng của họ, vừa ý thức về xã hội toàn cầu mà họ đang sống vừa nhất quyết hiểu rõ hơn truyền thống văn hoá của riêng họ. Một ngôn ngữ thần học mà lãng quên nỗi thống khổ vì bất công và không lớn tiếng công bố sự tranh đấu vì hạnh phúc của mỗi người và mọi người thì vẫn còn nông cạn  và phản bội Thiên Chúa mà nó loan báo, một Thiên Chúa của các chân phúc.

Tóm lại, thần học— tất cả mọi nền thần học—là một khoa chú giải của niềm hy vọng, một sự hiểu biết về những lý do mà chúng ta hy vọng. Tiên vàn, hy vọng là một ân ban phát xuất từ Thiên Chúa. Đón nhận ân ban này là mở ra cho những người theo Đức Giêsu một tương lai và một niềm trông cậy. Việc xem công tác của thần học như một nỗ lực đạt đến sự hiểu biết những lý do cho niềm hy vọng trở nên một đòi hỏi khắc khe hơn khi nó bắt đầu từ hiện trạng của người nghèo và tiếp tục trong mối dây liên đới với họ. Ân ban của Thiên Chúa không phải là một niềm hy vọng dễ dãi. Nhưng dù xem ra mong manh, nó vẫn có khả năng cắm rễ vào thế giới của những con người bị khinh thị trong xã hội, thế giới của những người nghèo, làm vỡ tung và duy trì sự sáng tạo và sinh động ngay giữa những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, hy vọng thì không phải là chờ đợi; đúng hơn, nó dẫn đưa chúng ta kiên quyết hoạt động để trui rèn những lý do cho niềm hy vọng.

Paul Ricoeur nói rằng thần học được sinh ra ngay tại sự giao thoa của “một không gian của cảm nghiệm” và “ một chân trời của hy vọng”. Đó chính là không gian mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Người qua việc gặp gỡ tha nhân, nhất là kẻ “bé mọn” trong số các anh chị em của Người—và đi theo Người trong niềm hy vọng rằng trong sự gặp gỡ này, một sự gặp gỡ được mở ra cho hết mọi người, có tín ngưỡng hay vô tín ngưỡng, chúng ta sẽ bước vào chân trời của sự phục vụ tha nhân và trong sự hiệp thông với Chúa.

III. Ngôn sứ loan báo Tin mừng

Ưu tiên lựa chọn người nghèo khi đặt nền tảng cho những nỗ lực thần học hầu trui rèn những lý do cho niềm hy vọng thì cũng là một thành tố chính yếu cho sự loan báo Tin mừng mang tính ngôn sứ, một lời loan báo bao gồm sự nối kết giữa công bình và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Làm thế nào để cho những người bị loại trừ có thể trở nên những tác nhân cho chính định mệnh của họ, đó là một phần quan trọng trong việc loan báo này.

Chúng ta không thể bước vào thế giới của người nghèo, những người đang phải sống trong tình trạng phi nhân do bị loại trừ, mà không nhận thức về chiều kích giải phóng và nhân bản của Tin mừng. Và vì chính lý do này, chúng ta không thể lơ đãng nghe tiếng kêu gào của Tin mừng đòi hỏi công lý cũng như bình đẳng giữa hết mọi  người. Đây là đề tài cốt lõi trong truyền thống ngôn sứ của Giao ước Thứ Nhất mà chúng ta gặp lại trong Bài giảng Trên Núi như là một lệnh truyền tóm kết và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời người tín hữu: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và công lý của Người”[8] (Mt 6,33).

Tâm điểm sứ điệp của Đức Giêsu là loan báo tình yêu Thiên Chúa được diễn tả trong lời loan báo về Nước của Người. Nước Thiên Chúa là ý nghĩa cánh chung của lịch sử; tất cả sự viên mãn của Nước ấy diễn ra bên kia lịch sử, và đồng thời lại hiện diện ngay từ chính khoảnh khắc này. Các sách Tin mừng nói cho chúng ta về Nước ấy kề sát với cuộc sống chúng ta hôm nay. Các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa cho thấy một vương quốc vốn “đã” hiện diện nhưng “chưa” hoàn toàn được thực hiện. Vì thế, Nước Thiên Chúa tự tỏ bày như là một quà tặng, một hồng ân, nhưng cũng là một công tác, một trách nhiệm.

Đời sống người môn đệ Đức Giêsu được đặt trong một khung cảnh đôi khi căng thẳng nhưng luôn luôn là một tương quan phong phú giữa ân ban nhưng-không và việc dấn thân trong dòng lịch sử; thế nên cuộc thảo luận của chúng ta về Nước Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận trong đức tin cũng được đặt trong cùng khung cảnh ấy. Bản văn về Các Mối Phúc trong Tin mừng Mátthêu bao hàm lời hứa về Nước Thiên Chúa dành cho tất cả những ai trở nên môn đệ Đức Giêsu khi biết đón nhận đời sống hằng ngày của mình như là ân huệ nhưng-không được ban tặng. Trong các Tin mừng, Nước Thiên Chúa được trình bày qua những diễn ngữ và hình ảnh rất phong phú: đất, sự an ủi, lòng khao khát, lòng thương xót, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và làm con Thiên Chúa. Chủ đề nổi bật của những hình ảnh này là sự sống, một sự sống trong tất cả mọi phương diện. Điều kiện để trở nên môn đệ đã được tuyên bố trong mối phúc đầu tiên và quyết liệt nhất đó là: nghèo khó trong tinh thần. Các mối phúc khác trưng ra những dạng thái và hình bóng của mối phúc đầu tiên. Môn đệ là những người mang lời hứa về Nước Thiên Chúa vào đời mình, những người đặt cuộc đời mình trong bàn tay Thiên Chúa. Việc nhận ra hồng ân Nước Thiên Chúa làm cho họ trở thành tự do khi đối diện với tất cả những điều thiện hảo khác. Và việc nhận biết ấy hướng mở họ đến với sứ vụ loan báo Tin mừng, một sứ vụ vốn được liên kết với việc “nhớ đến người nghèo” (Gl 2,10), như lời nhắc nhở mà thánh Phaolô đã nhận được ở Giêrusalem.

Việc suy tư thần học trong những thập niên gần đây, cũng như những văn kiện khác của Huấn quyền, đã nhấn mạnh trên mối tương quan giữa việc loan báo Tin mừng và việc cổ võ sự công bình. Điển hình như Hội nghị Medellin, Thượng Hội Đồng Giám Mục Roma năm 1971, tông huấn Evangelii nuntiandi của Đức Phaolô VI, và nhiều diễn từ của Đức Gioan Phaolô II. Trong những văn kiện này người ta có thể thấy một khuynh hướng càng ngày càng liên kết hai khía cạnh đó.

Việc cổ võ công bình càng ngày càng được xem là một thành phần cốt yếu của việc loan báo Tin mừng. Tất nhiên, sự cổ võ công bình không phải  là tất cả việc loan báo Tin mừng, nhưng nó cũng không phải chỉ là bước đầu của việc loan báo Tin mừng, vì lẽ nó không phải là việc tiền-loan-báo Tin mừng như đã từng được xem như vậy. Đúng hơn, việc cổ võ ấy làm nên một thành phần thiết yếu của việc loan báo Nước Thiên Chúa, tuy rằng nó không đồng hóa với toàn thể Nước Thiên Chúa. Con đường vẫn còn dài, nhưng phương thức trình bày hiện nay đã rõ ràng muốn tránh sự phân chia cũng như trà trộn giữa hai bên. Đức Bênêđictô XVI, trong bản văn được Hội nghị Aparecida trích dẫn đã phát biểu rằng: “Việc loan báo Tin mừng luôn luôn được nối kết với việc thăng tiến nhân loại và sự giải phóng đích thực của Kitô giáo” (13).

Hơn nữa, sự liên đới với người nghèo cũng nêu lên một đòi hỏi căn bản: nhìn nhận nhân phẩm trọn vẹn  của những người nghèo và điều kiện của họ là con cái Thiên Chúa. Thật vậy, một niềm xác tín đang lớn lên nơi những nghèo rằng, cũng giống như tất cả mọi người, họ có quyền làm chủ cuộc đời họ. Sự xác tín này không phải là một luận đề lý thuyết hay là một lời kêu ước lệ, nhưng đúng hơn, là một lối sống bắt buộc, tuy dù khó khăn và đắt giá. Và điều này trở nên khẩn trương nếu chúng ta biết rằng hiện nay tại Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, đang có những người đang cố tình gieo rắc thái độ hoài nghi về khả năng của những người nghèo trong làm thay đổi xã hội bằng cách cổ động chủ trương gọi là “một đường lối duy nhất để suy nghĩ”. Người ta cố thuyết phục những người nghèo rằng đứng trước những thực tại mới và không thể thoát được của việc toàn cầu hoá, tình hình kinh tế thế giới, tình trạng bá chủ đơn phương về chính trị và quân sự, họ không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận thực trạng và phải thay đổi tận gốc  những đòi hỏi của mình.

Sẽ không thật sự dấn thân cho tình liên đới với người nghèo nếu ta chỉ xem họ như là những kẻ thụ động chờ đợi sự giúp đỡ. Một điều kiện tối cần của tình liên đới chân chính là tôn trọng địa vị của họ như là những kẻ làm chủ định mệnh của mình. Vì thế, ngoại trừ một vài trường hợp khẩn trương hoặc ngắn hạn, mục tiêu không phải là  trở thành “tiếng nói của những kẻ không có tiếng nói”, như đôi khi vẫn nghe trong vài khẩu hiệu,  cho bằng giúp những kẻ không có tiếng nói tìm ra được cho mình một tiếng nói. Đối với hết mọi người, trở nên chủ động của lịch sử đời mình là biểu hiện của tự do và phẩm giá, là khởi điểm và là nguồn mạch cho sự phát triển nhân bản đích thật. Xét trong lịch sử, những người bị khinh thị  đã và vẫn còn là những con người im lặng trong lịch sử.

Vì vậy, điều quan trọng cần ghi nhận là lựa chọn người nghèo không phải là một điều mà chỉ những người không nghèo mới cần làm. Chính những người nghèo được mời gọi hãy chọn lựa ưu tiên đối với “những người bị khinh thị” và bị áp bức. Nhiều người đã làm như thế, nhưng cần nhận ra rằng, không phải tất cả mọi người đều dấn thân cho anh chị em của họ về chủng tộc, phái tính, tầng lớp xã hội, hay nền văn hoá. Con đường mà những người nghèo phải lựa chọn hầu đồng hoá với những kẻ hèn mọn của xã hội thì khác với con đường của những người thuộc về giai tầng xã hội khác, nhưng  nó là một bước quan trọng và thiết yếu để tiến tới việc trở nên những kẻ chủ động cho định mệnh của mình.

Rất đúng để xác định rằng ưu tiên lựa chọn người nghèo, nếu nó hướng đến việc thăng tiến sự công bình, cũng bao gồm tình bằng hữu với những người nghèo và giữa những người nghèo. Không có tình bằng hữu thì cũng không có tình liên đới đích thật, cũng chẳng có sự chia sẻ chân thành nào. Thật vậy, nó chính là sự dấn thân đối với những con người cụ thể. Về điều này hội nghị Aparecida nói rằng: “Duy chỉ sự gần gũi tạo nên những người bạn, mới cho phép chúng ta quý trọng các giá trị của những người nghèo ngày nay, những ước muốn chính đáng của họ, và lối sống niềm tin của họ.” (14)

Kết luận

Như vậy, trong bài này, tôi đã phân biệt ba chiều kích của việc lựa chọn người nghèo: tâm linh, thần học và loan báo Tin mừng,  để có thể bàn riêng mỗi chiều kích và có thể phác hoạ sơ lược đặc tính của mỗi chiều kích ấy. Nhưng rõ ràng là nếu tách biệt chúng ra thì chúng ta sẽ bóp méo và làm cạn kiệt chúng. Những chiều kích ấy đan xen lẫn nhau và nuôi dưỡng cho nhau; khi chúng bị coi như những căn phòng kín nước riêng biệt, chúng sẽ đánh mất đi ý nghĩa và năng lực của mình.

Ưu tiên lựa chọn người nghèo tạo nên một phần hành trình đi theo Đức Giêsu mang lại ý nghĩa cùng đích cho cuộc sống con người, và mang lại cho chúng ta là những kẻ tin “lý do cho niềm hy vọng” (1Pr 3,15). Lựa chọn này giúp chúng ta thấy việc hiểu biết về niềm tin là một khoa chú giải của niềm hy vọng, một lời giải thích cần được xét đi xét lại cách thường xuyên qua dòng lịch sử nhân loại và đời sống của chúng ta, để xây dựng nên những lý do cho niềm hy vọng. Cuối cùng, lựa chọn người nghèo đẩy chúng ta đến việc khám phá những lộ trình thích hợp cho việc loan báo ngôn sứ về Nước Thiên Chúa, khám phá sự thông truyền biết tôn trọng và làm nên một xã hội công bình, hiệp thông, huynh đệ và bình đẵng giữa mọi người.

———-

(1) Hội nghị hàng giám mục châu Mỹ Latinh và Caribe lần thứ V, 13-31 tháng 5, 2007, Aparecida, Brazil, Documento de Aparecida số 391, http://www.usccb.org/latinamerica/english/Documento_Conclusivo_Aparecida.pdf (accessed March 24, 2009).

(2) Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Diễn văn dành cho các giám mục châu Mỹ Latinh và Caribe,  Aparecida, 13 tháng 5, 2007, số 3, http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/may/ documents/hf_ben_xvi_spe_20070513_conference-aparecida_en.html (accessed March 24, 2009).

(3) Documento de Aparecida số. 392.

(4) Gregory Baum, Essays in Critical Theology (Kansas City: Sheed & Ward, 1994) 67.

(5) Antonio Machado, “Campos de Castilla” (Proverbios y cantares XLII), Poesias Completas (Madrid: Espasa-Calpe, 1979) 273.

(6) Nguồn gốc của tư tưởng này trích từ Kinh Thánh, nhưng lời trưng dẫn trực tiếp là câu nói thời danh của Đức Gioan XXIII: “Giáo hội của mọi người, đặc biệt Giáo hội của người nghèo” (“Sứ điệp truyền thanh gửi đến tất cả mọi Kitô hữu một thánh trước ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II ” [11 tháng 9, 1962], http://www.vatican.va/holy_father/john_xxiii/speeches/1962/documents/ hf_j-xxiii_spe_19620911_ecumenical-council_it.html [accessed March 24, 2009]).

(7) Hội nghị hàng giám mục châu Mỹ Latinh lần thứ III, 28 tháng 1, 1979, Documento de Puebla, số 1146, www.uca.edu.ar/esp/sec-pec/esp/docs-celam/pdf/ puebla.pdf (accessed March 24, 2009).

(8) Ibid. số 31.

(9) Tổng giám mục Oscar Romero, “Hội thánh nương tựa sự yếu đuối nơi Đức Kitô: Chúa nhật thứ 5 mùa thường niên, 5 tháng 2 năm 1978. Isaia 58: 7-10, 1 Côrintô 1:1-5, Matthêu 5: 13-16,” La palabra viva de Monsenor Romero (Koinonia), http://servicioskoinonia.org/romero/homilias/A/780205.htm (accessed April 7, 2009).

(10) Benedict XVI, Deus caritas est số 15, http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/ hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en. html (accessed March 24, 2009).

(11) Documento de Aparecida số. 98.

 (12) Cách nay một vài thập kỷ, Marie-Dominique Chenu đã nói chính xác rằng: “Cuối cùng, các hệ thống thần học chẳng qua cũng là sự diễn tả của những trường phái tâm linh” (Marie-Dominique Chenu, Le Saulchoir: Une école de théologie [Etiolles, France: Le Saulchoir, 1937]). Thật vậy, tâm linh là chìa khoá hợp nhất sức mạnh của thần học.

(13) Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn tại Aparecida số 3; xem thêm số  26. Cách đó một chút (số 4) ngài nói rằng  Giáo hội được gọi trở thành “luật sư cho công bình và bảo vệ người nghèo”. Xem Documento de Aparecida số 395.

(14) Documento de Aparecida số 398.

——————

[1] Nguyên văn “insignificant”: không có nghĩa lý, không được đếm xỉa tới.

[2] preferential option for the poor.

[3] “không thể đặt tên” (unnamable) vừa “gọi tên tất cả” (omni-namable).

[4] “Ưu đãi nhưng không độc nhất” (không loại trừ): privileged but not exclusive.

[5] “xâm nhập”: irruption; từ này cũng có nghĩa là: bùng nổ.

[6] “tập thể” (collective) –  “cộng đồng” (communal).

[7] “Thần học”: Theology ghép bởi hai danh từ Hy-lạp “theos” (thần, Thiên Chúa) và “logos” (lời, lý lẽ); vì thế theo nguyên ngữ Theology là một lời nói về Thiên Chúa.

[8] Danh từ justice vừa có nghĩa là công bình, công chính, công lý.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here